Ngày thứ sáu (07-06-2024) – Trang suy niệm

06/06/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu đầu tháng. THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

BÀI ĐỌC I: Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9

“Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi”.

Bài trích sách Tiên tri Hôsê.

Đây Thiên Chúa phán: “Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. “Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn. Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Đáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Đấng Cứu Độ (c. 3).

1) Đây Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Đấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi.

2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang.

3) Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Đấng cao cả là Đấng Thánh Israel ở giữa ngươi.

BÀI ĐỌC II: Ep 3, 8-12. 14-19

“Biết lòng mến của Đức Kitô vượt quá trí hiểu loài người”.

Bài trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân Ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài. Nhân vì lẽ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Đức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Đức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: 1Ga 4,10b

All. All. – Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. – All.

PHÚC ÂM: Ga 19, 31-37

“Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do-thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân. Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra. Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Không một cái xương nào của Người bị đánh giập”. Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: “Chúng sẽ nhìn vào Đấng chúng đã đâm thâu qua”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

07/06/2024 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN

Thánh Tâm Chúa Giê-su – Ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục      Ga 19,31-37

YÊU ĐẾN MỨC CHO ĐI TẤT CẢ

Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,34)

Suy niệm: “Bạn mới cho đi ít thôi khi bạn chỉ cho những gì bạn có. Khi bạn cho đi chính mình, bạn mới cho đi thực sự” (Kahlil Gibran). Món quà có giá trị nhất là trao ban cả sự sống của chính mình. Chúa Giê-su đã trao ban cho chúng ta món quà quý giá đó: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Ngài không chỉ chịu đóng đinh, chịu chết để cứu chuộc chúng ta, mà trên thập giá, Ngài còn chịu đâm thâu trái tim để, dù đã chết, Ngài vẫn trao ban cho chúng ta cả những giọt máu và nước cuối cùng. Bức ảnh “Thánh Tâm” với bàn tay Chúa cầm trái tim mình bên ngoài lồng ngực hẳn là bao hàm ý nghĩa đó.

Mời Bạn: Ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa cũng là ngày “Thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục”. Mọi Ki-tô hữu được mời gọi hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục, để các ngài, là hiện thân của Chúa Ki-tô Linh mục, cũng mang trong mình Trái Tim Chúa Giê-su để hiến thân phụng sự thân thể của Ngài là Giáo hội cho đến hơi thở cuối cùng. Và nhờ đó, mọi tín hữu là những chi thể của Chúa Ki-tô cũng trở thành chứng nhân tình yêu của Trái Tim Chúa biết hy sinh quên mình phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên nguyện tắt: Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giê-su, xin Chúa uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin cho chúng con cảm nhận thật sâu sắc tình yêu Thánh Tâm Ngài để chúng con có thể thông truyền tình yêu Chúa cho người khác. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Muốn nhìn thấy Trái Tim của Thiên Chúa, phải đến với Giêsu.
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Giêsu, chúng ta có thể đứng từ nhiều vị trí.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu cúi xuống trên những bệnh nhân và tội nhân,
trên người thu thuế và gái điếm, trên phụ nữ và trẻ em.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu nuôi dân ăn no, hay rửa chân cho các môn đệ.
Nhưng có một chỗ đứng đặc biệt để nhìn thấu Trái Tim của Giêsu,
nhìn rõ Trái Tim đó vào lúc yêu bằng tình yêu lớn nhất,
chỗ đó là Núi Sọ, lúc đó là buổi chiều thứ sáu, áp lễ Vượt Qua,
khi đó Trái Tim ấy đã ngừng đập và bị đâm thâu.

Chỉ riêng Tin Mừng thứ tư kể lại chuyện Đức Giêsu bị đâm vào cạnh sườn,
khi Ngài chịu đóng đinh trên thánh giá.
Có Mẹ của Ngài và người môn đệ Ngài thương mến đứng gần bên.
Chính người môn đệ này đã chứng kiến tận mắt
và muốn làm chứng một cách nghiêm túc cho các môn đệ tương lai
về điều đối với ông thật là quan trọng, để họ cũng tin như ông (c.35).

Câu chuyện xảy ra thật là đơn giản.
Người Do thái muốn hạ xác các người bị đóng đinh xuống,
vì chiều thứ sáu là đã bắt đầu ngày sabát,
cũng là ngày đầu tiên của tuần lễ Vượt Qua, một đại lễ trong năm.
Thấy Đức Giêsu chết rồi, lính đã không đánh giập ống chân nữa.
“Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.
Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (c. 34).
Làm sao máu có thể chảy ra khi tim đã ngừng bơm máu và xác đã chết ?
Làm sao máu và nước có thể chảy ra một cách có vẻ biệt lập như vậy ?
Nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích hiện tượng này,
và đối với họ điều này không phải là không có khả năng xảy ra,
đối với một người mới chết, đang ở tư thế thẳng đứng.
Người môn đệ được Chúa mến thương đã chứng kiến cảnh tượng ấy,
hẳn đã nhận ra và trân trọng ý nghĩa sâu xa của nó.

Giáo Hội vẫn coi các bí tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu.
Máu là máu của bí tích Thánh Thể, nước là nước của bí tích Thánh Tẩy.
Từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra dòng nước mà Ngài đã hứa ban trước đây.
“Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38-39).
Dòng nước ấy là Thần Khí Ngài ban khi gục đầu tắt thở (Ga 19, 30).
Chính vào giờ Đức Giêsu chịu treo, người ta giết chiên Vượt qua để mừng lễ.
Đức Giêsu mới là Chiên Vượt qua đích thực (Ga 1, 29. 36).
Ngài chết như con chiên hiền lành bị đem đi giết, như người Tôi Trung (Is 53, 7).
Ngài chết như con chiên Vượt qua không bị đánh giập cái xương nào (c. 36).

Lễ Thánh Tâm cũng là ngày thánh hóa các linh mục.
Chúng ta cầu cho các linh mục có trái tim của Thầy Giêsu,
trái tim bị đâm thâu, nên đã mở ra để đón mọi người chẳng trừ ai,
trái tim yêu đến cùng, yêu bằng tình yêu lớn nhất, yêu đến hiến mạng.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG SÁU

Ngài Tạo Nên Con Người Có Nam Có Nữ

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Người nam và người nữ được tạo dựng với phẩm giá bình đẳng trong tư cách là những ngôi vị chia sẻ cùng một sự duy nhất của tinh thần và thể xác. Tuy nhiên, họ khác nhau về thể lý và về tâm lý. Thực vậy, hữu thể con người mang dấu vết của cả nam tính lẫn nữ tính.

Đó là một dấu vết khác biệt, song đó cũng là một dấu vết cho thấy đặc tính bổ sung lẫn cho nhau. Ta có thể nhận ra điều ấy qua bản trình thuật Gia-vít về cuộc sáng tạo. Người nam, khi nhìn thấy người nữ mới được tạo dựng, thốt lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Đó là những tiếng nói vui mừng và sung sướng khi con người cảm nhận được một hữu thể giống như mình về mặt yếu tính.

Đó là sự phong phú trong công cuộc sáng tạo loài người. Có những dị biệt về tâm lý và về thể lý giữa hai phái tính, tuy nhiên hai bên bổ khuyết cho nhau. Thật là một di sản độc đáo của con cháu A-đam xuyên qua giòng lịch sử của mình. Hôn nhân nhận lấy sự sống của nó cũng chính từ thực tại này. Hôn nhân được thiết lập từ đời đời bởi chính Đấng Tạo Hóa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.”

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 07/6

Thánh Tâm Chúa Giêsu

(Ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục)

Hc 11, 1. 3-4. 5c. 6ac-9; Ep 3, 8-12. 14-19; Ga 19, 31-37.

Lời suy niệm: Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho tất cả anh em nữa cũng tin.” (Ga 19,33-35).

          Trong ngày Lễ Trọng “Thánh Tâm Chúa Giêsu”, Tin Mừng của Thánh Gioan Tông Đồ tường thuật lại giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thập Giá, sau khi Người đã phó dâng linh hồn Người cho Chúa Cha. Đây là một sự thật, Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bị đâm thâu, Máu và Nước từ trái tim Chúa Giêsu đã đổ ra. Điều này Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo còn cho biết: “Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, trong lúc Người hấp hối và trong lúc Người chịu khổ nạn, Chúa Giêsu biết và yêu thương mọi người và từng người trong chúng ta, và Người đã tự hiến mạng vì mỗi người chúng ta. Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Ga 2,20). Người đã yêu mến tất cả chúng ta bằng một trái tim nhân loại, do đó trái tim cực thánh của Chúa Giêsu bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, được coi là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của Tình Yêu, qua đó Đấng Cứu Chuộc thần linh hằng liên lỉ yêu mến Chúa Cha vĩnh cửu và yêu mến tất cả mọi người.

          Lạy Chúa Giêsu! Xin cho tất cả chúng con tín thác nơi Chúa. Lạy Chúa Giêsu! Con tín thác vào Chúa. Vì ngoài lòng Chúa xót thương, không còn nguồn hy vọng nào. Chúng con đặt vào Chúa lòng tín thác của mỗi chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

07 Tháng Sáu

Bằng Lòng Với Cuộc Sống

Sau một thời gian cần cù và chắt chiu, một người đàn ông nọ đã trở thành người giàu có nhất trong ngôi làng nhỏ bé của mình.

Từ lúc mua đươc một con lừa, anh ta mới có ý nghĩ làm một chuyến đi xa cho biết đó biết đây. Anh đến một ngôi làng khác lớn hơn ngôi làng của anh. Một ngôi nhà thật đẹp và sang trọng đập vào đôi mắt của anh. Sau khi dò hỏi, anh biết được đó là ngôi nhà của người giàu có nhất trong làng.

Anh bèn trở về ngôi làng nhỏ bé của mình và quyết trí làm ăn, dành dụm để có thể may ra xây được một ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà mà anh vừa trông thấy ở ngôi làng bên cạnh. Không mấy chốc, tiền bạc dư dả, không những anh đã xây được một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ hơn mà còn mua được cả đàn ngựa và xe nữa.

Lần này, anh vượt qua các ngôi làng nhỏ để đến một đô thị lớn. Tại đây, đâu đâu anh cũng thấy những ngôi nhà đẹp và ngôi nhà nào cũng đẹp hơn ngôi nhà của anh. Anh nghĩ bụng: cho dẫu có lao nhọc cả quãng đời còn lại, anh cũng không tài nào có thể xây được một ngôi nhà đẹp như thế.

Anh bèn tiu nghỉu đánh xe quay lại ngôi làng cũ của mình. Nhưng rủi thay, xe gặp tai nạn, anh đành phải bỏ chiếc xe để leo lên lưng ngựa cố gắng chạy về ngôi làng cũ của mình. Nhưng dọc đường, vì mệt mỏi và đói lả, ngựa cũng lăn ra chết. Người đàn ông chỉ còn biết lủi thủi đi bộ về nhà.

Ðêm đến, giữa sa mạc, anh nhìn thấy một ánh lửa bập bùng từ xa. Anh nấn ná tìm đến và khám phá ra túp lều của một vị ẩn sĩ. Vào trong túp lều, người đàn ông mới nhận ra rằng có lẽ trong đời anh, chưa bao giờ anh thấy có cảnh nghèo nàn cùng cực hơn.

Anh ái ngại nhìn nhà tu hành rồi thắc mắc: “Thưa ông, làm sao ông có thể sống được trong cảnh cùng cực như thế này?”.

Nhà ẩn sĩ mỉm cười đáp: “Tôi bằng lòng với cuộc sống… Thế còn ông, xem chừng như ông không được thỏa mãn về cuộc sống của ông cho lắm”. Người đàn ông ngạc nhiên hỏi: “Sao ông biết tôi không được thỏa mãn?”. Nhà ẩn sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện rồi thong thả nói: “Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của ông. Ðôi mắt của ông cứ chạy theo giàu sang, nhưng sự giàu sang không bao giờ đến với ông… Ông hãy nhìn cảnh hoàng hôn. Ông có thấy những ánh sáng yếu ớt đang chiéu rọi trên cánh đồng không? Chúng tưởng mình đang soi sáng cả vũ trụ. Nhưng không mấy chốc, các ngôi sao mọc lên, và những tia sáng hoàng hôn biến mất. Những ánh sao tưởng chúng đang soi sáng cả bầu trời, nhưng khi mặt trăng vừa ló rạng, thì những ánh sao ấy cũng bắt đàu tắt ngụm. Vầng trăng sáng kia tưởng mình soi sáng cả trái đất, nhưng không mấy chốc, mặt trời mọc lên và mọi thứ ánh sáng của đêm đen đều biến mát. Nếu những thứ ánh sáng trên đây đều biết suy nghĩ về những điều ấy, thì có lẽ chúng sẽ tìm thấy nụ cười đã đánh mất”.

Nghe câu chuyện ví von của nhà hiền triết, người đàn ông mở miệng mỉm cười, nhưng nỗi buồn vẫn còn thoáng trên gương mặt ông.

Vị ẩn sĩ tiếp tục câu chuyện: “Ông cso biết rằng sánh với tôi, ông là vua không?”. Người đàn ông tự nhiên so sánh căn nhà của mình với túp lều của vị ẩn sĩ. Nhưng đó không phải là điều mà vị ẩn sĩ muốn nói đến… Ông cầm chiếc đèn đưa lên cao và mời người đàn ông đến gần bên mình.

Dưới ánh đèn, người đàn ông mới nhận ra rằng vị ẩn sĩ là người không còn ngay cả đôi chân để có thể di chuyển một cách bình thường.

Giữa cuộc hành trình đầy cam go, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Chúa Giêsu muốn dùng thứ ánh sáng từ trên núi cao ấy để chiếu rọi vào cuộc tử nạn mà Ngài sắp trải qua, cũng như chính nỗi hoang mang lo sợ của các môn đệ khi Ngài loan báo cái chết… Xin cho ánh sáng Phục Sinh của Chúa chiếu rọi vào cuộc sống đầy âm u, tăm tối của chúng ta. Xin cho chúng ta biết đón nhận từng đớn đau, thử thách trong cuộc sống với tinh thần lạc quan, phó thác, chấp nhận và hân hoan, vì tin rằng bên kia tăm tối là ánh sáng Phục Sinh đang chờ đón chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Năm B – TN

Bài đọc: Hos 11:1, 3-4, 8c-9; Eph 3:8-12, 14-19; Jn 19:31-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Tâm Chúa Giêsu 

            Chúng ta thường rất ghét người phản bội, nhất là sự phản bội từ những người mà chúng ta đã yêu thương, hy sinh, và lo lắng mọi sự cho họ như: vợ chồng, con cái, bạn kết nghĩa … Nhưng nếu xét về mối liên hệ của chúng ta dành cho Đức Kitô, chúng ta cũng chẳng khác chi những người phản bội hay vô ơn bạc nghĩa; vì chúng ta đã không đền đáp cho cân xứng những gì Ngài đã làm cho chúng ta: ơn cứu tử, ơn được làm con Thiên Chúa, ơn nuôi dưỡng hằng ngày qua BT Thánh Thể, ơn dạy dỗ qua Kinh Thánh, ơn răn dạy và thúc đẩy làm hòa với Thiên Chúa, và ơn thánh bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm.

            Các Bài Đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu Thiên Chúa, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong Bài Đọc I, tiên tri Hosea nhắc nhở cho dân Do-thái biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ như tình phụ tử của người cha dành cho con; thế mà họ đã phản bội Ngài như những dân thành tội lỗi nhất của Cựu Ước. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Ephesô về tình yêu của Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài. Theo Kế Hoạch này, Ngài chọn dân Do-thái làm dân riêng trước để yêu thương và dạy dỗ họ; nhưng khi Đức Kitô đến, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ mở rộng đến tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, thánh Gioan ghi lại một biến cố quan trọng trong những giờ phút cuối cùng của Đức Kitô trên Thập Giá: một tên lính không đập gẫy ống chân Ngài; nhưng dùng ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Ngài, tức thì Nước cùng Máu chảy ra. Nước để rửa sạch tội cho con người qua BT Rửa Tội để con người xứng đáng làm con Chúa, và Máu để nuôi dưỡng con người qua BT Thánh Thể và cung cấp đời sống thần linh cho con người.

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Tình thương Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel.

1.1/ Mối tình phụ tử: Tiên tri Hosea dùng nhiều hình ảnh để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Trong trình thuật hôm nay, tiên tri ví Thiên Chúa như người cha và Israel như người con: ”Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.” Khi dân Israel còn làm nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa vì yêu họ, nên đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai-cập qua sự lãnh đạo của ông Moses để ban cho họ một vùng Đất Hứa chảy sữa và mật. Ngài đã dạy dỗ họ từng ly từng tí, và ban Thập Giới để họ biết sống xứng đáng như Dân Riêng của Ngài.

            Ephraim và Manasseh là hai con của Joseph, và được tổ phụ Jacob chúc lành như 12 chi tộc của Israel. Ephraim nằm về phía Bắc và thuộc vương quốc Israel khi bị chia đôi. Nhiều tác giả đã dùng tên Ephraim để gọi vương quốc Israel phía Bắc (Isa 7:2, Jer 31:9; Eze 37:16, 19), và Judah để gọi vương quốc phía Nam.

1.2/ Sự phản bội của Israel: Mặc dù được Thiên Chúa yêu thương, dạy dỗ, và bảo vệ cẩn thận; Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa bằng cách vi phạm các giới răn, quay lưng lại với Thiên Chúa, và chạy theo các thần ngoại bang. Theo giao ước trên núi Sinai, Thiên Chúa có quyền để mặc họ cho quân thù giày xéo, hay khiến lửa diêm sinh từ trời xuống tiêu diệt họ, như đã từng tiêu diệt các thành tội lỗi như 5 thành Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim, và Zoar (Gen 14:2, 8). Nhưng tình yêu Thiên Chúa đã ngăn cản Ngài làm chuyện đó cho Israel: ”Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.”  

2/ Bài đọc II: Tình thương Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.

2.1/ Tình thương Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Kitô:

            (1) Hai đặc quyền được ban cho Phaolô: thấu hiểu và loan truyền tình thương cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô: ”Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.”

            (2) Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: Theo Kế Hoạch này, Thiên Chúa chọn dân Do-thái là dân riêng trước, rồi sau đó lan ra đến mọi dân tộc. Ý định cứu độ tất cả đã có từ đầu; nhưng hiện thực với sự xuất hiện của Đức Kitô. Phaolô viết: ”Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật… Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.”

            (3) Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để loan truyền Kế Hoạch Cứu Độ cho mọi người: ”để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.”

2.2/ Tình thương của Thiên Chúa và của Đức Kitô vượt quá sự hiểu biết của con người.

            (1) Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa: Giống như Gioan, thánh Phaolô tin tưởng Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu. Ngài yêu con người như người cha yêu thương con cái, và tình phụ tử của Thiên Chúa là “nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất.”

            (2) Biểu lộ của tình thương Thiên Chúa: Để biểu lộ tình thương cho con người, Thiên Chúa đã làm hai việc trọng đại, như chúng ta đã đề cập đến trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi:

            – Ban Thánh Thần của Ngài cho con người: để soi sáng, củng cố mạnh mẽ, và làm cho đời sống nội tâm của các tín hữu được vững vàng.

            – Ban Người Con Một của Ngài là Đức Kitô: Thánh Phaolô cầu nguyện: ”Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.”

3/ Phúc Âm: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.

3.1/ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu:

            (1) Khác biệt giữa phong tục của Rôma và Do-thái: Người Rôma để xác chết của nạn nhân bên ngoài cho đền khi tan biến. Người Do-thái chôn cất nạn nhân. Trình thuật kể: ”Hôm đó là ngày áp lễ (Vượt Qua), người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabbath, mà ngày Sabbath đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.”

            (2) Chúa Giêsu bị đâm thâu: ”Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.”

            (3) Ý nghĩa của Nước và Máu: Các thánh Giáo Phụ đã suy tư về biến cố này và cắt nghĩa:

                        + Nước tượng trưng cho BT Rửa Tội và Máu tượng trưng cho BT Thánh Thể.

                        + Nước tượng trưng cho sự thanh tẩy tội lỗi và Máu tượng trưng cho sự sống.

                        + Nước tượng trưng cho sự sống và Máu tượng trưng cho Thánh Thần.

                        + Như bà Evà được tạo từ cạnh sườn ông Adong, Hội Thánh cũng được phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu.

3.2/ Làm chứng cho tình thương Thiên Chúa: ”Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.” Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh:

            (1) Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua không tì tích: ”Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.” Tin Mừng Gioan tiên báo Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa bỏ tộ trần gian ngay từ đầu (Jn 1:29); và theo truyền thống, con chiên dùng trong lễ Vượt Qua phải là con chiên không tì tích, và không một khúc xương nào của con chiên này bị bẻ gẫy (Exo 12:46, Num 9:12).

                (2) Lời tuyên bố về lòng sùng kính Thánh Tâm: ”Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.” Biến cố này làm trọn những gì đã được loan báo bởi tiên tri Zechariah (Zech 12:10) và được tác giả Sách Khải Huyền tuyên bố sẽ xảy ra trong Ngày Cánh Chung (Rev 1:7). Nhiều người cũng dùng những lời này như lời tiên tri về sự sùng kính Thánh Tâm của con người như đang xảy ra trong thời đại chúng ta.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Chúng ta không thể tách rời tình thương Thiên Chúa ra khỏi tình thương của Đức Kitô. Khi chúng ta cảm nhận tình thương của Đức Kitô, cũng là lúc chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa.

            – Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa đã thương yêu và muốn cứu chuộc tất cả mọi người; nhưng khi Đức Kitô nhập thể, Ngài chính thức loan truyền ơn cứu độ cho mọi người.

            – Thiên Chúa luôn yêu thương và trung thành giữ lời hứa, nhưng con người luôn bất trung và phản bội. Mừng Lễ Thánh Tâm là dịp chúng ta nhìn lại tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta và quyết tâm đền tạ những tội lỗi chúng ta và nhân loại đã không ngừng xúc phạm đến Ngài. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************