Ngày thứ hai (25-03-2019) – Trang suy niệm

24/03/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần III Mùa Chay Năm lẻ

Lễ Truyền Tin

BÀI ĐỌC I: Is 7, 10-14

“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”. Và Isaia nói: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Đavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 11

Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng:

1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.

2) Như trong cuốn sách đã chép về con, lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và luật pháp của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Đáp.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.

4) Con chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng con; con đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa; con đã không giấu giếm gì với đại hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Dt 10, 4-10

“Ở đoạn đầu cuốn sách đã viết về tôi là, lạy Chúa, tôi thi hành thánh ý Chúa”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, máu bò và dê đực không thể xoá được tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”. Đoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA HOẶC CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM (Mùa Chay: bỏ Alleluia) Ga 1, 14ab

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người. -Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà. Ðó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

25/03/2019 – THỨ HAI TUẦN 3 MC

Lễ Truyền Tin

Lc 1,26-38

ĐẸP LÒNG CHÚA NHỜ ‘XIN VÂNG’

Sứ thần nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.” (Lc 1,30-32)

Suy niệm: Lời thiên sứ truyền tin không phải như một thông tin trên báo chí, mà là giới thiệu cả một chương trình cứu độ để mời gọi con người tham gia. Vì thế, khi sai thiên sứ truyền tin cho Đức Ma-ri-a, Thiên Chúa đồng thời cũng muốn chọn Mẹ, để Mẹ sinh con, người con ấy được báo trước sẽ nên cao cả, là Con Đấng Tối Cao. Sứ mạng của Đức Ma-ri-a là sinh con, còn việc đó xảy ra thế nào, Thiên Chúa sẽ liệu, vì đối với Ngài, không có gì là không thể. Phần Đức Ma-ri-a, lời thưa ‘vâng’ để cộng tác trong chương trình của Chúa là một hành vi đẹp lòng Thiên Chúa.

Mời Bạn: Lời thưa ‘xin vâng’ của Đức Ma-ri-a như một nét chấm phá nhưng xuyên suốt trong toàn cảnh kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Quả thế, từ khi tổ tông loài người sa ngã, Thiên Chúa đã phán với tên cám dỗ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,… dòng giống người ấy sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,15). Rồi khi người ta tìm cách loại bỏ Đức Ki-tô bằng việc đóng đinh Ngài và treo lên cây gỗ thì qua đó Ngài đã hoàn tất công trình cứu độ. Khi thiết lập Hội Thánh, Chúa Ki-tô cũng khẳng định: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Và Triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận. Như thế, khi được ngỏ lời cộng tác để xây dựng Vương quốc ấy, bạn có thưa ‘xin vâng’ không?

Sống Lời Chúa: Lắng nghe điều Chúa ngỏ ý với bạn hôm nay và can đảm đáp lời ‘xin vâng’.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho con theo như điều Chúa muốn. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG BA

Người Phụ Nữ Khôn Sánh

Trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria bày tỏ sự ưng thuận với sứ thần. Bản trình thuật của Luca – dù thật vắn tắt – vẫn vừa vô cùng hàm súc các nguồn Cựu Ước vừa nổi bật đặc tính mới mẻ của Kitô giáo. Nhân vật chính trong câu chuyện này là người ‘mệnh phụ’ (Ga 2,4) được tuyển chọn từ đời đời để làm cộng tác viên thiết yếu đệ nhất cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đó là almah – hay thiếu nữ – đã được ngôn sứ Isaia báo trước (Is 7,14). Đó là cô gái thuộc dòng dõi hoàng tộc, được gọi là Myriam, Maria ở Na-da-rét, một làng quê nghèo nàn lẩn khuất nhất miền Ga-li-lê (Ga 1,46). Nét mới mẻ độc đáo của Kitô giáo ở đây chính là sự kiện một phụ nữ được đặt vào một địa vị cao vời khôn sánh. Sự kiện này thật không thể quan niệm được đối với não trạng Do Thái thời ấy, cũng như đối với nền văn minh Hy La vốn đang cường thịnh lúc bấy giờ.

Sứ thần Ga-bri-en đã chào Maria với những lời lẽ hết sức trịnh trọng đến nỗi làm Maria kinh sợ: “Khaire – Ave – Mừng vui lên!” Lần đầu tiên, niềm vui cứu độ âm vọng trên mặt đất. “Kekharitomene – gratia plena – Bà đầy ân phúc!” Đây là Đấng Vô Nhiễm, được chạm khắc trong sự sung mãn nhiệm mầu của sự tuyển chọn của Thiên Chúa, của sự tiền định từ đời đời, của sự trong sáng tuyệt diễm. “Dominus tecum – Thiên Chúa ở cùng Bà!”

Thiên Chúa ở với Đức Maria, một thành viên của gia đình nhân loại được tuyển chọn để làm Mẹ Đấng Emmanuel – “Thiên Chúa ở cùng chúng ta!” Từ bây giờ và cho đến mãi mãi, Thiên Chúa sẽ ở với con người. Thiên Chúa sẽ không quay lưng lại và sẽ không bỏ con người chơi vơi. Thiên Chúa đã tự kết hiệp nên một với con người để cứu con người và trao ban cho con người chính Con Một của Ngài, là Đấng Cứu Độ. Maria trở thành một bảo đảm cụ thể và sống động của sự hiện diện cứu độ này của Thiên Chúa.

Thần sứ yêu cầu Maria ưng thuận cho Ngôi Lời đến trần gian. Câu trả lời của Maria chính là tiếng vọng lại hoàn toàn từ tiếng đáp trả của Ngôi Lời đối với Thiên Chúa Cha: “Này con đây”. Chính nhờ được dẫn trước và được hỗ trợ bởi lời đáp trả “Này con đây” của Con Thiên Chúa mà Maria đã có thể thưa lên “Này con đây”. Chính tại khoảnh khắc Maria thốt lên lời ưng thuận, Con Thiên Chúa trở thành Con Người. Ngày Lễ Truyền Tin, chúng ta cử hành mầu nhiệm nền tảng là cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời. Thư Do Thái cho phép chúng ta đi sâu vào những chiều sâu khôn dò của sự tự hạ này của Ngôi Lời – tự hạ vì yêu con người cho đến chết trên thập giá.

“Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.’”Dt 10,5-7

Chúa đã tạo cho con một thân thể. Việc cử hành Lễ Truyền Tin hôm nay dẫn chúng ta trực tiếp đến với ngày Giáng Sinh, sau chín tháng. Các anh chị em tín hữu của chúng ta ngay trong những thế kỷ đầu tiên đã nắm bắt rất rõ ý nghĩa mầu nhiệm này – một mầu nhiệm đưa dẫn chúng ta tới cuộc khổ nạn, cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu. Lễ Truyền Tin rơi vào Mùa Chay – sự kiện này giúp chúng ta nhận hiểu ý nghĩa cứu chuộc của nó: Cuộc Nhập Thể gắn kết chặt chẽ với công cuộc cứu chuộc mà Đức Giêsu hoàn thành bằng việc đổ máu vì chúng ta trên Thập Giá.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 25/3

Lễ Truyền Tin

Is 7, 10-14. 8, 10; Dt 10, 4-10; Lc 1, 26-38.

LỜI SUY NIỆM:  “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

          Trong ngày “Lễ Truyền Tin” Giáo Hội cho chúng ta biết được: “Đức Trinh Nữ Maria thể hiện cách trọn hảo sự vâng phục của đức tin. Trong đức tin. Đức Maria đón nhận lời sứ thần Gabrien loan báo và đoan hứa, vì ngài tin rằng ‘Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.’ Và ngài đã bày tỏ lòng quy phục: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.’… Chính vì đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc.” (GL 148)

          Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con có rất nhiều trở ngại lớn lao ngoài sức chịu đựng, và giải quyết của chúng con. Xin cho chúng con luôn đặt trọn niềm tin vào cầu nguyện cùng Chúa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” Với tâm tình phó thác và vâng phục như Đức Mẹ Maria.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 25-03

LỄ TRUYỀN TIN

“Lịch Roma đã mừng lễ Ngôi Lời nhập thể với danh hiệu gọi từ xa xưa là “Truyền tin” của Chúa, nhưng lễ này từ xưa và hiện nay vẫn là lễ mừng Chúa Kitô và Mẹ Ngài : Ngôi lời đã trở thành “Con của Đức Maria” (Mc 6,3) và Maria trở thành Mẹ Chúa Trời”.

“Phụng vụ phong phú của Đông và tây phương, đối với đức Kitô. Đã mừng lễ Truyền Tin, nhằm nhắc lại tiếng “Xin vâng” cứu rỗi của Ngôi lời nhập thể, lúc bước vào đời đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Người” (Dt 10, 7 và Tv 39,8-9) , lễ này cũng kính nhớ giây phút đầu của ơn cứu chuộc với sự kết hợp chặt chẽ, bất khả phân giữa thiên tính và nhân tính trong một Ngôi Lời”.

“Lễ truyền tin đối với Đức Maria: một Evà mới, trung thành và vâng phục với lời “Xin vâng” quảng đại (Lc 1,38) do Đức Chúa Thánh Thần. Maria trở thành Mẹ Chúa Trời và là mẹ của mọi người. Maria cũng là hòm bia giao ước và Đền thờ Thiên Chúa bởi Mẹ cưu mang Đấng trung gian duy nhất. Lễ truyền tin kính nhớ sự tự do chấp nhận sự hợp tác với kế hoạch cứu rỗi Đức Maria” (Marialis culitus 6b)

Như vậy biến cố Truyền tin. Diễn ra âm thầm giữa sứ thần Gabrie với Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,26-28) đã mang đến cho toàn thể gia đình nhân loại một Tin vui lớn lao. Nhân loại không còn chìm ngập trong bóng tối sự chết nữa, bởi vì lời hứa cứu độ (St 3,15), nay “Vào thời sau hết, Thiên Chúa đã nói với ta nơi một người con” (Dt 1,2). Biến cố cứu rỗi này kết hợp bởi hai lời “Xin vâng” tự đời đời của Ngôi Con Thiên Chúa “xin đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa” và trong thời gian của Đức Maria sẵn sàng cộng tác “như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38).

Đến lượt chúng ta là những kẻ hưởng nhờ hồng ân cứu chuộc chúng ta cũng cần tiếp nối một lời xin vâng để thực sự trở thành thân nhân của Chúa (Lc 8.21). Đây là đường nhập thể của sự sống vĩnh cửu nơi mỗi người biết đón nhận Tin vui Cứu độ.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

25 Tháng Ba

Căn Hầm Bí Mật 

Một người hà tiện, bủn xỉn kia có thói quen giữ tất cả vàng bạc và những vật quý giá trong một chiếc hầm bí mật tự tay ông ta lén lút xây cất dưới nền nhà.

Một ngày kia, như thường lệ, ông ta lẻn xuống hầm để ngắm những vật quý, nâng niu những thỏi vàng và những dây chuyền, những cà rá nạm kim cương, hột xoàn to bằng những hạt đậu. Rủi thay, vì vô ý gài cửa không kỹ, nên bộ phận bí mật vụt bật lên đóng sầm chiếc cửa cực kì kiên cố lại, chắn lối ra duy nhất.

Dĩ nhiên không ai trong nhà biết về chiếc hầm bí mật. Vì thế, mọi người đã bỏ cuộc sau khi lục lạo tìm kiếm ông ta mọi nơi trong nhà cũng như mọi gốc cây, bụi kiểng ngoài vườn.

Sau một thời gian dài chờ đợi nhưng không nghe thấy tăm hơi của ông ta ở đâu, người ta quyết định bán căn nhà. Người chủ nhà mới có ý định sửa chữa lại một vài căn phòng của ngôi nhà và trong khi các người thợ nề đập một bức tường, người ta khám phá ra cánh cửa bí mật ăn thông xuống chiếc hầm. Khi những ngọn nến được thắp lên, người ta không khỏi sợ hãi thấy bộ xương của một người đang đang ngồi bên cạnh một chiếc bàn con với một số vàng bạc, kim cương bị quăng tung tóe xung quanh. Có dấu hiệu cho thấy là thậm chí người chết đã phải ăn một cây nến trước khi bị chết đói.

“Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, khốn cho các ngươi là những người tự cho mình là an toàn trên núi Samaria”.

Lời chúc dữ những người giàu có bất nhân và kiêu căng trên của tiên tri Amos cũng như những lời Chúa Giêsu chúc dữ những kẻ giàu trong Tin Mừng không phải là những lời lên án tiền bạc và của cải cách chung. Nhưng đây là những lời nêu lên sự nguy hiểm của quan niệm kiêu hãnh, của tính tự cao, tự đại và nhất là thái độ và nếp sống ích kỷ, dửng dưng không để ý đến những người nghèo khổ đang sống bên cạnh. Ðây là thái độ và nếp sống thường thấy nơi những người giàu có.

Mahatma Gandhi, người đã đưa dân tộc Ấn Ðộ đến nền độc lập khỏi ách thống trị của Anh quốc đã tuyên bố một tư tưởng cách mạng có thể đổi mới xã hội: “Trong hoàn cảnh đói khổ của những người đồng bào, đồng chủng, nếu ta giữ một vật gì mà ta không cần dùng đến ngay bây giờ thì đó là những của chúng ta ăn cắp”.

Sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tinh thần liên đới và sự sẵn sàng chia sẻ cơm ăn áo mặc cho những người cần đến là những ngọn đuốc sáng, là những đức tính giúp người Kitô chúng ta đóng trọn vai trò men trong bột ở giữa xã hội chúng ta đang sống.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ Truyền Tin, Năm ABC

Bài đọc: Isa 7:10-14; Heb 10:4-10; Lk 1:26-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự vâng phục mang lại ơn cứu độ cho con người.

Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để làm quyết định; nhưng khi con người quyết định chọn điều gì, là con người phải lãnh nhận hậu quả do quyết định ấy mang lại. Thói quen của con người là không muốn phải vâng lời ai, muốn tự mình có thể quyết định mọi sự. Trong cuộc cám dỗ đầu tiên tại Vườn Địa Đàng, con rắn gian manh biết Bà Evà không muốn vâng phục Thiên Chúa, nên cám dỗ Bà ăn trái cây “biết lành biết ác” mà Thiên Chúa đã cấm không được ăn. Hậu quả của cuộc bất tuân là ông bà mất nghĩa cùng Thiên Chúa, và truyền nọc độc của tội Tổ Tông cho con cháu.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc tuân phục hay bất tuân lời Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, mặc dù đã được tiên-tri Isaiah truyền chỉ tuân phục một mình Thiên Chúa, vua Ahaz của Judah vẫn bất tuân sang cầu viện Ai-cập. Hậu quả là nước mất nhà tan, từ vua đến dân bị lưu đày qua Babylon. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh các hy lễ đền tội của Cựu Ước với sự vâng phục của Đức Kitô, và đưa đến kết luận: Thiên Chúa trân quí sự vâng phục của Đức Kitô hơn ngàn vạn chiên cừu, và cái chết của Ngài trên Thập Giá có sức mạnh xóa sạch tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong Phúc Âm, lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền Tin đã bắt đầu kỷ nguyên cứu độ: Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ, và hài nhi Giêsu, Con Một của Thiên Chúa, đã hình thành trong lòng Mẹ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vua Ahaz bất tuân lời Thiên Chúa.

1.1/ Vua Ahaz nghi ngờ Thiên Chúa: Rezin là vua sau cùng của Damascus. Năm 732 BC, vua Assyrian, Tiglath-pileser III phá hủy Damascus và giết vua Rezin. Sự liên hiệp giữa Assyria và Israel làm vua Judah khủng hỏang, vua sợ liên hiệp này sẽ đem quân thôn tính Judah. Liên hiệp hai nước phác họa kế họach truất phế vua Ahaz, và thay thế ông với hòang tử của Bet Tabel, một lãnh thổ của Aram, miến Bắc của khu vực Transjordan. Hoàng tử này có lẽ là người Judah, con trai của Jotham hoặc Uzziah với công chúa của Tabel.

(1) Sự bất trung của vua Ahaz: Tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa sai đến với vua Ahaz để khuyên nhà vua tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài mới có thể bảo tòan lãnh thổ của nhà Judah. Vua Ahaz không tin tưởng vào sự can thiệp của Thiên Chúa, và vào lời khuyên của tiên tri Isaiah; ông cầu viện với vua Ai-cập để xin sự bảo vệ. Hậu quả là Chúa để cho vương quốc của ông rơi vào tay vua Babylon.

1.2/ Tiên tri Isaiah được Thiên Chúa sai đến với vua Ahaz lần thứ hai.

(1) Hãy xin một dấu lạ để Thiên Chúa làm cho: “Một lần nữa Đức Chúa phán với vua Ahaz rằng: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” Vua Ahaz trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.” Vua không xin một dấu từ Thiên Chúa vì vua ngoan cố, không muốn nghe những lời khuyên của tiên-tri Isaiah.

(2) Dấu lạ Đấng Cứu Thế: Tiên-tri Isaiah bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà David! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.”

– Isaiah không dùng chữ đặc biệt để chỉ trinh nữ (betula), nhưng dùng chữ (alma) để chỉ một phụ nữ trẻ tới tuổi thành hôn, có thể là trinh nữ kay không. Lời tuyên sấm này được loan báo trước hòang gia, có thể mang ý nghĩa giòng dõi của David sẽ bị tận diệt. Nếu điều ấy xảy ra, lời hứa của Thiên Chúa đã làm với giòng dõi David sẽ bị chấm dứt (2 Sam 7:12-16).

– Con trẻ sắp sinh ra có thể là trẻ Hezekiah, mà Judah đang hy vọng sẽ tiếp tục sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài, và là một canh tân của lời hứa đã được ký kết với vua David.

– Dẫu vậy, sự nghiêm trọng của lời tuyên sấm và tên con trẻ tương lai “Emmanuel” cho chúng ta thấy lời của tiên-tri Isaiah không chỉ dừng lại với sự sinh ra của Hezekiah; nhưng chỉ thẳng tới vị vua lý tưởng của giòng tộc David, mà qua vị vua này, Thiên Chúa mới thực sự ở với con người.

– Thánh sử Mathhew và Giáo Hội đã nhìn sự sinh ra của Đấng Cứu Thế bởi Trinh-Nữ Maria là sự hòan tất của lời tiên tri này.

2/ Bài đọc II: Thi hành ý muốn của Thiên Chúa cao trọng hơn các hy lễ tòan thiêu và hiến tế chiên bò.

2.1/ Máu thú vật không thể xóa bỏ tội lỗi con người: Trong Cựu Ước, mỗi khi con người muốn được Thiên Chúa tha tội, họ lên Đền Thờ, sát tế thú vật, và dâng cho Thiên Chúa như trong ngày lễ Day-at-onement. Nhưng những hy lễ này chỉ có thể tha những tội vô tình họ xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; còn những tội cố tình, không một hy lễ nào có thể xóa được; đó là lý do tại sao tác giả Thư Do-thái nói: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi.” Vì thế, con người cần một cách khác để được tha tội; và Thiên Chúa đã chuẩn bị một cách thức hiệu quả để tha tội cho con người: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.” Tạo cho Chúa Giêsu một thân thể để Ngài có tai để lắng nghe và vâng lời; có trí óc để hiểu và có ý chí để làm theo những gì Thiên Chúa muốn; và có một thân xác để có thể hy sinh, chịu đựng đau khổ, để đền tội thay cho con người.

2.2/ Đức Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa để mang lại ơn cứu độ cho con người: Tác giả trưng dẫn Thánh Vịnh 40:6-9: “Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.”

– Trước hết, Đức Kitô nói: “Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.” Điều này hiển nhiên vì tất cả những điều này thuộc về Thiên Chúa. Con người có dâng tiến những lễ vật này cũng là lấy những của Thiên Chúa ban để dâng lại cho Ngài. Đó là chưa kể đến tội mà các tiên tri đã tố cáo con người nhiều lần: dâng của dư thừa, dâng cho qua lần chiếu lệ, dâng lễ vật mà vẫn đang toan tính phạm tội, dâng lễ vật mà lòng xa Thiên Chúa vạn dặm …

– Rồi Người nói: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” Sự vâng phục của Chúa Giêsu là lễ hiến tế duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa, và máu của Người đổ ra chỉ một lần là đủ để Thiên Chúa tha thứ tất cả cho con người.

– Nếu chúng ta muốn thiết lập mối giao hòa với Thiên Chúa, vâng lời làm theo thánh ý Ngài là cách thức duy nhất. Thiên Chúa muốn con người tin và tuân phục những gì Đức Kitô đã mặc khải và dạy dỗ con người.

3/ Phúc Âm: Lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria bắt đầu Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.

3.1/ Biến cố Truyền Tin: Khi Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilee, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria.

– Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Thông thường, con người dễ hãnh diện khi được người khác khen mình; nhưng Mẹ là người rất khiêm nhường, Mẹ biết mình không xứng đáng với lời chào này; nên bối rối, băn khoăn về lời chào ấy.

– Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh để lo việc của Thiên Chúa. Điều khó hiểu ở đây là thánh Luca đã đề cập tới việc Mẹ đã đính hôn với Giuse ở đầu trình thuật. Tại sao đã khấn giữ mình đồng trinh, lại còn đính hôn với Giuse? Điều này chỉ có thể giải nghĩa hoặc Luca lầm lẫn hoặc bản văn bị sắp xếp lẫn lộn thứ tự giữa 2 biến cố: truyền tin và đính hôn.

– Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”

3.2/ Không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa: Chúng ta không chắc Mẹ Maria có thể hiểu thế nào là sinh ra bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần; nhưng Mẹ tin những gì thiên thần Gabriel nói vì hai lý do:

(1) Không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa: Nếu Ngài có thể làm cho bà Elisabeth, người họ hàng với Mẹ, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai; còn việc gì Thiên Chúa không làm được?

(2) Niềm tin của Mẹ vào Thiên Chúa: Mẹ biết Thiên Chúa là ai, và Mẹ biết mình là ai. Mẹ tuy không hiểu những gì Thiên Chúa nói, nhưng sự khôn ngoan dạy Mẹ cứ mau mắn vâng lời; vì tất cả những gì Thiên Chúa muốn đều tốt đẹp. Vì thế, Mẹ thưa với thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải tuân phục Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa biết chắc các điều tốt đẹp cho con người. Bất tuân Thiên Chúa là cách dễ dàng nhất gây ra đau khổ cho con người.

– Vâng lời Thiên Chúa không lấy đi sự tự do của con người, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan. Giống như một con trẻ chưa đủ khôn ngoan để làm quyết định cho mình, em phải vâng lời cha mẹ là những người khôn ngoan hơn. Chúng ta cũng thế, khi chưa hiểu kế họach của Thiên Chúa cho cuộc đời, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu và Đức Mẹ: xin vâng làm theo ý Thiên Chúa.

– Mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ những gì Thiên Chúa hứa ban cho tới khi thành sự thật. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************