Ngày thứ hai (13-03-2023) – Trang suy niệm

12/03/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay – Năm A

BÀI ĐỌC I: 2 V 5, 1-15a

“Có nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: “Chớ chi ông chủ tôi đến gặp vị tiên tri ở Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi”. Naaman đến tâu vua rằng: “Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này thế này”. Vua xứ Syria liền nói: “Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ”. Naaman ra đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo. Ông trao cho vua Israel bức thơ nội dung như sau: “Khi bức thơ này đến tay nhà vua, nhà vua biết tôi sai Naaman, tôi tớ tôi, đến với nhà vua, để xin nhà vua chữa ông khỏi phong cùi”.

Sau khi đọc bức thơ, vua Israel liền xé áo và nói: “Ta có phải là Chúa, có thể giết chết và cho sống hay sao mà vua ấy gởi người đến xin ta chữa lành phong cùi? Các ngươi thấy không, vua ấy tìm cớ hại Ta đó”. Khi Êlisêô, người của Thiên Chúa, nghe tin vua Israel đã xé áo mình, nên sai người đến tâu vua rằng: “Tại sao nhà vua lại xé áo? Ông ấy cứ đến với tôi thì sẽ biết trong Israel có một vị tiên tri”.

Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: “Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch”. Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: “Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Ðamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao?” Ông trở về lòng đầy tức giận.

Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: “Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: “Hãy đi tắm, thì được sạch”. Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3. 4

Ðáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? (x. Tv 41, 3)

1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!

2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời?

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.

Câu Xướng trước Phúc Âm: Tv 129, 5 và 7

Con trông cậy Chúa, con mong đợi lời hứa của Chúa, vì nơi Chúa sẵn có lòng từ bi và chan chứa ơn cứu độ.

PHÚC ÂM: Lc 4, 24-30

“Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

13/03/2023 – THỨ HAI TUẦN 3 MC

Lc 4,24-30

QUÊ HƯƠNG, CHÙM KHẾ NGỌT

“Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)

Suy niệm: Làm một hàng xóm láng giềng tốt với nhau đã khó, làm ngôn sứ tại quê hương mình thì càng khó được chấp nhận hơn. Chúa Giê-su cũng không nằm ngoài quy luật đó. Không những không chấp nhận, những người đồng hương với Chúa còn tìm cách hãm hại Ngài. Nhưng Chúa Giê-su vẫn không ngừng rao giảng, và Ngài đã rao giảng cho đến chết và rao giảng bằng chính cái chết và phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta được  mời gọi sống và làm chứng đức tin ngay tại quê hương xóm làng và cho chính họ hàng gia đình của mình. Thật không dễ chút nào. Nhưng sự khó khăn không cho phép chúng ta im hơi lặng tiếng. Mỗi người theo cách của mình, đều có thể làm chứng cho niềm tin. Nếu chúng ta cảm nhận được rằng “quê hương là chùm khế ngọt”, thì chúng ta vẫn phải thao thức làm một cái gì đó tốt đẹp cho đồng bào mình. Nếu bạn vững tin và biết cưu mang những điều tốt đẹp, bạn đã làm cho Tin Mừng được loan báo cho trên quê hương mà bạn thương mến.

Chia sẻ: Bạn đã sống thế nào với hàng xóm láng giềng, nhất là với anh em lương dân đồng hương với bạn? Bạn yêu thương họ hết mình chưa?

Sống Lời Chúa: Chọn một gia đình lương dân sống gần bạn để cầu nguyện cho họ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù không được những người đồng hương tiếp nhận, nhưng Chúa vẫn tiếp nhận mọi người và muốn cứu độ mọi người. Xin cho con trái tim của Chúa, để con luôn cảm nhận “quê hương là chùm khế ngọt” và loan báo Tin Mừng cho anh chị em đồng bào của con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:  

Trong Mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta nghe
về kết cục khá bất ngờ và đau đớn của Đức Giêsu
khi Ngài trở về với hội đường của làng Nazareth thân quen.

Nơi đây Ngài gặp lại những người đồng hương.
Họ ngỡ ngàng trước những lời Ngài giảng.
Họ muốn Ngài làm những điều Ngài đã làm ở Caphácnaum (Lc 4, 23).
Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại bằng câu tục ngữ :
“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê nhà của mình” (c. 24).
Đức Giêsu tự nhận mình là một ngôn sứ.
Như những ngôn sứ khác trong lịch sử Israel,
Ngài cũng không được đón nhận và tin tưởng bởi những người cùng quê.
Họ nghĩ mình đã quá biết Ngài, biết gia tộc, biết nghề nghiệp,
biết quá khứ từ ấu thơ đến lúc trưởng thành.
Chính cái biết ấy, đúng nhưng không đủ,
lại trở thành một chướng ngại cho việc họ nhận ra Ngài thật sự là ai.
“Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4, 22).
Đúng Ngài là con ông Giuse, một người thợ mộc.
Đúng ngài là ông thợ mộc độc thân người làng Nazareth.
Giêsu Nazareth là tên được ghi trên thập tự,
Nazareth sẽ mãi mãi đi với tên Ngài để phân biệt ngài với những Giêsu khác.

Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường Nazareth, quê nhà của mình.
Ngài quen biết những khuôn mặt trong hội đường này và yêu mến họ.
Nhưng sứ mạng của Ngài trải rộng hơn Nazareth nhiều.
Ngài cho thấy mình không bị trói buộc bởi mối dây làng xã,
cũng không bị giữ chân bởi những người đồng bào cùng tôn giáo.

Để biện minh cho thái độ rộng mở của mình,
Đức Giêsu đã nhắc đến hành động của hai vị ngôn sứ thời Cựu Ước.
Êlia, vị ngôn sứ đầy quyền năng, được Thiên Chúa sai đến với một bà góa.
Bà này là một người dân ngoại sống ở Siđôn vùng dân ngoại.
Êlisa, vị ngôn sứ học trò của Êlia, đã chữa bệnh phong cho Naaman.
Ông này là người dân ngoại, chỉ huy đạo quân của Syria.
Như thế các vị ngôn sứ nổi tiếng đã không bị bó hẹp trong dân Do thái.
Họ đã mở ra với dân ngoại.

Đức Giêsu cũng chẳng bị giới hạn bởi bất cứ biên cương nào.
Ngài chẳng dành cho quê nhà Nazareth một ưu tiên nào.
Phải chăng vì thế mà Ngài làm họ phẫn nộ đến độ muốn xô Ngài xuống vực?
Nỗi đe dọa lại đến từ chính những người đồng hương.
Làm sao chúng ta nhận ra và chấp nhận những ngôn sứ bề ngoài rất bình thường
đang sống trong cộng đoàn chúng ta hôm nay?

Cầu nguyện:  

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG BA

Đức Giêsu Biết Những Điều Thầm Kín Nhất Của Chúng Ta

Trong câu chuyện đầy hàm súc này về người phụ nữ bên bờ giếng, sự mạc khải riêng tư và sự trợ giúp có năng lực cứu độ đã phát xuất từ Đức Giêsu. Người bắt đầu với một hoàn cảnh cụ thể mà người phụ nữ ấy có thể hiểu được. Rồi Người đưa dẫn chị đến khảo sát cuộc sống của chị trong ánh sáng của chân lý, vì chỉ trong chân lý chúng ta mới có thể gặp gỡ Đức Kitô.

Khi người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô đáp lời Đức Giêsu: “Hãy cho tôi loại nước đó”, Người đã không ngần ngại dẫn chị đến chỗ chị cần đến. Người dẫn chị đến với sự hoán cải bằng cách mở ra cho chị thấy chị là ai và chị đã làm gì. “Hãy đi và gọi chồng chị tới đây” (Ga 4,16) – Người bảo chị như thế. Người mời gọi chị tự khảo sát chính lương tâm của chị và tự dò tìm những chiều sâu của tâm hồn chị. Khi chị cố giấu giếm tội lỗi mình và dối gạt Đức Giêsu, Người đặt chị đối diện với chính tội lỗi của chị và giúp chị nhìn nhận rằng mình cần được cứu độ. Được thuyết phục bởi Đức Giêsu, người phụ nữ xin Người chỉ cho con đường cứu độ. Xuyên qua cuộc khảo sát lương tâm này, người phụ nữ đã có thể đối diện với tội lỗi mình và nhận hiểu rằng mình cần được cứu độ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 13/3

2V 5, 1-15a; Lc 4, 24-30.

LỜI SUY NIỆM: “ Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”

          Tin Mừng cho mỗi người trong chúng ta học biết về một thói quen của Chúa Giêsu, đó là Người có thói quen năng đến hội đường cùng hiệp thông với cộng đoàn địa phương trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Và Người còn cho họ những giáo huấn qua lời Kinh Thánh. Người dẫn chứng vào thời ông Êlia đối với bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đon, cũng như vào thời ông Êlisa đã chữa lành bệnh phung cho ông Maaman xứ Xiri. Để đánh động suy nghĩ về tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa chứ không chỉ dành cho dân Ítraen mà thôi.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con biết rộng mở tâm hồn của mình hướng về dân ngoại để đem Tin Mừng đến cho họ, hầu giúp họ có thể nhận ra tình thường và ơn Cứu Độ của Chúa mà biết chung sống với nhau trong hoà bình và thịnh vượng. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

13 Tháng Ba

Nếu Tôi Biết Tha thứ 

Trong những năm 1944-1945 dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.

Ðức thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt mân côi. Ðến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: “Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý. Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình. Ðức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao qúy. Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này”. Nói rồi anh bật khóc: “Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con”. Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria…

Xin được tha thứ, đó là một trong những hành động vĩ đại nhất của con người… Quỷ Satan đã có lần trách móc Thiên Chúa như sau: “Ngài không công bình. Có biết bao nhiêu tội nhân đã làm điều ác. Họ chỉ trở lại một đôi lần, nhưng lần nào Ngài cũng niềm nở tiếp đón họ. Tôi chỉ có làm một điều bậy, tôi chỉ có phạm tội một lần, thế mà Ngài đã tuyên phạt tôi đời đời”. Nghe thế, Thiên Chúa mới hỏi vặn lại Satan: “Thế ngươi có bao giờ mở miệng xin tha thứ và ăn năn sám hối chưa?”.

Mở miệng kêu xin tha thứ là bước lần đến ngưỡng cửa Thiên Ðàng. Nhưng xin tha thứ cho chính mình thôi, chưa đủ, con người cần phải tha thứ cho người khác. Cánh cửa Thiên Ðàng sẽ mở ra mỗi khi con người thành thực thứ lỗi cho người khác.

Nhận ra lầm lỗi của mình, kêu cầu sự tha thứ và tha thứ cho người khác: đó là đôi cánh Thiên Thần giúp con người bay lên tới Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần III – MC

Bài đọc: II Kgs 5:1-15a; Lk 4:24-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

Con người thường dễ nản chí tức giận, sau khi đã cố gắng hết sức để yêu thương lo lắng cho người thân yêu, mà họ vẫn vô tâm và làm cho mình phải đau khổ hơn nữa. Các Bài Đọc hôm nay nói lên những đối xử vô ơn tệ bạc của con người với Thiên Chúa.

Trong Bài Đọc I, Sách Các Vua II tường thuật sự kiện tiên tri Elisha chữa khỏi bệnh cùi cho Naaman, tướng Syria. Mặc dù là một người Dân-ngọai và kẻ thù của Israel, nhưng ông đã thú nhận “không có một Thiên Chúa nào khác trừ Thiên Chúa của Israel.” Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu đã dùng lịch sử để vạch ra sự vô ơn và hậu quả của sự cứng lòng, người Do-Thái vẫn ngoan cố không chịu sửa đổi, còn mang Chúa lên đỉnh núi và xô Ngài xuống vực thẳm.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tiên tri Elisha chữa Naaman khỏi bệnh cùi.

1.1/ Hai con người Israel, hai niềm tin:

(1) Người nữ tỳ của vợ ông Naaman: Cô không ghét chủ vì đã bắt mình làm nô lệ; trái lại, cô còn muốn sự tốt lành cho chủ, kẻ thù của Israel. Cô tuyệt đối tin tưởng và hy vọng nơi Thiên Chúa sẽ chữa lành qua tiên-tri Elisha. Đây là một hành động nguy hiểm; vì nếu Naaman không khỏi, cô sẽ mất mạng vì đã đánh lừa ông.

(2) Vua Israel: luôn ở trong tình trạng nghi ngờ và sợ sệt người khác muốn làm hại mình. Khi vua Israel đọc xong thư của vua Aram thì xé áo mình ra và nói: “Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi? Các ngươi phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta.” Là vua trong nước, mà vua chẳng biết, và chắc cũng chẳng quan tâm có tiên-tri Elisha, người của Thiên Chúa có quyền năng chữa bệnh, đang ở trong nước mình. Chính tiên-tri Elisah, khi nghe biết là vua Israel đã xé áo mình ra, thì sai người đến nói với vua: “Sao vua lại xé áo mình ra? Người ấy cứ đến với tôi, thì sẽ biết là có một ngôn sứ ở Israel.”

1.2/ Niềm tin của Naaman được củng cố bởi các đầy tớ của ông.

(1) Phải khiêm nhường: Kiêu ngạo vì muốn giữ thể diện hay vì tự ái dân tộc là những lý do làm con người không nhận ra và không lãnh nhận được hồng ân Thiên Chúa. Ông Naaman tức giận vì tiên-tri Elisha không thân hành ra tiếp ông, nhưng qua sứ giả. Ông cần người tiên tri làm ơn, chứ tiên tri đâu có cầu ơn ông đâu mà phải thân hành ra tiếp. Điều vô lý nữa là ông Naaman đã có sẵn trong đầu những gì tiên tri phải làm để chữa ông, và tức giận khi tiên-tri không làm như thế. Đã bao nhiêu lần chúng ta cũng có sẵn những ý tưởng trong đầu và muốn Thiên Chúa cũng như tha nhân phải thi hành như vậy để giúp ta! Sau cùng, ông cũng hãnh diện hão về các con sông trong xứ sở của mình: “Nước các sông Avana và Pharpar ở Damascus chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Israel sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao?”

(2) Phải bình tĩnh để nhận ra điều đơn giản (common sense) của cuộc sống: Có những điều quá thông thường mà khi con người nóng giận, họ sẽ không nhìn ra. Khi thấy chủ mình tức tối bỏ về, các tôi tớ của ông đến gần và nói: “Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, cha có thể có lý do không làm! Đàng này ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch!” Nhận ra sự nóng giận vô lý của mình, ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Jordan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.

(3) Naaman tuyên bố niềm tin vào Thiên Chúa: Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Lần này Ông vào, đứng trước mặt tiên-tri và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel.”

Điều trớ trêu là một tướng ngọai bang, kẻ thù của Do-thái lại có đức tin hơn một ông vua của Do-thái. Ông tin vào một nữ tỳ và lặn lội lên đường đi tìm đến người của Thiên Chúa là tiên-tri Elisha. Ông được chữa lành và tuyên xưng niềm tin của ông vào Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

2.1/ Chúa dạy dân bài học lịch sử: Trình thuật hôm nay tiếp tục tường thuật cuộc trở về Nazareth, quê hương của của Chúa Giêsu. Sau khi đọc Sách tiên-tri Isaiah, khán giả đồng hương ngồi xuống, và Chúa bắt đầu rao giảng. Thay vì là một cuộc vinh quy bái tổ, họ bắt đầu khinh thường Chúa. Ngài mời họ nhìn lại lịch sử để đừng tái diễn những điều không nên làm. Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Chúa Giêsu dẫn chứng lời Ngài nói bằng hai ví dụ:

(1) Tiên-tri Elijah cho hũ bột của bà góa tại Zarepta, Sidon, không cạn: “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Elijah, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Zarepta miền Sidon.”

(2) Tiên-tri Elisha chữa Naaman, tướng Syria, khỏi bệnh cùi: “Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Elisah, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi.”

2.2/ Lịch sử tái diễn: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.”

– Không giống Naaman, họ không kiềm chế được tính kiêu ngạo, nóng giận. Họ nghĩ là Chúa Giêsu xúc phạm tới danh dự dân tộc của họ. Thực sự, Chúa Giêsu chỉ muốn giúp họ nhìn ra sự thật; nhưng họ từ chối không làm.

– Không giống Naaman, họ không nhìn ra những đơn giản của cuộc sống. Lịch sử dạy con người những bài học quí giá: Hãy nhìn gương của những người đi trước; nếu họ làm những quyết định khôn ngoan sinh lợi ích, hãy bắt chước; nếu họ làm những quyết định điên rồ, đừng bắt chước họ làm như vậy.

Điều trớ trêu là cũng một Bà gốc Phoenician, có con gái bị quỉ ám ở Sidon, kiên nhẫn tin tưởng vào Chúa Giêsu đến độ câu trả lời của Bà làm Chúa Giêsu phải ngạc nhiên và chữa lành con gái Bà: “Vâng, nhưng chó con cũng được ăn những thứ từ trên bàn của chủ rơi xuống!” Trong khi những người đồng hương với Chúa, đã không tin tưởng, còn tức giận xô Chúa xuống vực thẳm! Sự thật phũ phàng, khó tin, nhưng vẫn đang xảy ra!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi nào chúng ta cảm thấy nản chí, muốn bỏ cuộc trong việc yêu thương và giúp dỡ người khác; hãy nhớ Lời Chúa nói: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”

– Nếu Chúa đã làm ơn và bị đối xử như thế, chúng ta là môn đệ Ngài cũng phải đồng chịu số phận. Nhớ rằng chúng ta chưa chịu vô ơn đến độ treo thân trên Thập Giá.

– Điều này giúp mở mắt chúng ta để nhận ra những hồng ân Thiên Chúa và những sự giúp đỡ của tha nhân không ngừng đổ trên ta; để đừng bao giờ đối xử vô ơn tệ bạc với người thi ơn như vậy.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************