Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba tuần 2 Mùa Vọng
BÀI ĐỌC I: Is 40, 1-11
“Thiên Chúa an ủi dân Người”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa ngươi phán: Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi. Và có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh quang Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán. Có tiếng bảo: “Hãy hô lên!”, và tôi nói: “Tôi sẽ hô lên điều gì?” Mọi xác phàm như cỏ dại; mọi vinh quang của nó đều như hoa ngoài đồng. Cỏ dại đã khô, hoa đã tàn, vì hơi Chúa đã thổi trên chúng. Vì chưng, dân là cỏ dại: Cỏ dại đã khô, hoa đã tàn, mà lời Chúa chúng ta tồn tại đến muôn đời. Hỡi ngươi là kẻ đem tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Ðây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực, và cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng, và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như một mục tử. Người ẵm những chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 95, 1-2. 3 và 10ac. 11-12. 13
Ðáp: Thiên Chúa chúng ta sẽ đến trong uy quyền (Is 40, 9-10).
1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người.
2) Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.
3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên; đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui.
4) Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở, trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.
ALLELUIA: Lc 3, 4. 6
All. All. – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – All.
PHÚC ÂM: Mt 18, 12-14
“Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, thì quả thật, Thầy bảo các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư đi”.
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
10/12/2024 – THỨ BA TUẦN 2 MV
Đức Mẹ Lô-rét-tô
Mt 18,12-14
CÓ MỘT TÌNH YÊU NHƯ THẾ
“Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Mt 18,12)
Suy niệm: Lev Tolstoy kể câu chuyện ngụ ngôn sau: con chó ngã xuống giếng, một người kéo chó lên, nhưng chó lại cắn vào tay ông. Ông này bèn quăng chó xuống giếng. Phản ứng này rất quen thuộc với con người mỗi khi bị phản bội, nhưng đó không phải là cách phản ứng của Thiên Chúa đối với loài người vốn thường phản bội Ngài. Ngài không muốn một ai phải hư mất đi. Kinh Thánh diễn tả nỗi lòng của Thiên Chúa này bằng hành động luôn tìm kiếm con người. A-đam và E-và phạm tội, Ngài đi tìm kiếm họ. Dân Do Thái như người vợ lăng loàn, hư thân, Thiên Chúa như người chồng rộng lượng đi tìm kiếm đưa về đoàn tụ. Ngài tìm kiếm con người như người mục tử tìm kiếm chiên lạc đang làm mồi sói dữ, như người đàn bà lục lọi mong tìm được đồng tiền lạc mất.
Bạn có biết vì sao Thiên Chúa tìm kiếm con người không? Nét đẹp của tình yêu Thiên Chúa là luôn cất bước tìm con người tội lỗi để tha thứ. Ở đâu hoặc ai thấy ở đâu, xin hãy chỉ cho Ngài. Tôi và bạn không ai dám nhận mình có mặt trong số chín mươi chín người công chính. Vậy, là những con chiên lạc, ta cùng lên tiếng để Chủ Chăn nhân lành đón chúng ta trở về nhé!
Sống Lời Chúa: Bạn rủ một người bạn của bạn nữa đi lãnh bí tích Hoà Giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con thấy Chúa thật bao la, để tội lỗi không thể chặn hết lối con về. Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu, để con không thể dung túng một tật xấu nào. Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Chăn chiên là một nghề đã có từ lâu.
Nhiều nhà lãnh đạo dân Do-thái như Môsê, Đa-vít, đều làm nghề này.
Trên những đồng cỏ mênh mông, giữa trời và đất, chỉ có chiên và mục tử,
nên giữa đôi bên có một sự thân thiết và hiểu biết nhau thật gần gũi.
Chính vì thế trong Cựu Ước, Thiên Chúa hay ví mình với người chăn chiên.
Đàn chiên là dân Do-thái, là dân riêng Ngài rất mực quý yêu:
“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa…
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).
Như Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng ví mình với người mục tử tốt lành.
“Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10, 14).
Sự hiểu biết thân thương này mạnh đến độ
Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10, 15).
Sau khi chết và phục sinh, Đức Giêsu muốn Simon nhận sứ mạng mục tử.
Ngài mời ông chăm sóc và chăn dắt chiên của Ngài (Ga 21, 15-17).
Như thế đoàn chiên mới của Đức Giêsu lúc nào cũng được bảo vệ.
Qua bao thế kỷ Giáo Hội vẫn không ngừng có những mục tử mới,
nối gót Simon Phêrô để phục vụ và hiến mạng vì đoàn chiên.
Nhưng Đức Giêsu không dạy người mục tử chỉ lo cho cả đoàn,
mà quên chăm sóc cho từng con chiên một.
Ngài mời ta để ý đến tập thể lớn, nhưng không được quên từng cá nhân nhỏ.
Có khi chỉ một con chiên lạc lại khiến người mục tử bận tâm lo lắng
đến nỗi để chín mươi chín con trên núi mà đi tìm con bị mất (c. 12).
Không phải vì coi thường chín mươi chín con không bị lạc,
nhưng vì người mục tử không muốn mất con nào.
Con chiên lạc lại có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim mục tử.
Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về chuyện tìm lại được điều đã mất.
Khi mất thì đứng ngồi không yên,
khi tìm thấy thì bình an và niềm vui òa vỡ.
Người mục tử lo âu, vất vả tìm kiếm con chiên lạc,
nhưng khi tìm được rồi thì niềm vui là vô bờ.
Có thể nói còn vui hơn chuyện chín mươi chín con không bị lạc (c. 13).
Dường như người ta bắt đầu quý một điều từ khi mất điều đó.
Có khi một người bắt đầu hiện diện từ khi người ấy vắng mặt và mất đi.
Cha không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (c. 14).
Cha muốn cho mọi người được cứu độ và không muốn mất một ai (1 Tm 2, 4).
Mùa Vọng là thời gian chúng ta nhìn lại những người bé mọn quanh ta,
những người từ lâu đã bỏ nhà thờ, những người mất lòng tin vào Chúa.
Mỗi người chúng ta phải là mục tử cho nhau, chăm sóc nhau, quý nhau,
khởi đi từ những người trong gia đình, trong nhóm bạn thân quen.
Chúng ta quý nhau vì Thiên Chúa quý từng người chúng ta.
Chúng ta chẳng thể mừng Lễ Giáng sinh nếu còn một người đang lạc ở đâu đó.
Nếu chịu mất công đi tìm về, chúng ta mới được hưởng niềm vui trọn vẹn
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương.
Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi.
Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống trị địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG MƯỜI HAI
Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm
‘Vô Nhiễm’ không duy chỉ có nghĩa rằng Đức Maria đã được dành cho một chỗ đặc biệt trên tất cả số còn lại của chúng ta. ‘Vô Nhiễm’ cũng không có phải là Mẹ được tách ra khỏi tất cả chúng ta – là những kẻ phải chịu di lụy của tội nguyên tổ.
Phải nói hoàn toàn ngược lại mới đúng. Mẹ đứng ở giữa cuộc chiến thiêng liêng chống lại Vua của Tối Tăm và Cha của Dối Trá – là kẻ thù của người phụ nữ và miêu duệ người phụ nữ.
Qua Sách Sáng Thế, chúng ta có thể nhìn thấy Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm với tất cả sự thật của việc Mẹ được tuyển chọn. Chúng ta có thể nhìn thấy Mẹ ở tột đỉnh của mối thù ấy: dưới chân Thập Giá Chúa Kitô trên đồi Canvê. Chính ở đó mà ‘Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi cố cắn gót chân Người’. Trả giá bằng chính mạng sống mình, Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự chiến thắng trên Satan, trên tội lỗi và sự chết.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10/12
Đức Mẹ Loreto
Is 40, 1-11; Mt 18, 12-14.
Lời Suy Niệm: “Anh em nghĩ sao? ”Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng, vì con chiên đó, hơn là chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ mọn này phải hư mất.” (Mt 18,12-14).
Càng gần đến ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi các tín hữu phải cảm nhận được tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa đối với từng con người một trong chúng ta. Ngài chăm sóc từng con người một, nếu trong chúng ta có điều gì đó mà phải lạc xa đàn, thì chính Ngài đích thân đi tìm cho bằng được con người đó về với cộng đoàn, chứ không phải tìm cho đủ số lượng. Điều này giúp cho người tín hữu đặt trọn niềm tin vào lòng khoan dung tha thứ, sau mỗi lần chúng ta sai phạm phải xa lìa Chúa, xa lìa cộng đoàn.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con cùng cộng tác với Chúa trong ơn cứu chuộc của Chúa đối với chính bản thân mình, đồng thời cũng đừng để chúng con lỗi phạm làm cớ cho người anh em phải xa rời cộng đoàn mà chúng con đang cung kính thờ phượng Chúa. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
10 Tháng Mười Hai
Quyền Con Người
Ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con người… Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhận loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ.
Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội… đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.
Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.
Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.
Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con người. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi.
Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Ðức Kitô. Ðó là tất cả phẩm giá của con người.
Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Ðộ, đã xác quyết về công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèo. Ðược hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn: “Ðó là người nghèo”. Bởi vì, theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói: “Họ là Chúa Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao cho họ”.
Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng ta. Tôn trọng nhân quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba – Tuần II – MV
Bài đọc: Isa 40:1-11; Mt 18:12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tha thứ
Con người thường có khuynh hướng yêu những người đáng yêu và lọai bỏ những người đáng ghét; nhưng nếu con người cứ theo khuynh hướng này, thì chẳng mấy chốc con người sẽ hết người để yêu, vì người nào cũng là tập hợp của cả cái đáng yêu và cái đáng ghét. Một tình yêu chân thật đòi mọi người phải biết yêu thương tha thứ cho tha nhân như Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con người.
Các Bài đọc hôm nay đều xoay quanh chủ đề yêu thương và tha thứ. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah ví Thiên Chúa như Mục Tử: Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho khán giả: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” Một con chiên lạc có thể không gây sự quan tâm cho con người, nhưng là một quan tâm cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Mục Tử Tốt Lành, Ngài xuống trần để tìm những chiên lạc về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mọi người đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
1.1/ Dân chúng bị lưu đày vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa: Đền Thờ bị phá hủy, Thành Jerusalem bị san phẳng, vua quan và dân chúng bị lưu đày vì đã phạm tội và khinh thường những lời Chúa cảnh cáo qua các tiên tri. Chúa có quyền ngỏanh mặt để kẻ thù trừng trị đích đáng dân phản nghịch; nhưng Ngài không nỡ để dân phải chết, vì Ngài là Thiên Chúa yêu thương. Ngài phải sửa phạt để thanh luyện tội lỗi, nhưng luôn quan tâm và gởi các sứ giả đến khích lệ dân trong thời gian lưu đày, như trình thuật của Tiên Tri Isaiah hôm nay: “Thiên Chúa anh em phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Jerusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”” Thành ở đây là Jerusalem, được nhân cách hóa để chỉ Israel.
1.2/ Tội sẽ được tha nếu dân biết ăn năn xám hối:
(1) Dân phải chuẩn bị đường cho Chúa tới: Vì dân đã phạm tội nên Thiên Chúa rời xa họ. Để được Thiên Chúa trở lại, họ phải thanh tẩy mọi tội lỗi đã xúc phạm đến Ngài; vì Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện, Ngài không thể ở trong những tâm hồn tội lỗi. Thiên Chúa gởi sứ giả của Ngài tới tận nơi lưu đày để kêu gọi và giúp dân ăn năn trở lại. TT Isaiah tường thuật: “Có tiếng hô: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.””
(2) Tội nặng nhất là tội không biết kính sợ Thiên Chúa: Trong hầu hết các Sách Khôn Ngoan, các tác giả đều tuyên xưng: “Kính sợ Đức Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan.” Vì thế, không biết kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi điên rồ. Đọan văn kế tiếp nói lên sự rồ dại của con người: “Có tiếng nói: “Hãy hô lên!” Tôi thưa: “Phải hô lên điều gì?” “Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua. Phải, dân là cỏ: cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững.””
Con người là cỏ hoa mà nghĩ mình sống không cần đến Thiên Chúa. Ngay từ đầu Sách, Tiên Tri đã kết án sự rồ dại này, và coi dân phản nghịch còn thua lòai bò lừa: “Trời hãy nghe đây, đất lắng tai nào, vì Đức Chúa phán: “Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta. Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:2-3).
1.3/ Thiên Chúa sẽ đón nhận và chăn dắt dân nếu họ biết ăn năn trở lại: Thời gian Lưu Đày là thời gian thuận tiện để Israel biết ăn năn xét mình, và nhận ra họ không thể sống mà không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi họ biết phục tùng Thiên Chúa, Ngài sẽ làm cho họ những điều mà họ không bao giờ ngờ tới; vì Ngài nắm trong tay mọi chủ quyền. Tiên Tri Isaiah nhìn thấy trước 2 điều sẽ xảy ra khi dân biết ăn năn trở lại:
(1) Tương lai gần: Chúa sẽ cho dân hồi hương để tái thiết lại Đền Thờ và xứ sở: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Jerusalem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Judah rằng: “Kìa Thiên Chúa các ngươi!” Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.”
(2) Tương lai xa: Chúa sẽ gởi Đấng Thiên Sai đến để cai trị dân Ngài: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.”
2/ Phúc Âm: Cha của anh em không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.
Con người có thể đặt câu hỏi: Làm sao Thiên Chúa có thể biết và quan tâm đến tất cả mọi người trong thế giới này? Chỉ trong 3 câu ngắn ngủi của Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy quyền năng và sự quan tâm của Thiên Chúa đến tất cả mọi người.
2.1/ Thiên Chúa luôn tìm kiếm, dù chỉ một con chiên lạc: Chúa Giêsu đặt câu hỏi với con người: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” Đối với con người, một con chiên lạc không đáng kể gì, vì vẫn còn 99 con chiên khác; nhất là đối với những con chiên không chịu vâng lời, cố tình đi lạc. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài để 99 con chiên lại để đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được.
2.2/ Ngài vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc: Không những đi tìm con chiên lạc, “và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thế giới hôm nay đề cao chủ nghĩa cá nhân: chỉ quan tâm đến những gì ích lợi cho mình, và gạt bỏ những gì gây gánh nặng cho cuộc sống: người già, bệnh nhân, kẻ thù. Nếu Thiên Chúa cũng lọai bỏ như con người, làm sao chúng ta có cơ hội được cứu độ?
– Như lời Kinh Lạy Cha chúng ta đọc hằng ngày: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;” chúng ta phải tha thứ cho nhau trước khi xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ.
– Cách tốt nhất để dễ tha thứ cho tha nhân là năng lãnh nhận Bí-tích Hòa Giải. Mỗi khi xét mình trước khi xưng tội, chúng ta nhận ra rất nhiều cái đáng ghét nơi con người của mình. Điều này làm chúng ta nhìn lỗi lầm của tha nhân với lòng bao dung hơn, vì họ cũng yếu đuối tội lỗi như mình. Người không năng xét mình xưng tội rất dễ kết án tha nhân, vì họ tưởng mình không có tội.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************