Ngày thứ hai (12-02-2024) – Trang suy niệm

11/02/2024

Lời Chúa Hôm Nay

MỒNG BA TẾT. THÁNH HOÁ CÔNG ĂN VIỆC LÀM.

BÀI ĐỌC I: St 2,4b-9.15

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, thì chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nẩy mầm ngoài đồng ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa có người để trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất.

Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại E-đen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành biết dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 103,1bc và 14a.14b-15.20-21.22-23.24

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! (c.1bc)

1) Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng.

2) Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ.

3) Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn.

4) Ánh dương lên, chúng bảo nhau về, tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ. Đến lượt con người ra đi làm lụng, những mải mê tới lúc chiều tà.

5) Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất

BÀI ĐỌC II: Cv 20,32-35

Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, chính đôi tay này tự cung cấp lấy.

Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ

Khi ấy, ông Phao-lô ngỏ lời cùng các kỳ mục trong cộng đoàn Ê-phê-xô rằng: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.”

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 15,4a.5b

All. All. – Chúa nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái”. – All.

PHÚC ÂM: Ga 5,16-20

“Chúa Cha yêu Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, các người Do thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã chữa bệnh trong ngày sabbat. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, các người Do thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Thật, Ta bảo thật cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì, nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán thục”.

Ðó là lời Chúa.

****************

Thứ Hai tuần 6 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Gc 1, 1-11

“Lòng tin của anh em được thử thách, rèn luyện đức kiên nhẫn, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn”.

Khởi đầu bức thơ của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Giacôbê, đầy tớ của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, kính chào mười hai chi tộc sống phân tán khắp nơi. Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng khi gặp mọi thử thách, anh em biết rằng lòng tin được thử thách rèn luyện đức kiên nhẫn. Còn kiên nhẫn phải đưa đến hành động hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn, không khiếm khuyết điều gì. Nếu ai trong anh em thấy mình khiếm khuyết sự khôn ngoan, thì hãy xin cùng Thiên Chúa là Đấng rộng lượng ban ơn cho mọi người mà không quở trách, và Người sẽ ban cho. Nhưng hãy lấy lòng tin tưởng mà xin, đừng hoài nghi, vì ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa. Người anh em khó hèn, hãy hiên ngang vì được suy tôn; còn người giàu mà trở nên khó hèn, thì cũng vậy, vì chưng ai nấy cũng sẽ qua đi như hoa cỏ. Mặt trời mọc lên nóng bức, làm cho cỏ héo hoa tàn, và vẻ đẹp của nó cũng tiêu tan; người giàu có cũng vậy, bôn ba đến mấy, cũng sẽ suy tàn.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 67. 68. 71. 72. 75. 76.

Đáp: Nguyện Chúa xót thương cho con được sống (c. 77a).

1) Trước khi bị khổ, con đã lạc lầm, nhưng giờ đây, lời sấm của Ngài con xin tuân.

2) Chúa là Đấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.

3) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài.

4) Đối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.

5) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ.

6) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu ủy lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

All. All. – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 8, 11-13

“Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào”. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

12/02/2024 – THỨ HAI TUẦN 6 TN

Mồng Ba Tết Giáp Thìn       

Mt 25,14-30

SINH LỜI NÉN BẠC CHÚA TRAO

“Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành… hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,23)

Suy niệm: Nếu Thiên Chúa muốn thấy công trình của Ngài nguyên vẹn không bị những rủi ro do con người gây ra ắt Ngài đã tạo dựng vụ trụ này gồm những pho tượng đá im lìm, lạnh ngắt. Nhưng Ngài đã ra lệnh cho muôn loài “sinh sôi nảy nở ra nhiều đầy mặt đất,” và đã giao cho con người làm bá chủ, cai quản chúng. Như người chủ giao cho gia nhân những nén bạc để sinh lời, Ngài muốn con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Những khả năng và chính sự hiện hữu của con người là những nén bạc Chúa trao. Ngài không phải là ông chủ hà khắc, thủ lợi mà là Cha nhân từ và giàu lòng thương xót. Trong mối tương giao Cha-con đó, những ai biết sinh lời nén bạc mới cảm nghiệm trọn vẹn niềm vui khi chung hưởng hạnh phúc với Chủ và cũng là Cha của mình.

Mời Bạn: Chỉ khi cảm nghiệm được tình yêu và sự tín nhiệm Chúa dành cho bạn, bạn mới nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc quản lý “tài sản” Chúa trao: đó là trách nhiện phát triển bản thân bạn, gia đình, đồng bào, đồng loại và cả vũ trụ này. Sống mối tương giao Cha-con với Chúa ngay từ ở đời này, bạn mới có thể sinh lời nén bạc Ngài trao.

Chia sẻ: Bạn có biết mình được Chúa trao những nén bạc nào không? Và bạn đã sinh lời chúng như thế nào để góp phần làm đẹp thế giới này?

Sống Lời Chúa: Thời gian là vốn quý, đã trôi qua không lấy lại được: Tận dụng mọi giây phút để làm việc lành sinh lợi cho Nước Chúa.

Cầu nguyện: Xin Chúa ban ơn trợ giúp, để con sống xứng đáng là người con và quản lý trung tín của Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Lao động đúng là vinh quang của con người,
Thiên Chúa vẫn cần con người cộng tác cho công cuộc sáng tạo còn dang dở…
Ngài vẫn muốn nhờ con người mà làm cho thế giới này đẹp hơn, dễ sống hơn,
làm cho trái đất này trở thành một ngôi làng ấm áp, xinh xắn, gần gũi
cho hơn sáu tỷ người sống như anh chị em.
Từng ngày bao người vẫn cộng tác với Thánh Thần để biến đổi bộ mặt trái đất.
Có một lời nguyện rất hay của Phụng vụ Giờ Kinh tóm kết về giá trị của lao động:
“Ước gì những công việc chúng con phải làm, vừa nuôi dưỡng chúng con,
vừa mưu ích cho những người chúng con chịu trách nhiệm,
lại vừa làm cho triều đại Chúa mau đến.”
Như thế lao động là một bổn phận của người Kitô hữu.

Lao động không phải là một hình phạt của tội nguyên tổ.
Thống trị mặt đất và làm bá chủ mọi loài (St 1, 28).
là sứ mạng Thiên Chúa trao cho con người ngay sau khi nó được tạo dựng.
Trước khi phạm tội, con người đã được Đức Chúa “đặt vào vườn Êđen,
để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 15).
Làm việc với đất, với vườn, với đủ thứ cây trái là một vinh hạnh lớn.
Thánh Phaolô cũng thấy cái thú trong việc “làm lụng vất vả”
để nuôi thân và để “giúp đỡ những người đau yếu” (Cv 20, 35).
Có pha một chút tự hào, vị tông đồ lừng danh này khoe:
“Những gì cần thiết cho tôi, và cho những người sống với tôi,
đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20, 34).
Chẳng biết từ đâu Phaolô nghe được câu này mà ông bảo là của chính Chúa Giêsu:
“Cho thì có phúc hơn là nhận”
Làm việc chính là “cho”, và “cho” thật là một hồng phúc.

Đầu tư là vấn đề nóng bỏng của mọi nền kinh tế.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dám ví đời sống Kitô hữu với chuyện làm ăn.
Ông chủ Giêsu đi vắng thời gian lâu (c.19), giao của cải cho tôi tớ đầu tư sinh lợi.
Chẳng phải ai cũng được số nén bạc như nhau,
nhưng mỗi người phải cố gắng tối đa với những gì mình đã lãnh nhận.
Hai người đầu tiên đã đi làm ăn và sinh lợi tương xứng,
được ông chủ coi là “tôi tớ tốt lành và trung tín.” (cc. 21.23).
Người thứ ba lại đào lỗ đưới đất và chôn dấu nén bạc duy nhất của mình.
Nén bạc của anh thứ ba còn nguyên, không sinh lợi,
vì thế anh bị coi là “tôi tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng” (cc. 26.30).

Trong khi chờ Chúa trở lại, chúng ta nỗ lực sử dụng tài năng Chúa ban.
Làm sao sinh lợi được nhiều nhất và hiệu quả nhất từ số vốn mình nhận?
Làm sao để Thiên Chúa được vinh danh hơn trên mặt đất này?
Đầu tư đòi sáng tạo của khối óc và đam mê của trái tim.
Đầu tư đòi chấp nhận liều lĩnh, nỗ lực và căng thẳng.
Nhưng chúng ta dám chấp nhận sự dấn thân này chỉ vì yêu Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG HAI

Hồn Lành Trong Xác Mạnh

Tập luyện thể dục thể thao, đó là chúng ta trân trọng thân xác của mình. Chúng ta đạt được tình trạng khỏe mạnh thể lý hết sức có thể, với hoa quả của nó là niềm khoan khoái lớn lao. Trong nhãn giới đức tin, chúng ta biết rằng nhờ phép Rửa, trọn vẹn con người – cả hồn lẫn xác – đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần ngự trong anh em sao… và vì thế anh em không còn thuộc về chính mình nữa? Anh em đã được trả giá để chuộc lại. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (ICr 6, 19 – 20).

Thể thao gắn liền với việc phấn đấu để thắng một cuộc thi đấu hay đạt được một mục tiêu nào đó. Nhưng với đức tin, chúng ta biết rằng “triều thiên không thể hư nát” của cuộc sống vĩnh cửu thì giá trị hơn nhiều so với bất cứ giải thưởng nào trên trần gian. Triều thiên đó là ân huệ của Thiên Chúa, song đó cũng là kết quả của việc chuyên cần đào luyện nhân đức hằng ngày. Và, theo Thánh Phao-lô, đây là một cuộc thi đấu thực sự quan trọng. Ngài nói: “Anh em hãy tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất” (1Cr 12, 31). Thánh Phao-lô muốn nhắc nhở chúng ta hãy hướng lòng trí về những ân huệ góp phần tăng triển Nước Thiên Chúa. Nếu chúng ta kiên trì trong cuộc chạy đua này, những ân huệ ấy sẽ đem lại một giải thưởng sinh ích lợi vĩnh cửu cho chúng ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 12/2

Ge 1, 1-11; Mc 8, 11-13.

Lời Suy Niệm: Những người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào,” (Mc 8,11-12)

          Chúa Giêsu đang đứng trước một sự đòi hỏi của một nhóm người Pharisêu, họ muốn nhìn thấy Chúa Giêsu thực hiện một biến cố kinh thiên động địa loé lên từ trời, gây ngạc nhiên cho họ. Nhưng Chúa Giêsu đã không chiều theo ý họ muốn; bởi vì Người biết đòi hỏi của họ không phát xuất từ ý muốn được nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa. Nên Chúa Giêsu đã cho họ biết: “Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào.”

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con luôn xác tín rằng những tạo vật đang hiện hữu và phát triển chung quanh chúng con;  đều là những dấu lạ của Chúa ban cho chúng con được hưởng dùng để được sống; chứ không phải là một sự tự nhiên hay tình cờ; giúp cho chúng con luôn biết tạ ơn và ngợi khen tình thương quan phòng của Chúa. Amen.

*******************

Mồng Ba Tết

(Thánh hoá công ăn việc làm)

St 2, 4b-9. 15; Cv 20, 32-35; Mt 25,14-30.

Lời Suy Niệm: Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã làm lời năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá kắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,20-21)

          Khi giảng dạy dân chúng, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn, để nói về Nước Trời với mục đích kêu gọi người ta vào Nước Trời; như trong dụ ngôn “Những yến bạc” những tôi tớ của chủ đều được giao cho những yến bạc mặc dầu số lượng có khác nhau, nhưng mỗi người có cách suy nghĩ, biết đầu tư để sinh lợi, có người thờ ơ vô trách nhiệm, họ không quan tâm đến việc sử dụng yến bạc đó, nên đã không sinh ra lời. Cuối cùng tuỳ vào sự quan tâm và biết cách sử dụng của mỗi người, đều mang lại một tương lai tương xứng.

          Lạy Chúa Giêsu, trong dụ ngôn “Những yến bạc”, Chúa muốn nhắc cho chúng con phải kiểm điểm mình lại trong đời sống của mỗi một người trong chúng con đã nhận bao nhiêu hồng ân của Chúa, đã dùng những hồng ân đó sinh lợi cho mình, cho người anh em, cho Giáo Hội như thế nào? Xin Chúa cho chúng con biết sống đúng ơn gọi mà Chúa đã gọi con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 tháng Hai

Những Kho Tàng Quý Giá 

Giá trị của những đồ cổ thường gia tăng với thời gian.

Dạo tháng 5 năm 1990, một chiếc xe Rolls Royce do Anh Quốc chế tạo năm 1907 đã được bán đấu giá là 2,860,000 đô la tại bang Florida bên Hoa Kỳ. Ðây là giá bán một chiếc xe cổ cao nhất từ trước tới nay. Chiếc xe này đã từng được gia đình cự phú Rochefeller sử dụng.

Nhưng đáng kể hơn cả vẫn là giá bán một bức tranh của danh họa người Hòa Lan là Vincent Van Gogh. Bức tranh họa lại chân dung của một người bạn thân cuqả danh họa là bác sĩ Gachet, được thực hiện năm 1890, tức là cách đây đúng hơn 100 năm. Trong một cuộc đấu giá tại phòng triển lãm ở New York bên Hoa Kỳ, bức tranh đã được bán đấu giá là 82,500,000 đô la. Ðây là giá bán cao nhất từ trước tới nay đối với một tác phẩm nghệ thuật.

Cũng dạo đó, tại Tây Ðức, người ta đã đem bán đấu giá cả những tác phẩm của nhà độc tài Hitler. Một bức tranh sơn nước của ông đã được bán với giá là 6,134 đô la. Ngay cả một ấn bản của tác phẩm Mein Kampf, trong đó Hitler đã vạch ra chương trình hành động gian ác của ông và các cộng sự viên của ông cũng được đem bán đấu giá. Người mua có lẽ không nghĩ đến giá trị nghệ thuật cho bằng muốn giữ làm kỷ niệm di tích có liên quan đến tội ác và một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.

Tất cả những người môn hạ đích thực của Ðức Kitô cũng là những nhà nghệ sĩ mà các tác phẩm đều vượt thời gian. Tác phẩm mà các ngài để lại chính là cả cuộc sống được họa lại theo khuôn mẫu của Ðức Kitô. Những tác phẩm ấy không bao giờ được đem bán đấu giá, bởi vì chúng vô giá. Không có tiền bạc nào có thể mua được công đức và các hy sinh của các Thánh. Người ta chỉ có thể chiêm ngắm bằng đôi mắt của đức tin. Có những cuộc sống xả thân quên mìnhmà mọi người đều biết đến, có những cuộc sống âm thầm trong gian lao thử thách mà chie mình Thiên Chúa mới chân nhận giá trị. Hiển hách hay âm thầm, cuộc đời của những vị thánh là những tác phẩm mà giá trị vẫn muôn tồn tại qua muôn thế hệ.

Mỗi một người Kitô chúng ta, trong cố gắng mô phỏng Ðức Kitô, cũng là những nghệ sĩ cách này hay cách khác đều để lại những tác phẩm cho hậu thế. Chúng ta không để lại tài sản, chúng ta không để lại những tác phẩm nghệ thuật, mà chính là cả cuộc sống của chúng ta. Trong âm thầm theo Chúa, phục vụ tha nhân, chịu đựng vì đức tin, làm chứng tá cho Tin Mừng: chúng ta luôn được mời gọi để lại cho hậu thế kho tàng vô giá nhất: đó là Niềm Tin. Âm thầm hay rực sáng, Niềm Tin đó phải là kho tàng quý giá nhất mà mọi người chúng ta đều được mời gọi để sống, để bồi đắp, để vun trồng và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Mồng 3 Tết Nguyên Đán

Bài đọc: Gen 2:5-9, 15; Act 20:32-35; Mt 25:14-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm

            Theo truyền thống, ngày mồng ba tết là ngày chúng ta xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm trong năm mới này vì chúng ta không như những dân ngoại. Công việc của chúng ta không phải chỉ để kiếm sống cho chính mình và gia đình, nhưng còn cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài.

1/ Bài đọc 1: kể cho chúng nghe về câu chuyện sáng tạo của Thiên Chúa. Đây là trình thuật sáng tạo theo truyền thống Yahwist [vì trong trình thuật này, tên của Thiên Chúa là Yahweh]. Tác giả của trình thuật sáng tạo này vẽ lên hình ảnh một Thiên Chúa như một “thợ thủ công”: Ngài làm ra đất và trời (St 2:4b); Ngài cho mưa xuống đất (St 2:5); Ngài lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi để con người trở nên một hữu thể sống động (St 2:7); Ngài trồng một vườn cây ở Êđen và đặt con người để cày cấy và canh giữ đất đai (St 2:8,15). Vì con người được tạo dựng không chỉ bởi bụi đất, mà còn bởi sinh khí của Thiên Chúa, nên con người khác với các tạo vật khác. Chính sự cao trọng này của con người – được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa – con người được mời gọi qua công việc của mình “tiếp tục công trình sáng tạo” của Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Thánh Phaolô, trong bài đọc 2 kể cho chúng ta nghe về việc Ngài đã dùng chính đôi bàn tay của mình để “kiếm những gì cần thiết cho ngài và cho những người sống với ngài” (Cv 20:34). Ngài khuyến dụ chúng ta bằng chính gương sáng của mình là chúng ta phải cẩn thận về lòng ham muốn vàng bạc hay quần áo của người khác khi làm việc (Cv 20:33). Theo ngài, công việc là để kiếm những gì “cần thiết” cho cuộc sống của mình, đồng thời sử dụng những gì mình kiếm được bằng cách làm lụng vất vả, để giúp đỡ những người đau yếu (Cv 20:35). Ở đây Thánh Phaolô thêm vào một khía cạnh khác cho bản chất của công việc mà bài đọc 1 nói đến là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta trở về với ý định của Thiên Chúa từ thuở ban đầu, thì điều Thánh Phaolô trình bày trong bài đọc 2 chủ yếu là để giải thích cách cụ thể ý nghĩa của việc “cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.” Nói cách khác, chúng ta cộng tác vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa khi chúng ta dùng công việc của mình để kiếm những gì cần thiết cho mình và cho những người sống với mình, đồng thời để chia sẽ những gì mình kiếm được qua công việc cho những người nghèo và đau yếu. Điều quan trọng mà Thánh Phaolô đưa ra trong bài đọc 2 hôm nay đó chính là định luật: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Có câu nói trong đời rằng: “Bạn cho đời cái gì thì đời sẽ trao lại cho bạn thứ đó. Nếu bạn cho đời sự chua cay, bạn sẽ nhận lại sự cay đắng. Còn nếu bạn cho đời tiếng cười, thì bạn sẽ nhận lại niềm vui.”

3/ Phúc Âm: Thánh Mátthêu dùng dụ ngôn của Chúa Giêsu về các nén bạc để nhắc nhở chúng ta về việc sinh lợi cho Chúa, không phải chỉ cho chính mình thôi nhưng còn cho những người sống với mình nữa. Theo Thánh Mátthêu, công việc chính là phương tiện qua đó chúng ta làm phát triển những nén bạc Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay được trích từ chương 25 của Tin Mừng Thánh Mátthêu. Chương 25 gồm ba dụ ngôn nói về viễn cảnh của ngày cánh chung: Dụ ngôn mười trinh nữ (Mt 25:1-13), dụ ngôn các nén bạc (Mt 25:14-30); và dụ ngôn về phán xét cuối cùng (Mt 25:31-46). Nhìn trong bối cảnh này, dụ ngôn các nén bạc nằm giữa hai dụ ngôn nói về “sự chờ đợi” và “phán xét cuối cùng.” Điều này có nghĩa là: Chúng ta không chờ đợi trong sự bị động – chờ sung rụng, nhưng trong trạng thái “cầm đèn sáng trong tay cùng với vó dầu dự trữ.” Nói cách khác, trong khi chờ đợi ngày Chúa đến phán xét trong vinh quang, chúng ta phải làm lợi những gì Chúa ban cho chúng ta qua công việc chúng ta làm. Giờ đây, chúng ta cùng nhau phân tích bài Tin Mừng hôm nay một cách chi tiết hơn để rút ra những thái độ cần thiết khi làm việc trong năm mới này.

            Thứ nhất, chúng ta phải có thái độ biết ơn trong công việc, vì mọi sự chúng ta có được là ân ban của Thiên Chúa. Những gì chúng ta có là Chúa trao phó cho chúng ta: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người” (Mt 25:14-15). Chúng ta hãy luôn tạ ơn Chúa về công việc mình làm. Đối với Chúa, chúng ta làm việc gì không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta ý thức được công việc chúng ta đang làm là ân ban của Thiên Chúa để tỏ lòng biết ơn. Một vị thánh nói rằng: “Hãy đưa cho tôi một đứa trẻ có lòng biết ơn, tôi sẽ giáo dục nó nên một vị thánh.” Biết ơn chính là lối diễn tả cụ thể của sự khiêm nhường. Những người kiêu ngạo không bao giờ có lòng biết ơn.

            Thứ hai, chúng ta phải có thái độ siêng năng, không lười biếng mà đem dấu nén bạc Thiên Chúa đã trao cho mình. Chúng ta thấy có hai đầy tớ “lập tức” lấy những gì nhận được đi làm ăn và sinh lợi thêm (x/c Mt 25:15-16). Đây là thái độ cần thiết của chúng ta khi làm việc. Hai người đầy tớ đầu tiên chỉ nghĩ đến một việc là sinh lợi cho ông chủ. Họ không mất thời gian cho những việc không mang lại hoa trái cho chủ mình. Nhiều khi chúng ta mất quá nhiều giờ cho việc than phiền, nói xấu và làm mất danh dự của người khác. Khi làm như thế, chúng ta đang trở thành người đầy tớ thứ ba là người bị ông chủ khiển trách: “Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25:26-30). Sự biếng nhác giết chết khả năng “sáng tạo” trong công việc mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Điều này được phản chiếu trong lời khiển trách của ông chủ: “Ngay cả sáng kiến căn bản nhất là gởi số bạc của tôi vào ngân hàng để có lời mà anh [chị] cũng không nghĩ ra.” Khi chúng ta lười biếng, mất thời gian cho những chuyện không sinh lợi cho Chúa, thì chúng ta càng ngày càng đánh mất khả năng “sáng tạo” mà Chúa ban cho chúng ta để chúng ta cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo.

            Thứ ba, chúng ta phải tránh thái độ “đoán mò thánh ý của Chúa” hay đúng hơn lẫn lộn ý Chúa với ý mình. Chúng ta thấy người đầy tớ thứ ba đến và nói với chủ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây!” (Mt 25:24-25). Chúng ta thấy người đầy tớ hiểu sai về ông chủ của mình vì anh ta lẫn lộn ý của anh ta với ý của chủ. Ý của chủ là anh ta phải sinh lợi với những gì anh ta được trao dù nó nhỏ bé so với những gì được trao cho hai đầy tớ khác. Còn anh ta vì sợ mà chỉ nghĩ về việc bảo quản không để mất nén bạc của ông chủ là tốt rồi. Khi không có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng lẫn lộn giữa điều chúng ta muốn và điều Ngài muốn. Hãy đến gần Chúa hơn để cảm nghiệm được tình yêu vô điều kiện của Ngài. Chỉ như thế chúng ta mới biết và hiểu được điều Ngài muốn.

            Thứ tư, chúng ta phải có thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Nói cách khác, chúng ta phải ý thức rằng chúng ta sẽ phải thanh toán sổ sách về những gì chúng ta đã nhận từ Thiên Chúa. Thái độ này rất cần thiết trong khi làm việc, vì chúng ta thường có khuynh hướng “đổ lỗi” cho hoàn cảnh và cho người khác về những thất bại của mình trong công việc. Những người có thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình làm, nhất là những thất bại, là những người khiêm nhường. Thật vậy, chỉ khi chúng ta ý thức rằng chúng ta phải thanh toán sổ sách với Thiên Chúa về những gì chúng ta đã nhận từ Ngài thì chúng ta mới có thể không thất vọng khi thất bại và không kiêu ngạo khi chiến thắng.

            Cuối cùng, chúng ta phải có thái độ trung thành với Thiên Chúa trong công việc mình làm Với hai người đầy tớ sinh lợi những gì được trao, ông chủ nói với họ: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ (Mt 25:2123). Trung thành trong việc lớn thì dễ. Trung thành trong việc nhỏ mới khó. Chúng ta có kinh nghiệm này trong đời sống thường ngày của chúng ta. Những công việc nhỏ bé, tầm thường dễ dàng làm chúng ta nhàm chán và bỏ cuộc. Còn những gì mang lại “danh tiếng” dễ hấp dẫn chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu qua dụ ngôn hôm nay dạy chúng ta chân lý này: Những người trung tín trong việc nhỏ, sẽ trung tín trong việc lớn. Ngược lại, người không trung tín trong việc nhỏ sẽ không thể trung tín trong việc lớn.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************