Ngày thứ hai (17-06-2019) – Trang suy niệm

16/06/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 6, 1-10

“Chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, với tư cách là những người cộng sự với Chúa Giêsu, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô ích. Quả thật Chúa phán: “Dịp thuận tiện đến, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày cứu thoát, Ta đã cứu vớt ngươi”. Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát. Chúng tôi không hề làm cớ cho ai phải vấp phạm, để công việc phục vụ của chúng tôi khỏi bị đàm tiếu. Nhưng trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa, với hết lòng kiên nhẫn: trong gian truân thiếu thốn, nguy khốn, đòn vọt, tù đày, biến loạn, khó nhọc, nhịn ăn, nhịn ngủ với lòng thanh khiết, am hiểu, đại lượng, dịu dàng, bằng sức mạnh Thánh Thần, bằng lòng yêu thương không giả dối, bằng lời chân thật, và bằng quyền năng Thiên Chúa; nhờ khí giới công chính bên tả bên hữu; trải qua vinh quang cũng như tủi nhục, tiếng xấu cũng như tiếng tốt, bị coi là phường bịp bợm, mặc dầu là chân thành; bị coi là vô danh, nhưng hằng được biết đến; bị coi là đang giẫy chết, nhưng này chúng tôi vẫn sống; bị coi như bị gia hình, mà nào đã chết đâu; bị coi như phải ưu sầu, nhưng chúng tôi vẫn luôn an vui; bị coi là kẻ nghèo túng, nhưng chúng tôi lại làm cho nhiều người được giàu có; bị coi như không có gì, nhưng chúng tôi làm chủ tất cả. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

Xướng:

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Đáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. – Đáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 5, 38-42

“Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

17/06/2019THỨ HAI TUẦN 11 TN

Mt 5,38-42

MUỐN MỘT THÌ LẠI CHO HAI

“Nếu ai muốn kiện anh lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.” (Mt 5,39)

Suy niệm: Bộ luật cổ nhất của nhân loại là bộ luật của Hammurabi, vua cai trị Babylon khoảng gần 2.300 năm trước CN, qui định hễ ai gây thiệt hại hoặc thương tích cho người khác thế nào thì phải đền bù đúng y như vậy. Luật ấy được lặp lại nhiều lần như nguyên tắc cơ bản cho luật Cựu Ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (x. Xh 21,23-25; Lv 14,19-20; Đnl 19,21). Dù nó có cổ xưa thật, luật đó vẫn còn thể hiện ưu điểm của chế độ pháp trị là ngăn ngừa sự báo thù quá khích và tuỳ tiện. Chúa Giê-su dạy một nền đạo lý mới: Chẳng những Ngài loại bỏ hẳn sự báo thù theo kiểu “ăn miếng trả miếng” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” mà Ngài còn dạy phải vượt quá sự công bằng theo luật bằng cách sống tinh thần quảng đại bao dung, không giận dữ, không báo thù, “muốn một thì lại cho hai.”

Bạn ơi, cuộc sống vốn bon chen lại nhiều tính toán hơn thiệt mà Chúa lại dạy ta “muốn một cho hai” quả là quá khó đến độ hầu như không thể làm được! Vâng, điều đó là không thể được nếu theo lối sống, nếp nghĩ tự nhiên. Thế nhưng Chúa Giê-su đã minh chứng rằng trong thân phận con người, vẫn có thể cư xử trong tinh thần bao dung “ai muốn một thì Ngài cho hai”: Ngài đã bị lột cả áo ngoài lẫn áo trong và trên thập giá vẫn xin ơn tha thứ cho kẻ giết hại mình.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút suy ngắm Chúa chịu khổ nạn để bắt chước cách ứng xử của Ngài trước bất công bạo lực.

Cầu nguyện: Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại, cho đi không tính toán, biết chiến đấu mà không ngại hy sinh.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG SÁU

Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa

Chúng ta được mời gọi ký thác trọn vẹn cuộc sống mình cho Thiên Chúa Quan Phòng. Như lời tác giả thánh vịnh: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Thế nhưng, lúc này lúc khác, chúng ta xem ra không dám ký thác chính mình cho Thiên Chúa là Chúa Tể và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi các vấn đề. Chúng ta quên bẵng Đấng Tạo Thành. Cũng có thể chúng ta đang thực sự đắm chìm trong đau khổ và ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, Cha của chúng ta.

Kỳ thực, sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa vốn rất gần gũi chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ. Có rất nhiều ví dụ trong Thánh Kinh. Chẳng hạn, Gióp không ngần ngại kêu van với Chúa – dù đang ở giữa nỗi khổ đau. Gióp thể hiện niềm tin tưởng lạ lùng vào Thiên Chúa. Niềm tin tưởng này không hề vu vơ. Lời Chúa xác nhận rằng sự quan phòng của Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Ngài, đổ tràn trên Dân của Ngài trong những giờ phút quẫn bách nhất của họ, bởi vì họ là con cái của Ngài. Trong đớn đau chất ngất cả thân xác lẫn tâm hồn, Gióp thốt lên: “Ai sẽ cho tôi biết phải tới đâu để tìm Ngài, và làm sao đến được nơi Ngài ngự? Tôi sẽ tỏ bày vụ việc trước nhan Ngài, miệng tôi chất chứa lời biện bạch” (G 23,3-4). Chúng ta hôm nay cũng thế, hãy đến trước Cha với tất cả những nhu cầu của chúng ta!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 17/6

Cr 6, 1-10; Mt 5, 38-42.

LỜI SUY NIỆM: “Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi.”

        Lời Chúa Giêsu đang dạy mỗi người trong chúng ta về đức bác ái, đặc biệt đối với những người nghèo, những người đang túng thiếu mà họ đang mong chờ nơi mỗi người chúng ta giúp đỡ.

        Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn thực hiện lời Chúa dạy hôm nay đối với những người nghèo và những người thân cận của chúng con. Bởi vì: “Việc bố thí cho người nghèo là một chứng từ của đức mến Kitô giáo, đó cũng là việc thực thi đức công bằng làm đẹp lòng Thiên Chúa” (GL số 2463).

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

17 Tháng Sáu

Ðời Vẫn Có Ý Nghĩa

 Một tác giả người Thụy Ðiển đã tưởng tượng ra một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra giữa các dân cư sinh sống tại một khu rừng nọ. Ðề tài của cuộc tranh luận là: Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống?…

Kẻ kên tiếng phát biểu ý kiến đầu tiên không ai khác hơn là chú chim họa mi suốt ngày chỉ biết ca hát líu lo. Chú khẳng định rằng: “Ðời là một cuộc ca hát không ngừng”. Một chú chuột chũi phản pháo tức khắc.

Theo chú: “Ðời là một cuộc tranh đấu không ngừng để chống lại bóng tối”. Con bướm có đôi cánh sặc sỡ thốt lên: “Ðời là vui chơi và hạnh phúc”. Con ong đang miệt mài tìm mật bên mấy cánh hoa không tán thành ý kiến ấy chút nào. Nó bảo rằng: “Ðời là một cuộc lao động vất vả”. Con kiến cũng nhất trí với con ong để chỉ thấy rằng đời là lao động. Từ trên cao, một con phượng hoàng cũng góp ý kiến: “Ðời là tự do”. Ðó là ý kiến của động vật.

Các thảo mộc cũng không thiếu ý kiến để đóng góp. Cây thông cao sừng sững giữa rừng hoàn toàn tán thành ý kiến của con phượng hoàng: “Ðời là tự do”. Một cánh hoa dại giữa rừng thì lại hùa theo con ong và con kiến để khẳng định rằng đời chỉ là lao động vất vả. Cánh hoa hồng thì lại đồng quan điểm với con bướm để cho rằng đời là hạnh phúc và vui tươi.

Thế giới vô tri cũng lên tiếng phát biểu. Một đám mây đen ngao ngán thốt lên: “Ðời chỉ là đắng cay và nước mắt”. Một dòng sông hiền hòa trôi chảy cũng nhận định: “Ðời là một dòng nước chảy không ngừng”. 

Lời phát biểu cuối cùng nhưng cũng là ý kiến tổng kết của cuộc tranh luận là tiếng chuông từ một giáo đường bên cạnh khu rừng. Thật thế, tiếng chuông ấy ngân lên những lời như sau: “Tất cả những lời phát biểu của quí vị đều đúng cả. Ðời là hòa bình, đời là ca hát, đời là vui tươi, đời là tranh đấu, đời là bể khổ, đời là đắng cay, nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng người nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần”.

Tôi bởi đâu mà đến? Tôi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi đau khổ? Ðó là những câu hỏi lớn nhất mà một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.

Cám ơn Chúa vì đã cho chúng ta giải đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Ánh Sáng chiếu rọi trên bí ẩn của cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của con người. Công đồng Vatcican II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với chúng ta rằng huyền nhiệm của con người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu Nhiệm của Ngôi Hai Nhập Thể.

Chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng cách nhìn vào Ðức Giêsu Kitô. Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người. Nhưng chính khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống một ý nghĩa, một hướng đi.

Cuộc sống có ngọt bùi, đắng cay, chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh thơi… Tất cả đều mang lấy một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở thành khởi đầu của sự sống.

Nếu chúng ta đón nhận cuộc đời này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử thách, mất mát, đau khổ nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót của cuộc sống đều có thể nở hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích vĩnh hằng, những việc làm vô danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửu.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 11 TN1, Năm lẻ

Bài đọc: 2 Cor 6:1-10; Mt 5:38-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô

Làm môn đệ ai là mong muốn được trở nên giống người đó. Làm môn đệ của Đức Kitô là chúng ta phải cố gắng học hỏi cuộc đời của Ngài, và diễn tả cách sống động bằng chính cuộc đời của chúng ta, để những người khác cũng muốn trở thành môn đệ của Ngài. Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những lời dạy dỗ và cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu đừng để các ân huệ Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu, họ phải biết cách dùng nó cho việc phục vụ Tin Mừng như ông đã từng làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài không chỉ giữ Luật công bằng như người xưa; nhưng còn phải sống luật yêu thương, để chứng tỏ cho người ta biết các ông là môn đệ Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chịu đựng đau khổ cho Nước Chúa trị đến.

1.1/ Đừng để ân huệ của Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu:

(1) Các tín hữu phải biết sinh lời cho Chúa: Ân huệ Chúa ban cho con người không phải giữ lại để hưởng thụ, nhưng để cho việc phục vụ và loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô nhận thức rõ được điều này, nên ông khuyên các tín hữu: ”Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.”

(2) Noi gương Phaolô: Nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình, Phaolô tâm sự với các tín hữu, mục đích không phải để đánh bóng cá nhân, nhưng để các tín hữu bắt chước ông như ông đã bắt chước Đức Kitô: “Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa.” Trong khi phục vụ Tin Mừng, Phaolô đã phải chịu khó khăn đến từ mọi phía, Phaolô liệt kê những áp lực này như sau:

+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên trong: căng thẳng, sợ hãi, lo âu.

+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên ngoài: đòn vọt, tù đày, chống đối.

+ Phải hy sinh chịu đựng khi rao giảng: lao nhọc, mất ngủ, mất ăn.

Khi phải đương đầu với những áp lực khó khăn này, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng (u`pomonh/|). Chúa Giêsu cũng đã báo trước cho các môn đệ biết những khó khăn mà các ông phải đương đầu với; nhưng Ngài hứa với các ông: Đừng sợ! vì Thầy ở cùng anh em.

1.2/ Người rao giảng phải được trang bị đầy đủ để sẵn sàng đối phó với nghịch cảnh: Thánh Phaolô chắc đã quá quen với binh giáp của người chiến sĩ Rôma, nên khi mô tả hình ảnh nhà rao giảng, ông dựa trên những binh giáp này. Hai khí cụ chính người chiến sĩ cần có là khiên thuẫn để bảo vệ thân mình và gươm giáo để tấn công địch thù. Tương tự, nhà rao giảng cũng cần có 4 đức tính để bảo vệ mình và 4 vũ khí để giao chiến.

(1) Những đức tính và vũ khí người môn đệ phải có:

– 4 đức tính phải sở hữu để tự vệ như thuẫn đỡ khiên che: trong sạch để không bị lôi cuốn vào lối sống của thế gian, khôn khéo để biết cách đương đầu với con người và thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau, nhẫn nhục để chịu đựng mọi gian khổ và xỉ nhục, và có lòng nhân hậu để thông cảm và tha thứ.

– 4 vũ khí cần thiết để tấn công như gươm giáo:

+ một tinh thần thánh thiện để thánh hóa đời, chứ không để đời lôi cuốn.

+ một tình thương không giả dối: để yêu thương và cho đi cách vô vị lợi.

+ lời chân lý: thông hiểu và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.

+ sức mạnh của Thiên Chúa: người môn đệ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, chứ không cậy dựa vào sức mình. Nói như thánh Phaolô: “Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu.”

(2) Những thái độ tự tin người môn đệ phải có: Bên cạnh các vũ khí được trang bị, người chiến sĩ cần có một thái độ tự tin khi giao chiến. Nếu không có thái độ tự tin, người chiến sĩ sẽ dễ đầu hàng trước nghịch cảnh. Một cách tương tự, nhà rao giảng cũng phải có thái độ vững tin nơi Thiên Chúa và nơi mình. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thánh Phaolô liệt kê một số những thái độ tự tin nhà rao giảng cần có:

– bị coi là giả hiệu (impostor), nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành;

– bị coi là vô danh, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến;

– bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống;

– bị coi như trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết;

– bị coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ;

– bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có;

– bị coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.

2/ Phúc Âm: Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

2.1/ Đòi hỏi tối thiểu của Luật công bằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.” Đây là Luật Talionis xưa nhất trên thế giới, được tìm thấy trong Bộ Luật Hammurabi, khỏang 2250 BC. Luật này cũng được tìm thấy trong Cựu Ước ít là 3 lần (Exo 21:23-25, Lev 24:19-20, Deut 19:21). Mấy điều quan trọng về Luật này cần lưu ý: (1) Nó ngăn cấm việc gia tăng báo thù; (2) Nó được thi hành bởi quan án và ngăn cấm việc báo thù cá nhân; (3) Nó không được thi hành theo nghĩa đen, nhưng được tính bằng tiền bồi thường; và (4) nó không phải là tất cả Luật của Cựu Ước, vì vẫn còn những luật yêu thương và tha thứ (Lev 19:18, Pro 25:21, Lam 3:30).

2.2/ Sự hoàn thiện của Luật Yêu Thương: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa; nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài; nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” Chúa Giêsu không bảo chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta 3 nguyên tắc chính yếu của luân lý Kitô Giáo: (1) Người môn đệ không bao giờ được khinh bỉ hay tìm cách báo thù người đã gây thiệt hại cho họ; (2) Người môn đệ không bao giờ được đòi hỏi quyền mình phải được hưởng; (3) Người môn đệ không bao giờ được vịn vào quyền và tự do để làm những gì mình thích, nhưng phải luôn nghĩ tới bổn phận phải làm để giúp tha nhân và xây dựng Nước Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô; vì thế, chúng ta phải cố gắng học hỏi và minh họa đời sống của Đức Kitô trong chính bản thân mình cho người khác nhận ra và tin vào Ngài.

– Chúng ta không thể bằng lòng với việc giữ cẩn thận Thập Giới, vì đó chỉ là nhưng điều kiện tối thiểu; nhưng phải đáp ứng đòi hỏi của giới luật yêu thương để chinh phục con người về cho Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************