Ngày thứ sáu (09-06-2023) – Trang suy niệm

08/06/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu tuần 9 Thường Niên – Năm A

BÀI ÐỌC I: Tob 11, 5-17

“Chúa đã sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi, đây tôi nhìn thấy con trai tôi”

Bài trích sách Tobia.

Trong những ngày ấy, mỗi ngày bà Anna đến ngồi ở vệ đường bên sườn núi, nơi đó có thể nhìn xa được.

Cũng tại chỗ đó, đang lúc bà ngóng chờ con bà trở về, thì bà thấy và nhận ra con bà từ đàng xa đi đến, bà chạy báo tin cho chồng rằng: “Kìa, con mình đang về tới kia”. Và Raphael nói với Tobia rằng: “Lúc bạn vào nhà rồi, lập tức bạn hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa bạn, và cảm tạ Người, rồi bạn đến gần mà hôn cha của bạn. Liền sau đó, bạn hãy lấy mật cá đem theo mình, xức lên mắt ông. Mắt của ông sẽ mở ra, cha của bạn sẽ thấy ánh sáng mặt trời, và hân hoan trước mặt bạn”. Bấy giờ con chó đi theo Tobia, chạy về trước, nó vui mừng vẫy đuôi như báo tin. Người cha mù lòa của Tobia chỗi dậy, loạng choạng đi ra cửa đón con mình. Ông đón lấy và hôn con ông và vợ nó. Cả hai oà lên khóc vì vui mừng. Sau khi thờ lạy và cảm tạ Thiên Chúa, họ cùng ngồi xuống. Bấy giờ Tobia lấy mật cá, xức lên mắt cha mình. Chờ đợi nửa giờ, thì một vẩy trắng tựa như màng trứng tách ra khỏi hai mắt. Tobia cầm vẩy trắng ấy kéo ra khỏi mắt cha mình, ông liền thấy được. Rồi ông, vợ ông và những người quen thuộc ca tụng Chúa. Còn Tobia thì cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi; đây chính tôi đang nhìn thấy Tobia con trai của tôi”.

Ðó là Lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 145, 2abc, 7,8-9abc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa. (2a)

1) Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa, tôi sẽ ngợi khen Chúa suốt cả cuộc đời, bao lâu còn có thân tôi, tôi còn ca ngợi Chúa.

2) Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù.

3) Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

4) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi, quả phụ và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

ALLELUIA: Ga 14, 5

All. All.- Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – All.

PHÚC ÂM: Mc 12, 35-37

“Sao họ có thể bảo Ðức Kitô là Con vua Ðavít?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: “Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con”. Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?” Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

09/06/2023 – THỨ SÁU TUẦN 9 TN

Th. Ép-rem, phó tế, tiến sĩ HT

Mc 12,35-37

THÍCH THÚ NGHE LỜI CHÚA

Khi Đức Giê-su rao giảng trong Đền thờ (…), đám người đông đảo nghe Người cách thích thú. (Mc 12,35.37)

Suy niệm: Một người trí thức sau khi gia nhập Công giáo đã chia sẻ: anh rất thán phục Đức Giê-su, bởi vì Ngài nói về những việc cao siêu bằng những lời lẽ rất bình dân, khiến người trí thức hiểu và những người ít học cũng thấu hiểu dễ dàng. Không riêng chi người tân tòng này, mà hầu như tất cả những ai nghe, đọc Lời Đức Giê-su đều có cảm tưởng này. Thính giả thời Đức Giê-su cũng đã từng há mồm nghe Ngài nói chuyện. Sách Tin Mừng thuật lại: khi nghe Ngài rao giảng, họ kháo láo với nhau: giáo lý gì mà mới mẻ vậy? Người dạy thì lôi cuốn. Khi được các thượng tế sai đi bắt Đức Giê-su, các vệ binh đã trở về tay không và nói: chưa thấy ai nói năng hay như ông này ! Thích thú, ngạc nhiên, thán phục, ghi nhớ để suy niệm, đó là tâm trạng của đông đảo dân chúng khi nghe lời Đức Giê-su giảng dạy.

Mời Bạn: Nhớ lại cảm tưởng của bạn khi đọc hoặc nghe Lời Chúa Giê-su: lơ là, buồn chán hay thích thú, thán phục, chăm chú lắng nghe và nỗ lực thực hành? Bạn hãy tự hỏi: Tại sao tôi chưa thích thú, thán phục đối với Lời Chúa? Bạn hãy chọn cho mình một tâm tình thích hợp đối với Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi phải điều chỉnh lại nếp nghĩ và lối sống của mình thôi. Phải có tâm tình trân trọng hơn với Lời Chúa và phải dành thời giờ nhiều hơn cho việc đọc và sống lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, rất nhiều người đã thích thú, say mê, thán phục với Lời Chúa dạy, vì họ khám phá bao điều lôi cuốn nơi Lời Hằng Sống của Chúa. Xin cho chúng con cũng có được tâm tình tốt đẹp ấy, để chúng con tìm đến Lời Chúa mỗi ngày. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Sau khi đã bị chất vấn về nhiều vấn đề bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo,

bây giờ đến lượt Đức Giêsu đặt vấn đề với họ, cụ thể là các kinh sư.

Khung cảnh vẫn là Đền thờ với đám đông thính giả.

Có vẻ đây là một đám đông có cảm tình với Đức Giêsu (c. 37).

Câu chuyện khởi đi từ câu đầu tiên của thánh vịnh 110.

Thánh vịnh này là thánh vịnh được các Kitô hữu sơ khai yêu thích,

và được trích dẫn nhiều lần trong các sách Tân Ước,

bởi lẽ họ nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu vinh quang trong đó.

Đối với các kinh sư, cũng như đối với Đức Giêsu,

thánh vịnh này được vua Đavít viết ra, dưới ơn linh hứng của Thánh Thần.

Ông viết về Đấng Mêsia được Đức Chúa cho toàn thắng.

“Đức Chúa phán cùng Chúa của tôi rằng: bên hữu Ta đây, con lên ngự trị,

để rồi bao địch thù Ta đặt làm bệ dưới chân con” (c.36).

Trong thánh vịnh này, Đavít đã gọi Đấng Mêsia một cách long trọng,

bằng tước hiệu “Chúa của tôi”.

Thế mà theo quan niệm của các kinh sư, Đấng Mêsia (còn gọi là Đấng Kitô)

là con vua Đavít, là người thuộc dòng dõi vua Đavít.

Câu hỏi Đức Giêsu đặt cho các kinh sư như sau:

Nếu Đavít gọi Đấng Mêsia là Chúa của tôi

thì làm sao Đấng Mêsia lại là Con của Đavít?

Mới nghe câu hỏi của Đức Giêsu,

ta có cảm tưởng Ngài không nhìn nhận mình là Con vua Đavít.

Thật ra Ngài không bảo rằng Đấng Mêsia không thể là Con Đavít được.

Nhưng Ngài chỉ đặt một câu hỏi lơ lửng để mời họ suy nghĩ.

“Bởi đâu (pothen) mà Đấng Mêsia lại là con vua Đavít?” (c. 37).

Bởi đâu Đấng Mêsia vừa là Con, vừa là Chúa của Đavít?

Đối với Kitô hữu chúng ta, mầu nhiệm này đã được hiển lộ.

Đức Giêsu là Con vua Đavít, thuộc dòng dõi Đavít theo xác thịt (Rm 1,3),

nhưng Ngài được siêu tôn làm Chúa nhờ trải qua cái chết thập giá,

nhờ sự hạ mình vâng phục, và nhờ được phục sinh.

“Chính vì thế Ngài được ban cho một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu,”

khiến mọi loài phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (Ph 2, 9-11).

Hôm nay chúng ta vẫn phải làm việc vất vả

để thế giới nhìn nhận quyền làm Chúa của Đức Giêsu Kitô.

Vì kẻ thù cuối cùng vẫn chưa bị khuất phục trọn vẹn (1 Cr 15, 25).

Chúng ta mong mọi sự quy phục Đức Kitô, để tất cả thuộc về Thiên Chúa.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

9 THÁNG SÁU

Trật Tự Của Tạo Vật Trong Ýù Định Của Thiên Chúa

Trong trật tự của tạo vật, con người tham dự vào toàn bộ các mối tương quan: tương quan với thế giới, tương quan giữa nam và nữ, tương quan với đồng loại. Ơn gọi “thống trị mặt đất” cho chúng ta thấy đặc tính quan hệ của sự sống con người. Con người cai quản mọi loài; con người xây dựng và phát triển một gia đình cùng với người bạn đời của mình; con người hợp tác với đồng loại để hình thành một xã hội phục vụ thiện ích chung. Những mối quan hệ này thật xứng hợp với nhân vị xét như hình ảnh của Thiên Chúa. Ngay tự đầu tiên, những mối quan hệ ấy đã thiết định vai trò của con người ở giữa vạn vật.

Chính vì định mệnh ấy mà con người đã được kêu gọi vào hiện hữu trong tư cách là một chủ thể (một cái ‘tôi’ cụ thể), được ban cho trí tuệ, lương tâm và tự do. Khả năng suy nghĩ làm cho con người khác biệt một cách nền tảng so với toàn thể thế giới động vật. Động vật chỉ có thể cảm nhận các thứ qua các giác quan của chúng. Còn trí năng con người giúp con người biện biệt phân định giữa thật và giả. Khả năng ấy mở ra cho con người các lãnh vực khoa học, tư duy, triết lý, thần học. Chính nhờ bản tính của mình mà con người nắm bắt được chân lý nơi mọi sự. Con người ở trong một tương quan với chân lý – và mối tương quan này thiết định vai trò của con người xét như một sinh vật có định mệnh thuộc linh. Khả năng hiểu biết chân lý bộc lộ nơi mọi mối tương quan giữa con người với thế giới và với người khác. Nó thiết lập một nền tảng khẩn thiết cho mọi sắc dạng văn hóa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 09/6

Thánh Ephrem, phó tế

Tiến sĩ Hội Thánh

Tb 11, 5-17; Mc 12, 35-37.

Lời Suy niệm: “Chính vua Đavít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân con.”

          Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít”. Điều này Chúa Giêsu không trực tiếp ám chỉ về mình; Vào thời bấy giờ người Do-thái tin tất cả các Thánh Vịnh đều do vua Đavít sáng tác. Nên Chúa Giêsu đã dùng chính lời trong Sách Thánh Vịnh 110,1: “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân con.” Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây: chính Người là Con Vua Đavít và còn hơn thế nữa; không những chỉ là Con Vua Đavít mà còn là Chúa của Vua Đavít nữa.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa có nhiều tước hiệu và danh xưng, mà trong Cựu Ước và Tân Ước đã cho chúng con biết. Xin cho tất cả chúng con luôn tin và tôn thờ Chúa: là Chúa của con, Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất,  là Thiên Chúa thật. Để chúng con được nên một trong một niềm tin. Amen 

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 09-06: Thánh EPHREM

Phó Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh (306 – 373)

Thánh nhân sinh tại Nisibis, miền Mesopotamia vào khoảng đầu thế kỷ thứ IV. Có truyện kể rằng: hồi nhỏ, một lần Ngài lấy đá chọi con bò mẹ gần chết. Khi chủ nhân hỏi thăm có thấy con bò ở đâu Ngài đã trả lời xấc xược để chữa lỗi. Ephrem đã khóc suốt đời về sự độc ác và hèn nhát này.

Sau này có lần vào đêm khuya bị lạc vào giữa đồng, một đứa chăn chiên cho Ngài trú ngụ trong lều của nó. Nhưng đứa chăn chiên này đã xấu bụng lại đang say rượu. Đêm ấy chó sói vào tàn sát đàn chiên. Để chữa mình, thằng chăn chiên đổ lỗi cho Ephrem. Trong tù Ngài nghe nhiều người than thở vì bị hàm oan. Một buồi chiều, trong giấc mơ, Ngài thấy thiên thần cho biết lần này Ngài vô tội nhưng phải khổ để đền bù vào những lỗi lầm khác. Thức dậy, Ephrem nhớ lại con bò và thú nhận với mọi người.

Thân phụ Ephrem là một thày cả thờ thần Abnil. Hình như Ngài bị đuổi khỏi nnhà vì có thiện cảm với các Kitô hữu. Thánh Giacôbê, giám mục Nisibis tiếp nhận dạy dỗ và rửa tội cho Ngài hồi 10 tuổi. Để sống, Ngài làm việc ở những hồ tắm công cộng. Nhưng sau đó Ngài lại vào sa mạc sống với sự hướng dẫn của thánh Abbê ẩn tu; dệt vải để sống như thói quen của các ẩn sĩ Ai cập và Mêsôpôtamia thời đó.

Ephrem thường khóc tội mình và tội người khác. Các tập “tự thú” Ngài viết cho thấy Ngài rất mực khiêm tốn, Ngài rất ghét tính kiêu căng: – Tính kiêu căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy mọi nhân đức.

Thánh Ephrem luôn ao ước sống đời ẩn dật. Nhưng một cuộc chiến đã bùng ra giữa người Rôma và người Batư. Người Batư bách hại các Kitô hữu cách tàn bạo. Nghe tin này, Ephrem về Nisibis để giúp đỡ và khích lệ họ. Danh thơm nhân đức của Ngài lan rộng đến nỗi người ta cho việc giải phóng khỏi ách thống trị của Sapor II là bởi lỗi cầu nguyện của thánh nhân.

Được thụ phong phó tế, nhưng rồi thánh nhân đã từ chối chức linh mục vì khiêm tốn. Được Đức giám mục Nisibis trao cho trách nhiệm rao giảng lời Chúa, Ngài dùng hết tài lợi khẩu để khêu gợi nhiệt tình nơi các linh hồn: – “Thần dữ nói: Ta đi tìm những người khô khan là bạn hữu của ta, và ta không cần phải tìm đến mưu kế, ta chỉ cần giữ chúng trong xiềng xích mà chúng ưa thích là đủ”.

Thánh Ephrem đã gặp thánh Basiliô thánh Cappadocia. Truyền thuyết cho rằng: hai vị hiểu nhau dầu ngôn ngữ bất đồng.

Chiến tranh tái phát, Nisibis rơi vào tay người Batư, thánh Ephrem trốn đến Sdessa. Nơi đây, Ngài tận tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo, hoạt động trí thức bằng việc viết sách và giải thích thơ phú. Thánh Ephrem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi ca ngôi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.

Người luôn được gọi là “cây đàn của Thánh Linh” là một trong những người rao truyền việc VÔ NHIỄM THAI. – Lạy Chúa, chỉ có Chúa và Mẹ Chúa là tuyệt mỹ. Nơi mẹ Chúa không vương một tì tích nào.

Một năm trước khi thánh nhân qua đời, Edessa bi một cơn đói. Ngài kêu gọi lòng quảng đại của mọi người và người ta đã rộng tay đóng góp vào công cuộc phát chẩn của thánh. Cơn đói chấm dứt, thánh nhân trở lại chòi của mình. Lên cơn sốt, Ngài nghĩ tới lúc chết: – Đừng liệm xác tôi bằng đồ quí giá, cũng đừng dựng đài tưởng niệm. Hãy đối xử với tôi như một người lữ khách vì thực sự tôi là một lữ khách xa lạ trên mặt đất này thôi.

Ngài qua đời có lẽ vào tháng 6 năm 373. Thánh Gregoriô miền Nyssa viết về thánh Ephrem: – Vinh quang đời sống và giáo thuyết của thánh nhân chiếu giãi khắp hoàn cầu.

Năm 1820, Đức Benedictô XI tôn phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

09 Tháng Sáu

Muôn Vàn Phép Lạ 

Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.

Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người.

Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang toan tính bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: “Ngài đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu nào hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi lại đây và xin Chúa ban cho ngươi thêm lòng kiên nhượng…”.

Ðược lời của vị sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững rằng mỗi một phút giây qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.

“Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”. Giáo Hội mượn lời Kinh Thánh này để mời gọi chúng ta sống một cách sung mãn giây phút hiện tại. Mỗi một giây phút hiện tại là một hồng ân cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục biến mỗi phút giây của cuộc sống chúng ta thành một phép lạ.
Không là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành này.

Chúng ta vẫn thường nói: ngạc nhiên là khởi đầu của khám phá! Nếu tất cả những khám phá của khoa học đều bắt nguồn từ những câu hỏi mà con người tự đặt ra khi nhìn ngắm vũ trụ, thì sự ngây ngất trước những kỳ công của sáng tạo, trước cuộc sống, trước tình người cũng phải là động lực giúp người tín hữu Kitô chúng ta thấy được, cảm mến được sự hiện diện và tác động kỳ diệu của Thiên Chúa.

Cái nhìn ấy sẽ giúp chúng ta thấy được giá trị của những công việc âm thầm từng ngày của chúng ta. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục phấn đấu khi phải đương đầu với bệnh tật, với thử thách, với mất mát trong cuộc sống. Một Thiên Chúa luôn làm những kỳ diệu cũng chính là Ðấng có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta để đem lại cho chúng ta những điều thiện hảo đôi khi vượt quá khỏi cái nhìn nông cạn, sự thẩm định giới hạn của chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 9 – TN1 – Năm lẻ 

Bài đọc: Tob 11:5-15; Mk 12:35-37

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của thời gian.

            Con người bị lệ thuộc vào thời gian; Thiên Chúa làm chủ thời gian. Con người khi làm bất cứ việc gì đều muốn có kết quả ngay; nhưng Thiên Chúa đòi con người phải chờ đợi. Trong thực tế, làm việc gì cũng cần phải có thời gian, trước khi nhìn thấy kết quả: trồng cấy, học hành, đầu tư … Trong việc tập luyện nhân đức cũng thế: thời gian cần để thử luyện đức tin để phân biệt đức tin vững vàng với đức tin yếu kém; thời gian cần để chứng minh đâu là tình yêu chung thủy với tình yêu qua đường; thời gian cần để đào tạo sự kiên trì và trung thành, thay vì những nông nổi và cảm xúc nhất thời.          

            Bắt đầu Sách Tobit, chúng ta đã đặt hai câu hỏi: “Thiên Chúa có thấy những việc lành con người làm hay không?” và “Tại sao người lành phải đau khổ?” Lý do của hai câu hỏi là vì ông Tobit luôn cố gắng ăn ở theo sự thật: cho con đi mời người nghèo về để cùng ăn uống chung, chôn xác kẻ chết; nhưng ông vẫn bị mù và bị châm biếm bởi vợ! Trình thuật trong Bài Đọc I hôm nay cho thấy kết quả của những cố gắng của ông Tobit: ông được khỏi mù, ông lấy được tiền đã gởi người khác, ông đã lấy được vợ cho con ông và đã chữa cô ta khỏi ách nô lệ của quỉ Asmodeus. Điều này chứng minh: Tất cả mọi chuyện tốt đẹp xảy ra cho những ai cố gắng ăn ở theo sự thật và vững lòng trông cậy nơi Thiên Chúa. Điều quan trọng là phải kiên trì và trung thành, chứ không được đòi hỏi phải có kết quả ngay.

            Trong Phúc Âm, vì con người lệ thuộc thời gian, nên đa số không hiểu: làm sao Đức Kitô có thể trở thành Chúa Thượng của vua David được, vì Ngài có sau David cả 1,500 năm? Nhưng Chúa Giêsu muốn con người phải suy nghĩ khi Ngài trích dẫn lời Thánh Vịnh 110:1 này để tìm hiểu đâu là sự thật, vì lời Kinh Thánh không thay đổi, và chính vua David đã nói như vậy. Họ chỉ còn một cách hiểu là chấp nhận mặc khải của Đức Kitô: “Trước khi Abraham có, Ta đã có, vì Ta Hằng Hữu.” Chỉ khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài mới có sau David, khi xét theo gia phả con người mà thôi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Được con chữa khỏi mù, lấy được vợ cho con, và đòi được nợ.

1.1/ Thiên-sứ Raphael hướng dẫn Tobia chữa ông Tobit khỏi mù:

            (1) Tình cha con: Đức tin của ông Tobit và những việc lành của ông đã ảnh hưởng rất lớn trên đức tin và cách hành xử của Tobia con ông. Chúng ta có thể đan cử ít ví dụ: Tobia tuyệt đối vâng lời cha và thiên sứ; cậu lấy Sarah không phải vì tình dục nhưng vì tình yêu chân thành; cậu luôn lo lắng đến bệnh tình của cha. Đây phải là gương sáng cho những người cha trong gia đình: Nếu các ông muốn con cái kính sợ Thiên Chúa, các ông hãy kính sợ Thiên Chúa trước. Nếu các ông muốn con cái ăn ngay ở lành, hãy làm trước và tạo cơ hội cho các con ăn ngay ở lành.

            Kế hoạch chữa mắt cho ông Tobit đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, khi Ngài gởi thiên sứ Raphael đến cho gia đình. Trước khi về đến nhà, thiên sứ Raphael nói lời chỉ dẫn cho Tôbia trước khi cậu đến gần cha: “Tôi biết là mắt cha em sẽ mở ra. Hãy tra mật cá vào mắt ông. Thuốc sẽ làm cho các sẹo trắng teo lại và bay ra khỏi mắt ông. Cha em sẽ thấy lại được, sẽ nhìn thấy ánh sáng.”

            Khi được vợ cho biết Tobia đang tiến về nhà, ông Tobit đứng lên, chân đi loạng quạng bước qua cửa sân mà ra. Tobia đi về phía ông, tay cầm mật cá; cậu thổi vào mắt ông. Cậu giữ chặt lấy ông và nói: “Thưa cha, xin cha cứ tin tưởng!” Cậu bôi thuốc cho ông và để thuốc ngấm. Rồi cậu lấy hai tay bóc vẩy ra khỏi khoé mắt ông. Ông ôm choàng lấy cổ cậu, vừa khóc vừa nói: “Con ơi, cha đã thấy con! Con là ánh sáng cho đôi mắt cha!”

            (2) Tình mẹ con: Bà Anna chắc chắn thương con, vì bà Anna luôn ngồi, ngó trước ngó sau con đường mà con bà đã ra đi. Bà cũng lo cho gia đình khi phải bươn chải ra ngoài kiếm đồng tiền về lo cho gia đình khi chồng bị mù. Bà chỉ có một khuyết điểm là đã không kiên nhẫn và không cầm được tính nóng giận, khi nghi ngờ sự quan phòng của Thiên Chúa và chất vấn về thái độ “quá đạo đức” của chồng mình. Nếu chồng con của Bà nghe lời Bà, và quay lưng lại với Thiên Chúa, làm sao Bà hưởng được những kết quả tốt đẹp như hôm nay. Vì thế, các bà mẹ trong gia đình đừng đay nghiến chồng khi thấy các ông “quá đạo đức;” nhưng hãy lo lắng nhiều khi các ông không đạo đức và không sống theo sự thật Thiên Chúa dạy.

            Thấy cậu đang đến, bà bảo cha cậu: “Này con ông đang đến với người bạn đồng hành của nó!” Rồi Bà Anna chạy đến ôm choàng lấy cổ con và nói: “Con ơi, mẹ lại thấy con! Từ nay, mẹ có chết cũng được!” Rồi bà khóc oà lên.

1.2/ Tobia báo cho cha biết mọi điều ông muốn được thành công: Tobia hoan hỷ bước vào nhà, miệng vang lời chúc tụng Thiên Chúa. Tobia kể cho cha cậu biết là cuộc hành trình của cậu đã thành công, cậu đã mang bạc về, đã cưới vợ là cô Sarah, con gái ông Raguel như thế nào, và hiện giờ cô sắp tới, đang tiến gần đến cửa thành Nineveh. Khi nghe con tường thuật kết quả chuyến đi, ông Tobit lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa: “Chúc tụng Thiên Chúa! Chúc tụng Danh cao trọng của Người. Chúc tụng mọi thiên sứ thánh thiện của Người! Ước gì Danh cao trọng của Người che chở chúng ta! Chúc tụng mọi thiên sứ đến muôn đời! Vì tôi đã bị Người đánh phạt, nhưng nay lại được thấy Tobia, con tôi!”

2/ Phúc Âm: Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua David?           

            Thiên Chúa hằng hữu, Ngài không lệ thuộc vào thời gian; nhưng trong Kế Hoạch Cứu Độ, Ngài muốn cho Con của Ngài nhập thể. Khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài chịu lệ thuộc vào thời gian. Một cách giúp chúng ta có thể hiểu câu hỏi này, là cách cắt nghĩa theo hai bản tính:

            (1) Theo nhân tính: Đức Kitô là con vua David vì Ngài xuất thân từ giòng dõi của David, như Matthew đã cẩn thận chép lại (Mt 1:1-18).

            (2) Theo thiên tính: Ngài luôn hiện hữu và cao trọng hơn vua David, vì “chính vua David được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa (Chúa Cha) phán cùng Chúa Thượng tôi (Đức Kitô): bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.” Chúa Giêsu muốn chứng minh thiên tính của Người bằng cách trưng dẫn lời Thánh Vịnh 110:1 này. Ngài mời gọi đám đông suy nghĩ: “Chính vua David gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” Đám đông phải đi tới kết luận như Gioan Tẩy Giả: Người đến sau tôi nhưng Người có trước tôi và cao trọng hơn tôi; phần tôi, tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người (Jn 1:15, 27).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Con người chúng ta không đủ khôn ngoan để thắc mắc sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi nào không hiểu được những biến cố xảy ra trong cuộc đời, hãy biết khiêm nhường xin Thiên Chúa soi sáng để có thể hiểu được.

            – Chúng ta không bao giờ được xin Thiên Chúa đối xử công bằng theo như những gì chúng ta làm cho Ngài; vì nếu Ngài đối xử công bằng, chúng ta đã không còn có mặt trong thế gian này, vì tội lỗi chúng ta luôn nhiều hơn công phúc.

            – Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi nhìn thấy kết quả. Đừng kêu trách, than khóc, và nhất là, từ bỏ lối sống “ăn ngay ở lành” mà Thiên Chúa đã dạy bảo. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************