Ngày thứ năm (14-06-2018) – Trang suy niệm

13/06/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần X Mùa Thường Niên Năm chẵn

1 V 18, 41-46

“Êlia cầu nguyện và trời đổ mưa” (Gc 5, 18).

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia tâu cùng Acáp rằng: “Xin bệ hạ lên ăn uống, vì tôi nghe có tiếng mưa to”. Acáp liền lên ăn uống. Phần Êlia, ông trèo lên đỉnh núi Carmel, cúi mình xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối. Đoạn ông nói với người đầy tớ rằng: “Hãy lên đây nhìn về phía biển”. Người đầy tớ leo lên, đưa mắt nhìn, rồi thưa ông: “Không có gì hết.” Êlia lại nói với y: “Cứ xem lại bảy lần”. Đến lần thứ bảy (nó báo:) “Kìa, có đám mây nhỏ bằng vết chân người, từ biển kéo lên”. Êlia liền bảo: “Hãy lên tâu với Acáp chuẩn bị xe xuống gấp kẻo mắc mưa”. Đang lúc vua còn loay hoay thì bỗng trời tối om, mây bao phủ, gió thổi lên, trời đổ mưa như trút. Acáp lên xe đi Giêrahel. Tay Chúa phù hộ Êlia: Ông thắt lưng chạy trước Acáp cho đến khi tới Giêrahel. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 64, 10abcd. 10e-11. 12-13

Đáp: Lạy Chúa, Chúa đáng ca tụng trên núi Sion (c. 2a).

Xướng: 1) Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội, Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì. – Đáp.

2) Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất, Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa, Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất. – Đáp.

3) Chúa đã ban cho năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Người khơi nguồn phong phú. Đống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi bận xiêm y hoan hỉ. – Đáp. 

ALLELUIA: Ga 14, 29

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 5, 20-26

“Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!” Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

14/06/2018THỨ NĂM TUẦN 10 TN

Mt 5,20-26

LỄ VẬT XỨNG ĐÁNG NHẤT

“Hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,24)

Suy niệm: Trong các cuộc đua ghi tên vào sách kỷ lục thế giới Guinness, độc đáo nhất có lẽ là con đường dài nhất: Đường Cao Tốc Pan-American, dài trên 48.000km, bắt đầu từ Vịnh Prudhoe ở Alaska, đi qua 17 quốc gia xuống tận thành phố cực nam của Nam Mỹ là Ushuaia của Argentina, nơi được mệnh danh là “Tận Cùng Thế Giới”. Thế nhưng, trong cuộc sống thực tế của mỗi người cũng như đời sống xã hội, con đường dài nhất lại là những con đường vô hình, “con đường đi từ cái đầu đến trái tim” (từ một cuốn sách của Maria Durso). Đường cao tốc Pan-American có một đoạn chừng trên 100km gọi là “Vực Darién” không thể đi qua bằng các phương tiện cơ giới thông thường nhưng người ta cũng đã có cách vượt qua; còn con đường từ cái đầu đến trái tim có một vực thẳm chỉ có thể nối liền bằng tình yêu thương, sự tha thứ, hoà giải với nhau. Bởi thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã nhắc nhở các môn đệ: hãy yêu thương, hãy làm hoà với nhau trước rồi hãy đến dâng lễ tế sau.

Mời Bạn: Thiên Chúa cần lòng nhân chứ không cần hy lễ; và hy lễ chỉ đẹp lòng Chúa khi phải xuất phát từ tình thương. Bạn có dám vượt trên mọi lo lắng, toan tính, và sợ hãi để yêu thương không? Bạn có tin và sống như thánh Âu-tinh nói: Cứ yêu thương trước rồi làm gì hãy làm sau không?

Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình: tôi làm việc này việc khác có phát xuất từ động lực của tình yêu hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ước mơ nhiều nhưng con vẫn chưa dám yêu. Xin cho con biết yêu như Chúa yêu để xứng đáng là con Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG SÁU

Tham Dự Vào Sự Sống Của Thiên Chúa

Con người có thể đi vào trong một quan hệ giao ước với Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của chính Thiên Chúa. Điều này làm cho con người có thể hiểu biết chân lý và chọn lựa những gì đúng và tốt. Thật vậy, sự kiện con người mang hình ảnh Thiên Chúa chính là căn bản cho tiếng gọi tham dự vào sự sống nội tại của Thiên Chúa. Như vậy Thiên Chúa có thể mạc khải những thực tại siêu nhiên cho con người.

Đây là một mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa đã vén mở cho chúng ta. Ngài đã tạo thành chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, không chỉ để cho ta có thể trở thành người một cách trọn vẹn, mà còn để ta có thể chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Thật là một ân huệ quá mức tưởng tượng! Nói cách khác, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã trao cho chúng ta tất cả những mạc khải và những ân sủng ta cần để ta có thể chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta có tất cả những gì mình cần để đạt đến định mệnh tròn đầy của mình trong Đức Kitô và triển nở trong sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 14/ 6

1V 18, 41-46; Mt 5, 20-26.

Lời suy niệm: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ tại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”

            Chúa Giêsu đang đòi hỏi nơi mỗi người Kitô hữu phải sống và chu toàn Lề Luật một cách tích cực và sẵn sàng hy sinh, dẹp bỏ tất cả mọi ước muốn trái ngược với đạo đức của đức mến, để giúp con người đạt đến tình yêu trọn vẹn hơn.

            Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sửa đổi và điều chỉnh sự khôn ngoan của loài người. Xin cho chúng con luôn lắng nghe Lời Chúa dạy, để sống tích cực và có trách nhiệm hơn với người anh em chung quanh.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

14 Tháng Sáu

Tôi Biết Chạy Ðến Với Ai? 

Sau khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.

Câu chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.

Người ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: “Tôi biết đi đến với ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết! Tô không biết phải chạy đến với ai nữa”.

Em bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: “Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?”.

Chúa Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ… hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: “Nếu các ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời”.

Tuổi thơ thường gắn liền với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của trẻ thơ cho bằng tiếng “Mẹ”. Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng kêu mẹ… Mẹ là tất cả của trẻ thơ.

Mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 10 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: 1 Kgs 18:41-46; Mt 5:20-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên nhẫn đưa tha nhân về với Thiên Chúa.

Con người sống xa cách Thiên Chúa vì rất nhiều lý do: không có cơ hội được nghe Lời Chúa, sống trong gia đình cha mẹ không thực hành đức tin, sống trong xã hội quá chú trọng tới vật chất và chống những giá trị tôn giáo… Rất dễ cho chúng ta kết tội tha nhân và “đường ai nấy đi, mạnh ai nấy sống.” Đức Kitô không cho phép các môn đệ kết tội tha nhân cách dễ dàng như thế; nhưng muốn họ trở thành muối và ánh sáng để đưa những anh chị em lầm đường lạc lối trở về.

Các bài đọc hôm nay đưa ra những bài học cụ thể để làm gương cho các tín hữu. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah sau khi đã chứng minh cho con cái Israel biết đâu là Chúa thật bằng phép lạ Đức Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ, ông ra lệnh cho vua Ahab và toàn dân phải ăn chay để tỏ lòng ăn năn thống hối trước khi cầu khẩn Thiên Chúa cho mưa rơi để chấm dứt những năm hạn hán. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kết tội mọi hình thức tức giận, khinh thường và kết tội tha nhân. Thay vào đó, các môn đệ phải luôn có lòng tha thứ và sống hòa thuận với mọi người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương Dân Ngài.

1.1/ Những việc làm tỏ lòng ăn năn thống hối: Mục đích Thiên Chúa sửa phạt là vì yêu thương: để dân chúng nhận ra lỗi lầm và trở về với Ngài, chứ không phải vì tức giận mà tiêu diệt. Sau khi toàn dân đã nhận ra sai lầm của việc thờ thần Baal, Elijah yêu cầu vua Ahab và toàn dân ăn chay để tỏ lòng thống hối, và ông sẽ cầu nguyện với Thiên Chúa để Ngài đổ mưa xuống trên dân. Khi hết thời hạn ăn chay, ông Elijah nói với vua Ahab: “Xin mời vua lên mà ăn uống, bởi vì có tiếng mưa rào!” Vua Ahab liền lên ăn uống.

Trong khi đó, ngôn sứ Elijah trèo lên núi Carmen. Đỉnh núi Carmen là ngọn núi cao nhất gần Sidon, nhìn ra biển Mediterranean, tại đây, ngôn sứ Elijah có thể nhìn thấy những đám mây đen mang nước mưa vào từ biển. Elijah “cúi xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối.” Đây có lẽ là vị thế cầu nguyện nghiêm trọng nhất để khẩn cầu ơn Chúa xuống. Trên đỉnh núi này, ngày nay vẫn còn một nhà nguyện và chỗ cầu xin của ngôn sứ Elijah cho khách hành hương kính viếng. Vào ngày đẹp trời, du khách có thể nhìn thấy đồng bằng Jezreel chạy cho tới biển hồ Galilee từ đỉnh núi này về phía Đông Nam.

1.2/ Hạn hán chấm dứt: Ông Elijah bảo đầy tớ: “Con đi lên và nhìn về phía biển.” Nó đi lên, nhìn và nói: “Không có gì cả!” Ông bảo: “Hãy trở lại bảy lần.” Ngôn sứ Elizah cầu nguyện kiên trì bảy để xin ơn Thiên Chúa lần mỗi khi đầy tớ lên đỉnh núi. Lần thứ bảy, nó nói: “Kìa có một đám mây nhỏ bằng bàn tay người đang từ biển bốc lên.” Ông nói: “Con hãy lên thưa với vua Ahab: xin vua thắng xe và xuống kẻo bị kẹt mưa.” Lập tức trời kéo mây đen nghịt và nổi gió, rồi trút mưa lớn. Vua Ahab cỡi xe đi Jezreel.

Trong khi đó, “tay Đức Chúa đặt trên ông Elijah; ông thắt lưng và chạy trước vua Ahab cho tới lúc vào vùng đồng bằng Jezreel.” Đây là cuộc chạy đua chiến thắng vì ngôn sứ Elijah đã được Thiên Chúa cho thắng trận huy hoàng. Ông đã làm cho vua Ahab và toàn dân quay trở về với Thiên Chúa và chấm dứt hạn hán.

2/ Phúc Âm: Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisees, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

Tôn trọng phẩm giá của tha nhân: Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisees, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Chúng ta cần nhớ chương 5 của Tin Mừng Matthew bắt đầu bằng Bát Phúc là những lời dạy của Chúa Giêsu giúp các môn đệ trở nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Chúa Giêsu thường dùng công thức: “Người xưa dạy… còn Ta, Ta dạy… ” Trong trình thuật hôm nay, Ngài đòi các môn đệ phải ăn ở tốt lành và công chính hơn các kinh sư trong hai lãnh vực:

2.1/ Phải tôn trọng phẩm giá của tha nhân: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân vô đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.”

Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ biết có nhiều cách giết người, chứ không phải chỉ giết người về phương diện thể lý. Chúng ta có thể giết tha nhân bằng việc:

– Giận dữ: Hai chữ được dùng trong Hy-lạp: thurmos (giận dữ) cho những cơn giận nóng lên rồi hạ hỏa ngay và orge (cho những cơn giận dai dẳng, giận cho đến mãn đời). Chúa Giêsu ngăn cấm các môn đệ không được giận dữ, “ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.”

– Khinh thường tha nhân: Raca trong Hy-lạp là chữ khó dịch, có thể dịch như “đồ ngu ngốc hay điên rồ về phương diện trí tuệ.” Chúa Giêsu luận tội: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.” Căn bản cho lời luận tội này là mọi người đều được Thiên Chúa dựng nên.

– Mắng anh em là moros (điên rồ về phương diện luân lý): Những người này có thể là những người vô thần hay sống một cuộc sống đồi trụy. Chúa Giêsu luận tội: “Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” Bổn phận của các môn đệ là phải kiên nhẫn đưa họ về, chứ không phải mắng mỏ, buộc tội.

2.2/ Cần phải tha thứ: Truyền thống Do-thái cũng như Kitô hữu tin mối liên hệ hàng dọc với Thiên Chúa tùy thuộc vào mối liên hệ hàng ngang với tha nhân: một người phải tha thứ cho anh em trước khi muôn được Thiên Chúa tha thứ. Theo truyền thống Do-thái, mỗi khi vô tình phạm tội, hối nhân phải dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ cho những tội đã phạm. Trường hợp liên quan tới mối liên hệ với con người, họ phải làm hòa với nhau trước khi có thể giao hòa với Thiên Chúa. Thần học về Bí-tích Giải Tội cũng đòi hối nhân phải tha thứ cho người xúc phạm đến mình như Thiên Chúa đã tha thứ cho hối nhân.

Ngoài ra, ăn ở hài hòa giúp con người tránh được những nhức đầu trong cuộc sống: Cha ông chúng ta vẫn dạy “dĩ hòa vi quí;” người hiền lành sẽ được mọi người thương mến. Ngược lại, những người khó chịu, cau có, sẽ chuốc cho mình những ghen ghét, tranh tụng, và mất bình an. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: ”Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không được giận dữ, khinh thường, hay buộc tội tha nhân; nhưng phải luôn tìm dịp cho họ có cơ hội ăn năn thống hối và trở lại với Thiên Chúa.

– Trở nên tốt là một tiến trình đòi kiên nhẫn và thời gian. Chúng ta cần kiên nhẫn giáo dục tha thứ, và khuyến khích tội nhân trên đường về với Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************