Ngày thứ hai (03-05-2021) – Trang suy niệm

02/05/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần V Mùa Phục Sinh Năm lẻ

THÁNH PHILÍPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 1-8

“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích.

Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5

Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. – Đáp.

2) Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 6b và 9c

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Hỡi Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 14, 6-14

“Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “†Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê,‡ ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?’ Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

03/05/2021 – THỨ HAI TUẦN 5 PS

Th. Phi-líp-phê và Gia-cô-bê, tông đồ

Ga 14,6-14

BIẾT CHÚA CHA QUA CHÚA CON

“Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy.” (Ga 14,7)

Suy niệm: Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy hình Chúa Cha do các họa sĩ vẽ khá giống hình Chúa Con. Vẽ như thế có lẽ vì họ đã dựa vào lời Chúa Giê-su mặc khải về tương quan giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy;” “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha;” và “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy;” “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.” Những lời mặc khải này cho ta hiểu rằng Chúa Cha đã dùng Chúa Con để nói, để làm, để biểu lộ Chúa Cha như thế nào. Chúa Con chính là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), nhìn vào Chúa Con là thấy được Chúa Cha. Vì thế, để biết Chúa Cha thế nào chúng ta cứ nhìn vào lời nói và việc làm của Chúa Con.

Mời Bạn: Thắc mắc của tông đồ Phi-líp-phê với tính thực tế của mình cho thấy ông chưa thực sự hiểu biết Thầy mình nhưng lại là dịp Chúa Giê-su mặc khải rõ hơn mầu nhiệm quan trọng về Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Nhờ đó chúng ta có thể biết được Chúa Cha. Thật là phải cám ơn Phi-lip-phê thật nhiều và tạ ơn Chúa Giê-su vô vàn, bởi vì nơi Ngài, Thiên Chúa trở nên hữu hình, gần gũi; cứ ở trong Chúa Giê-su là chúng ta có thể ở trong Chúa Cha.

Sống Lời Chúa: Gắn bó với Chúa Giê-su bằng việc rước lễ và đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ biết và ở trong Chúa Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là hình ảnh trung thực nhất của Chúa Cha, xin ban cho chúng con lòng khao khát được gặp Chúa Cha bằng việc gắn bó với Chúa Con trong mọi sinh hoạt thường ngày của chúng con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.

Theo quan niệm của người Do thái,
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài:
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.

“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay
là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.

Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.

(Thánh Âu-Tinh)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

3 THÁNG NĂM

No Thỏa Và An Bình Trong Đức Kitô

Thánh Vịnh 23 sửa soạn cho chúng ta nhận hiểu ý nghĩa của dụ ngôn Người Mục Tử Tốt Lành. Đây là một thánh vịnh rất quen thuộc với tất cả chúng ta.

Hình tượng của thánh vịnh này rất phong phú – và có thể được phân vào hai khung cảnh khác nhau. Trước hết, đó là hình ảnh “đồng cỏ xanh tươi” – biểu trưng sự an toàn và sự bổ dưỡng thần linh mà Chúa cung ứng cho chúng ta; rồi “những dòng nước trong lành” xua tan nơi ta cơn khát; hình ảnh “đường ngay nẻo chính” nhắc nhở ta rằng mình đang trên hành trình tiến về một điểm tới cuối cùng trước mặt; “thung lũng âm u” tượng trưng cho những chông gai mà chúng ta phải đương đầu trên hành trình ấy. Đó là những hình ảnh được rút ra từ mối quan hệ giữa mục tử và đàn chiên.

Nửa sau của thánh vịnh là những hình ảnh đặc tả khung cảnh vui vầy. Thánh vịnh nói về một “bàn tiệc” mở rộng – diễn tả ơn phúc dồi dào mà ta được ban cho qua sự hiệp thông với Chúa; hình ảnh “xức dầu thơm” cho thấy thái độ ân cần săn sóc của Người; và “ly rượu đầy tràn chan chứa” nói lên tấm lòng ưu ái và quảng đại mà Chúa luôn dành cho ta.

Trọn cả thánh vịnh, nhất là câu cuối cùng, nhắc cho ta về niềm no thỏa và an bình tuyệt diệu ta nhận được trong Đức Kitô, Đấng Mục Tử tốt lành.

“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa

ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

và tôi được ở đền Người

những ngày tháng, những năm dài triền miên.”

Đức Kitô hướng dẫn chúng ta theo đường nẻo “yêu thương và nhân hậu” mà Người bước đi trong cuộc đời dương thế của Người – và cuối cùng, Người về đến “nhà của Chúa” để dọn chỗ sẵn cho ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 03/5

Thánh Philípphê và Thánh Giacôbê, Tông Đồ

1Cr 15, 1-8; ga 14, 6-14.

LỜI SUY NIỆM: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm”.

          Chúa Giêsu rất yêu thương những con người đã tin vào Người. Tin Người là Con Một duy nhất của Thiên Chúa; tin Người đến từ Chúa Cha; tin Người là Đấng Chúa Cha sai đến trên trần gian này để cứu độ toàn thể nhân loại không loại trừ ai. Tin Người là Thiên Chúa thật, tin Người là Đấng đã thắng thế gian, đã chịu chết, đã Phục Sinh đang ngự bên hữu Chúa Cha, và tin Người là Đấng cứu độ đời mình; thì sẽ được Người ở cùng trong mọi công việc mình đang làm.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn sống và tin vào Chúa qua lời nói , việc làm hằng ngày của mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 03-05: Thánh GIACÔBÊ và PHILIPPHÊ

Tông Đồ (Thế kỷ thứ I)

Giáo hội tôn kính hai vị tông đồ này trong cùng một ngày, vì vào thế kỷ thứ V, xác các thánh được đưa về Rôma với nhau và đặt ở đền thờ các thánh tông đồ. Ngày dời xác các Ngài là ngày 01 tháng 5. Nhưng vì trùng với lễ thánh Giuse thợ, lễ kính các Ngài được dời vào ngày 03 tháng 5.

Thánh GIACÔBÊ HẬU

Chỉ có một chỉ dẫn Tân ước cung ứng cho chúng ta về vị tông đồ thứ hai mang tên Giacôbê: Ngài “là con ông Alphêô” (Mt 10,3 – Mc 3,18 – Lc 6,15 – Cv 1,13). Vậy không đáng ngạc nhiên gì, khi có nhiều cố gắng đồng hóa Ngài với một hay nhiều người cùng mang tên là Giacôbê ở trong Tân ước. Có Giacôbê “người anh em của Chúa” (Cl 1,19).

Có lẽ Ngài đã được thấy Chúa Giêsu phục sinh hiện ra (1Cr 15,7) và chắc chắn Ngài là thủ lãnh Giáo hội Giêrusalem (Cv 12,17 – 15,13 – 21,18). Sau cùng, người được đồng hoá với người anh em của Chúa được nhắc đến trong Phúc âm (Mt 13,55 – Mc 6,3). Đó là ý kiến của thánh Hiêrônimô và được chấp nhận lại đời, nhưng các học giả ngày nay muốn phân biệt hai người khác nhau và Phúc âm chỉ giản dị ghi lại tên Ngài.

Dầu cho các sách Phúc âm không nói nhiều tới thánh nhân nhưng Ngài đã giữ được một địa vị sáng giá trong Giáo hội sơ khai, thánh Phêrô khi được cứu thoát khỏi tù đã nói : – “Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết” (Cv 12,17)

Khi tiếp xúc với các tông đồ, thánh Phaolô đã đến gặp Giacôbê. Sau này thánh Phaolô nói : – “Giacôbê, Kêpha (Phêrô) và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu thông hiệp” (Ga 2,9)

Tại công đồng Giêrusalem, Giacôbê đã lên tiếng sau Phêrô, tóm kết diễn từ về việc rao giảng Phúc âm cho dân ngoại (Cv 15,13-31). Lần sau cùng về Giêrusalem, thánh Phaolô đã đến gặp thánh Giacôbê đang họp với hàng niên trưởng (Cv 21,18)

Để diễn tả sự thánh thiện của Giacôbê, thánh Eusêbiô và Hiêrônimô đã nói rằng: thánh nhân giữ mình đồng trinh suốt đời và con người hiến mình cho Thiên Chúa nay không uống rượu, kiêng thịt, đi chân không và chỉ có một chiếc áo. Quì cầu nguyện nhiều, đầu gối Ngài chai cứng như da lạc đà.

Năm 62, các luật sĩ lo lắng vì sự rạng rỡ Giacôbê mang lại cho Kitô giáo. Họ triệu vời thánh nhân đến ở trước ông nghị để tra vấn xem Ngài nghĩ gì về Chúa Kitô. Trên sân thượng ngoài đền thờ, họ bắt thánh nhân công khai nói lời bội giáo cho dân nghe, Ngài nói : – Chúa Giêsu là con người đang ngự bên hữu Thiên Chúa quyền năng và đến một ngày kia sẽ đến trên mây trời.

Dân chúng đồng loạt lên tiếng tôn vinh Chúa Giêsu trong khi các luật sĩ và biệt phái xông vào thánh nhân. Họ đã quyết định ném đá Ngài.

***********************************
Thánh PHILIPPHÊ

Thánh Philipphê là người Bethsaida (Ga 1,44). Trên đường đi Galilêa, Chúa Giêsu đã gọi ông. Đến lượt mình chính Philipphê lại giới thiệu Chúa Giêsu cho Nathanael: – “Đấng mà Môisê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến chúng tôi đã gặp rồi” (Ga 1,45)

Và ông còn khích lệ thêm : – “Hãy đến mà xem” (Ga 1,46)

Khi hóa bánh ra nhiều Chúa Giêsu đã tin tưởng và ông hỏi: – “Ta mua đâu được bánh cho họ ăn” (Ga 6,5)

Như vậy Chúa Giêsu đã hiệp với ông trước hết trong việc chuẩn bị cho phép lạ này.

Dịp lễ vượt qua sau cùng Chúa Giêsu, các lương dân đã nhờ Philipphê xin Chúa cho họ được gặp Người: – “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu” (Ga 12,21)

Sau cùng, trong cuộc đàm đạo thân mật sau bữa Tiệc Ly, Philipphê lên tiếng hỏi Chúa Giêsu: – “Thưa Thày, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, thế là đủ cho chúng con rồi”.

Chúa Giêsu nói với ông: – “Đã lâu rồi, Ta ở với các ngươi, thế mà, Philipphê, ngươi đã không biết Ta ư ? Ai thấy ta là đã thấy Cha. Làm sao ngươi nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Cha (Ga 14,8-9)

Các tông đồ chỉ hiểu được chiều kích rộng lớn của những lời này khi Chúa Thánh Thần soi sáng cho các ông.

Đó là tất cả những gì mà sách Tin Mừng nói với chúng ta về thánh tông đồ Philipphê. Sau này truyền thống cho chúng ta biết thánh Philipphê đã đi rao giảng Phúc âm ở Scythia và Phrygia. Nhưng rất có thể người ta đã lầm thánh nhân với vị phó tế cũng có tên là Philipphê. Về cái chết của Ngài, không có gì là chắc chắn. Có tài liệu nói rằng: Ngài tử vì đạo. Có tài liệu lại cho rằng: Ngài chết già.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

03 Tháng Năm

Ði Về Ðâu?

Tiền tài danh vọng không làm cho con người hạnh phúc… Ðó là điều mà người ta thường nói khi bàn về cái chết của cô đào Marilin Monroe cách đây hơn hai chục năm… Nay, người ta cũng lặp lại điều đó với nữ danh ca Dalida, người Pháp gốc Ai Cập… Dalida đã tự vận vào hôm 03/5/1987 tại nhà riêng của cô ở Montmartre, Paris, lúc cô được 54 tuổi.

Sinh năm 1933 tai Le Caire với tên thật là Yolande Gigliotti, đã trở nên một ca sĩ nổi tiếng và được hâm mộ trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, nhờ giọng ca đầy truyền cảm của cô. Những người thuộc thế hệ 50 và 60 không thể quên những bài “Bambino”, “Gigi l’amorose”… do cô trình diễn. Danh vọng đã không đủ để thỏa mãn cô. Ngày 27/02/1967, cô đã thử một lần tự tử, rồi được cứu sống.

Tự tử cũng là một thể hiện nỗi khao khát khôn cùng trong lòng người: đó là khao khát hạnh phúc. Khi cuộc đời này không còn là một đáp trả cho nõii khao khát ấy, nhiều người đã tự mình tìm đến cái chết như một giải thoát.

Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội ngày nay phải chăng không là khủng hoảng về ý nghĩa của cuộc sống. Con người sinh ra để làm gì? Con người sẽ đi về đâu? Sau cái chết những gì đang thực sự chờ đợi con người… Ðó là những câu hỏi lớn mà con người ngày nay, khi đứng trước những mâu thuẫn trong cuộc sống, không ngừng đặt ra cho mình.

Con người bởi đâu mà ra, con người sẽ đi về đâu? Ðó là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống? Ðó là những câu hỏi mà chúng ta không ngừng tự đặt ra cho mình.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, bởi vì, nhờ Ðức Tin, chúng ta tìm được ánh sáng cho những câu hỏi ấy.

Trước ngưỡng cửa của năm 2000, nhân loại đang mỗi lúc phải đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống. Người Kitô được trang bị bởi Ðức Tin đang nằm giữa một vai trò quan trọng giai đoạn này. Ánh sáng Ðức Tin, cần phải được chiếu sáng trong cuộc sống của người Kitô để nhờ đó, những người xung quanh cũng tìm ra được ý nghĩa và giá trị cũng như hướng đi đích thực của cuộc sống.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần V – PS

Bài đọc: Acts 14:5-18; Jn 14:21-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hoạt động dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Có một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa với tư tưởng và đường lối của con người. Vì thế, cũng có một sự khác biệt lớn giữa cách hoạt động của những người dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa, và những người hoạt động theo cách thức của người phàm.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật những khác biệt này. Trong Bài Đọc I, Phaolô, với sức mạnh của Thánh Thần và nhân danh Đức Kitô, có thể làm cho người bại liệt từ lúc mới sinh đứng dậy đi lại được. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ về sự liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và con người: Nếu con người vâng lời giữ các giới răn của Chúa Giêsu, sẽ được cả Ba Ngôi yêu mến; và người đó sẽ có cả Ba Ngôi trong người mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Các Tông-đồ hăng hái rao giảng Tin Mừng giữa những đe dọa bắt bớ.

1.1/ Phaolô chữa người bại liệt từ lúc mới sinh: Theo lời Chúa Giêsu căn dặn: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác” (Mt 10:23); Phaolô và Barnabas

bỏ Iconium lánh sang các thành miền Lycaonia là Lystra, Derbe, và các vùng phụ cận; khi hai ông biết những người ngoại và những người Do-thái, cùng với các thủ lãnh của họ, mưu toan làm nhục và ném đá mình. Đi đến đâu, hai ông loan báo Tin Mừng tới đó.

Tại Lystra, có một người bại hai chân ngồi đó; anh ta bị què từ khi lọt lòng mẹ, chưa hề đi được bước nào. Anh nghe ông Phaolô giảng. Ông nhìn thẳng vào anh và thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, thì lớn tiếng nói: “Anh trỗi dậy đi, hai chân đứng thẳng!” Anh đứng phắt dậy và đi lại được.

1.2/ Hai ông sửa chữa sai lầm của dân chúng sau khi chứng kiến phép lạ: Thấy việc ông Phaolô làm, đám đông hô lên bằng tiếng Lycaonia: “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!” Họ gọi ông Barnabas là thần Zeus, ông Phaolô là thần Hermes, vì ông là người phát ngôn. Thầy tư tế đền thờ thần Zeus ở ngoại thành đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế.

Zeus và Hermes là hai thần của người Hy-lạp. Zeus được xem như vua của các thần Hy-lạp, và quan thầy của những người làm nghề trồng cấy. Có lẽ vì lý do này mà Phaolô muốn nói với dân thành: không phải Zeus ban mưa từ trời và mùa màng; nhưng là chính Thiên Chúa trong câu 17. Hermes là con của Zeus với Maia; được xem là quan thầy của những người lữ hành, tội nhân, và gái điếm. Hermes là sứ giả và đem những sứ điệp của các thần cho con người.

Thấy phản ứng của họ, Barnabas và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: “Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó.

Trong những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui.”

2/ Phúc Âm: Mặc khải của Chúa Giêsu về sự liên hệ giữa Chúa Ba Ngôi và con người

2.1/ Liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con: Đây là mối liên hệ lý tưởng để con người bắt chước. Trong mối liên hệ này, yêu mến và vâng lời không thể tách rời nhau.

– Yêu mến: Cha yêu Con và Con yêu Cha. Hơn nữa, tình yêu không chỉ giới hạn giữa Cha-Con; nhưng lan tràn đến nhân loại: khi Chúa Giêsu yêu mến ai, Cha Ngài cũng yêu mến người ấy.

– Vâng lời: Con luôn vâng lời Cha bằng cách làm theo những gì Cha muốn.

Mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người cũng phải được họa theo mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Cha của Ngài.

– Yêu mến: Chúa Giêsu yêu mến ai vâng lời Người. Khi Chúa Giêsu yêu ai, Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy. Cha và Con sẽ đến và ở lại với người ấy. Ngài sẽ tỏ mình ra cho người ấy.

– Vâng lời: Ai có và giữ các điều răn của Chúa Giêsu, người ấy mới là kẻ yêu mến Ngài. Con người vâng lời Chúa Giêsu là vâng lời Chúa Cha, vì Lời con người nghe không phải là của Chúa Giêsu, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Con.

Ông Judah, không phải Judah Iscariot, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Lý do là vì thế gian không yêu mến Chúa Giêsu, nên họ không giữ lời Ngài; cho dù Ngài muốn tỏ mình đi nữa, họ cũng không đón nhận Ngài.

2.2/ Liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”

(1) Chúa Thánh Thần sẽ dạy các tín hữu mọi điều: Những gì còn thiếu nơi Đức Kitô, Thánh Thần sẽ dạy con người tất cả. Một số điều hiển nhiên chúng ta đã nghe nhiều trong những ngày vừa qua:

– Chúa Thánh Thần dùng sự kiện Chúa Phục Sinh để soi sáng cho các môn đệ hiểu biết những lời Cựu Ước và những lời Chúa Giêsu đã báo trước về Cuộc Khổ Nạn, cái chết, và sự Phục Sinh của Đức Kitô, để các ông giảng giải cho dân chúng, như trong Bài Giảng của Phêrô (Acts 3:11-26) và của Phaolô (Acts 13:16-41).

– Ngài cũng giúp các môn đệ nhận ra sự sai trái của Thượng Hội Đồng và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, để kêu gọi họ ăn năn sám hối trong Hai Bài Giảng này.

– Ngài giúp các ông nhận ra nhu cầu phải dùng các Phó-tế để cộng tác làm việc (Acts 6:1-7); cho Dân Ngoại chịu Phép Rửa mà không cần phải cắt bì (Acts 10:44-48), và giúp các ông giải quyết khác biệt như trong trường hợp của Phaolô (Acts 9:26-30).

(2) Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã nói với họ: Chúa Giêsu đã dạy các ông rất nhiều điều, nhưng các ông không tiếp nhận được tất cả. Có những điều các ông quên, Ngài sẽ làm cho các ông nhớ lại. Có những điều các ông không hiểu, Ngài sẽ làm cho các ông hiểu. Có nhưng điều các ông chưa tin, Ngài sẽ làm cho các ông tin.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Ba Ngôi Thiên Chúa không hoạt động riêng lẻ; nhưng các Ngài cùng nhau hoạt động nơi con người. Khi chúng ta có một là có cả ba, khi chúng ta không có một là cũng không có cả ba.

– Điều kiện để có Ba Ngôi là vâng lời Chúa Giêsu bằng cách thực thi những gì Ngài muốn. Khi chúng ta hoạt động trong sự hướng dẫn của Ba Ngôi, kết quả sẽ vô cùng khác biệt.

– Yêu mến và vâng lời không thể tách biệt trong mối liên hệ giữa con người và Chúa Giêsu; nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta phải vâng giữ các giới răn của Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************