Ngày thứ hai (09-01-2023) – Trang suy niệm

08/01/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần I Mùa Thường Niên Năm lẻ

Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

BÀI ĐỌC I: Is 42, 1-4. 6-7

“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Đáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. – Đáp.

2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. – Đáp.

3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Cv 10, 34-38

“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.

Trích sách Tông đồ Công vụ. 

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! – Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 3, 13-17

“Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” Chúa Giêsu liền đáp lại: “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”. Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

09/01/2023 – THỨ HAI TUẦN 1 TN

Chúa Giê-su chịu phép rửa

Mt 3,13-17

NGẠC NHIÊN CHƯA!

Đức Giê-su… đến gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”. (Mt 3,13-14)

Suy niệm: Gio-an đã ngạc nhiên về việc Chúa Giê-su đến xin ông làm phép rửa: bởi ông ý thức rõ, Ngài là Đấng quyền thế hơn ông: Ông chỉ làm phép rửa bằng nước, còn Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần. Thế mà Ngài lại đến để xin ông làm phép rửa. Sự ngạc nhiên của Gio-an Tẩy Giả cũng tựa như sự ngạc nhiên của Phê-rô khi Chúa Giê-su quì xuống rửa chân cho ông: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13,8)… Đương nhiên, những gì Thiên Chúa thực hiện không phải là hành động thừa, nhưng chẳng qua vì thánh ý Thiên Chúa vượt xa khả năng nhận hiểu của con người. Vì thế, thái độ cần thiết của mỗi người là khiêm tốn đáp lời ‘xin vâng’, để nhờ suy gẫm mà thấu hiểu chương trình hành động của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Cúi xuống phục vụ là ý nghĩa phép rửa Chúa Giê-su muốn chịu, và đỉnh điểm của ‘phép rửa’ ấy là chấp nhận treo mình trên thập giá để cứu muôn người – một phép rửa mà cả cuộc đời trần thế Chúa Giê-su luôn khao khát hướng về và nóng lòng hoàn tất: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,50). Thiên Chúa chết vì con người, quả là điều đáng ngạc nhiên, nhưng sẽ là ngạc nhiên hơn, nếu con người từ chối tình yêu đến mức tự hiến của Thiên Chúa!

Sống Lời Chúa: Hãy suy gẫm về mầu nhiệm được thể hiện qua các Bí tích để dục lòng tham dự cách sốt sắng hơn.

Cầu nguyện:  Đọc kinh Cám Ơn…

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Xếp hàng chung với những người thu thuế, tội lỗi,
Ðức Giêsu chờ đến phiên mình được Gioan làm phép rửa.
Gioan bối rối, khước từ.
Ðấng ông không đáng xách dép, Ðấng là thẩm phán quyền uy,
Ðấng sẽ ban phép rửa trong Thánh Thần,
Ðấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa sám hối.
Ðức Giêsu mời gọi ông cứ làm, dù ông không hiểu,
vì đó là điều hợp với ý muốn của Thiên Chúa.
Câu nói đầu tiên của Ðức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu (3,15)
tóm gọn cả cuộc đời tương lai của Ngài.
Ngài chỉ muốn giữ trọn, làm trọn điều Thiên Chúa muốn.
Ðức Giêsu hạ mình trước mặt Gioan,
và Ngài còn dìm mình thật sâu trong dòng nước.
Ngài chia sẻ cùng một dòng nước với những hối nhân.
Ngài liên đới với sự hoán cải của cả dân tộc.

Chính lúc Ngài tự hạ vì vâng phục,
Thiên Chúa lại muốn long trọng tôn vinh Ngài.
“Vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra.”
Tầng trời mở ra là dấu hiệu Thiên Chúa muốn ngỏ lời.
“Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống và ngự trên Người.”
Ðức Giêsu đã được thụ thai nhờ Thánh Thần,
nay Ngài lại nhận được Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ.
“Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”
Chúa Cha trìu mến giới thiệu cho ta Con của Ngài.
Cha tấn phong Ngài làm Mêsia, nhưng theo kiểu một Tôi Tớ.
Ðức Giêsu hiểu những gì Cha mới vén mở cho mình.
Qua bao năm cầu nguyện, Ngài đã được Cha tỏ lộ
về căn tính và sứ mạng thiên sai của Ngài.
Nhưng hôm nay, nơi sông Giođan,
Cha đã chuẩn nhận một cách long trọng và dứt khoát.
Cả con người Ngài bừng lên ánh sáng và sức mạnh.
Ðức Giêsu biết giai đoạn ẩn dật ở Nadarét đã kết thúc.
Ðã đến lúc Cha muốn Ngài lên đường.

Kinh nghiệm bên sông Giođan, Ðức Giêsu chẳng thể quean.
Kinh nghiệm ấy được sống và lớn lên trong suốt đời Ngài.
Ngài không chỉ đứng chung với tội nhân,
Ngài còn gần gũi họ, nâng dậy và gánh tội của họ.
Ngài chết với những tội nhân và chết như một tội nhân.
Các tầng trời đã mở ra và không bao giờ khép lại.
Sự hiện diện, lời nói, hành động của Ngài
đã luôn là một vén mở về khuôn mặt của Thiên Chúa.
Thần Khí Thiên Chúa đã ngự trên và ngự trong Ngài.
Thần Khí là bạn đường, hướng dẫn Ngài vào hoang địa,
đưa Ngài đi giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật.
Thần Khí làm Ngài hớn hở mừng vui cất lời ca ngợi.
Nhờ Thánh Thần, Ngài đã luôn sống như Con của Cha,
luôn làm điều đẹp lòng Cha và sống đơn sơ phó thác.
Phép rửa ở Giođan chuẩn bị cho phép rửa nơi thập giá.

Chúng ta được mời gọi sống phép Rửa mình đã lãnh nhận.
Mai táng cái tôi ích kỷ và rạng rỡ trong cái tôi tự do.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

9 THÁNG GIÊNG

Đến Lượt Chúng Ta Kiếm Tìm Thiên Chúa

“Chúng tôi thấy ngôi sao của Người mọc lên, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2,2). Đặt chân đến Giê-ru-sa-lem, các nhà thông thái đã nói với cư dân của thành Thánh như thế. Họ tìm hỏi thăm về “vị vua mới chào đời của người Do Thái”. Đây chính là những lời chúng ta trích lại trong Lễ Hiển Linh: sự biểu lộ Đức Giêsu như là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ của các dân tộc đang sống trong bóng tối lầm lạc. Các nhà thông thái, đại diện cho các dân ngoại giáo, nhắc chúng ta nhớ đến cuộc kiếm tìm Thiên Chúa của chính mình. Các nhà thông thái nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong những kỳ quan của tạo vật. Vốn chỉ mới thoáng thấy sự thực xuyên qua thiên nhiên và qua sự nghiên cứu, các nhà thông thái đã dấn thân vào một cuộc hành trình đầy mờ mịt và bất trắc để gặp được sự thật. Ở cuối cuộc hành trình tìm kiếm ấy, họ đã khám phá được và đã nghiêng mình kính cẩn trước Hài Nhi Giê-su và Mẹ Người. Họ đã tiến dâng Người vàng bạc châu báu của họ – và đã nhận lại được món quà vô giá là đức tin và niềm vui Kitô giáo.

Ước gì mỗi người chúng ta biết nhận ba nhà thông thái này làm những người hướng đạo, để mỗi bước chân trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta đều qui hướng về một mục tiêu duy nhất là Giêsu, con của Đức Maria, cũng là Con đời đời của Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 09/1

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Iss 42, 1-4. 6-7; Mt 3, 13-17.

LỜI SUY NIỆM: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,16-17).

 Kinh nghiệm bên sông Giođan. Đức Giêsu chẳng thể nào quên. Kinh nghiệm ấy được sống và lớn lên trong suốt đời Người: Người không chỉ đứng chung với tội nhân. Người còn gần gủi họ, nâng dậy và gánh tội của họ. Người đã chết cho tội nhân và chết như một tội nhân. Nhờ vậy các tầng trời đã mở ra và không bao giờ khép lại. Sự hiện diện, lời nói và hành động của Người đã luôn là sự vén mở về khuôn mặt của Thiên Chúa.

          Thần Khí Thiên Chúa đã ngự trên Người và trong Người, đã dẫn đưa Ngài vào sa mạc, đồng hành với Ngài trên mọi đường rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Nhờ Thánh Thần Người luôn hớn hở vui mừng dâng lời ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa Cha.  Nhờ Thánh Thần, Người đã luôn sống như Con của Cha, luôn làm đẹp lòng Chúa Cha và sống đơn sơ phó thác.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúng con cũng đang được mời gọi sống với phép rửa của mình đã lãnh nhận. Chúng con cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần đến  giúp sức cho chúng con biết dẹp bỏ mọi ích kỷ và tính kiêu ngạo cũng như biết sám hối mọi tội lỗi, và tránh xa mọi cám dỗ củ nó, để được tự do trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Làm dẹp lòng Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

 09 Tháng Giêng

 Cánh Cửa Sổ  

 Trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần mùa Giáng Sinh đến, một đài truyền hình bên Phi Luật Tân đều cho trình chiếu một phim ca vũ nhạc kịch mang tựa đề: “Tiếng âm nhạc”.

 Trong cuốn phim, một nữ tập sinh thủ vai chính mang tên là Maria phải trạm trán với một quyết định quan trọng có thể thay đổi cả hướng đi của cuộc đời cô: Một là tiếp tục đường tu, hai là chấp nhận đóng vai trò làm mẹ của 7 đứa bé mồ côi. Cô đã thốt lên một câu mang đầy ý nghĩa: “Khi Thiên Chúa đóng cửa chính, thì ở đâu đó trong gian nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ”.

 Trong cuộc sống, hàng triệu nguời mang niềm tin Kitô hình như cũng phải đương đầu với những cửa chính bị đóng kín mang nhiều hình thức của: những thử thách, đàn áp, nghi kỵ, thất bại, bệnh tật v.v… Nhưng họ luôn luôn ngẩng cao đầu lên để thưa: “Amen”, một lời thưa, một câu nói biểu lộ niềm tin không bao giờ xao xuyến, lung lay bất chấp mọi nghịch cảnh.

 Họ có thể so sánh với những vĩ nhân trên thế giới đã từng thực hiện được những kỳ công bất chấp những khó khăn có thể so sánh với những then cài: – Họ giống như văn sĩ John Milton hoàn thành hai tuyệt tác văn chương mang tựa đề là: “Thiên Ðàng đã mất” và “Thiên Ðàng được tìm lại”, trong lúc đã sống hoàn toàn trong đêm tối dày đặc, không thấy được một tia sáng mặt trời, không ngắm được các màu sắc sặc sỡ của một cánh hoa cũng như không thể thả hồn theo mộng trước những vẻ đẹp của thiên nhiên, – Họ giống như nhạc sĩ Beethoven sáng tác những khúc đại hòa tấu xuất sắc nhất, kể cả đại khúc giao hưởng thứ 9, trong lúc ông đã không nghe được một tiếng chim hót, một tiếng suối chảy róc rách hay một tiếng khóc của trẻ thơ vì đôi tai ông bị điếc hoàn toàn.

 “Khi Thiên Chúa đóng cửa chính, thì ở đâu đó trong gian nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ”.

 Bước vào cuộc sống hằng ngày của năm mới, chúng ta, những người mang niềm tin Kitô, phải khám phá ra những cửa sổ bé nhỏ Thiên Chúa luôn hé mở để cho chúng ta thấy:

 Một tia sáng trong những vấn đề chúng ta tưởng là hoàn toàn đen tối. – Một luồng gió mát trong những hoàn cảnh chúng ta tưởng là hoàn toàn ngột ngạt khó thở. – Một tia hy vọng trong những trường hợp chúng ta tưởng là hoàn toàn tuyệt vọng.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ Phép Rửa của Chúa Giêsu, Năm ABC

Bài đọc: Isa 42:1-4, 6-7; Acts 10:34-38; A: Mt 3:13-17, (B: Mk 1:7-11, C: Lk 3:15-16, 21-22).

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô được tuyển chọn để thi hành sứ vụ.

Trong sự quan phòng điều khiển của Thiên Chúa, Ngài không làm hết mọi sự, nhưng tuyển chọn những người khác nhau để cho họ tham dự vào Kế-họach Cứu Độ của Ngài. Những người Ngài tuyển chọn, Ngài cũng sẽ ban mọi ơn cần thiết để họ có thể chu tòan sứ vụ Ngài đã trao phó. Các Bài Đọc hôm nay nói về việc tuyển chọn cao trọng nhất của Thiên Chúa là tuyển chọn Đức Kitô. Chúng ta cùng nghiên cứu sự tuyển chọn này để rồi áp dụng vào ơn gọi tuyển chọn của mỗi người chúng ta.

Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy rõ ràng sự tuyển chọn Người tôi trung của Ngài. Đây là Người được Thiên Chúa yêu mến vì luôn trung thành với Thiên Chúa để hòan tất sứ vụ Cứu Độ của Ngài. Cách thức hòan tất sứ vụ Thiên Chúa trao cũng rất đặc biệt và khác hẳn với cách thức của con người: không kêu to, nói lớn, ồn ào; không dùng bạo lực để tiêu diệt nhưng dùng tình thương để chinh phục; không yếu hèn để chịu khuất phục, nhưng trung thành để thiết lập công lý bằng sự thật. Trong Bài Đọc II, Thánh Phêrô nhắc nhở cho các tín hữu nhìn lại cuộc đời của Đức Kitô để học hỏi cách chu tòan sứ vụ của Ngài trong Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Trong Phúc Âm, Marcô tường thuật những gì xảy ra khi Đức Kitô chịu Phép Rửa: Khi Ngài từ dưới nước nhô lên, Thánh Thần của Thiên Chúa hiện xuống và đậu lại trên Người, đồng thời có tiếng của Chúa Cha làm chứng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Chúng ta cùng nghiên cứu những chi tiết trong các Bài Đọc để tìm ra những ý nghĩa quan trọng của nó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người tôi trung của Yahweh

1.1/ Liên hệ giữa Thiên Chúa và Người tôi trung: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.” Ai là Người tôi trung mà Tiên tri Isaiah muốn nói tới ở đây? Có người nói là Israel vì là Dân Riêng được Thiên Chúa tuyển chọn; có người cho là Cyrus, người đã vâng lệnh Thiên Chúa; có người cho là Đức Kitô vì không ai mà Thiên Chúa đã quí mến hết lòng bằng chính Người Con Một của mình. Theo sự phiên dịch của Targum (bản dịch từ Do-Thái qua Aramaic và Hy-Lạp), Người tôi trung chính là Đấng Thiên Sai. Hơn nữa, văn mạch cũng ám chỉ Người tôi trung là một cá nhân, chứ không phải một dân tộc. Ngòai ra, Thiên Chúa có thể chọn bất cứ ai để chu tòan sứ vụ của Vua Cyrus; nhưng để chu tòan Kế-họach Cứu Độ, chỉ một mình Người con mới có thể chu tòan mà thôi.

1.2/ Cách hành xử của Người tôi trung: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.” Có một sự hòa điệu giữa Thiên Chúa và Người tôi trung trong cách hành xử để mang tới thắng lợi sau cùng: tình thương, sự thật, và trung thành. Cách hành xử này khác hẳn với cách thức của con người: ăn to nói lớn, bạo lực, và gian trá.

1.3/ Sứ vụ của Người tôi trung: “Người phán thế này: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước.””

– Người là giao ước giữa Thiên Chúa với dân: Trong giao ước tại Sinai, Moses chỉ là người trung gian của giao ước giữa Thiên Chúa và dân. Trong giao ước mới, Người tôi trung là chính giao ước. Điều này có nghĩa tất cả các ơn lành của giao ước đều bắt nguồn và được ban từ Người tôi trung này. Đón nhận Người là đón nhận ơn lành, từ chối Người là từ chối ơn lành; vì không có Người sẽ không có ơn lành.

– Người là ánh sáng chiếu soi muôn nước: Song song với vị thế “làm giao ước với dân” là vị thế “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước.” Điều này không chỉ có nghĩa Người mang ánh sáng tới, hay hứơng dẫn dân tới ánh sáng, nhưng Người chính là ánh sáng. Ánh sáng là chính ơn Cứu Độ (Isa 49:6). Dân Ngọai đang ngồi trong tối tăm của tội lỗi và sự chết, Người đến “để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.

2.1/ Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa bao gồm cả Do-Thái và Dân Ngọai: Thánh Phêrô, sau khi đã được Chúa Giêsu mặc khải Kế họach Cứu Độ, đã làm chứng cho Thiên Chúa: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. Người đã gửi đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Judah, bắt đầu từ miền Galilee, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng.” Chỉ có kế họach như thế mới bảo đảm được sự nhân từ và công bằng của Thiên Chúa.

2.2/ Đức Kitô thực hiện Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”

3/ Phúc Âm: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Năm A: (Mt 3:13-17)

3.1/ Sự nghịch lý: Chúa Giêsu xin Gioan làm phép rửa. Chỉ có trình thuật của Matthew nêu bật sự ngăn cản của Gioan khi Chúa Giêsu đến xin ông làm phép rửa: Ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Câu trả lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự công chính: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người.

Trước tiên chúng ta cần hiểu hoàn cảnh lịch sử chung quanh biến cố làm phép rửa này. Truyền thống Do-thái có dùng phép rửa để thanh tẩy tội lỗi; nhưng chỉ có những người dân ngoại muốn theo đạo Do-thái mà thôi. Người theo đạo Do-thái chính gốc không bao giờ nghĩ mình cần phải chịu phép rửa. Thế mà biết bao người Do-thái kéo đến với Gioan để xin được rửa tội bởi ông. Đây là một hiện tượng lạ, có lẽ họ nhận ra ngày Đấng Thiên Sai tới đã gần kề, và những lời giảng dạy của Gioan thúc đẩy họ phải giục lòng ăn năn thống hối, chứ không phải cứ là người Do-thái hay con cháu của Abraham là sẽ được cứu độ. Chúa Giêsu muốn dùng cơ hội này để tỏ mình là Đấng Thiên Sai mà mọi người đang mong đợi.

3.2/ Thiên Chúa Cha làm chứng cho Chúa Giêsu: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”” Trong trình thuật của Matthew, Thiên Chúa Cha làm chứng mối liên hệ và việc làm của Chúa Giêsu cho mọi người chung quanh. Trong Marcô, Thiên Chúa Cha nói trực tiếp với Chúa Giêsu, và gián tiếp làm chứng cho Chúa Giêsu với mọi người.

Năm B: (Mk 1:7-11)

3.1/ Sự khác biệt giữa hai Phép Rửa của Gioan và của Đức Kitô: Gioan Tẩy Giả phân biệt sự khác biệt như sau: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Phép Rửa làm bởi Gioan là phép rửa làm bởi con người để tha tội. Phép Rửa làm bởi Đức Kitô là phép rửa làm bởi Thiên Chúa, Đấng quyền thế hơn con người. Người chịu Phép Rửa sẽ được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, và được lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho con người.

3.2/ Phép Rửa của Đức Kitô: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazareth miền Galilee đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Jordan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.””

(1) Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan? Phép Rửa của Gioan là phép rửa để tha tội. Tại sao Chúa Giêsu, Đấng không hề phạm tội, lại muốn chịu Phép Rửa của Gioan? Chính Gioan đã ngăn cản Ngài: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người (Mt 3:14-15). Thánh Ambrose đưa một lý do khác: Chúa Giêsu, Đấng thánh thiện tinh tuyền, chịu Phép Rửa để thánh hiến nước của giòng sông Jordan; và Giáo-Hội dùng nước này để rửa tội cho các tín hữu.

(2) Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu: Truyền thống Do-Thái tin chim bồ câu tượng trưng cho sư hiền lành. Như Sách Tiên-tri trong Bài Đọc I mô tả Người tôi trung: Người chinh phục con người không bằng những lời đe dọa hay sức mạnh, nhưng bằng tình yêu và sự kiên nhẫn. Chúa Giêsu được xức dầu bởi Thánh Thần và được tấn phong để thi hành sứ vụ Cứu Độ.

(3) Tiếng của Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Khác với trình thuật của Matthêu: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người.” Chúa Cha nói trực tiếp với Chúa Con, và bày tỏ sự hài lòng về tất vả mọi việc của Chúa Con làm. Nếu so sánh, chúng ta thấy trình thuật của Marcô gần với những gì tường thuật bởi tiên-tri Isaiah trong Bài Đọc I hơn.

Năm C: (Lk 3:15-16, 21-22)

3.1/ Sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan: “Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Messiah! Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.

Ngoài sự phân biệt của Gioan về uy quyền giữa Đấng Thiên Sai và ông, Gioan còn đề cập đến sự khác biệt giữa hai phép rửa:

+ Bằng nước: Đây là phép rửa Gioan làm cho dân chúng để thanh tẩy tội lỗi và tỏ lòng ăn năn xám hối để chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Thiên Sai tới.

+ Bằng Thánh Thần và lửa: Đây là phép rửa của Chúa Giêsu. Ngoài việc tha thứ tội lỗi, phép rửa của Chúa Giêsu còn ban Thánh Thần để thanh luyện mọi tính hư tật xấu trong con người, và ban ơn thánh hóa để con người luyện tập nhân đức, để giúp con người thánh thiện, xứng đáng là những con cái của Thiên Chúa.

3.2/ Những điều nhấn mạnh khác của Luca

(1) Chúa Giêsu cầu nguyện: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.”” Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu luôn hiệp nhất với Chúa Cha qua việc cầu nguyện.

(2) Sự liên hệ giữa Cha và Con: Trình thuật của Luca nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nguyên bản Hy-lạp phải dịch lời của Chúa Cha trực tiếp nói với Chúa Con là: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.” Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch từ bản tiếng Pháp với câu rất khó hiểu “Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con!” Có phải chờ cho đến biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài mới được làm Con Thiên Chúa?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mỗi người chúng ta đều đã chịu Phép Rửa của Đức Kitô, tức là đã được tấn phong làm tiên tri, tư tế, và vương giả. Chúng ta đã thi hành 3 sứ vụ đó chưa?

– Ba sứ vụ của Đức Kitô cũng là 3 sứ vụ của mỗi người chúng ta:

(1) Sứ vụ tiên tri: Chúng ta đã rao giảng cho mọi người biết về Thiên Chúa chưa; ít nhất là cho con cháu của chúng ta? Để có thể chu tòan sứ vụ, Đức Kitô phải ở ẩn suốt 30 năm để đàm đạo với Thiên Chúa trước khi rao giảng công khai trong 3 năm. Chúng ta đã dành được bao nhiêu thời gian để học biết về Thiên Chúa? Chúng ta cần nhắc nhở cho mình: Chúng ta không thể cho con cái điều mình không có!

(2) Sứ vụ tư tế: Chúng ta đã thờ phượng một mình Thiên Chúa, làm gương, và chỉ đường cho con cái đến với Thiên Chúa chưa? Hay chúng ta thờ ơ nguội lạnh trong việc thờ phượng và mải miết chuyện thế sự, và vô tình dạy cho con cái tôn thờ những giá trị thế gian thay vì tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa!

(3) Sứ vụ vương giả: Chúng ta đã dùng thời gian, tài năng, và của cải Thiên Chúa ban để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân chưa? Hay chúng ta đã lãng phí thời gian, của cải, tài năng vào những canh bạc đỏ đen, những vui thú của hộp đêm, những mối liên hệ trái phép, để rồi tất cả mọi người trong gia đình phải chịu hậu quả về những việc làm của chúng ta. Ngòai ra, chúng ta còn phải xét tới cách thức chúng ta phục vụ theo gương Đức Kitô: không phải la to, nói lớn, đe dọa, chửi rủa, hay dùng quyền hành, bạo lực; nhưng bằng yêu thương, dạy dỗ, kiên nhẫn, và can đảm cho tới khi đạt được kết quả sau cùng như Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************