Ngày thứ năm (21-03-2024) – Trang suy niệm

20/03/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần V Mùa Chay – Năm B

BÀI ĐỌC I: St 17, 3-9

“Ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong ngày ấy, Abram sấp mình xuống đất và Thiên Chúa phán cùng ông rằng: “Này Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng”.

Chúa lại phán cùng Abraham rằng: “Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 4-5. 6-7. 8-9

Đáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

 1) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết.  

2)Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.  

3)Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac.  

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Am 5, 14

Các ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ ở cùng các ngươi.

PHÚC ÂM: Ga 8, 51-59

“Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Người Do-thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: ‘Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết’. Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?”

Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Đấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”.

Người Do-thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”.

Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

21/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN 5 MC

Ga 8,51-59

LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

“Tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,52)

Suy niệm: Cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su với người Do Thái về sự sống, sự chết, nguồn gốc thần linh của Ngài ngày ấy diễn ra gay gắt, đến độ họ ném đá định giết Ngài. Chúa minh định Lời Ngài đem lại sự sống đời đời; còn người Do Thái bảo Ngài bị quỷ ám, vì ai cũng chết kể cả tổ phụ Áp-ra-ham của họ. Lời Chúa là Lời xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng Lời ấy cũng là chính con người Đức Giê-su, Ngôi Lời đang hiện diện nơi trần thế. Ai tin vào Ngài, tuân thủ Lời Ngài chính là tin vào Con Thiên Chúa, Đấng hằng hữu cùng Cha từ muôn đời. Quan niệm sự sống thuần thể lý nơi người Do Thái khiến họ không thể hiểu được ý nghĩa Lời Ngài nói, cũng như nhận ra Đấng sinh ra trước mọi thời gian đang đối diện với họ. Sự sống Ngài khẳng định ở đây không phải là sự sống thể lý hiện tại, nhưng thuộc bình diện khác, sự sống thiêng liêng của linh hồn. 

Mời Bạn: Cung cách cư xử của người Do Thái đối với Chúa Giê-su là lối cư xử “cả vú lấp miệng em” không thể dẫn đến chân lý Chúa muốn mạc khải. Từ kinh nghiệm đó, giờ bạn và tôi hãy tìm cách tiếp cận khác về Chúa Giê-su, đó là bình tâm suy nghĩ những Lời Ngài phán dạy, kiểm nghiệm hiệu quả của Lời, đừng vội kết luận cách nông nổi.

Sống Lời Chúa: Chính khi dành thời gian đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta sẽ dần dần được Chúa soi sáng cho thấy tác động của Lời hiệu quả thế nào trong cuộc sống người Ki-tô hữu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con xác tín Chúa mới có những Lời đem lại sự sống đời đời, vì Chúa là Đấng Hằng Sống. Lời ấy tạo ra các tương quan yêu thương cho đời con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.
Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi Đền thờ (c. 59).
Ném đá là hình phạt của người Do-thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.

Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng,
nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa ?
Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham.
Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ
vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56).
Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình,
mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới.
Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.
“Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58).

Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê
khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14).
Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó.
Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.
Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),
bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.
Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.

Đức Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.
Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình.
Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54).
Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ.
Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương,
và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28).

Có một sự phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu :
Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu là Con, là người được sai đi.
Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),
và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50).
Triệt để vâng phục và tùy thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta gặp cụm từ không tự mình.
Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm.
Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài (c. 51)
chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55).

Trong tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại.
Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến.
Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm.
Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.

Lời nguyện

Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.

Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.

Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.

Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

21 THÁNG BA

Lòng Cha Nhân Từ

Người Cha bồn chồn ngóng đợi đứa con đi hoang của mình quay về. Ông động lòng thương và thứ tha tất cả mọi lỗi lầm con mình đã phạm. Khi đứa con còn ở đàng xa, người Cha đã nhận ra bóng anh, và ông động lòng thương. Ông chạy đến, ôm anh vào lòng và hôn anh. Đứa con nói với Cha: “Lạy Cha, con đã lỗi phạm với trời và với Cha; con không đáng được gọi là con của Cha nữa”

Nhưng Cha ra lệnh cho các gia nhân: “Mau mang áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, đeo nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ giày vào chân cậu. Hãy hạ con bê béo để ăn mừng – vì con của ta đây đã chết nhưng nay sống lại, đã mất nhưng nay được tìm thấy.”(Lc 15,20 – 24)

Thiên Chúa đối xử với mỗi người chúng ta – là những tội nhân – với cùng một tình yêu vô điều kiện như thế. Ngài động lòng thương chúng ta khi chúng ta quay lại với Ngài bằng trái tim thống hối chân thành. Ngài tỏ cho chúng ta thấy Ngài có tấm lòng từ phụ biết bao.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 21/3

St 17, 3-9; Ga 8, 51-59.

Lời Suy Niệm: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8,51)

          Chúa Giêsu đang cho mỗi người trong chúng ta biết một điều rất quan trọng, đó là bất cứ ai biết tuân giữ Lời của Người, để đem vào cuộc sống của mình, thì không phải chết đời đời, nhưng được sống muôn đời. Điều này Chúa Giêsu đã từng nói: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây nhà trên nền đá.” (Mt 7,24-25). Không những thế, mà Chúa Cha cũng kêu mời tất cả chúng ta phải biết vâng nghe Lời Người: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7).

          Lạy Chúa Giêsu, xưa kia trong vườn địa đàng Thiên Chúa đã căn dặn Ađam: “Hết mọi trái cây trong vườn ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” (St 2,16-17). Nhưng, Nguyên Tổ đã lỗi phạm, không tuân giữ nên đã phải chết. Giờ đây Chúa cho chúng con biết: muốn có sự sống phải biết tuân giữ Lời Chúa. Xin cho tất cả chúng con tuân giữ và sống Lời Chúa suốt cuộc đời của chúng con, để chúng con có được sự sống đời đời. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

21 Tháng Ba

Hãy Ðếm Những Vì Sao!

Trong cuốn truyện thuộc loại tự thuật, một người cha ghi lại câu chuyện và những ý nghĩ sau đây:

Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo: “Bố ơi, con sẽ đếm xem trên trời có mấy ngôi sao”. Sau đó, tôi nghe giọng nói êm đềm, dễ mến của con tôi bắt đầu đếm: 1, 2, 3, 4… rồi tôi chú tâm vào việc đọc báo, không còn để ý đến những tiếng đếm của nó nữa. Ðến khi đọc xong bài báo, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng đứa con gái tôi vẫn tiếp tục đếm: 223, 224. Ðếm đến đây nó ngừng lại quay sang tôi bảo: “Bố ơi, con không dè trên trời có nhiều sao đến thế”.

Nghe con bình luận như trên, tôi chợt nhớ: Thỉnh thoảng tôi cũng thầm nói với Chúa: “Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành Chúa ban”. Và càng đếm hình như trái tim tôi càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu nhưng vì bị nhiều hồng ân đè nặng. Và tôi cũng thường bật lên lời bình luận như đứa con gái của tôi: “Lạy Chúa, con không dè đời con có nhiều ơn Chúa đến thế!”

Một trang nhật ký kia cũng mang một nội dung tương tự như những tư tưởng trên: Nếu có ai đưa tôi một đĩa đầy cát và bảo tôi tìm những mảnh sắt bé nhỏ nằm lẫn lộn trên cát, thì với đôi mắt và những ngón tay, tôi khó có lòng tìm ra được những mảnh sắt ấy. Nhưng với một thỏi nam châm tôi có thể dễ dàng và mau lẹ hút ra những vụn sắt nhỏ li ti trộn lẫn trong cát.

Một trái tim vô ân có thể so sánh với đôi mắt trần và những ngón tay vụng về của tôi mò mẫm trên đống cát, không tìm ra những ơn lành Thiên Chúa ban. Nhưng với một trái tim biết ơn, có thể so sánh với một thỏi nam châm, tôi có thể lướt nhanh qua mỗi giây phút của một ngày sống và khám phá ra nhiều hồng ân của Thiên Chúa, với một sự khác biệt là những mảnh sắt nhỏ trong đống cát của Thiên Chúa là những vật quý giá hơn vàng.

Nhiều người sống hời hợt nên thấy cuộc đời cũng như những biến cố xảy ra hằng ngày và những cảnh vật chung quanh mang toàn đen tối và vô giá trị như đất cát. Nhưng với những người sống có chiều sâu, các biến cố, những vật chung quanh, dầu tầm thường nhỏ bé đến đâu cũng là dịp để họ suy niệm và dâng lời cảm tạ: Một nụ hoa hồng chớm nở, những tia nắng trinh nguyên của một buổi sáng đẹp trời, một cái bắt tay thông cảm, một cử chỉ tha thứ, một sự giúp đỡ nho nhỏ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần V – MC

Bài đọc: Gen 17:3-9; Jn 8:51-59.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Thiên Chúa hứa với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.

Hơn một nửa dân số trên địa cầu hiện nay tuyên bố tổ-phụ Abraham là cha của họ: Do-thái giáo, Hồi-giáo, Kitô giáo (bao gồm tất cả những ai tin vào Đức Kitô); nhưng lại không nhận nhau là anh, chị, em! Người Do-thái cho rằng chị có họ là giòng dõi Abraham theo máu mủ của Isaac. Người Hồi-giáo cho họ cũng là giòng dõi của Abraham vì Ismael cũng là con của Abraham. Người Kitô giáo dựa vào giao ước Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ. Một sự đọc lại bản giao ước này cần thiết để xóa tan mọi ngộ nhận và giúp mọi người sống thân mật với nhau.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong giao ước Thiên Chúa ký kết với tổ-phụ Abraham. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Thế Ký tường thuật bản giao ước Thiên Chúa ký kết với tổ-phụ Abraham. Thiên Chúa sẽ làm cho ông thành “cha nhiều dân tộc,” chứ không phải chỉ dân tộc Israel mà thôi. Phần Abraham và giòng dõi ông, họ phải tin và tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Abraham đã vui mừng khi nhìn thấy ngày của Ngài; vì nhờ Ngài, lời Thiên Chúa hứa với tổ-phụ sẽ trở thành “cha nhiều dân tộc,” được thực hiện.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với tổ-phụ Abraham.

1.1/ Phía của Thiên Chúa:

(1) Ngài hứa ban vô số dân tộc: Đây là một lời hứa rất quan trọng. Chúng ta cần tìm hiểu chi tiết của lời hứa này:

– Tên Abram có nghĩa “Cha được vinh quang.” Chúa đổi tên cho ông thành Abraham có nghĩa “Cha của một đám đông, ab hamôn.” Tên này ám chỉ lời Thiên Chúa hứa với ông: “Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc.”

– Điều quan trọng của lời hứa là giòng dõi của ông sẽ không còn giới hạn trong vòng Israel, nhưng lan rộng ra đến các dân tộc. Nếu chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Israel, Abraham không thể có con cháu nhiều như sao trên trời và như cát ngòai bãi biển được.

– Làm sao để lời hứa này hiện thực? Thánh Phaolô giúp chúng ta trả lời, bằng niềm tin của con người vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gal 3:27-29).

– Vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi: Hai nhân vật quan trọng của giòng dõi Abraham là Vua David và Chúa Giêsu Kitô.

– Giao ước này là giao ước vĩnh cửu: không lệ thuộc vào thời gian và không gian, được trải dài đến muôn vàn thế hệ.

(2) Ngài hứa ban Đất Hứa: “Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.” Đất Hứa là đất Canaan mà Joshua và con cái Israel sẽ chiếm đóng khi từ Ai-cập trở về.

1.2/ Phần của Abraham: Bổn phận chính yếu của Abraham và tất cả giòng dõi của ông là phải luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa và làm những gì Ngài dạy.

2/ Phúc Âm: Sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và tổ-phụ Abraham

2.1/ Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết: Chúa Giêsu cũng tuyên bố một câu tương tự với Martha khi cô cầu xin với Ngài cho em là Lazarus được sống lại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Jn 11:25-26). Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói về cuộc sống thể lý; nhưng cuộc sống về đàng thiêng liêng. Những ai đã tin và giữ lời Chúa dạy, họ luôn sống; tuy họ sẽ phải chết về phần xác, nhưng đó chỉ là cách để đưa họ tới cuộc sống muôn đời với Thiên Chúa. Cuộc sống muôn đời trong tương lai đã bắt đầu ngay từ ở đời này.

Nhưng người Do-thái không hiểu ý Chúa Giêsu, nên họ nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự xưng mình là ai?”

2.2/ Lời hứa của Thiên Chúa với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.

(1) Chúa Giêsu biết Thiên Chúa và vâng lời Ngài: Chúa Giêsu tuyên bố: “Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông.” Con người có cố gắng lắm cũng chỉ biết phần nào của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biết Thiên Chúa như Thiên Chúa là, vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nếu con người muốn biết Thiên Chúa, họ phải tin vào những mặc khải của Chúa Giêsu. Hơn nữa, Chúa Giêsu luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự. Nếu con người muốn biết thế nào là tuân theo ý định của Thiên Chúa, họ cũng phải học nơi Chúa Giêsu. Ngài hòan tòan làm theo ý định của Cha Ngài. Người Do-thái tuyên bố họ biết Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, họ đã không biết và không vâng lời Ngài.

(2) Tổ-phụ Abraham và Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã chứng minh cho người Do-thái trong trình thuật hôm qua: họ không phải là con cháu Abraham, vì họ không làm những gì ông làm. Trong trình thuật hôm nay, Ngài lại chứng minh cho họ một lần nữa: họ không phải là con cháu Abraham, vì họ không vui mừng đón tiếp Ngài như Abraham: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Làm sao để hiểu lời tuyên bố này? Cách cắt nghĩa dễ nhất là dùng trình thuật của Lucas về dụ ngôn người phú hộ và Lazarus (Lk 16:22-31). Abraham đang ở trên trời nhìn xuống và thấy hết mọi sự. Nhưng đây chỉ là dụ ngôn Chúa dùng. Thực ra, truyền thống Do-thái tin Abraham đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy ngày Đấng Thiên Sai ra đời và ông đã mừng rỡ. Truyền thống Giáo Hội tin Abraham và những người lành đã chết chỉ sống lại, khi Đức Kitô xuống Ngục Tổ Tông đưa các ngài lên trong đêm vọng Phục Sinh.

Người Do-thái phản đối: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Chúa Giêsu không lệ thuộc thời gian, Ngài không nói: trước khi Abraham có, Tôi đã có; nhưng nói Tôi Hằng Hữu. Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Đọc lại giao ước vĩnh cửu Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ Abraham cho chúng ta thấy những điều quan trọng sau đây:

(1) Giòng dõi của tổ-phụ Abraham được mở rộng đến các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn trong dân tộc Israel.

(2) Mọi người đều có thể trở thành con cháu tổ-phụ Abraham bằng niềm tin vào Đức Kitô và làm những gì Ngài dạy.

(3) Nếu một người thuộc dân tộc Israel mà không tin và làm những gì Đức Kitô dạy, họ cũng không phải là con cháu của tổ-phụ Abraham; vì đã không tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************