Ngày thứ năm (08-07-2021) – Trang suy niệm

07/07/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XIV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: St 44, 18-21. 23b-29; 45, 1-5

“Để cứu sống anh em mà Thiên Chúa đã sai em xuống Ai-cập trước anh em”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Giuđa lại gần mà nói thật thà với Giuse rằng: “Thưa ngài, xin ngài nghe tôi tớ của ngài nói đôi lời, xin ngài đừng phẫn nộ với tôi tớ của ngài, vì sau vua Pharaon ngài là chủ của tôi. Trước đây ngài đã hỏi các tôi tớ ngài rằng: ‘Các ngươi còn cha, còn đứa em nào nữa chăng?’ Chúng tôi đã trả lời với ngài rằng: Chúng tôi còn cha già, và một đứa em út sinh ra lúc cha chúng tôi đã già. Anh áp út đã chết rồi: mẹ nó chỉ còn lại một mình nó, cha chúng tôi thương nó lắm. Vậy mà ngài đã bảo các tôi tớ ngài: ‘Hãy đem nó tới đây cho ta xem thấy nó’. Chúng tôi đã thưa với ngài rằng: ‘Đứa nhỏ không thể bỏ cha nó được’. Nhưng ngài đã nói dứt khoát với các tôi tớ ngài rằng: ‘Nếu em út các ngươi không tới với các ngươi, thì các ngươi sẽ không thấy mặt ta nữa’. Vậy khi chúng tôi trở về cùng tôi tớ của ngài là cha chúng tôi, chúng tôi đã thuật lại hết mọi điều ngài đã nói. Cha chúng tôi bảo rằng: ‘Các con hãy trở lại mua thêm ít lúa thóc nữa’. Chúng tôi trả lời với người rằng: ‘Chúng con không thể đi được. Nếu em út đi với chúng con, thì chúng con cùng đi chung với nhau. Nếu em út không đi với chúng con, thì chúng con không dám đến trước mặt người’. Cha chúng tôi nói: ‘Các con biết rằng bạn ta chỉ sinh ra cho ta hai đứa con trai, một đứa đã ra đi và các con đã nói nó phải thú dữ ăn thịt, và cho đến nay chưa thấy nó trở về; các con lại đem thằng này đi nữa, nếu dọc đường có gì rủi ro xảy đến cho nó, thì các con đưa cha già đầu bạc sầu não này xuống suối vàng cho rồi'”.

Khi ấy Giuse không thể cầm lòng nổi trước mặt mọi người đang đứng đấy, nên truyền cho mọi người ra ngoài, và không còn người nào khác ở đó lúc ông tỏ cho anh em biết mình, ông khóc lớn tiếng: những người Ai-cập và cả nhà vua đều nghe biết. Giuse nói với các anh em rằng: “Tôi là Giuse đây, cha còn sống không?” Các anh em sợ hãi quá nên không dám trả lời. Giuse nói với anh em cách nhân từ rằng: “Hãy đến gần tôi”. Khi họ đến gần, ông lại nói: “Tôi là Giuse em các anh mà các anh đã bán sang Ai-cập. Các anh chớ khiếp sợ, và đừng ân hận vì đã bán tôi sang đất này, vì chưng để cứu sống các anh em mà Thiên Chúa đã sai tôi sang Ai-cập trước anh em”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 16-17. 18-19. 20-21

Đáp: Các ngươi hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm (c. 5a).

Xướng:

1) Chúa đã gọi cảnh cơ hàn về trên đất nước, và rút đi mọi sự nâng đỡ bằng cơm bánh. Ngài đã sai một người đi trước họ: Giuse đã bị bán để làm nô lệ. – Đáp.

2) Thiên hạ đã lấy xiềng để trói chân người, và cổ người bị cột bằng xích sắt, cho tới khi ứng nghiệm lời tiên đoán của người, lời của Chúa đã biện minh cho người. – Đáp.

3) Vua đã sai cởi trói cho người, Chúa của chư dân cũng đã giải phóng người. Vua đã tôn người làm chủ của mình, và làm chúa trên toàn diện lãnh thổ. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 10, 7-15

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng ‘Nước Trời đã gần đến’. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

08/07/2021 – THỨ NĂM TUẦN 14 TN

Mt 10,6-15

NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN!

“Dọc đường hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại.” (Mt 10,7-8)

Suy niệm: “Nước Trời đã đến gần!” Đó là sứ điệp Đức Giê-su muốn các môn đệ loan báo. Nước Trời không hệ tại ở những chuyện vật chất thuần túy, nhưng nơi các giá trị thiêng liêng con người nhận được như hoán cải, được lành bệnh, xua trừ khỏi ma quỉ, được cho sống lại… Tất cả dấu chỉ ấy cho thấy sự hiện diện rất gần của Nước Trời giữa nhân loại này. Khi loan báo về Nước Trời, các môn đệ được mời gọi sống như cung cách Thầy mình dạy: khó nghèo, biết khước từ những gì không phù hợp với Tin Mừng, để chỉ chuyên tâm lo việc rao giảng mà thôi. Sự khó nghèo ấy của người môn đệ là bằng chứng hùng hồn cho thế gian thấy Nước Trời đã đến gần.

Mời Bạn: ĐTC Phanxicô nói: “Các con đừng sợ đi ngược dòng đời, khi mà những giá trị được bày ra cho chúng ta là những giá trị xấu, muốn cướp mất hy vọng của chúng ta.” Bạn có sợ phải lội ngược dòng đời khi sống các giá trị Tin Mừng như nghèo khó, đơn sơ, phó thác? Theo bạn, sống và loan báo các giá trị Tin Mừng có nhất thiết phải đầy đủ phương tiện mới có thể thực hiện? Bạn sẽ trả lời sao cho hợp ý Chúa Giê-su?

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi sống nghèo khó và bác ái với người khác như một cách thức cho thấy Nước Trời đang hiện diện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con ý thức sứ vụ loan báo Nước Trời là sứ vụ hàng đầu. Xin cho đời sống chân thành, bác ái, đơn sơ, khó nghèo của chúng con như dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã đến gần. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trước khi sai các Tông Đồ lên đường truyền giáo,
Thầy Giêsu đã dặn dò họ nhiều điều.
Họ được sai đến với ai: với những đồng bào của họ là người Israel.
Sau này họ mới được sai đến với dân ngoại, với mọi dân tộc (Mt 28, 20).
Họ đến để làm gì: rao giảng về Nước Trời gần đến,
chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết, khử trừ ma quỷ ra khỏi lòng người (c. 8).
Họ đến để đem lời chúc bình an cho những ai mở lòng lãnh nhận (c. 12).
Họ không nên mang theo những gì: tiền vàng, bạc hay đồng để giắt lưng,
bao bị để đựng đồ, hai áo để thay đổi, giày dép để bảo vệ đôi chân,
cả chiếc gậy vừa để đi đường xa, vừa đề phòng nguy hiểm (cc. 9-10).
Cách hành xử của họ cũng được Thầy nói rõ.
Họ làm mọi việc mà không đòi bất cứ điều gì để trả công.
“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (c. 8).
Họ đã nhận được Nước Trời như một món quà,
họ cũng muốn trao đi như một quà tặng.
Điều duy nhất họ mong là được người ta lo cho thức ăn, chỗ ở.
“Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (c. 10).

Khi nghe lời dặn dò của Thầy Giêsu,
chúng ta thấy ngay mẫu người tông đồ mà Thầy mơ ước.
Đó là con người bị cuốn hút bởi những bận tâm về Nước Trời,
nên siêu thoát khỏi mọi vướng bận trần tục.
Nước Trời phong phú và giàu có đủ làm họ mãn nguyện,
nên họ coi nhẹ chuyện ở, chuyện mặc, chuyện ăn.
Chính lối sống đơn sơ giản dị, thậm chí thiếu thốn của họ,
là một lời chứng về những gì trên cao.
Họ cũng phải chấp nhận mình có thể bị từ chối, không được đón tiếp.
Một thành, một làng hay một nhà có thể không chấp nhận Tin Mừng,
và họ phải khiêm tốn tìm đến nơi thuận lợi hơn (c. 14).

Các tông đồ thế kỷ 21 hẳn không thể sống theo nghĩa đen những lời trên đây,
nhưng cũng không được gạt bỏ tinh thần mà Đức Giêsu vẫn muốn ta giữ mãi.
Nhẹ nhàng, thanh thoát, khó nghèo, phó thác, không tính toán lợi danh,
gieo rắc niềm vui và an bình, chữa lành và giải phóng con người khỏi nô lệ.
Và trên hết là một lòng yêu mến Thiên Chúa nồng nàn,
và một lòng yêu thương cháy bỏng đối với đoàn chiên vất vưởng bơ vơ.
Đó vẫn là hành trang muôn thuở của người tông đồ qua mọi thời đại.
Thời nay người tông đồ được trang bị nhiều phương tiện hiện đại,
với những cơ sở vững vàng, với số vốn ổn định, với tri thức bằng cấp đầy đủ.
Những điều đó vẫn không khiến chúng ta bỏ rơi tinh thần của Thầy Giêsu.
Bởi lẽ mất tinh thần của Thầy, chúng ta chẳng còn là tông đồ nữa.

Thánh Phanxicô Assisi đã bị đánh động khi đọc đoạn Tin Mừng này.
Và ngài đã muốn đưa Giáo hội trở lại với lối sống nghèo khó.
Rất có thể việc truyền giáo của chúng ta ở châu Á chưa có kết quả
chỉ vì chưa có những tông đồ dám sống triệt để lời dặn dò của Thầy Giêsu.
Mà lời dặn dò của Thầy lại rất hợp với tinh thần của người châu Á.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”

(Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG BẢY

Dưới Bóng Đấng Toàn Năng

Không ai có thể phủ nhận vẻ hùng tráng của những vần thơ trong Thánh Vịnh tán dương Thiên Chúa như là nơi trú ẩn, như là sự bảo vệ và là đồn lũy cho con người. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 91:

“Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao

và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,

hãy thưa với Chúa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa,

Ngài là nơi con trú ẩn, là đồn lũy chở che,

con tin tưởng vào Ngài’…

Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn,

có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân…

Chúa phán: ‘Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,

người nhận biết Danh Ta sẽ được sức phù trì.

Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại;

lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên” (Tv 91,1-2.9.14-15).

Những diễn tả ấy thật rất đẹp và rất đánh động. Nhưng những lời của Đức Kitô còn có ý nghĩa nhiều hơn thế nữa. Thật vậy, đó là những lời được nói lên bởi chính Chúa Con, Đấng thấu suốt mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Lời Đức Kitô mang lời chứng hoàn hảo về mầu nhiệm Chúa Cha: mầu nhiệm quan phòng và mối quan tâm từ phụ đối với mọi tạo vật, ngay cả đối với cỏ dại ngoài đồng và con chim sẻ bé nhỏ. Sự quan phòng ấy càng đặc biệt hơn biết mấy đối với con người chúng ta! Và đây chính là điều mà Đức Kitô nhấn mạnh trước hết.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 08/7

St 44, 18-21. 23b-29;  45, 1-5; Mt 10, 7-15.

LỜI SUY NIỆM: “Khi anh em vào bất cứ thành nào, hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.”

          Đây là những lời căn dặn của Chúa Giêsu không những đối với Nhóm Mười Hai, nhưng cả chúng ta ngày hôm nay, cần phải theo khuôn mẫu mà Chúa Giêsu đã căn dặn các Tông Đồ xưa; bởi đây là một sự rất cần thiết, có ảnh hưởng đến sự ăn ở và nơi chốn mà mình sinh hoạt trong sứ vụ loan báo Tin Mừng; đặc biệt là phải tạo sự bình an cho những người đang chung sống cùng một môi trường.

          Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mỗi người trong chúng con luôn được ơn khôn ngoan và sự hiền lành đơn sơ, để đem lại kết quả tốt đẹp khi thi hành sứ vụ loán báo Tin Mừng; để tất cả được sống trong bình an của Chúa. 

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

08 Tháng Bảy

Sự Hiện Diện Của Con Dê 

Ðể khuyên chúng ta chấp nhận cuộc sống, người Ðức thường kể câu chuyện sau đây:

Có một nhà hiền triết nọ chuyên cố vấn giúp đỡ cho những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cá ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được lời khuyên thiết thực… Một hôm, có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin cầu cứu. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và bảy đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát. Người vợ phải la hét suốt ngày vì bị sự quấy phá của bảy đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ con. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày, khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.

Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau: “Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được một con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh”. Người đàn ông đàng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu gom hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.

Chúng ta hãy tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi hám ấy không những phóng uế nhơ bẩn lại suốt ngày còn kêu những tiếng không êm tai chút nào. Cái xưởng may chỉ trong một ngày đã biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu đựng được… Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh: “Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác”. Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Người đàn ông nhìn xuống xưởng may rồi mỉm cười nhìn mấy cậu con trai của anh đang chạy nhảy la hét. Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của anh, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn… Và chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc hơn ngày hôm đó.

Tâm lý thông thường, chúng ta dễ có thái độ “đứng núi này nhìn núi nọ”. Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những cái thường ngày, những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường…

Mang lấy thân phận con người, sống trọn vẹn kiếp người, Chúa Giêsu mặc cho tất cả mọi thực tại của cuộc sống một ý nghĩa mới, một giá trị mới. Chỉ qua những thực tại từng ngày, chỉ qua các sinh hoạt hàng ngày con người mới có thể gặp gỡ được Thiên Chúa.

Giá trị của mỗi một phút giây hiện tại chính là mang nặng sự hiện diện của chính Chúa. Giá trị của cuộc sống chính là được dệt bằng những gặp gỡ triền miên giữa Thiên Chúa và con người…

Không ai trong chúng ta chọn lựa để được sinh ra. Không ai trong chúng ta chọn lựa cha mẹ và gia đình để được sinh ra. Có người sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý. Có người sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Có người thông minh. Có ngưòi đần độn… Mỗi người chúng ta đến trong cuộc đời với một hành trang có sẵn. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một Hồng Ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ… Nói như Thánh Phaolô: “Tất cả đều là ân sủng của Chúa”: tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần 14 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Gen 44:18-21, 23-29, 45:1-5; Mt 10:7-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong các biến cố của cuộc đời.

Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, chẳng có một biến cố nào ngẫu nhiên xảy ra mà không có ý định của Thiên Chúa trong đó cho cá nhân, gia đình, và tập thể. Thái độ của con người là phải tìm ra và làm theo thánh ý của Thiên Chúa để sinh ích lợi cho mình và cho tha nhân; chứ đừng kêu la, than khóc, hay trách móc Thiên Chúa và tha nhân về số phận hẩm hiu của mình.

Các Bài Đọc hôm nay vạch ra cho chúng ta thấy thánh ý của Thiên Chúa trong mọi biến cố lớn hay nhỏ của cuộc đời. Trong Bài Đọc I, sau khi đã có thời gian để suy gẫm về cuộc đời mình và các biến cố đã và đang xảy ra cho gia đình, ông Giuse đã tỏ mình ra cho anh em và nói: “Chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em.” Nói rõ hơn, Thiên Chúa đã chuẩn bị cuộc đời Giuse để cứu sống gia đình, cho dẫu phải ngang qua sự ghen ghét và nhẫn tâm của các anh. Trong Phúc Âm, chính vì hạnh phúc đời sau của nhân loại mà Chúa Giêsu đã thu thập các môn đệ để huấn luyện, trao quyền, và sai các ông đi để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em.

1.1/ Nỗi lòng của cha già: Vì Giuse muốn gặp em ruột của mình là Benjamin, nên đã giữ một người anh là Simeon làm con tin ở lại Ai-cập trong chuyến đi mua thực phẩm lần trước. Ông truyền cho các anh phải đem Benjamin tới gặp, ông mới tha cho tất cả trở về. Nếu không, đừng bao giờ đến gặp mặt ông nữa.

Khi anh em ông đem chuyện này để thưa với cha già Jacob, ông tâm sự với các con: “Các con biết rằng vợ của cha đã sinh cho cha hai đứa. Một đứa đã lìa cha, và cha đã nói: Đúng là nó đã bị xé xác, và cho đến nay cha chẳng được nhìn lại nó. Nếu các con đem cả đứa này đi xa cha, và nó gặp tai hoạ, thì các con sẽ làm cho kẻ bạc đầu này phải đau khổ mà xuống âm phủ.” Jacob vẫn tin Giuse đã bị thú dữ ăn thịt như lời các con nói với ông.

1.2/ Ông Giuse tỏ mình cho các anh: Khi nghe những lời tường thuật về cha già, ông Giuse không thể cầm lòng trước mặt tất cả những người đứng bên ông, nên ông kêu lên: “Bảo mọi người ra khỏi đây!” Khi không còn người nào ở với ông, ông Giuse mới tỏ cho anh em nhận ra mình. Ông oà lên khóc và người Ai-cập nghe được, triều đình Pharao cũng nghe thấy.

+ Phản ứng của các anh em: Họ bàng hoàng khi nghe những lời ông nói. Họ cảm thấy xấu hổ về những thiệt hại họ đã gây ra cho ông. Họ không thể thốt lên một lời nào vì quá xấu hổ.

+ Phản ứng của ông Giuse: Ông nói với anh em: “Hãy lại gần tôi.” Họ lại gần. Ông nói: “Tôi là Giuse, đứa em mà các anh đã bán sang Ai-cập. Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em.”

Như một con người, ông có thể trả thù bằng cách bắt giữ các anh làm nô lệ cho mình; nhưng ông không làm điều đó, vì ông xác tín mọi việc xảy ra trong đời ông là do sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài gởi ông qua Ai-cập trước để dọn đường và để bảo vệ sự sống cho chính ông, cho gia đình, và cho các dân tộc. Nhiều tác giả đã so sánh Chúa Giêsu cũng mang trong mình sứ vụ như Giuse: Ngài hy sinh chịu mọi đau khổ để mưu cầu sự sống cho mọi người.

2/ Phúc Âm: Chính để loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ của Ngài đi.

2.1/ Bổn phận các môn đệ: Chúa chọn các Tông-đồ để huấn luyện các ông là cho một mục đích. Ngài biết sẽ phải từ bỏ thế gian để trở về với Chúa Cha, nên Ngài huấn luyện các ông để các ông thay Ngài tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là để con người nhận ra tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người tin vào Đức Kitô để được chung hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Đàng.

(1) Việc phải làm: Bổn phận hàng đầu của các môn đệ được Chúa Giêsu nói rất rõ ràng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” Để muôn dân tin vào lời các môn đệ rao giảng, Chúa Giêsu cũng ban cho các ông quyền chữa lành các vết thương hồn xác: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ.” Mục đích của việc chữa lành là để muôn dân nhận ra quyền năng Thiên Chúa và tin vào Ngài, chứ không phải để kiếm các lợi lộc vật chất. Ngài truyền cho các ông: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

(2) Việc không được phép làm: Vì Chúa Giêsu biết trước những cám dỗ vật chất có thể làm các môn đệ xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng; nên Ngài ngăn cấm các ông:

+ Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng: Người môn đệ trung thành của Đức Kitô không bao giờ được phép tìm kiếm những thứ này; ngày nào người môn đệ tìm kiếm những thứ này, họ không thể là người môn đệ của Đức Kitô, và lời rao giảng của họ sẽ mất hết hiệu lực.

+ Đừng tích trữ của cải mang theo: “Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy.” Nhiều người cho những lời dạy này không thực tế, vì lên đường mà không có những vật dụng cần thiết, khi cần đến lấy gì mà dùng. Điều chính yếu Chúa Giêsu muốn nêu lên ở đây là người môn đệ phải sống một cuộc đời đơn giản. Nếu người môn đệ có quá nhiều của cải, làm sao ông có thể sẵn sàng lên đường đến những nơi xa xôi hẻo lánh để rao giảng Tin Mừng? Hơn nữa, Đức Kitô muốn các môn đệ phải tuyệt đối tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, “vì thợ thì đáng được nuôi ăn.” Thiên Chúa sẽ không để những nhà rao giảng Tin Mừng của Ngài phải chết đói dọc đường.

2.2/ Kiếm người xứng đáng để ở trọ: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ không ngừng thúc đẩy những tâm hồn có lòng quảng đại để họ lo chăm sóc đời sống vật chất của các nhà rao giảng. Chính vì điều này mà Đức Kitô đã dạy các môn đệ: “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.”

(1) Phần thưởng cho những người tiếp đón các môn đệ Chúa: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.”

(2) Hình phạt cho những người không tiếp đón các môn đệ Chúa: “Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày Phán Xét, đất Sodom và Gomorrah còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi một biến cố xảy ra trong cuộc đời, chúng ta hãy tìm xem Thiên Chúa đang muốn chúng ta làm gì, và mau mắn thực hiện thánh ý của Ngài.

– Mọi điều Chúa răn dạy đều có lý do của nó, vì Chúa không bao giờ làm việc vô ích. Nếu chưa nhận ra lý do, hãy cầu nguyện để Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra thánh ý của Ngài.

– Thiên Chúa cho chúng ta vào trần gian là cho một mục đích. Chúng ta phải nhận ra thánh ý của Ngài, và mau mắn chu toàn trước khi trở về với Ngài. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************