Ngày thứ năm (24-10-2019) – Trang suy niệm

23/10/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXIX Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Rm 6, 19-23

“Giờ đây anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Đáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (c. Tv 39,5a).

Xướng:

1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Đáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. – Đáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Đáp.

ALLELUIA: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 12, 49-53

“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

24/10/2019 – THỨ NĂM TUẦN 29 TN

Th. An-tôn Ma-ri-a Cla-rét, giám mục

Lc 12,49-53

SỰ BÌNH AN ĐÍCH THỰC

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao?… Không phải thế đâu, nhưng là sự chia rẽ.” ( Lc 12,51)

Suy niệm: Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di vì quyết liệt sống theo Tin Mừng nên đã bị người thân trong gia đình loại bỏ. Thánh An-rê Kim Thông bị chính người cháu ruột của mình phản bội, truy tố lên quan phủ chỉ vì ngài thường sửa dạy, nhắc bảo đứa cháu hoang đàng này trở về đức tin công giáo. Rất nhiều chuyện ‘trống đánh xuôi kèn thổi ngược’ như thế đã xảy ra trong các gia đình suốt 20 thế kỷ Ki-tô giáo, chỉ vì kẻ thì theo người thì chống Đức Giê-su. Ta hiểu tại sao Đức Giê-su tuyên bố rằng Người “đem đến sự chia rẽ.”

Mời Bạn: nghe chứng từ của một người đàn ông thất nghiệp: “Vâng, dù có năng lực và học vị, tôi vẫn đang thất nghiệp! Chuyện như sau: Sau khi du học trở về, tôi đã có một công việc tốt với lương khá cao, nhưng sau đó tôi cảm thấy không bình an khi biết rằng đó là những đồng tiền đến từ tham nhũng, hối lộ… Tôi đã tỏ ý không thỏa hiệp với công việc làm ăn của họ, thế là tôi bị loại trừ ngay giữa nhóm đồng nghiệp của mình. Tôi đã xin nghỉ việc và hiện tại tôi cảm thấy bình an trong tâm hồn. Tôi tin rằng Chúa sẽ giúp tôi tìm được việc làm thích hợp khác trong tương lai.”

Chia sẻ: Anh bạn trên đây đã không chấp nhận hy sinh sự bình an trong tâm hồn để đổi lấy tiền bạc. Bạn nhận xét gì về sự chọn lựa của anh ta?

Sống Lời Chúa: Trung thành với Chúa ngay trong những điều nhỏ: sẵn sàng chịu thiệt thòi, không thoả hiệp với những gì đối nghịch với Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con một đức tin kiên vững và lòng mến nồng nàn, để con luôn chọn Chúa là niềm bình an đích thực. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG MƯỜI

Xin Cho Chúng Nên Một

Chiều hôm trước khi vào cuộc Khổ Nạn, trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những ai tin vào Ngài. Ngài nói: “ Lạy Cha, con không chỉ cầu xin cho những người này – tức các tông đồ – nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào con, để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).

Chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện này với chính Chúa Kitô – vị Thượng tế của Giao Ước Mới. Chúa Kitô hiến trao chính bản thân mình làm hy lễ. Ngài trao hiến chính Thịt và Máu của Ngài. Ngài trao hiến cuộc sống và cái chết của Ngài. Và với hy tế này, hy tế thánh thiện vô song, Ngài giao hòa thế giới với chính Ngài. Đức Kitô chết trên Thập Giá để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).

Lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu được thốt ra từ chính trọng tâm của hy tế này. Cả lời cầu nguyện và cái chết hy tế của Ngài đều có cùng một mục đích là “Xin cho chúng nên MỘT”.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 24/ 10

Thánh Antôn Maria Claret, giám mục

Rm 6, 19-23; Lc 12, 49-53.

LỜI SUY NIỆM: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên!”

          Chúa Giêsu đến trên thế gian này, Người đã đem lửa yêu mến Thiên Chúa Cha và yêu thương loài người, và Người ước mong thứ lửa ấy bừng lên giữa loài người. Với niềm ao ước đó Chúa Giêsu đã tâm tình với các môn đệ tiên khởi của Người: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.”

          Lạy Chúa Giêsu, thế giới này đang sống thiếu tình yêu thương, chiến tranh và xung dốt đang xãy ra khắp mọi nơi. Xin cho trong con người của mỗi chúng con luôn có ngọn lửa: “yêu Chúa yêu người”, để làm lan tỏa ra chung quanh, để tất cả đều được sống trong một tình yêu, để thế giới này được vui hưởng hạnh phúc hòa bình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 24-10

Thánh ANTÔN MARIA CLARET

Giám mục – Tổ phụ dòng Trái tim vẹn sạch mẹ Maria (1807 – 1870)

“Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”

Đó là châm ngôn và chương trình đời sống thánh ANTÔN MARIA CLARET. Ngài sinh năm 1807 tại Sallent Bắc Tây Ban Nha, trong một gia đình khiêm tốn làm nghề dệt. Là con thứ 5 trong 10 anh em, thánh nhân tỏ ra nhanh nhẹn thông minh có khiếu đối với nghề nghiệp của cha anh và được gởi đi Barcelone trong một xưởng máy lớn. Ban chiều, Ngài dự lớp học Pháp văn, nghiên cứu La văn và luyện nghề ấn loát, không có gì Ngài xao lãng cả. Ơn gọi đi tu sống sâu trong đáy lòng Ngài, kèm theo mọi hành động và sắp trở thành mạnh mẽ nhất: cuối cùng Ngài đã bước qua cổng chủng viện ở Vich năm 1829.

Trước tâm hồn phong phú của thánh nhân, Đức cha Corcue ra đã rút ngắn chương trình thần hoc. Ngài thụ phong linh mục 6 năm sau và cử hành thánh lễ đầu tiên tại giáo xứ Ngài đã được rửa tội. Được cử làm cha sở, Ngài đã thánh hóa địa hạt của mình. Nhưng việc tông đồ của Ngài cần một điạ hạt rộng lớn hơn. Ngài đi Roma, muốn gia nhập dòng Tên nhưng một vết thương ở chân buộc Ngài từ bỏ ý định trở về Tây Ban Nha. Bản chất nóng nảy của Ngài tỏ lộ những ân huệ siêu nhiên mới, tài hùng biện thánh của Ngài tăng bội số những cuộc trở lại, chủ đề được ưa chuông của Ngài là: đường thẳng và chắc để về trời” và ngày càng thêm nhiều người dấn thân vào đường hẹp sỏi đá mở ra ánh sáng. Đức Trinh Nữ hình như hiện diện khi Ngài trình bày các bổn phận của bậc sống nhạt nhẽo nhưng có nét đẹp ẩn giấu trước mặt Chúa, các từ bỏ liên tiếp… Ngài đã đi giảng như vậy qua một tỉnh với hành trang gồm có cuốn sách Thánh Kinh và sách nguyện gói trong khăn, Ngài từ chối tất cả tiền bạc, ngủ dưới vòm trời, giải tội ngày đêm và dâng lễ khi ánh sao cuối cùng vừa lặn. Ngài đã đặt tay chữa bệnh, chiêm ngắm các cuộc hiện ra.

Antôn rất gần gũi tự do đến nỗi đã gây nên những ghen tương, những lời chế nhạo ngắt ngang bài giảng của Ngài. Mạng sống bị đe dọa, Ngài phải giã từ quê hương thân yêu để rồi chỉ trở lại 15 năm sau để được đề cử và tấn phong Tổng giám mục Santiago, Cuba, tại nhà thờ chính toà Vich, Ngài đã dùng khoảng thời gian giao thời này để Phúc âm hoá các đảo Camari và đặt nền móng tu hội thừa sai Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, Ngài nỗ lực dưới mọi hình thức để cứu vớt các linh hồn. Đây là lúc Ngài thêm danh hiệu MARIA vào tên mình.

Vị tổng giám mục truyền giáo cập bến, Ngài sắp gặp thấy một giáo xứ đầy thương tâm gồm một ít linh mục thiếu học nghèo túng, Ngài thiết lập một nhóm học hiểu biết và tiếp tục vai trò người bao bọc vì Chúa Kitô, Ngài mất 6 năm để rảo qua các điạ phận mênh mông của mình, những con số sau đây nói lên hoạt động của Ngài: 11.000 bài giảng, 120.000 lễ Thêm sức, 40.000 phép rửa tội, 12.000 lễ hôn phối. Còn mệt nhọc hơn cả những khó khăn trên đường, thánh nhân hòa mình với các bệnh nhân ngã gục vì dịch tả. Các chủ nhân buôn bán nô lệ tố cáo Ngài đã xúi giục các người bị tàn phá nổi loạn. Mười lăm lần Ngài đã thoát chết. Ngài mơ lập một trường nông nghiệp nhưng gặp những chống đối mạnh mẽ.

Theo lời thỉnh cầu của hoàng hậu Isabelle II, đức giáo hoàng đã cử thánh Antôn Maria làm tuyên úy cho bà. Ngài nhận lời sau nhiều do dự, với điều kiện là sẽ đứng ra ngoài mọi chuyện chính trị và không sống trong hoàng cung. Từ Maddrid, Ngài tiếp tục cai quản Cuba. Nhưng sự ghen tương không dứt. Sự vu khống đã đưa đến chỗ các kẻ thù ký tên khả kính của Ngài dưới những danh sách bần tiện, trong khi chính Ngài đã là tác giả xây dựng của 150 pho sách hay những tập rời. Cuộc cách mạng đã xua đuổi hoàng hậu tới Pan, rồi Paris là nơi cha giải tội đã theo bà và lo lắng cho thuộc điạ Tây ban Nha và vẫn theo đuổi phát triển của tu hội truyền giáo, Ngài dự cộng đồng bàn về giáo thuyết bất khả ngộ của tòa thánh. Sự ghen ghét của những thù địch người Tây ban Nha theo đuổi Ngài mãi. Thánh nhân một thời rút lui về một trong những nhà dòng của Ngài ở Prades, rồi ở L’Audes, nơi các thày dòng Xitô ở Phontfroide là nơi không hề phàn nàn kêu trách năm 1870.

Antôn Maria Claret vị thánh rất tân thời đã tỏ ra là nhà tiên phong với nhà sách đạo của Ngài. Trước khi có các tu hội triều ngày nay, Ngài đã sáng nghĩ ra “các nữ tu tại gia” là học giả uyên bác, Ngài đã xếp các văn sĩ có giá trị, các nghệ sĩ công giáo vào “hàn lâm viện thánh Micae”.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

24 Tháng Mười

Ngày Liên Hiệp Quốc 

Vào năm 1945, ba quốc gia gây chiến Ðức, Italia, Nhật mang bộ mặt tan tác tả tơi của những nước bại trận. Ða số những thành phố lớn tại Ðức, cũng như hai thành phố Hiroshima và Nagasaki tại Nhật chỉ còn là những đống gạch vụn, những thành phố chết.

Hình ảnh của thế giới, nhất là tại các quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong những năm “39-45” có lẽ không khác gì bộ mặt của trái đất sau trận lụt Ðại Hồng Thủy, khi trận lụt vĩ đại gây ra do những trận mưa lũ kéo dài 40 ngày đêm đã giết hại mọi sinh vật, như tác giả sách Khởi Nguyên viết: “Mọi loài xác thịt động đậy trên đất đều tắt thở: chim chóc, thú vật, mãnh thú… tất cả các vật trên cạn đều bị xóa sạch trên mặt đất từ người cho đến xúc vật, côn trùng và chim trời…”.

Từ đống tro tàn của thế chiến thứ hai, một ý nghĩa đã được manh nha và Liên Hiệp Quốc đã thành hình với mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình. Vì như một chính trị gia đã phát biểu: “Nếu con người không hủy diệt chiến tranh, chiến tranh sẽ hủy diệt con người”.

Nhưng từ ngày tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1945 đến nay không biết bao nhiêu cuộc chiến song phương cũng như nội bộ đã xảy ra. Những bàn tay con người vẫn được dùng để giơ gươm, để lảy cò, để bấm nút nhữntg khí giới giết người. Vì thế súng vẫn nhả đạn và máu tươi vẫn tuôn rơi, lòng đất mẹ vẫn thấm máu con người.

Ngày 24 tháng 10 hằng năm, bao nhiêu lá cờ của mọi quốc gia đã được trưng lên trong những buổi lễ kỷ niệm ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập, bao nhiêu sinh hoạt đã được tổ chức để nhắc nhở con người, không phân biệt màu da, tiếng nói, không phân biệt tín ngưỡng hay quan niệm về thể chế chính trị, ý nghĩa của tổ chức mang mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình.

Nhưng thiết nghĩ, hòa bình thế giới không thể được thiết lập nếu lòng người chưa đạt được sự an bình, vì nếu những tâm tình ganh ghét, ghen tuông, nghi kỵ, nếu những tư tưởng lợi dụng, đàn áp, bóc lột vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng chúng ta, thì ngọn lửa chiến tranh vẫn còn có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 29 TN1, Năm lẻ

Bài đọc: Rom 6:19-23; Lk 12:49-53.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy cố gắng nhận ra sự thật.

Cuộc đời có nhiều cái nghịch lý. Cái nghịch lý dại dột nhất trong cuộc đời là thay vì phải nhận ra và thương yêu những người đã hy sinh vất vả cả cuộc đời để nuôi nấng, dạy dỗ, và lo lắng tương lai cho mình; thì con người lại chạy theo những con người luôn rình chờ để lợi dụng, đầu độc, là phá hủy tương lai của mình. Tại sao cái nghịch lý này xảy ra? Lý do vì những kẻ đầu độc biết những gì con người thích: khoái lạc, dễ dãi, và những giá trị tạm thời.

Các Bài Đọc hôm nay mời gọi con người hãy cố gắng suy tư để nhìn ra sự thật và những ai yêu thương mình thực sự. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy biết so sánh để nhận ra sự thật và tình yêu Thiên Chúa: Kẻ thù của Thiên Chúa luôn cám dỗ con người để họ làm nô lệ cho tội lỗi. Hậu quả là những xấu hổ dằn vặt lương tâm và cái chết đau thương muôn đời; trong khi Thiên Chúa luôn yêu thương, dạy dỗ, và làm mọi sự để cứu độ con người. Khi gởi Đức Kitô xuống trên trần gian, Ngài sẵn sàng tha tội và ban mọi ơn lành để con người có sức mạnh thoát khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sống công chính theo đường lối Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với các môn đệ ý muốn của Ngài cho con người: Ngài mang lửa của tình yêu, của sự thật, và của bình an đến cho con người; nhưng họ phải đón nhận thì mới mang lại kết quả được.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy biết so sánh để làm theo những gì Chúa dạy.

Thánh Phaolô muốn con người nhận ra hai điều chính trong trình thuật hôm nay:

1.1/ Con người có khả năng thắng vượt tội lỗi: Trước khi Đức Kitô đến, con người không có sức mạnh để thắng vượt tội lỗi, dù Lề Luật giúp con người nhận ra tội lỗi; nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài trang bị cho con người ơn thánh đủ để con người chống lại tội lỗi. Thánh Phaolô diễn tả tư tưởng này như sau: “Trước đây, anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện. Khi còn là nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính.” Nếu Đức Kitô đã giúp con người có thể thắng vượt tội lỗi để sống công chính, tại sao con người không biết lợi dụng cơ hội để thoát khỏi kiếp nô lệ cho tội lỗi?

1.2/ Hậu quả của hai lối sống: Để có thể lựa chọn cách khôn ngoan, con người cần nhận ra hậu quả của mỗi lựa chọn. Thánh Phaolô giúp các tín hữu nhận ra hậu quả của hai lối sống: “Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời. Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

(1) Lối sống theo tội lỗi: là bị xấu hổ và bị chết: “Bấy giờ anh em thu được kết quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa đến chỗ chết.” Khi phạm tội, con người cảm thấy xấu hổ với Thiên Chúa và với tha nhân: với Thiên Chúa, vì con người đã bất tuân những gì Ngài dạy; với tha nhân, vì con người đã xúc phạm đến họ cách này hay cách khác. Nguy hiểm nhất của tội là nó đưa dần con người đến cái chết. Thánh Phaolô gọi cái chết là lương bổng của tội; vì khi con người làm việc gì, họ sẽ được trả lương tương xứng với việc họ làm.

(2) Lối sống theo sự công chính: sẽ giúp con người được trở nên thánh thiện và được sống đời đời. Lợi ích khi con người sống thánh thiện là họ sẽ không ngại ngùng xấu hổ khi tiếp xúc với Thiên Chúa hay tha nhân, vì họ chẳng có gì phải dấu diếm hay sợ sệt. Lợi ích trên hết là giúp con người đạt đến cuộc sống đời đời. Thánh Phaolô gọi cuộc sống đời đời là của Thiên Chúa ban cho con người nhờ công trạng của Đức Kitô.

2/ Phúc Âm: Sống theo tình yêu và sự thật sẽ giúp con người có bình an thực sự.

2.1/ “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Lửa có ít nhất 3 công dụng: soi sáng, thanh tẩy (luyện kim), và sưởi ấm.

– Chúa Giêsu soi sáng con người bằng Lời Chúa;

– Sống Lời Chúa sẽ giúp con người thanh tẩy tất cả sai trái và tật xấu trong tâm hồn;

– Cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa sẽ giúp con người có sức mạnh xóa tan đi những hố sâu chia rẽ và sưởi ấm lại tình người.

Lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào mặt đất mà muốn cho bùng lên là Sự Thật và Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói tiếp: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” Phép Rửa Chúa Giêsu đề cập đến ở đây chính là Phép Rửa bằng Máu, là Cuộc Thương Khó của Ngài. Phép Rửa này chỉ hòan tất khi Ngài giang tay chết trên Thập Giá để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

2.2/ Thầy đến để đem sự chia rẽ? Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sẽ làm không ít người ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Nhiều người sẽ hỏi: “Tại sao Thiên Chúa của bình an lại đem chia rẽ?”

Bình an của Thiên Chúa khác với bình an của con người và cách để có bình an của Thiên Chúa cũng khác với cách của con người. Bình an của trái đất là bình an giả tạo vì đặt trên những hiểu biết của con người; và chiến tranh có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu có sự xung đột giữa những hiểu biết của con người. Thiên Chúa ban bình an cho con người không theo kiểu của thế gian: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27). Bình an của Thiên Chúa chỉ thực sự có được khi mọi người nhận ra sự thật trong Mầu Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.

Vì sự thật của Thiên Chúa khác với sự thật của con người nên những lời dạy của Chúa Giêsu sẽ tạo nên sự chia rẽ: có những người tin vào Lời Chúa giảng dạy như các Tông Đồ và môn đệ; có những người sẽ phản đối và không tin như một số Kinh-sư, Biệt-phái, và Luật-sĩ. Hậu quả là họ tìm cách để tiêu diệt Chúa và các Tông Đồ. Cũng vậy, khi Lời Chúa được gieo trong cùng một mái nhà: sẽ có những người trong gia đình tin; sẽ có những người không tin. Hậu quả là gia đình sẽ chia rẽ. Nhưng nếu mọi người trong gia đình đều nhận ra sự thật và tin vào Lời Chúa, lúc ấy gia đình mới thực sự có bình an, và không một quyền lực nào có thể phá tan sự bình an đích thực này.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta có khả năng dứt bỏ tội lỗi và sống công chính theo đường lối của Thiên Chúa. Hãy cố gắng thực hành Lời Chúa và năng lãnh nhận sức mạnh Chúa ban qua các Bí-tích.

– Đức Kitô là nguồn mạch bình an. Ngài đến để hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Sự hiểu biết và tình yêu con người dành cho Đức Kitô sẽ giúp xóa tan mọi khác biệt và giúp con người hòa giải với nhau và trở nên một trong thân thể của Đức Kitô.

– Đức Kitô đã ném lửa của sự thật và của tình yêu vào trong trái đất và Ngài muốn làm cho lửa này cháy bùng lên. Để có bình an thực sự trên trong gia đình cũng như trên địa cầu, mọi người chúng ta cần cộng tác với Thiên Chúa bằng việc rao giảng Lời Sự Thật và mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************