Ngày thứ sáu (04-06-2021) – Trang suy niệm

03/06/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần IX Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:    Tb 11, 5-17

“Chúa đã sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi, đây tôi nhìn thấy con trai tôi”.

Trích sách Tôbia.

Trong những ngày ấy, mỗi ngày bà Anna đến ngồi ở vệ đường bên sườn núi, nơi đó có thể nhìn xa được. Cũng tại chỗ đó, đang lúc bà ngóng chờ con bà trở về, thì bà thấy và nhận ra con bà từ đàng xa đi đến, bà chạy báo tin cho chồng rằng: “Kìa, con mình đang về tới kia”. Và Raphael nói với Tôbia rằng: “Lúc bạn vào nhà rồi, lập tức bạn hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa bạn, và cảm tạ Người, rồi bạn đến gần mà hôn cha của bạn. Liền sau đó, bạn lấy mật cá đem theo mình, xức trên mắt ông. Mắt của ông sẽ mở ra, cha bạn sẽ thấy ánh sáng mặt trời, và hân hoan trước mặt bạn”.

Bấy giờ con chó đi theo Tôbia, chạy về trước, nó vui mừng vẫy đuôi như báo tin. Người cha mù loà của Tôbia chỗi dậy, loạng choạng đi ra cửa đón con mình. Ông đón lấy và hôn con ông và vợ nó. Cả hai oà lên khóc vì vui mừng. Sau khi thờ lạy và cảm tạ Thiên Chúa, họ cùng ngồi xuống. Bấy giờ Tôbia lấy mật cá, xức lên mắt cha mình. Chờ đợi nửa giờ, thì một vẩy trắng tựa như màng trứng tách ra khỏi hai mắt. Tôbia cầm vẩy trắng ấy kéo ra khỏi mắt cha mình, ông liền thấy được. Rồi ông, vợ ông và những người quen thuộc ca tụng Chúa. Còn Tôbia thì cầu nguyện rằng:

“Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, con chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa phạt con và lại cứu chữa con; đây chính con đang nhìn thấy Tôbia con trai của con”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 145, 2abc. 7. 8-9a. 9bc-10

Đáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa (c. 2a).

Hoặc đáp: Alleluia.

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa, tôi sẽ ngợi khen Chúa trong cả cuộc đời, bao lâu còn có thân tôi, tôi còn ca ngợi Chúa.
– Đáp.

2) Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội, Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù. – Đáp.

3) Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục. Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Đáp.

4) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi, quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời; Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 12, 35-37

“Sao họ có thể bảo Đức Kitô là Con vua Đavít?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: “Sao các luật sĩ lại nói Đấng Cứu Thế là con vua Đavít? Vì chính Đavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: ‘Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con’. Chính Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít được?” Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

04/06/2021 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN

Mc 12,35-37

MỐI TƯƠNG QUAN MẦU NHIỆM

Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?”(Mc12,35)

Suy niệm: Các kinh sư không thể giải được câu hỏi khó của Chúa Giê-su: Vì sao họ gọi Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít mà vua ấy lại gọi Ngài là “Chúa Thượng tôi”? Họ không thể trả lời vì họ không nhận biết được mối tương quan mầu nhiệm của Đấng vừa là Thiên  Chúa vừa là con người. Mối tương quan đó, thực ra con người đã được thừa hưởng khi được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài để sống thân mật với Ngài trong mối tình Cha-con. Nhưng nó đã bị cắt đứt vì sự kiêu căng của nguyên tổ khi cuồng vọng muốn ngang bằng Thiên Chúa. Hậu quả là đau khổ, sợ hãi cũng như bất công, bạo lực phát sinh và hoành hành trong thế giới này. “Đấng Ki-tô, con vua Đa-vít” là Con Thiên Chúa làm người để đền bù những ác quả của tội lỗi đó để đưa con người nối lại mối tương quan thân tình là con cái của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Giám mục Robert Barron, nổi tiếng về truyền thông ở Mỹ, chia sẻ rằng 99% các tội lỗi của con người đến từ bệnh ảo tưởng “mình là chúa”. Ngài đề nghị các tín hữu trung thành dành 5-10 phút cầu nguyện mỗi ngày vì đó là phương thế để phá bỏ cái ảo tưởng bản thân tai hại nhờ đó thắt chặt mối tương quan thân mật của người con thảo với Cha trên trời là Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày tâm sự với Chúa, coi đó là việc không thể thiếu để vun đắp cho mối tương quan thân mật với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết từ bỏ những ảo tưởng tự kiêu tự mãn cùng với những đam mê thấp hèn, để tâm hồn con được thanh thoát kết hiệp thân tình với Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Sau khi đã bị chất vấn về nhiều vấn đề bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo,

bây giờ đến lượt Đức Giêsu đặt vấn đề với họ, cụ thể là các kinh sư.

Khung cảnh vẫn là Đền thờ với đám đông thính giả.

Có vẻ đây là một đám đông có cảm tình với Đức Giêsu (c. 37).

Câu chuyện khởi đi từ câu đầu tiên của thánh vịnh 110.

Thánh vịnh này là thánh vịnh được các Kitô hữu sơ khai yêu thích,

và được trích dẫn nhiều lần trong các sách Tân Ước,

bởi lẽ họ nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu vinh quang trong đó.

Đối với các kinh sư, cũng như đối với Đức Giêsu,

thánh vịnh này được vua Đavít viết ra, dưới ơn linh hứng của Thánh Thần.

Ông viết về Đấng Mêsia được Đức Chúa cho toàn thắng.

“Đức Chúa phán cùng Chúa của tôi rằng: bên hữu Ta đây, con lên ngự trị,

để rồi bao địch thù Ta đặt làm bệ dưới chân con” (c.36).

Trong thánh vịnh này, Đavít đã gọi Đấng Mêsia một cách long trọng,

bằng tước hiệu “Chúa của tôi”.

Thế mà theo quan niệm của các kinh sư, Đấng Mêsia (còn gọi là Đấng Kitô)

là con vua Đavít, là người thuộc dòng dõi vua Đavít.

Câu hỏi Đức Giêsu đặt cho các kinh sư như sau:

Nếu Đavít gọi Đấng Mêsia là Chúa của tôi

thì làm sao Đấng Mêsia lại là Con của Đavít?

Mới nghe câu hỏi của Đức Giêsu,

ta có cảm tưởng Ngài không nhìn nhận mình là Con vua Đavít.

Thật ra Ngài không bảo rằng Đấng Mêsia không thể là Con Đavít được.

Nhưng Ngài chỉ đặt một câu hỏi lơ lửng để mời họ suy nghĩ.

“Bởi đâu (pothen) mà Đấng Mêsia lại là con vua Đavít?” (c. 37).

Bởi đâu Đấng Mêsia vừa là Con, vừa là Chúa của Đavít?

Đối với Kitô hữu chúng ta, mầu nhiệm này đã được hiển lộ.

Đức Giêsu là Con vua Đavít, thuộc dòng dõi Đavít theo xác thịt (Rm 1,3),

nhưng Ngài được siêu tôn làm Chúa nhờ trải qua cái chết thập giá,

nhờ sự hạ mình vâng phục, và nhờ được phục sinh.

“Chính vì thế Ngài được ban cho một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu,”

khiến mọi loài phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (Ph 2, 9-11).

Hôm nay chúng ta vẫn phải làm việc vất vả

để thế giới nhìn nhận quyền làm Chúa của Đức Giêsu Kitô.

Vì kẻ thù cuối cùng vẫn chưa bị khuất phục trọn vẹn (1 Cr 15, 25).

Chúng ta mong mọi sự quy phục Đức Kitô, để tất cả thuộc về Thiên Chúa.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

4 THÁNG SÁU

Một Quá Trình Suy Tư Chậm Rãi

Chúng ta có cơ sở Thánh Kinh để xem con người như một ngã vị duy nhất, và đồng thời như một luỡng diện gồm hồn và xác. Quan điểm này đã được trình bày trong toàn bộ truyền thống và trong giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này bao gồm không chỉ Thánh Kinh mà cả những chú giải thần học về Thánh Kinh nữa.

Sự nhận hiểu này đã phát triển dưới ảnh hưởng của một số trường phái tư tưởng Hi lạp – trong đó có trường phái Aristôte. Một tiến trình suy tư chậm rãi đã đạt đến một mức tròn đầy nơi các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Chúng ta nhận thấy điều này trong các tuyên bố về con người tại Công Đồng Vienne vào năm 1312. Trong các văn kiện Công Đồng, linh hồn được gọi là “mô thức” của thân xác: “mô thức của thân xác con người, bởi chính nó và một cách thiết yếu” (DS 902). “Mô thức” này ấn định chính bản chất của hữu thể con người và nó có bản tính thiêng liêng. Xa hơn nữa, mô thức thiêng liêng ấy của con người – tức linh hồn – thì bất tử. Điều này đã trở thành giáo huấn chính thức của Công Đồng La-tê-ra-nô V năm 1513: “Linh hồn thì bất tử, trái lại, thân xác thì khả diệt” (DS 1440).

Trường phái suy tư do Thánh Tôma Aquinô đặt nền móng cũng dạy rằng do bởi tính hiệp nhất trong bản thể giữa xác và hồn, nên sau khi chết linh hồn mãnh liệt hướng đến tái hiệp nhất với thân xác. Và quan điểm thần học này được củng cố bởi chân lý mạc khải về sự phục sinh của thân xác.

Ngay cả dù các thuật ngữ triết học mà chúng ta dùng để diễn tả tính duy nhất và tính phức hợp (hay lưỡng diện) của con người có thể bị chất vấn lúc này lúc khác, thì tính duy nhất của ngôi vị con người và tính lưỡng diện (tinh thần – xác thể) của nó cũng hoàn toàn có nền tảng trong Thánh Kinh và trong truyền thống. Người ta thường cho rằng con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” bởi vì con người có khía cạnh “hồn”. Tuy nhiên, giáo huấn truyền thống không hề loại trừ quan điểm rằng thân xác cũng tham dự vào phẩm giá “hình ảnh của Thiên Chúa” – cũng như nó tham dự vào trọn vẹn phẩm giá của ngôi vị xét như cả tinh thần lẫn xác thể.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 04/6

Tb 11, 5-17; Mc 12, 35-37.

LỜI SUY NIỆM: “Chính vua Đa-vít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú.

          Khi Chúa Giêsu giảng dạy trong Đền Thờ; Người đã đặt câu hỏi với đám đông: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đa-vít?” Và Người đã dùng chính Thánh Vinh 110 (Đấng Mêsia là Vua và Thượng Tế; ) Để dẫn đưa cộng đoàn hiểu cho đúng, về vị thế của Đấng Kitô đối với vua Đa-vít; Người đã giúp cho đám người đông đảo nghe Người một cách thích thú.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa dẫn đưa chúng con đến với Thánh Vịnh 110. Trong Thánh Vịnh này chuyển tải một thông điệp có tính tiên tri, giúp cho chúng con, khi đọc Thánh Vịnh này phải nghĩ ngay đến Chúa, chính là Đấng Kitô. là Chúa Thượng của chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

04 Tháng Sáu

Bóng Tối 

Raoul Follereau đã thuật lại một câu chuyện về một người phong cùi như sau: Từ nhiều năm qua, ông ta sống chui rúc trong căn lều tối tăm của ông. Xa tránh ánh sáng, đôi mắt ông đã trở thành mù lòa. Bóng tối trên đôi mắt đã đành, ông còn tự giam hãm bóng tối của tâm hồn. Người đàn ông như đang tự chôn vùi mình trong chính đáy mồ của ông… Mỗi ngày, có một nữ tu đến để tẩy rửa và băng bó các vết thương cho ông. Ông chấp nhận cho người nữ tu săn sóc, vì nghĩ rằng ít nhất người nữ tu cũng nở được nụ cười mãn nguyện.

Ngày tôi đến thăm, người nữ tu cho tôi biết rằng người đàn ông đã không bao giờ muốn ra khỏi căn lều tối tăm của mình… Tôi tiến lại gần con người khốn khổ ấy và đưa cánh tay ra mời mọc. Tôi nắm lấy cánh tay của ông và dìu ông đứng dậy. Chúng tôi ra khỏi căn lều tăm tối.. Vừa đến bên cánh cửa nơi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông dã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi căn lều, đứng giữa ánh sáng, ông hô lên một tiếng kêu lớn: “Tôi thấy!”

Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ụp phủ xuống trên cuộc đời, thì đây là lần đầu tiên, người bệnh mới cảm nhận thực sự có ánh sáng xung quanh mình. Lấy tất cả sức lực còn lại, người đàn ông thét lên với cây cỏ, với núi non, với trời cao, với tất cả mọi người: Tôi thấy! Tôi thấy!

Có những người tự giam mình trong bóng tối. Có những người bị người khác đầy ải vào trong bóng tối…

Vô tình hay hữu ý, có lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy không biết bao nhiêu người vào trong bóng tối. Một cuộc sống thiếu chứng tá, một khước từ giúp đỡ: đó có thể là những hành động xô đẩy người khác rơi vào bóng tối, chúng ta cũng tự giam mình vào bóng tối hay giảm bớt cường độ ánh sáng trong chúng ta…

“Các con là ánh sáng thế gian”. Lời của Chúa Giêng nói lên bản chất của người Khô. Người Kitô chỉ là Khô khi họ là ánh sáng thế gian… Ánh sáng không thể sáng soi nữa, ánh sáng ấy sẽ trở thành tăm tối.

Hãy chiếu ánh sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lờ nói nâng đỡ ủi an, một nụ cười thông cảm, một bàn tay đưa ra để dìu dắt, để đồng hành: đó là bao nhiêu việc làm của ánh sáng mà bao nhiêu người đang chờ đợi nơi chúng ta. Và chúng ta cũng tin rằng, một ánh lửa càng được chia sẻ, thì càng sáng lên…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 9 – TN1 – Năm lẻ 

Bài đọc: Tob 11:5-15; Mk 12:35-37

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của thời gian.

            Con người bị lệ thuộc vào thời gian; Thiên Chúa làm chủ thời gian. Con người khi làm bất cứ việc gì đều muốn có kết quả ngay; nhưng Thiên Chúa đòi con người phải chờ đợi. Trong thực tế, làm việc gì cũng cần phải có thời gian, trước khi nhìn thấy kết quả: trồng cấy, học hành, đầu tư … Trong việc tập luyện nhân đức cũng thế: thời gian cần để thử luyện đức tin để phân biệt đức tin vững vàng với đức tin yếu kém; thời gian cần để chứng minh đâu là tình yêu chung thủy với tình yêu qua đường; thời gian cần để đào tạo sự kiên trì và trung thành, thay vì những nông nổi và cảm xúc nhất thời.          

            Bắt đầu Sách Tobit, chúng ta đã đặt hai câu hỏi: “Thiên Chúa có thấy những việc lành con người làm hay không?” và “Tại sao người lành phải đau khổ?” Lý do của hai câu hỏi là vì ông Tobit luôn cố gắng ăn ở theo sự thật: cho con đi mời người nghèo về để cùng ăn uống chung, chôn xác kẻ chết; nhưng ông vẫn bị mù và bị châm biếm bởi vợ! Trình thuật trong Bài Đọc I hôm nay cho thấy kết quả của những cố gắng của ông Tobit: ông được khỏi mù, ông lấy được tiền đã gởi người khác, ông đã lấy được vợ cho con ông và đã chữa cô ta khỏi ách nô lệ của quỉ Asmodeus. Điều này chứng minh: Tất cả mọi chuyện tốt đẹp xảy ra cho những ai cố gắng ăn ở theo sự thật và vững lòng trông cậy nơi Thiên Chúa. Điều quan trọng là phải kiên trì và trung thành, chứ không được đòi hỏi phải có kết quả ngay.

            Trong Phúc Âm, vì con người lệ thuộc thời gian, nên đa số không hiểu: làm sao Đức Kitô có thể trở thành Chúa Thượng của vua David được, vì Ngài có sau David cả 1,500 năm? Nhưng Chúa Giêsu muốn con người phải suy nghĩ khi Ngài trích dẫn lời Thánh Vịnh 110:1 này để tìm hiểu đâu là sự thật, vì lời Kinh Thánh không thay đổi, và chính vua David đã nói như vậy. Họ chỉ còn một cách hiểu là chấp nhận mặc khải của Đức Kitô: “Trước khi Abraham có, Ta đã có, vì Ta Hằng Hữu.” Chỉ khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài mới có sau David, khi xét theo gia phả con người mà thôi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Được con chữa khỏi mù, lấy được vợ cho con, và đòi được nợ.

1.1/ Thiên-sứ Raphael hướng dẫn Tobia chữa ông Tobit khỏi mù:

            (1) Tình cha con: Đức tin của ông Tobit và những việc lành của ông đã ảnh hưởng rất lớn trên đức tin và cách hành xử của Tobia con ông. Chúng ta có thể đan cử ít ví dụ: Tobia tuyệt đối vâng lời cha và thiên sứ; cậu lấy Sarah không phải vì tình dục nhưng vì tình yêu chân thành; cậu luôn lo lắng đến bệnh tình của cha. Đây phải là gương sáng cho những người cha trong gia đình: Nếu các ông muốn con cái kính sợ Thiên Chúa, các ông hãy kính sợ Thiên Chúa trước. Nếu các ông muốn con cái ăn ngay ở lành, hãy làm trước và tạo cơ hội cho các con ăn ngay ở lành.

            Kế hoạch chữa mắt cho ông Tobit đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, khi Ngài gởi thiên sứ Raphael đến cho gia đình. Trước khi về đến nhà, thiên sứ Raphael nói lời chỉ dẫn cho Tôbia trước khi cậu đến gần cha: “Tôi biết là mắt cha em sẽ mở ra. Hãy tra mật cá vào mắt ông. Thuốc sẽ làm cho các sẹo trắng teo lại và bay ra khỏi mắt ông. Cha em sẽ thấy lại được, sẽ nhìn thấy ánh sáng.”

            Khi được vợ cho biết Tobia đang tiến về nhà, ông Tobit đứng lên, chân đi loạng quạng bước qua cửa sân mà ra. Tobia đi về phía ông, tay cầm mật cá; cậu thổi vào mắt ông. Cậu giữ chặt lấy ông và nói: “Thưa cha, xin cha cứ tin tưởng!” Cậu bôi thuốc cho ông và để thuốc ngấm. Rồi cậu lấy hai tay bóc vẩy ra khỏi khoé mắt ông. Ông ôm choàng lấy cổ cậu, vừa khóc vừa nói: “Con ơi, cha đã thấy con! Con là ánh sáng cho đôi mắt cha!”

            (2) Tình mẹ con: Bà Anna chắc chắn thương con, vì bà Anna luôn ngồi, ngó trước ngó sau con đường mà con bà đã ra đi. Bà cũng lo cho gia đình khi phải bươn chải ra ngoài kiếm đồng tiền về lo cho gia đình khi chồng bị mù. Bà chỉ có một khuyết điểm là đã không kiên nhẫn và không cầm được tính nóng giận, khi nghi ngờ sự quan phòng của Thiên Chúa và chất vấn về thái độ “quá đạo đức” của chồng mình. Nếu chồng con của Bà nghe lời Bà, và quay lưng lại với Thiên Chúa, làm sao Bà hưởng được những kết quả tốt đẹp như hôm nay. Vì thế, các bà mẹ trong gia đình đừng đay nghiến chồng khi thấy các ông “quá đạo đức;” nhưng hãy lo lắng nhiều khi các ông không đạo đức và không sống theo sự thật Thiên Chúa dạy.

            Thấy cậu đang đến, bà bảo cha cậu: “Này con ông đang đến với người bạn đồng hành của nó!” Rồi Bà Anna chạy đến ôm choàng lấy cổ con và nói: “Con ơi, mẹ lại thấy con! Từ nay, mẹ có chết cũng được!” Rồi bà khóc oà lên.

1.2/ Tobia báo cho cha biết mọi điều ông muốn được thành công: Tobia hoan hỷ bước vào nhà, miệng vang lời chúc tụng Thiên Chúa. Tobia kể cho cha cậu biết là cuộc hành trình của cậu đã thành công, cậu đã mang bạc về, đã cưới vợ là cô Sarah, con gái ông Raguel như thế nào, và hiện giờ cô sắp tới, đang tiến gần đến cửa thành Nineveh. Khi nghe con tường thuật kết quả chuyến đi, ông Tobit lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa: “Chúc tụng Thiên Chúa! Chúc tụng Danh cao trọng của Người. Chúc tụng mọi thiên sứ thánh thiện của Người! Ước gì Danh cao trọng của Người che chở chúng ta! Chúc tụng mọi thiên sứ đến muôn đời! Vì tôi đã bị Người đánh phạt, nhưng nay lại được thấy Tobia, con tôi!”

2/ Phúc Âm: Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua David?           

            Thiên Chúa hằng hữu, Ngài không lệ thuộc vào thời gian; nhưng trong Kế Hoạch Cứu Độ, Ngài muốn cho Con của Ngài nhập thể. Khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài chịu lệ thuộc vào thời gian. Một cách giúp chúng ta có thể hiểu câu hỏi này, là cách cắt nghĩa theo hai bản tính:

            (1) Theo nhân tính: Đức Kitô là con vua David vì Ngài xuất thân từ giòng dõi của David, như Matthew đã cẩn thận chép lại (Mt 1:1-18).

            (2) Theo thiên tính: Ngài luôn hiện hữu và cao trọng hơn vua David, vì “chính vua David được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa (Chúa Cha) phán cùng Chúa Thượng tôi (Đức Kitô): bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.” Chúa Giêsu muốn chứng minh thiên tính của Người bằng cách trưng dẫn lời Thánh Vịnh 110:1 này. Ngài mời gọi đám đông suy nghĩ: “Chính vua David gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” Đám đông phải đi tới kết luận như Gioan Tẩy Giả: Người đến sau tôi nhưng Người có trước tôi và cao trọng hơn tôi; phần tôi, tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người (Jn 1:15, 27).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Con người chúng ta không đủ khôn ngoan để thắc mắc sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi nào không hiểu được những biến cố xảy ra trong cuộc đời, hãy biết khiêm nhường xin Thiên Chúa soi sáng để có thể hiểu được.

            – Chúng ta không bao giờ được xin Thiên Chúa đối xử công bằng theo như những gì chúng ta làm cho Ngài; vì nếu Ngài đối xử công bằng, chúng ta đã không còn có mặt trong thế gian này, vì tội lỗi chúng ta luôn nhiều hơn công phúc.

            – Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi nhìn thấy kết quả. Đừng kêu trách, than khóc, và nhất là, từ bỏ lối sống “ăn ngay ở lành” mà Thiên Chúa đã dạy bảo. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************