Ngày thứ hai (15-07-2024) – Trang suy niệm

14/07/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai. Thánh Bônaventura

BÀI ĐỌC I: Is 1, 10-17

“Các ngươi hãy tắm rửa, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các hoàng tử Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân Gômôra, hãy lắng tai nghe luật Thiên Chúa chúng ta. Chúa phán: “Muôn vàn hy lễ có ích lợi gì cho Ta? Ta đã chán chê và không còn ưa thích những của lễ toàn thiêu bằng chiên đực, mỡ các súc vật béo, máu bò đực, chiên con và dê đực. “Khi các ngươi đến trước mặt Ta, ai kiểm soát các vật ấy nơi tay các ngươi, để các ngươi đi vào hành lang của Ta? Các ngươi đừng tiếp tục hiến dâng cho Ta những lễ tế vô ích nữa. Ta ghê tởm mùi hương. Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày Sabbat và các ngày lễ trọng khác. Những cuộc hội họp của các ngươi đều là gian ác. “Tâm hồn Ta chán ghét những ngày trăng mới và các lễ trọng của các ngươi. Tất cả những thứ đó đã làm khổ Ta, Ta đã nhàm chán chịu đựng rồi. Và khi các ngươi giơ tay các ngươi lên, thì Ta quay mặt đi. Khi các ngươi càng cầu nguyện, thì Ta càng không nhậm lời, vì tay các ngươi vấy đầy máu. “Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa; đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23

Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).

1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đàn chiên ngươi những con dê đực.

2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng?

3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta cũng giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 10, 34 – 11, 1

“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó. Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”. Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

15/07/2024 – THỨ HAI TUẦN 15 TN

Th. Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT

Mt 10,34-11,1

KHÔNG THEO KIỂU THẾ GIAN

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng”. (Mt 10,34-35)

Suy niệm: Sự thật mà Chúa Giê-su thể hiện xem ra khá phũ phàng. Ngài thừa nhận mình là ‘kẻ gây rối’: đến để gây chia rẽ… và khiến những người nhà thân thiết nhất cũng trở thành đối kháng với nhau; đó là vì những đòi hỏi của Ngài là triệt để và tuyệt đối: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (cc. 37.38). Đòi hỏi như thế, không phải Chúa muốn ta bất hiếu, lập dị, mà là để sống theo Thần Khí, sẵn sàng buông bỏ để Thần Khí tự do để hoạt động trong ta, vì “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63).

Mời Bạn: Buông bỏ không có nghĩa bị tước mất, mà là dâng hiến để được nên phong phú hơn. Như Mẹ Tê-rê-xa Kôn-ka-ta, Mẹ ví cuộc đời mình như cây bút chì trong tay Thiên Chúa: càng ngoan ngùy thì Thiên Chúa càng tự do để ‘sử dụng’ Mẹ như nghệ nhân sử dụng cây bút để họa nên những tuyệt tác. Cuộc đời Mẹ cũng đã nên cớ cho nhiều người đàm tiếu và chia rẽ, nhưng là sự chia rẽ cần thiết để phản chiếu niềm vui và bình an của Nước Trời – một thực tại mà thế gian không thể hiểu và không thể ban tặng.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút tĩnh lặng mỗi ngày để lắng nghe Thần Khí, rồi xin ơn can đảm đáp lời “xin vâng”.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.
Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.
Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau :
“Con thuyền đi qua
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng.
Đoàn người đi qua
để lại bóng.
Tôi không đi qua tôi
để lại gì”.

Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.
Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.
Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.
Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.
Phải chăng đó là điều Văn Cao, một kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,
muốn gửi gấm qua những vần thơ này ?

Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.
Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.
Đặc biệt trong xã hội Do-thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.
Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).
Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.
Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,
như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).
Những giá trị thiêng liêng như thế, cần được ta yêu mến, giữ gìn.
Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.
Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.
Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,
nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.
Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.
Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.
Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.
Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).
Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,
người ấy mới xứng đáng với Thầy.
Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,
người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).

Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,
nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa ?
Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.
Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,
tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác (Mt 19, 29).
Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy :
“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

15 THÁNG BẢY

Con Người Tự Viết Nên Lịch Sử Của Chính Mình

Được ban cho trí khôn và linh hồn bất tử, con người bắt đầu hành trình của mình trong thế giới. Con người bắt đầu viết nên lịch sử của chính mình. Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – luôn luôn sát cánh với con người mọi nơi mọi lúc trong cuộc hành trình ấy. Cũng trong sách Huấn Ca, chúng ta đọc thấy: “Đường lối của chúng luôn luôn ở trước mặt Ngài, và không bao giờ giấu mắt Ngài được” (Hc 17,15).

Tác giả Thánh Vịnh cũng thốt lên cùng ý nghĩa này:

“Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,

đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,

tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,

cánh tay hùng mạnh giữ lấy con…

Hồn con đây Ngài biết rõ mười mươi;

xương cốt con Ngài không lạ lẫm gì” (Tv139, 9-10.14-15).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 15/7

Thánh Boonaventura, Giám mục

Tiến sĩ Hội Thánh

Is 1, 10-17; Mt 10, 34-11,1.

Lời suy niệm: Anh em đừng tưởng Thầy đến đem lại bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem lại bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.” (Mt 10,34-36)

          Chúa Giêsu, Người là ánh sáng thế gian trong khi đó thế gian đầy bóng tối tội lỗi và sai lầm, nên những gì của thế gian khi phải gặp ánh sáng và sự thật của Người đều không có sự bình an thật sự, Chúa Giêsu không đến để mang hòa bình giả dối mà các ngôn sứ đã chê trách: “Chúng bô bô: ‘bình an vô sự’, để xoa dịu thương tích của dân Ta, trong khi chẳng có bình an chi cả.” (Gr 6,14). Chúa Giêsu còn cho mỗi người trong chúng ta biết: “Thầy để lại bình cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27)

          Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống trần thế đầy những cám dỗ về vật chất, để cung phụng cho thân xác, nhưng khi phải thực hiện những giáo huấn của Chúa: về yêu thương, phục vụ, tự hiến và từ bỏ chính mình. Những điều này, khó thực hiện được làm cho con người trở nên bất an. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết chọn lựa đi theo Chúa, biết từ bỏ chính mình, để thực hiện lời Chúa dạy, giúp chúng con được thật sự bình an trong tâm hồn. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 15-07: Thánh BÔNAVENTURA

Giám mục, tiến sĩ hội thánh.(1221 – 1274)

Sinh năm 1221 tại Bagnorea, gần Viterbo, thánh Bonaventura là con ông Giovanni di Fidanza và bà Ritella. Ngài được đặt tên là Giovanni, lúc lên bốn, Ngài lâm trọng bệnh vô phương cứu chữa. Người mẹ vội ẵm Ngài tới gặp thánh Phanxicô khó khăn. Thánh nhân thương cha mẹ dâng lời cầu nguyện và Giovanni hết bệnh. Sung sướng, người mẹ kêu lên: “Obuona Ventura” (Ôi biến cố phúc hậu). Từ đó Giovanni mang tên Bônaventura. Ngài theo học tại dòng anh em hèn mọn.

Tới tuổi 15, Bonaventura theo học tại Paris, trung tâm ánh sáng thời đó. Ngài sống thanh trong đến nỗi Alexandre de Hales nhận xét: – Anh giống như Adam chưa hề phạm tội.

Ngài kết thân với sinh viên tài ba khác là Thomas Aquinô. Ngỡ ngàng về sự hiểu biết của bạn mình. Thomas hỏi Bonaventura xem Ngài đã học sách nào ? Bonaventura chỉ cây thánh giá trả lời: – Đây là nguồn mọi hiểu biết của tôi. Tôi học Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Năm 1257, Ngài được chọn làm bề trên cả dòng Phanxicô. Tình thế Ngài phải đối diện rất là phức tạp. Trong dòng đang có sự phân rẽ giữa những người nhiệt tâm muốn tuân giữ nghiêm nhặt luật dòng và những người muốn chước giảm. Nhờ sự thánh thiện và tài khéo léo, Bonaventura đã giải quyết các vấn đề cách ổn thỏa, đến nỗi Ngài đang được gọi là Đấng sáng lập thứ hai của dòng. Trong kỳ đại hội ở Narbonne 1250, Ngài đã ban hành hiến pháp đầu tiên cho dòng. Sau đó Ngài liên tiếp thăm viếng không biết mệt các tỉnh dòng để quan sát việc thực hiện bản quy luật này.

Chính Ngài tổ chức việc học hành cho các giáo sĩ trong dòng, làm cho công cuộc tông đồ được phổ biến rộng rãi đến cả những bậc thức giả lẫn giới bình dân. Chính Bonaventura là một nhà dòng giảng thuyết có biệt tài. Ngài đã giảng thuyết từ các tu viện, tới các thành phố ở Au Châu, trước mặt vua Luy IX Đức giáo hoàng. Luôn luôn Ngài thu phục được cảm tình của thính giả.

Một thầy dòng khiêm tốn tên là Gilles hỏi Ngài: – Các cha thông thái, được Chúa ban cho nhiều tài năng. Còn chúng con, chúng con có thể làm gì được ?

Bonaventura trả lời: – Nếu Chúa ban cho một người tài năng khác là ơn yêu mến Ngài thế là đủ rồi, và là kho tàng quí báu nhất.

Thầy dòng hỏi tiếp: – Một người không biết đọc biết viết có thể yêu mến Thiên Chúa như một nhà thông thái biết mọi sự không ?

Thánh nhân trả lời: – Chắc chắn rồi, một bà già có thể yêu Chúa hơn cả một nhà tiến sĩ thần học.

Thày dòng vui vẻ la lớn: – Một bà già có thể yêu Chúa hơn cả cha Bonaventura của chúng ta nữa.

Ngài còn tiếp: – Biết một chút về Chúa còn hơn là biết mọi sự trong trời đất.

Ngoài những hoạt động bên ngoài ấy. Bonaventura còn lo viết sách để huấn luyện các tu sĩ và những sách về triết học, thần học và thánh kinh. Chúng ta có thể kể đến cuốn “chú giải luật dòng Phanxicô”, “hạnh tích thánh Phanxicô” nhất là cuốn “hành trình của linh hồn hướng về Thiên Chúa”.

Trong nỗ lực xây dựng Hội Thánh, Bonaventura luôn tỏ ra khiêm tốn. Người ta kể rằng: Đức giáo hoàng Grêgoriô X truyền cho thánh Thomas và thánh Bonaventura soạn thảo bộ kinh lễ Thánh Thể. Khi hai vị vào yết kiến đức giáo hoàng trình bày công việc, thánh Bonaventura xé nát bản văn của mình.

Cùng với lời khiêm tốn ấy, Bonaventura đã từ chối chức Tổng giám mục thành York mà Đức giáo hoàng Clêment IV đề nghị, lòng khiêm tốn ấy không ngăn cản sự cương quyết và can đảm của Ngài chống lại thuyết sai lầm của thuyết Aristote và Avéoes… Nhưng Đức giáo hoàng Grêgoriô X đã quyết định đặt Ngài làm hồng y cai quản giáo phận Albanô và truyền Ngài về Roma ngay.

Khi hai sứ thần mang mũ hồng y đến, Ngài còn đang rửa chén. Ngày 28 tháng 5 năm 1273 Ngài nhận chức và là cánh tay đắc lực của đức giáo hoàng. Phần đóng góp của Ngài vào sự hợp nhất Giáo hội Hy lạp và Roma tại công đồng Lyon thật lớn lao.

Nhưng khi công đồng Lyon còn đang nhóm họp thì Bonaventura từ trần ngày 14 tháng 7 năm 1274. Đức Sixtô IV phong Ngài lên bậc hiển thánh năm 1482 và đức Sixtô V đã đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1858. Người ta gọi Ngài là “Tiến sĩ sốt mến”.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

15 Tháng Bảy

Dây Chuyền Của Liên Ðới 

Một người Ả Rập nọ có một con ngựa rất đẹp… Ai thấy cũng gợi lòng tham muốn. Một người láng giềng tìm đủ mọi cách để mua cho kỳ được con ngựa, nhưng chủ nhân vẫn một mực từ chối. Không còn biết làm cách nào để thuyết phục chủ nhân, người đó đành phải nghĩ ra mưu kế để chiếm đoạt.

Biết người chủ ngựa thường hay đi qua sa mạc, hắn mới cải trang thành một người hành khất nằm rét run bên vệ đường. Người chủ ngựa là một người tốt bụng, gặp bất cứ ai hoạn nạn cũng đều ra tay cứu giúp. Vừa thấy người hành khất, người đó cảm thấy thương hại, mới đề nghị trở về một quán trọ để săn sóc.

Khi người chủ ngựa vừa mở miệng đề nghị, thì tên bất nhân mới than thở: “Ðã mấy ngày nay, tôi không có được một hạt cơm trong bụng, lấy sức đâu để leo lên ngựa”. Nghe thế, con người tốt bụng xuống ngựa để giúp người hành khất leo lên lưng ngựa. Nhưng vừa leo lên lưng ngựa, tên bất lương hiện nguyên hình… Hắn giựt dây cương và thúc vào hông ngựa mà chạy… Người chủ ngựa đáng thương chỉ còn biết nhìn theo mà hối tiếc! Nhưng ông cũng cố gắng chạy theo và nói với tên bất lương như sau: “Ngươi đã ăn cắp con ngựa của ta. Nhưng ta sẵn sàng bỏ qua cho. Ta chỉ xin ngươi một điều là đừng bao giờ kể cho bất cứ ai nghe mưu mẹo ngươi đã dùng để cưỡng chiếm con ngựa của ta. Một ngày nào đó, sẽ có những người bệnh thật sự nằm rên rỉ bên vệ đường và kêu cầu sự giúp đỡ. Ta e ngại rằng sẽ không còn ai dám dừng lại để cứu giúp kẻ hoạn nạn nữa”.

Dè dặt, thủ thế, nghi kỵ có lẽ là thái độ thường tình của tất cả những ai đang sống dưới chế độ độc tài. Lừa lọc, phản bội, tố cáo lẫn nhau đã khiến cho lòng người mỗi ngày một thêm khép kín… Sợi dây chuyền của khép kín mỗi lúc một dài ra và quấn lấy con người.

Mỗi một hành động xấu, trong dây chuyền của tình liên đới, đều gia tăng đau khổ cho người khác. Khi tôi lừa đảo, không những hành động của tôi chỉ trực tiếp hãm hại một vài người có liên hệ, nhưng nó cũng góp phần giảm thiểu niềm tin của không biết bao nhiêu người xung quanh. Khi tôi bạo động, không những tôi chỉ xúc phạm đến người trong cuộc, nhưng hành động của tôi cũng xóa mờ đi phần nào lòng tự ái của nhân loại… Tôi là một phần của nhân loại. Cả nhân loại sẽ đau đớn rên rỉ vì một vết thương của tôi cũng như vì một nhát gươm của tôi.

Người Kitô luôn được mời gọi để nhìn nhận hình ảnh của Chúa nơi mọi người và đón nhận mọi người như anh em của mình. Trong cái nhìn ấy, cuộc sống của chúng ta phải luôn hướng đến người anh em của chúng ta: niềm đau của người anh em cũng chính là niềm đau của chúng ta, hạnh phúc của người anh em cũng chính là hạnh phúc của chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 15 – TN2 

Bài đọc: Isa 1:10-17; Mt 10:34-11:1

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Luôn sống như đang hiện diện trước mặt Thiên Chúa.

Một sự thật về Thiên Chúa mà con người cần ý thức: Ngài ở khắp mọi nơi; vì thế, không có một việc làm nào của con người qua khỏi ánh mắt của Thiên Chúa. Đây cũng là niềm tin của người Việt-nam khi nói: “Trời cao có mắt.” Vì có mắt nên Ngài nhìn thấy mọi sự, ngay cả những sự bí mật trong tâm hồn, và Ngài sẽ trả ơn hoặc báo oán con người xứng với việc họ làm. Trong thực tế, nhiều lần con người quên thực tại quan trọng này, họ nghĩ họ có thể giấu Thiên Chúa, nên cũng cư xử với Ngài như cư xử với những con người khác.

Các bài đọc hôm nay muốn nhắc nhở cho con người hãy luôn biết sống như đang hiện diện trước mặt Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhắc nhở cho con cái Israel biết phản ứng của Đức Chúa khi nhìn họ tới dâng lễ vật lên cho Ngài. Người tay sạch lòng thanh sẽ được Ngài đoái nhận và chúc lành; người tay vấy máu và hai lòng sẽ chỉ gây kinh tởm cho Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ luôn biết sống theo sự thật, cho dù có phải chịu ghét bỏ, truy tố, và tiêu diệt. Hãy làm mọi sự cho tha nhân như đang làm cho chính Ngài, vì Ngài sẽ thưởng công xứng đáng tất cả việc làm đó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giá trị bên trong hơn là hình thức bên ngoài.

1.1/ Thiên Chúa chán ngán những giả dối bên ngoài: Con người muốn che đậy tội lỗi và ác tâm bên trong bằng những hình thức vồn vã và săn đón bên ngoài. Họ chỉ có thể làm những điều này với con người, vì con người không thể nhìn thấu những gì họ suy nghĩ bên trong; nhưng họ không thể đánh lừa Thiên Chúa, vì Ngài nhìn thấu suốt tâm hồn họ.

Ngôn sứ Isaiah tố cáo các nhà lãnh đạo Israel khi họ tới dâng của lễ cho Thiên Chúa. Ngài đã chán ngấy những lễ vật toàn thiêu béo tốt họ dâng. Họ đánh lừa chính họ, vì họ nghĩ Thiên Chúa không biết những tội ác họ làm, hay họ nghĩ Ngài cũng giống như vua chúa, cứ việc hối lộ những của béo tốt là mọi chuyện sẽ êm đẹp. Họ nghĩ khi họ vất vả đến Đền Thờ dâng của lễ là làm lợi cho Thiên Chúa. Ngôn sứ nói rõ sự khó chịu và chán ghét của Thiên Chúa khi cứ phải nhìn loài người đóng kịch, để lừa dối Thiên Chúa: Đức Chúa phán: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm!”

Họ quên đi tất cả của cải trong thế gian này là của Thiên Chúa. Họ có dâng lễ vật cũng là lấy của Ngài ban mà dâng. Họ có đến dâng lễ cũng là do lợi ích cho chính họ chứ chẳng thêm gì cho Thiên Chúa. Đối với những người này, những lễ vật họ dâng sẽ không được chấp nhận, lời cầu của họ sẽ chẳng được lắng nghe, tội lỗi đã phạm chẳng những không được lắng nghe mà còn chuốc thêm tội đánh lừa Thiên Chúa. Ngài tỏ rõ cho họ biết: “Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu.”

1.2/ Thiên Chúa trân quí những cao đẹp trong tâm hồn: Để được Thiên Chúa chấp nhận và lắng nghe, con người cần sống thành thật mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa và với tha nhân. Trước khi đến Đền Thờ dâng lễ vật, họ phải thành tâm thống hối mọi tội lỗi đã phạm, họ phải hòa giải các nỗi bất hòa giữa họ với tha nhân.

Sống công bằng là điều kiện căn bản cho mối liên hệ giữa họ và Thiên Chúa: “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” Thời nào cũng có những người đối xử bất công với tha nhân vì tham lợi nhuận. Họ lợi dụng quyền hành để áp bức người cô thân cô thế, nhất là những cô nhi quả phụ. Họ dung túng những kẻ làm điều ác vì đã nhận quà hối lộ hay muốn được thăng quan tiến chức.

2/ Phúc Âm: Đòi hỏi của Thiên Chúa không luôn phù hợp với sở thích của con người.

2.1/ Chiến tranh và hòa bình: Danh từ “mákairan” có hai nghĩa: gươm giáo và chiến tranh. Nghĩa “gươm giáo” không thích hợp ở đây, nên dùng “chiến tranh” như là tương phản của “bình an.” Câu hỏi được đặt ra là tại sao “Hoàng Tử Bình An” như lời ngôn sứ Isaiah đã loan báo lại đem chiến tranh?

Thưa vì tư tưởng và cách thức của Thiên Chúa khác với tư tưởng và cách của con người:

Thế gian không chấp nhận sự thật: Nói và sống theo sự thật sẽ gây chia rẽ trong nhà, vì không phải tất cả mọi người đều muốn nói và sống theo sự thật. Ví dụ: Bố mẹ ngăn cản không cho con kết hôn với người ngoài đạo vì sợ con xao lãng việc giữ đạo. Bố mẹ ngăn cản không cho con đi tu vì muốn có người nối dõi tông đường và hầu hạ. Vợ không muốn chồng bắt con đi nhà thờ vì muốn con đi chùa… Trong những tình cảnh như vậy, một người có nên quyết liệt sống theo sự thật hay im lặng đồng lõa để gia đình được bình an?

2.2/ Tiêu chuẩn của Thiên Chúa: Xung đột xảy ra không phải chỉ trong tư tưởng, nhưng còn trong lối sống của người môn đệ. Ngài đòi con người phải sống theo tiêu chuẩn của Nước Trời trong khi con người chỉ muốn an phận với những tiêu chuẩn sống của thế gian. Ví dụ: Chúa đòi con người:

– Phải đặt Chúa trên hết mọi sự: cha mẹ, vợ con, anh chị em trong khi có cha mẹ hay vợ/chồng đòi phải đặt họ trên hết.

– Phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa vì: “Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất; ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được;” trong khi trào lưu xã hội luôn cổ võ lối sống đặt cá nhân trên hết.

– Phải tiếp đón các người làm việc cho Chúa: các tiên tri, các người công chính, các môn đệ thì sẽ được dự phần vào các phần thưởng họ sẽ được; trong khi những loại người này không luôn được tôn vinh dưới con mắt của người thế gian!

– Phải giúp đỡ người nghèo vì làm cho họ là làm cho chính Chúa; trong khi người thế gian chỉ bỏ công giúp đỡ những người sẽ mang lại lợi nhuận cho họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người sống theo hình thức bên ngoài nhưng Thiên Chúa chú trọng đến những nét đẹp trong tâm hồn. Chúng ta hãy cố gắng sống như đang ở trước tôn nhan Thiên Chúa.

– Sống theo sự thật sẽ giúp chúng ta luôn sống như đang ở trước mắt Chúa, cho dù sống theo sự thật sẽ bị người đời chê ghét, lừa đảo, truy tố và tiêu diệt; nhưng người môn đệ của Chúa không thể sống khác hơn.

– Thách đố của chúng ta: Chúng ta có dám chấp nhận đau khổ để nói và sống theo sự thật? 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************