Ngày thứ năm (21-01-2021) – Trang suy niệm

20/01/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần II Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 7, 25 – 8, 6

“Người chỉ dâng của lễ một lần khi hiến dâng chính Mình”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Giêsu có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng của lễ, trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính Mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm thượng tế đến muôn đời.

Điểm chính yếu về các điều đang đề cập đến là: chúng ta có một Thượng tế như thế ngự bên hữu Đấng Tối Cao trên trời, với tư cách là chủ tế trong đền thờ, và trong nhà tạm chân thật mà Chúa – chứ không phải người phàm – đã dựng nên. Quả thật, mọi thượng tế được đặt lên là để hiến dâng lễ vật và hy tế, vì thế, vị thượng tế này cần phải có gì để hiến dâng. Vậy nếu Người còn ở trần gian, thì Người cũng không phải là tư tế, vì đã có những người phụ trách hiến dâng của lễ theo lề luật. Việc phượng tự mà họ làm chỉ là hình bóng những thực tại trên trời, như lời đã phán cùng Môsê khi ông sắp dựng nhà tạm rằng: Chúa phán: “Ngươi hãy xem, ngươi sẽ làm mọi sự theo mẫu Ta đã chỉ cho ngươi trên núi”. Hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Đấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng:

1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.

2) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.
– Đáp.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.

4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Mt 4, 4b -Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 3, 7-12

“Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: ‘Ngài là Con Thiên Chúa’, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

21/01/2021 – THỨ NĂM TUẦN 2 TN

Th. A-nê, trinh nữ, tử đạo

Mc 3,7-12

TÌM ĐẾN VỚI CHÚA

Từ miền Ga-li-lê,… từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem,… người ta lũ lượt đến với Người. (Mc 3,7.8)

Suy niệm: Khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ công khai, nhiều người tìm đến với Ngài, nhưng cũng vì thế Ngài trở thành cái gai trong mắt giới lãnh đạo Do Thái; thế nên Ngài và các môn đệ phải tạm lui về phía Biển Hồ Ga-li-lê. Dù vậy, hữu xạ tự nhiên hương, dân chúng vẫn tìm đến với Chúa Giê-su. Không khó để nhận ra lý do tại sao người ta lũ lượt đến với Chúa: Chúa có quyền năng trừ quỷ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Tuy nhiên, Chúa không phải là thầy thuốc càng không phải là thầy phù thủy, mà là Con Thiên Chúa làm người. Bệnh tật là điều gắn liền với thân phận con người. Sinh, bệnh, lão, tử: có được chữa lành khỏi bệnh rồi một ngày kia cũng phải lìa bỏ cuộc sống này. Qua việc chữa bệnh, trừ quỷ, Chúa hướng con người đế sự sống đời đời, hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mời Bạn: Động cơ của chúng ta khi đến với Chúa không còn là ơn chữa lành bệnh tật phần xác, song ưu tiên hướng đến việc được thánh hóa xác hồn. Ki-tô hữu là người có Chúa, người mang Chúa trong mình. Đó chính là hệ quả việc chúng ta đi theo, làm môn đệ của Ngài. Bạn đang thờ phượng Chúa vì động cơ gì thúc đẩy?

Sống Lời Chúa: Điều làm đẹp lòng Chúa hơn cả là ta nhìn nhận Chúa Giê-su thực sự là Con Thiên Chúa, là Thiên- Chúa-làm-người đang ở giữa ta trong khung cảnh đời thường mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạỵ Chúa, chúng con ước mong có nhiều người tìm đến với Chúa vì nhận ra tình thương của Chúa qua cách ăn nết ở của chúng con. Xin biến chúng con trở thành khí cụ tình yêu.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay được coi là một bản tóm lược
những hoạt động của Đức Giêsu tại vùng phía biển hồ.
Có vẻ Ngài rút lui về vùng này không phải vì sợ bị hãm hại (Mc 3, 6),
nhưng để mở rộng phạm vi hoạt động hơn.
Như trước đây không lâu, mọi người từ vùng Giuđê và Giêrusalem
kéo tới xin chịu thanh tẩy bởi ông Gioan (Mc 1, 5),
giờ đây một đám đông lớn hơn từ khắp mọi vùng đổ xô đến với Đức Giêsu.
Có thể nói cả dân Ítraen hào hứng tụ họp bên ngài (Mc 3, 7-8).
Chưa bao giờ Đức Giêsu thành công đến thế !

Nhưng nhiều người trong đám đông khổng lồ này lại là những bệnh nhân.
Họ theo Đức Giêsu vì họ đã nghe biết những phép lạ chữa bệnh ngài làm.
Đức Giêsu xin các môn đệ chuẩn bị một chiếc thuyền
để nếu bị chen lấn quá trên bờ, ngài còn có thể xuống thuyền mà tránh đám đông.
Những bệnh nhân tin rằng mình có thể được chữa lành nhờ chạm đến Ngài.
Có những người chỉ xin chạm vào tua áo choàng của Ngài (Mc 6, 56).
Họ không chờ Đức Giêsu đến với họ.
Chính họ chủ động chen lấn để chạm đến Đức Giêsu.
Họ không cần Ngài phải làm gì hay nói gì,
họ chỉ cần chạm đến trong lòng tin là mọi bệnh tật được chữa khỏi.

Dù y khoa đã đạt được những bước tiến đáng kể,
nhưng ai có thể thống kê hết số bệnh nhân trên thế giới.
Con người hôm xưa chạy đến với Đức Giêsu để xin được chữa lành
khỏi ách nặng nề của bệnh tật thân xác và tinh thần.
Con người hôm nay cũng chạy đến với Giáo Hội để xin được chữa lành.
Mọi nhà thương, phòng khám bệnh hay phát thuốc của người Công giáo,
đều là nơi các bệnh nhân gặp được Đức Giêsu.
Nơi đây họ chạm được vào con người nhân hậu của Ngài,
và nơi đây Đức Giêsu chạm đến họ qua bàn tay của những y bác sĩ Công giáo.
Con người hôm nay nhận ra Chúa Giêsu
không nhờ sự giới thiệu của quỷ: “Ông là Con Thiên Chúa.”
nhưng nhờ sự phục vụ khiêm hạ của những lương y sống như Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Ðiều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

21 THÁNG GIÊNG

Những Người Thất Nghiệp – Mối Ưu Tư Nặng Trĩu Lòng Tôi

Tôi đặc biệt cảm thông tận đáy lòng mình hoàn cảnh của vô số anh chị em thất nghiệp. Họ muốn làm việc, nhưng không thể kiếm được một chỗ làm. Nhiều trường hợp, đó bởi vì nạn kỳ thị tôn giáo, giai cấp, chủng tộc, hay ngôn ngữ. Không có việc làm hay thiếu việc làm – tình trạng ấy gây ra nỗi chán chường và dễ làm cho người ta tự cảm thấy mình thừa thãi. Đó là nguyên nhân của nhiều xung đột trong các gia đình và thường dẫn đến bao phiền não lắm khi không thể tả xiết. Tình trạng ấy vừa làm suy yếu cấu trúc xã hội, vừa đe dọa chính phẩm giá của người ta, nam cũng như nữ, trong các gia đình.

Chúng ta cần có những sáng kiến mới mẻ để giải quyết vấn đề rất hệ trọng này. Những sáng kiến ấy sẽ đòi hỏi sự cộng tác trên bình diện quốc gia và quốc tế. Điều cực kỳ quan trọng, đó là những chương trình được phác họa để giải quyết vấn đề thất nghiệp phải thúc đẩy lòng tôn trọng và cảm thông giữa những người chủ việc và những người lao động đang tìm kiếm một chỗ làm.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 21/1

Thánh Anê, trinh nữ tử đao

Dt 7, 25-8-6; mc 3, 7-12.

LỜI SUY NIỆM: “Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.”

          Ơ đâu có Chúa Giêsu, ở đó tràn đầy phúc lành. Nên đám đông trong nhiều vùng khi nghe có Chúa hiện diện, họ đều tuôn đến để được nghe giảng dạy và được chữa lành. Ai ai cũng tin vào Người, họ tin đến nỗi không những chờ đợi Ngài đụng đến trên thân xác bệnh tật của họ, nhưng họ còn xác tín và vững tin; tự nhủ. chỉ cần làm sao được chạm đến  Người thì bệnh họ cũng được chữa lành.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong thân phận làm người, ai ai cũng đang mang trên mình những bệnh tật và tội lỗi, cần được Chúa chữa lành và tha thứ. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn tìm gặp Chúa để nhận được mọi phúc lành.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 21-01: Thánh ANÊ

Đồng trinh Tử đạo (khoảng + 304)

Một cuộc đời được gặt bởi gươm đao. Đó là tất cả. Không có nhiều việc, không có nhiều chuyện, nhưng danh tiếng đã nên lẫy lừng.

Một sử gia đã chân nhận như thế theo những lời truyền khẩu. Người ta biết rằng: Anê qua đời khoảng năm 12 tuổi. Cuộc khảo sát xương sọ cho biết như vậy. Người ta còn biết được rằng, theo thánh Ambrosiô, vào năm 375 đã cử hành các lễ kính thánh nữ và vị thánh trẻ trung này được trình bày như vị thánh tử đạo sau khi đã chiến đấu để giữ mình đồng trinh.

Người ta yêu cái tên của Ngài, Anê theo tiếng la-tinh có nghĩa là con chiên, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là trong trắng. Người ta muốn rằng Ngài có nét đẹp duyên dáng quyến rũ và thuộc gia đình quý phái. Các cô gái lập gia đình sớm. Trong số những chàng trai ngưỡng mộ Ngài, có con trai một vị tổng trấn, nhưng Anê tự cởi lòng đã chọn lựa vị hôn phu của mình.

Ngài đã nghe về Chúa Giêsu, đã trở thành Kitô hữu và đã tận hiến vĩnh viễn cho Chúa Kitô. Các trẻ em thời này hay có tư tưởng anh hùng vì đã được thấy dòng máu của những vị tử đạo tuôn đổ. Anê từ khước lời cầu hôn của người thanh niên lương dân và bị tố giác trước quan tổng trấn.

Theo một trong các cuộc đối chất tuyệt vời mà cả trăm nghìn Kitô hữu cho là chính xác, các lời hứa hẹn với những đe dọa chẳng có nghĩa lý gì đối với đức tin và lòng can đảm của thánh nữ. Người thiếu nữ từ chối không thờ lạy thần Minerva. Một ý tưởng quỷ quái nảy ra trong đầu óc quan tổng trấn. Ông truyền dẫn thiếu nữ đến xóm bất lương mặc cho bọn say mê nàng xâm phạm. Ngài bị lột hết y phục. Nhưng tóc dài phủ kín người Ngài. Hơn nữa nguồn sáng bởi trời bao quanh Ngài làm thành một chiếc áo trắng diệu kỳ. Con của vị tổng trấn định cả gan xâm phạm tới Ngài nhưng bị ngã chết như bị sét đánh. Anê đầy thương cảm đã xin thiên thần cứu sống anh và anh sẽ trở lại đạo.

Điều kỳ diệu không có giới hạn và mọi sự đều có thể cả. Bị đưa vào lò lửa, nhưng người thiếu nữ bất khuất không bị thiêu sống. Thánh Ambrôsiô nói: – Ngài đi chịu khổ hình một cách vui vẻ còn hơn một người đi vào loan phòng của mình, vì Ngài không đi đến cái chết nhưng đi vào bất tử, Ngài được trang điểm không phải bằng những trân châu ngọc báu, nhưng bằng ánh sáng siêu nhiên.

Các ngọn lửa vây kín mà không thiêu đốt Anê. Vậy Ngài phải bị chém đầu mới được. Và người ta thấy một thiếu nữ yếu ớt khuyến khích người lý hình tay chân run rẩy: – Chặt đi đừng sợ gì, để tôi sớm đến được với Đấng lòng tôi yêu mến.

Tường thuật đã được tiểu thuyết hoá và làm say mê lòng đạo đức của các tín hữu, nhưng sẽ không đủ để tên Ngài được quí trọng như vậy, nếu không chắc chắn rằng Anê là thánh trẻ tử đạo mà đức tin, đức mến và lòng ái mộ đức khiết trinh còn mạnh mẽ hơn cả sự chết.

Lịch sử thánh Anê còn được phép thêm bằng qua lời truyền khẩu về Emêrentiana, người chị em cùng một vú nuôi với Ngài. Vài ngày sau khi Anê tử đạo, dân ngoại bắt gặp Emêrentiana với các tín hữu khác cầu nguyện bên mộ Ngài.

Các Kitô hữu chạy trốn nhưng Emêrentina ở lại và bị ném đá. Cha mẹ Anê chôn cất nàng bên mộ con gái mình. đêm sau họ thức cầu nguyện và thấy Anê ở giữa các thánh nữ đồng trinh, với con chiên trắng hơn tuyết bên phải.

Thánh Anê nói với cha mẹ: – Đùng khóc vì con phải chết, trái lại cha mẹ hãy vui mừng vì con được hiệp nhất ở trên trời với Đấng con đã yêu mến hết lòng khi ở dưới đất.

Để nhớ đoạn lịch sử này, ngày 21 tháng giêng, sau thánh lễ cử hành trên mộ xác thánh Anê, người ta dẫn tới hai con chiên, lông kết sao vàng và đeo nải trắng một con, đỏ một con. Hai con chiên được đặt trên bàn thờ trong một giỏ mây, được chúc lành và dâng cho Đức Thánh Cha, sau đó được gởi về tu viện thánh Cêcilia.

Nơi đây các nữ tu nuôi chúng lớn lên, lông chúng dùng để dệt các “Pallium”, phẩm phục dệt bằng len trắng, có thêu thánh giá đen, mà Đức giáo hoàng gửi cho các Đức Tổng giám mục mặc trên áo choàng ngoài, như dấu hiệu tỏ sự kính trọng.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

21 Tháng Giêng

 Chiếc Khăn Tay Vấy Mực  

Ruskin là một nghệ sĩ, phê bình nghệ thuật kiêm xã hội học người Anh sống vào cuối thế kỷ 19.

 Một hôm, có một người đàn bà quý phái mang đến cho ông xem một chiếc khăn tay đắt tiền đã bị vấy mực. Bà ta xuýt xoa tiếc rẻ vì chiếc khăn tay đã hoàn toàn mất giá trị của nó. 

Ruskin không nói gì, ông chỉ xin cho ông mượn chiếc khăn tay trong một ngày. Ngày hôm sau, ông trao lại chiếc khăn tay cho người đàn bà mà cũng không nói một lời nào. Nhưng khi trải chiếc khăn tay ra, người đàn bà hết sức ngạc nhiên, bởi vì từ một vết mực trong góc của chiếc khăn, nhà nghệ sĩ đã biến thành một bức tranh tuyệt mỹ.

 Chiếc khăn tay có vấy mực tưởng đã bị vứt đi, nay đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật để đời.

 Những người có niềm tin vào cuộc sống không bao giờ bỏ cuộc trước những thất bại. Họ luôn biết biến những thất bại ấy thành khởi đầu của một thành công vĩ đại hơn. 

Người có niềm tin vào Thiên Chúa cũng luôn nhìn vào thất bại, rủi ro, đau khổ trong cuộc sống như cơ may của một ân phúc cao cả và dồi dào hơn.

 Dạo tháng 6 năm 1990, mục sư Anh giáo Michael Lapsley, người Zimbabwe bên Phi Châu, vì là mục sư Tuyên úy của tổ chức Quốc đại Châu Phi bao gồm các lực lượng tranh đấu cho quyền lợi của người da đen Nam Phi, đã bị quân khủng bố đặt chất nổ khiến ông bị cụt hai tay, mù một mắt và hỏng lỗ tai. Trong một tuyên ngôn công bố sau đó, ông đã viết như sau: “Họ đã lấy mất đôi tay của tôi. Nhưng tôi không buồn, bởi vì tôi không dùng đến võ khí để cần phải có đôi tay. Họ đã lấy mất một phần đôi mắt của tôi và thính giác của tôi, nhưng tôi vẫn còn có thể dâng hiến lời nói để tiếp tục rao giảng một cách xác tín và mạnh mẽ hơn”.

 Người ta vẫn thường nói: Yêu là chết trong lòng một ít. Tình yêu đích thực luôn luôn đòi hỏi hy sinh, mất mát. Nhưng chỉ có đôi mắt tình yêu mới nhận ra giá trị của những mất mát ấy.

 Qua cái chết trên thập giá như một tiêu hao hoàn toàn, Chúa Giêsu đã bày tỏ Tình Yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, ánh sáng của Tình Yêu đã chiếu sáng qua sự mất mát ấy. Qua những hao mòn trong từng ngày của cuộc sống Mẹ Maria, Tình Yêu của Thiên Chúa cũng được tiếp tục bày tỏ. Có cái chết độc ác, tức tưởi của Chúa Giêsu trên thập giá, thì cũng có cái chết âm thầm từng ngày của Mẹ Maria. Ngày nay, tình Yêu của Thiên Chúa cũng cần có những mất mát, hao mòn khác của người Kitô để được tiếp tục bày tỏ cho con người, bởi vì sứ mệnh của người Kitô chính là bổ túc cho những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ðức Kitô.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm, Tuần II TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 7:25 – 8:6; Mk 3:7-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là sự tòan hảo của Thiên Chúa.

            Trong cuộc sống, con người phải trải qua nhiều giai đọan thử thách và vấp ngã, trước khi đạt tới chỗ tòan hảo. Tục ngữ Việt Nam cũng nói lên điều này trong câu: “Thất bại là mẹ thành công.” Tác giả Thư Do-Thái đề cập đến quan niệm này ngay từ đầu Thư: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” Khi cái hòan hảo tới thì cái tạm thời qua đi. Điều quan trọng là con người cần nhận ra cái hòan thiện và tin theo, chứ không ngoan cố giữ lại cái cũ.

            Các Bài Đọc hôm nay nói lên vai trò quan trọng của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến 3 yếu tố quan trọng trong việc Chúa Giêsu hiến mình làm của lễ đền tội cho con người: Ngài vừa là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek, vừa là của lễ tòan hảo, và nơi Ngài dâng của lễ lên Thiên Chúa là ngai vàng nơi Thiên Chúa ngự trên trời. Trong Phúc Âm, khi nghe những gì Chúa Giêsu đã làm, dân chúng từ khắp nơi kéo đến để được nghe giảng và chữa lành bởi Chúa Giêsu; ngay cả các thần ô uế cũng khiếp sợ Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế thập tòan, vừa là của lễ hy sinh tòan hảo.

            1.1/ Của lễ của Thượng Tế Giêsu dâng thánh thiện và vẹn tòan hơn của lễ của Cựu Ước: Để chứng minh điều này, tác giả Thư Do-Thái đề cao những đặc tính của Chúa Giêsu: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.”

            (1) Chỉ dâng hy lễ một lần là đủ: “Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” Để hiểu ý tác giả, chúng ta cần so sánh vai trò của Chúa Giêsu là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek với vai trò của Thượng Tế theo phẩm trật Aaron:

            – Các Thượng-tế: có vai trò nổi bật trong Ngày Xá Tội, mỗi năm một lần. Trong ngày này, ông được quyền vào trong nơi Cực Thánh để dâng lễ đền tội cho dân. Trước khi có thể dâng lễ đền tội cho dân chúng, ông phải dâng lễ đền tội cho ông trước bằng lễ vật của chính ông. Sau đó, ông dâng lễ vật của dân để đền tội cho họ. Ngày Xá Tội cứ tiếp diễn mỗi năm như thế.

            – Thượng Tế Giêsu: Vì Ngài thánh thiện vẹn tòan, nên Ngài không cần dâng của lễ đền tội cho mình. Để đền tội cho dân, Ngài dâng chính thân mình làm của lễ đền tội. Đây là lễ vật hy sinh thánh thiện và tinh tuyền nhất, không một của lễ nào có thể so sánh được. Chính vì vậy, Ngài chỉ cần dâng một lần là đủ. Vì thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là lễ vật hy sinh; và vì Ngài sống mãi, nên biến cố hy sinh của Ngài trên Đồi Golgotha thay thế của lễ đền tội trong Ngày Xá Tội. Con người không cần lễ vật hy sinh của theo Luật Cựu Ước nữa.

            (2) Chúa Giêsu là Thượng Tế của Thiên Chúa và của con người: Tác gỉa kết luận: “Vì Luật Moses thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.” Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế tòan hảo, và của lễ Ngài dâng để đền tội cho dân cũng tòan hảo vì là chính bản thân của Ngài.

            1.2/ Thánh Điện để dâng của lễ là ngai vàng Thiên Chúa trên trời: Sau khi đã đề cập tới chức vụ Thượng Tế, và của lễ hy sinh đề tội, tác giả tiến đến chỗ dâng của lễ. Trong Cựu Ước, chỗ dâng của lễ là nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Trong Tân Ước, chỗ dâng của lễ là chính ngai vàng Thiên Chúa ngự: “Điểm chủ yếu trong những điều đang nói ở đây là điểm này: chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời.”

            (1) Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ dưới đất: là nơi Thiên Chúa hiện diện với con người. Nơi này được xây cất bởi con người theo một kiểu mẫu mà Thiên Chúa đã chỉ dạy cho Moses trên núi, nhưng nơi này “chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng thánh điện trên trời.”

            (2) Ngai Thiên Chúa trong Thánh Điện trên trời: Khi Chúa Giêsu dâng lễ vật hy sinh, Ngài dâng “trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên.”            Nói tóm, “Đức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”

2/ Phúc Âm: Mọi người từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giêsu.

            Bước đầu trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu thành công tốt đẹp: phần vì những lời giảng dạy của Ngài, phần vì những phép lạ Ngài làm cho dân chúng. Tiếng lành đồn xa, nên như trình thuật hôm nay kể, mọi người trong khắp vùng Cận Đông tuôn đến với Chúa Giêsu: “Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilee, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Judah, từ Jerusalem, từ xứ Idumea, từ vùng bên kia sông Jordan và vùng phụ cận hai thành Tyre và Sidon, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.”

            (1) Chúa Giêsu chữa con người khỏi mọi bệnh họan tật nguyền: Điều có sức hấp dẫn con người nhất là được chữa lành khỏi mọi bệnh họan tật nguyền. Dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu để được chữa bệnh. Ngài có năng lực của Thiên Chúa đến nỗi “ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.” Nếu cứ để họ chen lấn xô đẩy nhau để được đến gần và sờ vào Chúa, không khéo sẽ có nhiều tai nạn không may xảy ra. Hơn nữa, Chúa đến không phải chỉ để chữa bệnh, mà còn giảng dạy và mặc khải về Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã khôn ngoan “bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ.”

            (2) Các thần ô uế biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: Danh xưng “con Thiên Chúa” không nhất thiết chỉ bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu, vì danh xưng này được dùng để chỉ nhiều người như: các thiên thần (Gen 6:2), dân Do-Thái là con Thiên Chúa (Hos 11:1), vua của Do-Thái là con Thiên Chúa (II Sam 7:14), người công chính là con Thiên Chúa (Sir 4:10)… Các thần ô uế có thể nhận thấy một thứ quyền lực thánh thiện từ Chúa Giêsu đối chọi với sự ô uế của chúng, làm cho chúng không thể tồn tại, nên hỏang sợ kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúa Giêsu là sự tòan hảo của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng và học hỏi nơi Ngài để biết về Thiên Chúa.

            – Vì chúng ta không có thời gian nhiều để học hỏi mọi điều hay trong vũ trụ; điều quan trọng và cần thiết nhất chúng ta phải học là kiến thức về Thiên Chúa.

            – Chỉ một người duy nhất có thể mang đến cho chúng ta Ơn Cứu Độ là Chúa Giêsu qua hiến lễ hy sinh của Ngài trên Thập Giá.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************