Ngày thứ năm (07-02-2019) – Trang suy niệm

06/02/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Mùa Thường Niên Năm lẻ

Mồng Ba Tết Kỷ Hợi

BÀI ĐỌC I: Dt 12, 18-19. 21-24

“Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp, hoặc tiếng kèn và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Cảnh tượng thật hãi hùng, đến nỗi Môsê thốt lên: “Tôi đã kinh khiếp và run sợ”. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu, và đến cùng máu đã rảy khi giao ước lên tiếng còn mạnh thế hơn máu Abel. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 9. 10-11.

Đáp: Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài (c. 10).

Xướng:

1) Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu. – Đáp.

2) Núi Sion là cùng kiệt phương bắc, là thành trì của Đức Đại Đế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Ngài, tự chứng tỏ Ngài là an toàn chiến luỹ. – Đáp.

3) Chúng tôi đã nhìn thấy, như đã nghe kể lại, trong thành trì của Chúa thiên binh, trong thành trì của Thiên Chúa chúng tôi: Thiên Chúa kiên thủ thành đó tới muôn đời. – Đáp.

4) Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

07/02/2019 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Mồng Ba Tết, thánh hoá công ăn việc làm

Mt 25,14-30

BIẾT LÀM LỢI

“Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,15)

Suy niệm: Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và là chủ tể muôn loài muôn vật, còn chúng ta là tạo vật và tôi tớ của Ngài. Ngài là toàn năng và nhưng cũng đầy yêu thương. Ngài biết rõ khả năng của từng tôi tớ, và trao ban cho họ tùy theo năng lực. Ngài không bao giờ buộc con người phải vượt quá khả năng của mình. Ngài trao cho họ số vốn liếng đó là: đức tin, sức khỏe, tài năng, nghị lực, tiền của, công việc, và cả thời giờ và cơ hội… Dù sự trao ban có khác nhau, nhưng Chúa muốn mỗi người phải cố gắng hết mình để sinh lời tùy theo bậc sống và hoàn cảnh của riêng mình. Sự hiện hữu của mỗi người và tất cả những gì mình đang có: sức khoẻ, tiền của, tài năng, thời giờ và cả cuộc sống của mỗi người đều là những “yến bạc” Chúa ban mà chúng ta phải sử dụng để làm vinh danh Chúa và nhờ đó đạt tới sự sống đời đời.

Mời Bạn: Mọi sự đều là hồng ân Chúa ban. Một khi đã nhận lãnh tất cả từ nơi Chúa thì phải biết cho đi cách quảng đại chứ đừng bo bo ích kỷ mà không dám dân thân phục vụ. Chỉ khi sẵn sàng đem những “yến bạc” Chúa trao cho để đem ra chia sẻ cho anh em thì những “yến bạc” đó mới sinh lợi được.

Sống Lời Chúa: Luôn có thái độ ôn hoà nhã nhặn, vui lòng chịu “làm phiền” khi phục vụ những người mà mình có bổn phận chăm sóc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng con người năm nén, kẻ hai nén, người một nén. Tất cả đều do ân ban và sự quan phòng đầy yêu thương của Ngài. Xin giúp chúng con biết làm lợi cho Chúa, cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho mọi người và cho vũ trụ. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG HAI

Tài Năng Của Người Nghệ Sĩ

Sau khi dẫn con cái It-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, Mô-sê hoạch định chuyện dựng lều thánh – tức đền thờ lưu động đầu tiên của dân It-ra-en trong sa mạc. Ông ủy nhiệm công việc đó cho những người đầy “thần khí”. Và, sau khi đã gọi đích danh các nghệ nhân, Đức Chúa ban cho họ ơn khôn ngoan. Ngài ban cho họ những ơn mà họ cần để họ có khả năng vạch dự án và triển khai công việc dựng lều thánh (Xh 35, 30 – 35; 36, 1).

Như chúng ta có thể thấy trong chương trích dẫn trên của Sách Xuất Hành, cái mà ngày nay chúng ta gọi là nghệ thuật thánh vốn đã có những nguồn gốc rất rạng rỡ thuở xưa. Tận đáy lòng tôi, tôi muốn nói với các bạn là những nghệ sĩ rằng các bạn phải ý thức rằng tài năng nghệ thuật của mình là một món quà do Thiên Chúa ban tặng. Người nghệ sĩ phải tri ân Thiên Chúa và phải dấn thân trung thành theo tiếng gọi mà mình đã nhận lãnh. Người nghệ sĩ Kitô giáo có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho mình “thần khí” để chuyển hóa các tài năng tự nhiên thành hoa trái thiêng liêng, nhất là khi họ đảm nhận những công trình nghệ thuật tôn giáo và phụng vụ.

Trong ánh sáng này, chúng ta có thể hiểu những đường nét trác tuyệt của các thánh đường thời Trung Cổ. Nếu đứng ngoài lãnh giới đức tin, chúng ta không thể cảm nhận đầy đủ cái tuyệt vời ấy. Có thể kể một số ví dụ, như các công trình của Giotto, Fra Angelico, Michelangelo, những vần thơ của Dante, những áng văn của Manzoni, những khúc nhạc của Pierluigi da Palestrina, vv…

Đành rằng tài năng của một nghệ sĩ có thể sáng tạo ra những tác phẩm kiệt xuất không dính dáng gì đến niềm tín ngưỡng của mình; nhưng, nếu bên cạnh tài năng tự nhiên, người nghệ sĩ có thao thức muốn bộc lộ đức tin, cậy, mến của mình, thì với tác phẩm của mình, họ sẽ trở thành một sức khích lệ lớn lao cho người ta. Tác phẩm của họ sẽ chuyển tải các mầu nhiệm của niềm tin Kitô giáo.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 07/2

Thánh Giêrônimô Êmilianô; Thánh Jôsêphina Bakhita, trinh nữ

Dt  12, 18-19. 21-24; Mc 6, 7-13.

LỜI SUY NIÊM: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa lành họ khỏi bệnh.”

          Nhóm Mười hai là những người ưu tuyển, đã được Chúa Giêsu tuyển chọn giữa đông đảo các môn dệ của Người, sau khi Người đã cầu nguyện cùng với Chúa Cha. Các ông được ở với Người, được Người huấn luyện, đào tạo để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Giờ đay Người sai họ đi với những lời căn dặn cần thiết, cùng với quyền trừ quỷ. Các ông đã thực hiện đúng theo lệnh truyền của Người, và đã thâu lượm được kết quả tốt đẹp: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa lành họ khỏi bệnh.”

          Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay Giáo Hội Chúa cũng đang tiếp tục các công việc của Chúa qua các Giám mục và các thừa tác viên linh mục, các tu sĩ nam nữ, cũng như những người tận hiện trong công việc cứu giúp các linh hồn. Xin cho tất cả được ơn sống theo những lời Chúa căn dặn, giúp cho công việc truyền giáo đem lại nhiều thành quả tốt đẹp hơn. Và sự trưởng thành đời sống đức tin vủa chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

07 Tháng Hai 

Một Lý Tưởng Ðể Ðeo Ðuổi

Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà “kinh doanh trên sự chết chóc” mà thiên hạ đang có về mình.

Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới. 

Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình. 

Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những ngưeời bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên. 

Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ. 

Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: “Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitôhay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta?”. 

Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 4 TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 12:18-19, 21-24; Mk 6:7-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy sinh cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Để một người có thể hy sinh chấp nhận gian khổ, anh cần có một lý tưởng để theo đuổi. Chẳng hạn, người nhà nông sẵn sàng chấp nhận gian khổ nắng mưa, vì biết mùa gặt sẽ đến; hay người học sinh chấp nhận hy sinh các thú vui để rèn luyện sách đèn, vì biết sẽ có ngày ra trường thành tài.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh đích điểm cuộc đời của người Kitô hữu. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái nhắc nhở các tín hữu ngày được dự hội vui với Thiên Chúa, Đức Kitô, các thiên thần, các Tổ-phụ, và các Kitô hữu khác trong Thành Jerusalem trên trời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài dặn các ông đừng chú trọng quá nhiều đến của cải vật chất và lợi lộc trần gian, để có nhiều thời giờ cho việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa 2 Giao Ước Cũ và Mới

1.1/ Giao Ước Cũ trên Núi Sinai: Tác-giả nhắc lại sự kiện Thiên Chúa gặp gỡ dân trên Núi Sinai (Exo 19:16-23) “Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa. Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Moses phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy!”

(1) Thiên Chúa tỏ uy quyền trên con người: Một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa Thiên Chúa và con người: Ngài qúa uy quyền và thánh thiện trong khi con người quá nhỏ bé, yếu đuối, và tội lỗi.

(2) Thiên Chúa cách biệt với con người: Ai nhìn thấy hay tới gần Thiên Chúa, kẻ đó sẽ phải chết. Ngài chỉ nói với con người qua người trung gian là Moses. Ngài đã trao cho con người Thập Giới và truyền phải thi hành.

(3) Thiên Chúa làm con người phải kinh hòang và sợ hãi: Họ không thể nhìn uy quyền của Thiên Chúa và nghe tiếng của Ngài.

1.2/ Giao Ước Mới trên Núi Sion: “Nhưng anh em đã tới Núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Jerusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng Vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel.”

(1) Gia đình của Thiên Chúa là Thành Jerusalem trên trời: Núi Sion là kinh thành của Đức Đại Vương. Tác giả liệt kê các thành phần của gia đình Thiên Chúa:

– Các thiên thần: là những sứ giả của Thiên Chúa, đêm ngày họ không ngừng ca tụng vinh quang của Ngài.

– Các con đầu lòng của Thiên Chúa: là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Con đầu lòng là người được thừa hưởng gia tài của người cha. Thường thường, danh hiệu này dùng ở số ít để chỉ tước hiệu đặc biệt của Chúa Giêsu: Người là Trưởng Tử sinh ra trước mọi lòai thọ tạo (Col 1:15). Người là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự, Người đứng hàng đầu (Col 1:18). Tác giả dùng danh hiệu ở số nhiều, có thể để ám chỉ những người công chính của Cựu Ước mà tác giả đã đề cập đến trong chương 11, những người mà đã được thừa hưởng những lời hứa chúc lành (Heb 6:12).

– Các linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện: tất cả những người Kitô hữu khác.

(2) Thiên Chúa ở với con người: Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Ngài bắt đầu Giao Ước Mới và làm cho con người được hòa giải với Thiên Chúa. Ngài vừa là Thượng Tế, vừa là Lễ Hy Sinh tòan hảo. Chính vì thế, Ngài làm cho mối liên hệ hai bên được tiến lại gần nhờ máu của Người đổ ra trên Thập Giá.

(3) Thiên Chúa yêu thương: Ngài sẵn sàng hy sinh Người Con đổ máu để chuộc tội cho con người. Tác giả so sánh máu của Abel và máu của Chúa Giêsu. Máu của Abel kêu gọi sự báo thù (Gen 4:10); máu của Chúa Giêsu mang tha thứ mọi tội và mang con người tới Thiên Chúa (Heb 10:19). Sự hy sinh của Ngài là lý do tại sao con người được chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi với 2 lời truyền:

2.1/ Hành trang mang theo trên đường rao giảng: “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”

Có nhiều cách giải nghĩa lệnh truyền này của Chúa; nhưng trọng tâm của lệnh truyền là các Tông-đồ phải dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng, chứ không quá quan tâm và lệ thuộc vào đời sống vật chất. Chúa Giêsu mời gọi các ông sống tin tưởng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì “thợ làm việc xứng đáng được thưởng công.” Ngài sẽ lo liệu đời sống vật chất của các ông qua tình thương của những người được thấm nhuần Tin Mừng. Hơn nữa, nếu các ông không mang hành lý nặng, các ông sẽ dễ dàng lên đường đi đến mọi nơi cần được sai tới; và lời rao giảng không lệ thuộc vào vật chất sẽ hiệu quả hơn.

2.2/ Thái độ của người rao giảng: “Người bảo các ông: Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

Cùng một lối giải thích như trên, người Tông-đồ được sai đi là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chứ không để tìm hư danh, uy quyền, hay các lợi lộc vật chất. Nếu người Tông-đồ nhắm đến những điều sau này, anh sẽ dễ nản chí và di chuyển đến những nơi có lợi lộc hơn. Về phía người được nghe Tin Mừng, họ phải mở lòng đón nhận và tiếp đãi những người làm việc cho Chúa, để cả người gieo và người gặt đều được vui mừng trong mùa gặt.

Những việc làm chính của các Tông-đồ: (1) Rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (2) Trừ quỷ: Giúp con người thóat khỏi ảnh hưởng hay làm nô lệ cho ma quỉ, để sống đời sống thánh thiện theo tinh thần Phúc Âm đòi hỏi. (3) Xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh tật phần hồn cũng như phần xác.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta có một lý tưởng cao cả để theo đuổi là được đòan tụ với Thiên Chúa và các Kitô hữu khác trên trời trong Ngày Cánh Chung. Để đạt được lý tưởng này, chúng ta cần hy sinh chấp nhận mọi gian khổ trong việc loan báo và sống Tin Mừng.

– Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa muốn được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa đời sau, vừa muốn tất cả các hưởng thụ đời này. Người muốn bắt cá hai tay có nguy hiểm mất tất cả.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************