Ngày thứ bảy (23-01-2021) – Trang suy niệm

22/01/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần II Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:   Dt 9, 2-3, 11-14

“Nhờ chính máu Mình mà Người vào Cung Thánh chỉ một lần”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất, có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ hai thì đến gian gọi là Cực Thánh.

Còn Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Đức Kitô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Đáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Xướng:

1) Hết thảy chư dân hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Đấng Tối Cao, Khả uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian. – Đáp.

2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta! – Đáp.

3) Vì Thiên Chúa là vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 3, 20-21

“Những thân nhân của Người nói: ‘Người đã mất trí'”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

23/01/2021 – THỨ BẢY TUẦN 2 TN

Mc 3,20-21

ĐÁM ĐÔNG SAY MÊ LỜI

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc 3,20-21)

Suy niệm: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến.” Đám đông cần gì nơi Ngài mà lại kéo đến? Họ đến với Ngài mong được chữa bệnh, trừ quỷ, nhưng cũng có rất nhiều người muốn được nghe lời rao giảng của Ngài, họ say mê lời Ngài. Họ đến đông đảo, liên tục, quấy rầy đến độ thầy trò không có thời giờ ăn uống nữa. Thế là Ngài lại vui vẻ gặp gỡ, loan báo Lời Hằng Sống cho họ. Cũng không lạ gì khi thân nhân Chúa Giê-su cho rằng Ngài bị mất trí. Họ không làm sao hiểu nổi lý do nào khiến Ngài bỏ một công ăn việc làm ổn định, đi lang thang rao giảng khắp ba miền, chọn các môn đệ ít học, giao du với các kẻ tội lỗi, giảng dạy những điều ngược với truyền thống xưa nay. Chúa hiểu nhu cầu sâu xa của con người: không chỉ đói cơm bánh, mà còn đói khát Lời Hằng sống, ý nghĩa cuộc đời, lẽ sống cho mình.

Mời Bạn: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mc 4,4). Có khi nào Lời an ủi bạn, mở cho bạn khung trời mới, Lời giải thoát bạn, để rồi bạn say mê Lời như đám đông, đến nỗi quên cả ăn ngủ? Hay có khi nào bạn để cho việc rao giảng Lời khiến bạn say mê và chiếm hết thời gian của bạn, đến nỗi bạn không có giờ ăn uống?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít phút để “ở lại” với Lời, để Lời nuôi dưỡng bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Lời Chúa qui tụ đám đông, Lời làm người ta say mê. Xin cho các Giáo hội Ki-tô được hiệp nhất nhờ say mê và được qui tụ nhờ Lời Ngài. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

 Suy niệm:

Thông thường ở xã hội Do Thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo.
Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi” học trò.
Thầy muốn lập một nhóm học trò ruột, hết sức gần gũi với mình.
Những người Thầy muốn, Thầy đã gọi họ lại.
Và họ đã đáp lời mà đến với vị Thầy đang ở trên núi.
Như thế sáng kiến thì bắt nguồn từ Thầy,
còn đáp lại là điều con người cần thực hiện.

Thầy Giêsu muốn lập một nhóm mười hai môn đệ.
Có thể vì Thầy nhớ đến mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.
Mục đích của nhóm Mười Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi.
Ở với là chuyện ưu tiên, và cũng là chuyện dễ bị xao lãng.
Ở với là có tương quan thân thiết và thường xuyên với Thầy.
Ở với là chia sẻ cuộc sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại.
Khi ở với Thầy Giêsu, người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với  Thầy.
Khi các môn đệ đến với và ở với Thầy Giêsu,
họ như được tách ra khỏi đám đông.
Sau này, khi tìm người thay thế Giuđa phản bội,
Phêrô đòi đó phải là người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22).

Ở với nằm trong định nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu.
Nhưng đó không phải là điểm dừng.
Ở lại với Chúa là để được sai đến với con người.
Được tách ra khỏi đám đông chính là để được sai đến với đám đông,
trong tư cách của người đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu.
Người môn đệ được sai sẽ được phép làm những việc y hệt như Thầy :
rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ nhằm phục vụ cho con người.
Chẳng những họ làm việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy.
Không ở với thì cũng chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai.
Nhưng ở với là để có ngày được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.

Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi.
Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa
và rơi vào tình trạng nghiện việc.
Chính vì thế công việc ta làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền.
Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

23 THÁNG GIÊNG

Tôn Trọng Nhân Vị Con Người Tại Môi Trường Lao Động

Nhãn quan Kitô giáo về thực tại tập chú trên con người và phẩm giá của con người xét như một ngôi vị được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó là lý do vì sao tôi muốn khẳng định mạnh mẽ rằng nhân vị phải luôn luôn là mối ưu tiên đệ nhất trong lao động. Khẳng định ấy sẽ đưa ta tới một quan điểm hết sức quan trọng về đạo đức. Đành rằng quả thật con người được gọi và được định liệu để lao động; song, lao động tiên vàn là cho con người, chứ không phải con người cho lao động. Nói cho cùng, mọi loại lao động của con người – dù tầm thường hay đơn điệu đến mấy đi nữa – cũng luôn luôn nhận cứu cánh của nó là chính con người (Laborem exercens 6).

Toàn bộ cơ cấu lao động phải vận hành xoay quanh chiếc trục bản lề là chính con người. Lao động là thực tại cao quí. Nhưng con người còn cao quí hơn muôn muôn triệu lần. Con người là thiêng thánh. Và tính thiêng thánh này không thể bị xúc phạm. Dứt khoát phải tôn trọng nhân vị con người trong mọi môi trường lao động.

Tính thiêng thánh ấy là gốc rễ từ đó bật ra tất cả các quyền đặc biệt của con người. Bất cứ cảnh vực lao động nào muốn tạo lập một môi trường đạo đức lành mạnh đều phải tôn trọng nhãn giới ấy về con người.

Thật vậy, chất lượng luân lý và đạo đức của một doanh nghiệp – và thường kể cả mức hiệu năng của doanh nghiệp ấy trên thị trường nữa – được đo lường chính nơi thái độ của doanh nghiệp này đối với con người.

Công nghệ, tư bản, lợi nhuận, và tất cả những gì góp phần đem lại sự thành công về tài chánh đều được trân trọng và tưởng thưởng theo mức độ mà chúng tôn trọng phẩm giá con người trong môi trường lao động. Chúng phải luôn luôn lệ thuộc con người – và con người phải luôn luôn chiếm được sự quan tâm hàng đầu tại mọi môi trường lao động.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 23/1

Dt 9, 2-3. 11-14; Mc 3, 20-21.

LỜI SUY NIỆM: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.”

          Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của những con người tin tưởng nơi Người mà chạy đến với Người, Người không giới hạn nơi chốn và thời gian, cốt để đem niềm vui sự an ủi và bình an cho hết mọi người trông cậy nơi Người.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn tin là Chúa đang chờ chúng con, Chúa đang tìm kiếm chúng con, để ban mọi ơn lành cho chúng con, xin cho chúng con luôn biết tìm đến mà nhận lãnh. Để đem lại sức sống mới tốt đẹp hơn cho chúng con và những người đang sống chung quanh chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

 23 Tháng Giêng

 Chúa Giêsu Ði Xem Bóng Ðá  

Một linh mục Aán Ðộ chuyên về huấn luyện tu đức là cha Anthony de Mello đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau: Chúa Giêsu than phiền là Ngài chưa được một lần tham dự một trận túc cầu. Chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và một đội Công Giáo. Ðội Công Giáo làm bàn trước một không. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đội Tin Lành lại làm bàn. Lần này Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời.

 Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Oâng ta lấy tay đập lên vai Ngài rồi hỏi: “Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy?”. Xem chừng như vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: “Tôi hả? Tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi”. Người khán giả khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nay lại càng bực bội hơn. Oâng quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: “Hắn là một tên vô thần”.

 Trên đường trở về nhà, chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Ngài: “Thưa Chúa, những con người có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng rằng Chúa Giêsu chỉ đứng riêng về phía họ và nghịch lại với những người thuộc tôn giáo khác”.

 Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói: “Ðó là lý do tại sao ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người trọng hơn ngày Sabbat. Chúng con nên biết là chính những người có tôn giáo đã treo Ta lên thập giá”.

 Câu chuyện tưởng tượng trên đây cho chúng ta thấy rằng một trong những vết thương lớn nhất của nhân loại trải qua mọi thời đại: đó là thái độ bất khoan dung đưa đến những cuộc chiến tranh tôn giáo. Con người ai cũng bị cám dỗ nhân danh Thượng Ðế, thần minh và hệ tư tưởng của mình để triệt hạ, để loại trừ, để bách hại người khác. Kỳ thực, có tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung, lòng nhân từ đối với mọi người?

 Chúa Giêsu đến để mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Ngài là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ. Ngài yêu thương những kẻ nhận biết và yêu mến Ngài cũng như những kẻ chối bỏ và thù ghét Ngài. Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau như anh em cùng một gia đình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta là Ðấng mà người ta cũng sẽ chối bỏ nếu người ta khước từ chính anh em đồng loại của mình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải là Ðấng mà người ta cũng sẽ xúc phạm nếu xúc phạm đến con người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy, Tuần II TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 9:2-3, 11-14; Mk 3:20-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu vô biên của Chúa Giêsu             

            Khi yêu, con người làm những việc bị người khác coi là điên khùng; chẳng hạn, đứng chờ người yêu dưới mưa, hay sẵn sàng chết vì người mình yêu. Nhưng đối với người đang yêu, nó được thúc đẩy phải biểu lộ để chứng tỏ tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã từng rửa chân cho các Tông-đồ và căn dặn các ông cũng phải rửa chân cho nhau. Ngài cũng đã nói với các ông: “không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình của người chết vì yêu.” Ngài không chỉ nói, nhưng đã vác Thập Giá lên Đồi Golgotha để chết cho con người, để chứng tỏ tình yêu của Ngài.

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu dành cho con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái so sánh máu của Chúa Giêsu đổ ra để xóa tội cho con người với máu của chiên bò rảy trên con người của Cựu Ước. Nếu máu chiên bò có thể cất đi tội cho con người, huống hồ gì là máu của Con Thiên Chúa! Trong Phúc Âm, vì quá yêu thương dân chúng, Chúa Giêsu và các môn đệ làm việc không ngơi nghỉ đến nỗi không có giờ ăn uống. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Máu của Đức Kitô đổ ra có sức thanh tẩy hiệu quả hơn máu của chiên bò.

            1.1/ Lều Hội Ngộ và Lều của Đức Kitô: Sau khi đã so sánh phẩm trật Thượng Tế và lễ vật hy sinh, tác giả Thư Do-Thái muốn so sánh nơi chốn mà Thượng Tế dâng lễ vật. Lều Hội Ngộ, nơi mà các Thượng Tế dâng lễ hy sinh trong Ngày Đền Tội mỗi năm, được dựng nên bởi con người theo kiểu mẫu Thiên Chúa mặc khải cho Moses. Lều này chỉ là hình bóng của một thực tại, Lều lớn và hòan hảo hơn, không do bàn tay con người xây dựng và không thuộc về thế giới này, nhưng do chính Thiên Chúa tạo dựng.

            (1) Lều Hội Ngộ: Trong Cựu-Ước, Lều này được cấu trúc theo mô hình mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Moses. Tác giả mô tả vắn tắt như sau: “Lều này được gọi là Nơi Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến. Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh.” Các tư tế có thể vào Nơi Thánh để dâng lễ vật hàng tuần; nhưng chỉ có Thượng Tế mới được vào Nơi Cực Thánh, mỗi năm một lần, để dâng lễ vật cho mình và cho dân.

            (2) Lều lớn và hòan hảo hơn: “Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này.” Có học-giả cho rằng, Lều này chính là thân xác Chúa Giêsu, nhưng thân xác Chúa Giêsu được cưu mang và thành hình bởi Đức Mẹ, một con người. Lối giải thích hợp lý hơn cho Lều này chính là con người Chúa Giêsu, kết hợp bởi cả thiên tính và nhân tính, như Thánh Ambrosio nói: “Bàn thờ tượng trưng thân thể Chúa Kitô, và thân thể của Chúa Kitô ở trên bàn thờ” (GLCG trưng Ambrosio, Sacer. 4, 7). Hiểu như thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là Lễ Hy Sinh, vừa là Bàn Thờ.

            1.2/ Máu của Đức Kitô và máu của chiên bò: Tác giả đã so sánh lễ hy sinh của Cựu Ước với Lễ Hy Sinh của Thượng Tế Giêsu; giờ đây, tác giả so sánh về hiệu quả của máu đổ ra của hai lễ hy sinh này. Trong Cựu Ước, máu đổ ra là máu của chiên, dê, bò; trong Tân Ước, máu đổ ra là chính máu của Thượng Tế Giêsu, Người Con của Thiên Chúa. Máu của Đức Kitô đem lại cho con người những hiệu quả sau:

            (1) Sự vững bền: Máu súc vật phải đổ mỗi lần con người phạm tội. Máu Đức Kitô đổ một lần là đủ: “Người chỉ đổ máu một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.”

            (2) Hiệu quả: Theo truyền thống Do-Thái, máu súc vật chỉ có thể lấy đi những tội phạm vì vô tình; những tội cố ý phạm, không máu súc vật nào có thể lấy đi được. Máu của Đức Kitô vì là máu của tự nguyện, của yêu thương, của Con Thiên Chúa, có thể tha thứ tất cả các tội: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu và các môn đệ quên mình để lo cho dân chúng.

            2.1/ Lòng yêu thương của Chúa Giêsu dành cho con người: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.” Những việc này xảy ra là vì Chúa Giêsu và các môn đệ quá thương dân chúng. Nếu Chúa Giêsu không muốn những điều này xảy ra, Ngài chỉ cần đình chỉ việc chữa lành hay lánh đi một nơi hẻo lánh, là giải quyết được vấn đề. Chỉ có tình yêu mới thúc đẩy Chúa Giêsu và các môn đệ vào hòan cảnh này; tuy vậy, các ngài vẫn vui vẻ phục vụ.

            2.2/ Thân nhân không thể hiểu nổi những gì Chúa Giêsu làm: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” Theo thói thường, người không yêu không thể hiểu nổi lý lẽ của tình yêu. Các thân nhân của Chúa Giêsu không thể nào hiểu nổi tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và cho con người. Theo họ, cuộc sống như Chúa Giêsu đang sống là một điên khùng và thất bại, vì:

            (1) Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó, không có nghề nghiệp gì nhất định; trong khi theo họ, con người phải có mái nhà an tòan và nghề nghiệp vững chắc để sinh sống.

            (2) Kết bạn với những người nghèo khổ và thất học; trong khi theo họ, phải có kiến thức và địa vị cao trọng trong xã hội.

            (3) Dám đương đầu với quyền lực của giới cai trị tôn giáo như Biệt-phái, Kinh-sư, Cao-niên. Theo họ, làm như thế là tự mang án tử cho mình.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Nhìn vào những gì Chúa Giêsu đã, đang, và sẽ làm cho con người, chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.

            – Không ai dám hy sinh tính mạng cho người khác; họa chăng có người dám chết vì người công chính. Đức Kitô đã chết cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.

            – Vì Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh tất cả cho chúng ta, chúng ta không được ích kỷ để chỉ biết sống cho mình; nhưng phải yêu thương và hy sinh cho người khác như Đức Kitô đã dạy chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************