Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Bảy Tuần XII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Ac 2, 2. 10-14. 18-19
“Trên tường thành thiếu nữ Sion, lòng họ kêu vang lên Thiên Chúa”.
Trích sách Ai Ca.
Chúa phá tan các báu vật nhà Giacóp chẳng nương tay: trong cơn thịnh nộ, Chúa phá huỷ thành luỹ thiếu nữ Giuđa. Người quật xuống đất và làm sỉ nhục cả vương quốc, cả quan chức cao sang.
Các kỳ lão của thiếu nữ Sion ngồi dưới đất thinh lặng, mình mang áo nhặm và rắc tro trên đầu. Còn các trinh nữ Giêrusalem gục đầu xuống đất. Mắt tôi hao mòn vì quá khóc than, lòng tôi bàng hoàng thổn thức, gan tôi đổ tràn trên đất, vì các tai hoạ của thiếu nữ dân tôi: các trẻ thơ, hài nhi măng sữa, xỉu la liệt giữa phố phường. Chúng xin mẹ: “Bánh mì rượu tốt ở đâu?” Chúng ngã xỉu ngoài đường phố như bị gươm đao. Chúng tắt thở ngay nơi lòng mẹ.
Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, ta sánh ngươi cùng ai, ta ví ngươi như kẻ nào? Hỡi trinh nữ Sion, ta sánh ngươi cùng ai để an ủi? Vì nỗi khổ ngươi man mác tựa biển khơi, nào ai chữa nổi ngươi? Các tiên tri của ngươi nói bậy nói sai, chẳng vạch cho ngươi một vài gian ác, cùng chẳng giục ngươi khóc lóc ăn năn, mà chỉ tiên kiến những điều giả dối, khiến ngươi bị trục xuất và lưu đày.
Trên tường thành thiếu nữ Sion, lòng họ kêu vang lên Chúa. Hãy chan hoà suối lệ đêm ngày, đừng để mắt ngươi yên nghỉ. Hãy chỗi dậy, hãy ca ngợi mỗi đầu canh đêm, hãy giốc đổ lòng ra như nước trước Nhan Chúa, hãy giơ tay cầu khẩn Chúa cho lũ trẻ thơ, chúng ngã xỉu vì đói ở góc đường xó chợ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 73, 1-2. 3-5a. 5b-7. 20-21
Đáp: Đời sống con người cơ khổ, xin Chúa đừng nỡ quên hoài (c. 19b).
Xướng:
1) Lạy Chúa, tại sao Chúa ruồng bỏ chúng con hoài? Tại sao Chúa nung nấu lửa hận với đoàn chiên Chúa? Xin nhớ lại cộng đồng Chúa thiết lập tự thuở xa xưa, xin nhớ bộ lạc Chúa đã chuộc để làm phần tư hữu, xin nhớ lại núi Sion, nơi Chúa đã đặt ngai toà! – Đáp.
2) Xin Chúa dời gót tới nơi hoang tàn vĩnh viễn: tên thù đã tàn phá hết trong thánh điện của Ngài. Trong hội đường của Chúa, quân nghịch đã rống lên, chúng đã đặt cờ hiệu của chúng trên đài chiến thắng. – Đáp.
3) Chúng giống như kẻ trong rừng rậm vung lưỡi rìu! Chúng cũng dùng rìu búa bổ vào cửa hội đường như thế, chúng đã châm lửa đốt thánh điện của Ngài, chúng chà đạp cung lâu danh Ngài tận đất! – Đáp.
4) Xin Chúa nhìn lại lời minh ước, vì nơi hang hốc và đồng ruộng đầy dẫy bạo hành. Xin đừng để người khiêm cung trở về tủi hổ, xin cho người cơ hàn nghèo khổ được ngợi khen danh Chúa. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 8, 5-17
“Những người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!” Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!” Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Đoạn Chúa nói với viên sĩ quan rằng: “Ông cứ về, ông được như ông đã tin”. Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh.
Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang sốt rét liệt giường. Chúa chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài.
Đến chiều, họ đưa đến cho Chúa nhiều người bị quỷ ám: Chúa dùng lời đuổi quỷ, và chữa lành tất cả các bệnh nhân, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói rằng: “Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
27/06/2020 – THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Th. Sy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-ri, tiến sĩ HT
Mt 8,5-17
LÒNG TIN CỦA NGƯỜI NGOẠI ĐẠO
“Chính tôi sẽ đến chữa nó.” (Mt 8,7)
Suy niệm: Viên đại đội trưởng trong bài Tin Mừng hôm nay là người ngoại đạo nhưng lại gây ngạc nhiên cho Chúa Giê-su. Ông tin rằng vị Thầy Giê-su ấy có thể chữa bệnh cho đầy tớ mình từ xa, không cần phải thân chinh đến nhà. Một đàng, ông rất tế nhị, am hiểu luật Do Thái: không được bước vào nhà người ngoại để khỏi bị nhơ uế; đàng khác, ông đã nghe biết các việc kỳ diệu Chúa đã làm. Đó là nền tảng để ông tin Ngài có thể thực hiện việc chữa lành cho thân nhân ông ngay từ đằng xa. Lòng tin của người lương dân ấy còn đi xa hơn nữa khi xác tín rằng bất cứ ai, dù Do Thái hay dân ngoại, cũng được thừa hưởng lòng nhân lành của Thiên Chúa, miễn là tin vào Ngài. Đức tin này là đức tin “bao hàm,” đối nghịch với thứ đức tin “loại trừ” mà thần học Ki-tô giáo vốn không chấp nhận.
Mời Bạn: Bạn nghĩ gì về lời Chúa Giê-su khen viên đại đội trưởng: “Tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế?” Chắc chắn Ngài tâm phục khẩu phục ông, vui mừng nhìn thấy trước hạt giống đức tin đang hoạt động trong tâm hồn ông, cũng như nhìn thấy trước Tin Mừng sẽ được loan báo cho muôn dân khắp cùng trái đất. Còn bạn, bạn dám tin vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa Giê-su chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín rằng tin thế nào sẽ nhận được thế ấy. Tôi tập sống đức tin qua việc phó thác cậy trông vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng và là Cha nhân lành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã ban ơn đức tin cho con, nhờ vậy con trở thành con cái Chúa, môn đệ Chúa Ki-tô. Thế nhưng, đức tin con còn non yếu lắm. Xin Chúa thêm lòng tin cho con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Đức Giêsu mới chữa cho một người phong bằng một tiếp xúc gần,
nay Ngài lại chữa lành cho một người bị đau liệt ở xa.
Người được khỏi chính là đầy tớ thân tín của viên đại đội trưởng.
Con người sống gắn bó với nhau bằng những mối dây.
Viên đại đội trưởng là chủ, nhưng ông cảm được nỗi đau của anh đầy tớ:
“Đầy tớ của tôi bị liệt nằm ở nhà, đau đớn kinh khủng” (c. 6).
Người đầy tớ được khỏi là nhờ tình thương của chủ đối với anh,
chính ông đã đi gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho anh đầy tớ (c. 5).
Và chính lòng tin của ông đối với Đức Giêsu đã khiến anh được khỏi (c. 10).
Những điều tốt lành của Thiên Chúa vẫn đến với ta qua người khác.
Khi Đức Giêsu nghe lời kêu xin, thì Ngài sẵn sàng lên đường ngay (c. 7),
dù biết rằng nhà của viên đại đội trưởng là nhà dân ngoại, bị coi là ô uế.
Có thể vì sợ Ngài bị ô uế mà ông ta đã can ngăn bằng câu nói nổi tiếng:
“Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời,
đầy tớ tôi sẽ được khỏi bệnh” (c. 8).
Ông ý thức về sự bất xứng của mình, của căn nhà mình ở.
Và ông xác tín vào sức mạnh của việc “Ngài chỉ nói một lời.”
Viên đại đội trưởng nhận mình là người có quyền.
Uy quyền của ông nằm trong lời ông ra lệnh cho cấp dưới (c. 9).
Ông tin lời của Đức Giêsu cũng có uy quyền như vậy.
Chỉ một lời ra lệnh của Ngài cũng đủ đẩy lui bệnh tật và thần dữ.
Đức Giêsu ngây ngất trước lòng tin của viên sĩ quan dân ngoại,
một lòng tin vừa mạnh mẽ, vừa khiêm tốn.
Một lòng tin như thế, Ngài chưa từng gặp nơi dân Ítraen (c. 10).
Đức Giêsu nghĩ đến ngày cánh chung, quanh bàn tiệc Nước Trời,
có bao người đến từ muôn phương, những kẻ không phải là người Do thái.
Họ làm nên một cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài.
Họ vui sướng được ngồi bên các tổ phụ và những người Ítraen chân chính.
Đức Giêsu cho thấy dòng lịch sử đang đi vào ngã rẽ quan trọng.
Ơn cứu độ phổ quát do Ngài đem lại được mở ra cho mọi người.
Chỉ ai cố tình chối từ Tin Mừng Nước Trời mới bị loại (c. 12).
Đức Giêsu không chỉ rao giảng Nước Trời bằng lời.
Ngài còn chứng minh Nước Trời đã đến bằng bao việc tốt lành, kỳ diệu.
Lời Ngài giảng cũng là lời chữa cho người phong, cho tên đầy tớ.
“Ngài nói một lời là trừ được các thần dữ” (c. 16).
Lời uy quyền khi giảng cũng là lời uy quyền khi chữa bệnh.
Nhưng Đức Giêsu cũng đụng chạm đến nỗi đau của con người.
Ngài đụng đến người phong, và đụng đến bàn tay mẹ vợ ông Phêrô (c. 15).
Hôm nay, Giáo Hội vẫn cần những người rao giảng như Giêsu.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới
Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui.
ĐHY Roger Etchegaray
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG SÁU
Trong Sự Chăm Sóc Ân Cần Của Cha
Ngay từ thuở ban đầu, sự quan phòng của Thiên Chúa được xem như một chân lý nền tảng của đức tin. Huấn quyền của Giáo Hội luôn luôn khẳng định điều ấy, tuy rằng mãi đến Công Đồng Vatican I chân lý này mới được tuyên bố chính thức về mặt tín lý. Công Đồng nói về sự quan phòng của Thiên Chúa nơi tạo vật: “Mọi sự mà Thiên Chúa đã sáng tạo, Ngài gìn giữ và dẫn dắt bằng sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng ấy bao trùm từ chân trời này tới chân trời kia và cai quản tất cả một cách tốt đẹp” (Kn 8,1), “Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì sẽ xảy ra do sáng kiến tự do của các thụ tạo” (DS 3003).
Bản văn của Vatican I nhằm đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể của các tín hữu Công Giáo sống trong thế kỷ 19. Trước hết, Công Đồng muốn xác nhận giáo huấn vốn sẵn có của Giáo Hội về sự quan phòng, một giáo huấn bất biến có liên kết chặt chẽ với toàn bộ sứ điệp Thánh Kinh. Chúng ta nhận ra điều này trong những bản văn Cựu Ước và Tân Ước đã được trích dẫn trong bản văn của Công Đồng.
Qua việc xác nhận giáo thuyết này, Công Đồng chống lại những sai lạc của thuyết duy vật và thuyết tự nhiên thần giáo (deism) của thế kỷ 19. Thuyết duy vật phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thuyết tự nhiên thần giáo tuy nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự sáng tạo thế giới song lại chủ trương rằng Thiên Chúa không hoạt động trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo. Vì thế, có thể nói rằng thuyết này (deism) trực tiếp chống lại chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27/6
Thánh Cyrillô Alexndria, tiến sĩ Hội Thánh
Ac 2, 2.10-14.18-19; Mt 8, 5-17.
Lời Suy Niệm: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.”
Niềm tin của vị Đại Đội Trưởng, và nhận biết thân phận của mình trước mặt Chúa Giêsu và cả đám đông, đã nên gương sáng cho mỗi người chúng ta hôm nay. Đặc biệt khi chuẩn bị rước Mình Thánh Chúa trong mọi Thánh Lễ.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết ngước nhìn Mình Thánh Chúa với tâm tình sám hối: “Lạy Chúa con chẳng đáng được Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con liền sạch trong,”
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-06: Thánh CYRILLÔ ALEXANDRINÔ
Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (+444)
Năm 412 thánh Cyrillô kế vị cậu Ngài là Theophilô làm giám mục Alexandria. Khi ấy Ngài đã vào khoảng trung tuần. Người ta không biết gì về cuộc sống Ngài trước đó, trừ trường hợp, Ngài có mặt trong vụ kết án thánh Gioan Kim Khẩu năm 408. Hiển nhiên là Ngài đã có thời sống như một ẩn sĩ trong sa mạc và đã được giáo dục kỹ lưỡng về văn chương Hy Lạp.
Vào thế kỷ V, các giáo phụ Alexandria đã trở thành những giám mục giàu có và uy quyền nhất trong đế quốc. Trở thành Kitô, người Ai cập vẫn còn mang những gì còn lại trong tâm tình dân tộc của mình. Các giám mục tự mô tả như là những Đấng kế vị thánh Marcô, nhưng cũng kế nhiệm các thượng tế Amen Ra và có phong cách nào đó của Pharao.
Suốt 15 năm đầu làm giám mục, thánh Cyrillo đã đập tan thế hệ cầm quyền và những nhà đổi tiền Do thái ở Alexandria. Việc thực thi đức ái của Ngài đối với người nghèo khó, bệnh hoạn cũng như lòng thương cảm sâu xa của Ngài với mọi tội nhân hối cải, luôn kèm theo một chút cứng rắn. Chắc chắn là các kẻ thù của Ngài cũng là kẻ thù của Thiên Chúa. Nhiệt tâm với các linh hồn và say mê bảo vệ đức tin Kitô giáo, Ngài sẵn sàng dùng đến mọi phương tiện trong tay như là của cải, tài khích lệ quần chúng và lực lượng các thầy dòng.
Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao cuộc tranh luận về Kitô học mà Ngài giữ một vai trò lớn lao đã có màu sắc pha trộn chính trị lâu dài như vậy.
Năm 438, thày dòng Nestôriô trở thành thượng phụ Constantinople. Dường như ông ta đã làm giám mục tại triều đình có tham vọng mãnh liệt, tin vào hiệu quả lớn mạnh do đời sống cầu nguyện của mình và có ý tiêu diệt mọi lạc thuyết. Đàng khác, không chắc rằng ông đã muốn trở thành lạc giáo. Vào đầu thế kỷ V, các thần học gia đền nhận rằng: đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Dầu vậy chưa có định tín về mối tương quan giữa Thiên tính và nhân tính của Người như thế nào. Thánh Cyrillo chủ trương rằng: cả hai bản tính kết hợp mật thiết với nhau, đến độ Mẹ Chúa Kitô cũng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Nestôriô thì phân biệt rằng Mẹ Con Trẻ Giêsu chỉ được gọi là Mẹ Chúa Kitô mà thôi. Mỗi bên đều tố cáo bên kia là lạc giáo.
Thánh Cyrillo liên kết với các tu sĩ Đông phương Ngài còn được Đức giáo hoàng nâng đỡ và cử làm Vị đại diện ở Đông phương. Với mệnh lệnh này, năm 430 Ngài kết án Nestôriô là lạc giáo tại một hội nghị ở Alexandria. Mùa hè năm 431, Ngài triệu tập và chủ tọa cộng đồng chung ở Ephesô. Nestôriô không những bị kết án mà còn bị truất phế nữa. Đức trinh Nữ được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa.
Công đồng Ephêsô được Đức giáo hoàng chuẩn nhận. Nhưng hoàng đế lại không công nhận vì thánh Cyrillo đã không đợi 43 giám mục có thiện cảm với Nestôriô tới họp. Thánh Cyrillo bị bắt ở Tiểu Á và bị giam tù trong hai tháng. Thánh phụ Antiôkia và các người dưới quyền cắt đứt hiệp thông với Ngài. Thánh nhân trốn về Ai cập và năm 433 kết hợp lại được với Antiôkia. Từ đó Ngài lại thúc đẩy hoàng đế chấp nhận các sắc lệnh của công đồng Ephêsô. Hoàng đế vẫn nghi ngờ Ngài cho đến khi Ngài qua đời vào năm 444. Thánh Cyrillo vẫn còn dấn thân vào cuộc tranh luận Kitô học này cho đến chết.
Không có nhà thần học Hy Lạp nào lớn hơn thánh Cyrillo. Ngài có khả năng tổng hợp và nhận định có thể so sánh được với thánh Augustinô. Không có thánh nhân nào bị phê bình tàn khốc như thánh nhân, nhưng ít có thánh nhân nào đã hăng hái như Ngài. Cả những người ghen ghét cũng không thề chất vấn về sự cao cả của Ngài. Bên dưới sự hăng hái của Ngài là cả một tình yêu mạnh mẽ đối với đức Kitô với niềm tin mãnh liệt vào lòng thương xót của Người. Đức giáo hoàng Celestinô xưng tụng Ngài là đấng bảo vệ Giáo hội và Đức tin”.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
27 Tháng Sáu
Con Chim Trong Bàn Tay
Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông.
Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. anh đặt câu hỏi như sau: ‘Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?”.
Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.
Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: “Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết”.
Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc đích thực chính là con chim mà mỗi người chúng ta đang có ở trong lòng tay. Con chim ấy sống hay chết là tùy ở mỗi người chúng ta. Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta.
Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa lấp đầy, thì cho dẫu ngoại cảnh có làbầu trời đen tối đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc.
Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, lấy Chúa làm tất cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được niềm vui đích thực.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 12 TN2
Bài đọc: Lam 2:2, 10-14, 18-19; Mt 8:5-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy luôn biết tin tưởng và trông cậy nơi Thiên Chúa.
Đau khổ, đói khát và chết chóc xảy ra phần lớn là do tội bất trung của con người. Họ không chịu vâng lời và làm theo những điều Chúa truyền dạy. Khi phải sống trong đau khổ, con người có thể có hai thái độ: hoặc nhận ra tội lỗi đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại, hoặc ngã lòng trông cậy, chửi trời và trách người.
Các bài đọc hôm nay cung cấp cho con người niềm hy vọng và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tác giả Sách Ai Ca, sau khi khóc than về những u sầu đau thương mà con cái Israel phải lãnh nhận, ông nhận ra đó là hậu quả của việc bất trung với Thiên Chúa. Ông khuyên họ phải biết than khóc tội lỗi của mình ngày đêm và tin tưởng trông cậy nơi tình thương Thiên Chúa sẽ giải thoát họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thương xót và chữa lành mọi người chạy đến với Ngài, ngay cả người đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng Dân Ngoại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài thương ca về biến cố mất nước Judah năm 587 BC
1.1/ Đừng tin vào quyền thế của vua chúa hay sức mạnh quân sự.
Tác giả của bài thương ca muốn nói rõ cho mọi người biết: Đức Chúa là nguyên nhân chính, vua Babylon chỉ là nguyên nhân phụ trong biến cố mất nước của Judah: Chính Đức Chúa huỷ diệt chẳng chút xót thương mọi nơi cư ngụ của Jacob; chính Người triệt hạ đồn luỹ của thiếu nữ Judah; chính Người xô xuống đất và làm nhục vương quốc và thủ lãnh của nàng.
Tội của vua chúa và những nhà lãnh đạo ảnh hưởng đến nỗi nhục của toàn dân. Họ phải ăn năn vì các tội của họ: “Hàng kỳ mục của thiếu nữ Sion ngồi thinh lặng ngay trên thềm đất,
đầu rắc đầy tro bụi, mình mặc áo vải thô.” Chính tội của họ làm cho các con gái của họ bị hãm hiếp bởi Dân Ngoại, cho trẻ thơ dân họ phải vất vưởng kiếm ăn, phải hỏi mẹ chúng lương thực “Bánh con đâu?” vì quá đói, rồi chúng ngã gục trên các quảng trường của thành phố. Như những người bị đâm, chúng trút linh hồn ngay trên tay mẹ.
Jacob, Judah, Sion, Jerusalem là những tên khác nhau để chỉ một thực tại: vương quốc Judah. Tác giả cũng đổ tội cho vua chúa và các nhà lãnh đạo đã nghe lời các ngôn sứ giả: “Ngôn sứ của ngươi tỏ cho ngươi thấy toàn điều hư ảo, toàn chuyện khói mây, còn lỗi lầm ngươi, chúng không vạch rõ để đảo ngược vận số của ngươi. Điều chúng thấy là điều huyền hoặc, chỉ đưa ngươi vào ảo tưởng mà thôi.”
1.2/ Chỉ có Đức Chúa mới có thể giải thoát Israel.
Trong cảnh khổ nơi lưu đày, con cái Israel phải biết than khóc ngày đêm tội lỗi của mình: “Tự đáy lòng, hãy kêu lên Chúa, hỡi tường thành của thiếu nữ Sion! Cứ để mặc suối lệ ngươi tuôn chảy, ngày đêm chẳng khi ngừng. Chớ khi nào ngơi nghỉ, cũng đừng để dòng lệ khô đi.” Vì chỉ với tấm lòng ăn năn thành thật và kêu cầu lên Đức Chúa, họ mới có thể hy vọng Ngài giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày nơi đất khách quê người, con cháu họ mới thoát khỏi cảnh đói khát hiện giờ. Tác giả khuyến khích dân chúng: “Đứng dậy đi, la lên trong đêm tối, khi năm canh chỉ mới bắt đầu! Trước nhan Chúa, hãy trút niềm tâm sự, giơ tay hướng về Người mà cầu cho sinh mạng của đoàn con đang lịm dần vì đói đầu đường, góc phố, khắp nơi nơi.”
2/ Phúc Âm: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.
2.1/ Đức tin của viên Đại Đội Trưởng thành Capernaum
(1) Cách biểu lộ đức tin của ông cho thấy:
– Ông là người có lòng thương xót: Người ông van xin Chúa Giêsu chữa khỏi bại liệt không phải là máu mủ ruột thịt gì của ông, nhưng chỉ là một người đầy tớ. Theo truyền thống Rôma, người đầy tớ chỉ được coi như một món hàng để mua bán và để xử dụng. Chúng ta không lạ gì khi Chúa Giêsu đáp trả lòng thương xót của ông, vì Ngài là Đấng Thương Xót.
– Ông là người rất tinh tế và khiêm nhường: Ông biết truyền thống Do-thái không cho phép người Do-thái vào cùng một mái nhà với người Dân Ngoại; vì thế, để tránh tai tiếng cho Chúa Giêsu, viên Đại Đội Trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Câu trả lời này đã được Giáo Hội dùng để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu trước khi rước Mình Thánh Chúa.
– Ông là người rất tin tưởng: Khi nghe Chúa Giêsu trả lời “Chính tôi sẽ đến chữa nó;” ông không một chút nghi ngờ quyền năng của Chúa Giêsu. Hơn nữa, với kinh nghiệm của một sĩ quan, ông còn tin Chúa Giêsu có thể chữa bệnh mà không cần hiện diện.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Trước cách biểu lộ đức tin của một viên sĩ quan Dân Ngoại,
Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.” Sự thật đau lòng, nhưng phải mở mắt tất cả tín hữu: những người vô đạo nhiều khi biểu lộ đức tin cách sâu xa hơn những người có đạo!
– Ngài cũng cảnh cáo những con cái trong nhà mà thiếu đức tin: “Tôi nói cho các ông hay: từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob trong Nước Trời; nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” Con cái trong nhà có quyền thừa hưởng gia tài của cha ông để lại; nhưng nếu con cái bất nhân bất nghĩa, gia tài sẽ được trao cho những ai có lòng tin yêu và biết cách xử dụng gia tài tốt hơn. Quyền thừa hưởng gia tài của Thiên Chúa chỉ dành cho những ai tin và trung thành với Thiên Chúa.
– Niềm tin yêu của viên Đại Đội Trưởng được đền đáp xứng đáng: Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.
2.2/ Người đã mang lấy các tật nguyền của ta: Matthew tiếp tục tường thuật hai phép lạ nữa và trích dẫn lời tiên-tri Isaiah trong Bài Ca Thứ Tư về Người Tôi Trung của Yahveh: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.”
– Gương sáng của bà mẹ vợ Phêrô: Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà, vì bà là mẹ vợ của Phêrô, môn đệ yêu mến của Ngài. Được Chúa Giêsu chữa khỏi, Bà không nại cớ mới bệnh dậy để nghỉ ngơi dưỡng sức; nhưng vội vã chỗi dậy để phục vụ Chúa và các môn đệ của Ngài. Đây phải là gương sáng cho chúng ta noi theo: Đã nhận được cách nhưng không thì cũng phải cho đi cách nhưng không. Người chỉ biết đưa tay nhận lãnh sẽ không tiến xa trong cuộc đời.
– Chúa Giêsu chữa lành mọi người bị đau khổ tật nguyền: “Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau.” Điều này chứng minh: Thiên Chúa không muốn con người phải đau khổ. Các đau khổ xảy ra là do chính con người gây nên hay ảnh hưởng của thời tiết; tuy nhiên, Ngài để các đau khổ xảy ra cho các mục đích tốt đẹp hơn mà chúng ta đã nhiều lần đề cập tới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Khi phải đương đầu với đau khổ, chúng ta đừng ngã lòng trông cậy; nhưng hãy biết xét mình để nhận ra những tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
– Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những ai biết ăn năn và kêu xin lòng thương xót của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************