Ngày thứ bảy (10-02-2024) – Trang suy niệm

09/02/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy: MỒNG MỘT TẾT – CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI –LỄ TÂN NIÊN

BÀI ĐỌC I: St 1,14-18

“Những vật sáng hãy trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm. Và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 2. 3-4. 5-6. 12-13. 14. 16

Ðáp: Lạy Chúa, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng tôi làm ra. (17c)

1) Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở nầy qua thuở kia, vẫn có Ngài.

2) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”.

3) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô.

4) Xin dạy chúng tôi biết đếm ngày giờ, để chúng tôi luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.

5) Xin cho chúng tôi sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng tôi mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng tôi. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài.

BÀI ĐỌC II: Pl 4,4-8

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!”

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Phi-lip-phê.

Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:

All. All. – Trải qua mọi ngày, chúng tôi chúc tụng Chúa; và chúng tôi ca ngợi danh Chúa tới muôn đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 6,25-34

“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?” Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Đó là lời Chúa.

**********************

Thứ Bảy tuần 5 Thường Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: 1 V 12, 26-32; 13, 33-34

“Giêroboam đúc hai con bò vàng”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Giêroboam nói trong lòng rằng: “Giờ đây vương quốc sẽ trở về với nhà Đavít; nếu dân này lên Giêrusalem để tế lễ trong nhà Chúa, thì lòng dân này sẽ quy thuận với chủ mình là Roboam, vua xứ Giuđa; họ sẽ giết ta và trở về với Roboam”. Bấy giờ, ông triệu tập hội nghị và đúc hai con bò vàng, ông nói với dân chúng rằng: “Các ngươi không cần phải lên Giêrusalem nữa. Hỡi Israel, đây những vị thần minh đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Ông đặt một con bò vàng ở Bêthel và một con ở Đan. Việc đó là dịp tội cho dân Israel, vì dân chúng lên tận Đan để thờ con bò vàng. Ông còn xây chùa miếu trên những nơi cao, đặt các người trong dân làm tư tế, họ không phải là con cháu Lêvi. Ông chọn ngày rằm tháng tám là ngày lễ trọng, giống như lễ trọng thường cử hành trong xứ Giuđa. Ông lên bàn thờ để tế những tượng bò mà ông đã đúc, ông làm như thế ở Bêthel; cũng tại Bêthel, ông đã thiết lập hàng tư tế trong các chùa miếu mà ông đã xây cất trên những nơi cao.

Sau các sự việc đó, Giêroboam chẳng những không dứt bỏ đàng tội lỗi, mà trái lại ông còn tiếp tục đặt ở những nơi cao hàng tư tế chọn trong dân chúng. Do đó, nhà Giêroboam phạm tội, bị lật đổ và xoá khỏi mặt đất.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 105, 6-7a. 19-20. 21-22.

Đáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).

1) Chúng tôi đã phạm tội cũng như tổ phụ chúng tôi, chúng tôi đã làm điều gian ác và ăn ở bất nhân. Tổ phụ chúng tôi, khi còn ở bên Ai-cập, đã không suy xét những việc lạ lùng của Chúa.

2) Dân chúng đã đúc con bò tại Horéb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ.

3) Họ đã quên Thiên Chúa là Đấng cứu độ mình, Đấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Đấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Đỏ.

ALLELUIA: Tv. 94, 8ab

All. All. – Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – All.

PHÚC ÂM: Mc 8,1-10

“Họ ăn no nê”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”. Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hoang địa nầy, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no”. Và người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?” Các ông thưa: “Có bảy chiếc”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát. Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng.

Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Đammanutha.

Đó là Lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

10/02/2024 – THỨ BẢY TUẦN 5 TN

Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ – MỒNG MỘT TẾT GIÁP THÌN

Cầu bình an năm mới

Mt 6,25-34

CHÚA QUAN PHÒNG

“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 6,26)

Suy niệm: Vào ngày đầu năm mới, Lời Chúa nhắc các tín hữu đừng quá lo lắng cho đời sống vật chất. Điều này không có nghĩa là cứ buông xuôi, chẳng cần lo lắng gì nữa, nhưng là biết đặt thứ tự ưu tiên trong đời sống. Đời sống tâm linh cần được quan tâm hơn việc chỉ nghĩ đến những nhu cầu vật chất như chuyện ăn, chuyện mặc. Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm chăm sóc con cái Ngài. Lời Chúa mời gọi người tín hữu hãy sống công chính, phó thác, luôn tin tưởng và đi theo đường lối của Ngài. Mọi sự Ngài sẽ ban thêm cho.

Mời Bạn: Phó thác không có nghĩa là không làm gì cả, nhưng là làm với hết mọi khả năng, mà lại phó thác mọi kết quả trong tay Chúa. Nhờ đó, ta dễ dàng đón nhận mọi kết quả, dù vừa ý hay không, như là quà tặng từ Thiên Chúa: thất bại không nản chí, thành công không kiêu căng, nhất là dễ dàng chia sẻ những gì mình có cho người khác, nhờ ý thức về ơn ban của Thiên Chúa.

Chia sẻ: Khi thành công bạn tạ ơn Chúa thế nào? Khi thất bại bạn tạ ơn Chúa ra sao?

Sống Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nỗi bận tâm về đời sống hằng ngày dễ làm con quên mất mục đích đời sống mai hậu. Xin giúp con luôn biết tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa, để trong Năm Mới này, con sống đẹp lòng Chúa hơn và yêu thương anh chị em hơn. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM

XEM CHIM TRỜI, NGẮM HOA HUỆ 

Ngày Tết báo hiệu một năm cũ đã qua 

và một năm mới đang đến.

Chúng ta cần nhìn lại một năm qua 

với cái nhìn của Chúa, để thấy tất cả là hồng ân,

kể cả những gì người đời coi là xui xẻo, bất hạnh.

Chúa đã cho chúng ta sống thêm một năm trên đời.

Quanh mặt trời, trái đất bắt đầu một vòng xoay mới.

Chúng ta nhận ra thời gian một ngày 

nhờ mặt trời mọc lên rồi lặn xuống.

Nhà nông nhận ra thời gian một tháng 

nhờ mặt trăng khuyết rồi lại tròn.

Tạ ơn Chúa vì hai nguồn sáng quý báu trên bầu trời.

Theo Kitô giáo, thời gian không đi theo đường xoắn ốc, 

nhưng theo đường thẳng.

Thời điểm nào, biến cố nào cũng là duy nhất, 

đi rồi không trở lại, nên rất đáng trân quý.

Con Thiên Chúa làm người đã sống trong dòng thời gian.

Nhờ Ngài, dòng thời gian này 

sẽ đưa ta vào cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa.

 

Ngày Tết người ta thường hay chúc nhau.

Chúc sức khỏe, chúc phát đạt, chúc mọi sự như ý…

Lời chúc thật ra là một lời cầu xin dâng lên Chúa.

Mỗi lần chúc là mỗi lần ta xin Chúa ban ơn cho ai đó.

Có một lời chúc rất đẹp trong sách Dân Số (6,22-27).

Đức Chúa dạy cho Môsê biết cách chúc lành cho dân,

để ông Môsê dạy lại cho tư tế Aaron. 

Ba lời chúc đều bắt đầu bằng chủ từ là Đức Chúa:

“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em.

Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em 

và dủ lòng thương anh em.

Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn anh em 

và ban bình an cho anh em.”

Như thế chúc lành, dủ lòng thương và ban bình an

là những việc Đức Chúa làm cho con người.

Bình an gồm những ơn phúc lộc thọ khang ninh, 

nhưng được bình an thật là nhờ thuận thảo với Đức Chúa.

 

Trước thềm Năm Mới, con người không tránh khỏi nỗi lo.

Có nhiều nỗi lo rất hữu lý, vì khó khăn thách đố là có thật.

Có nhiều nỗi lo chỉ vì con người thấy mình mong manh.

Nỗi lo quấn lấy đời người và làm tâm con người không yên.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, 

Đức Giêsu bốn lần nhắc chúng ta “Đừng lo” (Mt 6,25.31.34)

Ngài cũng đưa ra nhiều lý do để thuyết phục.

Ngài mời ta ngắm chim trời và hoa huệ ngoài đồng.

Chúng chẳng quý giá gì khi sánh với con người,

nhưng chúng vẫn được Cha trên trời quan tâm săn sóc.

Cha vẫn nuôi các con chim không có kho để dự trữ đồ ăn.

Cha vẫn mặc áo đẹp cho những bông hoa sớm nở tối tàn.

Nếu Cha lo cho những thụ tạo ít giá trị như thế

thì Cha quý con người nhiều hơn biết bao!

Tại sao chúng ta lo âu nếu có Cha lo cho chúng ta?

Tại sao lo nếu ta không thể kéo dài đời mình thêm một tấc? 

Kitô hữu khác với dân ngoại ở thái độ không bất an,

không bôn chôn tìm kiếm cả những điều cần cho cuộc sống. 

Đơn giản là vì Cha trên trời thấu biết nhu cầu của họ,

nhu cầu chung và riêng của từng người.

 

Nếu Kitô hữu không quay quắt vì lo âu

thì không phải vì họ là những đứa trẻ vô tư hay lười biếng,

nhưng vì họ là những đứa con ngồi trong lòng Cha,

yên tâm, tín thác vào tình yêu của Cha trên trời.

Cha ở trên trời nhưng mắt luôn nhìn xuống thế.

Cha tình yêu cũng là Cha toàn năng và giàu sang,

thừa sức ban đủ ơn để con mình được hạnh phúc

ngay từ đời này, và nhất là đời sau.

 

“Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa.”

Đó là lời mời của Chúa Giêsu trong Năm Mới.

Không đặt bất cứ điều gì lên trên Chúa hay trước Chúa,

và tin rằng “mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

Cha đã cho chúng con sống thêm một năm,

đi thêm một đoạn đường đời.

 

Nhìn lại đoạn đường đã qua,

chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành,

vì Cha vẫn cho chúng con sống,

và sống trong tình yêu.

 

Mọi biến cố vui buồn của năm qua

đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha

để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.

Tạ ơn Cha

vì những gì cuộc đời đã làm cho chúng con,

và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.

 

Xin cho chúng con sống những ngày Tết dân tộc

trong tinh thần vui tươi, hòa nhã,

và không quên những ai nghèo khổ, cô đơn.

 

Ước gì những lời chúng con chúc cho nhau

là những lời chúc lành

xuất phát từ trái tim yêu thương.

 

Và lạy Cha, năm mới đã đến,

trái đất lại xoay một vòng mới quanh mặt trời,

chúng con cũng muốn

ở lại trong quỹ đạo của Cha,

nhận Cha là trung tâm cuộc sống,

và nhận mọi người là anh em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG HAI

Nghệ Thuật Thánh: Thấm Đẫm Cái Đẹp Và Sự Thật

Cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa đã đem lại khả năng diễn dịch mầu nhiệm của Thiên Chúa xuyên qua những dấu hiệu khả giác – để bộc lộ sự hiện diện của Thiên Chúa cho con người. Với biến cố nhập thể, Ngôi Lời đã đến và trở thành một phần của lịch sử: vị Người-Chúa này đã được nhìn thấy, được nhận biết, được mến yêu. Nghệ thuật Kitô giáo trình bày nhân tính hữu hình của Đức Kitô và các hoạt động thần linh của Người – và với ngôn ngữ sáng tỏ của mình, nó mở ra cho người ta cảm thụ một khía cạnh nào đó trong bản tính khôn tả của Thiên Chúa.

Vẻ đẹp kết hợp với sự thật phản chiếu nơi mọi hữu thể, vén mở bí mật thâm sâu của nó cho con cái loài người. Vì thế, nghệ thuật đích thực là nghệ thuật được bao phủ bằng những dấu chỉ của vẻ đẹp và chân lý. Bấy giờ, nó sẽ trở thành phổ quát, chân chính và có thể hiểu được đối với mọi người. Người ta đón nhận nó với niềm vui, và họ sẽ rút ra từ nó sức khích lệ để thực hiện những điều cao quí.

Giáo Hội đề cao nghệ thuật đích thực, bởi vì Giáo Hội nhìn thấy trong đó một sự diễn tả căn bản của văn hóa và của nhân tính. Giáo Hội cũng xác tín rằng đức tin có thể và vốn thường tác động trong các tác phẩm nghệ thuật một vai trò thúc đẩy – tác động thúc đẩy này đụng chạm đến trái tim và tâm linh của người ta. Công Đồng Vatican II đã nhận định: “Trong những hoạt động cao quí nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh của nghệ thuật này chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhắm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực vào việc đạo đức là hướng tâm trí người ta về cùng Chúa.” (PV 122)

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 10/2

Thánh Scholastica, trinh nữ

1V 12, 26-32; 13, 33-34; Mc 8, 1-10.

Lời Suy Niệm: Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giêsu gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. trong số đó, lại có những người ở xa đến.” (Mc 8,1-3)

          Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa vô hình. Thánh Gioan Tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu”. Điều này được thể hiện nơi Chúa Giêsu: “Thầy chạnh lòng thương”. Trong các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ điều này mỗi khi Người nhìn thấy như: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9,36). “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đám người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.” (Mt 14,14). “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. trong số đó, lại có những người ở xa đến.”  (Mt 15,32). “Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra! Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người.” (MT 20,33); “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: Bà đừng khóc nữa! Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiên dừng lại, Đức Giêsu nói:  Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trổi dậy! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao cho bà mẹ.” (Lc7,13-15) Có người mắc bệnh phong đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn anh sạch đi!” Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh ta. (Mc 1,40-42)..

          Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi Chúa đứng trước những hoàn cảnh bi đát của một đám đông, hay một cá nhân đang đau khổ, lầm than thì Chúa đều động lòng thương; điều này chắc mỗi người chúng con đây cũng đang được Chúa động lòng thương. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn tin là mình đang được Chúa động lòng thương tha thứ và ban mọi ơn lành cho chúng con. Amen.

************

Mồng Một Tết Giáp Thìn

(Cầu Bình an cho năm mới)

Lễ Giao Thừa:

Ds 6, 22-27; 1Tx 5, 16-26. 28; Mt 5, 1-10.

Lời Suy Niệm: Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có lòng nghèo khó, vì Nước Trời là của họ…” (Mt 5,1-3)

          Trong đêm giao thừa năm nay, Giáo Hội mời gọi các tín hữu đón nhận “Tám mối Phúc mà Chúa Giêsu muốn mỗi người đều đón nhận, vì Nước trời là của họ”

          Trước hết Nước Thiên Chúa thuộc về “những người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tinh thần khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18); Người tuyên bố rằng họ có phúc, “vì nước Trời là của họ” (Mt 5,3).  Chúa Cha đã thương mạc khải cho những kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết. Chúa Giêsu từ máng cỏ cho đến thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn; Người đã từng chịu đói, chịu khát, chịu thiếu thốn. Hơn thế nữa, Người tự đồng hoá mình với hạng người nghèo hèn và xem lòng yêu thương tích cực đối với họ là điều kiện để được vào Nước của Người.” GL 544)

          Lạy Chúa Giêsu, trong đêm giao thừa này, xin Chúa cho chúng con biết đón nhận một trong tám mối phúc của Chúa ban, để mai sau chúng con được chung hưởng hạnh phúc trong Nước của Chúa. Amen.

 

Lễ Tân Niên

Is 65, 17-21; Kh 21, 1-6; Mt 5, 43-48.

Lời Suy Niệm: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,43-45)

          Trong ngày đầu năm mới Giáo Hội mời gọi người tín hữu sống với giới răn yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho tất cả mọi người đang sống xung quanh chúng ta hay là trong mọi xã hội. Điều này trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội ở số 2844 cho mỗi người trong chúng ta biết thêm: “Kinh nguyện Kitô giáo đi đến chỗ tha thứ cho kẻ thù. Lời cầu nguyện biến đổi người môn đệ bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo; chỉ trái tim nào hoà điệu với lòng trắc ẩn của Chúa mới có thể đón nhận hồng ân cầu nguyện. Tha thứ còn minh chứng rằng, trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Chúa Giêsu  về điều này. Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hoà giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ và giữa con người với nhau.

          Lạy Chúa Giêsu, sự tha thứ là điều cần thiết cho mỗi người trong chúng con, chính nhờ sự tha thứ của Chúa và của người anh em, sẽ giúp chúng con có cơ hội và sức mạnh đứng lên làm lại được điều thiện hảo. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con biết đón nhận sự tha thứ của nhau, để cùng nhau xây dựng một xã hội yêu thương hơn. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 10-02: Thánh SCÔLASTICA

Đồng trinh (480-543)

Thánh Scholastica là em gái thánh Benêdictô, tổ phụ của những đời sống khổ tu bên Tây phương. Ngài còn được nối kết với thánh nhân như người em sinh đôi, nhưng không chắc chắn lắm. Chúng ta biết được chút ít về đời sống của thánh nữ là do cuốn Dialogue, tập hai, của thánh Grêgôriô cả, cuốn sách ghi lại đời sống thánh Bênêdictô và các phép lạ của Ngài. Như anh của Ngài, thánh nữ Scholastica đã sinh ra tại quận Sabina miền Nursia và cha mẹ Ngài được giả thuyết cho là những người dòng dõi quí phái tai miền quê.

Vào một lúc nào đó, có lẽ khi còn rất trẻ, Scholastica đã tu kín và trong những năm cuối cùng đời Ngài, chúng ta thấy Ngài sống gần Montê Cassinô, để có thể gặp được anh mình mỗi năm một lần.

Khi thánh Bênêdictô thiết lập tu viện tại Montê Cassiô, Scholastica cùng với các trinh nữ quây quần bên Ngài đã đến ở bên núi, lập thành tu viện Palumbariola, Ngài đặt mình dưới sự hứơng dẫn của anh, vì Ngài biết rằng: không có ai có thể hướng dẫn các linh hồn về trời cách chắc chắn hơn.

Nhưng Ngài không hề làm rộn anh mình và chỉ gặp anh mỗi năm một lần vào trước mùa chay, trong một trang trại của tu viện ở miền núi. Một nguyện đường đã được dựng nên tại đây để ghi nhớ những giây phút khôn tả, mà thánh Bênêdictô thông cho em mình ánh sáng thần linh Ngài thụ lãnh được và dạy dỗ em mình đường trọn lành của tu sĩ trong thống hối và yêu thương.

Nhưng lần ấy họ đã trải qua một ngày để khen ngợi Chúa và cầu xin hạnh phúc trên trời, bên ngoài khí trời tươi mát vì đã vào xuân, bầu trời trong sáng lạ thường, thánh Scholastica say sưa cảm nếm hương vị của câu chuyện đàm thọai trong khi màn đêm buông dần xuống… lúc đó thánh Scholastica nới với thánh Bênêdictô: – Anh ơi trời khuya rồi, làm sao anh về được. Thôi mình tiếp tục nói chuyện tới sáng về niềm vui cuộc sống trên trời đi.

Thánh Bênêdictô trả lời: – Em nói chi, anh không thể nhận lời em được. Anh không thể qua đêm ở ngoài nhà dòng được đâu.

Thánh Scholastica dấu mặt vào đôi lòng bàn tay và nức nở khóc. Ngài nói với Chúa ước muốn êm ái của lòng mình. Và Thiên Chúa là đấng đã chúc phúc cho cả một cuộc sống hiến dâng, lại sắp gọi thánh nữ về với mình, nên như người cha chiều con vậy, đã muốn ban cho Ngài niềm an ủi dịu dàng cuối cùng. Một trận cuồng phong nổi lên. Mưa đổ xuống như thác lũ với sấm sét dữ dằn. Chẳng ai còn có thể nghĩ tới việc ra đi nữa.

Thánh Bênêdictô bối rối, Ngài nói: – Này em, em làm gì vậy ?

Thánh Scholastica êm ái trả lời: – Em đã xin anh, nhưng anh chẳng muốn nghe em. Em đã cầu xin Chúa và Ngài đã nhận lời. Bây giờ nếu có thể được, anh hãy về nhà dòng đi.

Lúc ấy thánh Bênêdictô cảm tạ lòng thương xót Chúa, Ngài tiếp tục nói chuyện về hạnh phúc đang chờ đón những người Chúa chọn. Lời Ngài dâng cao như những chùm ánh sáng.

Đến sáng cơn giông ngừng. Anh em mỗi người một ngả và không còn gặp nhau trên trần gian này lần nào nữa.

Ba ngày sau, khi thánh Bênêdictô đang đứng bên cửa sổ đã thấy linh hồn em mình bay lên như ánh chim câu, phủ đầy ánh sáng thiên đàng. Say mê với thị kiến này, Ngài cất cao giọng hát bài thánh Ca. Đó chính là lúc thánh Scholastica êm ái tắt hơi trong tu viện mình. Thánh Bênêdictô sai các tu sĩ đi tìm xác em để chôn trong ngôi mộ dọn sẵn cho mình.

Một tháng sau nhà ẩn tu vĩ đại cũng từ giã cõi thế để hợp với thánh Scholastica trong hạnh phúc của các thánh nhân mà họ đã tha thiết khơi dậy.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

10 Tháng Hai

Liều Thuốc Dành Cho Kẻ Chán Ðời

Một người đàn ông chán đời nọ đang đứng nhìn dòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời.

Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui trác táng, ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không có một người đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được vài tháng, bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người khác. Ông nhận ra rằng ông đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ có dòng sông may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản.

Người đàn ông chưa hút xong điếu thuốc thì cũng có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán chường không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng bên kia thế giới ông không cần tiền bạc nữa. Người hành khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: “Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không là một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới của ông”. Nói xong, người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời tiếp tục gặm nhấm nỗi đắng cay chua xót của ông.

Ðã hút xong điếu thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn muốn chưa kết liễu cuộc đời. Ông nhìn theo người hành khất đang khuất xa dần. Tự nhiên, ông không muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt lại chiếc ví để trao tặng cho người hành khất. Chưa một lần trong đời, ông biết mở ví trao tặng cho bất cứ người nào. Giờ phút này. ông muốn mở rộng tâm hồn, mở rộng đôi tay để trao tặng và muốn tiếp tục sống. Nghĩ như thế, kẻ chán đời đứng thẳng lên, rời bỏ cây cầu và tiếp tục đuổi theo cho kỳ được người hành khất.

Không gì buồn chán cho bằng sống không có định hướng, không có lẽ sống. Sống mà không biết tại sao mình sống, mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường và đau khổ nhất.

Ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng đi tìm hạnh phúc nhưng lắm khi người ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Ai cũng biết rằng tiền tài, danh vọng và lạc thú trong cuộc sống tự nó không phải là hạnh phúc và lắm khi chúng cũng không mang lại hạnh phúc cho con người.

Hạnh phúc không phải là một nơi để đi đến, hạnh phúc là một hướng đi. Có đi theo hướng đó, con người mới cảm thấy được hạnh phúc. Vậy hướng đi của chúng ta là gì?

Chúa Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống, đã vạch ra cho chúng ta hướng đi ấy. Và hướng đi Ngài đã vạch ra chính là Sống cho tha nhân. Ai càng tích trữ và chiếm giữ cho mình, người đó càng nghèo nàn và khốn khổ. Ai càng đóng kín quả tim và khép chặt bàn tay, người đó sẽ không được nhận lãnh. Hạnh phúc đích thực chính là trao ban, bởi vì như Thánh Phaolô đã ghi lại lời của Chúa Giêsu: “Cho thì có hạnh phúc hơn nhận lãnh”.

Cho là liều thuốc chữa trị được căn bệnh trầm trọng nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là sự chán sống. Cho cũng là liều thuốc xoa dịu được mọi khổ đau trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đang đau khổ vì bị phản bội, vì thất chí, vì bệnh tật hay vì bất cứ một nguyên do nào: chúng ta hãy thử mở rộng tâm hồn để trao ban, để san sẻ. Chúng ta sẽ cảm thấy được xoa dịu trong tâm hồn.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Mồng 1 Tết Nguyên Đán

Bài đọc: Gen 1:14-18; Phi 4:4-8; Mt 6:25-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết sống thế nào và làm những gì trong Năm Mới này?

            Một Năm Cũ với bao biến cố thăng trầm của cá nhân, gia đình, Giáo Hội và xã hội đã qua; một Năm Mới với bao nhiêu hy vọng và ước mong sắp tới. Hôm nay, anh/chị/em chúng ta hiện diện trong ngôi thánh đường này trước tôn nhan Thiên Chúa trong Ngày Đầu Năm này để làm gì đây? Xin Thiên Chúa cho Năm Mới tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt? Xin Thiên Chúa cho gia đạo được mọi sự bình an trong Năm Mới? Xin cho con cái được giữ đức tin và biết bước đi trong đường lối của Thiên Chúa? Xin cho những dự định của cá nhân, gia đình, giáo xứ và Giáo Hội được thành công tốt đẹp? Nhưng trước khi biết cầu nguyện, chúng ta cần biết khôn ngoan lắng nghe những lời dạy dỗ của Thiên Chúa để nhận ra những gì chính yếu chúng ta cần cầu xin, vì Thiên Chúa như một người cha khôn ngoan và tốt lành chỉ ban cho con cái những gì tốt đẹp mà thôi. Nếu chúng ta xin những gì có hại cho đức tin và phần rỗi linh hồn cho chúng ta, chắc chắn Ngài sẽ không ban.

            Trong trình thuật thứ nhất về sự tạo dựng của Thiên Chúa (truyền thống P), bài đọc hôm nay chỉ thuật lại những gì Thiên Chúa tạo dựng trong ngày thứ tư. Đó là Thiên Chúa tạo dựng ra mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Tác giả muốn nhấn mạnh mọi sự Thiên Chúa tạo nên đều tốt đẹp, và mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng các tinh thể này là để cho con người biết phân biệt ngày và đêm, và biết tổ chức các ngày đại lễ. Chẳng hạn, Tết Âm Lịch, khi mặt trăng đã hoàn tất chu kỳ quay chung quanh trái đất 12 lần; Tết Dương Lịch, khi trái đất đã hoàn tất chu kỳ quay chung quanh mặt trời một lần. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê nên quan tâm đến việc luyện tập nhân đức, những gì là tốt lành, để có thể có được niềm vui và bình an của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng khuyên các môn đệ 2 điều: Thứ nhất, đừng lo lắng cho thân thể lấy gì mà ăn hay mặc; nhưng hãy tin tuyệt đối nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ ban cho chúng ta những thứ này. Thứ hai, hãy tìm kiếm trước tiên Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Những điều đó cần thiết và quan trọng cho linh hồn chúng ta hơn những gì cần cho thân xác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tất cả là do Thiên Chúa tạo thành, và mọi sự Thiên Chúa tạo thành đều tốt đẹp.           

1.1/ Tất cả là do Thiên Chúa tạo thành: Đây là điều mà tác giả Sách Sáng Thế muốn nhấn mạnh tới: Thiên Chúa là tác giả của mọi sự vật có trong trần gian này. Nói cách khác, nếu Thiên Chúa không tạo dựng thì không có một tạo vật nào có thể tự mình có được. Nếu chúng ta đọc hết trình thuật thứ nhất về tạo dựng (Gen 1:1 – 2:4a), chúng ta sẽ thấy ngay mục đích của tác giả. Trong đoạn văn hôm nay, chúng ta chỉ đọc những gì Thiên Chúa tạo dựng trong ngày thứ tư: tạo dựng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Mục đích khi tạo dựng những tinh thể này là để cho con người có mặt trời chiếu soi ban ngày, và mặt trăng cùng các ngôi sao chiếu soi ban đêm. Con người cũng dùng những tinh thể này mà xác định các ngày lễ của mình.

1.2/ Mọi sự Thiên Chúa tạo thành đều tốt đẹp: Ngoài việc cho ánh sáng, những tinh thể này còn mang lại sự sống cho con người. Nếu không có mặt trời, sẽ không có sự sống cho cây cỏ, loài vật cũng như loài người. Nếu không có mặt trăng, nước sẽ không tập trung trên bề mặt trái đất và cũng không có sự sống cho muôn loài. Vì thế, Nếu những tinh thể lớn như vậy còn phải vâng lời Thiên Chúa quay theo những định luật cố định thì con người là ai mà dám bất tuân các định luật của Thiên Chúa? Các định luật của Thiên Chúa thì không bao giờ thay đổi. Nếu muốn mọi sự tốt đẹp đến cho mình, con người phải tìm ra các định luật của Thiên Chúa và mau mắn thi hành.

2/ Bài đọc II: Hãy luôn sống trong niềm vui của Thiên Chúa.

2.1/ Chịu khó luyện tập nhân đức sẽ có niềm vui và bình an trong tâm hồn: Trong 4 câu đầu tiên trong trình thuật hôm nay (các câu 4-7), thánh Phaolô nhấn mạnh đến hai nhân đức: vui tươi và bình an. Nhưng làm sao để có hai nhân đức này? GLCG dạy chúng ta: đây là 2 trong 7 quà tặng của Chúa Thánh Thần. Ngài ban hai quà tặng này cho chúng ta khi chịu phép Thêm Sức; nhưng chỉ dưới dạng của một hạt giống. Phần chúng ta là phải cố gắng luyện sao cho hai hạt giống này được lớn mạnh lên và có thể sinh hoa kết trái.

            Thánh Thomas Aquinas giải thích rõ hơn: nhân đức là thói quen luyện tập để một người có một đặc tính khi cần xử dụng tới. Khi đã có một nhân đức, nó sẽ giúp chúng ta tránh được một tội tương phản với nó, và nó sẽ cho chủ thể có được niềm vui. Như thế, chúng ta đã có hạt giống tốt đó trong linh hồn rồi, giờ chỉ cần luyện tập để chúng lớn lên và sinh lợi ích cho chúng ta. Chúng ta sẽ có được niềm vui khi xử dụng nó.

            Cũng vậy, sự bình an có được khi chúng ta biết rõ quyền năng, tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Khi một người không biết những sự gì sẽ xảy đến trong tương lai và không biết nương tựa vào ai khi một biến cố khó khăn xảy đến cho mình, người đó sẽ bồn chồn, lo lắng đêm ngày. Nhưng nếu người đó biết trước những gì sẽ xảy ra; và khi nó xảy ra, anh đã được dạy cho biết phải hành xử cách nào và Thiên Chúa sẽ giúp anh làm sao, anh sẽ không còn lo lắng nữa và chuẩn bị hết sức có thể để đương đầu với biến cố đó. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.”

2.2/ Biết nhận ra những gì chính yếu cần luyện tập và những gì phụ thuộc để đừng lo lắng quá: Đây là một đức tính giúp chúng ta thành công trên đường đời và trong đời sống tâm linh. Chúng ta cần học hỏi để có thể nhận ra những gì là chính yếu và những gì là phụ thuộc. Có những người dành toàn bộ thời gian chú tâm đến những gì mà người đó cho là tối cần, để rồi nhận ra những thứ đó chỉ là phụ thuộc và không mang lại hạnh phúc cũng như ơn cứu độ cho mình. Ví dụ: một người bỏ toàn thời gian để làm việc cực nhọc để có thể có tiền nuôi sống gia đình và yên trí khi về hưu; nhưng khi có tiền rồi mới phát giác ra thân thể bị lao lực, con cái hư hỏng và mất đức tin vì không dành giờ để giáo dục con. Khi anh nhận ra sức khỏe và giữ vững đức tin cho con thật cần thiết thì quá trễ rồi. Anh có muốn thời gian lui lại để anh có thể bắt đầu lại từ đầu cũng không được nữa.

            Trong đoạn văn hôm nay, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê, “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.” Luyện tập nhân đức cho bản thân và cho những người Chúa trao cho mình là điều cần thiết phải làm khi còn sống trên cuộc đời này.

3/ Phúc Âm: Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.

3.1/ Cần phân biệt sự khôn ngoan biết tổ chức công việc và sự lo lắng: Nhiều người biện luận: “Không lo xa, ắt có buồn gần” hay “không lo lắng kiếm ăn, lấy gì sống?” Câu hỏi được đặt ra là Thiên Chúa có muốn chúng ta tối ngày nhởn nhơ, không làm cũng có ăn hay không cần phải phác họa kế hoạch làm việc cho tương lai không?

            Để hiểu những lời Chúa Giêsu dạy hôm nay, chúng ta cần tìm ra sự khác biệt giữa nhân đức biết lo liệu và tội lo lắng. Như đã nói trên, Thiên Chúa trang bị cho chúng ta 7 quà tặng của Chúa Thánh Thần và Ngài muốn chúng ta biết áp dụng những quà tặng này để sinh hoa kết quả cho đời sống chúng ta. Khi quyết định muốn làm bất cứ một việc gì, con người cần dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban để áp dụng vào một trường hợp cụ thể. Đây là nhân đức mà thánh Thomas Aquinas gọi là “khôn ngoan trong thực hành.” Khi thực hiện này, con người cần áp dụng các nhân đức phụ như: khôn ngoan, kiến thức, hiểu biết, tham vấn và trí nhớ. Ngoài ra còn cần phải biến tinh tường và tế nhị, nhìn xa và trông rộng để có thể hiểu tất cả những gì có liên quan đến công việc sắp làm. Điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải tránh ở đây là lo lắng không biết phải làm gì. Người lo lắng là người không tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa, nhưng chỉ tin vào sức riêng của mình.

3.2/ Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh 2 điều:

            (1) Cần tin tưởng vào sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa: Để làm sáng tỏ điều này, Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh để dạy dỗ các môn đệ. Thứ nhất, hãy nhìn xem chim trên trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho lẫm; thế mà Thiên Chúa vẫn quan phòng cho chúng ngày nào cũng có của ăn cả, huống hồ là con người, tạo vật được Ngài tạo nên cách đạc biệt và cho làm con của Ngài. Thứ hai, hãy nhìn xem hoa ngoài đồng: chúng không làm lụng, không kéo sợi, không cắt may; thế mà vinh quang tột đỉnh của vua Solomon cũng không thể so sánh với một đóa hoa đó. Điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là đừng quá lo lắng: phải ăn gì, uống gì và mặc gì, vì Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta dư biết chúng ta cần những điều đó. Ngài sẽ quan phòng cho chúng ta mọi sự chúng ta cần để bảo vệ sự sống.

            (2) Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước hết: Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta những điều gì qua câu này? Nước Thiên Chúa là Nước Thiên Đàng đời sau. Chúng ta không chỉ sống trong đất nước trên thế gian này mà thôi; nhưng chúng ta là những người lữ hành đang tiến về quê trời để hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa. Đó là nước mà chúng ta cần tìm kiếm trên tất cả mọi sự.

            Theo thánh Phaolô, con người được trở nên công chính là do niềm tin vào Thiên Chúa và thực hành những gì Ngài dạy. Vì thế, những việc chúng ta cần phải làm trước hết là làm sao cho đức tin của chúng ta mạnh mẽ để có thể đương đầu với và đứng vững trước mọi cám dỗ và gian khổ của cuộc đời. Quá lo lắng những thực tại trần gian và quên đi làm những việc cần thiết như: tham dự thánh lễ, học Kinh Thánh, cầu nguyện, làm việc bác ái… không phải là dấu hiệu của người khôn ngoan.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Khi đã hiểu về sự quan phòng và những lời dạy bảo của Thiên Chúa, đây là những lời cầu nguyện chúng ta nên dâng lên Thiên Chúa trong Ngày Đầu Năm:

            – Cần xin Thiên Chúa cho chúng ta cái nhìn tổng thể về cuộc đời theo sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ dại dột quá tin vào sức con người và gạt Thiên Chúa ra ngoài. Ngài vẫn đang điều khiển mọi sinh hoạt của loài người chúng ta.

            – Chúng ta cần học hỏi để nhận ra những gì là chính yếu hay phụ thuộc cho cuộc sống để đừng bị lẫn lộn lấy những cái phụ thuộc làm cái chính cho cuộc đời. Chúng ta cũng cần học để biết những gì chúng ta có thể làm và những gì chúng ta cần phải nhờ đến Thiên Chúa.

            – Xin Ngài cho tất cả mọi người chúng ta luôn biết đặt những nhu cầu của linh hồn lên trên những nhu cầu cho thể xác; để chúng ta biết dành thời gian cho việc học hỏi và thi hành những việc đạo đức.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************