Ngày thứ hai (14-10-2019) – Trang suy niệm

13/10/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:    Rm 1, 1-7

“Nhờ Đức Kitô, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về đức tin”.

Khởi đầu bức thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Đức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma, được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv  97, 1. 2-3ab. 3cd-4

A+B=Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

A=Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

B=Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

A=Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!

A+B=Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

ALLELUIA:  Tv 118, 27

-Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.  

PHÚC ÂM:  Lc 11, 29-32

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

14/10/2019 – THỨ HAI TUẦN 28 TN

Th. Ca-lít-tô, giáo hoàng, tử đạo

Lc 11,29-32

NHẬN BIẾT SỨ ĐIỆP CỨU RỖI

“Quả thật, ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)

Suy niệm: Tại Mê-ri-ba, bên mạch nước trổ ra từ tảng đá, dân Do Thái đã từng “thách thức Chúa dù đã thấy những dấu lạ Ngài làm” (x. Xh 17,7; Tv 94,8-9). Người Do Thái thời Chúa Giê-su cũng mang não trạng thách thức đó. Dù Gio-na trở nên dấu lạ cho dân Ni-ni-vê nhưng nơi người Do Thái thì sứ điệp thống hối của ông lại không được nhận biết. Không ít lần họ đã thách thức Chúa Giê-su, đòi Ngài làm một “dấu lạ từ trời” (Mt 16,1). Nhưng ngay từ đầu Ngài đã khước từ cơn cám dỗ “làm phép lạ” này: “Có lời chép rằng: ‘Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi’.” (Lc 4,12). Mặc dù Ngài có làm những phép lạ như dấu hiệu chứng thực Ngài là “Đấng phải đến” (Mt 11,2-6), Ngài chỉ xác nhận dấu lạ Gio-na mới là lời tiên báo về Ngài là dấu lạ tối hậu, đó là cuộc tử nạn và phục sinh của chính Ngài để mang lại ơn cứu độ: “Quả thật, ông Gio-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (Mt 12,40).

Mời Bạn: Dấu lạ chỉ “lạ” khi người ta đón nhận sứ điệp cứu độ mà nó chuyển tải và hoán cải tâm hồn. Dấu lạ Giê-su Kitô có trở thành dấu lạ cho bạn chưa hay nói cách khác bạn có nhận ra sứ điệp yêu thương của Ngài qua những gì xảy đến trong cuộc đời bạn không?

Chia sẻ: Biến cố nào trở thành “dấu lạ” cho bạn? Mời bạn chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi suy niệm, bạn nhớ xin ơn hoán cải theo Lời Chúa dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn làm những dấu lạ mỗi ngày. Xin mở cho con cặp mắt đức tin để nhận biết chúng.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG MƯỜI

Loan Báo Tin Mừng, Một Nhu Cầu Cấp Bách Và Toàn Diện

Công Đồng Vatican II, trong Sắc Lệnh Truyền Giáo, đã tổng hợp một cách tuyệt vời cả lý do lẫn trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Sắc Lệnh này đề cập đến các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội : “Lý do của sứ mạng truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên Chúa, Ngài ‘muốn tất cả mọi người được cứu độ và được biết sự thật. Và sự thật là: Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất. Cũng chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng đã trao hiến chính mình làm giá chuộc cho mọi người’ (1Tm 2,4-6), và ‘không có ơn cứu độ nơi bất cứ ai khác’ (Cv 4,12). Do đó, mọi người phải trở về với Ngài sau khi đã nhận biết Ngài nhờ lời rao giảng của Giáo Hội, và phải kết hiệp mật thiết với Ngài cũng như với Giáo Hội là thân thể của Ngài qua Phép Rửa…”

“Đành rằng Thiên Chúa – bằng những cách thế chỉ một mình Ngài biết – có thể dẫn dắt những người có lương tâm ngay thẳng nhưng không biết Tin Mừng đến với đức tin – ‘bởi người ta không thể làm hài lòng Thiên Chúa được nếu không có đức tin’ (Dt 11,6); tuy nhiên, bổn phận tất yếu của Giáo Hội phải là rao giảng Tin Mừng, nghĩa là hoạt động truyền giáo của Giáo Hội luôn luôn còn đầy đủ tính khẩn thiết của nó – hôm nay và mãi mãi” (TG, 7).

Loan báo Tin Mừng là công việc thường xuyên của Giáo Hội. Nó luôn khẩn thiết và không bao giờ có thể chước miễn. Ơn cứu độ của con người luôn là vấn đề nóng bỏng. Đó là lý do tại sao Đức Phao-lô VI, trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, đã viết: “Người tông đồ phải hiến dâng tất cả thời giờ, tất cả sức lực, và nếu cần, hy sinh cả sự sống mình cho việc loan báo Tin Mừng” (EN, 5).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 14/ 10

Thánh Callistô I, giáo hoàng tử đạo

Rm 1, 1-7; Lc 11, 29-32.

LỜI SUY NIỆM: “Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.”

          Chúa Giêsu đang nói với mỗi một người Kitô hữu chúng ta hôm nay. Chúng ta đang là con cái của Chúa con cái của Giáo Hội, mỗi một người đang được nuôi sống đời mình cả hồn lẫn xác bằng Lời Chúa và các Bí Tích. Mỗi người cần phải biết rõ tầm quan trọng của điều này; để siêng năng nhận lãnh với lòng sám hối và tạ ơn.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả mọi người trong chúng con luôn siêng năng tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, để chúng con luôn biết xưng thú tội lỗi của chúng con trước mặt Chúa và cộng đoàn, để được cộng đoàn, Đức Mẹ, các thánh và các thiên thần cầu bàu nguyện giúp ơn tha tội, để chúng con được ơn bình an và đón nhận Chúa vào lòng của chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 14-10

Thánh CALLISTÔ I
Giáo Hoàng Tử Đạo (+222)

Chúng ta biết được cuộc đời của thánh Callistô I chính là nhờ vào bản ký thuật của thánh Hyppolytô (Philosphoumena q. IX). Nhưng chẳng may đây lại là thuật ký của một kẻ thù nghiệt ngã với thánh nhân. Dầu vậy, thánh Hyppolytô không thể ngụy tạo các sự kiện hiển nhiên được và biết lượng định theo lương tri, chúng ta biết nhiều về thánh Callistô I hơn các đức giáo hoàng tiên khởi khác.

Người là nô lệ của một Kitô hữu tên là Carpôphôrô. Biết được khả năng về kinh tế và tài tổ chức của Ngài, ông đặt Ngài quản trị một ngân hàng. Công cuộc làm ăn thất bại, chúng ta có thể tin chắc rằng Callistô vô tội chứ không phải Ngài biển thủ ngân quỹ như Hippolytô qui trách. Để đòi lại những món nợ bởi người Do thái, Ngài bắt buôc phải vào một hội đường. Thế nhưng những người Do thái lại tố cáo Ngài là Kitô hữu. Quan tổng trấn Roma bắt Ngài, đánh đòn rồi gửi đi làm lao công ở các hầm mỏ miền Sardinia.

Khi bà Marcia, người thân của hoàng đế Commodô xin được ơn phóng thích cho các tội nhân, Callistô trở về. Đức giáo hàong Victor gửi Ngài tới Antium để dưỡng sức và cấp dưỡng cho Ngài. Điều này chứng tỏ rằng việc Ngài bị đức giáo hoàng Victor gạch tên khỏi sổ những người bị tù tội vì đức tin, mà Hippolytô viết ra là sai sự thật. Đến khi thánh Zephirinô lên kế vị Đức giáo hoàng Victor, Callistô được đặt làm tổng phó tế và có nhiệm vụ coi sóc các nghĩa trang. Ngài xây dựng một mộ địa mang tên Ngài. Đây là tài sản do một người bạn có quyền thừa kế tên là Cêcilia dâng tặng. Callistô đã tỏ ra là một nhà quản trị có khả năng, nên năm 217, Ngài được chọn làm giáo hoàng kế vị thánh Zephirinô.

Trên ngai giáo hoàng, đức Callistô I tỏ ra là người kiên quyết bảo vệ đức tin tôn giáo. Ngài đã kết án Sabelliô vì ông này chủ trương sai lạc về tín điều Chúa Ba ngôi. Đối với Hippolytô, Ngài cảnh cáo chủ trương sai lạc theo khuynh hướng nhị nguyên của ông về Chúa Giêsu. Tuy nhiên về phương diện kỷ luật, Ngài tỏ ra rất khôn ngoan và nhân từ. Dường như chính Ngài là đấng đã tổ chức các tước vị tại Roma, tại các nhà thờ thuộc giáo xứ…

Năm 222, thánh Callistô I từ trần bằng một cái chết dữ dằn. Theo truyền thuyết, Ngài bị đám đông giận dữ ném xuống giếng, tại Trstevere. Người ta cho rằng các lương dân căm thù vì bị Ngài trục xuất đã đưa tới cái chết này. Từ đầu tới cuối, Ngài là một con người cương nghị và độc tài. Ngài được chôn cất, không phải nơi hầm mộ mang tên Ngài, nhưng tại nghĩa địa ở đường Aurelia.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

14 Tháng Mười

Lời Trăn Trối Của Người Mẹ 

Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục: đó là đại úy Laly.

Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến khuyên nhủ để lôi kéo ông ra khỏi tội ác. Nhưng tất cả mọi cố gắng của người khác đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục.

Thế nhưng một hôm, khi mọi người tưởng như không còn một chút hy vọng, Laly đã lần mò đến một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó ông đã thú nhận: “Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết”.

Có những câu ca dao, có những bài hát, có những bài học làm người, chúng ta tiếp thu ngay khi còn ngồi trên gối mẹ. Trí óc non dại của chúng ta chưa đủ khả năng để lĩnh hội ý nghĩa sâu xa của những bài học đó. Nhưng dần dà với thời gian, khi bắt đầu chúng ta biết suy nghĩ, những bài học đó trồi lên một cách trong sáng trong kiến thức của chúng ta. Có lẽ người mẹ nào cũng hiểu được giá trị của câu: “Dạy con từ thuở còn thơ…”.

Mẹ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, vừa là một mẫu gương vừa là một nhà giáo dục tuyệt hảo trong Ðức Tin. Lời kinh dâng Mẹ mà chúng ta bập bẹ khi vừa biết nói là bài ca dao đẹp nhất không ngừng ngân vang trong cuộc sống Kitô chúng ta. Có thể, đôi lúc chúng ta cũng ngâm nga một cách máy móc, nhưng Mẹ vẫn có đó và Mẹ vẫn đeo đuổi, ấp ủ chúng ta trong Tình Yêu bao la của Mẹ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 28 TN1

Bài đọc: Rom 1:1-7; Lk 11:29-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết lắng nghe, học hỏi, và rao giảng Tin Mừng.

Có những người tuy tội lỗi, cứng đầu; nhưng họ chỉ cần Thiên Chúa cho một cơ hội, là họ đã biết nắm lấy để sinh lợi ích cho họ và cho Thiên Chúa. Có những người Thiên Chúa ban cho hết cơ hội này đến cơ hội khác; nhưng họ vẫn không biết lợi dụng, lại còn đòi thêm cơ hội hay bằng chứng trước khi tin tưởng vào Ngài. Chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương luôn cho chúng ta nhiều cơ hội để được hưởng ơn cứu độ; bổn phận của chúng ta là hãy biết tận dụng những cơ hội đó, đừng khinh thường chúng, vì chúng ta không biết còn có cơ hội nữa hay không!

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc lắng nghe, học hỏi, và rao giảng Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, Phaolô biết lợi dụng cơ hội Đức Kitô ban cho, khi ông bị ngã ngựa trên đường đi Damascus bách hại các tín hữu tin vào Đức Kitô. Phaolô nhận ra ân sủng và sứ vụ của Đức Kitô trao, để rao giảng Tin Mừng đến các dân ngoại. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu so sánh sự đáp trả hời hợt của khán giả của Ngài với sự đáp trả nồng nhiệt và chân thành của dân thành Nineveh và nữ hoàng Phương Nam. Mục đích của Ngài là nhắc nhở cho khán giả hãy biết lợi dụng cơ hội đang có, trước khi phải trả giá đắt trong Ngày Phán Xét.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tin Mừng quan trọng cho cả Phaolô lẫn các tín hữu Rôma.

1.1/ Ơn gọi rao giảng Tin Mừng của Phaolô: Trình thuật hôm nay vạch ra cho chúng ta những gì mà thánh Phaolô sẽ nói đến chi tiết trong Thư gởi tín hữu Rôma. Sáu điều quan trọng đó là:

(1) Phaolô là tôi tớ (doulos) của Đức Kitô: ”Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô.” Danh xưng mà Phaolô thường gọi Đức Kitô là Thầy (Kurios) và xưng mình là người tôi tớ. Các ngôn sứ trong lịch sử cũng nhiều lần gọi Thiên Chúa là Thầy và xưng mình là tôi tớ (Jos 1:2, 24:29, Amo 3:7, Jer 7:25). Họ hãnh diện tuyên xưng họ là tôi tớ của Thiên Chúa.

(2) Ơn gọi của Phaolô: ”Tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.” Trong Cựu Ước, nhiều người cũng đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, như Abraham (Gen 12:1-3), Moses (Exo 3:10), Isaiah (6:8-9), và Jeremiah (1:4-5). Phaolô muốn nhấn mạnh đến ơn gọi mà Thiên Chúa muốn; chứ không phải ơn gọi mà con người muốn.

(3) Tin Mừng đã được loan báo bởi các ngôn sứ trong Kinh Thánh: Các tiên-tri như Micah, Isaiah, Sophoniah, Jeremiah… đã nhiều lần tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Đức Kitô làm trọn những gì mà các tiên-tri loan báo.

(4) Đức Kitô đã nhập thể: ”Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” Đức Kitô vừa là Con Thiên Chúa, vừa là con người mặc xác phàm.

(5) Đức Kitô đã sống lại: ”Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.” Đức Kitô phục sinh vinh hiển là trọng tâm của Tin Mừng mà Phaolô rao giảng. Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của chúng ta hóa ra vô ích.

(6) Tin Mừng cứu độ được loan truyền cho Dân Ngoại: ”Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.” Thánh Phaolô đã không hiểu điều này khi ngài bắt bớ các tín hữu; nhưng Đức Kitô đã mặc khải điều này cho Phaolô.

1.2/ Ơn cứu độ dành cho mọi người trong thành phố Rôma: “Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô. Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.”

Rôma là một cộng đoàn không do Phaolô thiết lập; nhưng lại giữ một vị trí hết sức quan trọng. Rôma sẽ trở nên trung tâm của Giáo Hội sau này; và Phaolô được Đức Kitô báo trước ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Rôma.

2/ Phúc Âm: Đức Kitô khôn ngoan hơn vua Solomon và đáng quí trọng hơn Jonah.

2.1/ Dấu lạ Jonah cho dân thành Nineveh: Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.”

Đọc Sách tiên-tri Jonah, khi Thiên Chúa truyền cho ông đi rao giảng lần thứ nhất, ông không chịu đi và trốn Thiên Chúa đáp tàu đi xứ khác. Thiên Chúa làm cho gió bão nổi lên và Jonah đã phải xin thủy thủ vứt ông xuống biển để tránh gió bão. Ông bị một con cá lớn muốt vào bụng trong ba ngày ba đêm, trước khi cá mửa ông ra và mang ông vào bờ. Chúa Giêsu muốn nói Ngài cũng cho thế hệ của Ngài một dấu lạ như Jonah: Ngài sẽ ở trong mồ ba ngày ba đêm, và sẽ sống lại vinh hiển trong ngày thứ ba.

Khi Thiên Chúa truyền lần thứ hai, Jonah mới chỉ miễn cưỡng đi rao giảng cho dân thành Nineveh mới chỉ có một ngày; thế mà toàn thành, từ vua quan đến dân chúng và ngay cả súc vật đã ăn năn xám hối và tin vào Thiên Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu tuyên bố: ”Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.” Chúa đã cho người đương thời với Chúa biết bao cơ hội để nghe những lời giảng dạy của Ngài; thế mà họ vẫn lòng chai dạ đá, không chịu ăn năn thống hối và tin vào những gì Ngài dạy bảo. Vì thế, kẻ tố cáo họ không phải là Ngài, mà là dân thành Nineveh, vì họ chỉ có cơ hội một lần duy nhất.

2.2/ Sự khôn ngoan của vua Solomon cho nữ hoàng Phương Nam: Đọc Sách Khôn Ngoan, chúng ta thấy nữ hoàng Phương Nam, khi nghe sự khôn ngoan nổi tiếng của vua Solomon, Bà đã thân hành vượt đường xa, lặn lội tới với những lễ vật triều cống để có thể nghe trực tiếp những lời khôn ngoan phán ra từ miệng vua Solomon. Thế mà Đức Kitô là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang đứng trước mặt họ, mặc khải những sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho họ cách nhưng không, họ lại coi thường Ngài.

Chúa Giêsu có ý muốn nói với khán giả của Ngài: ”Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà đây thì còn hơn vua Solomon nữa.” Bà sẽ kết án họ chứ không phải Ngài; vì Bà phải vất vả đường xa cộng với bao nhiêu tốn kém để chỉ được nghe vua Solomon rao giảng một lần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Hãy biết nắm lấy cơ hội khi nó tới để học hỏi và thi hành những gì Thiên Chúa dạy. Khi cơ hội đã qua, chúng ta không biết có còn cơ hội nào khác không. Hơn nữa, điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời là được biết Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy; tại sao không lợi dụng cơ hội để biết Ngài càng sớm càng tốt.

– Chúng ta phải dành thời gian để học hỏi và thi hành những gì Đức Kitô dạy dỗ trong Tin Mừng, vì những lời này có uy quyền mang lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************