Ngày thứ bảy (18-02-2023) – Trang suy niệm

17/02/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần VI Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 11, 1-7

“Nhờ đức tin, chúng tôi hiểu rằng vũ trụ do lời Thiên Chúa mà cấu thành”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Đức tin là nền tảng của những điều hy vọng, là bằng chứng cho những thực tại vô hình. Quả thật, nhờ đức tin mà các tiền nhân đã được một bằng chứng. Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ do lời Thiên Chúa mà cấu thành, nên cái gì hữu hình là bởi vô hình mà có. Nhờ đức tin mà Abel đã dâng lên Thiên Chúa của lễ hoàn hảo hơn của lễ Cain, và bởi đức tin mà ông được chứng thực là công chính; Thiên Chúa đã làm chứng cho lễ vật của ông. Bởi đức tin đó, cho dầu ông đã chết, ông vẫn còn lên tiếng. Nhờ đức tin, Henoch được cất lên nơi khác, để ông khỏi thấy sự chết; người ta không còn gặp ông nữa, vì Thiên Chúa đã cất ông lên nơi khác: trước khi được cất đi nơi khác, ông được làm chứng là người đẹp lòng Chúa. Vậy không có đức tin, thì không thể đẹp lòng Chúa, vì chưng ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin có Thiên Chúa, và Người thưởng công cho những kẻ tìm kiếm Người. Nhờ đức tin, Noe được Chúa cho biết những điều chưa hề thấy, nên ông sợ hãi và đóng tàu để cứu sống gia đình ông. Nhờ đức tin đó mà ông đã lên án thế gian, và được nên người thừa hưởng sự công chính bởi đức tin. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 2-3. 4-5. 10-11

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1b).

Xướng:

1) HÄng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. – Đáp.

2) Thế hệ này rao giảng cho thế hệ kia hay công việc Chúa, và thiên hạ loan tin quyền năng của Ngài. Người ta nói đến vinh quang cao cả oai nghiêm, và phổ biến những điều diệu kỳ của Chúa. – Đáp.

3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 9, 1-12 (Hl 2-13)

“Người biến hình trước mặt các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.  

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?” Và các ông hỏi Người: “Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?” Người đáp: “Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng ‘Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ’. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

18/02/2023 – THỨ BẢY TUẦN 6 TN

Mc 9,2-13

HIẾN MÌNH ĐỂ BIẾN HÌNH

Từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7)

Suy niệm: Hoạ sĩ Van Gogh nhận định: “Một tiều phu hay một thợ mỏ nghèo nhất cũng có những thoáng cảm hứng khiến anh ta cảm thấy gần như ở thiên đàng.” Thật vậy, ai cũng có những giây phút biến hình với những niềm vui bất ngờ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ba môn đệ được diễm phúc chứng kiến một thoáng biến hình ngắn ngủi của Thầy mình: khuôn mặt rực sáng vinh quang, y phục rực rỡ trắng tinh… Chính thái độ kiên quyết hiến mình cho Chúa Cha, đi trên con đường khổ nạn để cứu muôn người (x. Mc 8,31), đã đẹp lòng Chúa Cha, và Cha đã cho Con được biến hình trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Khi Con đã hoàn toàn hiến mình qua cuộc khổ nạn, Cha sẽ cho Con hoàn toàn biến hình trong vinh quang Phục Sinh.

Mời Bạn: “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Ta-bo, mà là trèo lên núi Can Vê cùng với Chúa Giê-su” (th. Tê-rê-xa Hài Đồng). Khuôn mặt, tâm hồn bạn bừng sáng hơn sau mỗi nghĩa cử hiến mình cho đồng loại, qua từng hành vi từ bỏ cái tôi ích kỷ, cầu an, để sống cho người và yêu Chúa hơn. Tôi có cảm nhận mình được biến hình bừng sáng nhờ cử chỉ hiến mình không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành vài phút soi lại trong tấm gương Lời Chúa xem khuôn mặt mình bừng sáng hay tăm tối hơn để điều chỉnh cho hợp với tư cách người con yêu dấu của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi lần con nhìn Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe Lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp gỡ Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu được tuyên bố là Con Thiên Chúa ba lần :
lúc chịu phép rửa (1, 11), lúc được biến hình (9, 7), và sau khi tắt thở (15, 39).
Trong cả ba lần này, Đức Giêsu đều ở trong thái độ vâng phục tự hạ.
Lần thứ nhất, khi ngài đứng chung với những tội nhân chịu phép rửa (1, 9).
Lần thứ hai, sau khi ngài tiên báo và chấp nhận cuộc Thương Khó (8, 31).
Lần thứ ba, sau khi ngài bị đóng đinh và chết trên thập giá (15, 39).
Như thế khi Đức Giêsu đi xuống đến cùng của phận người tội lụy
thì ngài lại được tôn vinh là Con Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu lên một ngọn núi cao.
Ngài chỉ đem theo ba môn đệ thân tín, Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Ba ông này đã được thấy ngài hồi sinh con gái ông Giairô (5, 37),
và sẽ được ở bên ngài trong vườn Dầu sau này (14,33).
Đức Giêsu được biến hình trước mắt các ông, y phục ngài trắng tinh rực rỡ.
Cha đã muốn cho ba môn đệ thấy sự cao trọng thánh thiêng của Đức Giêsu,
vốn được ẩn dấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường.
Đức Giêsu biến hình không phải là đổi qua một hình khác,
mà là vén mở trong một thời gian ngắn
để cho ta thấy tư cách thần linh vẫn luôn luôn có nơi ngài.

Phêrô và các bạn ngây ngất trước cảnh tượng chưa từng thấy.
Hơn nữa, họ còn thấy ông Êlia và ông Môsê hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu.
Hai ông này đã từng đàm đạo với Thiên Chúa trên núi (Xh 33,11; 1V 19, 8-18).
Bây giờ họ cũng đàm đạo với Đức Giêsu trên núi cao.
Phêrô chỉ muốn kéo dài giây phút tuyệt vời này mãi.
Ông đề nghị căng ba lều để ba vị ở lại đây luôn.
Có lẽ ông quên là Thầy Giêsu còn cả một con đường nhọc nhằn phải đi.

 “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe ngài” (c. 7).
Câu duy nhất của Chúa Cha nói với chúng ta trong Tin Mừng Máccô.
Cha giới thiệu cho ta Con của Cha, Cha mời gọi ta vâng nghe ngài.
Ba môn đệ chẳng thể ngờ rằng trên ngọn núi này
họ sẽ được bao phủ bằng sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa qua đám mây,
và tai họ được nghe thấy lời của chính Thiên Chúa nói.

Rồi đến lúc Thầy và các trò phải xuống núi.
Con người Thầy Giêsu trở lại như thường, y phục trở lại bình thường.
Thầy xuống núi này để chuẩn bị lên một ngọn núi khác.
Nhưng những gì diễn ra ở ngọn núi này thật là không thể quên.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa thường hay lên núi cầu nguyện.
Thỉnh thoảng xin dẫn con lên một ngọn núi cao
để con sống tình bạn với Chúa.
Xin cho con ngỡ ngàng khi chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa,
khuôn mặt mà con tưởng mình đã quen biết từ lâu.
Chúa cho con thấy những nét đơn sơ để lòng con trở nên giản dị.
Chúa cho con thấy những nét hiền hậu để con biết thứ tha.
Chúa cho con gặp những nét sáng tươi
để con nở một nụ cười với cuộc sống.

Lạy Chúa, xin hãy cho con có kinh nghiệm lên núi với Chúa,
yêu thích sự cô tịch và thanh thoát, trầm lặng để lắng nghe.
Ước gì khoảng trời bao la trên đỉnh núi
nâng con lên khỏi những nhỏ mọn hàng ngày.
Và ước gì khi xuống núi,
con thấy mình mạnh mẽ hơn để đón lấy những gai góc của đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG HAI

Bạn Có Nghe Ngài Gõ Cửa?

“Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2, 12). Đó là tiếng gọi của Thiên Chúa cho riêng từng người trong Giáo Hội. Thiên Chúa kêu gọi mỗi chúng ta trở về với Ngài. Đấy là sứ điệp của mọi mùa Chay. Đó là lý do tại sao mùa Chay được gọi là một ‘nhịp mạnh’. Trong mùa này, hơn bất cứ lúc nào khác, chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Ngài kêu gọi. Ngài gõ vào cánh cửa tâm hồn ta.

Thiên Chúa muốn chiếm lấy chúng ta. Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta thật quá đỗi thâm trầm, vì Ngài biết từng người trong chúng ta đến tận những đáy sâu thẳm nhất. Ngài biết rằng mãi mãi chúng ta còn khắc khoải bao lâu chưa trở lại cùng Ngài. Vì thế, đây cũng là một tình yêu ‘hay ghen’(cf. Ge 2, 18). Tình yêu ‘hay ghen’ ấy của Thiên Chúa làm nên bầu khí của mùa Chay, từ Thứ Tư Lễ Tro cho đến Tam Nhật Thánh.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18/2

Dt 11, 1-7; Mc 9, 2-13.

LỜI SUY NIỆM: Bấy giờ ông Phêrô  thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì cắc ông kinh hoàng. Bổng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9, 5-7).

          Tin Mừng hôm nay, trường thuật về câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi cao có sự hiện diện của ba Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan.

          Điều này cho chúng ta thấy được sự khác lạ đối với ngày thường của Chúa Giêsu. “Người đang ẩn mình dưới hình thức một con người như chúng ta, nhưng nay Người trở nên “Ánh sang”. Và Người cùng đàm đạo với Môsê và Êlia; đây là hai vị đại diện cho “Lề Luật và Ngôn sứ” Trước khi Người lên Giêrusalem để hoàn thành chương trình Cứu dộ của Người mà Kinh Thánh đã đề cập đến; Sự việc này đã làm vừa lòng Chúa Cha, và Ngài đã xuất hiện với hình thức “Đám mây” (dâu chỉ sự hiện điện của Thiên Chúa trong Cựu Ước). Tất cả đều được Chúa Cha chấp nhận và Ngài phán bảo: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

          Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa Cha phán bảo với ba Tông Đồ của Chúa trên núi, cũng là Lời đang mời gọi mỗi người trong chúng con ngày hôm nay. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con luôn ý thức: Lời Chúa là Lời Hằng Sống, và là lương thực nuôi sống đức tin và ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Hai

Hai Biển Hồ 

Palestina có tới hai biển hồ… Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Ðây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Xung quanh hồ này là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi. Nhà cửa cũng mọc lên rất nhiều xung quanh biển hồ này… Chúa Giêsu đã gặp gỡ với những người môn đệ đầu tiên của Ngài tại đây và Ngài cũng nhiều lần đi thuyền xuyên qua biển hồ này.

Biển hồ thứ hai tại Palestina là Biển Chết. Ðúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi mà người cũng có thể trở thành bệnh hoạn nếu uống phải. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên khiến không ai muốn sống gần đó.

Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ khác, nhờ đó nước của nó luôn luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muôn thú cũng như con người.

Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho nó do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.

Thánh Phaolô đãghi lại lời vàng ngọc của Chúa Giesu như sau: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Thật ra, càng trao ban, người ta càng nhận lãnh trở lại nhiều hơn.

Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa tỏa lan. Một vết dầu thả lỏng là một vết dầu loang. Ðôi môi có hé mở mới thu nhận được nhiều nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng…

Càng trao ban, càng được nhận lãnh: đó là một định luật sống của con người trong mọi lĩnh vức. Tất cả con người chúng ta, tất cả sự sống của chúng ta, tất cả tài năng của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có: tất cả đều do Chúa ban tặng. Thiên Chúa ban tặng tất cả cho chúng ta để chúng ta trao ban cho người khác và như vậy, chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực… Cũng như biển hồ Galilêa tiếp nhận nước từ dòng sông Jordan để rồi ban tặng cho những sông lạch xung quanh và nhờ đó, trở thành trong xanh tươi tốt, cũng thế, sự sống chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa chỉ trở thành tươi tốt nếu nó được chia sẻ và trao ban cho người khác. Càng giữ lấy riêng cho mình, sự sống trong chúng ta sẽ héo tàn và chết dần chết mòn.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 6 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Heb 11:1-7; Mk 9:2-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Thiên Chúa đòi chúng ta chấp nhận đường lối của Ngài.

Niềm tin đòi hai chiều: Nếu chúng ta tin những gì người khác nói là thật, chúng ta phải làm những điều họ nói; chúng ta không thể “nói một đàng, làm một nẻo.” Ví dụ, vợ nói là tin chồng; nhưng lúc nào cũng đi sát bên chồng để xem chồng có thực sự chung thủy với mình hay không! Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa cũng thế: tin Thiên Chúa là phải giữ những gì Ngài truyền.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong niềm tin vào Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do Thái nhắc lại những chứng nhân đức tin trong lịch sử: Abel, Enoch, và Noah. Các ông tin Thiên Chúa và làm tất cả những gì Ngài truyền, dù Ngài có mặt hay không có mặt. Nhờ đức tin vào Thiên Chúa, các nhân vật này đã được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng với những gì họ đã hy vọng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mang 3 môn đệ thân tín lên núi Tabor để cho họ nhìn thấy vinh quang đích thực của Ngài với các nhân nhứng lừng danh của Cựu Ước, Moses và Elijah. Mục đích của việc biến hình là để các ông tin Ngài là Thiên Chúa; và sẵn sàng chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu chuộc con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tin Thiên Chúa là thực hành những gì Ngài truyền.

1.1/ Niềm tin vào Thiên Chúa: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” Khi Thiên Chúa hứa một sự gì cho các tiền nhân, điều đó chưa xảy ra; nhưng các tiền nhân vẫn tin vào điều Thiên Chúa hứa, và làm những gì Ngài truyền, vì họ biết nó sẽ xảy ra. Chính vì niềm tin biểu lộ qua hành động, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám. “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có.”

1.2/ Các nhân chứng đức tin trong lịch sử: Tác giả dùng các nhân chứng này để khuyến khích các tín hữu mạnh dạn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng nói gì có vậy. Những nhân vật lịch sử này không nghi ngờ những gì Thiên Chúa nói; nhưng luôn sống mối liên hệ với Thiên Chúa và làm tất cả những gì Ngài truyền.

(1) Ông Abel: là em ông Cain. Khi dâng lễ vật cho Thiên Chúa, ông đã chọn những của lễ béo tốt và tinh tuyền nhất dâng cho Thiên Chúa, vì ông yêu mến Ngài; chứ không làm cho qua lần chiếu lệ như Cain. Khi thấy lễ vật của mình không được Thiên Chúa đóai nhìn, thay vì xét lại lý do tại sao Thiên Chúa không đóai nhìn, Cain đã “giận cá chém thớt,” và ông đã giết em ngòai đồng. Máu của em ông bị đổ ra đã kêu thấu đến Thiên Chúa và Ngài đã sửa phạt Cain nặng nề.

(2) Ông Enoch: “Nhờ đức tin, ông Enoch được đem đi nơi khác để khỏi chết, và người ta không tìm thấy ông nữa, bởi vì Thiên Chúa đã đem ông đi. Quả thật, Kinh Thánh chứng nhận rằng: trước khi được đem đi, ông đã làm đẹp lòng Thiên Chúa. Mà không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.”

(3) Ông Noah: và gia đình là những người sống sót sau Lụt Hồng Thủy vì ông luôn tin nơi Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy. Khi được Thiên Chúa truyền phải đóng một chiếc tàu lớn, ông đã mau mắn thi hành, dù bị mọi người chế nhạo. Nhờ đó, khi Lụt Hồng Thủy xảy ra và tiêu diệt tất cả nhân lọai, chỉ một mình gia đình ông còn sót lại.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu biến hình trước mặt 3 môn đệ.

2.1/ Những gì xảy ra khi Chúa biến hình:

(1) Chúa Giêsu đàm đạo với ông Elijah cùng ông Moses: Elijah đại diện cho các tiên tri, và Moses đại diện cho Lề Luật. Họ đàm đạo về điều gì? Dựa vào câu hỏi của các tông-đồ bên dưới: “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì,” chúng ta có thể đóan được họ nói về Cuộc Thương Khó sắp tới và sự sống lại từ cõi chết của Người. Trình thuật của Luca nói rõ: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Jerusalem” (Lk 9:31).

(2) Tiếng của Thiên Chúa Cha làm chứng về Chúa Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Tiếng này đã được nói lần nhất khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan. Lời của Chúa Cha ở đây xác tín Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu sắp trải qua, và nhắn nhủ các tông-đồ tin vào những gì Chúa Giêsu nói với họ.

2.2/ Mục đích của việc biến hình: không những là để các môn đệ tin Ngài là Đấng Thiên Sai, mà còn tin Ngài phải ngang qua Cuộc Thương Khó để cứu chuộc con người. Các tông-đồ dễ chấp nhận điều thứ nhất hơn là điều thứ hai, như chúng ta sẽ thấy phản ứng của họ trong 3 lần Chúa nói về Cuộc Thương Khó của Ngài.

(1) Sống lại từ cõi chết: “Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.” Tại sao Chúa Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe Cuộc Biến Hình? Một lần nữa, điều này làm sáng tỏ lý do “bí mật của Đấng Thiên Sai” của Marcô. Truyền thống Do-Thái không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ, nhất là phải chịu chết để chuộc tội cho con người. Họ có thể kể lại điều này sau khi Chúa sống lại từ cõi chết, như một bằng chứng: những gì Ngài đã nói đều được ứng nghiệm.

(2) Elijah đã đến: Các ông hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Elijah phải đến trước?” Người đáp: “Đúng thế, ông Elijah đến trước để chỉnh đốn mọi sự, Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Elijah đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”

Chúa Giêsu có ý nói về Gioan Tẩy Giả và sự cầm tù cùng cái chết của ông bởi tay Vua Herode. Ngài cũng có ý nói cho các tông-đồ biết, nếu họ đã đối xử như thế với người dọn đường, họ cũng đối xử với Ngài, Đấng Thiên Sai, như vậy.

Mặc dù Chúa Giêsu đã cho các tông đồ nhìn thấy và cắt nghĩa các ông tường tận, nhưng rất khó cho các môn đệ chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ; vì không những các ông tin vào truyền thống, mà còn như hầu hết con người: không ai muốn theo con đường đau khổ cả!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tin nơi Thiên Chúa đòi chúng ta phải thực hành những gì Ngài truyền. Nếu chúng ta nói tin vào Chúa và không thực thi những gì Thiên Chúa dạy, sự thật không có trong chúng ta.

– Rất nhiều lần chúng ta không thực hành những gì Thiên Chúa dạy, vì đó không phải là điều chúng ta mong muốn; nhưng làm theo những gì Thiên Chúa muốn sẽ đem lại kết quả tốt cho chúng ta.

– Những lúc nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa, chúng ta hãy noi gương các chứng nhân trong lịch sử: tổ phụ Abraham, Abel, Noah, Thánh Giuse, Đức Mẹ, Thánh Phaolô… Tất cả những gì Thiên Chúa hứa đều đã được thực hiện.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************