Ngày thứ năm (23-09-2021) – Trang suy niệm

22/09/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Kg 1, 1-8

“Các ngươi hãy xây cất đền thờ và như thế sẽ đẹp lòng Ta”.

Khởi đầu sách Tiên tri Khác-gai.

Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều đại vua Đariô, có lời Chúa sai tiên tri Khác-gai đến nói với Giorôbabel, con trai ông Giosêđec, thầy cả thượng phẩm những lời sau đây: “Đây Chúa các đạo binh phán: Dân này nói: ‘Chưa đến lúc xây cất đền thờ Chúa’. Và có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai phán rằng: ‘Chớ thì đến lúc các ngươi cư ngụ trong nhà ấm cúng, và để đền thờ này hoang vu sao?’ Giờ đây Chúa các đạo binh phán như thế này: “Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi. Các ngươi đã gieo nhiều mà thu vào ít: các ngươi đã ăn không no, đã uống không say, đã mặc không ấm, kẻ nhận tiền công lại bỏ vào túi lủng”. Chúa các đạo binh phán như thế này: “Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi: Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, như thế sẽ đẹp lòng Ta và Ta sẽ được tôn vinh”. Chúa phán như vậy. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Đáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Xướng:

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con, bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 9, 7-9

“Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại”; còn kẻ khác lại nói: “Ông Êlia đã hiện ra”; kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại”. Nhưng Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và vua tìm cách gặp Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

23/09/2021 – THỨ NĂM TUẦN 25 TN

Th. Pi-ô Pi-ét-ren-xi-na, linh mục

Lc 9,7-9

LAY ĐỘNG LÒNG NGƯỜI

“Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su. (Lc 9,9)

Suy niệm: Làm những việc lạ, kinh thiên động địa, có thể sẽ có một đám đông đi theo vỗ tay tán thưởng. Thế nhưng, sau những tràng pháo tay, tiếng hoan hô đó sẽ đọng lại những gì? Lòng người chắc gì được biến đổi? Đâu phải cứ thấy phép lạ là tin, hay người nhận nhiều quà cứu trợ tất yếu sẽ trở thành tín hữu! Đức Giê-su không mãi hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Ngài còn chấn chỉnh họ: “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc… để có lương thực thường tồn” (Ga 6,26-27). Ngài không làm phép lạ để người ta hoan hô, đi theo mình. Đức Giê-su chọn cách hạ mình, gần gũi với người tội lỗi, hiến dâng mạng sống để lay động lòng người hoán cải. Cung cách sống khác thường của Đức Giê-su khiến vua Hê-rô-đê thắc mắc và tìm cách gặp Người. 

Mời Bạn: Bạn đang thể hiện một nhân cách Ki-tô giáo khiến người khác phải thắc mắc chưa? Hay bạn sống đạo mờ nhạt đến độ người ta không nghĩ rằng bạn có đạo? Ki-tô hữu có nghĩa là thuộc về Chúa Ki-tô, có Chúa Ki-tô trong bạn. Dấu ấn nơi bí tích Thánh tẩy không thể xóa được, và bạn phải là dấu hỏi lay động người khác, là cầu nối để người khác gặp Đức Giê-su.

Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa, học hỏi giáo lý để bạn hiểu thêm về Đức Giê-su, để Ngài lay động, hoán cải bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vua Hê-rô-đê đã lay động trong lòng và muốn gặp Chúa. Xin cho chúng con là người đã biết Chúa, càng siêng năng gặp Chúa nơi Lời Chúa và Thánh Thể, để chúng con được lay động và biến đổi. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

 Suy niệm

Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.

Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).

“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.

“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.

(Graham Kings)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

23 THÁNG CHÍN

Các Bạn Là Con Cái Của Thiên Chúa Các bạn là ai ?

Các bạn là thế hệ môn đệ mới của Đức Kitô, những người đã lãnh nhận Phép Rửa. Qua bí tích đầu tiên đó các bạn được đón nhận vào cộng đoàn Giáo Hội. Đối với hầu hết chúng ta, bí tích khai tâm này được lãnh nhận trong những tuần lễ đầu đời của mình. Cha mẹ ruột và cha mẹ đỡ đầu đưa chúng ta đến lãnh nhận Phép Rửa. Từ đó, chúng ta sống trong ơn thánh hóa. Thiên Chúa đã đặt ấn tín vô hình và vĩnh viễn trên chúng ta. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, linh hồn chúng ta được khắc ghi ân sủng.

Ân sủng này và ấn tín thiêng liêng này của Phép Rửa, chúng ta có được là nhờ Đức Kitô – nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Thực vậy, qua Phép Rửa chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, và như vậy chúng ta có thể sống lại với Người trong sự sống mới. Tông đồ Phaolô dạy chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”(Rm 6,4).

Kể từ giây phút được lãnh Phép Rửa, chúng ta trở thành người thông phần vào sự sống mới trong Đức Kitô – sự sống của Con Thiên Chúa. Và chúng ta trở thành những dưỡng tử của Thiên Chúa. Chúng ta được nâng lên phẩm giá làm con trong Đức Kitô, người Con Duy Nhất của Chúa Cha. Vì Chúa Con chia sẻ trọn vẹn sự sống trong mối hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên chúng ta cũng lãnh nhận sự sống mới trong Phép Rửa. Chúng ta đã được thanh tẩy nhân danh Ba Ngôi Chí Thánh: Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

Phép Rửa là sự tái sinh con người nhờ nước và Thánh Thần (Ga 3,5). Vì vậy chúng ta trở nên thông phần vào sự sống mới trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Chúng ta đang mang trong mình chúng ta mối đảm bảo sự sống đời đời.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 23/9

Thánh Piô Pietrelcina (Piô Năm dấu)

Kg 1, 1-8; Lc 9, 7-9. 

LỜI SUY NIỆM: “Ông Gioan chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”

          Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được khi vua Hêrôđê nghe biết về Chúa Giêsu và ông đã có những suy nghĩ của ông. Còn ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta đều đã được học biết về Chúa Giêsu, thì đời sống đức tin của chúng ta sẽ ra sao?

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã trao ban Lời Chúa và các Bí Tích qua Giáo Hội. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết đón nhận với Đức Tin; giúp cho chúng con được ngày càng trưởng thành trong ngày sống của mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

23 Tháng Chín

Cậu Bé Ðau Liệt Trong Bức Tranh 

Một trong những bức tranh bất hủ của danh họa Rafaello, người Italia, hiện đang được cất giữ trong bảo tàng viện Vatican: đó là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê.

Trong bức tranh, người ta thấy có ba tầng. Ở tầng cao nhất của bức tranh là khuôn mặt và toàn thân Chúa Giêsu trong cảnh chiếu sáng rực rỡ giữa các tầng mây. Ở tầng dưới của bức tranh và kề sát với Chúa Giêsu là ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong tình trạng ngây ngất trước sự biến dạng rực rỡ của Chúa Giêsu. Và ở tầng thấp nhất của bức tranh, người ta thấy một nhóm môn đệ và một gia đình đang quây quanh một em bé đang đau liệt: tất cả đều chìm ngập trong một khung cảnh ảm đạm, mờ ảo.

Có lẽ danh họa Rafaello đã cố gắng giải thích cho chúng ta về sứ điệp của bài Tin Mừng tường thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và là Ðấng cứu chữa con người. Ðứa bé đau liệt trong bức tranh là chính mỗi người trong chúng ta, là toàn thể nhân loại đang chịu đựng vì không biết bao nhiêu bệnh tật trong thân xác lẫn tâm hồn. Trong đám môn đệ đang quây quanh cậu bé đau liệt, Rafaello đã làm nổi bật hai cử chỉ: cử chỉ của một người môn đệ đang trỏ tay chỉ về cậu bé và cử chỉ của một người môn đệ khác đang chỉ tay về Chúa Giêsu…

Phải chăng Rafaello đã không muốn đánh thức ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang say sưa chiêm ngưỡng Thánh nhan rực rỡ của Chúa Giêsu mà quên đi cảnh nhân loại đang quằn quại trong đau thương khốn khổ?

Trong đời sống đạo, chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc chỉ chăm chú cầu nguyện mà không đếm xỉa gì đến lòng bác ái đối với tha nhân, hoặc ngược lại, xem hành động bác ái là một lời cầu nguyện mà không màng đến đời sống nội tâm.

Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện đưa đến hoạt động và hoạt động dẫn đến cầu nguyện. Mỗi một gặp gỡ của Ngài với tha nhân cũng là một lời cầu nguyện và mỗi một lời cầu nguyện của Ngài cũng ôm trọn lấy tất cả những ai mà Ngài đã hoặc sẽ gặp gỡ.

Chúng ta hãy chiêm ngắm mẫu gương của Chúa Giêsu… Cả cuộc đời của chúng ta phải là một lời nguyện dâng lên Thiên Chúa, chứ không chỉ có những lời kinh mà chúng ta đọc ngoài môi mép.

Người ta không lên xe để ở mãi trên đó… Một môn sinh không đến thụ giáo để ở mãi bên cạnh thầy mình… Cũng thế, chúng ta không leo lên núi cao để ở lại mãi trên đó. Sau cơn ngây ngất của ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tacôbê, Chúa Giêsu đã kêu gọi các ngài hãy trở lại với thực tế: đó là thực tế của những cuộc gặp gỡ, đương đầu và cuối cùng là cái chết.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần 25 – TN1

Bài đọc: Hag 1:1-8; Lk 9:7-9.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải học hỏi để tìm ra sự thật quan trọng nhất mà thi hành.

Có quá nhiều chuyện làm chia trí con người trong cuộc đời, đến nỗi con người chỉ biết phản ứng khi nó xảy ra, mà không biết có nên làm hay không. Người khôn ngoan không để hoàn cảnh làm chủ mình; nhưng biết làm chủ và khắc phục hoàn cảnh. Để được như thế, con người cần biết xếp đặt giá trị ưu tiên của chúng. Nhiều lần chúng tôi đã đề cập đến tiêu chuẩn để sắp xếp các giá trị này: Trước tiên, mối liên hệ với Thiên Chúa phải được đặt lên trên hết, vì Ngài là Đấng làm chủ mọi sự và ban ơn lành cho con người. Kế đến, là mối liên hệ với tha nhân, trong đó có cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè. Sau cùng, mới đến sự liên hệ với thế giới như công ăn, việc làm, và mọi thú vui chơi khác.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng cho con người biết phải làm điều gì quan trọng hơn. Trong Bài Đọc I, ngôn sứ Haggai nhắc nhở cho con cái Israel việc đầu tiên phải làm là xây dựng Đền Thờ để có chỗ học hỏi Lời Chúa và thờ phượng; chứ không phải việc lo ổn định đời sống của cá nhân và gia đình. Họ cần suy xét và nhớ lại lý do tại sao họ phải đi lưu đày, vì đã quay lưng lại với Thiên Chúa và chạy theo các thần ngoại bang. Nếu không biết suy xét và hành động cách khôn ngoan, họ sẽ đi lại con đường của cha ông họ và cảnh lưu đày sẽ chắc chắn xảy ra lần nữa. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa cho tiểu vương Herode cơ hội lần đầu để nhận biết sự thật từ Gioan Tẩy Giả; ông đã không biết lợi dụng, còn chém đầu người đã tuyên bố sự thật. Ngài cho ông có cơ hội lần hai để học hỏi từ Đấng là sự thật, ông tò mò muốn biết; nhưng rồi cũng chẳng lắng nghe và bênh vực sự thật trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta.

1.1/ Hai phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau về việc xây dựng lại Đền Thờ Thiên Chúa.

(1) Những người thúc đẩy việc tái thiết Đền Thờ: Trước hết là Thiên Chúa. Ngài đã thay đổi lòng các vua Ba-tư để họ phóng thích dân Do-thái, cho hồi hương, và giúp đỡ vật liệu để tái thiết Đền Thờ. Khi thấy dân chúng hờ hững trong việc bỏ công sức để xây dựng Đền Thờ, Thiên Chúa dùng ngôn sứ Haggai để nói với dân chúng ỳ định của Thiên Chúa: “Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không?”

(2) Phản ứng của đa số dân chúng: Khuynh hướng tự nhiên của đa số dân chúng khi vừa được phóng thích khỏi cảnh nô lệ cho về hồi hương là lo ổn định đời sống trước đã. Họ nghĩ chưa đến lúc lo việc xây dựng Đền Thờ khi cuộc sống sinh kế và gia đình chưa ổn định.

1.2/ Hãy để tâm suy xét kỹ về lối sống của các ngươi: Thoạt nghe lý do dân chúng nêu ra, nhiều người chúng ta chắc cũng nghĩ đó là điều hợp lý phải làm; nhưng tiên-tri Haggai mời gọi con cái Israel cũng như mỗi người chúng ta phải biết nhìn toàn bộ cuộc sống, và cẩn thận suy xét lại quyết định của mình.

(1) Điều gì quan trọng nhất trong cuộc đời: Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo tinh thần luôn nhắc đi nhắc lại bổn phận phải kính mến và thờ phượng Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và trên hết mọi sự. Dân chúng có thể nhớ thuộc lòng; nhưng không mấy người chịu đem ra áp dụng trong cuộc đời. Họ luôn đặt bản thân họ, gia đình họ, quyền lợi, và vật chất lên trên Thiên Chúa. Hậu quả là họ bị làm nô lệ cho vật chất và cho quân thù. Giờ đây, khi được phóng thích và hồi hương, con cái Israel vẫn chứng nào tật đó, vẫn ngựa quen đường cũ, đi lại đường lối ngày xưa cha ông họ đã đi. Nếu họ không chịu thay đổi để theo đường lối của Thiên Chúa, lưu đày và đau khổ chắc chắn lại xảy ra!

(2) Thành công có được không chỉ do cố gắng con người: Tiên-tri Haggai mời gọi mọi người lắng nghe lời Đức Chúa các đạo binh phán với họ: “Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi: các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu; các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm; đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng.”

Tại sao con người cố gắng vượt bực, vất vả ngược xuôi, thức khuya dậy sớm, mà vẫn không có đủ ăn, đủ uống, đủ mặc? Lý do đơn giản, họ làm theo sự khôn ngoan của con người. Tác giả Thánh Vịnh nêu trường hợp của người biết sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Còn kẻ Chúa thương dù có ngủ, Ngài vẫn ban cho đủ tiêu dùng.” Người đời làm nhiều, nhưng nếu không biết cách tiêu xài, có bao nhiêu cũng chẳng đủ, như “đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng.”

(3) Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành cho con người: Tiên-tri Haggai nói với dân chúng, điều đầu tiên họ phải làm là theo ý của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa vui thích, Người sẽ chúc lành cho các ngươi. Thiên Chúa phán với con cái Israel: “Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta. Ta sẽ vui thích và tỏ vinh quang Ta ở đó.”

2/ Phúc Âm: Hãy biết nắm lấy cơ hội để học hỏi sự thật.

2.1/ Tiểu vương Herode băn khoăn khi nghe biết về Chúa Giêsu: Trình thuật Luca kể: “Tiểu vương Herode nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Elijah xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Herode thì nói: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Và vua Herode tìm cách gặp Đức Giêsu.

Khi nắm quyền hành trong tay, nhiều người nghĩ mình có quyền quyết định mọi sự, biến sai thành đúng, và tiêu diệt những ai dám chống cự lại họ. Trường hợp của tiểu vương Herode cũng thế, khi Gioan Tẩy Giả tuyên bố: “Nhà Vua không được phép lấy vợ của anh mình.” Ông tức tối tống ngục Gioan. Trong khi say xỉn với quan khách trong buổi tiệc sinh nhật, ông đã cho chém đầu Gioan và đặt trên đĩa cho cô gái đem đến cho mẹ, để Bà thỏa lòng thù hận.

2.2/ Tiểu vương Herode tìm cách gặp Chúa Giêsu: Trình thuật hôm nay là cơ hội thứ hai cho ông để học hỏi và tìm ra sự thật về Chúa Giêsu. Ông muốn tìm cách gặp Chúa Giêsu, và Thiên Chúa ban cho ông có cơ hội gặp Chúa Giêsu trong Cuộc Thương Khó. Khi Pontius Pilate biết Chúa Giêsu là người Galilee, thuộc quyền của Herode, ông cho giải Chúa Giêsu đến Herode để Vua điều tra, vì ông đang ở Jerusalem lúc bấy giờ. Herode chẳng học được gì cả, vì ông chỉ muốn nhìn thấy phép lạ Chúa Giêsu làm; khi thấy Chúa không chịu làm, ông nhạo báng Ngài (Lk 23:7-11). Thế là hai cơ hội để tìm ra sự thật qua đi, Herode vẫn chìm đắm trong sự mê muội của mình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần phải biết sắp xếp và làm những điều gì quan trọng nhất trong cuộc đời; chứ đừng quá bận tâm đến những việc quá nhỏ nhoi, không mang lại lợi ích cho cuộc đời.

– Trên hết mọi sự, chúng ta cần học biết sự thật từ Thiên Chúa, và biết thờ phượng Ngài trên hết mọi sự. Đi theo đường lối của Thiên Chúa sẽ bảo đảm cho chúng ta một cuộc sống an toàn, bình an, và hạnh phúc.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************