Ngày thứ bảy (07-09-2019) – Trang suy niệm

06/09/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Cl 1, 21-23

“Người đã giao hoà anh em, để làm cho anh em nên thánh thiện và tinh tuyền”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ xa lạ và thù nghịch trong tư tưởng và trong hành động xấu xa. Nhưng hiện nay, Thiên Chúa đã giao hoà anh em trong xác thịt của Đức Kitô, nhờ cái chết của Người, làm cho anh em nên thánh thiện, tinh tuyền, không có gì đáng trách trước mặt Người, miễn là anh em được xây dựng, kiên trì trong đức tin, bền vững và không lay chuyển khỏi lòng trông cậy vào Tin Mừng, mà anh em đã được nghe biết và đã được loan báo cho mọi tạo vật dưới bầu trời, là Tin Mừng mà chính tôi, Phaolô, là người phục vụ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 53, 3-4. 6 và 8

Đáp: Kìa, Thiên Chúa phù trợ tôi (c. 6a).

Xướng:

1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin. – Đáp.

2) Kìa, Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 6, 1-5

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

07/09/2019 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

Lc 6,1-5

NGÀY SA-BÁT

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sa-bát?” (Lc 6,2)

Suy niệm: Luật Mô-sê cho phép người ta đi ngang qua ruộng lúa có thể “lấy tay bứt bông lúa” nhưng không được “tra liềm cắt lúa” (Đnl 23,26). Thế nhưng, những người Pha-ri-sêu viện cớ ngày Sa-bát để “chụp mũ” cho việc “bứt lúa” của các môn đệ là hành vi “gặt lúa”, là việc bị cấm làm trong ngày nghỉ lễ. Với thái độ đầy thành kiến chuyên bới lông tìm vết để biến một việc bình thường vô hại thành một trọng tội, những người Pha-ri-sêu có vẻ như đang tuân thủ Lề Luật cách nghiêm ngặt, nhưng trong lòng họ đầy thù ghét và ác ý. Chúa Giê-su đã nhiều lần quở trách: họ chất gánh nặng lên người khác mà mình thì chẳng thèm đụng vào, ngốn hết các tài sản bà góa lại còn giả bộ đọc kinh lâu giờ… Chúa lên án họ giống như những “mồ mả tô vôi,” bề ngoài có vẻ công chính nhưng là “giả hình và gian ác” (x. Mt 23,13-32).

Mời Bạn: “Con Người làm chủ cả ngày Sa-bát.” Chúa có ý muốn nói rằng việc thờ phượng phải quy hướng về Chúa là chủ tể mọi sự; và lễ hy tế dâng lên Ngài không có giá trị gì nếu không có của lễ Ngài ưa thích là lòng nhân nghĩa và việc phục vụ tha nhân. Nếu dâng nhiều lễ vật mà lại sống ích kỷ, tham lam, cậy quyền thế làm điều nhũng nhiễu, bất công đối với người nghèo hèn cô thế, buôn bán gian lận, sản xuất hàng giả, độc hại… thì cũng đáng chịu nguyền rủa như những người Pha-ri-sêu giả hình.

Sống Lời Chúa: Làm việc gì cũng nghĩ đến lợi ích và hạnh phúc của người khác trước hết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa diệt trừ mọi mầm mống tham lam ích kỷ trong lòng chúng con, để chúng con xây dựng một thế giới tốt đẹp trong một nền văn minh tình thương.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG CHÍN

Liên Kết Với Cây Nho

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, mối kết hiệp thiêng liêng giữa cành và cây phải được củng cố. Bản thân người được kêu gọi và Chúa Kitô phải hiệp nhất ngày càng thâm sâu hơn. Và điều này nhất thiết có nghĩa rằng đương sự phải có kỷ luật sống và biết hy sinh – cách riêng phải biết học hỏi và cầu nguyện. Chính sự hy sinh sẽ giải phóng trái tim chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể nhiệt thành bám chặt vào Lời Chúa. Chính sự hy sinh sẽ thúc đẩy chúng ta quên mình để phục vụ anh chị em mình. Như thánh Gioan viết: “Cành nào sinh hoa trái, thì sẽ được cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái hơn”. (Ga 15,2). Vì vậy, bạn đừng nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa khi phải đối diện với những thử thách hay khổ đau – bởi vì Chúa “cắt tỉa” những ai Người yêu mến để người ấy sinh hoa trái dồi dào hơn.

Để nên một với Đức Kitô, chúng ta phải đón nhận trọn vẹn Lời của Người. Lời này được chuyển đạt cho chúng ta qua Thánh Kinh và qua truyền thống Giáo Hội. Giáo Hội gìn giữ và giới thiệu Lời Chúa trong tất cả vẻ tinh ròng, nhất quán và trong tất cả sức mạnh của Lời đó. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần và nhờ đoàn sủng của quyền giáo huấn, Giáo Hội có thể chuyển trao Tin Mừng cho mọi thế hệ. Thật vậy, một thái độ vâng phục trong tình yêu đối với quyền giáo huấn đích thực của Giáo Hội sẽ đảm bảo cho chúng ta nắm bắt được Lời của Thiên Chúa. Bởi nếu không bám vào Lời Chúa, chúng ta sẽ không thể kết hiệp với Đức Kitô – sự kết hiệp đem lại cho ta sự sống. Trung thành với quyền giáo huấn của Giáo Hội, đó là một điều kiện tất yếu để có thể nhận hiểu đúng các “dấu chỉ của thời đại”. Nhờ đó chúng ta được ở trong mối liên kết với Cây Nho trao ban nguồn sống.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 07/ 9

Cl 1, 21-23; Lc 6, 1-5.

LỜI SUY NIỆM: “Vào một ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa, các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabát.”

          Câu chuyện các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa trên đường đi trong ngày Sabát không phải là một cái tội, bởi trong Sách Đệ Nhị Luật có cho phép: “Khi vào vườn nho của người đồng loại của anh (em), thì anh (em) có thể ăn nho tùy thích, nhưng không được bỏ vào giỏ của mình. Khi vào đồng lúa của người đồng loại anh (em), thì anh (em) có thể lấy tay bứt những bông lúa, nhưng không được tra liềm cắt lúa của người đồng loại anh (em). (Đnl 23,25-26). Điều này cho thấy những người Pharisêu luôn tìm cớ để buộc tội Chúa Giêsu và những môn đệ của Người.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúng con đang được sống trong tình thương và sự bảo vệ của Chúa. Xin cho chúng con luôn có tâm tình bác ái trước mọi công việc của mình và mọi nhu cầu của cuộc sống người anh em.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

07 Tháng Chín

Ðâu Là Hạnh Phúc Ðích Thực 

Seiji Katagire, một phi công Nhật Bản, đang trên cần lái của chiếc phản lực cơ DC 8 của hãng hàng không dân sự với 174 hành khách trên tàu. Ðang lúc anh chuẩn bị đáp xuống phi trường Ðông Kinh, thì anh bỗng nghe được những âm thanh khủng khiếp báo hiệu một sự chết chóc rùng rợn. Do phản ứng tự nhiên, anh đã kéo giật cần lái, khiến cho chiếc máy bay đâm nhào xuống đất gây tử thương cho 24 hành khách và hàng trăm người bị thương.

Khi cuộc điều tra về tai nạn kết thúc thì anh được gửi ngay đến bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ về khoa thần kinh học cho rằng những tiếng kêu gào khủng khiếp mà viên phi công đã nghe được, xuất hiện ngay trong cơn ác mộng giữa lúc tỉnh táo của anh và đó chính là nguyên nhân gây ra tai nạn… Theo các bác sĩ tâm thần, ác mộng xảy ra trong tình trạng nửa tỉnh nửa mơ là dấu hiệu báo trước một cơn khủng hoảng tinh thần.

Theo những con số chính xác được tiết lộ từ các bệnh viện thần kinh tại Nhật Bản, thì con số người mắc bệnh mất trí và thác loạn thần kinh đã gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế tại quốc gia này… Người Nhật Bản nổi tiếng là người cần cù siêng năng nhất thế giới. Từ em bé mới tập tễnh cắp sách đến trường với một vị bộ trưởng trong chính phủ, tất cả mọi người đều lấy sự bon chen và lấy sự phấn đấu làm phương châm của cuộc sống… Sự cố gắng đó vừa đưa nước Nhật đến chỗ phồn thịnh cũng vừa xô đẩy người dân đến tình trạng căng thẳng không ngừng. Một chút lơ đễnh có thể đưa đến thất bại, một chút sơ sót có thể đưa đến chỗ mất công ăn việc làm… Tự ái cá nhân và tự ái dân tộc khiến người Nhật không chịu đựng được sự thất bại. Một lần thi trượt có thể xô ngã không biết bao nhiêu học sinh Nhật đến chỗ tự vận.

Nhật Bản là quốc gia được coi là mạnh nhất Á Châu và là nước một trong những kỹ thuật cao nhất thế giới. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: liệu sự giàu có phồn thịnh đó có đem lại cho con người hạnh phúc hay không?

Hạnh phúc là một cái gì vô cùng tương đối… Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.

Chúng ta hãy thử so sánh niềm vui của các trẻ em thuộc hai xã hội khác nhau. Trong một gia đình mà cơm trắng được coi như một thứ xa xỉ phẩm, thì chắc chắn một ổ bánh mì tây sẽ tạo cho các em bé trong gia đình nghèo một niềm vui gấp nghìn lần niềm vui của những em bé suốt đời sống trên nhung lụa và ăn toàn cao lương mỹ vị.

Một chiếc áo mới mỗi năm chỉ được mặc một lần của em bé nhà nghèo có lẽ sẽ làm cho em bé đó vui hơn tất cả những em bé suốt đời chỉ biết có lụa là gấm vóc.

Của cải vật chất là một điều kiện cần thiết để cho con người được sống xứng với phẩm giá con người. Những phương tiện kỹ thuật giúp con người phát triển nhiều hơn trong nhân cách. Sự sung túc về vật chất phải đem lại sự phát triển nhân bản và tinh thần. Có hiều hơn để nên người nhiều hơn: đó là khẩu hiệu người ta thường đề ra để kêu gọi giúp đỡ các nước kém mở mang… Tuy nhiên, tự nó, của cải vật chất, sự giàu có, những phương tiện văn minh tiến bộ không phải là cùng đích của con người.

Người Kitô luôn thức tỉnh để đánh giá đúng những phương tiện vật chất họ đang sử dụng hay đang tìm cách để đắc thủ. Sự chạy đua với những phương tiện vật chất không nên làm họ mờ mắt, bán đứng lương tâm của mình.

Hạnh phúc duy nhất và đích thực trong cuộc sống của người Kitô phải là chính Chúa. Có được hạnh phúc đó trong tâm hồn, chúng ta sẽ đánh giá đúng mức của cải vật chất và đồng thời sẽ tìm được hạnh phúc ngay trong những điều kiện thiếu thốn nhất của cuộc sống.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần 22 TN1

Bài đọc: Col 1:21-23; Lc 6:1-5.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần chú trọng đến những gì là chính yếu.

Nhiều người chỉ nhắm một cái lợi trước mắt mà không để ý đến cả đống cái hại sau lưng, hay vịn vào lề luật để vạch lá tìm sâu mà quên đi nguyên tắc căn bản và nền tảng đưa đến lề luật đó. Hậu quả là họ phải gánh lấy bao tai hại xảy đến trong tương lai. Vì thế, con người cần có thời gian để học hỏi, suy xét, và thảo luận trước khi làm bất cứ việc gì, để tránh lối nhìn thiển cận, một chiều, và quyết định độc đoán.

Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đến việc tìm ra những điều nền tảng và quan trọng trong việc sống đạo. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô muốn các tín hữu Colossê tập trung vào Đức Kitô: những gì Ngài đã dạy dỗ và đã làm cho con người. Mục đích là để các tín hữu tập luyện các nhân đức để biết sống mỗi ngày một thánh thiện hơn, đức tin mỗi ngày một vững bền hơn, và đừng bao giờ mất niềm hy vọng vào Tin Mừng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bênh vực các môn đệ của Ngài khi bị các kinh-sư và biệt-phái tố cáo đã vi phạm luật ngày Sabbath. Ngài nhắc nhở cho họ biết nguyên lý của ngày Sabbath là để phục vụ con người, và luật ngày Sabbath không áp dụng cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng.

1.1/ Đức Kitô phải là trọng tâm của đời sống Kitô hữu: Để hiểu tầm quan trọng của Đức Kitô, thánh Phaolô so sánh vận mạng của các tín hữu trước và sau khi họ tin vào Đức Kitô:

+ Trong quá khứ: “Xưa kia, anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em.”

+ Hiện nay: “Nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người.”

Các tín hữu Colossê đa số là những người Hy-lạp và Dân Ngoại; vì trước kia họ không tin Thiên Chúa, nên cũng chẳng biết những gì Ngài dạy dỗ để sống. Hậu quả là họ sống trong tội lỗi theo những gì họ suy nghĩ. Nhưng nhờ việc rao giảng Tin Mừng của Phaolô, họ biết Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô; nên họ được máu Đức Kitô thanh tẩy mọi tội lỗi và được hòa giải với Thiên Chúa.

1.2/ Cần giữ vững đức tin và niềm hy vọng: Tuy đã được Đức Kitô thanh tẩy và hòa giải với Thiên Chúa bằng cái chết của Ngài, người tín hữu vẫn còn phải đương đầu với bao nhiêu cám dỗ hằng ngày của ba thù. Để có thể trung thành với Thiên Chúa cho đến giây phút cuối cùng, người tín hữu cần làm hai việc chính yếu sau đây:

(1) Đào luyện đức tin: Tuy đức tin là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người, nhưng con người có bổn phận làm cho đức tin tăng trưởng và vững chắc. Chúa Giêsu đã ví đức tin như hạt giống, cần phải chăm sóc để có thể thành cây và sinh hoa kết trái; nếu không được chăm sóc, hạt giống đức tin có thể bị ma quỉ lấy đi bất cứ lúc nào. Để đào tạo đức tin, con người cần học hỏi những gì Đức Kitô dạy dỗ và biết thực hành trong cuộc sống.

(2) Giữ vững niềm hy vọng: Theo Tin Mừng, niềm hy vọng cao trọng nhất của con người là được sống trường sinh và hạnh phúc bên Thiên Chúa sau cuộc sống tạm thời trên dương gian này. Giống như đức tin, ma quỉ có thể cất đi niềm hy vọng này bằng cách đưa ra những vinh quang hào nhoáng và danh vọng tạm thời. Để giữ vững niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu, con người cần tập sống theo tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời, theo Bát Phúc của Đức Kitô, và những gì Ngài dạy dỗ trong Tin Mừng. Nói tóm, điều cần thiết nhất trong cuộc đời là hiểu biết, sống, rao giảng, và làm chứng cho Tin Mừng.

2/ Phúc Âm: Luật ngày Sabbath làm ra là để phục vụ con người.

2.1/ Các môn đệ bị tố cáo vi phạm luật ngày Sabbath: Vào một ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Khi mấy người Pharisees nhìn thấy, họ tố cáo: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabbath?”

Theo truyền thống Do-thái, ngày Sabbath có nguồn gốc trong Sách Sáng Thế: sau khi Thiên Chúa hoàn tất việc tạo dựng trong sáu ngày, Ngài nghỉ ngơi ngày thứ bảy và truyền cho con người cũng phải nghỉ ngơi trong ngày đó. Tại sao Thiên Chúa muốn có ngày Sabbath? Có hai lý do chính:

(1) Để con người có thời giờ nghỉ ngơi sau sáu ngày vất vả làm việc: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người, Ngài biết và muốn con người có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức. Không phải chỉ cho con người; mà các gia súc, cây cối, và đất đai cũng cần có thời gian nghỉ ngơi trước khi tiếp tục làm việc và sinh hoa kết trái. Nếu không biết nghỉ ngơi, con người dễ bị lao lực, bệnh tật, và không đem lại hiệu quả tốt đẹp.

(2) Để con người trau dồi đời sống tâm linh: Con người là tập hợp của linh hồn và thân xác. Trong ngày Sabbath, khi thân xác được nghỉ ngơi, linh hồn cần được nuôi dưỡng bằng các của ăn thiêng liêng như nghe Lời Chúa và chịu Mình Thánh Chúa để lấy nghị lực cho tâm hồn.

Nếu không biết tận dụng ngày Sabbath, con người sẽ tiếp tục làm việc, hay lãng phí thời giờ và nghị lực vào những cuộc ăn chơi vô bổ, để rồi chẳng những thân xác thêm mệt mỏi, mà linh hồn cũng bị đói khát những lương thực tinh thần. Truyền thống Do-thái có thói quen dành ngày Sabbath để học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện trong các hội đường.

Luật ngày Sabbath cấm làm việc xác là cho hai mục đích này, chứ không phải nhắm chi li đến những điều nhỏ nhặt, được làm hay không được làm trong ngày đó. Những chi tiết nhỏ nhặt là do con người thêm vào sau này.

2.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu: Luật ngày Sabbath không tuyệt đối, vì có những trường hợp ngoại lệ:

(1) Được làm việc nếu cần để có của ăn sinh sống: Giáo Hội ban phép cho những ai vì quá nghèo mà phải lao động kiếm ăn mới đủ sống. Đức Giêsu cũng đưa ra một trường hợp phải ăn để bảo toàn sự sống, ngay cả ăn thứ bị ngăn cấm: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Việc các môn đệ của Ngài phải ăn vì đói là điều được phép làm trong ngày Sabbath. Các Biệt-phái tố cáo các môn đệ làm việc xác, vì đã “bứt lúa,” “vò trong tay,” và “chuẩn bị” để có hạt lúa ăn.

(2) Luật ngày Sabbath không áp dụng cho Thiên Chúa: Chúa Giêsu tuyên bố với họ: “Con Người làm chủ ngày Sabbath.” Thiên Chúa nghỉ ngơi không tạo dựng, nhưng Ngài vẫn quan phòng và điều khiển mọi sự việc trong vũ trụ; và Ngài quan phòng bằng theo sự khôn ngoan của Ngài, mà sự khôn ngoan của Thiên Chúa là chính Ngôi Lời. Chúa Giêsu có lý do để tuyên bố “Con Người làm chủ ngày Sabbath.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần học hỏi để biết những gì là chính yếu trong đạo thánh Chúa. Nếu chỉ bằng lòng với việc đọc kinh cho nhiều hay chú trọng đến các hình thức thờ phượng bên ngoài, chúng ta khó có thể phát triển mối liên hệ thâm sâu với Chúa và sống hài hòa với mọi người.

– Biết những gì là chính yếu cũng giúp chúng ta trong việc làm những quyết định khôn ngoan trong cuộc đời, và biết hướng dẫn người khác trong khi rao truyền Tin Mừng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************