Ngày thứ hai (10-06-2019) – Trang suy niệm

09/06/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Mùa Thường Niên Năm lẻ

Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội

Bài đọc I St 3,9-15.20

“Mẹ của toàn thể chúng sinh”

Bài trích sách Sáng thế

Sau khi Ađam ăn trái cấm, Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông và nói cùng ông rằng: “Ngươi ở đâu vậy?”

Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con ẩn núp”.

Chúa hỏi ông: “Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng? Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?”

Ađam thưa: “Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con, chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”.

Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi làm điều đó?”

Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”.

Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang! Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi. Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”. Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh. Ðó là Lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7

Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành

1) Nền móng Sion được đặt trên núi thánh, Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob. Hỡi thành đô của Thiên Chúa. Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành. – Đ

2) Nói đến Sion, thiên hạ bảo: “Tại đó, người người đã sinh ra, chính Ðấng Tối Cao củng cố thành”. – Ð.

3) Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”, và họ múa nhảy hát ca: “Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”. – Ð.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Kính chào Ðức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Ðấng giữ gìn trong chúng con Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô. Alleluia! – 

PHÚC ÂM: Ga 19: 25-34

“Đây là mẹ của anh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

10/06/2019 – THỨ HAI TUẦN 10 TN

Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh

Mt 5,1-12

NGHÈO LÀ MỐI PHÚC

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”(Mt 5,3)

Suy niệm: Con người trần thế tìm mọi cách để dành cho bằng được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tương tàn khốc hại… Đang khi đó thì Chúa Giê-su lại coi nghèo là một mối phúc. Chắc chắn, Ngài không ủng hộ thứ nghèo làm giảm phẩm giá con người. Ngài muốn con người có được sự giàu sang vĩnh cửu: được cả Nước Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu sang chỉ đem lại cho con người niềm hạnh phúc chóng vánh ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang bền vững ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Đó là loại Nghèo: – nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị trái lại phục vụ trong khiêm tốn; – làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối phúc.

Mời Bạn: “Trong thế giới chúng ta, tiền, lợi nhuận, sự khao khát của cải vật chất phá hỏng mọi tương quan, đức nghèo chọn lựa cách tự nguyện trong đoàn kết và chia sẻ dạy ta lòng biết ơn và biết sống cách vô vị lợi, cậy trông và phó thác” (Sr Christianne, fmm). Lời chia sẻ đó có làm cho chúng ta suy nghĩ để sống nghèo như mối phúc của Chúa Giê-su không? Bạn hãy chia sẻ mục đích sống nghèo mà bạn sẽ chọn lựa.

Sống Lời Chúa: Trong tương quan với người khác, ta nghĩ đến tình nghĩa, chia sẻ hơn là ích kỷ, tư lợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin ký thác đường đời con cho Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG SÁU

Sự Tự Do Chọn Lựa

Bên cạnh trí năng và mối quan hệ của nó với chân lý, con người còn có ý chí để chọn lựa. Và ý chí chọn lựa này có liên hệ mật thiết với sự thiện. Mọi hành vi nhân linh đều có bao gồm một hành vi của ý chí và khả năng chọn lựa.

Xuất phát từ nhận hiểu căn bản ấy về con người, chúng ta thấy tự nhiên bật ra vấn đề luân lý. Con người có khả năng chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, được hướng dẫn bởi tiếng nói lương tâm. Lương tâm hướng dẫn con người làm điều tốt và lôi kéo con người trở về từ đường nẻo xấu xa.

Rõ ràng, ý chí tự do của con người chi phối đến mối quan hệ của con người với thế giới, với đồng loại, và làm cho con người khao khát Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài. Và như chúng ta đã thấy, cũng chính ý chí tự do thúc đẩy con người kiếm tìm chân lý. Thực vậy, bản tính thuộc linh của con người là cơ sở thiết yếu của các khả năng suy lý và lựa chọn tự do. Từ đầu tiên, con người nhận thấy mình ở trong một mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Bản trình thuật về sáng tạo trong Thánh Kinh (St 1-3) cho chúng ta thấy rằng “hình ảnh của Thiên Chúa” được mạc khải trước hết trong mối quan hệ của con người (xét như chủ thể) với Thiên Chúa (xét như đối tượng). Con người biết Thiên Chúa; trái tim và ý chí con người có khả năng kết hiệp với Thiên Chúa. Con người có thể nên một với Thiên Chúa! Con người có thể nói “VÂNG” với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, con người cũng có thể nói “KHÔNG”. Con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa và thánh ý Ngài; song con người cũng có khả năng chống lại Thiên Chúa và chống lại các hoạch định của Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 10/6

2Cr 1, 1-7; Mt 5, 1-12.

LỜI SUY NIỆM: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”

          Trong lời chúc phúc này của Chúa Giêsu đưa dẫn chúng ta nhìn lại những lời yêu thương trong các Thánh Vịnh: “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhậm lời, cứu cho khỏi cơn nguy khốn” (Tv 34,7). “Người thiếu thốn sẽ không mãi bị bỏ quên, kẻ nghèo khổ chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9,18). “Người cứu kẻ nghèo khỏi tay người mạnh mẽ” (Tv 35,10). “Vì lòng nhân từ Chúa sắm sửa vật tốt cho kẻ khốn cùng” (Tv 68,10).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang chúc phúc cho tất cả chúng con, bởi vì chúng con đều nằm trong những trường hợp này. Xin Chúa cho chúng con luôn nhận ra mình là những người nghèo, đang bất lực, được có lòng khiêm nhường, đặt hết lòng tin cậy nơi Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Sáu

Hãy Làm Chủ Chính Mình 

Một tác giả nọ có kể một câu chuyện nghụ ngôn như sau: Một nhà trí thức, một thương gia và một quan đầu tỉnh bị quân cướp tấn công nhân một cuộc hành trình giữa sa mạc. Sau khi đã đánh đập, bọn cướp bỏ ba người dở sống dở chết bên lề đường. Tuy nhiên, ba người cũng cố gắng lê bước để tìm đến túp lều của một vị ẩn sĩ. Sau khi đã băng bó các vết thương cho ba người, vị ẩn sĩ mới nói với họ: “Túp lều của tôi quá nhỏ. Mùa đông lại sắp đến. Xin mỗi vị cố gắng làm riêng cho mình một căn lều để trú ẩn”.

Nghe thế cả ba người bộ hành đều chống chế, vì họ chỉ muốn tiếp tục cuộc hành trình mà thôi. Vị ẩn sĩ mới cho họ biết rằng tuyết đã bắt đầu rơi và không còn một lối thoát nào có thể giúp họ ra khỏi vùng sa mạc. 

Nhưng làm thế nào để tự mình có thể dựng cho mình túp lều? Nhà trí thức thì than phiền rằng mình không có sách vở trong tay. Thương gia thì quả quyết rằng cả đời mình chỉ biết đếm tiền và giao dịch. Còn viên đầu tỉnh thì cho rằng ông không thể làm việc gì mà không có thuộc hạ.

Nhưng nước đến trôn rồi thì cũng đành phải nhảy. Không còn lý do gì để khước từ, cả ba người đành phải bắt tay vào dựng riêng cho mình căn lều. Khi họ vừa hoàn thành túp lều thì mùa đông cũng vừa đến. Trong suốt mùa đông dài, họ không còn bít làm gì hơn là ngồi bên bếp lửa để ôn lại chuyện quá khứ… Vị ẩn sĩ thỉnh thoảng cũng xen vào câu chuyện để góp ý và an ủi ba người bất hạnh.

Ðông tàn, xuân đến. Ba người bộ hành muốn lên đường trở về tức khắc. Nhưng lòng tốt và tình bạn của nhà ẩn sĩ không nỡ để họ ra đi. Thành ra, họ đành ở nán lại một thời gian để giúp ông cày xới và gieo trồng cũng như chăm sóc gia súc. Và rồi, khi ánh nắng xuân chiếu tỏa giữa sa mạc, họ cũng ở lại thêm một thời gian để ngắm cảnh thiên nhiên…

Một ngày nọ, vị ẩn sĩ mới thắc mắc như sau: “Tôi không còn nghe các ông nói đến sách vở, công việc làm ăn và những người thuộc hạ nữa. Có chuyện gì xảy ra cho các ông không?”. Cả ba người đều giữ thinh lặng. Vị ẩn sĩ mới nói tiếp: “Tôi xin phép được trả lời cho các ông nhé. Trước kia, các ông có một ông chủ, ông chủ của các ông có tên là sách vở, là tiền bạc, là các thuộc hạ. Giờ đây, các ông cũng giống như chó lạc mất chủ, các ông cảm thấy tự do. Nhưng tôi nghĩ rằng tốt hơn là các ông nên trở về với sách vở, với tiền bạc, với các thuộc hạ của các ông. Trêu về nhưng không với tư cách là nô lệ nữa. Các ông hãy là chủ chính mình. Và nếu các ông muốn có một người chủ luôn để cho các ông tự do hoàn toàn, xin hãy nhớ đến tôi và chủ của tôi”.

Lục soát cho kỹ trong lương tâm, có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thú nhận rằng mình là nô lệ của rất nhiều ông chủ.

Có ông chủ mang tên là một ý thức hệ kiên cố đang trói buộc đôi cánh tư tưởng của chúng ta. Chúng ta bị giam hãm trong vòng nô lệ đến độ không dám đưa chân bước ra khỏi vòng tròn mà ý thức hệ đó đã vẽ sẵn.

Có ông chủ mang tên là những định kiến đối với cuộc đời, đối với xã hội, đối với con người mà chúng ta không bao giờ muốn từ bỏ, mà chúng ta luôn chụp xuống trên người khác có lẽ cúng là hàng rào kẽm gai mà chúng ta khoanh tròn xung quanh chúng ta để mãi mãi chỉ mang lấy một cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ.

Có ông chủ là những thói quen xấu mà chúng ta tích lũy như một pháo đài kiên cố để không muốn rời một bước.

Có ông chủ là thứ tôn giáo vụ hình thức trong đó chúng ta cố gắng tô vẽ cho mình một bộ mặt đạo đức, nhưng kỳ thực lại hoàn toàn xa lạ với Tin Mừng của Chân Lý và tự do đích thực.

Mỗi người chúng ta cần phải rời bỏ những ông chủ quen thuộc để đi vào trong túp lều nhỏ bé, nhưng chính do chúng ta cố gắng tự tạo ra. Nơi sa mạc của cõi lòng, chúng ta sẽ gặp được chính Chúa làông chủ đích thực của chúng ta. Có trút bỏ mọi ràng buộc trong cuộc sống, chúng ta mới cảm thấy được Ngài chiếm ngự và lúc đó chúng ta mới cảm nhận được niềm hạnh phúc đích thực mà Chúa Giêsu đã hứa: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

ĐỨC TRINH NỮ MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI

Bài đọc : Gen 3:9-15, 20; Jn 19:25-34

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : Đức Trinh Nữ Maria, Evà mới, là Mẹ của Giáo Hội.

          Tại sao Giáo Hội muốn chúng ta mừng ngày hôm nay : Đức Trinh Nữ Maria, Evà mới, là Mẹ của Giáo Hội ngay sau Lễ Hiện Xuống ? Chúng ta biết Lễ Hiện Xuống đánh dấu sự sinh ra chính thức của Giáo Hội vì các tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu cùng với Mẹ Maria là những phần tử đầu tiên của Giáo Hội, được đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần đã tung cửa ra đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ theo như ý muốn của Chúa Giêsu.

          Nhưng Giáo Hội này có liên quan gì với những con người đầu tiên, Adong và Evà? Chúng ta học được sự liên quan này trong chương 5 của Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma: Bởi tội của một người mà loài người phải chết thì cũng bởi sự vâng phục của một người mà loài người được cứu độ (Adong và Chúa Giêsu). Adong phạm tội là do sự xui giục của Bà Evà; Chúa Giêsu được sinh là do lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria.

          Hai bài đọc hôm nay được chọn rất khéo để làm sáng tỏ Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Bài đọc I nói lên sự hủy hoại của những gì cao đẹp Chúa dựng nên cho con người qua sự bất tuân của hai con người đầu tiên – Adong và Evà. Evà được gọi là “mẹ của chúng sinh” (nhân loại). Bài Phúc Âm nói lên sự trung thành và vâng phục của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chúa muốn Đức Mẹ là Mẹ của các tông đồ Chúa đã chọn để tiếp tục công việc cứu độ của Ngài; và như thế Mẹ Maria cũng chính thức là Mẹ của Giáo Hội.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vì sự bất tuân của cặp vợ chồng đầu tiên – Adong và Evà – mà tội lỗi đã đột nhập vào thế gian và làm cho tất cả mọi người phải chết.

1.1/ Sự bất tuân của Evà và Adong: Sách Khởi Nguyên tường thuật sự sa ngã của Nguyên Tổ và phản ứng của họ khi phải đương đầu với Thiên Chúa như sau : ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu? “10 Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.”11 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”

          – Ông Adong thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.”13 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”

          – Bà Evà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.”

1.2/ Hình phạt do sự bất tuân: Đức Chúa đã ra các hình phạt sau đây cho 3 can phạm :

(1) Adong: Ba hình phạt Ông phải chịu :

          – Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng.

          – Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn.

          – Phải chết : Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.

(2) Evà: Ba hình phạt Bà phải chịu :

          – Mang nặng đẻ đau : Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.

          – Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi.

          – Phải chết : Đây là điều được hiểu ngầm vì Bà Evà cũng từ đất mà ra.

(3) Con rắn: cũng phải chịu ba hình phạt :

          – Phải bò bằng bụng ;

          – Phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời ;

          – Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.

          Ai là người đàn bà mà Đức Chúa đã gây mối thù với con rắn ? Đây chính là Mẹ Maria mà Thiên Chúa đã báo trước cho nhân loại. Ai là dòng giống của Mẹ Maria ? Đây chính là Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài. Trong cuộc chiến đấu, Thiên Chúa đã tuyên bố trước phần chiến thắng sẽ thuộc về Chúa Giêsu và Đức Mẹ khi nói : Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.

          Sau đó, ông Adong đặt tên cho vợ là Evà (hawah), vì bà là mẹ của chúng sinh (tất cả sinh linh – hay).

2/ Phúc Âm : Vì sự vâng phục của Đức Mẹ và của Chúa Giêsu cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên Thập Giá mà Thiên Chúa đã tha mọi tội và cất đi bản án chết cho nhân loại.

2.1/ Vì lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria mà Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa đã thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria.

          Chúng ta đọc thấy sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria khi sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Mẹ: Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi (Lk 1:38). Ngay khi Mẹ Maria thưa hai tiếng “Xin Vâng,” Thánh Tử Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm và bắt đầu công trình cứu độ loài người; hủy bỏ tội và bản án chết do ông Adong và bà Evà gây ra.

          Sự vâng lời của Mẹ Maria không chỉ giới hạn trong biến cố Truyền Tin, nhưng cả cuộc đời của Mẹ là lời thưa “Xin Vâng” với Thiên Chúa cho dẫu gặp bao nhiêu vất vả, khó khăn và đau khổ. Mẹ chấp nhận tất cả và đồng hành với Con mình cho đến đồi Golgotha và đứng dưới Thập Giá để cùng chịu đau khổ với con. Không những thế, Mẹ còn vâng lời Con để chấp nhận làm Mẹ của người tông đồ được Chúa Giêsu yêu, hình ảnh của Giáo Hội tương lai. Trong Giáo hội này, có những đứa con đáng yêu làm theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, nhưng cũng không thiếu những đứa con ngỗ nghịch vẫn còn gây nên những vết thương đâm thấu trái tim Mẹ, như lời cụ già Simêon đã tiên báo. Mẹ chấp nhận tất cả vì yêu Chúa Giêsu con Mẹ và yêu loài người cũng là con của Mẹ. Tóm lại, Mẹ thưa lời “Xin Vâng” với Thiên Chúa và trung thành vâng lời đến cùng.           

2.2/ Vì công nghiệp của Cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa đã cất đi bản án chết và phục hội địa vị làm con cho loài người (Rom 5:12-19).

          Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Rôma là người đầu tiên nhận ra sự liên hệ giữa tội của Nguyên Tổ và công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Ngài nói: “12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. 15 Nhưng sự sa ngã của Adong không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rom 5:12-15).

          Giống như ông Adong phạm tội là do sự cám dỗ của bà Evà, công trình cứu độ của Chúa Giêsu được thực hiện là do lời thưa “Xin Vâng” của Đức Mẹ. Giống như bà Evà là nguyên nhân cho sự sa ngã của ông Adong, Mẹ là nguyên nhân cho công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Nếu Đức Mẹ đã thông phần đau khổ với Chúa Giêsu thì Mẹ cũng thông phần vinh quang với Con của mình.

          Thánh Phaolô kết luận chương 5, Thư gởi tín hữu Rôma bằng những lời này: “Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống.19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rom 5:18-19).

2.3/ Vì ý muốn của Chúa Giêsu và sự vâng phục của Mẹ và người môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến. Đức Trinh Nữ Maria đã trở nên Mẹ của Giáo Hội do Chúa Giêsu thành lập.

          Thánh Gioan tường thuật việc Chúa Giêsu đặt Mẹ Maria làm Mẹ Giáo Hội dưới chân Thánh Giá cách đơn giản: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Jn 19:26-27)       

          Như thánh Irênê đã nói: “Do sự tuân phục của mình, Mẹ đã trở thành nguyên nhân ơn cứu độ cho bản thân Mẹ và cho toàn thể nhân loại.” Cùng với thánh Irênê, nhiều Giáo Phụ xưa kia đã nói: “Cái thắt nút do sự bất tuân của Evà đã được tháo cởi do sự vâng phục của Đức Maria; cái mà trinh nữ Evà đã buộc lại do sự thiếu niềm tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo cởi do niềm tin của mình. So sánh Đức Maria với bà Evà, các Giáo Phụ gọi Đức Maria là “Mẹ các sinh linh” (mẹ các người sống) và thường tuyên bố rằng: “Do Evà có sự chết, do Maria, có sự sống.” (LG 56)

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Do ý muốn của Thiên Chúa, Bà Evà đã trở thành mẹ của chúng sinh tội lỗi. Do ý muốn của Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria đã trở thành Mẹ của Giáo Hội, Mẹ của nhân loại đã được tẩy rửa sạch tội bằng nước và máu châu báu của Chúa Giêsu.

– Tội bất tuân Thiên Chúa gây ra muôn vàn khổ đau cho ông Adong, bà Evà và toàn thể nhân loại. Sự vâng lời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã lấy đi tội lỗi và án tử cho con người. Chúng ta phải biết noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria để trung thành vâng lời Thiên Chúa cho đến cùng những gì chúng ta đã hứa với Thiên Chúa.

– Mẹ Maria luôn yêu thương quan tâm đến mọi con cái và chuyển cầu cách đắc lực cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Chúng ta hãy luôn nhớ đến Mẹ và xin Mẹ che chở và chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************