Ngày thứ bảy (13-03-2021) – Trang suy niệm

12/03/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Hs 6, 1b-6

“Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Đây Chúa phán: Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm Ta. “Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất”.

Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 18-19. 20-21ab

Đáp: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ (Hs 6, 6).

Xướng:

1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. – Đáp.

2) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. – Đáp.

3) Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành trì của Giêrusalem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những hy sinh với lễ toàn thiêu. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 8, 12b

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. 

PHÚC ÂM: Lc 18, 9-14

“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

13/03/2021 – THỨ BẢY TUẦN 3 MC

Lc 18,9-14

CẦU NGUYỆN PHẢI KHIÊM TỐN

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18,14)

Suy niệm: Nhân vô thập toàn. Trước mặt Thiên Chúa, ai dám tự hào mình thánh thiện? Thế mà người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn lại khoe thành tích rằng mình còn hơn cả “thập toàn”, luôn “vượt chỉ tiêu” so với những gì luật buộc, và qua đó, anh “tôn mình lên” rằng “con không như bao người khác… hoặc như tên thu thuế kia.” Chúa cho biết cầu nguyện như ông Pha-ri-sêu này thì không được tha thứ tội lỗi. Thực ra Chúa luôn sẵn lòng tha thứ và nhẫn nại đợi chờ tội nhân hối cải. Điều thực sự cản trở nằm ở chỗ óc kiêu căng đội lốt lòng đạo đức khiến ông không thể nhận ra tội lỗi của mình để cầu xin ơn tha tội. Vì thế khiêm nhường là điều kiện cần trong cuộc chuyện trò với Chúa. Càng kiêu ngạo, ta càng xa cách Thiên Chúa, xa cách tha nhân; trái lại, càng khiêm nhườngnhìn nhận mình tội lỗi, thì càng đáng được Thiên Chúa thương tha thứ. Bởi vì: “Chúa dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” nhưng “nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52).

Mời Bạn: Khiêm tốn không phải là tự ti, chối bỏ ưu điểm và phẩm giá của mình, mà là biết nhận ra khuyết điểm và giới hạn của bản thân đồng thời nhận biết điều tốt đẹp nơi người khác.

Sống Lời Chúa: Khi xét mình, bạn cố gắng nhận ra sự kiêu căng tiềm ẩn trong các hành vi được đánh giá tốt của bạn, đồng thời khám phá những ưu điểm, thiện ý nơi người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn nhận thấy những yếu đuối và giới hạn của con, để con không còn tự cao tự đại, nhưng luôn biết dựa vào ơn Chúa và thấy mình cần đến Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

NGÀY 13/3

Hs 6, 1-6; Lc 18, 9-14.

LỜI SUY NIỆM: “Người thu thuế đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

          Đây là cử chỉ và lời cầu xin của người thu thuế khi lên Đền Thờ cầu nguyện, đã được Chúa Giêsu nhận định: “người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi.” Điều này, trong sách “Người Lữ Hành Nga” cũng đã dùng làm câu cầu nguyện liên lỉ trong cuộc sống của người Kitô hữu, liên lỉ như là hít thở không khí để sống: khi hít không khí vào thầm đọc: Lạy Chúa Giê-su và khi thở ra thầm đọc: Xin thương xót con, và người lữ hành Nga đã tập và đã thực hiện suốt cuộc đời còn lại của mình.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong mọi Thánh lễ luôn nhắc đến lời cầu nguyện này trước khi cử hành Ngôn Lễ và trước khi đón nhận Mình Thánh Chúa để nhận sự bình an của Chúa ban. Xin cho chúng con ý thức khi đọc và biết đấm ngực mình, như người thu thuế trước mặt Chúa, để chúng con nhận được sự tha thứ và bình an của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG BA

Đức Giêsu Biết Những Điều Thầm Kín Nhất Của Chúng Ta

Trong câu chuyện đầy hàm súc này về người phụ nữ bên bờ giếng, sự mạc khải riêng tư và sự trợ giúp có năng lực cứu độ đã phát xuất từ Đức Giêsu. Người bắt đầu với một hoàn cảnh cụ thể mà người phụ nữ ấy có thể hiểu được. Rồi Người đưa dẫn chị đến khảo sát cuộc sống của chị trong ánh sáng của chân lý, vì chỉ trong chân lý chúng ta mới có thể gặp gỡ Đức Kitô.

Khi người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô đáp lời Đức Giêsu: “Hãy cho tôi loại nước đó”, Người đã không ngần ngại dẫn chị đến chỗ chị cần đến. Người dẫn chị đến với sự hoán cải bằng cách mở ra cho chị thấy chị là ai và chị đã làm gì. “Hãy đi và gọi chồng chị tới đây” (Ga 4,16) – Người bảo chị như thế. Người mời gọi chị tự khảo sát chính lương tâm của chị và tự dò tìm những chiều sâu của tâm hồn chị. Khi chị cố giấu giếm tội lỗi mình và dối gạt Đức Giêsu, Người đặt chị đối diện với chính tội lỗi của chị và giúp chị nhìn nhận rằng mình cần được cứu độ. Được thuyết phục bởi Đức Giêsu, người phụ nữ xin Người chỉ cho con đường cứu độ. Xuyên qua cuộc khảo sát lương tâm này, người phụ nữ đã có thể đối diện với tội lỗi mình và nhận hiểu rằng mình cần được cứu độ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 13/3

Hs 6, 1-6; Lc 18, 9-14.

LỜI SUY NIỆM: “Người thu thuế đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

          Đây là cử chỉ và lời cầu xin của người thu thuế khi lên Đền Thờ cầu nguyện, đã được Chúa Giêsu nhận định: “người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi.” Điều này, trong sách “Người Lữ Hành Nga” cũng đã dùng làm câu cầu nguyện liên lỉ trong cuộc sống của người Kitô hữu, liên lỉ như là hít thở không khí để sống: khi hít không khí vào thầm đọc: Lạy Chúa Giê-su và khi thở ra thầm đọc: Xin thương xót con, và người lữ hành Nga đã tập và đã thực hiện suốt cuộc đời còn lại của mình.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong mọi Thánh lễ luôn nhắc đến lời cầu nguyện này trước khi cử hành Ngôn Lễ và trước khi đón nhận Mình Thánh Chúa để nhận sự bình an của Chúa ban. Xin cho chúng con ý thức khi đọc và biết đấm ngực mình, như người thu thuế trước mặt Chúa, để chúng con nhận được sự tha thứ và bình an của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

13 Tháng Ba

Nếu Tôi Biết Tha thứ 

Trong những năm 1944-1945 dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.

Ðức thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt mân côi. Ðến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: “Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý. Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình. Ðức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao qúy. Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này”. Nói rồi anh bật khóc: “Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con”. Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria…

Xin được tha thứ, đó là một trong những hành động vĩ đại nhất của con người… Quỷ Satan đã có lần trách móc Thiên Chúa như sau: “Ngài không công bình. Có biết bao nhiêu tội nhân đã làm điều ác. Họ chỉ trở lại một đôi lần, nhưng lần nào Ngài cũng niềm nở tiếp đón họ. Tôi chỉ có làm một điều bậy, tôi chỉ có phạm tội một lần, thế mà Ngài đã tuyên phạt tôi đời đời”. Nghe thế, Thiên Chúa mới hỏi vặn lại Satan: “Thế ngươi có bao giờ mở miệng xin tha thứ và ăn năn sám hối chưa?”.

Mở miệng kêu xin tha thứ là bước lần đến ngưỡng cửa Thiên Ðàng. Nhưng xin tha thứ cho chính mình thôi, chưa đủ, con người cần phải tha thứ cho người khác. Cánh cửa Thiên Ðàng sẽ mở ra mỗi khi con người thành thực thứ lỗi cho người khác.

Nhận ra lầm lỗi của mình, kêu cầu sự tha thứ và tha thứ cho người khác: đó là đôi cánh Thiên Thần giúp con người bay lên tới Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần III MC

Bài đọc: Hos 5:15c-6:6; Lk 18:9-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết Thiên Chúa và biết mình

Để dễ sống hòa hợp với người khác, chúng ta cần biết họ là ai và mình là ai, tương quan của chúng ta với họ, những điểm tương đồng và dị biệt giữa chúng ta với họ, những gì họ thích, không thích… Tương tự như vậy khi chúng ta đến với Thiên Chúa, chúng ta cần phải biết Thiên Chúa là ai và mình là ai, điều khác biệt giữa Thiên Chúa và mình; những gì Ngài thích hay không thích. Có như vậy, mối liên hệ hai bên mới tốt đẹp, tránh những gì làm phiền lòng nhau, và gặt hái được những kết quả mong muốn.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người sống mối liên hệ với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, con người tưởng có thể qua mặt Thiên Chúa bằng lối sống hời hợt bên ngòai như dâng các lễ vật hy sinh để đền bù tội lỗi, rồi sau đó cứ tha hồ phạm tội. Con người có biết đâu Thiên Chúa thấu suốt tâm can, Ngài đâu cần những lễ vật vì mọi sự trong trời đất thuộc quyền của Ngài. Điều Thiên Chúa muốn, Ngài tỏ cho con người biết rõ ràng: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” Trong Phúc Âm, hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, một người Biệt-phái và một người thu thuế. Người Biệt-phái tưởng Thiên Chúa không có trí nhớ, nên ông nhắc lại cho Ngài nhớ những việc ông đã làm; tưởng Thiên Chúa không đủ khôn ngoan nên ông giúp Chúa bằng cách so sánh giữa cuộc sống của ông với của người thu thuế. Còn người thu thuế biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự nên chỉ biết đấm ngực ăn năn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Hậu quả được Chúa Giêsu tuyên bố: “người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người Biệt-phái thì không.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa muốn tình yêu và được con người nhận biết.

1.1/ Lợi ích của hình phạt: Hình phạt không cần thiết cho những người con luôn biết nghe lời cha mẹ; nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy, con cái không luôn biết vâng lời cha mẹ vì ham chơi, nên phải có hình phạt để sửa dạy. Hình phạt được ví như thuốc thang cho người bệnh, tuy đắng khi vào miệng, nhưng sẽ mang lại sức khỏe cho họ. Trường hợp của dân tộc Israel cũng thế, Thiên Chúa dạy dỗ họ nhiều điều; nhưng họ không chịu nghe và tuân giữ; nên như một người Cha, Thiên Chúa phải sửa phạt bằng cách cho họ chịu đau khổ, để giúp họ trở nên tốt hơn.

(1) Sửa phạt rồi lại xót thương: Sửa phạt con cái là vì thương, chứ không phải vì ghét bỏ, như lời tục ngữ Việt-nam: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.” Làm cha mẹ mà không chịu giáo dục con cái là đẩy chúng tới cõi chết. Con cái buồn sầu và tức giận khi bị sửa phạt, nhưng sau khi hồi tâm suy nghĩ, chúng sẽ nhận ra lỗi lầm của chúng và nhận ra tình thương của cha mẹ. Israel cũng thế, họ nhận ra tội của họ và tình thương Thiên Chúa trong Thời Lưu Đày và khuyến khích nhau: “Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương.”

(2) Làm cho chết rồi lại làm cho sống: “Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người.” Chủ đề được lãnh nhận ơn cứu độ trong ngày thứ ba xảy ra thường xuyên trong Cựu Ước (x/c Gen 42:18, Exo 19:10-11, Jos 3:2, Hos 6:2, Jon 2:1, Ezr 8:15, Est 5:1, Luk 13:32). Chúa Jesus xác tín niềm tin này bằng cách sống lại vinh hiển từ cõi chết trong ngày thứ ba.

1.2/ Hai điều căn bản Thiên Chúa muốn nơi con người:

(1) Phải ra sức học biết Thiên Chúa: Con người thường biếu quà cáp quí giá cho cha mẹ, vì họ nghĩ cha mẹ sẽ hài lòng vì những quà tặng này. Nhưng điều cha mẹ hài lòng hơn là con cái phải biết giữ đạo, yêu thương cha mẹ, và ăn ở hòa thuận với mọi người. Tiên tri Hosea dạy: “Chúng ta phải biết Đức Chúa, phải ra sức nhận biết Người; như hừng đông mỗi ngày xuất hiện,
chắc chắn thế nào Người cũng đến. Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai.” Phải học biết Thiên Chúa thì con người mới biết Thiên Chúa muốn gì, trước khi con người có thể làm đẹp lòng Ngài. Không học biết về Thiên Chúa, con người không thể làm đẹp lòng Ngài. Chính Thiên Chúa xác nhận: “Ta thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.”

(2) Phải hết sức yêu mến Người: Thiên Chúa yêu mến con người, đó là lý do duy nhất Ngài dựng nên, dạy dỗ, và chuẩn bị mọi sự cho con người. Một điều duy nhất con người có thể trả ơn Thiên Chúa là yêu mến và vâng nghe những gì Ngài dạy. Không một thứ quà cáp nào thay thế được tình yêu mà Thiên Chúa mong muốn nơi con người: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ.”

2/ Phúc Âm: Hai thái độ khi cầu nguyện

Cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa. Con người cần biết Thiên Chúa là ai và những gì Thiên Chúa thích; đồng thời con người cũng cần biết mình là ai và những gì mình ao ước. Vì thế, cần chuẩn bị tâm hồn và có thái độ xứng đáng trước khi cầu nguyện. Để dẫn chứng thái độ thích đáng khi cầu nguyện, Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:

(1) Thái độ của người Pharisee: Người Pharisee đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Có nhiều điều sai trong cách cầu nguyện này: Hành vi bên ngòai biểu lộ tâm hồn bên trong. Cách đứng thẳng biểu lộ ông cho mình là công chính; và nếu ông đã công chính, ông đâu cần đến Thiên Chúa. Lời nói của ông cũng xác tín điều này, ông so sánh mình với những lọai người tội lỗi, và nhận thấy ông quá tốt lành.

(2) Thái độ của người thu thuế: Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Ông nhận ra Thiên Chúa là ai và ông là ai. Hành động và lời nói của ông chứng tỏ ông là người tội lỗi và đang cần tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông biết ông không cần phải nói nhiều vì Thiên Chúa đã thông suốt cả.

(3) Hậu quả của cuộc cầu nguyện là mục đích mà cả hai người cùng nhắm tới: Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Người thu thuế đạt được mục đích, người Biệt-phái đã không đạt được đích, lại còn lãnh thêm tội vào mình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần cố gắng học biết về Thiên Chúa để có thể sống đúng đắn mối liên hệ với Ngài; đồng thời sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta nhận ra những gì Ngài đã làm cho chúng ta, và sẽ giúp chúng ta yêu Ngài hơn.

– Thiên Chúa sửa phạt vì yêu thương. Chúng ta cần vượt qua tính tự ái và kiêu ngạo để nhận ra tội lỗi đã xúc phạm, và ăn năn trở lại cùng Ngài. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************