Ngày thứ năm (06-06-2024) – Trang suy niệm

05/06/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm đầu tháng. Tuần 9 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 2 Tm 2, 8-15

“Lời của Thiên Chúa không bị xiềng xích đâu, Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta sẽ cùng sống lại với Người”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Timô-thêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Đavít đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích. Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giêsu Kitô. Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống lại với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người. Con hãy ghi nhớ những điều đó khi làm chứng trước mặt Chúa. Con chớ tranh luận: vì cái đó không ích lợi gì cả, chỉ làm hại người nghe mà thôi. Con hãy cố gắng đến trước mặt Chúa như một người đã chịu thử thách, như một công nhân không bị khiển trách, như người ngay thẳng rao giảng lời chân lý.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14.

Đáp: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa (c. 4b).

1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

3) Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài.

ALLELUIA: Ga 10, 27

All. All. – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 12, 28b-34

“Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Người: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

06/06/2024 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN

Th. Nô-be-tô, giám mục

Mc 12,28b-34

CHỈ MỘT GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Để đáp lại chất vấn của các kinh sư “trong các giới răn, giới răn nào đứng đầu”, Đức Giê-su tái khẳng định điều đã được truyền dạy trong Cựu Ước, đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự (x. Dnl 6,5) và yêu người thân cận như chính mình (x. Lv 19,18). Có vẻ như Đức Giê-su không đặt ra điều gì mới, ngoài việc đem hai giới răn ấy đặt gần lại với nhau. Nhưng thực ra Ngài nhấn mạnh và làm mới hai điều răn này bằng việc xác định: “Không còn điều răn nào khác quan trọng hơn hai điều răn đó” (Mc 12,31). “Mến Chúa, yêu người,” không có điều răn nào khác quan trọng hơn, điều đó có nghĩa là hai điều răn đó, như hai mặt của đồng xu, không thể tách rời nhau, đến độ cả hai chỉ là một giới răn duy nhất: giới răn yêu thương.

Mời Bạn: “Kính mến Chúa trên hết mọi sự” chính là thờ phượng Ngài. Nhưng bạn không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân, như thánh Gio-an đã nói: “Ai không yêu thương anh em mà họ không trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Khi bạn biết lắng nghe, cảm thông, chăm sóc tha nhân bằng tình bác ái huynh đệ, bạn đang tuân theo lời Chúa dạy và yêu mến Thiên Chúa hiện diện nơi họ.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nhắc mình xác tín Chúa hiện diện nơi tha nhân và phục vụ họ hết lòng như phục vụ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con điều răn riêng của là yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con thực thi điều răn ấy để chúng con thực sự là môn đệ Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Trong những ngày cuối tại Giêrusalem,

Đức Giêsu bị kéo vào những cuộc tranh luận với nhiều nhóm

về quyền, về chuyện nộp thuế, về sự sống lại (Mc 11, 27- 12, 27).

Ít có một cuộc đối thoại đúng nghĩa khi người ta chỉ muốn giăng bẫy,

và không thực sự muốn kiếm tìm chân lý.

Chính vì thế bài Tin Mừng hôm nay là một bất ngờ thú vị.

Một kinh sư nghe Đức Giêsu trả lời các đối thủ của mình

thì ông có cảm tình và muốn hỏi Ngài câu hỏi mà ông bận tâm.

“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” (c. 28).

Đức Giêsu thấy thiện tâm của ông, và Ngài đã trả lời nghiêm túc.

Ông kinh sư như reo lên khi nghe câu trả lời của Ngài.

“Thưa Thầy hay lắm, Thầy nói rất đúng.”

Câu trả lời của Đức Giêsu chạm đến điều dường như đã có nơi ông.

Ông thích thú lặp lại những lời Ngài đã nói (cc. 32-33).

Theo ông, những điều răn đó còn quý hơn hy lễ và lễ toàn thiêu (c. 33).

Đức Giêsu vui sướng khi đứng trước một vị kinh sư khôn ngoan và cởi mở.

Ngài nói với ông một câu mà chúng ta thèm muốn :

“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (c. 34).

Vị kinh sư hỏi Đức Giêsu về một điều răn đứng đầu.

Ngài đã trả lời tới hai điều răn (c. 31).

Hai điều răn này gắn kết với nhau chặt chẽ, nhưng vẫn là hai.

Cả hai đều đòi hỏi một thái độ, một chọn lựa diễn tả qua động từ “yêu”.

Yêu Thiên Chúa bằng tất cả con người mình

bằng trọn cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực,

và yêu tha  nhân như yêu chính mình (cc. 29-31).

Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.

Tình yêu đối với Thiên Chúa như thanh dọc của thập giá

đỡ lấy thanh ngang là tình yêu tha nhân.

Sống trọn tình yêu là chấp nhận cả hai thanh gỗ làm nên cây thập giá.

Nếu lễ toàn thiêu đòi đốt hoàn toàn lễ vật, và hy lễ đòi giết chết con vật,

thì tình yêu đối với Chúa và tha nhân

cũng đòi thiêu rụi và giết chết cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ của mình.

Chẳng thể nào yêu mà đòi giữ nguyên cái tôi khép kín.

Người Kitô hữu hôm nay cũng có thể hỏi Chúa câu hỏi tương tự:

Điều răn nào quan trọng hơn cả chi phối mọi lề luật trong Giáo Hội?

Chúa cũng sẽ giữ nguyên câu trả lời như ngày xưa.

Ngài vẫn tóm mọi điều răn và giới răn trong một động từ đơn giản: yêu.

Xin để tình yêu chiếm lấy trái tim của tôi, chi phối mọi chọn lựa,

và biến đời tôi thành tình yêu.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,

nếu Hội Thánh được ví như một thân thể

gồm nhiều chi thể khác nhau,

thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu

một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.

Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.

Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.

Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,

thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,

các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…

Lạy Chúa Giêsu,

cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,

ơn gọi của con chính là tình yêu.

Con đã tìm thấy

chỗ đứng của con trong Hội Thánh :

nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,

và như thế con sẽ là tất cả,

vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.

Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,

mọi ước mơ của con được thực hiện.

(dựa theo lời của thánh Têrêxa)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG SÁU

Những Hữu Thể Siêu Việt

Công Đồng Vatican II nói về nguồn gốc con người trong công cuộc sáng tạo: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng” (MV 14).

Rồi sau đó, các Nghị Phụ của Công Đồng tuyên bố: “Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên… Bởi vì, nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật.”

Như vậy. ta thấy rằng sự thật về duy nhất tính và lưỡng diện tính của bản tính con người có thể được trình bày bằng một ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thế giới ngày nay.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 06/6

Thánh Norbertô, Giám mục

2Tm 2, 8-15; Mc 12, 28b-34.

Lời suy niệm: Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ỉtraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12,28b-31)

          Đối với người kinh sư Do Thái họ nắm vững Mười Điều Răn Đức Chúa Trời đã được truyền qua Môisê. Trong Mười Điều Răn đã ban cho con người những nguyên tắc vững bền để sống một đời sống tốt đẹp. Mọi người có thể dựa vào đó như là cẩm nang hướng dẫn, và điều này mang đến một thế giới như Thiên Chúa đã phác họa. Nơi Mười Điều Răn, giúp cho mọi người biết nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Nhưng với người kinh sư này, đang băng khoăn, không biết phân biệt: “Điều Răn đứng đầu” nên đã đến gặp Chúa Giêsu, và Người đã giúp cho vị kinh sư này biết: hai điều răn “Mến Chúa, Yêu người” là một Điều Răn đứng đầu.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khen người kinh sư: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu.” Xin cho mỗi người trong chúng con hiểu biết và sống Mười Điều Răn cho trọn, hầu giúp chúng con sống thờ phượng một mình Thiên Chúa và hết lòng yêu thương phục vụ tha nhân vì Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 06-06: Thánh NÔBERTÔ

Giám Mục (1080 – 1134)

Thánh Noberto sinh khoảng năm 1080 tại Xanten, Ngài là con út trong một gia đình vương giả và có họ với nhà vua. Theo truyền thống cao thượng, Ngài đã được dự tính cho làm linh mục. Nhưng thời còn niên thiếu, Noberto đã sống quá xa lý tưởng. Giàu có của cải cũng như dồi dào sinh hư, lại có bản chất dễ dãi, Noberto cho mình vào những buổi lễ linh đình và những cuộc vui chơi thế gian. Không bao giờ một ý tưởng đứng đắn lại có thể xóa tan được những ảo tưởng Ngài nuôi dưỡng trong lòng.

Điều may mắn là khi ham vui như vậy, Ngài vẫn không sao nhãng việc học hành. Nhờ vậy, Noberto thông hiểu mọi khoa học, vua Henty mến chuộng Noberto và thâu dụng vào triều đình. Tuy nhiên Noberto vẫn tiếp tục nếp sống xưa. Biết rằng: chỉ có nhân đức mới mang lại hạnh phúc cho tâm hồn, nhưng Noberto lại yêu chuộng “xiềng xích” và không can đảm bẻ gãy được.

Một ngày kia Noberto cỡi ngựa đến một làng ở miền Wesphale. Ngài dẫn theo một giai nhân đi tìm thú vui. Khi đến giữa một đồng cỏ thì một cơn giông tố nổi lên sấm chớp dữ dằn. Khó tìm được một nơi trú ngụ, nên Ngài phi ngựa nước rút mong sớm tới đích. Nhưng một cú sét đánh ngay vào chân ngựa. Con vật hoảng hốt hất tung Kỵ sĩ xuống đất. Noberto nằm bất tỉnh tại chỗ như chết trong một giờ. Tỉnh dậy Noberto kêu lên như thánh Phaolô ngày trước: – Lạy Chuá, Chúa muốn con làm gì ?

Một tiếng nói bên trong đáp lại: – Hãy tránh sự dữ và làm điều lành.

Noberto chỗi dậy và quyết đền bù đời sống đã qua. Khi trở lại triều đình , Ngài trở về Xanten, sống những thinh lặng nội tâm, mặc áo nhặm và dành trọn thời gian cho viêc suy gẫm cầu nguyện. Từ đó, Ngài đã không còn đặt một giới hạn nào cho bậc trọn lành nữa, Ngài đã dành hai năm sám hối để dọn mình chịu chức linh mục và chỉ dâng thánh lễ đầu tiên sau 40 ngày chuẩn bị trực tiếp, Ngài bán hết mọi của cải, phân phát cho người nghèo rồi đi chân không đến xin Đức giáo hoàng ban quyền cho đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Những bài giảng nhất là chính đời sống gương mẫu của Ngài đã tạo nên được nhiều cuộc hối cải là lùng. Chính trong khi thực hiện nỗ lực tông đồ này mà thánh Noberto đã thiết lập tu viện ở Premontré, thường được gọi là dòng áo trắng.

Năm 1126, Noberto được đặt làm Tổng giám mục tại Magdburg. Đức tân giám mục vẫn không giảm bớt khắc khổ đi chân không, Ngài nỗ lực đổi mới giáo phận với nhiệt tâm của một thánh nhân bậc nhất. Trong nỗ lực ấy, Ngài phải chịu dựng biết bao là khó khăn, người ta tìm cách cản trở đến độ muốn mưu sát Ngài, nhưng lòng quả cảm và sự nhẫn nại đã đưa Ngài tới thành công. Trong một ít năm, Ngài đã sửa lại được những lạm dụng và làm cho mọi chỗ nên đạo đức hơn. Ngài thường nói: – Tôi đã ở trong triều đình đã rút vào đơn độc, đã được dặt nhiều chức vụ, nhưng tôi đã không tìm thấy được điều gì đẹp hơn là được phụng sự Chúa và thuộc trọn về Ngài.

Ở vào địa vị tổng giám mục, thánh Noberto từ đây cũng ảnh hưởng tới Giáo hội ngày càng nhiều hơn. Ngài là bạn của thánh Bernadô và đã giúp đỡ thánh nhân chống lại giáo hoàng giả Anacletus, Ngài cũng đã thành công trong việc chống lại lạc thuyết của Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Sau bao nhiêu nỗ lực để đổi mới lòng đạo đức trong giáo phận thánh Noberto qua đời vì kiệt sức vào năm 1134.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

06 Tháng Sáu

Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi

Buổi sáng ngày 06 tháng 6 năm 1966. Trương cao biểu ngữ với tựa đề: Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi, một người da đen 32 tuổi đã bước xuống quốc lộ thứ 51 của thành phố Memphis thuộc tiểu bang Mississipi bên Hoa Kỳ. Tiểu bang Mississipi có tất cả một triệu người da đen. Mặc dù luật pháp Hoa kỳ bảo đảm cho mọi người công dân, không phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội, quyền được bỏ phiếu, trong thực tế chỉ có 100 ngàn người da đen đủ can đảm thi hành quyền này. Con số còn lại, vì sợ hãi bởi nhiều sức ép khác nhau đã không dám đi bỏ phiếu.

James Meredith, người thanh niên da đen nói trên, đã tuyên bố: “Chúng ta cần phải giải thoát khỏi những sợ hãi do người da trắng tạo ra. Tôi sẽ tuần hành từ Memphis đến thủ phủ của tiểu bang để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng một người da đen có quyền sống và đi lại, tôi muốn thắng vượt nỗi sợ hãi và những đe dọa do những người phân biệt chủng tộc tạo nên”.

Trong phút chốc, nhiều người, kể cả những người da trắng, đã ra khỏi nhà và tuần hành bên cạnh Meredith. Meredith tâm sự với một vị mục sư đi bên cạnh như sau: “Thoạt tiên, tôi định mang theo một khẩu súng. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định mang theo một khí giới duy nhất: đó là quyển Kinh Thánh”.

Meredith dự định băng qua 350 cây số để đến tiểu phủ của tiểu bang, nhưng chưa đầy một ngày đường, anh đã bị một người da trắng quá khíh bắn ngã gục. Phát súng định mệnh đó làm rung động toàn thể nước Mỹ.
Giữa lúc Meredith đang nằm điều trị tại một nhà thương, từng đoàn người đến thăm và ủng hộ sáng kiến của anh. Sự sợ hãi giờ đây nhường chỗ cho một phong trào đang vươn lên với đầy khí thế…

Mục sư Martin Luther King, giải thưởng Nobel về Hòa Bình và là thủ lãnh của phong trào tranh đấu bất bạo động của người da đen tại Hoa Kỳ, đã ngỏ lời với từng trăm ngàn người đang đứng trước cửa bệnh viện Memphis như sau: “Cuộc tuần hành chống lại sợ hãi sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta sẽ xuống đường lại ngay mà nơi Meredith đã bị bắn gục. Con đường từ Memphis đến Jackson chỉ dài độ 350 cây số. Nhưng xiềng xích của sợ hãi và đe dọa mà chúng ta muốn bẻ gãy lại còn dài gấp bội”.

Những người da đen bên Hoa Kỳ đã phải trải qua những năm tháng dài dưới sự đe dọa và sợ hãi. Sợ hãi là tâm trạng thường tình của những ai đang sống trong đe dọa, bất an.

Không biết mình sẽ bị bắt giữ lúc nào, không biết mình sẽ được phóng thích lúc nào, không biết mình có đủ cơm ăn áo mặc cho ngày mai không, không biết tương lai của con em mình sẽ như thế nào, không biết niềm tin của mình rồi ra có còn đứng vững trước những đe dọa không. Từng nỗi hoang mang ấy khiến ai trong chúng ta cũng đã một lần trải qua sợ hãi.

Chúa Giêsu, trong những giây phút nguy ngập nhất đã trấn an các môn đệ của Ngài: “Các con đừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian”. Nghĩ đến cuộc khổ nạn đang chờ đợi ở trước mắt, Chúa Giêsu đã run rẩy sợ hãi đến độ toát mồ hôi máu. Nhưng cuối cùng, Ngài đã thắng vượt tất cả bằng khí giới của Tình Thương. Tình Thương là sức mạnh của Ngài trong bao thử thách… Meredith đã không mang theo súng đạn để trấn an chính mình, anh chỉ mang theo một quyển Kinh Thánh. Phải, bởi vì Kinh Thánh là biểu hiện của Tình Thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần 9 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 2 Tim 2:8-15; Mk 12:28b-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa.

Khi con người làm điều sai, thay vì chấp nhận tính yếu đuối của xác thịt để tìm cách sửa sai; con người lại đi tìm những lý do để biện minh cho sự sai trái của mình; một trong những cách đó là cãi chữ. Một ví dụ dẫn chứng: Trong ngày thành hôn, hai người có đầy đủ tự do đã cầm tay nhau thề hứa trước bàn thờ Chúa sẽ trung thành với nhau suốt đời, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nguy, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu để trung thành với nhau suốt đời. Họ biết là họ không thể vịn vào bất kỳ lý do nào để ly dị. Nhưng sau vài năm, một trong hai tự động ra tòa xin hủy bỏ lời thề vì những lý do như: “Chịu đựng hết nổi rồi!” hay “Không ai có thể trung thành với một người suốt đời!” hay “Lỗi không phải tại tôi!” hay “Nếu cả hai đều không thấy hạnh phúc bên nhau thà đường ai nấy đi tốt hơn.”

Các bài đọc hôm nay nêu bật việc thực hành lời Chúa như điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Phaolô nhắc nhở cho Timothy, người môn đệ yêu quí, phải trung thành rao giảng Lời Chúa cho dù có bị xiềng xích lao tù, để mưu cầu phần rỗi cho chính mình và cho tha nhân; chứ đừng cãi chữ để biện minh cho sự bất trung của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhận ra một người trong các kinh sư thành tâm tìm sự thật đến hỏi Chúa: “Điều nào quan trọng nhất trong các giới răn?” Ngài bảo ông ấy: Điều răn thứ nhất, Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai, Phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.

1.1/ Tôi cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn.

(1) Chịu đựng đau khổ để mưu cầu phần rỗi linh hồn cho người khác: Một trong những điểm quan trọng của thần học Phaolô là hãy bắt chước Phaolô như Phaolô bắt chước Đức Kitô. Chúa Giêsu không có tội nhưng Ngài sẵn sàng chịu đựng đau khổ cho phần rỗi linh hồn của mọi người. Thánh Phaolô sẵn sàng chịu đau khổ như một tên gian phi vì rao giảng Tin Mừng, “để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và được hưởng vinh quang muôn đời.” Ngài viết Thư này cho Timothy khi đang bị xiềng xích tại Roma để khuyên nhủ Timothy phải sẵn sàng chịu đựng đau khổ để rao giảng Tin Mừng.

Điều quan trọng chúng ta nhận ra ngay nơi Đức Kitô và Phaolô: cả hai đều đặt phần rỗi linh hồn phải làm ưu tiên hàng đầu của cuộc sống đời này. Noi gương Đức Kitô, Phaolô sẵn sàng rao giảng Lời Chúa để cứu độ mọi người cho dù phải đau khổ trong chốn lao tù. Ngài khuyên Timothy noi gương ngài đừng xiềng xích Lời của Thiên Chúa. Người ta có thể cầm tù người rao giảng; nhưng không ai có thể cầm tù Lời của Thiên Chúa, vì đó là Lời tồn tại muôn đời.

(2) Chịu đựng đau khổ để chứng minh lòng trung thành với Thiên Chúa: Chỉ trong gian nan một người mới biết ai là người trung thành với mình. Người trốn chạy bạn hữu khi gặp gian khổ không phải là bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu từng nói với các môn đệ: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy. Ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy” (10:32-33). Thánh Phaolô lặp lại lời tuyên xưng ấy với một nghĩa tương tự: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.”

1.2/ Chú trọng đến nội dung của những giáo huấn, đừng cãi chữ!

(1) Đừng cãi chữ: Phaolô khuyên Timothy: “Anh hãy nhắc nhở lại những điều đó, trước mặt Thiên Chúa, hãy tha thiết khuyên người ta đừng cãi chữ: chuyện không có ích lợi gì, chỉ làm cho người nghe phải diệt vong.” Điều quan trọng Phaolô khuyên là hãy chú trọng đến sự thật đàng sau chữ. Sự thật đây là phải kiên trì chịu gian khổ để mưu cầu phần rỗi linh hồn cho người khác và chứng minh lòng trung thành của mình với Thiên Chúa. Người hay cãi chữ có thể lý luận họ cũng yêu mến Thiên Chúa và không bao giờ làm hại tha nhân; nhưng Ngài sẽ phán với họ: Không phải chỉ có ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! Mà được vào Thiên Đàng; nhưng chỉ có những ai nghe và thực hành Lời Chúa.

(2) Hãy thành thật rao giảng lời chân lý: Phaolô khuyên Timothy: “Hãy cố gắng ra trước mặt Thiên Chúa như một người đã được thử luyện, một người thợ không có gì phải xấu hổ, một người thẳng thắn dạy lời chân lý.” Người đã được thử luyện là người đã trải qua gian khổ mà không vấp ngã; người thợ làm việc cho mục đích mở mang Nước Chúa không có gì phải xấu hổ; và người thẳng thắn dạy lời chân lý sẽ không sợ hãi bất cứ lời tố tụng nào, vì biết Lời sự thật sẽ giải thoát họ.

2/ Phúc Âm: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình.

2.1/ Những cách hỏi khác nhau: Trình thuật mấy ngày qua dẫn chứng cho chúng ta thấy những hạng người đến hỏi Chúa Giêsu với những mục đích khác nhau.

(1) Hỏi để “chụp mũ”: Những người Pharisees và Herodians hỏi Chúa “Có nên nộp thuế cho Caesar không?” để tìm cớ bắt Chúa hoặc vì lý do chống lại “đế quốc” hoặc chống lại “nguyện vọng của dân.” Điều này vẫn đang xảy ra cho những nhà lãnh đạo tôn giáo!

(2) Hỏi để “biện minh” cho cách sống chỉ biết đời này: “Người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong 7 anh em đó?” Những người Sadducees không muốn tin đời sau để có lý do hưởng thụ tối đa đời này, cho dù đã có những chứng từ của Kinh Thánh. Ngày nay vẫn còn biết bao người như thế, không muốn tin Thiên Chúa để khỏi phải giữ những gì Ngài dạy, để an lòng ở trong tối tăm!

(3) Hỏi để tỏ ra mình là người “hiểu biết”: Có những người hỏi để xem đối phương có biết những gì mình biết không. Mục đích là để khinh thường hay làm cho đối phương phải bẽ mặt.

2.2/ Hỏi để biết sự thật: Những hạng người trên có thể qua mặt con người; nhưng không thể qua mặt Thiên Chúa vì Ngài dò thấu tâm can. Ngài biết những ai thật lòng muốn đi tìm sự thật. Đối với những người như thế, Chúa Giêsu vạch trần sự dối trá của họ. Còn đối với những ai thành tâm đi tìm sự thật như ông kinh-sư hôm nay đến hỏi Chúa đâu là điều răn đứng đầu trong số các điều răn? Đức Giêsu trả lời ông mà chúng ta có thể tóm tắt là: “mến Chúa và yêu người.”

Người kinh sư đồng ý với Chúa Giêsu. Ông nhận ra nguyên lý đứng đàng sau các điều răn là tình yêu con người dành cho Thiên Chúa và dành cho tha nhân biểu lộ cụ thể qua các hành động con người tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy và giúp đỡ tha nhân. Ai hiểu và làm như thế, họ sẽ không còn xa Nước Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nếu chúng ta hãy thành tâm đi kiếm sự thật, chúng ta sẽ được Thiên Chúa cho tìm thấy sự thật. Một khi tìm thấy sự thật, hãy có can đảm sống và làm chứng cho sự thật.

– Đau khổ là phương tiện Thiên Chúa dùng để thử sự trung thành của các tín hữu; chỉ những ai kiên trì trong đau khổ mới chứng minh họ là bạn nghĩa thiết của Ngài.

– Chúng ta hãy tìm cho được nguyên lý đàng sau Lời Chúa dạy. Đừng quá chú trọng đến ngôn ngữ, vì ngôn ngữ chỉ dùng để diễn tả sự thật, chứ ngôn ngữ không phải là sự thật.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************