Ngày thứ hai (23-01-2023) – Trang suy niệm

22/01/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần III Mùa Thường Niên Năm lẻ

Mùng 2 Tết

BÀI ĐỌC I: Dt 9, 15. 24-28

“Người chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt tội lỗi,

Người sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu độ những ai trông đợi Người”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc các tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ. Đức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra, chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần: nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Đức Kitô cũng tế hiến một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.   

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6.

Đáp: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Đáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. – Đáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.

4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là vua. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 3, 22-30

“Satan phải diệt vong”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”.   Đó là lời Chúa.

*************************

MỒNG HAI TẾT
Ngày cầu cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ
 

BÀI ĐỌC I: Hc 44, 1. 10-15

“Miêu duệ họ tồn tại đến muôn đời”.

Trích sách Huấn Ca.

Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời ngợi khen họ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9. 10-11

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1b).

1) HÄng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.

2) Thế hệ này rao giảng cho thế hệ kia hay công việc Chúa, và thiên hạ loan tin quyền năng của Ngài. Người ta nói đến vinh quang cao cả oai nghiêm, và phổ biến những điều diệu kỳ của Chúa.

3) Người ta nói tới quyền năng trong những việc đáng sợ, và kể ra sự vĩ đại của Ngài. Người ta lớn tiếng khen ngợi lòng nhân hậu bao la, và hân hoan vì đức công minh của Chúa.

4) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

5) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

BÀI ĐỌC II: Ep 6, 1-4. 18. 23

“Hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng “để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu”. Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ khá làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa. Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA VÀ CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM
Ep 1, 3

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trong Đức Kitô. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 1, 67-75

“Để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, ông Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

23/01/2023 – THỨ HAI TUẦN 3 TN

Mồng Hai Tết Quý Mão. Kinh nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ

Mt 15,1-6

HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ

“Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ.” (Mt 15,4)

Suy niệm: “Mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương mẹ kể tháng kể ngày.”  Đây không phải là tiếng thở dài của một người mẹ hay lời cay đắng của bà trút lên con. Đây là một tường trình về tình yêu cằn cỗi, nghèo nàn của những người con cái đối với ông bà, cha mẹ mình. Thời nay, sự cằn cỗi ấy dường như còn gia tăng. Đôi khi thông tin trên báo chí cho biết có những cụ già tám chín mươi tuổi, hằng ngày phải lao động kiếm sống. Được hỏi thì các cụ nói không muốn gánh nặng cho con cái. Nhưng phải chăng trong thực tế, với nhiều lý do, có những người con tự miễn cho mình bổn phận đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Giáo Hội dành ngày Mồng Hai Tết cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ để thực hành mệnh lệnh của Chúa: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Mẫu gương Chúa Giê-su đối với cha mẹ luôn cần được Ki-tô hữu khám phá để sống theo.

Mời Bạn: Trong những ngày Tết này, bạn có những chương trình cho từng ngày. Trong số đó, có thời gian nào bạn sẽ dành cho ông bà, cha mẹ không? Bên cha mẹ, ông bà, bạn lắng nghe, ân cần vấn an, chuyện trò như là người con hay như người ban phát, thi ân?

Chia sẻ: Người ta đối xử với cha mẹ và người thân thế nào, họ sẽ đối xử với bạn như vậy. Bạn nghĩ gì về nhận định đó?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn  bày tỏ lòng hiếu thảo của bạn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ bằng hành động cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho mẫu gương sống của Con Cha trở thành sống động trong lối sống của con đối với Cha và đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của con. Xin Cha ban ơn phúc cho các ngài, nhất là trong những ngày của tuổi già.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Giáo Hội dành Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Người Công Giáo thường bị coi là bỏ rơi việc thờ cúng ông bà tổ tiên,
như thế họ có thể bị coi là bất hiếu.
Thật ra thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn Thiên Chúa đòi chúng ta phải giữ.
Cha Đắc Lộ trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày (1651) cho rằng
thảo kính cha mẹ gồm bốn phần, đó là yêu mến, kính sợ, chịu lụy và giúp đỡ.
Cha còn ghi nhận một tập tục đặc biệt vào thời đó.
Ngày Mồng Một Tết, người dân và cả những quan lớn,
sau khi theo vua chúa đi tế Nam Giao về,
“ai nấy về nhà mà lạy cha mẹ ông bà ông vải.”
Vào năm 1625, các thừa sai cho phép cúng giỗ các vị đã khuất.
Trong các gia đình, ngoài bàn thờ kính Chúa, còn có “bàn thờ” tổ tiên
Chỉ có hai điều không được phép,
đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng.

Thật ra, người Công Giáo nhớ đến người quá cố
không qua những nghi lễ giỗ chạp hàng năm,
cho bằng qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.
Nhà Vua tế Trời ở đàn Nam Giao, nhà sư thờ Phật tại Chùa,
các bậc chức sắc trong làng xã thờ Thành Hoàng tại đình làng,
còn việc cầu nguyện, cúng giỗ tổ tiên được cử hành tại gia đình,
nơi người sống và người đã qua đời vẫn thông hiệp với nhau chặt chẽ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ.
Ngài đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư của Thiên Chúa.
Thảo kính cha mẹ hàm chứa việc săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ.
Cụ thể người con phải giúp cha mẹ về mặt tài chánh.
Đức Giêsu phản đối một truyền thống được bày đặt bởi người Pharisêu,
đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ
mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm
thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa (cc. 5-6).
Đối với Đức Giêsu, làm thế là nhân danh một truyền thống con người
mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa”và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa” (cc. 3.6).

Khi suy nghĩ về tương quan giữa cha mẹ và con cái,
chúng ta cần tự hỏi:
Làm sao để có sự cảm thông giữa những thế hệ?
Làm sao để con cái biết vâng phục và tôn kính cha mẹ?
Làm sao để cha mẹ biết giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy? 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn
và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG GIÊNG

Sống Để Làm Việc – Hay Làm Việc Để Sống?

Con người được mời gọi trân trọng phẩm giá của mình trong công việc mình làm.

Đáng tiếc, rất nhiều hiện trạng lao động dường như đang phản nghịch lại mục tiêu quan trọng ấy. Tình trạng làm việc quá nặng, quá căng thẳng, quá chú trọng đến tính ganh đua hay sức sản xuất của người công nhân, và rất nhiều những khía cạnh cơ giới hóa khác … đều đang nhất tề ‘thọc gậy bánh xe’! Nhiều khi chúng đi đến mức biến công việc thành chủ của con người chứ không phải con người làm chủ công việc.

Nhiều người bắt đầu cảm thấy rằng dường như mình sống để làm việc chứ không phải là làm việc để sống.

Có người đã đặt câu hỏi với tôi: Phải đối phó thế nào với tình hình như vậy? Rõ ràng vấn đề có liên hệ đến người lao động, đến gia đình của họ và điều kiện làm việc của họ. Tôi tin rằng – một cách căn bản – tôi có thể chỉ ra câu trả lời cho vấn đề. Đó chính là một tuyên bố rất hàm súc của Công Đồng Vatican II: “Điều quan trọng hệ tại ở chỗ con người là gì chứ không phải ở chỗ con người có gì” (MV 35). Một châm ngôn đệ nhất!

Người ta phải không ngừng tự tra xét mình để hiểu sự thực mình là ai. Mỗi người phải lặn sâu xuống đáy lòng mình để khám phá sự thực về hướng đích của mình trong lao động. Phải nhận ra những giới hạn của mình và cố vượt qua chúng càng nhiều càng tốt. Phải nhận ra những khả năng của mình và làm cho chúng sinh hoa trái phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Càng nhận hiểu sự thực về mình, chúng ta sẽ càng hiểu hơn mình phải làm gì để quân bình và hòa điệu các quyền và các bổn phận của chúng ta trong tư cách là những con người .

Làm người – đó phải là nền tảng để đánh giá cả những gì mình làm lẫn những gì mình có. Đó là điểm qui chiếu mà mọi hoạt động của chúng ta phải hướng về. Đó là cơ sở để bảo đảm mối thống nhất trong chính con người chúng ta. Mọi khía cạnh của con người phải hòa hợp chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, những trách nhiệm mà người công nhân đảm nhận ở sở làm phải giúp cho người ấy trưởng thành hơn trong đời sống gia đình cũng như trong sự đóng góp của đương sự đối với cộng đồng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 24/1

MỒNG BA TẾT

THÁNH HOÁ CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Thánh Phanxicô Saleesiô, Giám mục

Tiến sĩ Hội Thánh

Dt 10, 1-10; Mc 3, 31-35.

LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là Mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chi em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,32-35).

          Chúa Giêsu đang xác nhận về nhân tính của Đức Mẹ, chính Đức Mẹ là người đã tin vào Thiên Chúa, và dâng cả đời sống của minh trong sự vâng nghe Lời Thiên Chúa: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37).  Chính vì niềm tin nay mà Đức Mẹ đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn sống đức tin, tin vào Lời Chúa với sự vâng phục trong ngày sống của mình để được trở nên là người trong đại gia đình của Chúa. Amen 

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 24-01: Thánh PHANXICÔ SALÊ

Giám Mục Tiến Sĩ (1567-1622)

Một đứa trẻ giận dữ nhất cũng phải nói rằng: thánh Phanxicô Salêciô là vị thánh hiền hoà nhất thế giới, Ngài đã biết cách để sửa mình và do đó đưa ra phương thức tốt đẹp để nên thánh: “Tôi chỉ nghĩ tới sự dịu hiền, dĩ nhiên, không phải chỉ có điều đó mà thôi. Sau này các bạn hữu Ngài đã ngạc nhiên vì sự im lặng thánh nhân giữ được trước những lăng nhục.

Ngài nói: – “Gì vậy, bạn muốn tôi bỏ mất trong giây lát một chút dịu dàng mà tôi đã mất 20 năm để thu thập sao ?”

Sự dịu dàng Ngài đã thực hiện với bao nghị lực, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, Ngài đã có thể nói với bạn bè sau một cảnh thô tục mà một lãnh Chúa đã làm cho Ngài rằng: – Tôi giận sôi người lên, nhưng tôi thích chết đi còn hơn là nói lên một điều nhỏ nào có thể làm buồn lòng Thiên Chúa.

Thật khó hiểu nổi cách thế mà trong Ngài, một lòng nhân hậu dịu dàng như vậy đã thay thế cho bạo lực. Đối với người dọa nạt, Ngài trả lời: – Thưa ông, nếu ông có một con mắt, tôi sẽ nhìn ông bằng con mắt kia với lòng trìu mến.

Cả thánh Vincentê Phaolô cũng nói: – Khi muốn chiêm ngưỡng sự dịu hiền của Thiên Chúa, tôi nhìn về giám mục thành Ghênêva.

Chào đời ngày 21 tháng tám năm 1567 ở lâu đài Sales, Phanxicô từ trong nôi đã gặp được đức tin và đức ái. Ngài học được từ người mẹ đã từng dẫn Ngài đi thăm các người nghèo khó, để yêu thương và giúp đỡ họ. Năm 1582, Ngài theo học khoa hùng biện và ôn triết tại Paris. Vào tuổi 17 một cơn dằn vặt thiêng liêng kinh khủng ám ảnh Ngài: người tưởng rằng: mình không còn sống trong tình trạng ơn thánh nữa, hoả ngục dành cho Ngài và nơi khủng khiếp này không còn tình yêu Chúa nữa.

Phanxicô cầu khần: – Lạy Chúa ít ra cuộc sống vắn vỏi này con biết dành để yêu mến Chúa.

Kiệt sức, Ngài chạy đến xin đức Trinh nữ gìn giữ mình được trinh trong và cứu thoát cho khỏi cơn thử thách gay go này. Ngài đọc kinh “hãy nhớ” và sau cùng tìm lại được bình an.

Từ năm 1586 -1591, Ngài theo học luật tại Padua và đậu bằng tiến sĩ. Trở lại gia đình gia đình, Ngài được đón tiếp trong niềm hân hoan phấn khởi. Cha mẹ Ngài vui sướng về đám cưới của Ngài. Nhưng Ngài đã từ khước mọi dự định của gia đình. Hạnh phúc và danh vọng trần thế không đáng kể gì đối với Phanxicô, con người đã được tình yêu tuyệt đối chiếm đoạt, Ngài muốn trở thành linh mục. Được phong chức vào ngày 31 thắng 5 năm 1593, Ngài trở thành linh mục hoàn hảo, luôn có Chúa Giêsu ngự trong mình, Ngài sống gần dân làng như một người cha hiền, có mặt trong mọi sự. Gặp cơn dịch hạch lan tràn, ngày đêm người ta thấy Ngài đi từ bệnh nhân này tới bệnh nhân khác, chú ý tới những thể xác lẫn tinh thần đau khổ.

Một sứ mệnh lớn lao kêu gọi tới Phanxicô. Những người theo phái thệ phản thêm nhiều trong xứ sở, phá hủy nhiều nhà thờ và tu viện, lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới với đức Cha Granier, giám mục Ghênêva, Ngài được phép hiến mình thực hịên một nỗ lực dường như không thể được, là đưa dân chúng Chablais trở lại khỏi ảnh hưởng phái ở Calvinnô. Không có đe dọa hay bạo lực nào bắt Người ngừng giảng được. Nơi nào không thể đến rao gảing, Ngài phân phát truyền đơn. Suốt ba năm dưới ảnh hưởng của thánh nhân, 72 ngàn người theo thệ phản đã hoán cải.

Năm 1602, vua Henri IV đã muốn thánh Phanxicô làm giám mục thành Paris nhưng Ngài đã từ khước danh dự này và nói: – Thưa Ngài, tôi đã đính hôn với một bà Chúa nghèo, tôi không thể từ giã bà để theo một bà khác giàu có hơn.

Nhà vua rất thán phục sự độc lập của Ngài và tuyên bố rằng: Phanxicô vĩ đại hơn ông là kẻ làm vua nhiều. Dầu vậy tháng 6 năm 1602, Ngài Ngài đã phải nhận tòa giám mục Annecy – Gheneva.

Các bài giảng thuyết của Ngài sớm lừng danh, đến độ những thành phố lớn đòi được nghe tiếng Ngài. Nhưng giám mục người Xa-voa (Savoie) thích giảng cho dân nghèo hơn. Ngài còn cho họ cả tới áo mặc của mình. Người ta thấy Ngài không giữ lại gì cho mình. Ngài chỉ thánh giá và nói: – Người ta có thể từ chối điều gì được, đối với một Thiên Chúa đã tự đặt mình vào trạng huống này vì chúng ta ?

Đối với các tội nhân, Ngài thân tình đón tiếp họ: – Các con hãy đến đây để cha ôm ẵm và đặt các con vào lòng cha. Cha chỉ đòi các con một điều là không được thất vọng, phần còn lại cha lãnh tất cả.

Đi tìm kiếm một linh hồn, nếu cần Ngài vượt qua rừng trong đêm tối, bất chấp bọn cướp giật hay thú rừng độc dữ, chân Ngài thường rớm máu vì băng giá. Một lần bọn sát nhân nhào tới, Ngài âu yếm bảo họ: – Các bạn không cần đòi mạng tôi làm chi, bởi vì tôi đã hiến mạng sống tôi để bảo tồn sự sống của các bạn.

Người ta có thể thấy rõ là Ngài đã nói thực. Bao người sát nhân đã làm như bao người khác: họ trở thành bạn hữu của Phanxicô. Và làm sao yêu Ngài, mà lại không yêu tôn giáo đã làm cho Ngài hiến thân trọn vẹn cho mỗi tâm hồn như vậy. Ngài nói: – Một linh hồn là một giáo phận rộng đủ cho một giám mục rồi.

Phanxicô không ngừng rao giảng, ngồi tòa, thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ người cùng khổ. Giữa những công việc bề bộn, Ngài còn viết nhiều tác phẩm được nhiều Kitô hữu mến chuộng như quyển: “Đường trọn lành”, quyển “Dẫn vào đời sống nhiệt thành” (cuốn này đã được chuyển sang Việt ngữ với tựa đề: sống thánh giữa đời), chứng tỏ rằng: đời nhiệm hiệp và các nhân đức cao cả nhất, đều có thể nảy nở, ngay trong cuộc sống từ cung điện, lẫn “trong binh đội và trong các xưởng máy”, Ngài truyền “dệt nên những sợi dây nhân đức nhỏ bé”. Cuốn “khảo luận về tình yêu Thiên Chúa” của Ngài đáng cho Ngài được vinh quang như ở giữa bầu lửa, trong khi chuẩn bị viết về tình yêu của Ngôi Lời vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô đã lập nhiều tu viện và tiếp tục hứơng dẫn các tu viện ấy. Hai ngàn bức thư của Ngài vẫn còn, Ngài trao dòng “Thăm viếng” cho thánh nữ Chantal, Đấng mà Ngài hiệp nhất bằng một tình yêu trắng hơn tuyết, trong sáng hơn ánh mặt rời.

Thánh nhân kiệt sức khi Ngài nhận giảng dạy tại Lyon dịp lễ Giáng sinh. Ngài ngã bệnh lúc lên đường. Vừa tới nơi Ngài biết mình sắp chết. Người ta chỉ còn nghe thấy Ngài nói: – Lạy Chúa là tất cả của con.

Với các bạn bè đang khóc lóc Ngài nói: – Các bạn lại không muốn ý Chúa được thực hiện sao ?

Trọn đời thánh Phanxicô yêu mến hoàn thành thánh ý Chúa. Bí quyết đời thánh thiện của Ngài diễn tả như sau: – Với giá vĩnh cửu, cái gì chấm đứt với thời gian lại có thể ảnh hưởng trên chúng ta được ? Phải ước muốn một mình Thiên Chúa thôi, một cách tuyệt đối không thay đổi và bất khả xâm phạm.

Ngài qua đời ngày 28 tháng 12 năm 1622 và được Đức Gáio hoàng Alexandre VII tôn phong hiển thánh năm 1665.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

24 Tháng Giêng

Hãy Triệt Hạ Thập Giá  

Gibert Keith Chesterton, một văn sĩ Công giáo người Anh, qua đời năm 1936, đã mô tả thảm họa của vua thần trong một quyển tiểu thuyết mang tựa đề: “Bầu trời và Thập Giá”. Một giáo sư vô thần tên là Lucifer được ông cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là Michel trên một chuyến máy bay xuyên qua Anh quốc. 

Khi máy bay đi qua London, giáo sư Lucifer bỗng nhìn thấy thập giá trên tháp chuông nhà thờ chánh tòa. Không tự chế được, ông đã thốt lên lời sỉ vả đối với Kitô Giáo. Vị tu sĩ mới xin phép kể câu chuyện như sau: “Tôi cũng biết có một người thù ghét thập giá như ông. Bất cứ nơi nào có thập giá, ông ta cũng tìm đủ mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả chiếc thập giá bằng vàng trên cổ người vợ, ông cũng tìm cách giành giật để kéo ra khỏi người bà. Oâng nói rằng thập giá là một biểu trưng của sự độc ác dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.

 Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ của giáo sứ, tháo gỡ thập giá và ném xuống đất. Sự thù hận đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn… Một buổi chiều mùa hè nóng bức nọ, ông đứng tựa vào một balcon gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên chiếc balcon gỗ biến thành một đạo binh thánh giá. Rồi trước mặt, đằng sau lưng ông, nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm chiếc gậy trên tay để đánh đổ tát cả những cây thập giá. Vào trong nhà, bất cứ những gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù của thập giá. Không còn dùng gậy để đạp đổ nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới may ra tiêu diệt được thập giá. Ngọn lửa bốc cháy thiêu chụi căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh nhà.

 Câu  kết luận mà văn sĩ đã đặt trên môi miệng vị tu sĩ là: “Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá, bạn sẽ không chóng thì chày phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này”. Với cái chết của Ðức Kitô, thập giá trở thành biểu trưng của một sự chiến thắng: đó là chiến thắng của Tình yeu trên hận thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó có người còn tin ở sức mạnh của tình yêu. Ðạp đổ thành giá có nghĩa là nâng cao hận thù chết chóc lên cao và chối bỏ tình yêu. Một thế giới không có tình yêu là một thế giới của chết chóc. Bất cứ một con người có lý luận bình thường nào cũng có thể thấy được điều đó.

 Ngày nay, con người vẫn còn tiếp tục chối bỏ và chà đạp thập giá. Không cần phải leo lên tháp chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá; hình thù của thập giá, dấu chỉ của Tình Yêu, đã được vẽ trên mỗi một con người. Xúc phạm đến con người cách này hay cách khác cũng đã là một triệt hạ thập giá rồi.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 3 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Heb 9:15, 24-28; Mk 3:22-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu đến để tiêu diệt tội lỗi và các việc làm của ma quỉ.

Trong hành trình đi tìm sự thật, con người phải để tâm hồn rộng mở, suy xét cẩn thận, và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi sự thật. Điều nguy hiểm nhất là tội ngoan cố trong sự sai trái của mình, tin hay tố cáo người khác những gì ngược lại với sự thật.

Các Bải Đọc hôm nay tập trung trong những gì Chúa Giêsu làm để tiêu diệt tội lỗi và chuẩn bị cho con người được xứng đáng lãnh nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái so sánh hiệu quả của Giao Ước cũ và mới. Giao Ước cũ không thể cất đi các tội của con người vì máu chiên bò không đủ mạnh để làm chuyện đó. Giao Ước mới có thể tẩy sạch tội của con người vì máu Chúa Giêsu, dù chỉ đổ một lần; và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các Kinh-sư tố cáo Chúa Giêsu “bị quỷ vương Beezebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Chúa Giêsu vạch ra sự sai trá của lời tố cáo này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.

1.1/ Sự khác biệt giữa hai Giao Ước: Tác giả đã nói lý do tại sao Giao Ước mới hòan hảo hơn Giao Ước cũ; giờ đây ông chỉ lặp lại những gì đã nói: (1) Chúa Giêsu là trung gian của một Giao Ước Mới; (2) Ngài lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ; và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa; (3) Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.

1.2/ Chúa Giêsu chỉ hiến tế một lần là đủ: Theo Giao Ước cũ, vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài vật mà vào cung thánh để đền tội cho mình và cho dân. Theo Giao Ước mới, Thượng Tế Giêsu không phải dâng chính mình làm của lễ nhiều lần. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.

Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu phải có quyền năng mạnh hơn Satan.

Trình thuật hôm nay của Marcô tiếp tục trình thuật “Chúa Giêsu bị thân nhân bắt đem về nhà,” vì họ nghĩ Ngài đã hóa điên. Chúng ta đã nói tới lý do Chúa Giêsu đã quá yêu thương con người, nên Ngài dành hết mọi thời gian để dạy dỗ và chữa lành dân chúng, đến nỗi Ngài không còn thời giờ ăn uống. Các Kinh-sư trong trình thuật hôm nay đến từ kinh-đô Jerusalem, có lẽ đã được nghe báo cáo từ các Kinh-sư địa phương, buộc tội Ngài: “Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

2.1/ Chúa Giêsu trả lời 2 tố cáo của họ:

(1) Người bị quỷ vương Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-Thái Baalzebub. Trong Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được dùng ở đây và trong Mt 10:25, không thông dụng bằng Satan.

Chúa Giêsu dùng lý luận triệt tam ở đây: một vật không thể vừa có vừa không một lúc. Satan không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.” Chúa Giêsu không thể nào bị đồng hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và giải thóat con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.

(2) Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là Vua, người cai trị dân chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với quyền lực của nhà Vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.”

Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan, huống hồ gì là các thần ô uế của nó. Vì thế, các tố cáo của các Kinh-sư không có lý do vững chắc.

2.2/ Tội phạm đến Chúa Thánh Thần: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.”

(1) Tội nào là tội phạm đến Chúa Thánh Thần? Trước tiên, Chúa Thánh Thần là sự thật; vai trò của Ngài là giúp cho con người nhận ra sự thật từ sự giả trá. Nếu sau khi đã được Chúa Thánh Thần dạy bảo nhiều lần, một người vẫn ngoan cố không nhận ra sự thật, hay tệ hơn, cho sự gian trá là sự thật; người đó đã phạm đến Chúa Thánh Thần. Ví dụ: trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với các Kinh-sư, Chúa Giêsu đã lấy quyền năng của Thiên Chúa khai trừ thần ô uế ra khỏi con người. Sau khi đã được Chúa Giêsu cắt nghĩa cẩn thận bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong, mà các Kinh-sư vẫn chối từ sự thật và ngoan cố cho Chúa Giêsu là “bị các thần ô uế ám;” họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.

(2) Tại sao tội phạm đến Chúa Thánh Thần không được tha? Điều kiện để được tha tội là con người phải nhận ra những tội của mình, ăn năn xám hối, và thú nhận tội lỗi của mình. Vì người phạm đến Chúa Thánh Thần không nhận ra mình có tội, nên cũng chẳng cần ăn năn xám hối và thú tội. Với một thái độ như thế, làm sao tội có thể được tha?

Vấn đề của nhiều người thời nay là thái độ tự cho mình là công chính; họ mất hết ý thức về tội lỗi, và không còn cho điều gì là tội nữa. Nếu những người này cứ giữ thái độ ngoan cố như thế cho tới chết, họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúa Giêsu là Thượng Tế đã dâng hy lễ là chính thân thể Ngài để tiêu diệt tội lỗi và gánh tội cho con người; nhờ đó, con người đã được hòa giải với Thiên Chúa.

– Chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi phán xét kẻ khác để tránh những mâu thuẫn và phán xét không có cơ sở. Phải tránh xa những phán xét vì ghen tương và sợ người khác hơn mình.

– Chúng ta phải luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật; và nhất là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần bên trong.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************