Ngày thứ ba (08-06-2021) – Trang suy niệm

07/06/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần X Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:    2 Cr 1, 18-22

“Đức Giêsu không phải vừa ‘Có’ lại vừa ‘Không’, nhưng nơi Người chỉ ‘Có’ mà thôi”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa là Đấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em không phải là vừa “Có” lại vừa “Không”. Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi anh em, Người không phải vừa “Có” lại vừa “Không”; trái lại, nơi Người chỉ là “Có” mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành “Có” ở nơi Người. Vì thế, nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời “Amen” tôn vinh Thiên Chúa. Vậy Đấng đã làm cho chúng tôi và anh em được đứng vững trong Đức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, chính là Thiên Chúa, Ngài đã ghi dấu trên mình chúng ta, và đã ban vào lòng chúng ta bảo chứng của Thánh Thần. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 129. 130. 131. 132. 133. 135

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu của Chúa (c. 135a).

Xướng:

1) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. – Đáp.

2) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. – Đáp.

3) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. – Đáp.

4) Xin Chúa nhìn lại thân con và thương xót, như Chúa quen xử với những người yêu mến danh Chúa. – Đáp.

5) Xin hướng dẫn con bước theo lời răn của Chúa, và chớ để điều gian ác thống trị trong mình con. – Đáp.

6) Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 5, 13-16

“Các con là sự sáng thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

08/06/2021 – THỨ BA TUẦN 10 TN

Mt 5,13-16

LÀ MUỐI VÀ ÁNH SÁNG!

“Chính anh em là muối cho đời,…  là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)

Suy niệm: Đặc tính của muối là mặn và của ánh sáng là tỏa sáng. Muối đã nhạt thì vô dụng, không còn ướp mặn được gì nữa; ánh sáng không sáng thì chẳng còn là mình nữa. Đức Giê-su gọi các môn đệ là muối và ánh sáng cho trần gian, bởi trần gian này đang thiếu vị mặn tình thương, bao dung và đức hạnh; trong khi lại đầy dẫy bóng đêm hận thù, tội lỗi và sự chết. Là muối và ánh sáng nghĩa là phản ứng lại thế gian, là làm chứng cho những giá trị của Tin Mừng. Sứ mạng thật cam go và đầy thử thách nhưng đó lại là căn tính của người môn đệ. Lời Đức Giê-su: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy… và tôn vinh Cha anh em Đấng ngự trên trời” tiếp tục âm vang nơi thư thánh Phao-lô: “Giữa một thế hệ gian tà và sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời” (Pl 2,5).

Mời Bạn: Làm sao ướp mặn, tỏa sáng cho trần gian trong khi bạn lại ‘nhạt’ và ‘tối’ bởi những tính hư tật xấu, cùng lối sống thiếu chất “văn minh tình thương?” Bạn không có lấy gì mà cho! Tin Mừng là nơi và phương thế để bạn hút lấy những phẩm chất của muối và ánh sáng đó.

Chia sẻ: Để là muối men và ánh sáng, người Ki-tô hữu phải phục vụ sự thăng tiến con người qua việc phục vụ sự sống, chăm sóc sức khỏe, chăm lo giáo dục và xây dựng hòa bình (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 35–38). Bạn sẽ làm gì để thực hiện lời dạy này của Hội Thánh?

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cụ thể trong ngày sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết thắp ánh sáng đời mình, trở nên muối men ướp cho anh chị em con bằng chính tình thương, sự quảng đại và tha thứ của bản thân. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Người ta thường định nghĩa kitô hữu là người tin vào Đức Kitô,
là người sống mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa,
hay đơn giản là người bạn của Ngài.
Chẳng thể nào nói đến kitô hữu mà không nói đến mối dây với Đức Kitô.

Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói chuyện với các môn đệ,
những người vừa được nghe các Mối Phúc,
Đức Giêsu lại đưa ra một định nghĩa khác về họ.
“Các con là muối cho trái đất” (c. 13).
“Các con là ánh sáng cho thế giới” (c.  14).
Thế giới này, trái đất này, nằm trong định nghĩa về người kitô hữu.
Không có kitô hữu sống lơ lửng giữa trời và đất.
Họ thuộc về trời và thuộc về đất, về thế giới hiện tại và thế giới mai sau.
Họ được sai vào thế giới này để phục vụ bằng cách biến đổi.

Muối có nhiều công dụng.
Muối dùng để bảo quản cho khỏi hư, để nêm nếm cho đậm đà, để bón phân.
Muối cần cho sự sống thường ngày con người.
Đức Giêsu dùng hình ảnh muối để áp dụng cho các môn đệ.
Họ cần cho trái đất này.
Như muối thấm vào đồ ăn, họ phải có ảnh hưởng tích cực trên trái đất.
Điều làm cho muối là muối, đó là vị mặn.
Muối trở nên nhạt thì đánh mất chính mình rồi, chẳng đáng gọi là muối nữa.

Đức Giêsu tự nhận mình là Ánh sáng cho thế giới (Ga 8, 12; 9,5; 12, 46).
Bây giờ Ngài mạnh dạn gọi các môn đệ là ánh sáng cho thế giới.
Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa khắp nơi.
Nhưng bóng tối và bóng mờ thì chỗ nào cũng có.
Cả bên ngoài lẫn bên trong tim con người.
Bóng tối thật là một quyền lực đáng sợ mà con người phải đối diện.
Chỉ khi môn đệ mang Ánh sáng của Đức Giêsu, và trở nên ánh sáng,
khi ấy họ mới có thể giúp thế giới này bừng sáng.

Thành thánh Giêrusalem ở trên núi, không sao giấu được.
Ngọn đèn được thắp lên cũng không để lấy thùng che lại.
Căn tính của người kitô hữu cũng vậy.
Tự nó bừng sáng, tự nó quyến rũ, tự nó hồn nhiên tỏa hương.
Đừng sợ để người khác thấy điều tốt nơi mình,
nếu điều đó đưa người ta đến chỗ nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa.
Một phần ba thế giới là kitô hữu,
bẩy phần trăm người Việt Nam là Công Giáo.
Chúng ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới hôm nay.

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,
nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,
thì thế giới này sẽ đổi khác,
Hội Thánh sẽ đổi khác.
Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm
về sự dữ trên địa cầu :
có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy
trên trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,
và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo
chịu để Chúa chi phối đời mình
và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này
trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG SÁU

Một Cộng Đồng Nhân Vị

Bản văn Sáng Thế 2,24 được kết hợp với lời chúc phúc được ghi lại trong Sáng Thế 1,28: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”. Chúng ta nhận ra rằng hôn nhân và gia đình – vốn là một phần của mầu nhiệm sáng tạo con người – được nối kết bởi mệnh lệnh “thống trị” mặt đất. Mệnh lệnh này được Đấng Tạo Hóa ủy thác cho đôi vợ chồng đầu tiên.

Con người được kêu gọi thống trị mặt đất, nhưng con người phải cẩn thận. Con người được kêu gọi để thống trị mặt đất chứ không phải để hủy diệt nó; vì công trình sáng tạo là một quà tặng của Thiên Chúa và xứng đáng được chúng ta tôn trọng. Người nam và người nữ được mời gọi để thống trị mặt đất cùng với nhau. Và mối kết hợp này là gốc rễ phát sinh gia đình và xã hội.

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ vì con người là nam và là nữ – nhưng còn vì mối quan hệ hỗ tương của phái tính. Mối quan hệ ấy làm nên linh hồn và trái tim của “cộng đồng nhân vị”. Nó trở thành một thực tại qua Bí Tích Hôn Nhân và mang dáng dấp của sự hiệp nhất ba ngôi vị thần linh nơi Chúa Ba Ngôi.

Về chủ đề này, Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc – bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’ (St 1,27); sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính; và nếu không liên lạc với những người khác, con người sẽ không thể sống và thể hiện các khả năng của mình” (MV 12).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 08/6

2Cr 1, 18-22; Mt 5, 1316.

LỜI SUY NIỆM: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ con việc quẳng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”

          Trong chúng ta ai ai cũng biết về đặc tính và công dụng của muối. Nhưng phẩm chất quan trọng và rõ ràng nhất, là làm tăng thêm hương vị cho thức ăn. Chúa Giêsu đang khẳng định và đề cao mỗi người Kitô hữu chúng ta có những phẩm chất như “Muối”. Điều này là một vinh dự cho mỗi người Kitô hữu chúng ta, nhưng đồng thời cũng mang trên mình một trách nhiệm lớn lao là đem lại hương vị cho cuộc sống nơi môi trường chúng ta sống, làm việc và học hành, nếu không chu toàn được bổn phận và trách nhiệm này thì chúng ta sẽ trở thành vô dụng và bị Người loại bỏ.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sống đúng phẩm chất của mình, và luôn biết ướp mặn đời mình bằng Lời Chúa, và các Bí Tích, giúp cho chúng con trở nên hương vị sống cho mọi người chung quanh chúng con. 

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

08 Tháng Sáu

Mẹ Chúng Ta 

Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử tọa như sau: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Ðức Mẹ là ai?”

Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: “Thưa Cha, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: “Ðúng thế, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria”. Liền sau đó, cử tọa liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Ðàng, Mẹ là Ðấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Ðấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Ðấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v…

Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Ðức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nóitiếp: “Ðức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn noid thêm về Ðức maria…”.

Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: “Tôi xin được nói với anh chị em Ðức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Ðó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Ðàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria…”.

Chính lúc Ðức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ.

Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Ðức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.

Thập giá là nguồn ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình, ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con người chối bỏ chính mình, khi con người trà đạp người khác, thì đó là lúc con người dựng thêm những thập giá mới.

Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.

Sứ điệp của Ðức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 10 – TN1 – Năm lẻ 

Bài đọc: 2 Cor 1:18-22; Mt 5:13-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người được trang bị để làm vinh danh Thiên Chúa.

            Trong việc giao tiếp, danh giá của một người ảnh hưởng đến những gì họ nói và làm; ví dụ, khán giả thường tin vào danh giá của diễn giả, trước khi họ có thể tin vào những gì diễn giả nói. Nhưng danh giá là những gì diễn giả có được, chỉ sau một thời gian chứng minh cho khán giả biết mình là người có thể tin cậy được. Ngược lại, nếu khán giả nghi ngờ danh giá của diễn giả, họ sẽ không tin hay không thèm nghe, những gì diễn giả trình bày. Trong việc rao giảng Tin Mừng cũng thế, nhà rao giảng cần thiết lập danh giá của mình trước khi rao giảng Tin Mừng cho khán giả. Nếu nhà rao giảng có một cuộc sống bê bối hay gian dối, ông không thể làm cho người khác tin vào Tin Mừng ông rao giảng, vì “lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn.”

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc Thiên Chúa đã trang bị cho con người đầy đủ để họ có thể làm chứng cho Ngài. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác nhận rõ ràng Đức Kitô đã làm cho tất cả những lời hứa của Thiên Chúa thành hiện thực. Phaolô và các môn đệ của ông noi gương Đức Kitô để sống và làm chứng cho sự thật này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em là muối để ướp và là ánh sáng để soi sáng cho thế gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người.

1.1/ Đức Kitô là mọi tiếng “có” của Thiên Chúa: Thánh Phaolô xác quyết Đức Kitô hoàn thành những gì Thiên Chúa hứa với con người qua các Tổ-phụ và Tiên-tri: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa.” Một vài ví dụ dẫn chứng điều này: lời Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát ngoài bãi biển, lời hứa ban Đấng Thiên Sai qua các tiên tri, lời hứa ban ơn cứu độ cho tất cả mọi dân tộc … Tiếng “Amen” mà chúng ta thường thưa sau đoạn kết của các kinh nguyện: “chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen” có nghĩa “chớ gì được như thế.” Vì Đức Kitô là nguồn mạch mọi ơn lành, chúng ta xin những điều đó nhân danh Ngài, và ước mong Thiên Chúa sẽ ban những điều chúng ta xin.

            Ngược lại với Thiên Chúa, con người không luôn luôn giữ những gì mình hứa. Vì thế, con người phải bắt chước Đức Kitô để luôn luôn biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Thánh Phaolô phân giải với các tín hữu Corintô: “Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là “có” vừa là “không.” Vì Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Sylvano, Timothy, và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là “có” vừa là “không,” nhưng nơi Người chỉ toàn là “có.”” Khi con người trung thành giữ những gì Đức Kitô dạy, họ làm chứng cho Ngài và cho Thiên Chúa.

1.2/ Thánh Thần là bảo chứng mọi tiếng “có” của Thiên Chúa: Thiên Chúa không những sai Đức Kitô để thực hiện những gì Ngài hứa với con người, mà còn gởi Thánh Thần của Ngài tới để giúp con người có sức để hoàn thành những gì Ngài đòi hỏi. Ví dụ, Đức Kitô đã chết để phục hồi sự sống cho con người; nhưng để có sự sống này, Thiên Chúa đòi con người phải tin vào Đức Kitô và giữ những điều răn Ngài dạy. Điều kiện này không phải dễ làm với sức con người; vì thế, Thiên Chúa, qua lời cầu xin của Đức Kitô, đã gởi Thánh Thần xuống cho các tín hữu. Thánh Phaolô xác nhận điều này: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thánh Thần vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” Bảo chứng hay tiền đặt cọc (arrabon) bảo đảm lời hứa của một người là thật. Khi Thiên Chúa gởi Thánh Thần, Ngài bảo đảm ơn cứu độ là của chúng ta, nếu chúng ta chịu theo sự hướng dẫn của Thánh Thần; nhưng nếu chúng ta không theo sự hướng dẫn của Ngài (như một người không chịu trả tiền nhà mỗi tháng), chúng ta sẽ không đạt tới ơn cứu độ.

2/ Phúc Âm: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ.

2.1/ Hai biểu tượng: Để dẫn chứng điều Thiên Chúa đã ban mọi ơn lành đầy đủ cho con người để họ có thể làm vinh danh Thiên Chúa, Đức Kitô dùng hai hình ảnh để cắt nghĩa cho các môn đệ:

            (1) Muối: Hai công dụng chính của muối là ướp mặn thịt cá cho khỏi hư và thêm gia vị cho thực phẩm. Muối không giữ vị mặn cho mình, nhưng được dùng cho các thực phẩm khác. Chúa Giêsu tuyên bố: “Chính anh em là muối cho đời.” Muối không ướp mặn là muối vô dụng, như lời Chúa cảnh cáo: “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”

            Một trong những điều chúng ta có thể so sánh với muối là tình yêu. Giống như muối đến từ biển, tình yêu đến từ Thiên Chúa vì Ngài là tình yêu. Con người không phải là nguồn tình yêu, nhưng nhận được tình yêu từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô. Con người không giữ tình yêu để chỉ yêu mình, nhưng là để yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Nếu con người không biết yêu thương, con người không thể đạt đích điểm của cuộc đời, và cũng không thể làm vinh danh Thiên Chúa.

            (2) Ánh sáng: Hai công dụng chính của ánh sáng là soi sáng và sưởi ấm. Ánh sáng không giữ sự sáng cho mình, nhưng để soi sáng cho người khác. Chúa Giêsu tuyên bố: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.” Ánh sáng không chiếu soi, sẽ trở thành vô ích như lời Chúa răn dạy: “Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.”

            Một trong những điều chúng ta có thể so sánh với ánh sáng là sự thật hay cuộc sống ăn ngay ở lành theo lề luật Thiên Chúa dạy. Như ánh sáng đến từ nguồn sáng là mặt trời, sự thật đến từ Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa. Con người không phải là nguồn sáng, hay sự thật, nhưng nhận được sự thật từ Đức Kitô. Con người không giữ sự thật cho mình, nhưng sau khi biết sự thật, con người loan truyền sự thật cho người khác; sống và làm chứng cho sự thật để người khác nhận ra Thiên Chúa. Con người không biết sự thật không thể đạt đích điểm của cuộc đời, và không thể làm vinh danh Thiên Chúa.

2.2/ Bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa: Sau khi được Thiên Chúa trang bị tất cả những điều cần thiết, con người có bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Đức Kitô là tiếng “có” và “Amen” của Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải noi gương Đức Kitô để luôn nói, sống, và làm chứng cho sự thật.

            – Thánh Thần là tình yêu và sự thật. Trước khi có thể loan truyền và làm chứng cho Thiên Chúa, chúng ta phải được thấm nhuần tình yêu và sự thật của Ngài.

            – Chúng ta được trang bị đầy đủ là để làm vinh danh Thiên Chúa. Hãy làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Chúa duy nhất và yêu thương con người. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************