Ngày thứ hai (19-08-2024) – Trang suy niệm

18/08/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai tuần 20 Thường Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: Ed 24, 15-24

“Êdêkiel sẽ là điềm báo trước cho các ngươi, các ngươi cũng sẽ làm đúng như người đã làm”.

Bài trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, này bằng cái chết bất ngờ, Ta cất khỏi ngươi điều mắt ngươi ưa thích: ngươi chớ than vãn, kêu khóc và rơi lệ. Ngươi hãy âm thầm than van, đừng để tang người chết: hãy vấn khăn trên đầu, xỏ giày vào chân, chớ lấy áo che miệng, chớ dùng bữa nơi nhà hiếu”. Vậy ban sáng tôi đã nói cùng dân chúng, và chiều thì vợ tôi chết. Sáng hôm sau, tôi thi hành đúng như Chúa đã truyền dạy tôi. Và dân chúng hỏi tôi rằng: “Tại sao ông không giải thích cho chúng tôi biết ý nghĩa việc ông làm?” Tôi bảo họ: “Lời Chúa phán cùng tôi rằng: Hãy nói với nhà Israel: Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Đây Ta sẽ để đền thờ Ta ra ô uế, đền thờ đó là sự hãnh diện của vương quốc các ngươi, sự mắt các ngươi ưa thích, nơi lòng các ngươi kính sợ. Con trai con gái các ngươi để lại, sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm. Bấy giờ các ngươi sẽ hành động như tôi đã hành động: Các ngươi không lấy áo che miệng, không dùng bữa nơi nhà hiếu, cứ đội khăn trên đầu và mang giày dưới chân, sẽ không than vãn, không kêu khóc, nhưng sẽ hao mòn trong sự gian ác các ngươi, và ai nấy sẽ than thở với anh em mình. Êdêkiel sẽ nên điềm báo trước cho các ngươi: các ngươi cũng sẽ làm đúng như Êdêkiel đã làm, và khi mà sự việc xảy ra, các ngươi sẽ biết Ta là Thiên Chúa”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Đnl 32, 18-19. 20. 21

Đáp: Ngươi đã bỏ Chúa, Đấng đã sinh ra ngươi (c. 8a).

1) Ngươi đã bỏ Chúa, Đấng đã sinh ra ngươi; đã quên Chúa, Đấng tạo thành ngươi. Chúa đã thấy, và Người đã nổi cơn thịnh nộ: vì con trai, con gái Người đã trêu chọc Người.

2) Chúa phán: “Ta sẽ che giấu mặt Ta khỏi chúng, và nhìn xem tương lai chúng sẽ ra sao: vì là dòng giống ngỗ nghịch và là con bất hiếu.

3) “Chúng đã trêu chọc Ta bằng thứ chẳng phải là Chúa, đã lấy sự dối trá mà chọc giận Ta; Ta sẽ trêu chúng bằng thứ không phải là dân tộc, và sẽ dùng dân tộc dại dột làm cho chúng tức giận”.

ALLELUIA: Tv 118, 34

All. All. – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – All.

PHÚC ÂM: Mt 19, 16-22

“Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có một người đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?” Người bảo kẻ ấy rằng: “Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Đấng nhân lành là Thiên Chúa. Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, ngươi hãy tuân giữ các giới răn”. Người ấy hỏi rằng: “Những giới răn nào?” Chúa Giêsu đáp: “Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ, và yêu thương kẻ khác như chính mình”. Người thanh niên thưa lại rằng: “Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ khi còn niên thiếu, vậy tôi còn thiếu sót gì nữa chăng? Chúa Giêsu bảo anh: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”. Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

19/08/2024 – THỨ HAI TUẦN 20 TN

Th. Gio-an Ơ-đê, linh mục

Mt 19,16-22

ĐỪNG ‘BẮT CÁ HAI TAY’!

“Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn sầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.  (Mt 19,21-22)

Suy niệm: Người thanh niên này là một người đạo đức, lại giàu có. Anh đã có nhiều thứ và giờ đây anh còn muốn có thêm một thứ nữa: sự sống đời đời. Có vẻ như anh đang tìm kiếm điều quí nhất giúp anh đạt tới tuyệt đỉnh của sự hoàn thiện. Thế nhưng khi Chúa đề nghị anh bán tài sản để cho người nghèo, thì anh buồn sầu và bỏ đi. Hoá ra anh đang ‘bắt cá hai tay’: Anh muốn được hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau nhưng anh lại không muốn mất gì cả. Anh đã coi sự hoàn thiện như một món đồ vật phải chiếm hữu chứ không phải là sự cảm thông chia sẻ với anh chị em và cuộc sống thân mật ở bên Chúa. Thế là “tiền” đã thắng “tình”. Lòng ham mê của cải đã thắng tình yêu dành cho Chúa và tha nhân!!! Đáng tiếc thay!!!

Mời Bạn: Muốn theo Chúa Giê-su phải chấp nhận mất để được, chết để sống. Bạn không thể vừa theo Chúa Giê-su vừa say mê tiền của được. Tiếng gọi Chúa Giê-su vẫn vang vọng bên tai bạn. Để theo Ngài bạn cần bán những thứ gì? Phải chăng là của cải, danh vọng, tiện nghi vật chất…? Đừng để của cải níu chân mình bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Hãy chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình. Tập sống siêu thoát, giản dị, sẵn sàng chia sẻ cho những ai cần đến bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin tha thứ cho con, vì biết bao lần con đã ích kỷ, thiếu bác ái quảng đại. Xin đổ tràn tình yêu Chúa vào lòng con để con đủ can đảm bán tất cả những gì mình có để mua được viên ngọc quí là Nước Trời.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay gồm sáu câu đối thoại qua lại
giữa Đức Giêsu với một anh thanh niên giàu có.
Hẳn anh ấy là một người có thiện chí, khi anh đến gặp Đức Giêsu
để hỏi về chuyện phải làm điều tốt nào để có sự sống đời đời (c. 16).
Như thế sự sống đời đời là điều anh quan tâm,
và anh thực sự muốn biết cách hành động để đạt đến sự sống ấy.
Thầy Giêsu đã cho anh một câu trả lời đơn giản: hãy giữ các điều răn.
Thầy đã kể cho anh sáu điều răn (cc. 18-19),
bốn điều cấm làm và hai điều phải làm, tất cả đều liên quan đến tha nhân.
Anh cho biết mình đã sống mọi điều răn đó.
Dù vậy, anh vẫn mang trong mình một thao thức.
Chính thao thức ấy đã đưa anh đến với Thầy Giêsu để hỏi:
“Tôi còn thiếu điều gì ?” (c. 20).

Anh chờ mong một câu trả lời từ vị Thầy mà anh quý mến.
Anh muốn làm một cái gì đó, muốn biết điều mình còn thiếu.
Câu trả lời của Thầy làm anh chưng hửng.
“Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi, bán tài sản của anh,
cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, và đến, theo tôi.”
Như thế khi anh xin có sự sống đời đời, xin được kho tàng trên trời,
thì Thầy Giêsu đòi anh bán kho tàng dưới đất anh đang có.
Bán xong, hãy tặng cho người nghèo để chẳng mong lấy lại.
Thầy mời anh trở nên tay trắng, rồi đến và theo Thầy.

Nhưng Thầy Giêsu không đòi mọi người phải làm y như anh thanh niên,
bán hết tài sản và cho người nghèo.
Ngài cũng không đòi mọi người phải bỏ vợ con để theo Ngài y như Phêrô.
Tuy nhiên, Ngài muốn mọi người nên hoàn thiện và có sự sống đời đời.
Ngài kêu gọi mọi người làm môn đệ, theo Ngài trong hoàn cảnh của mình.
Như thế ai cũng có cái phải bỏ, phải bán, phải cho không…
Ai cũng có thể hỏi Ngài như anh thanh niên: Tôi còn thiếu điều gì nữa?

Anh thanh niên giàu có đã phấn khởi đến với Thầy Giêsu (c. 22).
bây giờ anh lại buồn rầu bỏ đi.
Anh buồn vì không muốn mất một chỗ dựa vững chắc là của cải.
Thực ra anh buồn vì không đủ tự do để đáp lại một tiếng gọi đẹp quá.
Anh muốn sự sống đời đời, nhưng không dám chọn con đường tốt nhất.
Anh muốn làm môn đệ Thầy Giêsu, nhưng tình yêu của cải lại mạnh hơn.
Nếu anh chịu tự giải phóng mình khỏi trói buộc của vật chất,
khi trở lại gặp Thầy, anh sẽ thấy mình nhẹ hơn và giàu có hơn nhiều.

Nếu hôm nay, Thầy Giêsu gặp tôi, Thầy sẽ bảo tôi còn thiếu điều gì.
Điều gì đang ràng buộc tôi khiến tôi muốn quay lưng bỏ đi ?
Xin cho tôi dám chọn Giêsu, dám mất những điều quý giá vì Giêsu,
vì có Giêsu là có tất cả.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
Chọn những cầu thủ bóng đá,
Những tài tử điện ảnh
Làm thần tượng cho đời mình.

Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
Và chúng con thật sự đắn đo
Trước khi chọn Chúa.

Bởi chúng con biết rằng
Chọn Chúa là lội ngược dòng,
Theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
Con đường nghèo khó và khiêm nhu,
Con đường từ bỏ và phục vụ.

Hôm nay, chúng con chọn Chúa
Không phải vì Chúa giàu có,
Tài năng hay nổi tiếng,
Nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
Nhiều lần trong ngày,
Qua những chọn lựa nhỏ bé,
Để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
Và để chúng con
Thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

19 THÁNG TÁM

Tiến Tới Một Thế Giới Có Tính Người Hơn

Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh rất rõ ràng ý nghĩa đạo đức của sự phát triển và tiến bộ của con người trong thế giới này. Công Đồng cho thấy lý tưởng đạo đức của một thế giới có tính người hơn gắn chặt với giáo huấn của Tin Mừng như thế nào.

Trong khi phân biệt rõ ràng giữa sự phát triển của thế giới và lịch sử cứu độ, các Nghị Phụ Công Đồng khảo sát mối tương quan giữa hai lãnh vực ấy: “Tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự bành trướng Vương Quyền của Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn. Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: “Vương Quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và diễm phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an”. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” (MV 39).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 19/8

Thánh Gioan Êuđê, linh mục

Ed 24, 15-24; Mt 19, 16-22.

Lời Suy Niệm: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19,16)

          Đây không phải là ước muốn của người thanh niên trong Tin Mừng, nhưng cũng là ước muốn của mỗi người trong chúng ta, chính nhờ anh ta đặt vấn đề này với Chúa Giêsu, mà chúng ta được biết: để được hưởng sự sống đời đời là mỗi người chúng ta phải thực thi đức bác ái đối với tha nhân với chính của cải của mình.

          Lạy Chúa Giêsu, Giáo Hội đang dành mọi ưu tiên cho người nghèo. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết hy sinh những gì mình đang có để cộng tác vào công việc phục vụ người nghèo. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 19-08: Thánh GIOAN EUDÊ

Linh Mục (1601 – 1680)

Thánh Gioan Euđê là một trong số những người chấn hưng tôn giáo tại Pháp thời vua Luy XVI. Isaac Euđê, cha Ngài là nhà nông kiêm nghề giải phẫu tại thành Ri gần Argentan, đã có ý định trở thành linh mục, nhưng rồi lại bỏ ý định để lập gia đình. Mẹ Ngài là bà Mattha Corbin tưởng sẽ phải son sẻ. Nhưng rồi sau nhờ cầu nguyện, họ sinh được Gioan với bốn em gái và hai em trai nữa.

Gioan có tính nóng nảy, nhưng hiến mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Ngài quyết sửa mình bằng cách ngày càng mến Mẹ hơn. Hồi 9 tuổi, có lần Ngài bị một thằng bạn vả mặt, nhớ lời Chúa Ngài đưa má kia ra: còn má này nữa, nếu muốn anh cứ vả tiếp đi. Thằng bạn ngượng ngùng và sau này đã kể lại sự kiện đó với niềm thán phục sâu xa.

15 tuổi Gioan theo học các cha dòng Tên tại Caen. Từ trong huyết quản Gioan đoan hứa dâng mình cho mẹ Thiên Chúa. Nhưng khi trở về nhà, cha mẹ nói với Ngài về việc hôn nhân. Ngài bày tỏ ước vọng với cha mẹ và phải khó khăn lắm mới được cha mẹ ưng thuận. Ngài nhập dòng giảng thuyết và năm 1625 thụ phong linh mục.

Sau ngày thụ phong, Gioan phục vụ giáo xứ ở Aubervilliers. Hai năm sau, một cơn dịch xảy tới tàn phá giáo phận Sees. Các bệnh nhân bị những người khác bỏ mặc và trốn chạy. Gioan chỉ muốn bay tới để giúp đỡ họ. Trong suốt hai tháng trời, Ngài hết mình phục vụ. Khi cơn dịch hạ giảm, Ngài thực hiện sứ vụ tại Caen. Nhưng cơn dịch chưa dứt mà chỉ dời chỗ. Lần này cơn dịch tràn tới Caen. Gioan lại tận tâm quên mình phục vụ. Không có gì làm cho Ngài sợ hãi cả. Nhưng dân chúng lại sợ Ngài truyền bệnh. Bởi đó Ngài bị giam mình trong một cái thùng để ở ngoài đồng ruộng, khiến lúc đó cánh đồng được gọi là “cánh đồng của thánh nhân”. Các nữ tu thương hại Ngài ngày ngày mang của ăn đến cho Ngài. Ngài trở về dòng hiến mình phục vụ hai tu sĩ và bề trên sắp chết vì bệnh dịch. Cuối cùng, cơn dịch tan biến, nhưng Gioan lên cơn sốt, dân chúng khẩn cầu tha thiết cho Ngài được chữa lành và niềm vui thật lớn lao khi người “Samaritanô nhân hậu” tái xuất hiện.

Bây giờ bắt đầu công trình rao giảng và truyền giáo của Ngài. Ngài chống lại lạc thuyết Calvinô, những kinh hoàng của cuộc nội chiến, sự dốt nát của hàng giáo sĩ, những tật xấu của các tín hữu. Chúng ta có thể đo lường hoạt động của một vị thánh như thế nào: 15 ngàn người chen lấn nghe thánh nhân giảng, các tội nhân sám hối và để được xưng tội, họ phải chờ 4 hay 5 ngày mới đến lượt. Trong khi để tiết kiệm thì giờ của họ. Ngài chỉ dùng vài miếng bánh để dưỡng sức. Các thói tục ngoại giáo biến dạng. Ở Autun, cuộc rước Trinh nữ thay thế cho những gương mù ngày Mi-Careme (thứ 5 tuần III mùa chay). Ở Meaux dân chúng mang các sách đồi trụy đến công trường để đốt bỏ.

Cha Gioan Euđê đã giảng thuyết khắp vùng Normandie Bretagne, tới tận Saint Etienne. Tại Paris, cha sở thánh thiện của Saint – Sulpice, M.Olier, đã tổ chức cho Ngài 5 kỳ giảng thuyết. Ngài danh tiếng đến nỗi có 10 giám mục hiện diện. Ở Saint Germain-Laye, vua và hoàng hậu đến ngồi vào ghế thính giả. Cha Gioan Euđê thuyết giảng lần cuối cùng tại Sain-Lô.

Suốt 40 năm, cha Gioan đi rao giảng đó đây. Nhưng việc rao giảng chỉ là một phần hoạt động của Ngài. Nhận thấy hàng giáo sĩ không được đào tạo đầy đủ, Ngài từ giã dòng giảng thuyết năm 1643, để lập hội dòng Chúa Giêsu và Đức Maria lo việc tổ chức các chủng viện. Theo lời đề nghị của Đức Hồng Y Richelieu, Ngài lập đại chủng viện ở Caen rồi sau này ở Lisieux, Rouen, Eureux và Renner. Đàng khác Ngài rất thương cảm các thiếu nữ bất hạnh hoàn lương, năm 641 Ngài đã lập dòng Chúa chiên lành để săn sóc họ.

Giữa bao nhiêu công chuyện, ước mơ lớn nhất của thánh Gioan Eusê là phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm, Ngài là người khởi xướng, viết sách và các thánh thi ca tụng Thánh Tâm. Đây là nỗ lực chống lại chủ trương sai lầm của thuyết Giansêniô.

Ngày 19 tháng năm 1680, thánh Gioan Euđê từ trần, Ngài được phong chân phước năm 1925 được tôn phong hiển thánh.

*******************
Ngày 19-08: Thánh RÔMUALĐÔ

Tu Viện Trưởng (956 – 1027)

Thánh Rômualdô sinh tại Ravenna năm 956, trong một gia đình danh giá nước Ý. Bá tước Sergiô, cha Ngài đã phụng dưỡng Ngài trong một nếp sống xa hoa. Rômualdô đã chỉ tìm vui chơi mà không nghĩ gì tới bổn phận phải nên thánh. Dầu vậy đôi lần đi săn thú, Ngài thấy mình đơn độc giữa rừng vắng và phải suy nghĩ… Ngài đặt mình vào một ngày nào đó phải chết và bỗng thấy lo âu. Ngài cũng thấy rằng các ẩn sĩ chọn đời sống cô tịch, hãm mình để hiến thân phụng sự Chúa thật là đúng đắn. Những giấc mơ như vậy thanh luyện hồn Ngài và cảm kích bởi ơn thánh Ngài tự hứa với mình là sẽ cải thiện đời sống nhưng rồi trở lại với những thú vui ngày thường Ngài lại lùi bước trước nỗ lực và lao mình theo các thị hiếu.

Một biến cố đau thương đã thành phương tiện Thiên Chúa dùng để gỡ Rômualđô khỏi những ràng buộc với thế gian. Sergiô cha Ngài gây lộn với một người bà con về việc sở hữu một cánh đồng đã thách đấu kiếm, ông còn bắt con mình dự vào cuộc đấu. Sergiô giết chết đối thủ, coi mình là đồng lõa với tội phạm này và thấy phải đền trả. Rômuadô đã vào tu viện để thống hối suốt 40 ngày. Bị đánh động bởi thực tế trái ngược hẳn với lối sống phân tán của thế gian, Ngài chỉ còn nghĩ tới việc bắt chước những khắc khổ mà Ngài được chứng kiến.

Bá tước Sergiô cảm kích vì mẫu gương của con mình đã vào dòng. Khi bị cám dỗ trở về đường xưa, ông lại dẫn con mình kịp thời can thiệp và tiếp tục trung thành với đời sống đền bồi cầu nguyện.

Sau 7 năm sống trong dòng, Rômuado dấn mình vào sa mạc, sống gần vị ẩn sĩ già là Marinô. Đây là bậc thầy nghiêm ngặt mà Ngài đã chọn, Marinô thường lấy roi đánh trên đầu môn đệ của mình để xua đuổi sự chia trí lo ra hay để phạt một lầm lỗi khi đọc thánh vịnh, hay hơn nữa để giúp họ quen chịu khổ. Ông lại hay đánh có một phía. Rômuado không hề phàn nàn kêu trách.

Một ngày kia Ngài nói với thầy: – Thưa thày, từ nay xin thầy đánh về phía mặt vì tai trái con hầu như điếc rồi.

Rômuado thầm cảm phục và kính trọng môn đệ mình.

Rômuado nuôi chí hứơng canh tân dòng Bênêdictô đang thời sa sút, Ngài thiết lập một tu viện. Ngài làm cho các môn đệ nhiệt tình nên hoàn hảo trong việc hãm mình, khi phải chống lại sự dữ và phạt tội lỗi, thánh nhân đã tỏ ra cương nghị, chẳng hạn khi vua Othen III đến tu viện để đền bù tội lường gạt và sát hại một thủ lãnh loạn luân, ông được truyền dạy phải đi chân không tới nhà thờ thánh Micae và suốt mùa chay, phải ở trong đồng mà ăn chay, ngủ trên rơm cỏ.

Rômuado chống gậy rảo khắp nước Ý sang cả Pháp và Đức. Ngài xây nhiều nhà thờ, thiết lập nhiều tu viện, và các trung tâm ẩn tu trong sa mạc. Ngày kia, Ngài tìm được một nơi thanh vắng trong dãy Apennins. Ngài mơ thấy một cái thang bắc lên trời, có các tu sĩ lên xuống. Vị lãnh chúa miền này cho Ngài cánh đồng Malđôli. Thánh nhân lập dòng Camaldules sống đời liên lỉ.

Vào tuổi 120, thánh Rômuado từ trần, ngày 19 tháng 6 năm 1076.

Sau 439 năm xác Ngài còn nguyên vẹn và được đặt trong nhà thờ của dòng ở Fabrianô.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

19 Tháng Tám

Hãy Nhìn Lên Cao

Dạo cuối tháng 4/1990, ở cao độ 620 cây số trên biển Thái Bình Dương, cánh tay dài 12 thước của người máy từ phi thuyền con thoi Discover đã đưa ống thiên văn Hubble rời xa phi thuyền để đi vào quỹ đạo không gian, bắt đầu một cuộc hành trình quan sát vũ trụ được dự trù kéo dài trong suốt 15 năm, mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong ngành thiên văn học.

Do nhu cầu tìm hiểu vũ trụ, kính thiên văn đã được ra đời cách đây khoảng 380 năm. Nhờ kính thiên văn, các nhà thiên văn học mới có thể quan sát một cách chi tiết những thiên thể ở gần trái đất và từ đó đưa ra những định lý căn bản cho ngành thiên văn học. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là những máy điện toán, những kính thiên văn ngày càng được cải tiến về kỹ thuật cũng như kích thước để gia tăng khả năng quan sát. Hai kính thiên văn có đường kính lớn nhất hiện nay được đặt trên đỉnh núi Palomar và Caucasus. Nhưng dù được cải tiến cách mấy đi nữa, khoảng cách quan sát và mức độ phân giải của kính thiên văn đặt trên mặt đất vẫn còn bị giới hạn, vì ánh sáng từ các thiên thể trước khi đến mặt đất đã bị ngăn cản và tản xạ nhiều bởi lớp khí quyển bao quanh trái đất.

Ý tưởng về kính thiên văn đặt ngoài không gian đã được đề cập đến năm 1923, nhưng mãi đến năm 1981, ý tưởng này mới được thực hiện với một kinh phí khổng lồ là 1 tỷ rưỡi Mỹ kim. Kính thiên văn đặt ngoài không gian trái đất này mang tên khoa học gia Hoa Kỳ Edwin Hubble, một trong những tài năng lỗi lạc nhất trong ngành thiên văn học.

Sự ra đời của kính thiên văn Hubble có thể so sánh với sự ra đời của kính thiên văn đầu tiên của Galilêô vào năm 1609: đây là bước tiến quan trọng trong ngành thiên văn học, nó giúp con người tiến đến gần chân lý hơn trên con đường tìm hiểu vũ trụ.

Càng lên cao, con người mới nhìn xa thấy rộng. Càng ra khỏi mặt đất, càng lên cao trên không gian, nhãn giới của chúng ta càng mở rộng. Cũng giống như ống kính thiên văn Hubble, người Kitô hữu cũng được trang bị bằng cái nhìn từ trên cao. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta nhìn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta biết được đâu là nguồn gốc và cùng đích của chúng ta. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta có thể nhìn thấy dấu vết của một tình yêu luôn hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại và của từng người.

Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc tử nạn của Ngài, Phêrô kéo Ngài lại và can gián Ngài. Chúa Giêsu đã quở trách ông: “Hãy lui ra đằng sau ta hỡi Satan. Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, bởi vì cái nhìn của ngươi không phải là cái nhìn của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Lắm lúc chúng ta cũng khước từ cái nhìn trên cao của Thiên Chúa để chỉ nhìn vào cái biến cố bằng cái nhìn trần tục của chúng ta. Với cái nhìn trần tục, chúng ta chỉ thấy màu đen của thất bại, chết chóc, thất vọng, buồn thảm. Nhưng với cái nhìn của Chúa, sự yếu đuối sẽ trở thành sức mạnh, mất mát sẽ trở thành lợi lộc, khờ dại sẽ trở thành khôn ngoan. Trong cái nhìn của Chúa, chúng ta sẽ chỉ thấy ánh sáng, hy vọng, tin tưởng, lạc quan.

Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Hãy yêu thích những sự trên trời”. Hãy mặc lấy cái nhìn từ trên cao. Hãy luôn sống và hành động bằng những tâm tình của chính Chúa Giêsu.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 20 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Eze 24:15-24; Mt 19:16-22

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Điều kiện để trở nên hòan thiện.

Để hiểu các bài đọc hôm nay và trong hết tuần này, một nguyên tắc căn bản và quan trọng về thứ tự ưu tiên của cuộc đời cần đưa ra để hướng dẫn mọi hành động của con người: 1/ Kính mến Chúa trên hết mọi sự. 2/ Yêu tha nhân như yêu chính mình. 3/ Quí mến các của cải vật chất. Nguyên tắc căn bản này không khó chấp nhận cho những Kitô hữu vì đó là điều căn bản của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Theo nguyên tắc này, khi có sự xung đột giữa các hành động, con người phải chọn đúng theo thứ tự ưu tiên của nó: Thiên Chúa trên hết, thứ đến con người, sau cùng là vật chất. Chúng ta sẽ nhận ra hầu như tất cả các tội lỗi là vì chọn đảo ngược các thứ tự này.

Nắm vững nguyên tắc căn bản này, chúng ta đi vào các Bài đọc để tìm hiểu xem ai đã chọn đúng và ai đã chọn sai trong các Bài đọc này. Trong bài đọc I, tiên tri Ezekiel đã chọn làm theo lời Đức Chúa dạy, ông đã không biểu lộ lòng thương tiếc người vợ yêu quí ra bên ngoài như than khóc; nhưng chỉ âm thầm mà thôi. Con cái Israel đã chọn sai, vì họ chọn để thương tiếc Đền Thờ thay vì yêu thương Đấng ngự trong đó. Trong Phúc Âm, khi một người chạy đến hỏi Chúa Giêsu bí quyết làm sao để nên trọn lành, Ngài nói anh về bán hết gia tài và phân phát cho người nghèo, thì sẽ được một kho tàng trên trời, rồi đến theo Chúa. Anh buồn rầu bỏ đi, vì anh chọn của cải hơn là Thiên Chúa và tha nhân.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự ra đi của vợ Êzêkiel được so sánh với sự phá hủy của Đền thờ Jêrusalem.

Tiên tri Êzêkiel đã chọn đúng để sống và làm theo Lời Chúa dạy: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Hỡi con người, này Ta sẽ bất thần cất khỏi ngươi niềm vui của mắt ngươi. Nhưng ngươi không được thương tiếc người chết, không được khóc lóc, không được để nước mắt trào ra.

Hãy rên rỉ âm thầm, đừng làm đám tang cho người chết; hãy đội khăn, đi dép; không được che râu ria; không được ăn bánh người ta đưa đến. Tôi nói với dân chúng ban sáng, thì đến chiều vợ tôi chết. Sáng hôm sau, tôi làm như lệnh Đức Chúa đã truyền cho tôi.”

Còn gì quí hơn người vợ thân yêu của mình, thế mà Chúa truyền cho tiên tri không đựơc thương tiếc, không được làm đám tang cho vợ, không được làm các phong tục như người ta vẫn làm cho người chết, ngay cả không được chảy nước mắt mà chỉ được thương tiếc trong lòng! Tiên tri đã chọn làm vui lòng Chúa hơn làm vừa lòng người đời.

Mục đích của những hành động kỳ lạ này là để dạy cho Israel một bài học. Khi dân chúng bảo ông: “Ông không cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu những gì ông đã làm sao?” Ông nói với họ: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Hãy nói với nhà Israel: Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Này Ta sẽ làm cho Nơi Thánh của Ta ra ô uế; nơi thánh đó là sức mạnh làm cho các ngươi hãnh diện, là niềm vui của đôi mắt các ngươi, là nơi các ngươi hằng quan tâm. Con trai con gái các ngươi đã bỏ lại sẽ ngã gục vì gươm. Các ngươi cứ làm như tôi đã làm. Các ngươi đừng che râu ria, đừng ăn bánh người ta đưa đến. Đầu đội khăn, chân đi dép; các ngươi sẽ không được thương tiếc người chết, không được khóc lóc. Các ngươi sẽ chết dần chết mòn vì lỗi lầm của các ngươi; các ngươi sẽ nhìn nhau mà rên siết. Êzêkiel sẽ nên điềm báo cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm y như nó đã làm. Khi sự việc xảy ra, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.”

Nhà Israel đã chọn sai và hậu quả là họ bị Thiên Chúa phạt. Thay vì chọn (1) kính mến Thiên Chúa và (2) yêu thương tha nhân như chính mình, họ đã chọn (3) quí mến Đền Thờ. Họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa để chạy theo thờ lạy các thần ngọai bang. Họ đã dùng quyền để chiếm đoạt ruộng đất và nhà cửa của dân nghèo, giết các tiên tri của Chúa và đổ máu người vô tội. Lơ là hai điều quan trọng hơn để bám lấy Đền Thờ, có ích lợi gì đâu? Chúa chọn để dạy cho họ một bài học bằng cách cho phá hủy Đền Thờ.

2/ Phúc Âm: Bán mọi sự để đổi lấy Nước Trời.

“Gọi Thiên Chúa tốt lành” hay “hỏi về điều tốt?” Trong khi Marcô và Luca tường thuật: Tại sao anh gọi ta tốt lành? (Mk 10:18, Lk 18:19) Matthêu tường thuật: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” Cả hai cách hỏi đều có thể xảy ra nhưng Matthêu muốn nhấn mạnh đến hành động nhiều hơn là tri thức.

Chúa cố ý chỉ đá động đến “vế hai”của Thập Giới, những điều liên quan tới con người, mà không đề cập đến “vế đầu,” những gì liên quan tới Thiên Chúa. Lý do Chúa muốn chú trọng đến cách cư xử giữ người với người trước khi giữa người với Thiên Chúa. Ngài cũng đảo lộn giới răn thứ 4 xuống sau cùng. Phúc Âm tường thuật: Người ấy hỏi: “Điều răn nào?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.”

Điều kiện để trở nên hoàn thiện: Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” Đức Giêsu đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Nếu trong cách đối xử với con người còn chưa được hoàn thiện, hy vọng gì được hoàn thiện trong cách đối xử với Thiên Chúa? Chúa bảo anh hãy đi bán tài sản để đem cho người nghèo có nghĩa Ngài bảo anh hãy chọn yêu tha nhân hơn là yêu của cải vật chất. Nhưng anh buồn rầu bỏ đi vì anh muốn chọn của cải hơn yêu thương tha nhân! Nếu vật chất anh đã không bỏ thì khi Chúa đòi hy sinh bản thân để vác thánh giá, làm sao anh có thể làm được?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Điều kiện để trở nên hoàn thiện là lựa chọn và sống đúng theo nguyên tắc căn bản này.

– Rất nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta đã chọn để đảo ngược thứ tự của nguyên tắc này; đã vậy lại còn tìm cách để biện minh cho sự lựa chọn của mình.

– Nếu không dám hy sinh cho tha nhân là những người sống gần gũi, làm sao chúng ta có thể hy sinh chọn Thiên Chúa, Đấng vô hình? 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************