Ngày thứ năm (31-08-2023) – Trang suy niệm

30/08/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm tuần 21 Thường Niên – Năm A

BÀI ĐỌC I: 1 Tx 3, 7-13

“Xin Chúa ban cho anh em lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, vì đức tin anh em, chúng tôi được an ủi nơi anh em trong mọi nỗi quẫn bách và gian truân, hiện giờ chúng tôi cảm thấy được sống, vì thấy anh em đứng vững trong Chúa. Vậy chúng tôi phải cảm tạ ơn Chúa thế nào thay cho anh em, vì nỗi vui mừng chúng tôi được hưởng trước mặt Thiên Chúa chúng ta nhờ anh em. Đêm ngày chúng tôi gia tăng lời cầu nguyện, để được gặp mặt anh em lại và bổ túc những gì thiếu sót trong đức tin của anh em. Xin chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, và Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, dẫn đàng đưa chúng tôi tới anh em. Về phần anh em, xin Chúa ban cho anh em được gia tăng và dồi dào lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người, như chính chúng tôi yêu thương anh em: để làm cho lòng anh em nên vững vàng trong sự thánh thiện, không còn điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến làm một cùng tất cả các thánh của Người. Amen.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 3-4. 12-13. 14 và 17

Đáp: Xin cho chúng con sớm đươc no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).

1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Người phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”.

2) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.

3) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con. Sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.

ALLELUIA: Cl 3, 16a và 17c

All. All. – Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Đức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. – All.

PHÚC ÂM: Mt 24, 42-51

“Các con hãy sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. “Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

31/08/2023 – THỨ NĂM TUẦN 21 TN

Mt 24,42-51

CANH THỨC TỪNG GIÂY PHÚT

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.” (Mt 24,42)

Suy niệm: Chiều thứ Năm ngày 20/07 vừa qua, Sở Cảnh sát Berlin báo động người dân một số khu vực phải cảnh giác khi đi đường, tốt hơn nên ở trong nhà vì một con sư tử xổng chuồng đang lang thang trong vùng. Tình hình quả là nghiêm trọng: thử tưởng tượng có một con sư tử hung bạo đang rảo quanh tìm cơ hội cắn xé, ta sẽ làm gì? Đương nhiên là ta phải hết sức canh phòng. Thánh Phê-rô dùng hình ảnh đó để căn dặn ta canh thức trước mưu ma chước quỷ đêm ngày quanh ta (x. 1Pr 5,8-9). Chủ đề canh thức, sẵn sàng đón Chúa hôm nay được Đức Giê-su cảnh báo ta qua hai hình ảnh: (1) như kẻ trộm đến bất ngờ, gia chủ phải canh chừng; (2) tựa ông chủ đi dự tiệc ban đêm bất ngờ trở về, gia nhân phải canh thức. Bất ngờ là ta không thể biết trước thời điểm; phương thế duy nhất là canh thức, sẵn sàng cho giây phút bất ngờ ấy.

Mời Bạn: Thánh Gio-an Thánh giá nhắc nhở bạn đừng để đôi mắt mình bị lôi cuốn bởi những ánh đèn hải đăng giả hiệu của tiền của, địa vị, danh giá. Nhưng hãy tỉnh thức làm chủ ý định và ước muốn, bởi chúng là lực lượng nội công hư hỏng, cướp đi tự do của bạn. Bạn không thể chỉ mở to đôi mắt canh thức một lúc nào đó rồi thôi, nhưng phải là trong mọi giây phút đời mình. Mời bạn luôn tỉnh thức làm chủ bản thân bằng cách chỉ suy nghĩ và ước muốn một điều duy nhất là làm đẹp lòng Chúa, để Ngài luôn nở nụ cười hài lòng, khi bạn chu toàn bổn phận mỗi ngày với lòng mến.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chu toàn bổn phận vì lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lòng con chỉ canh cánh một điều: làm mọi sự để đem lại cho Chúa nụ cười mỗi ngày. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Châm ngôn của hướng đạo sinh là Sắp Sẵn, nghĩa là hãy sẵn sàng.
Không rõ ông tổ của phong trào hướng đạo
có được gợi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay không.
Nhưng hãy sẵn sàng đúng là châm ngôn của mọi kitô hữu,
từ những kitô hữu sống ở thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 21 và cho đến tận thế.
Hãy sẵn sàng vì từng kitô hữu cũng như cả Kitô giáo
vẫn luôn ở trạng thái chờ Chúa Kitô trở lại.
Ngài đã đến làm người cách đây hai ngàn năm,
Ngài đã cứu độ nhân loại bằng cuộc sống và cái chết trên thập giá,
Ngài vẫn đang ở với Giáo Hội nhờ Thánh Thần,
nhưng Ngài sẽ trở lại trong vinh quang như Đấng phán xét cả thế giới.
Đó là điều chúng ta chờ mong, điều duy nhất Ngài chưa thực hiện.

Nếu chủ nhà biết canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông sẽ canh thức,
không để nó khoét vách nhà mình (c. 43).
Còn người kitô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa trở lại,
nên họ phải canh thức luôn luôn, phải sẵn sàng liên lỉ.
Canh thức không phải là không ngủ.
Canh thức là sống đời sống kitô hữu của mình cách trung tín, quảng đại.
Canh thức không làm chúng ta bị căng thẳng thường xuyên,
vì thấy mình như bị đe dọa bởi một tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chúa cũng không cố ý đến bất ngờ, để ta không kịp trở tay.
Đơn giản là chúng ta biết chắc chắn Ngài sẽ đến,
nên chúng ta luôn sẵn sàng.
Chuyện khi nào Ngài đến, không làm chúng ta lo âu và sợ hãi nữa,
vì cả cuộc sống của chúng ta đã là một chuẩn bị, một đợi chờ.

Canh thức cũng có nghĩa là làm tròn phận sự được Chúa trao.
Ông chủ đi vắng nên trao cho người đầy tớ quyền cấp phát lương thực.
Đó là quyền hành mà cũng là phận sự trên các gia nhân.
Nếu khi trở về, ông chủ thấy người đầy tớ ấy đang phục vụ nghiêm chỉnh,
thì phúc cho anh ấy, vì anh sẽ được coi sóc toàn bộ tài sản của ông (c. 47).
Nhưng nếu anh ấy nghĩ rằng ông chủ sẽ về muộn,
anh còn nhiều thời giờ để vui chơi hơn là chu toàn bổn phận.
Nếu anh ấy lạm dụng quyền lực trong tay để đánh đập các đầy tớ khác,
nếu anh ấy nhậu nhẹt với bọn say sưa, nên không còn tỉnh thức đủ,
thì ông chủ sẽ về bất ngờ, vào ngày và giờ sớm hơn anh nghĩ.
Lúc ấy khuôn mặt thật của anh sẽ lộ ra, khuôn mặt giả hình.
Và anh sẽ chịu chung số phận với những người đạo đức giả (c. 51).

Anh đầy tớ xấu xa nghĩ chủ sẽ về trễ, nào ngờ chủ về sớm.
Kitô giáo đã chờ Chúa quang lâm từ gần hai mươi thế kỷ.
Có người nản lòng, nên cho rằng chắc còn lâu lắm mới đến ngày đó.
Có người đồn thổi lung tung về ngày tận thế sắp đến tới nơi rồi.
Cả hai thái độ đều không đúng.
Điều quan trọng đối với người môn đệ là trung tín chu toàn công việc.
Tỉnh thức và sẵn sàng giúp ta luôn bình an, dù ngày mai tận thế.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

31 THÁNG TÁM

Đâu Là Vai Trò Riêng Của Các

Hội Đồng Giám Mục Cấp Quốc Gia?

Các hội đồng giám mục quốc gia đã trở thành một thực tại sống động, cụ thể trên mọi miền thế giới. Thượng Hội Đồng nhận thấy nhu cầu cần đào sâu sự hiểu biết thần học nhất là nền tảng tín lý của những tổ chức này. Các tổ chức này đã có nhiều đóng góp rất giá trị cho công việc của Giáo Hội tại những quốc gia khác nhau. Điề này thật đáng khích lệ. Nhưng sự phát triển và tầm mức ảnh hưởng ngày càng tăng của các tổ chức này cũng làm bật lên những vấn đề về tín lý và mục vụ trong Giáo Hội. Chúng ta tự hỏi: Các hội đồng giám mục nên phát triển như thế nào? Đâu là vai trò của các tổ chức này trong đời sống Giáo Hội?

Chính Công Đồng Vatican II – trong Sắc Lệnh về các giám mục và về vai trò quan trọng của các giám mục trong đời sống Giáo Hội – đã thúc đẩy việc đào sâu nhận hiểu về nền tảng tín lý của các hội đồng giám mục quốc gia. Trong Bộ Giáo Luật, cũng có đề cập đến các hội đồng giám mục này. Giáo luật tuyên bố rằng các giám mục “liên kết với nhau thực hiện một số chức năng để thăng tiến những thiện ích mà Giáo Hội cung ứng cho con người. (GL 447).

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần tác động mạnh mẽ nơi các hội đồng giám mục quốc gia – để mọi quốc gia trên trái đất này có thể được chăm sóc mục vụ hữu hiệu và được lớn lên trong đức tin.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 31/8

1Tx 3, 7-13; Mt 24, 42-51.

Lời Suy niệm: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.”

          Đối với người Kitô hữu, phải thường xuyên chuẩn bị cho ngày giờ Chúa đến. Trước hết và trên hết là luôn hướng về Chúa và đón nhận ân sủng của Ngài ban;  không được chủ quan cho rằng mình còn nhiều năm tháng để sống; nhưng luôn phải biết cầu nguyện, xin ơn chiến thắng trước những cám dỗ và luôn phải chu toàn bổn phận với trách nhiệm trong vui tươi bất cứ công việc nào và bất cứ hoàn cảnh nào.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang trao cho mỗi người trong chúng con mỗi người một công việc với một tinh thần đầy trách nhiệm, cũng như một nơi chốn; với ơn ban của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con  được gặp Chúa đến, đang khi chúng con chu toàn bổn phận mà Chúa đã giao phó. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

31 Tháng Tám

Ốc Ðảo Hòa Bình

Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là “Ốc đảo hòa bình”.

Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng Hòa Bình này hiện nay là 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh chứng rằng người Do Thái và người Ả Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục công giáo năm nay 78 tuổi. Cha ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ ngài là một người Hungary cũng gốc Do Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khổ đạo. Năm lên 22 tuổi, ngài đã trở lại công giáo và xin tu trong viện Ðaminh. Cha Bruno Hussar tuyên bố với tất cả xác tín như sau: “Trong Kinh Thánh người ta đọc được lời này: Dân Ta sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố gắng cảm thông là điều có thể làm cho những người Do Thái và Ả Rập xích lại gần nhau, cũng như chính những người Kitô có thể đến gần với những người Hồi Giáo và vô thần”.

Ước vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó các trẻ em Do Thái và Ả Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng tác viên của cha Bruno cho biết như sau: “Ngay từ lúc nhỏ, các trẻ em đã có thể làm quen với hai nền văn hóa một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng người khác”.

Ðể bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa chung với nhau.

Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: “Ngồi đồng bàn để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều”.

Cũng như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữa…

Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối… Những người dân cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra. Một ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ tàn lụi một cách vô ích. Nó sẽ lan ra và khơi dậy những ngọn lửa mới.

Tình yêu là điều có thể có giữa con người. Hòa bình là điều mà con người có thể xây dựng nếu con người biết tin tưởng nhau, biết chấp nhận nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau…

Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần 21 – TN1

Bài đọc: I Thes 3:7-13; Mt 24:42-51.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải luôn biết kiên trì tập luyện.

Nhiều người hay có khuynh hướng “để ngày mai,” vì nghĩ họ còn nhiều thời gian để làm. Tục ngữ Việt-nam có rất nhiều câu để diệt trừ thái độ này: “Việc gì có thể làm hôm nay, đừng để lại ngày mai;” “đừng đợi nước đến chân mới nhảy;” “không biết lo xa, sẽ có buồn gần.” Khuynh hướng này còn nguy hiểm hơn nữa, và được ma quỉ áp dụng để tước đoạt linh hồn con người: Các tín hữu, nhất là người trẻ, thường nghĩ mình còn cả cuộc đời để chuẩn bị cho Ngày Phán Xét, nên cứ việc ăn chơi thả giàn; đợi khi nào về già rồi sẽ tính chuyện ăn năn trở lại cũng không muộn. Hơn nữa, Thiên Chúa là Cha rất nhân lành, chỉ cần ít phút trở lại trên giường bệnh cũng đủ để vào Thiên Đàng, như trường hợp người trộm lành trên thập giá. Biết bao nhiêu người có thái độ này đã phải hư đi, vì: Thứ nhất, họ không biết ngày giờ nào là ngày tận thế của họ, thực tế dẫn chứng nhiều người đã chết khi tuổi vẫn còn trẻ. Thứ hai, một khi đã ở quá lâu trong vũng lầy của tội lỗi, họ không còn muốn thoát ra, và cũng không còn sức để vượt thoát được nữa.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta hai câu truyện để dạy chúng ta luôn phải biết kiên trì tập luyện trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô dẫn chứng bằng chính cuộc đời của mình. Ngài tìm đủ mọi cách để khuyên nhủ, dạy dỗ, và cầu nguyện cho các tín hữu Thessalonica để họ có thể bền vững trong đức tin, và trở nên tinh tuyền thánh thiện, để xứng đáng ra đón Đức Kitô trong Ngày Quang Lâm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dẫn chứng bằng một câu truyện của một người chủ trao bổn phận cho người đầy tớ trước khi đi xa. Ông sẽ trở lại vào ngày giờ mà người đầy tớ không ngờ, và ông sẽ thưởng hay phạt tùy theo những gì ông tìm thấy nơi người đầy tớ. Mẹ Monica cũng hết sức lo lắng đến lo phần hồn cho hết mọi người trong gia đình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Quang Lâm.

1.1/ Người tín hữu luôn hướng về Ngày Quang Lâm: vì đây là mục đích của cuộc đời. Thánh Phaolô nói rõ: “Xin Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.” Hai mục tiêu mà thánh Phaolô muốn các tín hữu ra sức tập luyện để có được:

(1) Bền tâm vững chí trong đức tin: Đức tin người tín hữu có được trong ngày lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội chỉ là một hạt giống. Các tín hữu cần luyện tập để làm cho hạt giống đức tin lớn lên thành cây và sinh hoa kết trái. Đức tin không bao giờ được coi là một hành động thuần tri thức hay trong một lúc; nhưng phải biểu tỏ bằng hành động trong suốt cuộc đời, để vượt qua hết mọi cám dỗ và thử thách trong cuộc đời.

(2) Trở nên tinh tuyền thánh thiện: Người tín hữu chuẩn bị tâm hồn bằng cách khử trừ hết mọi tính hư nết xấu trong con người, và luyện tập để có được mọi đức tính cần thiết như Thiên Chúa, Đấng tốt lành và thánh thiện.

1.2/ Người tín hữu luôn biết trau dồi tập luyện trong thời gian hiện tại: Người tín hữu không phải là người mà đầu óc chỉ mơ mộng lên Thiên Đàng, nhưng thân thể dính chặt trên giường. Trái lại, họ phải biết lo toan tập luyện làm sao để đạt được hai mục tiêu trên. Nhìn những gì thánh Phaolô lo lắng cho các tín hữu, chúng ta nhận ra những bài học quan trọng sau đây:

(1) Lo lắng tận tình cho những người mình có trách nhiệm, để họ có được một đức tin vững mạnh. Ngài viết: “Thưa anh em, vì anh em có lòng tin, nên khi nghĩ đến anh em, chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian truân chúng tôi phải chịu. Phải, chúng tôi sống được đến giờ này là nhờ anh em đứng vững trong Chúa.” Niềm vui ngài có được là nhìn thấy họ lớn lên trong Chúa: ”Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta.”

(2) Cầu nguyện để xin Chúa bổ túc những gì còn thiếu sót: Đã là người, ai cũng có khuyết điểm và thiếu sót. Thánh Phaolô biết có cố gắng bao nhiêu cũng không đủ cho các tín hữu trở nên trọn lành; vì thế, ngài trông vào lời cầu nguyện: “Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em và bổ túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em.”

(3) Năng liên lạc và thăm viếng để khích lệ tinh thần: Người lãnh đạo tinh thần: cha mẹ, người đỡ đầu, cha xứ … có bổn phận phải chăm nom đức tin cho những người mình có bổn phận trong suốt cuộc đời, chứ không phải chỉ trong ngày Rửa Tội, hay trong những năm tháng mà họ thuộc quyền mình mà thôi. Thánh Phaolô luôn tìm cơ hội trở lại để thăm viếng và khích lệ tinh thần các cộng đòan ngài thành lập; khi không thể đến được, ngài dùng thư từ để hỏi han và khích lệ.

(4) Làm cho đức ái phát triển và ngự trị trong cộng đoàn: Bác ái là một đặc tính tối quan trọng của các Kitô hữu; vì thế, thánh Phaolô khuyên: ”Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy.”

2/ Phúc Âm: Phúc cho đầy tớ khôn ngoan và trung tín.

2.1/ Người chủ của đầy tớ sẽ trở về: Khi người chủ ra đi là sẽ có ngày trở về; khi Thiên Chúa cho chúng ta vào thế gian sinh sống là sẽ có ngày chúng ta sẽ về với Ngài. Ai cũng biết chắc chắn sẽ có ngày đó, nhưng không ai biết khi nào ngày đó sẽ xảy ra.

(1) Phần thưởng cho đầy tớ khôn ngoan và trung tín: Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.” Theo truyền thống Do-thái, quản gia hay đầy tớ trưởng là người trông coi mọi việc trong nhà, anh thay chủ khi chủ vắng nhà, và có toàn quyền trên mọi gia nhân trong nhà. Người quản gia khôn ngoan và trung tín là người làm mọi việc xuôi chảy dù có hay vắng mặt chủ nhà, anh được chủ tin cậy và trao hết mọi tài sản của chủ.

(2) Hình phạt cho đầy tớ dại dột và bất trung: “Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

2.2/ Thái độ của tên đầy tớ bất trung.

(1) Ngày về của chủ còn dài: Tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về,”

thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa. Chủ hắn trở về vào lúc hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và hắn sẽ phải lãnh nhật mọi hình phạt cho kẻ bất trung.

(2) Không dễ dàng để ăn năn trở lại: Một người học sinh biết khó khăn thế nào khi tới kỳ thi cuối khóa mới bắt đầu học; một người lực sĩ biết khó khăn thế nào để thi đấu khi thân thể đã phì nộm ra. Cũng thế, một tín hữu đã dấn sâu quá vào tội lỗi, vào tứ đổ tường sẽ biết khó khăn thế nào để khử trừ việc nghiện ngập. Thói quen xấu sẽ càng ngày càng nhiều ra đến độ khi biết tỉnh thức muốn thoát ra thì đã quá muộn màng. Lúc đó, chỉ còn biết bằng lòng với số phận.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải luôn biết chuẩn bị cho Ngày Phán Xét bằng cách làm cho đức tin luôn tăng trưởng, khử trừ mọi tính hư nết xấu, và luyện tập nhân đức để ngày càng thánh thiện hơn.

– Chúng ta phải cố gắng hết sức để hòan tất sứ vụ Chúa trao: phải ra sức lo lắng cho những người chúng ta có trách nhiệm có một đức tin vững chắc và một cuộc sống thánh thiện. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************