Ngày thứ hai (10-04-2023) – Trang suy niệm

09/04/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai trong tuần Bát nhật Phục Sinh – Năm A

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 14. 22-32

“Thiên Chúa đã cho Ðức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe những lời này: “Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ, mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng, Ðavít đã nói về Người rằng:

‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi tràn đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa’. “Hỡi anh em, xin cho phép tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Ðavít rằng: ngài đã băng hà, đã được an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người không bị huỷ diệt. Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: “Ngài là chúa tể con. Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ: ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!

ALLELUIA: Tv 117, 24

All. All. – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – All.

PHÚC ÂM: Mt 28, 8-15

“Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó“.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”. Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

10/04/2023 – THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS

Mt 28,8-15

NIỀM VUI TRONG ĐẤNG PHỤC SINH

Các bà vội vã rời khởi mộ, tuy sợ hãi những cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. (Mt 28,8)

Suy niệm: Các phụ nữ đã từng gặp gỡ và đi theo Chúa Giê-su, họ biết và yêu mến Ngài. Cái chết của Ngài khiến họ đau buồn dường như tuyệt vọng. Trong nước mắt, họ đã đến mộ Chúa mà than khóc (x. Ga 20,11). Họ chứng kiến “đất rung chuyển dữ dội”, họ thấy thiên thần Chúa báo tin “Ngài đã trỗi dậy và không còn ở đây nữa”. Thế nhưng bấy nhiêu đó không làm cho họ vơi đi nỗi buồn và lo sợ. Chỉ đến khi Đức Giê-su phục sinh thân hành hiện ra với họ và “chào các chị em”, lúc đó bao nhiêu cảm xúc thân thương ùa về, niềm vui gặp Đấng Phục Sinh xua tan mọi nỗi đau buồn, sợ hãi. Họ hớn hở vội vã về báo tin cho anh em, để chia sẻ niềm vui và lời nhắn của Đấng Phục Sinh hẹn gặp họ ở Ga-li-lê để tham gia vào sứ mạng mới: loan truyền tin vui phục sinh.

Mời Bạn: Nhà côn trùng học J. Fabre, người đã gặp Chúa trong việc nghiên cứu của mình, đã từng khẳng định rằng: “Sau hơn 30 năm quan sát và nghiền ngẫm, tôi không còn nói được là tôi tin vào Thiên Chúa, mà là đã gặp thấy Người.” Quả thật, chỉ nơi những người có kinh nghiệm cá vị gặp gỡ Thiên Chúa, niềm vui ấy mới lâu bền, vượt trên mọi thử thách. Bạn đã cảm nghiệm Đức Ki-tô phục sinh hiện diện trong cuộc sống của bạn và trao cho bạn sứ mạng nào?

Sống Lời Chúa: Bạn chia sẻ cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh nơi bạn cho một người sống gần bên bạn bằng một cử chỉ thân ái, bằng tinh thần lạc quan vui tươi và một việc làm bác ái.

Cầu nguyện: Alleluia, Alleluia, Alleluia. Xin Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin ban niềm vui của Chúa Phục Sinh cho nhân loại và cho từng người chúng con khi chúng con kết hợp với Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong bốn sách Tin Mừng, các phụ nữ luôn được kể là người ra viếng mộ trước tiên.
Trong Tin Mừng Mátthêu, đó là hai bà có cùng tên Maria.
Sau khi được thiên thần giao nhiệm vụ loan báo gấp cho các môn đệ
về sự phục sinh và cuộc hẹn gặp của Thầy ở Galilê (28,7),
các bà đã mau mắn lên đường, vội vã rời bỏ ngôi mộ trống.
Ngôi mộ này là nơi các bà đặt tình cảm thân thương,
vì đây là nơi đặt xác của người Thầy yêu dấu
 

Bây giờ ngôi mộ không còn xác Thầy nữa, Thầy đã được trỗi dậy rồi,
nên ngôi mộ chẳng phải là nơi các bà dừng lại mà khóc lóc than van.
Nó trở nên một bằng chứng về sự sống lại của Thầỵ
Ngôi mộ trống thực sự  đã đem lại một niềm vui vô bờ bến.
Chính những mất mát lại là dấu hiệu cho một sự hiện diện viên mãn hơn.
Vì thế vừa sợ hãi lại vừa hết sức vui mừng,
các bà chạy đi loan báo cho các môn đệ điều mình vừa nghe nói.
Trên con đường hối hả đi gặp các môn đệ,
các bà không ngờ mình lại là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh.
 

Điều mới nghe thiên thần nói, bây giờ được thấy tận mắt.
Thánh Mátthêu chỉ nói một cách đơn sơ: “Đức Giêsu gặp các bà” (c. 9).
Không thấy mô tả Đức Giêsu oai phong rực rỡ như thế nào.
Có vẻ Ngài gặp các bà lần này như Ngài đã từng gặp bao lần trong quá khứ.
Các bà nhận ra ngay vị Thầy được sống lại
cũng là vị Thầy chịu đóng đinh mà mình đã đi theo từ Galilê.
Chính Đức Giêsu ngỏ lời chào trước: “Chị em hãy vui lên.”
Lời chào này cũng là lời chào bình thường hằng ngày vào thời đó.
Vì thế các bà đã bạo dạn tiến lại gần, ôm chân và bái lạy Thầỵ
Như vậy các bà có thẻ thấy được và đụng chạm được Đấng phục sinh.
Các bà còn có thể nghe được lời dặn dò của Ngài.
 

Lời này giống lời thiên thần, chỉ có điều Ngài gọi các môn đệ là anh em:
“Hãy đi và báo cho anh em của Thầy…” (c. 10).
Các môn đệ vẫn được gọi là anh em ngay cả khi họ đã bỏ rơi Ngài.
Khi gọi họ là anh em, Đức Giêsu đã muốn tha thứ mọi vấp ngã của họ.
Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các phụ nữ trước tiên.
Nhìn thấy ngôi mộ trống chưa đủ, còn cần gặp chính Đấng phục sinh.
Khi trở về gặp các môn đệ, các bà sẽ là những người làm chứng tuyệt vời.
 

Không chỉ là ngôi mộ trống với lời chứng của thiên thần,
mà còn là lời chứng của chính họ, của người đã chứng kiến tận mắt và đụng chạm.
Đức Giêsu phục sinh dám nhờ các phụ nữ làm chứng,
dám nhờ các phụ nữ đi loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình,
dù thời của Ngài người ta không tin lời chứng của phụ nữ.
Chúng ta không quên những đóng góp của các phụ nữ cho Giáo Hội từ thời đầu.
Mong vai trò ấy vẫn được đề cao và tôn trọng.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
 

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
 

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
 

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
 

Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
 

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG TƯ

Được Thánh Thần Làm Cho Can Đảm

Khi các Tông Đồ và các môn đệ của Chúa nhận lãnh Thánh Thần, họ bắt đầu lên tiếng nói công khai về Đức Kitô. Họ loan báo Tin Mừng cho người ta, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem. Trong lời loan báo của họ, họ qui chiếu đến một bố cục các dữ kiện mà ai cũng biết – đó chính là Kerygma, hay sứ điệp Tin Mừng căn bản.

“Anh em đã nộp Người và đã chối bỏ Người trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân” (Cv 3,13-14). Đó là những lời của Phê-rô nói với cư dân Giê-ru-sa-lem.

Sau khi đề cập đến cuộc thương khó của Đức Kitô, Phê-rô bắt đầu mô tả cuộc Phục Sinh: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết – về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (c.15).

Phê-rô là người duy nhất lên tiếng nói. Nhưng ông nói không chỉ nhân danh chính mình mà là nhân danh toàn thể nhóm Tông Đồ. Ông nói với đám đông: “Chúng tôi là những chứng nhân”. Và ông thêm: “Giờ đây, thưa anh em, tôi biết rằng anh em đã hành động vì không hiểu biết – và những người lãnh đạo của anh em cũng vậy” (Cv 3,17).

Sau khi mô tả các biến cố và đưa lời chứng về cuộc Phục Sinh, Phê-rô bắt đầu giải thích một số điều trong Cựu Ước. Ông giải thích Đức Kitô trong tư cách là Đấng Mê-si-a đã hoàn thành những điều nói trong các Sách Luật và các Sách Ngôn Sứ như thế nào. Chính Đức Kitô đã chuẩn bị cho các môn đệ của Người đưa ra một sự giải thích như thế về cái chết và cuộc Phục Sinh của Người. Chúng ta có chứng cứ về điều này trong Tin Mừng Luca. Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ: “Thầy đã nói những lời này với các anh em khi hầy còn ở với anh em: mọi sự đã được viết về Thầy trong luật Mô-sê, trong các ngôn sứ, và trong thánh vịnh đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44).

“Có lời Kinh Thánh chép rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,46-48).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 10/4

THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Cv 2, 14. 22b-33; Mt 28, 8-15.

LỜI SUY NIỆM: “Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xãy ra.”

          Tin Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh, được thánh sử Mátthêu cho chúng ta thấy phản ứng  và công việc loan báo của các phụ nữ đạo đức đã từng đi theo Chúa Giêsu; sau khi nghe lời nói của Thiên Thần. Và sự phản ứng của các thượng tế khi nghe nhóm lính canh mồ Chúa trở về phúc trình.

          Lạy Chúa Giêsu. Lời Thiên Thần nói với các bà trong tin Mừng Chúa phục Sinh. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết chuẩn bị cuộc sống của mình để được gặp Chúa như các Tông đồ gặp được Chúa ở Galilê. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Tư

Tấm Gương 

Tại một ngôi làng nhỏ ở ven biển Ái Nhĩ Lan, có một cặp vợ chồng ngư phủ nghèo, nghèo đến độ trong nhà không có được một cái gương soi mặt.

Trong làng chỉ vỏn vẹn có một cái quán nhỏ cung cấp lương thức và những gì cần thiết cho việc đánh cá. Một ngày nọ, người chủquán ngạc nhiên vô cùng khi bắt gặp người ngư phủ già cầm lấy một vật gì đó trong tay, vừa xoay xung quanh, vừa thổn thức. Rồi từ đó, người chủ quán nhận thấy người đánh cá trở lại quán của mình thường xuyên hơn và cũng lập lại ngần ấy động tác. Ráng theo rình rập để lắng nghe những gì người ngư phủ già than thở, người chủ quán mới thấy ông già đưa cái gương soi mặt và thều thào: “Ba ơi, ba ơi”.

Thì ra, cả đời người ngư phủ già chưa bao giờ nhìn thấy mặt mình trong gương. nhìn thấy mặt mình trong gương lần đầu tiên, ông ta tưởng đó là cha của mình.

Người chủ quán quá cảm động, đã tặng cho ông già tấm gương. lão hăm hở mang đi, và từ đó, cứ mỗi lần rảnh rỗi, lão đưa tấm gương ra, nhìn vào và nói chuyện với cha mình.

Tất cả chúng ta đều sống cho một gương mặt. Và gương mặt duy nhất mà chúng ta không bao giờ thấy đó là gương mặt của chính chúng ta. Chúng ta có thể hiểu biết tất cả, nhìn thấy tất cả trừ gương mặt của chúng ta. Và ngay cả trong một tấm gương, chúng ta chỉ nhìn thấy mình theo một hình ảnh đảo lộn. Chúng ta chỉ có thể biết mình, chúng ta chỉ có thể khám phá được chính mình nhờ những người khác vànhờ chính hình ảnh mà họ có thể cho chúng ta thấy.

Vậy đâu là tấm gương đích thực để chúng ta có thể biết mình hoặc biết mình phải như thế nào?

Chúng ta đừng vội vã cười hai vợ chồng ngư phủ trong câu chuyện trên đây… Kể từ khi Ngôi Hai nhập thể làm người, có lẽ họ là người có lý, bởi vì họ biết nhìn thấy trong gương một cái gì khác hơn chính mình. Nói như Thánh Phaolô: “Phần chúng ta, chúng ta không che mặt, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa, như một tấm gương, vì chúng ta được thấy mình biến đổi nên giống hình ảnh ấy, mỗi lúc một rực rỡ hơn, bởi vì quyền phép Thánh Linh của Chúa”.

Mỗi người Kitô phải là tấm gương phản chiếu chính hình ảnh của Ðức Kitô. Cuộc sống của họ phải là một phản ảnh của cuộc sống Ðức Kitô.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần BNPS

Bài đọc: Acts 2:14, 22-32; Mt 28:8-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy rao giảng Tin Mừng “Chúa đã sống lại” khắp thế gian.

Để tin một điều là sự thật, chúng ta có nhiều cách: hoặc chính chúng ta chứng kiến, hoặc qua các chứng nhân, hoặc qua hậu quả mà nó để lại. Không ai nhìn thấy Chúa sống lại từ mộ đi ra, nhưng các chứng nhân nhìn thấy Chúa sau khi Ngài sống lại. Chúng ta nhờ những chứng nhân này, hậu quả của sự kiện Chúa sống lại trên con người họ, và những lời Kinh Thánh để tin “Chúa đã sống lại thật.”

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh biến cố Chúa Giêsu sống lại. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô và các Tông đồ làm chứng Chúa sống lại qua những dữ kiện thực tế và lời tiên tri của Vua David trong Thánh Vịnh 16. Trong Phúc Âm, sứ thần của Chúa làm chứng Chúa Giêsu sống lại, và chính Chúa Giêsu xuất hiện với các phụ nữ và truyền họ mang tin Ngài sống lại cho các Tông đồ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã phác họa Kế hoạch Cứu Độ qua cái chết và sự sống lại của Đức Kitô.

1.1/ Đức Kitô là Đấng Thiên Sai: Vấn đề cốt yếu mà Phêrô phải minh chứng cho người Do-thái là Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ, cái chết, và sống lại vinh quang; vì người Do-thái mong muốn một Đấng Thiên Sai uy quyền, họ không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Phêrô chứng minh điều này đầu tiên bằng những sự kiện thực tế đã xảy ra, sau đó ông chứng minh bằng lời Kinh Thánh.

Về những sự kiện thực tế, ông nhắc lại những gì Đức Kitô đã làm giữa họ: “Đức Giêsu Nazareth, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.”

Thiên Chúa đã tiền định cái chết và sống lại của Đức Kitô: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.”

1.2/ Vua David đã nói tiên tri về sự chết và sự sống lại của Đức Kitô: Việc Chúa Giêsu sống lại làm trọn lời tiên báo của Vua David.

(1) Thánh Vịnh 16:8-11: Tác giả TĐCV trích dẫn lời TV 16 như sau: “Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.”

Câu quan trọng là câu 10 của TV 16, các học giả tranh luận: Lời này áp dụng cho Vua David hay Đức Kitô? Giải thóat cho khỏi cái chết bất tử và phục hồi sự liên hệ thần linh hay giải thóat cho khỏi sự hư nát sau khi chết? Vì chữ “hư nát, shahat” có thể dịch là sự hủy họai như bản LXX hay dịch đơn giản là vực thẳm.

(2) Phêrô cắt nghĩa lời Thánh Vịnh: Vua David là nhân vật có thật: “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ David rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay.” Đức Kitô là giòng dõi Vua David: “Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người.” Đức Kitô hòan thành lời tiên tri của Vua David khi Ngài sống lại từ cõi chết sống lại: “Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát.”

“Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.”

2/ Phúc Âm: Chúa đã thực sự sống lại.

2.1/ Chúa Giêsu truyền các bà loan Tin Mừng cho các Tông-đồ.

(1) Sứ thần loan báo Tin Mừng Phục Sinh: Những bà đồng hành với Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài ra mộ từ sáng sớm để niệm xác Chúa. Vừa tới nơi, họ thấy một sự thể ngòai sức tưởng tượng: Tảng đá mà các thượng tế đã niêm phong đã được mở ra dưới con mắt ngạc nhiên và run rẩy của các lính canh gác, một sứ thần của Thiên Chúa trắng như tuyết đang ngồi trên tảng đá và nói với các bà: “Đừng sợ! Tôi biết các bà đang tìm gì, Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Ngài không còn ở đây; vì Ngài đã sống lại như lời Ngài đã nói. Hãy đến và nhìn nơi Ngài đã nằm. Hãy đi ngay và nói cho các môn đệ biết: Ngài đã sống lại từ cõi chết. Và Ngài đi trước các ông tới Galilee; tại đó họ sẽ gặp Ngài” (Mt 28:1-7). Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.

(2) Chúa Giêsu hiện ra với các bà: Trên đường đi, bỗng Chúa Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilee. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Thương yêu Chúa không phải giữ Chúa ở với mình, nhưng phải loan Tin Mừng của Chúa để mọi người cùng tin vào Chúa. Chúng ta sẽ thấy điều quan trọng này được nhắc đi nhắc lại trong những ngày tới. Mọi người cần được nghe Tin Mừng Phục Sinh: cuộc sống không chỉ chấm dứt với cái chết ở đời này, nhưng mở rộng đến cuộc sống muôn đời mai sau với Thiên Chúa.

2.2/ Kế hoạch bưng bít sự thật:

(1) Trước khi Chúa sống lại: Người Do-thái đến gặp quan Philatô và yêu cầu ông sai lính canh giữ mộ Chúa Giêsu cẩn thận, vì khi còn sống Chúa đã tuyên bố Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Họ sợ các môn đệ của Chúa sẽ đến đánh cắp xác rồi phao tin là Chúa đã sống lại; lúc đó họ sợ sự sai trá sẽ nguy hại hơn trước. Philatô nói với họ: “Các ông có lính của Đền Thờ, hãy sai họ đi và canh chừng cẩn mật như các ông có thể làm.” Họ đi và niêm phong tảng đá vào cửa, và đặt lính canh giữ mộ (x/c Mt 27:62-66).

(2) Sau khi Chúa sống lại: Trong khi các bà đi báo cho các môn đệ biết tin mừng Chúa sống lại; có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo quân lính: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan Tổng Trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Khi con người đã làm điều sai trái, họ sẽ tiếp tục làm điều sai trái, sự sai trái này sẽ kéo theo sự sai trái khác. Người Do-thái tìm lý do gian trá “Chúa phạm thượng” để bắt Chúa, rồi lại tìm một cớ gian khác “Ông này xưng mình là Vua” để xin Philatô buộc Chúa chống lại Caesar, giờ lại dùng tiền để bịt miệng lính canh giữ mồ Chúa. Không phải họ không biết sự thật, nhưng họ cố tình ở trong sự gian trá, vì ghen ghét và vì những lợi lộc họ đang được hưởng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– “Chúa đã thực sự sống lại.” Chúng ta phải tin điều này và loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Phục Sinh; đồng thời phải sống và làm chứng cho mọi người biết: có cuộc sống đời sau.

– Như mưu mô của các thượng tế trong trình thuật hôm nay, ma quỉ và thế gian vẫn đang tìm các để bưng bít sự thật này bằng tiền của và hưởng thụ vật chất.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************