Ngày thứ bảy (23-03-2019) – Trang suy niệm

22/03/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Mk 7, 14-15. 18-20

“Chúa ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển”.

Trích sách Tiên tri Mikha.

Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Chúa, sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, xin tỏ cho chúng con thấy những việc lạ lùng.

Có Chúa nào giống như Chúa là Đấng dẹp tan mọi bất công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa và cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa điều oan trái chúng tôi. – Đáp.

4) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2b

Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ. 

PHÚC ÂM: Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đã chết nay sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Đứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”‘. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Đó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’. Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’ “. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

23/03/2019 – THỨ BẢY TUẦN 2 MC

Lc 15,1-3.11-32

THA THỨ

Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cùng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.” (Lc 15,31)

Suy niệm: Cha Phanxicô Xaviê Trần An nói về chính mình rằng: “Tôi là một đứa con hoang đàng thời hiện đại.” Thật vậy, từ một người nghiện cờ bạc, ma túy, rượu chè và tù tội, ngài đã hoán cải và hơn nữa, trở thành linh mục đan sĩ dòng Biển Đức, một tông đồ cho những con người hút chích nghiện ngập muốn từ bỏ đường tội lỗi để sống xứng đáng với phẩm giá con người. Vâng, người con hoang đàng trong bài dụ ngôn muốn quay về nhà cha để chỉ làm một đầy tớ. Thế nhưng, người cha đã phục hồi tước vị người con cao quý cho anh. Chiếc áo tượng trưng cho sự tôn trọng, đôi giày là dấu chỉ tư cách người tự do -nô lệ không được mang giày-, chiếc nhẫn tiêu biểu cho quyền thừa kế. Cho nên, trong trái tim người cha, anh luôn là con, luôn có một chỗ cao trọng, dù anh có tội lỗi mấy đi nữa, miễn sao anh thành tâm hối cải, đứng lên và đi trở về nhà cha.

Mời Bạn: Người cha tha thứ cho con, ông không la mắng, cũng chẳng trách móc. Ông như quên đi tất cả quá khứ của con. Yêu thương luôn bao gồm tha thứ và quên hết tất cả. Vì thế, nếu bạn còn in trí lầm lỗi của một người thân quen, là dấu chỉ chắc chắn bạn chưa thật sự tha thứ và được tha thứ! Vậy, bạn hãy nhìn mẫu gương của Thiên Chúa, người Cha nhân lành, để biết tha thứ lầm lỗi của một người xúc phạm đến mình, và tập quên, không nghĩ đến sự xúc phạm của họ nữa.

Sống Lời Chúa: Tận dụng cơ hội trong Mùa Chay này để chứng tỏ đức tin sống động: hãy siêng năng cầu nguyện và tha thứ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha một cách sốt sắng.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

23 THÁNG BA

Chúng Tôi Rao Giảng Đức Kitô Chịu Đóng Đanh

Mùa Chay, Giáo Hội không chỉ đào sâu luật luân lý của Thập Giới. Cùng với Thánh Phao-lô, Giáo Hội còn rao giảng cho chúng ta “Đức Kitô chịu đóng đanh” trên Núi Can-vê.

Thuở xưa, người Do Thái đòi dấu lạ và người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan – như một điều kiện để họ tin vào hành động cứu độ của Thiên Chúa (1Cr 1,22). Con người thời nay cũng có thái độ tương tự như người Do Thái và người Hy Lạp thời các Tông Đồ. Hay nói đúng hơn, đòi hỏi của con người thời nay còn xa hơn thế nữa. Đó đây đôi khi chúng ta gặp phải những chỉ trích và chống đối đối với các huấn lệnh của Thiên Chúa một cách phũ phàng hơn. Dù sao, Giáo Hội vẫn kiên trung với lời tuyên bố của Tông Đồ Phao-lô: “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh” (1Cr 1,23).

Nơi Đức Kitô, chúng ta tìm thấy câu trả lời cho mọi sự! Mọi chỉ trích và chống đối nhắm vào các huấn lệnh của Thiên Chúa đều bị hóa giải khi chúng đối diện với một Đức Kitô chịu đóng đanh. Thập giá Can-vê “thì khôn ngoan hơn loài người” và “mạnh mẽ hơn loài người” (1Cr 1,25).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

NGÀY 23/3

Thánh Turibiô Môgrôvêjô, giám mục

Mk 7, 14-15. 18-20; Lc 15, 1-3. 11-32.

LỜI SUY NIỆM:  “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.’”

          Khi Chúa Giêsu tiếp đón những người tội lỗi và cùng ăn uống với họ, đã làm cho các kinh sư và người Pharisêu xầm xì và đánh giá sai về Người. Chúa Giêsu đã đưa ra “Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa” giúp cho mỗi người chúng ta biết: “Chúa Giêsu thấu suốt các tầm sâu thẳm của tình yêu của Cha Người, mới có thể mạc khải cho chúng ta tận đáy lòng thương xót của Thiên Chúa một cách đơn sơ và đầy vẻ đẹp như vậy (GL 1439)

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con, luôn tin tưởng vào tình yêu thương, tha thứ của Chúa, mà vững mạnh, chỗi dậy sau những lần vấp ngã phạm tội, và cũng xin cho chúng con có niềm vui khi có người anh em ăn năn, hối cải trở về với Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 23-03: Thánh TURIBIÔ MONGRÔVEJO

Giám mục (1536 – 1606)

Có những trẻ em như đã biết Chúa làm gì, trong khi những người khác lo tìm kiếm. Những trẻ này biết an ủi và giúp đỡ người khác. Chẳng hạn dân Mayorga nước Tây Ban Nha, ngày kia, được thấy một em bé đến bên một phụ nữ đang giận dữ. Bà này mất một vật mà không mong tìm lại. Đứa trẻ nhã nhặn giải thích cho bà rằng: đừng nên làm như vậy bởi vì điều đó làm phiền lòng Thiên Chúa. Đứa trẻ tốt lành và tế nhị này tên là Turibiô, con thứ của lãnh chúa Mongrôvejô.

Ở trường Valladolid rồi ở Salamanca, Ngài thường nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo, Ngài còn muốn thống hối thay cho các tội nhân đến nỗi Ngài bị buộc phải bỏ những hy sinh. Người ta có thể tiên đoán là người sẽ thành một tông đồ bởi Ngài đã biết sống đúng đắn.

Khi đã lớn đủ, cùng với sự khôn ngoan, thông hiểu khá vững chãi, Ngài được vua Philippê II đặt làm chánh án tòa án Granada. Khi địa phận Lima trống ngôi năm 1578, thật ngạc nhiên khi người được chỉ định là một giám mục lại là Turibinô một giáo dân. Nghe tin này, Turibinô khóc ròng, Ngài quì dưới chân thánh giá viết thư cho nhà vua, trong đó Ngài tự diễn tả như một kẻ thù tồi tệ của vua vì những bất xứng của mình. Nhưng các lý lẽ ấy đã không lay chuyển được ai. Ngài thụ phong linh mục rồi giám mục và nhậm địa phận năm 1581.

Địa phận dành cho Turibiô có những khó khăn đến nỗi có thể ngăn chận Ngài lại nếu Ngài không phải là một vị thánh. Địa phận có chu vi là sáu trăm dặm, gồm nhiều thành phố và làng mạc rải rác trên hai dãy núi Andes.

Người Tây Ban Nha khai phá tân thế giới, ức hiếp dân chúng cách man rợ. Muốn cải hóa bằng roi, họ bắt dân làm nô lệ và muốn khai hóa dân thì họ lại chỉ thông cho dân những tật xấu của mình. Nhìn dân da đỏ say sưa liên lỉ, Turibiô không thể cầm được nước mắt Ngài quở trách những người chinh phục vì những lạm dụng cướp bóc của họ và tuyên cáo rằng: những cớ vấp phạm ấy phải dừng lại cho chân lý và tình thương ngự trị.

Vị mục tử đi tìm kiếm mọi con chiên của mình. Sa mạc nóng cháy, núi cao tuyết phủ, thú rừng hung tợn, tất cả đều không làm Ngài nản chí, những người Tây ban Nha quyền thế trở thành phó vương, rồi đến vua Philippe II, do những báo cáo sai lầm đã trách cứ Ngài. Nhưng tất cả những lề luật nghiêm khắc đó đã không làm cho Ngài tháo lui. Ngài biện hộ rằng : Chính Chúa Kitô chứ không phải thế gian sẽ phán xét Ngài.

Turibiô học ngôn ngữ dân Peru, Ngài dạy dỗ dân da đỏ như một người cha nhân từ. Lòng bác ái nhân từ của Ngài đối với họ không có giới hạn. Khi Ngài tới một làng hẻo lánh, dân chúng đổ xô đến với Ngài. Trước hết Ngài thăm hỏi những người đau yếu và không chữa chạy cho họ được, Ngài dạy cho họ biết chết lành. Khi phân phát tình yêu Chúa Kitô, Ngài cũng tái lập sự công bình. Dần dần các thành phố và cả những nơi cô quạnh có người Kitô hữu cư ngụ đông đảo. Thánh Turibiô thiết lập các chủng viện, các viện cứu tế.

Trong hai mươi lăm năm, Ngài đi thăm viếng giáo phận rộng lớn và hoang dã của mình ba lần, mỗi lần phải mất tới bảy năm. Ngài kiên trì ngồi tòa mỗi sáng. Người ta nói rằng: khi cầu nguyện, Ngài tỏa chiếu từ khuôn mặt một tia sáng siêu nhiên. Mệt nhọc đã là một việc sám hối rồi, Ngài còn hy sinh và ăn chay thêm nữa. Khi có ôn dịch trong giáo phận, Ngài tăng gấp đôi lời cầu nguyện hãm mình, Ngài cũng tổ chức nhiều cuộc rước, khi tham dự chính Ngài rơi lệ uớt cả thánh giá cầm trong tay.

Trong khi bất dầu cuộc kinh lý mớí, Ngài đã ngã bệnh tại Santa, Ngài chỉ biết lập lại lời thánh Phaolô : “Tôi ao ước thoát khỏi những ràng buộc của thể xác để kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô”.

Gần chết Ngài xin những người chung quanh hát lời thánh vịnh  : – Tôi vui mừng khi nghe nói cùng tôi : chúng ta đi về nhà Thiên Chúa

Thế là cái chết của Ngài được coi như một thánh lễ. Lời cuối cùng của Ngài là lời chính chúa Kitô  : – Lạy Chúa, con phó thác linh hồn con trong tay Chúa. Ngài tự đi tới thánh đường Santa để lãnh các bí tích cuối cùng và kết hiệp với Thánh Thể, Ngài qua đời năm 1606.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

23 Tháng Ba

Cầu Xin và Cảm Tạ 

Một buổi sáng kia, một cô giáo dạy vườn trẻ chưng một bình hoa thủy tiên tuyệt đẹp trên chiếc bàn đặt ở giữa phòng. Khi các em bé nhỏ thơ ngây tung tăng tiến vào phòng học, có một em tròn xoe đôi mắt nhìn ngắm những chiếc hoa màu vàng lợt và em nói với cô giáo: “Có phải Chúa đã làm ra những bông này không, em muốn gọi dây nói để cảm ơn Chúa đã cho chúng ta những cái bông đẹp”.

Nếu đất với trời được nối kết với nhau bằng dây điện thoại, thiết nghĩ Thiên Chúa sẽ phải đặt ra hai đường dây: Một đường dây cho những kẻ cầu xin và một đường dây dành cho những lời cám ơn. Và người ta sẽ thấy một đường điện thoại luôn luôn bận rộn. Trong khi đường dây kia thỉnh thoảng mới được dùng đến như một chuyện ngụ ngôn kia thuật lại như sau:
Hai Thiên thần được sai xuống trần gian, môic vị mang theo một chiếc giỏ. Họ chia tay nhau đểđi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhà các người giàu có cũng như những kẻ nghèo khổ, thăm các trẻ em cầu nguyện tại tư gia cũng như tất cả nam phụ lão ấu cầu nguyện tại các nhà thờ.

Sau một thời gian, hai Thiên thần gặp nhau đúng thời điểm đã hẹn để trở về trời. Chiếc giỏ của một thiên thần nặng như chì, còn chiếc giỏ của Thiên Thần kia có vẻ nhẹ như đựng toàn bông gòn.

“Ông mang gì mà nặng thế?”, một Thiên Thần hỏi. Thiên Thần mang giỏ nặng trả lời: “Tôi được sai đến để thu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại. Còn ông, cái giỏ của ông xem ra nhẹ nhàng thế?”.

“À, tôi được sai đến để góp nhặt những lời cám ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài luôn ban cho họ”.

Sự thật về hai cái cân nặng nhẹ của những lời cầu xin và những lời cám ơn trên cũng được bài Tin Mừng về 10 người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành bệnh thuật lại như sau: Một trong bọn họ thấy mình được làm sạch, bèn quay trở lại lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người. Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả 10 người được làm sạch sao? Còn 9 người kia đâu? Sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?”.

Ðể sống trọn lời Chúa, ước gì cuộc sống chúng ta được diễn ra hằng ngày theo lời khuyên sau đây: Hãy chỗi dậy với tâm hồn thư thái và hãy tạ ơn cho một ngày mới mình được yêu thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần II MC

Bài đọc: Mic 7:14-15, 18-20; Lk 15:1-3, 11-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương tha thứ của Thiên Chúa

Khi chúng ta nghe Chúa Giêsu đòi hỏi phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người đã xúc phạm đến chúng ta; nhiều người đã lắc đầu và chép miệng than: Khó quá! Làm sao thực hiện nổi? Chắc chắn Thiên Chúa không đòi con người làm những gì quá sức mình. Để giúp con người làm được điều này, Thiên Chúa ban ơn thánh và mời gọi con người nhìn lại mối liên hệ của họ với Thiên Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay giúp con người nhận ra tình thương tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người đã xúc phạm đến Ngài. Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Micah xin Thiên Chúa nối lại mối liên hệ của Ngài với Israel sau Thời Lưu Đày. Điều này chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được, vì mọi con dân Israel đã xúc phạm đến Ngài. Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa phải chà đạp tội lỗi dưới chân hay quăng chúng xuống đáy biển. Trong Phúc Âm, Thánh-sử Luca viết lại cho chúng ta một câu truyện tuyệt vời về tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng tha thứ vô điều kiện và phục hồi quyền làm con, khi một người ăn năn trở lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa nhân từ.

1.1/ Xin Thiên Chúa tiếp tục chăn dắt dân: Những gì Tiên-tri Micah viết trong chương cuối hôm nay giả sử Thời Lưu Đày đã qua, và Thiên Chúa đã có kế họach cho dân Do-Thái trở về để tái thiết Đền Thờ và xây dựng lại quê hương. Tiên-tri ước mơ Thiên Chúa sẽ nối lại tình cha con, như khi họ mới từ Ai-cập vào Đất Hứa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài dùng gậy để chăn dắt dân là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài, đang biệt cư trong rừng giữa vườn cây ăn trái. Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Bashan và Galaat như những ngày thuở xa xưa. Như thời Ngài ra khỏi đất Ai-cập, xin Ngài cho chúng con thấy những kỳ công.”

1.2/ Thiên Chúa không chấp tội của con người: Tiên-tri ý thức sâu xa các tội của dân đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và tình thương như trời biển của Ngài dành cho dân. Họ xứng đáng lãnh nhận mọi hình phạt và ngay cả cái chết; nhưng họ còn sống và còn được trở về quê hương là hòan tòan do lòng nhân từ của Thiên Chúa. Tiên-tri Micah tự hỏi: “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.”

2/ Phúc Âm: Người Cha nhân hậu

2.1/ Người tội lỗi cần tình thương của Thiên Chúa: Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisees và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Chúa Giêsu đưa ra 3 dụ ngôn để giúp họ nhận ra tình thương Thiên Chúa, và dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” tuyệt vời hơn cả, vì nó bao hàm tất cả các tiến trình phạm tội, xám hối, trở về, và tình thương tha thứ.

(1) Tội lỗi và tự do: Tội lỗi xảy ra khi con người lạm dụng quyền tự do của mình. Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do chọn lựa, và Ngài tôn trọng quyền tự do của con người. Dĩ nhiên Ngài có thể bắt con người làm theo ý Ngài, nhưng làm như thế là mâu thuẫn với chính Ngài, và con người cũng không thỏai mái khi bị bắt làm như thế. Người con thứ cho chúng ta nhìn thấy cách xử dụng tự do không đúng của con người. Người cha để cho con hòan tòan tự do, mặc dù ông rất đau khổ trong lòng, vì ông biết có thể đây là lần cuối được nhìn thấy con.

(2) Tội lỗi và hình phạt: Tự do chọn lựa là phải lãnh nhận hậu quả mang lại. Người biết dùng tự do là người biết cân nhắc kỹ các hậu quả sẽ mang lại của từng lựa chọn. Người con thứ đã không nhìn thấy trước hậu quả của lối sống anh ta đã chọn; và khi hậu quả xảy ra, anh mới biết mình đã lựa chọn không đúng. Vì không có nghề, nên anh phải chăn heo, là một nghề mà người Do-Thái khinh thường. Chưa hết, vì quá đói nên anh ước ao được ăn những đồ heo ăn, mà cũng chẳng ai cho. Danh dự của một con người giờ còn thua cả một con vật nhơ bẩn.

(3) Tội lỗi và xám hối: Đau khổ cần thiết vì nó giúp con người biết phân biệt phải trái; trong đau khổ, con người nhận ra nhu cầu phải ăn năn xám hối. Người con thứ nhận ra mình đã không sống xứng đáng với địa vị làm con, nên muốn xin trở nên như một người làm công để có cơm ăn cho khỏi chết đói. Và anh ta mạnh dạn đứng lên ra về.

(4) Tội lỗi và tha thứ: Có một chi tiết nhỏ, nhưng nhiều người đã nhận ra và viết về nó: Làm sao người cha biết khi nào con trở về mà chạy ra đón con? Có người suy đóan: chắc ngày nào ông cũng ra đón vì thương con. Điều hợp lý hơn có lẽ Chúa Giêsu muốn ám chỉ Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới biết những gì xảy ra trong tâm hồn con người. Ngài tha thứ mà chẳng đòi điều kiện nào cả; cũng chẳng cần con kịp nói hết lời. Không những sẵn sàng tha thứ mọi tội mà còn phục hồi quyền làm con qua việc mặc áo đẹp nhất, xỏ nhẫn, mang giầy, và ăn mừng.

2.2/ Con người không thể hiểu được tình thương Thiên Chúa: Tình thương quá tuyệt vời của người cha làm nhiều người bất mãn, trong đó có người anh của người con thứ.

(1) Phản ứng của người anh cả: Khi biết lý do của buổi tiệc, Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ, và cậu được dịp để bày tỏ nỗi tức giận của mình:

– Kể công phục vụ: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.”

– Từ chối không nhận em mình: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

(2) Phản ứng của người cha: Ông vẫn bênh vực người con thứ và kiên nhẫn cắt nghĩa cho người con cả: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta khó tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho người xúc phạm; vì chúng ta không chịu xét mình để nhìn ra tình thương tha thứ và cách cư xử của Thiên Chúa với chúng ta.

– Một khi chúng ta nhìn ra tình thương tha thứ của Thiên Chúa và cách cư xử của Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho anh chị em hơn; và nhận ra những gì họ xúc phạm đến chúng ta không thể so sánh với những gì chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa.

– Sau cùng, tất cả chỉ là tình thương. Nếu chúng ta đã nhận được tình thương từ Thiên Chúa, chúng ta cũng phải chia sẻ tình thương cho nhau.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************