Ngày thứ năm (16-03-2023) – Trang suy niệm

15/03/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm tuần 3 Mùa Chay – Năm A

BÀI ĐỌC I: Gr 7, 23-28

“Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ”.

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: Ta truyền cho họ lời này: Các ngươi hãy nghe lời Ta, thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân Ta. Các ngươi hãy đi trong mọi đường lối mà Ta truyền dạy cho các ngươi, để các ngươi được hạnh phúc. Nhưng họ không nghe, họ không chịu lắng tai, họ vẫn chạy theo ý định và lòng xấu xa của họ, họ đã ngoảnh mặt đi chứ không nhìn Ta. Từ ngày cha ông họ ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, ngay từ sáng sớm, Ta lần lượt sai các tiên tri tôi tớ của Ta đến với họ, nhưng họ không nghe Ta, không chịu lắng tai nghe. Họ tỏ ra cứng đầu cứng cổ, và còn sống tệ hơn cha ông họ! Ngươi có nói cho họ biết tất cả các điều ấy, thì họ sẽ không nghe ngươi đâu; Vậy ngươi hãy nói cho họ biết: Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ, không chấp nhận kỷ luật, lòng trung tín đã mất và miệng họ không còn nhắc đến nữa.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Các bạn đừng cứng lòng (c. 8).

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi; chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.

Câu Xướng trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2

Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

PHÚC ÂM: Lc 11, 14-23

“Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi. “Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

16/03/2023 – THỨ NĂM TUẦN 3 MC

Lc 11,14-23

NƯỚC THIÊN CHÚA Ở GIỮA TA

“Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Mt 11,20)

Suy niệm: Bảo vệ hay vệ sĩ là nghề mới phát triển trong những năm gần đây. Để là bảo vệ hay vệ sĩ, người ta phải có ngoại hình khỏe mạnh. Thế nhưng, nhiều lúc họ phải chịu thúc thủ trước những người mạnh hơn, võ trang đầy đủ hơn. Đức Giê-su đã dùng một hình ảnh tương tự để nói lên sự chiến thắng trổi vượt của Ngài trước Xa-tan. Ngài là người “mạnh hơn” nên thắng được Xa-tan và tước đi vũ khí của hắn, đem lại ơn giải phóng toàn diện cho con người. Như vậy, Nước Thiên Chúa ngự trị ở giữa chúng ta khi ta được giải phóng ra khỏi “cái tôi” chật hẹp ích kỷ của lòng mình, khi ta an bình sống theo tinh thần Tám Mối Phúc thật, khi tâm trí ta cùng âu lo và hy vọng với nỗi đau và niềm vui của người lân cận…

Mời Bạn: Bạn hài lòng khi thấy nhà thờ đông đúc, các nghi lễ đông người, giờ đọc kinh đông đảo. Tuy nhiên, điều đó chưa bảo đảm cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ở giữa bạn. Cộng đoàn của bạn còn cần phải tiêu diệt mọi hình thức sự dữ và đau khổ nơi con người, trong môi trường sống của bạn. Đó mới là sự bảo đảm chắc chắn.

Chia sẻ: Nước Xa-tan hay Nước Thiên Chúa ngự trị trong xã hội của bạn? Làm gì để Nước Thiên Chúa hiển trị?

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi sẽ cộng tác với Chúa, đẩy lùi nước Xa-tan ra khỏi tâm hồn, gia đình mình qua việc bỏ đi một thói hư tật xấu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã giải phóng và đưa chúng con vào Vương Quốc của Chúa. Xin cho chúng con cộng tác với Chúa trong việc đẩy lùi mọi bóng tối, sự dữ ra khỏi tâm hồn và gia đình chúng con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Đức Giêsu vừa mới trục xuất được một quỷ câm.
Khi quỷ xuất ra thì người câm nói ngay được (c. 14).
Cùng với sự ngạc nhiên thích thú của đám đông,
còn có sự vu khống xuyên tạc của một số người khác.
Họ cho rằng chẳng qua Đức Giêsu chỉ là kẻ dựa dẫm Bêendêbun.
Bêendêbun là tên của một vị thần ở vùng Canaan.
Người Do-thái vẫn coi các thần dân ngoại là ma quỷ (1Cr 10, 19-20).
Ở đây, Bêendêbun chính là quỷ vương, là Xatan (c. 18).
Như thế Đức Giêsu bị tố cáo là người cùng phe với quỷ,
dùng tay tướng quỷ để trừ các quỷ nhỏ.

Đức Giêsu cho thấy sự sai lầm của lập luận này.
Ngài nhắc đến nước của Xatan, một nước hiện vẫn còn đứng vững (c. 18).
Nước ấy chưa sụp đổ vì không có sự chia rẽ giữa các quỷ với nhau,
nên không thể bảo là Ngài dùng quỷ vương để trừ quỷ nhỏ.
Vả lại, có những người Do-thái khác cũng trừ quỷ như Ngài.
Có ai dám bảo là họ thông đồng với quỷ vương không ? (c. 19).

Đức Giêsu vén mở cho thấy ý nghĩa của việc Ngài trừ quỷ.
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ,
thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (c. 20).
Nước Thiên Chúa đến qua việc Đức Giêsu giải phóng.

Ngài giải phóng con người khỏi bệnh tật thân xác.
Ngài trả lại cho con người khả năng nghe, nói, nhìn.
Ngài kéo người bất toại đứng lên, đi được, đưa tay ra.
Ngài trả người phong về với cộng đoàn, đưa người chết ra khỏi mộ.
Trên hết, Ngài giải phóng con người khỏi sự chật hẹp của lòng mình.
Ngài mở con người ra trước nỗi đau và cô đơn của anh em.
Ngài nâng con người lên tới tầm cao của trái tim Thiên Chúa.
Như thế là con người được thật sự tự do.
Chỗ nào có tự do thật sự, chỗ đó có Nước Thiên Chúa.
Chỗ nào có Nước Thiên Chúa, chỗ đó nước của Xatan phải lui đi.

Cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa và nước Xatan vẫn tiếp diễn,
nhưng Nước Thiên Chúa đã đến rồi, ngón tay Thiên Chúa ở đây.
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trừ quỷ và mời chúng ta cộng tác.
Làm sao để con người hôm nay không còn bị ám bởi bất cứ thụ tạo nào,
không sụp lạy trước bao ngẫu tượng mới của thời đại?
Quỷ vẫn là kẻ mạnh, được vũ trang đầy đủ, đứng canh nhà của nó (c. 21).
Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu lại là người mạnh hơn (c. 22).
Người mạnh hơn tấn công, tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm.

Trong cuộc chiến này, chúng ta không có quyền mập mờ, hàng hai.
Mùa Chay mời chúng ta đứng hẳn về phía Giêsu,
vì ai không ở với Giêsu là chống lại Ngài,
ai không thu góp với Giêsu là phân tán (c. 23).
Hãy quyết định dứt khoát để cùng với Giêsu chiến đấu cho Nước Cha.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG BA

Luân Lý Tính Phải Được Đo Lường Bằng Thước Đo Của Thiên Chúa

Xuyên qua việc tuân giữ Thập Giới, con người sẽ trở nên tốt. Con người sẽ mặc lấy phẩm tính của Thiên Chúa. Còn nếu không tuân giữ Thập Giới, con người sẽ sa vào hành động xấu. Như vậy, Thập Giới trao cho chúng ta chuẩn mực để đo lường hành vi và đo lường chính cuộc sống của chúng ta. Trong tư cách là con người – có thể chọn lựa giữa cái đúng và điều sai – phẩm giá của chúng ta được nối kết một cách trực tiếp với sự vâng phục của chúng ta đối với luật luân lý của Thiên Chúa.

Vâng phục luật luân lý – đó không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một vấn đề xã hội. Nó cho chúng ta biết Thiên Chúa muốn chúng ta sống với tha nhân như thế nào. Nó hình thành cho chúng ta một tiêu chuẩn sống. Nó cho ta biết phải làm sao để bảo vệ và tôn trọng phẩm giá của người khác cũng như của mình. Qua đó, nó giải phóng người ta khỏi sự trói buộc của sự dữ. Đây không phải là chuyện hoa hòe, ‘tùy hỉ’chút nào; mà đây là vấn đề hết sức chủ yếu. Đấng trao ban Thập Giới là Thiên Chúa Gia-vê, là Đấng đã dẫn đưa con cái It-ra-en ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi tình cảnh nô lệ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 16/3

Gr 7, 23-28; Lc 11, 14-23.

LỜI SUY NIỆM: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”

          Chúa Giêsu đang mời gọi mỗi người trong chúng ta, phải biết hợp tác với Người, để khôi phục lại những gì mà Thiên Chúa đã sáng tạo mà Ngài cho là tốt đẹp. Đồng thời Người cũng đang cảnh cáo mỗi người trong chúng ta. Nếu chúng ta không hợp tác với Người để xây dựng đem lại hoà bình và hạnh phúc cho con người cũng như sự phát triển của các tạo vật khác tức là chúng ta đang chống đối lại với Người.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con học biết bốn nguyên tắc mà Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội đề ra đó là: “Nhân vi, Liên đới, Bổ trợ và Công ích” hầu có thể đem lại bốn lợi ích: “Sự thật, Tự do, Công lý và Tình yêu.” Và đặc biệt biết quan tâm đến người nghèo theo chủ trương của Giáo Hội: “Dành mọi ưu tiên cho người nghèo.” Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Ba

Cuộc Săn Thỏ 

Ðức hồng Y Carlo Martini, nguyên viện trưởng trường Kinh Thánh tại Roma và hiện là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải về Phúc Âm Thánh Gioan, câu chuyện sau đây:

Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ cuộc sống tu trì… Ðể giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã đưa ra hình ảnh của một đàn chó đi săn thỏ. Một chú chó trong đàn đã bất chợt nhận ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn chó và vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Không mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó bỗng chạy ùa theo. Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kì thực chỉ có một con chó là đã phát hiện ra con thỏ.
Sau một lúc săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì đa số đã không được nhìn thấy con thỏ. Chỉ duy chú chó đầu tiên đã phạt hiện ra con thỏ là tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.

Vị tu sĩ đãđưa ra kết luận như sau: “Ðã có rất nhiều tu sĩ đi theo Chúa, nhưng kỳ thực chỉ có một hoặc hai vị là đã thực sự thấy Chúa và hiểu được họ đang đeo đuổi điều gì. Số khác chạy theo vì đám đông hoặc vì họ nghĩ rằng họ đang làm được một điều tốt. Nhưng kỳ thực họ chưa bao giờ thấy Chúa. Cho nên khi gặp khó khăn thử thách, họ bắt đầu chán nản bỏ cuộc”.

Cuộc sống của người Kitô chúng ta có lẽ cũng sẽ ví được với một cuộc săn thỏ… Ở khởi đầu, ai trong chúng ta cũng hăm hở ra đi, ai trong chúng ta cũng đều làm rất nhiều cam kết, nhưng một lúc nào đó, khi không còn thấy gì đến trước mắt nữa, chúng ta bỏ cuộc buông xuôi… Ða số trong chúng ta hành động theo sự thúc đẩy của đám đông mà không cần tìm hiểu lý do của việc làm chúng ta. Người ta lập gia đình mà không hiểu đâu là cam kết của đời sống hôn nhân. Người ta gia nhập đoàn thể này, đoàn thể nọ, chúng ta cũng hăng hái tham gia mà không cân nhắc kỹ lưỡng các lý do tại sao chúng ta tham dự. Và biết đâu, người ta đi nhà thờ, chúng ta cũng đi nhà thờ mà không bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta đi nhà thờ. Người ta đi xưng tội rước lễ, chúng ta cũng đi xưng tội rước lễ mà có lẽ chưa bao giờ đặt ra câu hỏi nghiêm chỉnh tại sao chúng ta làm như thế… Dĩ nhiên, Ðức Tin của chúng ta cần phải được nâng đỡ từ gia đình, xã hội, bởi người khác. Nhưng chúng ta không thể quên được rằng trước hết Ðức Tin là một cuộc gặp gỡ cá vị giữa mỗi người và Thiên Chúa, Ðức tin là một cuộc hành trình trong đó mỗi con người phải tự thấy con đường mình đang đi… Chúng ta không thể sống đạo, giữ đạo vì người khác. Người Kitô có một đồng phục chung là Ðức Ái, nhưng cuộc sống của mỗi người không phải vì thế mà được đúc sẵn theo một khuôn mẫu, theo những công thức có sẵn, theo những lôi cuốn của đám đông.

Trong cuộc hành trình Ðức Tin, chúng ta cùng đồng hành với người khác, nhưng mỗi người cần phải thấy rõ địa điểm mình đang đi tới. Có thấy rõ như thế, mỗi khi gặp mệt mỏi, chông gai thử thách, chúng ta mới có thể kiên vững tiếp tục tiến bước.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần III – MC

Bài đọc: Jer 7:23-28; Lk 11:14-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết nghe lời Thiên Chúa là điều kiện để đạt hạnh phúc.

Khi phải đối diện với Lời Chúa hay những công việc Chúa làm, con người thường có ba thái độ chính: tích cực vâng lời và làm theo những gì Thiên Chúa răn bảo; hay dửng dưng coi thường “khó quá, ai làm nổi;” hoặc tiêu cực tìm lý do phê bình để khỏi phải làm như “ở Nazareth nào có cái chi hay!”

Các Bài Đọc hôm nay chú trọng nhiều đến phản ứng sau cùng, con người không những không nghe lời Thiên Chúa, lại còn phê phán buộc tội để khỏi phải nghe và làm theo. Trong Bài Đọc I, dân chúng không chịu nghe tiếng Thiên Chúa và cũng chẳng chịu nghe Jeremiah, ngôn sứ của Ngài. Đã vậy, họ còn mạ lỵ Jeremiah và còn tìm đủ cách để có cớ lọai trừ ông. Trong Phúc Âm, chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu khai trừ quỉ câm, một số người đã không tin uy quyền của Chúa Giêsu, lại còn mạ lỵ Ngài: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ.” Nói cách khác, họ có ý muốn nói: Chúa Giêsu là đồng bọn của ma quỉ để dân chúng đừng tin vào Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đây là dân tộc không biết nghe tiếng Đức Chúa.

1.1/ Dân Chúa phải nghe tiếng Thiên Chúa: Nghe tiếng Thiên Chúa là điều kiện trước tiên để con người nhận ra sự thật hay ý định của Thiên Chúa cho con người. Con người phải biết nghe thì mới biết cách làm; nếu con người không chịu nghe thì sẽ không biết cách làm hoặc làm sai. Nếu làm sai, con người sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả xấu. Nếu một người không nghe theo tiếng Thiên Chúa, người đó không còn là con Thiên Chúa nữa. Vì thế, Chúa truyền cho con người: “Hãy nghe tiếng Ta thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta. Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc.”

Không nghe tiếng Thiên Chúa là lý do con người đã không tiến tới mà còn lùi bước. Con người không muốn nghe tiếng Thiên Chúa vì họ kiêu ngạo nghĩ mình đã biết cách giải quyết vấn đề, hay nghe theo tiếng của thần khác Thiên Chúa. Đây là tình trạng của dân tộc Israel trước Thời Lưu Đày, như Jeremiah trình thuật: “Nhưng chúng chẳng nghe, chẳng để tai, cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa ngoan cố xấu xa; chúng đã lùi chứ không tiến.”

1.2/ Dân Chúa phải nghe tiếng các ngôn-sứ của Thiên Chúa: Vì tình thương, Thiên Chúa không sửa phạt dân ngay; nhưng Ngài luôn sai các ngôn sứ của Ngài tới để kêu gọi dân chúng ăn năn trở lại: “Từ ngày cha ông chúng ra khỏi đất Ai-cập tới nay, ngày này qua ngày khác, Ta không ngừng sai tất cả các tôi tớ của Ta là các ngôn sứ đến với chúng; nhưng chúng đã không nghe, cũng chẳng để tai, lại ra cứng đầu cứng cổ. Chúng hành động còn xấu hơn cả cha ông chúng nữa.”

Chúa nói trước với Jeremiah về sự cứng lòng của dân, để ông biết Ngài đã kiên nhẫn sửa dạy dân; và cũng để ông khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự cứng lòng của họ: “Vậy, ngươi sẽ nói với chúng tất cả những điều ấy, nhưng chúng chẳng nghe đâu; ngươi sẽ gọi chúng, chúng chẳng trả lời đâu.” Sau cùng, tiên tri Jeremiah phải đồng ý với Thiên Chúa: dân chúng xứng đáng chịu hình phạt và thời chiến tranh và lưu đày phải xảy ra, vì “Đây là dân tộc không biết nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của mình, không chấp nhận lời sửa dạy: sự chân thật đã tiêu tan và biến khỏi miệng nó.”

2/ Phúc Âm: Thái độ tiêu cực của con người:

2.1/ Thái độ của con người trước phép lạ Chúa Giêsu làm: Có 3 phản ứng của con người khi họ chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu chữa một người khỏi quyền lực của quỉ câm:

(1) Đám đông lấy làm ngạc nhiên.

(2) Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ.”

(3) Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Vừa chứng kiến dấu lạ, lại đòi một phép lạ khác trước khi có thể tin!

2.2/ Thái độ tích cực của Chúa Giêsu: Ngài kiên nhẫn cắt nghĩa và muốn họ nhận ra hai điều:

(1) Một người không thể dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ: Một người có thể dựa thế người khác để làm tất cả mọi điều, nhưng không thể để khai trừ những người thuộc quyền họ; vì đòan kết là điều kiện chính để sinh tồn: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? Bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ.” Hơn nữa, có nhiều người trừ quỉ trong Israel trước thời Chúa Giêsu; ngay cả Vua Solomon cũng trừ quỉ bằng các cây cỏ. Vì thế, nếu họ tố cáo Chúa Giêsu thuộc về ma quỉ, họ cũng tố cáo tất cả những người này: “Nếu tôi dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.”

(2) Chúa Giêsu đến để vô hiệu hóa các quyền lực của ma quỉ: “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” Ngài cắt nghĩa thêm: “Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.” Ma quỉ chỉ có quyền lực trên con người, trong lâu đài của chúng là thế gian này. Vương quốc của chúng được an tòan khi Chúa Giêsu chưa đến. Nhưng khi Triều Đại của Ngài đến, mọi sự thay đổi. Vì Ngài có quyền lực mạnh hơn ma quỉ, nên Ngài có thể khai trừ chúng khỏi con người như trình thuật hôm nay. Ngài vô hiệu hóa các vũ khí chúng dùng để cai trị con người như: kiêu ngạo, tham muốn, hưởng thụ vật chất … Một khi con người quyết tâm theo Chúa, ma quỉ sẽ không dám đụng chạm tới họ. Ma quỉ chỉ có quyền trên những ai muốn ở lại với chúng.

2.3/ Không thể giữ thái độ trung lập trên bước đường theo Chúa: Truyền thống Do-thái tin cuộc đời này là bãi chiến trường tranh chấp giữa quyền lực của Thiên Chúa và của ma quỉ, giữa con cái của ánh sáng và của bóng tối. Trong cuộc giao chiến này, con người không thể đứng trung lập: Họ phải chọn giữa Thiên Chúa hoặc ma quỉ, giữa ánh sáng và bóng tối, như Chúa Giêsu tuyên bố: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” Một người chọn đứng bên lề, chọn không tham gia những công việc hữu ích, là chọn để giúp cho các công việc gây thiệt hại có cơ hội phát triển. Họ cũng không thể chọn cả hai bên: vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi ma quỉ, vì hai bên không đội trời chung.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nghe theo tiếng Chúa là điều kiện tiên quyết để con người có hạnh phúc.

– Chúng ta cần có thái độ tích cực để nhận ra và thi hành điều hữu ích trong cuộc sống. Cần tránh thái độ tiêu cực chỉ biết “vạch lá tìm sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân.

– Không cộng tác với Thiên Chúa là cộng tác với ma quỉ. Không có thái độ trung lập và cũng chẳng có thái độ làm tôi hai chủ trong cuộc đời này.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************