Ngày thứ sáu (05-11-2021) – Trang suy niệm

04/11/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:   Rm 15, 14-21

“Tôi là người giúp việc của Đức Giêsu Kitô nơi các người Dân ngoại để của lễ Dân ngoại được Chúa chấp nhận”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện cảm, và đầy mọi sự hiểu biết, cho nên anh em có thể khuyên bảo lẫn nhau. Nhưng tôi đã viết thư này cho anh em có phần khá bạo dạn, có ý nhắc nhủ anh em nhớ lại: nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi trở nên người giúp việc của Đức Giêsu Kitô nơi các Dân ngoại, gánh lấy thiên chức rao giảng Tin Mừng, ngõ hầu của lễ Dân ngoại được chấp nhận và được thánh hoá trong Thánh Thần.

Bởi vậy trong Đức Giêsu Kitô, tôi có thể tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì chưng tôi không dám nói điều gì ngoài việc Đức Kitô dùng tôi làm cho dân ngoại vâng phục, bằng ngôn ngữ cũng như bằng hành động, nhờ những phép lạ, những việc phi thường và quyền lực của Thánh Thần. Bởi thế, từ Giêrusalem và miền chung quanh cho đến Illyricô, tôi đã rao giảng đầy đủ Tin Mừng của Đức Kitô.

Như thế, tôi đã rao giảng Tin Mừng này, không phải ở những nơi đã kêu cầu danh Đức Kitô, để tránh khỏi xây dựng trên nền móng kẻ khác đã đặt, nhưng tôi hành động như lời đã chép: “Những ai chưa hề nghe loan báo về Người, thì sẽ xem thấy Người; và những ai chưa hề nghe nói về Người, thì sẽ hiểu biết Người”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

A+B= Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).

A=Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

B=Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.

A=Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

A+B= Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).

A+B=Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

Xướng:

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Đáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Đáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavit. – Đáp.

ALLELUIA: Pl 2, 15-16

-Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 16, 1-8

“Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý thầm nghĩ rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’.

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

05/11/2021 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN

Lc 16,1-8

THẾ NÀO LÀ KHÔN NGOAN THẬT?

“Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8)

Suy niệm: Chúa Giê-su dùng từ “khôn khéo” xem ra khá nhẹ nhàng đối với hành động của người quản gia bất lương trong dụ ngôn hôm nay. Theo tiếng Việt, từ “khôn khéo” diễn tả cách xử sự hợp tình hợp lý, vừa khôn ngoan lại vừa khéo léo. Vì thế, từ ngữ này thường mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, người quản gia trong dụ ngôn lại hành động “khôn khéo” một cách tiêu cực. Đó có thể gọi là sự mánh khóe, lươn lẹo để trục lợi cho mình. Tất nhiên Chúa Giê-su không khen ngợi sự mánh khóe đó của người quản gia – vì thế Chúa mới gọi anh là “bất lương” – nhưng Ngài khen vì cách hành xử biết lo xa cho tương lai của mình. Qua dụ ngôn, Chúa dạy chúng ta phải “khôn khéo” nhưng là để hành động như con cái sự sáng, đó là biết lo liệu “dùng tiền của bất chính” để sắm lấy “kho tàng trên trời”. Đó mới là sự khôn ngoan đích thật.

Mời Bạn: Chúa cho chúng ta có thời gian và cơ hội để chuẩn bị cho đời sống mai sau. Thời gian càng trôi qua thì cơ hội lại càng ít đi. Vậy Bạn đã “lo xa” cho linh hồn của mình như thế nào? Cách tốt nhất và cũng là khôn ngoan nhất, đó là luôn biết hoán cải đời sống, siêng năng lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích và sống khiêm nhường yêu thương nhau.

Sống Lời Chúa: Sống bác ái, chia sẻ cách quảng đại là đầu tư vào Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch Khôn Ngoan, giữa muôn vàn chọn lựa của đời sống, xin dạy con biết chọn Chúa làm gia nghiệp duy nhất của đời con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta câu chuyện về Mạnh Thường Quân.
Ông là tướng quân của nước Tề vào thời Chiến Quốc.
Khi ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ về cho mình,
Phùng Huyên lại đốt giấy nợ của nhiều người và tha luôn nợ cho họ.
Mạnh Thường Quân không hiểu hết được ý nghĩa việc làm này.
Một năm sau, khi không được vua Tề tin dùng nữa,
Mạnh Thường Quân phải lui về đất Tiết để cư ngụ.
|Dân chúng đổ xô ra đón ông như một vị ân nhân đáng kính.
Bấy giờ ông mới hiểu việc làm khôn ngoan trước đây của Phùng Huyên.

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bối rối.
Người quản gia bị mang tiếng là phung phí tài sản của chủ.
Anh phải nghỉ việc, dù không rõ tiếng tiếng đồn ấy có đúng không.
Anh không được bào chữa gì cho chính mình.
Bây giờ anh chỉ lo chuyện tương lai, sau khi thất nghiệp.
Anh suy nghĩ như một độc thoại: “Mình sẽ làm gì đây?”
Và anh nhận ra những hạn chế của mình về thân xác và tâm lý.
“Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (c. 3).
Dường như một ý nghĩ đã lóe lên trong anh.
“Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia,
sẽ có người đón rước mình về nhà họ !” (c. 4).

 Anh quản gia chỉ có một thời gian ngắn để thu xếp trước khi ra đi.
Anh đã gọi các con nợ của chủ đến,
và trong tư cách là người còn có quyền, anh cho họ tự tay viết lại giấy nợ.
Họ đều là người nợ ông chủ những số nợ lớn.
Số nợ này được giảm đáng kể, dưới sự gợi ý của anh quản gia.
Một trăm thùng dầu ôliu, nay chỉ còn nợ năm mươi thôi.
Một ngàn giạ lúa, bây giờ chỉ còn nợ năm trăm.
Dĩ nhiên đối với anh,  tất cả đều phải theo nguyên tắc có qua có lại.
Anh đã cho họ được hưởng lợi vào lúc này,
thì hẳn họ sẽ phải nhớ đến anh lúc anh sa cơ lỡ vận (c. 4).

Ông chủ chắc đã biết trò gian xảo của anh.
Những lời đồn đãi trước đây quả không hoàn toàn vô căn cứ (c.1).
Đúng anh là một tên quản gia bất lương.
Vậy mà ông chủ đã khen anh, điều này làm chúng ta bị sốc.
Nhưng chủ không hề khen sự bất lương của anh.
Ông chỉ khen anh về cách hành động khôn khéo (c. 8).
Anh khôn khéo vì anh biết nghĩ ra cách để tìm được bảo đảm cho mình,
dù đó chỉ là thứ bảo đảm vật chất ở đời này có tính tạm bợ.

Đức Giêsu lấy làm tiếc vì con cái ánh sáng là chúng ta
lại không có được sự khôn ngoan như con cái đời này.
Người ngoài đời có nhiều bí quyết để làm giàu, để thành đạt.
Họ có đủ khôn khéo để công việc kinh doanh được trôi chảy.
Họ dám có sáng kiến và dám liều để đem ra thực hiện.
Ước gì chúng ta có sự khôn ngoan đích thực và ngay thẳng,
nghĩa là biết khéo tận dụng mọi sự mình có,
để được gặp Chúa ở đời này và được hạnh phúc ở đời sau.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Giàu sang, danh vọng, khoái lạc.
Là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
Và không cho chúng con tự do ngước lên cao
Để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
Khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
Nhờ cảm nghiệm được phần nào
Sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
Bán tất cả những gì chúng con có,
Để mua được viên ngọc quí là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
Trước những lời mời gọi của Chúa,
Không bao giờ ngoảnh mặt
Để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

5 THÁNG MƯỜI MỘT

Giáo Xứ Là Một Gia Đình Aám Tình Huynh Đệ

Con người hiện đại thường mất hướng và đi lạc trong việc tìm kiếm tình bạn đích thực. Đời sống gia đình và xã hội chúng ta thường hoặc quá hời hợt hoặc bị nát vụn do những đổ vỡ. Môi trường làm việc thì thường rơi vào tình trạng phi nhân hóa. Con người hôm nay khát khao cảm nghiệm một cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, khát khao một tình bạn ấm áp thực sự.

Đấy không phải chính là ơn gọi của một giáo xứ đó sao? Chúng ta không được mời gọi để trở thành một gia đình nồng ấm tình huynh đệ đó sao? (CT 67). Chúng ta không phải là những anh chị em gắn bó với nhau trong gia đình của Thiên Chúa qua đời sống cộng đoàn của chúng ta đó sao? (LG 28). Giáo xứ của bạn không chủ yếu là một cơ cấu, một khu vực địa lý hay một cơ sở nào đó. Tiên vàn giáo xứ là một cộng đoàn các tín hữu. Giáo Luật mới đã định nghĩa về giáo xứ như thế (GL 515, 1). Bổn phận của một giáo xứ hôm nay là: trở thành một cộng đoàn, khám phá lại căn tính của mình trong tư cách là một cộng đoàn. Chỉ một mình bạn thôi, chưa đủ để bạn làm Kitôhữu. Làm một Kitô hữu có nghĩa là tin và sống đức tin của mình cùng với những người khác. Vì tất cả chúng ta đều là những chi thể của Thân Mình Chúa Kitô.

Nhưng bằng cách nào một cộng đoàn được sinh ra? Cần phải ghi nhận rằng không phải dễ dàng tạo lập một cộng đoàn. Tự bản chất, cộng đoàn có nghĩa là hiệp thông. Dù rằng trong tư cách là đại diện của giám mục, linh mục đóng một vai trò thiết yếu, nhưng chỉ với vai trò của linh mục mà thôi thì không đủ để cho mối hiệp thông lớn lên. Cần phải có sự dấn thân của mọi thành viên trong giáo xứ. Mỗi sự đóng góp của các thành viên đều hết sức quan trọng. Công Đồng Vatican II đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đoàn và vai trò nòng cốt của người giáo dân. (LG 32-33; AA 2-3)

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 05/11

Rm 15, 14-21; Lc 16, 1-8.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một quản gia, Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa.”

          Trong dụ ngôn người quản gia bất lương, cho chúng ta thấy được: người quản gia được ông chủ cho biết trước anh sẽ thôi việc; phải tính sổ sách về việc quản lý của mình; và ông chủ nhận ra được sự tính toán khôn ngoan của anh, và ông đã có lời khen. Với người Kitô hữu, chúng ta đang sống trong tháng Mười Một, một tháng dành riêng để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Giáo Hội cũng gợi nhớ và nhắc nhở mỗi người trong chúng ta phải luôn có thái độ khôn ngoan cho đời sống mai sau của mình

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con được ơn khôn ngoan luôn biết chuẩn bị những gì cho phần rỗi linh hồn của mình.  

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

05 Tháng Mười Một

Chiếc Quan Tài Con 

Tại chùa Tô Châu bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.

Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi, nhà sư trả lời: “Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì… Mỗi khi có việc không được như ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay”.

Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp trên người khác là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại, được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua được mọi chán chường, bận tâm thái quá… Trong tất cả mọi sự, người không ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 31 – TN1 – Năm lẻ.

Bài đọc: Rom 15:14-21; Lk 16:1-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nghệ thuật “Đắc Nhân Tâm”

Làm sao chinh phục người khác để họ tin những gì mình muốn nói và làm những gì mình muốn họ làm là nghệ thuật “Đắc Nhân Tâm.” Nghệ thuật này cần cho mọi lãnh vực: tôn giáo, chính trị, giáo dục, thương mại. Nhiều người có sáng kiến rất hay và mang lại lợi ích; nhưng không biết cách thuyết phục. Hậu quả là người nghe sẽ không tin, mà còn gây xáo trộn, chia rẽ, và bất an cho cả hai bên. Nhiều người chẳng có gì hay, lại còn mang ý đồ lợi dụng người khác; nhưng khéo ăn nói, khéo trình bày; nên làm người nghe xuôi tai và thi hành những gì họ muốn. Dĩ nhiên, điều lý tưởng mà mọi người nhắm tới là vừa đúng, vừa mang lại lợi ích, và biết cách thuyết phục để người nghe nhận ra và làm những gì lợi ích cho họ.

Hai Bài Đọc hôm nay đưa ra hai mẫu gương trái ngược nhau trong nghệ thuật “Đắc Nhân Tâm.” Trong Bài Đọc I, sau khi đã trình bày đạo lý về con người được trở nên công chính không do bởi việc giữ Lề Luật, mà do bởi niềm tin vào Thiên Chúa; thánh Phaolô phải thuyết phục các tín hữu Rôma tin vào đạo lý đó, bằng cách gợi lại thiện chí của họ muốn hiểu biết sự thật, ân sủng của Thiên Chúa trong khi trình bày sự thật, kết quả ngài thu được trong thực tế, và ý hướng tốt lành của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen người quản gia bất lương đã biết thu phục nhân tâm cách khôn khéo, cho dẫu phải dùng của cải của người khác. Mục đích của người quản gia là để các con nợ đối xử với mình cách tốt đẹp sau này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Trong Đức Giêsu Kitô, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa.

1.1/ Chân thành giúp khán giả nhìn nhận sự thật: Nhiều người cho Thư Rôma là một thư có lẽ khó khăn nhất cho Phaolô để viết vì những lý do sau: cộng đòan Rôma không do Phaolô thiết lập; tranh luận về đề tài rất dễ gây chia rẽ; và khán giả là người có kiến thức cao về đạo lý. Trình thuật hôm nay là phần kết thúc Thư Rôma, Phaolô phải viết làm sao để khán giả hiểu ý ngay lành của mình, ông tranh luận không phải là để tỏ ra mình hiểu biết uyên thâm và khinh thường người khác; nhưng vì những lý do ngay lành sau đây:

– Vấn đề tranh luận mà người thiện chí đi tìm sự thật sẽ hiểu được: “Tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện chí, thừa hiểu biết và có khả năng khuyên bảo nhau.”

– Sự hiểu biết có được là do ân sủng của Thiên Chúa, chứ không do sự khôn ngoan của loài người: “Trong thư này, đôi chỗ tôi đã nói hơi mạnh, chẳng qua là để nhắc lại cho anh em điều anh em đã biết. Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi.”

– Phaolô tranh luận là cho lợi ích chung của Giáo Hội: Theo Kế Hoạch Cứu Độ, lịch sử đã bước qua trang sử mới, trong đó Dân Ngoại được tháp nhập vào gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta phải sáng suốt để làm theo ý định của Thiên Chúa: “(Tôi) làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa.”

1.2/ Phục vụ tha nhân cho Nước Chúa chứ không tìm lợi ích cá nhân: Lời nói của Phaolô có thể khó thuyết phục khán giả; nhưng việc ông làm mọi người đều có thể nhìn thấy. Phaolô muốn chứng minh ông làm tất cả là cho Nước Chúa; chứ không vì bất kỳ lợi nhuận cá nhân nào.

(1) Phaolô đã thiết lập các cộng đoàn khắp nơi: “Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Đức Kitô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa các dân ngoại về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần. Như vậy, từ Jerusalem, đi vòng đến tận miền Illyricum, tôi đã làm tròn sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Kitô.”

(2) Phaolô không có ý định gây ảnh hưởng trên cộng đoàn Rôma hay các cộng đoàn của người khác thiết lập: “Nhưng tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Kitô. Tôi làm thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Trái lại, như có lời chép: Những kẻ đã không được loan báo về Người, sẽ thấy, những kẻ đã không được nghe nói về Người, sẽ hiểu.”

2/ Phúc Âm: Phải biết dùng những của cải thế gian.

Trước khi phân tích dụ ngôn này, chúng ta cần lưu ý một điều: Khi xử dụng dụ ngôn, tác giả chỉ muốn nêu bật một điều chính, và không bao giờ có ý làm thỏa mãn tất cả mọi điều; vì sẽ rất khó để thực hiện. Điểm Chúa Giêsu muốn nêu bật trong dụ ngôn này là cách hành xử của viên quản lý khi anh biết anh sẽ mất việc.

2.1/ Người quản gia bất lương: Ngay từ đầu trình thuật đã cho khán giả biết đây là một quản gia không tốt, và đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. Một người quản gia tốt không phải chỉ biết cách làm việc mà còn phải biết trung tín với chủ. Người quản lý này có thể rất khôn ngoan, nhưng không trung tín; vì anh bị tố cáo đã phung phí tài sản của chủ. Vì thế, chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

2.2/ Người quản gia khôn lanh: Ông biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị cho tương lai của ông: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Ông nghĩ ra cách dùng tài sản của chủ để mua chuộc nhân tâm: Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu.” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.” Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa.” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.” Với 50 thùng dầu ôliu bớt cho con nợ thứ nhất và 200 giạ lúa bớt cho con nợ thứ hai, anh hy vọng sẽ được họ thương chia bớt cho phần nào khi cơn túng cực tới. Anh cũng có thể nghĩ trước, nếu họ không chịu chia chác, anh sẽ tố cáo với chủ và họ sẽ phải hòan lại cho chủ.

2.3/ Chủ khen cách cư xử của người quản lý bất lương: Trước tiên chúng ta cần chú ý là ông chủ không khen tư cách của người quản lý: ông gọi hắn là bất lương. Điều ông chủ khen là cách cư xử khôn khéo của hắn: biết đặt con người trên tiền của; còn người là còn tiền, bao giờ hết người mới hết tiền.

Nhiều người đã xử sự sai khi đặt tiền của trên con người; hậu quả là họ mất cả người lẫn tiền. Ví dụ: Khi tìm được người có tài và tin cậy, chủ phải trả họ đồng lương tương xứng mới có thể giữ họ làm việc cho mình; nếu không họ sẽ làm cho hãng khác và chủ bị thiệt hại vì không kiếm được người đủ khả năng. Hay có những người chồng quá chi li cho việc tiêu xài trong nhà nên mất vợ, vì không biết đánh giá đúng những việc vợ làm cho mình: chăm giữ con, nấu ăn, rửa chén, thu dọn nhà cửa …

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nghệ thuật “Đắc Nhân Tâm” rất cần trong việc rao giảng Tin Mừng và tạo hòa khí trong gia đình cũng như cộng đoàn. Chúng ta cần học biết và thi hành cách khôn ngoan và thành thật.

– Chúng ta phải biết xử dụng của cải Chúa ban để sinh lợi ích cho mình và tha nhân ở đời này; đồng thời biết dùng tiền của để đầu tư sinh lợi cho cuộc sống mai sau.

– Chúng ta đừng bao giờ quên nấc thang giá trị để biết hành xử cho đúng: (1) Thiên Chúa, (2) con người, và (3) của cải vật chất. Đảo lộn thứ tự của nấc thang giá trị này, sẽ mang lại những hậu quả vô cùng tai hại cho người làm nó.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************