Ngày thứ năm (21-11-2019) – Trang suy niệm

20/11/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: 1 Mcb 2, 15-29

“Chúng tôi tuân theo lề luật cha ông chúng tôi”.

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, vua Antiôcô sai người đến cưỡng bách các người trốn ẩn tại thành Môđin cúng tế dâng hương và chối bỏ lề luật Thiên Chúa. Có nhiều người trong dân Israel tuân lệnh đến với họ, nhưng ông Mathathia và các con ông cương quyết không chịu theo. Các người vua Antiôcô sai đến, lên tiếng nói với Mathathia rằng: “Ông là thủ lãnh có tiếng tăm và có uy tín trong thành này và có nhiều con cái và anh em. Vậy ông hãy tiến lên trước tiên và thi hành lệnh nhà vua, như hết thảy mọi dân tộc, như các người chi tộc Giuđa và những người còn ở lại Giêru-salem đã thi hành rồi, ông và các con ông sẽ là bạn hữu của nhà vua, sẽ được nhà vua ban cho vàng bạc và ân huệ khác”. Matha-thia trả lời và nói lớn tiếng rằng: “Cho dầu mọi dân tộc đều tuân lệnh vua Antiôcô, mọi người đều chối bỏ lề luật của cha ông mà vâng lệnh nhà vua, phần tôi và con cái cùng anh em tôi, chúng tôi vẫn tuân theo lề luật cha ông chúng tôi. Xin Thiên Chúa thương đừng để chúng tôi chối bỏ lề luật và giới răn Chúa. Chúng tôi sẽ không nghe theo lệnh vua Antiôcô, cũng chẳng cúng tế mà lỗi phạm lệnh truyền của lề luật chúng tôi, kẻo chúng tôi đi theo con đường khác”.

Ông vừa dứt lời thì có một người Do-thái tiến ra cúng thần trước mặt mọi người, trên bàn thờ ở thành Môđin, theo chiếu chỉ của nhà vua. Thấy vậy, Mathathia đau lòng xót dạ, ông nổi giận vì yêu mến lề luật, ông xông tới giết ngay người ấy trên bàn thờ. Ông cũng giết luôn người vua Antiôcô sai đến để cưỡng bách người ta cúng tế; ông lật đổ cả bàn thờ. Lòng nhiệt thành của ông đối với lề luật cũng giống như lòng nhiệt thành của Phinê đã đối xử với Zimri con ông Salomi.

Đoạn Mathathia kêu lớn tiếng khắp trong thành phố rằng: “Ai nhiệt thành với lề luật, tuân giữ lời Giao ước, hãy ra khỏi thành theo tôi!” Ông và con cái ông trốn lên núi, bỏ lại trong thành mọi tài sản họ có. Bấy giờ một số người còn nhiệt tâm với sự công chính và lề luật, cũng trốn vào hoang địa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 49, 1-2. 5-6. 14-15

A+B:Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).

A)Chúa là Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Từ Sion đầy mỹ lệ, Thiên Chúa hiển linh huy hoàng.

B)Hãy tập họp cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ. Và trời cao sẽ loan truyền sự công chính của Người, và chính Thiên Chúa Người là thẩm phán.

A)Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Đấng Tối Cao. Ngươi hãy kêu cầu Ta trong ngày khốn khó, Ta sẽ giải thoát ngươi và ngươi sẽ kính trọng Ta.

A+B:Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).

ALLELUIA: x. Cv 16, 14b – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 19, 41-44

“Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

21/11/2019 – THỨ NĂM TUẦN 33 TN

Đức Ma-ri-a dâng mình trong Đền thờ

Lc 12,46-50

LÀ NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA

“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Lc 12,50)

Suy niệm: Không ai dám tự nhận mình là người thân của Chúa Giê-su, “làm anh chị em, làm mẹ” của Ngài. Ta có được vinh dự ấy là do chính Ngài nói với ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Thế nhưng, để là người thân của Chúa Giê-su, ta phải đáp ứng điều kiện này là “thi hành ý muốn của Cha trên trời” như chính Ngài đã làm. Khi vuông tròn chu toàn ý muốn Chúa Cha như lương thực nuôi sống mình, Ngài cho thấy mình là người Con Một yêu dấu Cha, đẹp lòng Cha trong mọi sự. Vì thế, ai làm theo ý muốn của Cha, người ấy trở thành người thân của Ngài. Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su hai lần: Mẹ sinh ra Ngài, nhưng đồng thời cũng là Mẹ Ngài vì đã lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Truyền thống vẫn cho rằng, Mẹ đã được đưa vào đền thờ từ lúc ba tuổi để dâng cho Thiên Chúa như thói quen của những gia đình đạo đức. Chắc một điều, cả cuộc đời Mẹ đã thuộc trọn về Chúa. Mẹ luôn là người lắng nghe, ghi nhớ và thi hành thánh ý Chúa, là mẫu gương cho những ai muốn thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Trở nên người thân thích với Chúa không phải vì lý do ruột thịt mà sâu xa hơn, phải thuộc về Ngài với cả tâm hồn của mình. Đời sống một ki-tô hữu, do đó, phải là một cuộc sống thân tình với Chúa, bằng việc luôn kết hiệp với Ngài. Phương thế để đạt được điều đó là lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho con thành người nhà của Chúa bằng cách giúp con biết đem Lời Chúa ra thực thi mỗi ngày. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

21 THÁNG MƯỜI MỘT

Trả Lại Cho Gia Đình Vai Trò Đúng Đắn Của Nó Trong Xã Hội

Trong tác phẩm Hành Trình Mục Vụ của ngài, Đức Hồng Y Baffi đã dành một số trang rất hay để nói về những hiểm họa và những niềm hy vọng của gia đình. Ngài nhấn mạnh rằng gia đình hôm nay rất ốm yếu trong xã hội chúng ta, và đôi khi thậm chí gia đình bị khinh thường. Đó là lý do tại sao sự chữa trị cho gia đình phải liên can tới việc Phúc Âm hóa nền văn hóa của chúng ta. Nếu nền văn hóa của chúng ta được chuyển hóa xuyên qua cuộc gặp gỡ với Tin Mừng, gia đình sẽ tìm lại được các gốc rễ của nó. Gia đình sẽ được canh tân hoàn toàn và bắt đầu sống căn tính của nó trong tư cách là một hiệp thông và cộng đoàn của các ngã vị trong niềm kính trọng hoàn toàn đối với tất cả các thành viên của nó: vợ chồng, con cái, trẻ già …

Như vậy, thay vì đóng kín chính mình và thoái thác trách nhiệm của mình đối với xã hội, gia đình Kitôhữu được canh tân sẽ trở thành tác nhân chủ yếu xây dựng xã hội tương lai. Điều này là tất nhiên vì gia đình là nền móng căn bản của xã hội. Vâng, gia đình Kitôhữu phải đảm nhận trách nhiệm phục vụ cộng đồng lớn hơn, nhất là phục vụ người nghèo và những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Gia đình Kitôhữu phải chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng cho thế giới.

Gia đình Kitôhữu cũng có chỗ đứng riêng của mình trong sứ vụ của Giáo Hội. Nó được mời gọi để tham dự, trong tư cách là một gia đình, vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội. Gia đình thực thi sứ mạng này bằng việc sống trung thành với căn tính của mình và bằng việc xây dựng mình trở thành một cộng đoàn tin và loan báo Tin Mừng. Gia đình Kitôhữu được mời gọi sống cầu nguyện và phục vụ mọi người theo giới luật yêu thương. Bằng cách này, gia đình trở thành một nguồn sống và một nguồn ơn gọi – bởi vì trong tư cách là Giáo Hội tại gia, gia đình tham dự vào sứ mạng ba chiều kích của Giáo Hội Chúa Kitô: đó là sứ mạng tư tế, vương đế và ngôn sứ của Dân Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 21/11

Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ

Dcr 2, 14-17; Mt 12, 46-50.

LỜI SUY NIỆM: “Người đang còn nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.”

          Chúa Giêsu xác nhận sứ vụ của Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bứt, công bố một năm hồng ân của Chúa.” và Người đã nhiệt thành với sứ vụ, đã vượt hẳn sự hiểu biết của loài người; làm cho Đức Mẹ và những người thân trong gia đình cũng không thể hiểu nỗi, để rồi phải phân vân lo lắng cho Người. Điều này trong Tin Mừng của Gioan cho biết: “Thật thế, anh em Người không tin vào Người.” (Ga 7,5);  cũng như trong Tin Mừng Máccô: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” (Mc 3,21).

          Lạy Chúa Giêsu. Với lòng thương xót cua Chúa, tất cả chúng con đã được Chúa xem là người thuộc gia đình của Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con nhận thức điều này mà sống cho xứng đáng và làm sáng Danh Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 21-11

Lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh

Nói về lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, đức giáo hoàng Phaolô VI viết: “Những lễ dựa trên lời truyền khẩu, nhưng có giá trị gương mẫu cao và đươc Giáo hội Đông phương đặc biệt mừng kính từ xa xưa, đó là lễ Đức Maria dâng mình và đền thánh”

Việc Đức Mẹ dâng mình và đền thánh dựa trên sự kiện này, là luật cũ đã nhận các trinh nữ tự hiến mình cho Thiên Chúa tại đền thành. Hơn nữa Đức Trinh nữ còn được đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội ngay từ buổi đầu thai. Sư trinh trong này có thể dẫn tới hiệu quả là trí khôn Đức Maria đã phát triển sớm hơn bình thường, vì không bị ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ. Bởi đó, người ta cho rằng, Mẹ đã dâng mình cho Chúa rất sớm, ngay khi trí khôn ngài có khả năng hiểu biết.

Cuốn ngụy thư “Phúc âm về cuộc sinh hạ của Đức Maria” còn cho rằng ngài đã thực hiện cuộc dâng hiến này khi mới ba tuổi. Giottô trong một bức họa đã diễn tả Đức Maria trong những bước chân mạnh mẽ tiến vào đền thánh.

Trong niềm tin này, người Hy lạp, Armênia và Latinh, đều mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thánh vào ngày 21 tháng 11 hàng năm. Simon Métaphrate cho rằng lễ mừng đã được thiết lập vào năm 730 ở Constantinople. Năm 1143, hoàng đế Emmanuelđã xếp vào số các lễ được Giáo hội khắp nơi biết đến.

Vị đại sứ của vua Chypre bên đức giáo hoàng Grêgoriô XI (ở Avignon) đã thuyết phục, để giáo triều với đức Sixtô IV chấp nhận lễ này từ năm 1372. Kể từ đó, ở nhiều vương quốc và nhiều nhà thờ đã mừng long trọng theo sách nguyện Rôma. Đức giáo hoàng Pio V bãi bỏ và được đức Sixtô V tái lập.

Nhiều nhà dòng đã chọn lễ này làm ngày khấn dòng hay lặp lại lời khấn cho các tu sĩ. Cùng với Đức Maria, chúng ta cũng dâng mình cho Chúa một cách mau mắn và quảng đại.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

21 Tháng Mười Một

Vâng ý Cha Dưới Ðất Cũng Như Trên Trời 

William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh “Lạy Cha” như sau: Giữa những câu “chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” và câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” thay vì dấu phết hay dấu chấm phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.

Ðề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.

Bởi lẽ đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.

“Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta”.

Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” và trong suốt cuộc đời, Ðức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá.

Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh, không gì chúng ta có thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: “Xin vâng!”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 33 TN1, Năm lẻ

Bài đọc: I Mac 2:15-29; Lk 19:41-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin vững mạnh sẽ không bị lung lay bởi cám dỗ của thế gian.

Rất nhiều người trong thế giới hôm nay chủ trương tương đối hóa sự thật. Đối với họ, không có sự thật nào tuyệt đối, ngay cả niềm tin vào Thiên Chúa. Vì thế, khi nào hoàn cảnh thuận tiện cho việc giữ đạo thì giữ; khi nào hoàn cảnh không thuận tiện, chắc Chúa cũng thông cảm! Một thái độ tin tưởng như thế sẽ từ từ đưa đến chỗ bỏ đạo ngay khi cơn bách hại tới. Ngược lại cũng có những người không bao giờ tương đối hóa niềm tin và sự thật. Họ chỉ thờ một Chúa và sẵn sàng sống chết cho sự thật.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu người sẵn lòng hy sinh chết cho sự thật, dẫu phải đương đầu với biết bao gian nan khốn khó. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Maccabees tiếp tục trình bày một mẫu gương anh hùng trong việc giữ đạo là ông Mattathias và bảy người con của ông. Vì lòng nhiệt thành bảo vệ niềm tin, ông đã không nao núng trước cám dỗ ban quyền hành chức tước của viên quan chức; ông giết người phản bội Thiên Chúa ngay trước bàn thờ, và tập họp nhóm người sống chết cho Thiên Chúa đưa vào sống trong sa mạc để sinh sống. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biết rõ những khốn khổ sẽ xảy ra cho dân thành Jerusalem, vì họ không nhận ra Ngài đến đem bình an thật sự cho họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn trung thành với Giao Ước.

1.1/ Thái độ của ông Mattathias trước cám dỗ của thế gian: Tác giả tường thuật: “Các viên chức của vua Antiochus, những người có nhiệm vụ cưỡng bức người Do-thái chối đạo, đã tới thành Modein để tế thần. Nhiều người Israel đã đến theo chúng. Nhưng ông Mattathias và các con thì họp lại thành nhóm riêng.” Ông Mattathias và các con phải đương đầu với những áp lực sau:

(1) Phần đông con cái Israel đã bỏ đạo và tế thần: Người không có niềm tin vững chắc sẽ dễ dàng bị hốt hoảng khi thấy phần đông dân chúng bỏ đạo. Họ sẽ nghi ngờ những gì mình tin không biết có thật hay không. Điều này đã không xảy ra cho người có một niềm tin vững vàng như ông tuyên xưng: “Cho dù tất cả các dân tộc trong vương quốc của vua có nghe lời vua và ai cũng chối bỏ việc thờ phượng của cha ông mình và tuân theo lệnh vua, thì tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn trung thành với Giao Ước của cha ông chúng tôi. Không đời nào chúng tôi bỏ Lề Luật và các tập tục! Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái.”

(2) Cám dỗ về uy quyền, chức tước, và bổng lộc: Đây là cám dỗ dễ làm cho những người ham mê những lôi cuốn của thế gian rơi vào. Các viên chức của vua lên tiếng nói với ông Mattathias: “Ông là thủ lãnh, là người có danh giá, là bậc vị vọng trong thành này, lại được con cái và anh em ủng hộ. Vậy xin mời ông tiến lên làm người đầu tiên thi hành chỉ dụ của đức vua, giống như tất cả các dân tộc, các người Judah và những người còn ở lại Jerusalem đã làm. Rồi ông và các con sẽ được kể vào số bạn hữu đức vua, sẽ được danh giá, được nhiều vàng bạc và bổng lộc.” Nhưng được lợi cả thế gian mà phải mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?

(3) Có thể phải hy sinh mạng sống: Cám dỗ này được coi là nguy hiểm nhất vì nó đe dọa bản năng sinh tồn của con người. Một người chỉ có thể vượt qua cám dỗ này, nếu anh tin lời của Chúa Giêsu hay bà mẹ của các con nhà Maccabees là Thiên Chúa sẽ trả lại mạng sống cho con người cùng với vinh quang đời đời, cộng với tình yêu anh dành cho Thiên Chúa và Đức Kitô.

1.2/ Phản ứng nhiệt thành của ông Mattathias: Ông vừa dứt lời thì có một người Do-thái công khai tiến ra tế thần trên bàn thờ ở Modein theo như chỉ dụ của vua. Trước cảnh tượng đó, ông Mattathias bừng lửa nhiệt thành, ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng: ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do-thái tế thần. Rồi ông phá đổ bàn thờ. Rồi ông Mattathias rảo khắp thành và hô lớn tiếng: “Ai nhiệt thành với Lề Luật và tuân giữ Giao Ước, hãy theo tôi!” Sau đó, ông và các con trốn lên núi, bỏ lại trong thành tất cả tài sản. Bấy giờ, nhiều người Do-thái muốn sống công minh chính trực đã xuống hoang địa và lập cư tại đó.

Chúng ta đừng vội kết án hành động của ông, vì chính Chúa Giêsu cũng lấy roi đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Ngài không thể cầm lòng khi thấy con người làm nhơ bẩn Nhà Cha của Ngài. Hơn nữa, Luật cho phép con người phải tự vệ khi người khác muốn giết mình. Ông Mattathias và các con sẽ bị vua Antiochus giết nếu không chịu tế thần như vua muốn.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.

2.1/ Chúa Giêsu khóc: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu có đầy đủ cảm xúc như một con người. Tin Mừng đã tường thuật 2 lần Chúa khóc:

(1) Vì thương Thành Jerusalem như trình thuật hôm nay (Lk 19:41). Trong Cuộc Thương Khó, chặng thứ 8 của 14 Đàng Thánh Giá, Chúa Giêsu đứng lại yên ủi dân Thành Jerusalem vì họ khóc thương Ngài. Chúa Giêsu yên ủi họ: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lk 23:28). Chúa Giêsu biết rõ mục đích tại sao Ngài chịu đau khổ, nhưng dân Thành không biết. Điều có lẽ Chúa muốn nhấn mạnh cho họ biết ở đây là họ hãy khóc thương cho chính họ và cho con cháu của họ; vì tội lỗi của họ và con cháu mà Chúa đã phải gánh lấy Cuộc Thương Khó mà Ngài đang chịu.

(2) Vì tiếc thương Lazarô (Jn 11:35)? Nhiều người tin Chúa khóc vì thương Lazarô không còn sống nữa; nhưng suy nghĩ này cần được xét lại vì không có căn bản vững chắc. Có lẽ việc ông đừng trở lại thế gian có lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì ít lâu nữa ông sẽ cùng được chung phần vinh quang với Chúa, và kẻ thù không có lý do để giết Chúa Giêsu. Ngài khóc là vì thấy sự chết gây đau khổ cho con người. Ngài muốn Mary và mọi người hiểu: “Ai sống và tin vào Ngài, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25). Nếu ai cũng hiểu như thế, cái chết sẽ là một niềm vui.

2.2/ Hai lý do tại sao Chúa khóc:

(1) Vì dân Thành Jerusalem không nhận ra Chúa: Lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có một nguyện đường gọi là Nguyện Đường Chúa Khóc. Truyền thống tin chính tại đây, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tòan bộ Đền Thánh Jerusalem và sự huy hòang của nó, và Ngài đã khóc vì thương dân Thành. Lý do Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không nhận ra Đấng đem bình an: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi không thấy được.” Nguyên ngữ Jerusalem ghép bởi 2 chữ: động từ yrw, có nghĩa là “thiết lập,” và danh từ salem, có nghĩa là “bình an.” Chúa Giêsu là Đấng từ Trời xuống thiết lập bình an và chính Ngài đang ở giữa họ; nhưng họ đã không nhận ra Ngài.

(2) Vì Thành sẽ bị phá hủy tan tành: “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” Lời tiên tri này ứng nghiệm năm 70 AD, khi quân đội Rôma đem quân vây hãm và phá hủy bình địa Đền Thờ và Thành. Cho tới ngày nay Đền Thờ vẫn chưa được xây lại và vết tích của hoang tàn đổ nát vẫn còn cho các du khách viếng Jerusalem.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta hãy có lập trường rõ rệt trong cuộc sống: Phải kính mến và thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự; không làm tôi hai chủ cho dẫu phải hy sinh tất cả để trung thành với Ngài.

– Con người khóc vì tiếc và vì thương. Cái khóc của con người có thể sai vì lý do tiếc hay thương có thể sai. Cái khóc của Chúa Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại sao Ngài khóc là sự thật. Chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do tại sao mình khóc hay thương tiếc.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************