Ngày thứ ba (26-03-2024) – Trang suy niệm

25/03/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần Thánh

BÀI ĐỌC I: Is 49, 1-6

“Ta đã làm cho con nên sự sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận cùng trái đất”.

(Bài Ca thứ hai của người Tôi tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tên tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới bóng cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa; và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”. Và bây giờ Chúa phán: “Người là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người. Tôi được vinh hiển trước mặt Chúa, và Thiên Chúa là sức mạnh tôi. Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15 và 17

Đáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (c. 15).

 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu.  

2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Thạch Đầu, là chiến luỹ của con.Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác.  

3) Bởi Ngài là Đấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa, từ trong thai mẫu, Chúa là Đấng bảo vệ con.  

4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài.  

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:

Kính lạy Vua chúng con, Đấng vâng lời Chúa Cha, Ngài đã bị dẫn đi để chịu đóng đinh vào thập giá, như con chiên hiền lành bị dẫn đi giết.

PHÚC ÂM: Ga 13, 21-33. 36-38

“Một người trong các con sẽ nộp Thầy… Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó”. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: “Con tính làm gì thì làm mau đi”. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: ‘Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được’, nay Thầy cũng nói với các con như vậy”.

Simon Phêrô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.

Phêrô thưa lại: “Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH

Ga 13,21-33.36-38

ĐAU ĐỚN ĐỢI CHỜ

TRONG KHOAN DUNG

“Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” (Ga 13,38)

Suy niệm: Đức Giê-su đã nhẹ nhàng nhắc khéo Giu-đa (c. 27), để ông có cơ hội trở về, nhưng Giu-đa vẫn lạnh lùng thực hiện ý định bán thầy. Với Phê-rô, Ngài cũng cảnh báo trước cho ông biết (c. 38), nhưng ông vẫn chối thầy. Chắc chắn Thầy Giê-su buồn lắm, nhưng Ngài vẫn luôn bao dung chờ đợi người lầm lỗi trở về. Phê-rô đã tỉnh ngộ, ăn năn khóc lóc (x. Lc 23,62), được ơn tha thứ. Hình ảnh một Thiên Chúa bao dung nhân hậu như vậy luôn mời gọi chúng ta chiêm ngắm cho đến tận hôm nay. Ta vẫn biết, nhờ lý trí, tiếng lương tâm mách bảo, những gì nên làm và phải tránh. Thế nhưng, nhiều lần ta bỏ qua những gợi ý ấy, mà đâm đầu vào tội lỗi. Đã vậy, lắm lúc chúng ta lại ù lỳ trong tội, chần chừ, không muốn giao hòa với Chúa sớm hết sức có thể. Chúa vẫn bao dung chờ đợi lòng sám hối của chúng ta.

Mời Bạn: Phê-rô chối Thầy trong khoảnh khắc yếu đuối, thật ra ông vẫn yêu mến Ngài. Trái tim Đức Giê-su bị lỗi lầm của Phê-rô đâm thâu, nhưng Chúa không bao giờ đoạn tình với ông. Bạn cũng vậy, đừng vì những lầm lỡ nhất thời của mình, mà quên đi lòng khoan dung Chúa dành cho Bạn.

Sống Lời Chúa: Cảm nghiệm tình yêu không ngơi của Đức Giê-su dành cho nhân loại, bạn cầu nguyện cho người tội lỗi được ơn hoán cải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con đã thấy tội lỗi nhân loại chất lên vai Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết can đảm để trở về, bớt đi chút sức nặng mà Chúa phải vác trong cuộc Khổ nạn, để chúng con tìm lại niềm vui vì được ơn tha thứ và đổi mới. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM

Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.
Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến
trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1. 27).
Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).
Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).
Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến
khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).
Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến,
mà là đừng để nó làm chủ mình.

 Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội.
Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình.
Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22).
Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy,
nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương,
để nhờ anh hỏi xem là ai.
Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội.
Thầy chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra.
Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.
Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.
Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy,
như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc.
Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại.
Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không ?
Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi.
“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27).
Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa.
Thầy đã rửa chân cho anh,
và còn cho anh tham dự Bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27).
Khi biết lòng anh chai đá,
Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27).
Giuđa ra đi lúc trời đã tối.

 Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần.
Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).
Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình.
Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ.

 “Thầy đi đâu ?”, tiếng Latin là “Quo vadis ?” (c. 36).
Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai.
Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma,
anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy : “Thầy đi đâu vậy ?”
Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.
Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.

 LỜI NGUYỆN

 Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

 Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.

 Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

26 THÁNG BA

Hãy Tung Hô Vạn Tuế Đức Vua

“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Vạn tuế trên các tầng trời.” Những lời ấy đã được nhiệt liệt hô vang bởi tất cả những người đến Giê-ru-sa-lem mừng đại lễ Vượt Qua. Những lời ấy vang lên – đặc biệt từ môi miệng trẻ em – khi đám đông chào đón Đức Giêsu vào thành mừng lễ. Vì thế, mối liên hệ giữa giới trẻ với biến cố Đức Giêsu khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem luôn luôn là một yếu tố quan trọng trong cử hành của Giáo Hội vào Chúa Nhật Lễ Lá. Đức Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi các bạn trẻ của thời đại chúng ta. Người nói: “Hãy đến! Hãy chào mừng Ta là Vua và là Đức Chúa của các con”.

Chúng ta hãy hướng nhìn về Đức Kitô trong tinh thần này. Người là Đấng đã vào Giê-ru-sa-lem trên lưng lừa con, ứng nghiệm các lời ngôn sứ xưa. Các tông đồ đã trải áo choàng trên lưng lừa cho Đức Giêsu vào Thành Thánh. Và khi Người đến gần triền dốc chân núi Ô-liu, toàn thể đám đông – cả già lẫn trẻ – đã hoan hô nhiệt liệt. Họ “bắt đầu lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa vì những việc đầy quyền năng mà họ đã chứng kiến” (Lc 19,37).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 26/3

Thứ Ba Tuần Thánh

Is 49, 1-6; Ga 13, 21-33. 36-38

Lời Suy Niệm: Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy. Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai.” (Ga 13,21-22)

          Đây là lời loan báo của Chúa Giêsu với những người môn đệ thân tín của Người. Điều này đã làm xôn xao trong Nhóm Mười Hai, bởi vì cách đây chỉ ít giây phút trước khi vào bàn tiệc, Chúa Giêsu đã tự hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ, lấy vải thắt lưng mà lau, một cử chỉ bởi lòng yêu thương tận cùng của Vị vừa là Thầy vừa là Chúa. Thế mà trong số đó vẫn có kẻ ác tâm, muốn nộp Thầy mình cho những kẻ muốn giết chết Thầy mình.

          Lạy Chúa Giêsu, cám đỗ của Satan luôn luôn bám sát bên mình chúng con. Xin Chúa cho chúng con có được cử chỉ như thánh Gioan Tông Đồ, luôn ngồi sát bên Chúa, biết tựa đầu mình vào ngực Chúa, để luôn cảm nhận là mình được Chúa yêu. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

26 Tháng Ba

Mua Nghĩa

Ðời chiến quốc, Phùng Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quuân là tướng quốc nước Tề.

Một hôm Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: “Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?”. Mạnh Thường Quân bảo: “Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về”.

Phùng Huyên đến đất Tiết cho người mời tất cả những con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Huyên đem đốt hết những văn khế. Những người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.

Khi họ Phùng trở về, Mạnh tướng quân lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm lệnh mua điều nghĩa đem về.

Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi: “Mua điều nghĩa thế nào?”. Họ Phùng đáp: “Tôi trộm lệnh tha cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là vì tướng công mua được điều nghĩa vậy”.

Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: “Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy”.

“Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con về chốn an nghỉ đời đời”.

Lời khuyên trên của Chúa Giêsu có giá trị hơn việc mua điều nghĩa do ông Phùng Huyên bày ra để dân chúng đất Tiết hoan hô đón rước Mạnh Thường Quân, khi ông bị thất thế. Bởi lẽ lời khuyên của Chúa Giêsu đề cập về thời gian tối hậu của cuộc sống đời sau, khi con người phải nhắm mắt xuôi tay. Như khi đã đến trần gian trần truồng, từ dạ mẹ mang tiếng khóc ban đầu mà ra thì lúc chết, con người phải từ giã cuộc sống ra đi với đôi bàn tay trắng.

Ở đoạn 25 của Phúc Âm Thánh Matthêô, Chúa Giêsu nêu rõ lúc đó những bạn hữu sẽ tiếp đón chúng ta vào cuộc sống trường sinh là những ai? Ðó là:

– Những người đói khát mà chúng ta đã cho ăn uống.

– Những kẻ rách rưới mà chúng ta đã cho quần áo che thân.

– Những người đau ốm mà chúng ta đã đến viếng thăm giúp đỡ.

– Những kẻ bị giam cầm mà chúng ta đã can đảm đến ủy lạo, ủi an.

– Những người sa cơ lỡ bước mà chúng ta đã cho tạm trú.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần Thánh

Bài đọc: Isa 49:1-6; Jn 13:21-33, 36-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người Tôi Trung hoàn toàn tin cậy nơi Thiên Chúa.

Con người thường có khuynh hướng muốn nhìn thấy kết quả ngay; và dễ nản chí bỏ cuộc khi đã cố gắng hết sức mà vẫn không có kết quả gì. Trong những lúc như thế, con người dễ than thân trách phận, trách Trời, và trách người. Hậu quả là con người dễ bỏ đường lối của Thiên Chúa để chạy theo các cách thức của mình, của thế gian, hay của ma quỉ.

Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những tấm gương để dạy con người phải biết hoàn toàn trông cậy nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Người Tôi Trung nhiều khi cảm thấy những cố gắng của mình hoài công vô ích; nhưng sau khi định thần nhìn lại, ông quyết định tiến tới vì ông biết Thiên Chúa sẽ cho ông phần thưởng sau cùng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chắc cũng phải nhụt chí khi phải đương đầu với sự phản bội của Judah, và nhất là của Phêrô, người Chúa đặt kỳ vọng rất nhiều vào ông; nhưng Chúa vẫn can đảm tiến tới. Ngài tin tưởng Thiên Chúa sẽ dành cho Ngài chiến thắng sau cùng; qua đau khổ của Thập Giá là sự sống lại hiển vinh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bài ca thứ hai về Người Tôi Trung của Thiên Chúa

1.1/ Phải ghi nhớ muôn đời những gì Thiên Chúa đã làm, và loan báo cho mọi người được biết: Người Tôi Trung tường thuật những gì Thiên Chúa đã làm cho ông: “Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.” Tất cả những gì tôi sở hữu đến giờ này là do Người ban: tài năng, sức mạnh, sự hiểu biết. Người bảo vệ tôi như người dũng sĩ cất giấu các mũi tên bên mình, chứ không hoang phí một mũi tên nào.

Sẽ có những lúc Người Tôi Trung cảm thấy mệt mỏi, vì thấy những cố gắng của mình bị khoang phí và không mang lại kết quả như lòng mong ước, và phải thốt lên: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.” Nhiều khi Người Tôi Trung còn phải lãnh nhận những hậu quả ngược lại điều mong ước: phản bội thay vì thương yêu, oán thù thay vì ân nghĩa.

1.2/ Phải tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của Thiên Chúa:

(1) Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi: Những lúc chao đảo như thế, Người Tôi Trung cần định thần để nhớ lại đâu là nguồn sức mạnh đích thực của mình, và đâu là sứ vụ đã được trao phó: “Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng. Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Jacob về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.”

(2) Không chỉ giải thóat Israel, mà còn trở nên ánh sáng cứu độ cho tòan thế giới: Sứ vụ của Người Tôi Trung không chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái, nhưng được mở rộng cho tòan thế giới, vì như Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu tuyên bố sự phản bội của Judah và của Phêrô.

2.1/ Sự phản bội của Judah Iscariot: Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến khi phải đương đầu với sự phản bội của Judah, và nhất là phải báo tin cho các tông đồ biết thời giờ đã điểm. Chúa có thể làm ngơ để chuyện gì phải đến sẽ đến, nhưng Chúa muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông để họ đừng ngỡ ngàng khi nó xảy ra; và nhất là biết những chuyện xảy ra đã được xếp đặt trước. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?”

Chúa Giêsu cho Judah biết sự phản bội của ông: Để khỏi gây hoang mang và ngộ nhận giữa các tông đồ, và cũng để cho Judah biết không có gì ông tính tóan qua được mắt Chúa, Ngài nói: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Judah, con ông Simon Iscariot. Có lẽ chỉ có 3 hay 4 người biết kẻ phản bội: Chúa Giêsu, đương sự, Phêrô và Gioan. Khi biết kế họach bị bại lộ; ngay khi Judah vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” Judah liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. Thánh sử Gioan muốn nhấn mạnh cho độc giả hiểu thế nào là “trời đã tối:” trời tối vì khi ăn Lễ Vượt Qua, trời bên ngòai đã vào đêm; nhưng tâm hồn của Judah từ lúc đấy cũng trở nên tăm tối, vì đã quay lưng lại với nguồn ánh sáng chân thật là Thầy mình.

2.2/ Chúa Giêsu nhận ra vinh quang Ngài nhận được giữa hai sự phản bội: Khi Judah đi rồi, cái chết trên Thập Giá chắc chắn sẽ xảy ra. Khi điều đó xảy ra là lúc Chúa Giêsu được tôn vinh. Vinh quang Chúa Giêsu có được là qua con đường Thập Giá: không qua gian khổ sẽ không đạt tới vinh quang. Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người: Chúa Giêsu đã cho Thiên Chúa danh dự và vinh quang tối cao vì Ngài vâng lời Thiên Chúa cho đến nỗi bằng lòng chết trên Thập Giá. Nhờ sự vâng lời của Ngài, kế hoạch của Thiên Chúa cho con người thành sự thật: con người nhận ra tất cả những gì Chúa Con nói là sự thật, và sẵn sàng hy sinh đáp trả tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Khi Thiên Chúa được tôn vinh, Ngài cũng sẽ tôn vinh Chúa Con. Ngài không những tôn vinh Chúa Con, mà còn siêu tôn Ngài bằng cách: cho sống lại, lên trời, trao vương quốc, và ban một danh hiệu trổi vượt hơn muôn ngàn danh hiệu (x/c Phi 2:10-11).

2.3/ Sự phản bội của Phêrô: Chúa Giêsu biết rõ tính tình của Phêrô: nhanh nhẩu đoảng, hứa đấy rồi quên đấy. Ông rất nhiệt thành, nghĩ sao nói vậy; sống về trái tim hơn là về trí óc. Vì thế, Chúa nhắc nhở ông: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” Chúa Giêsu biết cả quá khứ, hiện tại, và tương lai của Phêrô. Đó là lý do tại sao Chúa nói với ông: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Ông chưa sẵn sàng theo Chúa hẳn lúc này, nhưng sẽ đến ngày ông sẽ cùng đi con đường thập giá với Chúa; lúc đó, lời ông nói “Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” thành hiện thực.

Có một sự khác biệt lớn giữa hai sự phản bội của Judah và của Phêrô: Sự phản bội của Judah là sự phản bội có tính toán; sự phản bội của Phêrô là sự phản bội vì yếu đuối, xảy ra cách đột xuất vì không chuẩn bị. Sự phản bội của Judah không dành chỗ cho hối hận và trở lại; sự phản bội của Phêrô tức khắc quay về khi nhận ra mình đã làm điều đó: “Ông òa lên khóc!” (Mk 14:72).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Có những lúc chúng ta cảm thấy chán chường, mệt mỏi, và muốn bỏ cuộc; vì những cố gắng của chúng ta dành cho Chúa đã không mang lại kết quả tốt đẹp, lại còn đưa đến chia ly, phản bội. Khi phải đối diện với những giờ phút như thế, chúng ta phải nhớ lại hình ảnh Người Tôi Trung và Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Cứ can đảm tiến tới, vì Thiên Chúa luôn đồng hành, và Ngài là Người sẽ ban cho chúng ta phần thưởng sau cùng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************