Ngày thứ sáu (17-02-2023) – Trang suy niệm

16/02/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần VI Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:  St 11, 1-9

“Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn”.

Trích sách Sáng Thế.

Lúc bấy giờ toàn thể lãnh thổ có một tiếng nói duy nhất và một ngôn ngữ như nhau. Khi con cháu ông Noe từ phương đông tiến đi, họ đã gặp một cánh đồng tại đất Sinêar và họ cư ngụ ở đó. Những người này nói với nhau rằng: “Nào, bây giờ chúng ta đi làm gạch và đốt lửa để nung”. Và họ dùng gạch thay thế cho đá và nhựa thay thế cho xi măng. Họ còn nói: “Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu”.

Chúa ngự xuống để quan sát thành trì với cây tháp mà con cái loài người đang xây. Và Chúa phán: “Này coi, chúng nó hợp thành một dân tộc duy nhất và kia là điều chúng đã khởi công. Giờ đây không có gì ngăn cản chúng thi hành điều chúng đã dự tính. Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn, để người này không còn hiểu tiếng nói của người kia”. Và Chúa đã làm cho họ tản mát xa chỗ đó để tràn ra khắp mặt địa cầu. Họ đã thôi việc xây dựng thành trì. Bởi thế, người ta đã gọi chỗ đó là “Babel”, vì chính tại chỗ đó, Chúa làm cho ngôn ngữ của toàn thể lãnh thổ hoá ra lộn xộn. Và cũng tại đó, Chúa đã làm cho người ta tản mát ra khắp mặt địa cầu. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 10-11. 12-13. 14-15

Đáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng:

1) Chúa phá tan ý định của các nước, làm cho vô hiệu tư tưởng của chư dân. Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Ngài còn mãi đời nọ sang đời kia. – Đáp.

2) Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Từ trời cao Chúa nhìn xuống, Ngài xem thấy hết thảy con cái loài người. – Đáp.

3) Từ cung lâu của Ngài, Ngài quan sát hết thảy mọi người cư ngụ địa cầu. Ngài đã tạo thành tâm can bọn họ hết thảy; Ngài quan tâm đến mọi việc làm của họ. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 8, 34-39 (Hl 8, 34 – 9, 1)

“Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh”.

Và Ngài nói với họ: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

17/02/23 – THỨ SÁU TUẦN 6 TN

Bảy thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ

Mc 8,34-9,1

ĐIỀU KIỆN THEO CHÚA

Chúa nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34)

Suy niệm: Chúa Giê-su đặt ra điều kiện gắt gao không phải là Ngài muốn làm khó những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài. Từ xưa tới nay, có việc tuyển chọn ứng viên cho một chức vụ hay công việc nào mà không có điều kiện? Chúa Giê-su nêu rõ điều kiện của Ngài gồm hai vế: – từ bỏ chính mình; – vác thập giá mình. Hai vế đều quan trọng và bổ túc cho nhau, và nhất là đều đòi phải thực hiện cách triệt để và ở mức cao nhất. Điều kiện như thế sẽ là bất khả thi nếu như chính Đức Ki-tô đã không đi bước trước để cứu độ chúng ta và làm gương cho chúng ta. Quả thật Ngài đã từ bỏ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, hoàn toàn trút bỏ vinh quang” để “mang lấy thân nô lệ” sinh ra làm người; và rồi Ngài đã vâng phục Chúa Cha để vác thập giá và rồi “chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Mời Bạn: Từ bỏ cái tôi và vác thập giá của mình: điều kiện là duy nhất, nhưng mỗi người đều có một cái “tôi” riêng phải từ bỏ, mỗi người cũng có thập giá riêng phải vác, không ai giống ai; mỗi người mỗi cảnh sống nhưng tất cả đều chung một con đường đi theo Đức Ki-tô. Điều kiện theo Chúa không phải là khẩu hiệu trên giấy mà phải được thực hiện cụ thể, sát sườn ngay trong cuộc sống đời thường của mỗi người.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khi cầu nguyện, bạn xin Chúa soi sáng để biết: đâu là điều tôi phải từ bỏ và đâu là thập giá tôi phải vác hôm nay. Và bạn xin Chúa giúp bạn thực hành y như vậy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con dám từ bỏ cái tôi tham lam, ích kỷ, kiêu căng để vác thập giá là những hy sinh khó nhọc con gặp trên đường phục vụ anh em. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trên con đường đi ngang giáo phận Xuân Lộc,
có ngôi nhà thờ mặt tiền mang một dòng chữ to : “Sống là chọn.”
Câu này dễ làm ta nghĩ đến câu kế tiếp : “mà chọn là bỏ.”
Bỏ là điều, dù muốn dù không, ai cũng phải làm nhiều lần trong đời.
Thai nhi phải bỏ bụng mẹ ấm êm, cô gái bỏ gia đình để về nhà chồng.
Bỏ khi chọn việc, chọn trường, chọn nhà, chọn ơn gọi…
Bỏ thường làm ta đau đớn, nhưng ta không thể chọn tất cả.
Tuy nhiên, có khi từ bỏ đem lại niềm vui, đến nỗi ta không biết mình đang bỏ.
Một vận động viên, một nhà khoa học hay một tu sĩ đã tự ý bỏ nhiều điều.
Nhưng họ rất vui khi nghĩ đến kết quả của việc từ bỏ đó.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ và đám đông
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo ngài (c. 34).
Từ bỏ chính mình là không coi mình như trung tâm nữa,
không coi danh dự, quyền lợi, dự tính, của cải là điều mình phải nắm chặt.
Vác thanh ngang của thập giá là việc mà người sắp bị đóng đinh phải làm.
Như thế vác thập giá đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết sắp xảy ra.
Đức Giêsu đã sống những điều này trước khi mời chúng ta sống.
Ngài đã vác thập giá Cha trao cho ngài.
Ngài đã từ bỏ chính mình hoàn toàn khi bị treo trên thập giá.
Đời sống người Kitô hữu mãi mãi không bao giờ dễ dàng,
vì đó là hành trình vác thập giá của riêng mình theo chân Thầy Giêsu.
Thập giá ghi dấu ấn trên bất cứ ai dám sống thật sự ơn gọi kitô hữu.

Nhưng thập giá lại không phải là kết thúc của Kitô giáo.
Kitô giáo kết thúc bằng sự sống và sự sống lại của Đức Giêsu.
Tất cả nghịch lý nằm ở chỗ ai dám mất thì lại được,
còn ai cố giữ cho được thì lại mất.
Mà cái được và cái mất không như nhau.
Cái mất chỉ là mạng sống tạm bợ ở đời này,
còn cái được là sự sống vĩnh hằng ở đời sau (c. 35).
Đức Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này, kinh nghiệm được và mất.
Ngài mời chúng ta dám sống kinh nghiệm ấy cùng với ngài.

Được cả thế giới này mà mất sự sống đời đời thì có ích chi ? (c.36).
Đức Giêsu hôm nay vẫn muốn nhắc nhở chúng ta như thế.

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
Đến với Người trong mọi sự,
Và dâng người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
Và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
R. Tagore

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG HAI

Mùa Chay: Tiếng Gọi Ăn Chay Và Cầu Nguyện

“Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo” (Ge 2, 13). Giáo Hội công bố mùa Chay bằng những lời kêu gọi ấy của ngôn sứ Giô-en. Vào thời ngôn sứ Giô-en, tiếng gọi ăn chay đã phải được kết hợp với lời cảnh giác: “Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo!”

Cũng thế, Đức Giêsu đã phải cảnh giác vào thời của Người: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen… Khi anh em cầu nguyện, đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Khi anh em ăn chay, chớ làm ra bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 1. 2. 5. 16).

Trong quá khứ, khi Giáo Hội công bố mùa Chay, Giáo Hội đã phải cảnh giác mọi người nên tránh thói ‘biểu diễn’ thuần túy, tránh giả hình trong việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí.

Còn hiện nay, điều đáng báo động hàng đầu không hẳn là thói ‘biểu diễn’ ấy. Mối nguy thực sự hiện nay là ở chỗ tiếng gọi mùa Chay bị người ta bỏ hẳn ngoài tai. Đối với rất nhiều người hôm nay, tiếng gọi mùa Chay chỉ là “một tiếng kêu trong sa mạc” (Mc 1, 3). Họ không hưởng ứng tiếng gọi ấy.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 17/2

Bảy thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ

St 11, 1-9; Mc 8, 34-9,1.

LỜI SUY NIỆM: Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34)

          Trong Kinh Thánh đã có những gương từ bỏ chính mình, như là Tổ phụ Ápraham: Đức Chúa phán với Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, bỏ họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2). Như Môsê (Xh chương 3). Như Đức Mẹ Maria: (Lc 1,26-38) Như Thánh Giuse: (Mt 1,18-25). Gương các Thánh trong Giáo Hội. Đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam gương 117 Thánh Tử Đạo.

          Lạy Chúa Giêsu. Từ bỏ chính mình là một điều rất khó với chúng con. Nhưng chúng con tin những gì Chúa muốn chúng con thực hiện, thì Chúa đã sắm sẵn ân sủng dư đầy cho chúng con, để chúng con thực hiện tốt. Xin cho chúng con biết đón nhận ơn ban của Chúa; để sống vâng theo thánh ý Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 17-02

BẢY THÁNH LẬP DÒNG TÔI TỚ ĐỨC MẸ

(Thế kỷ XIII)

Bảy thánh này là những thương gia tên tuổi miền Frorence. Không muốn chỉ là những người thế giá, các Ngài hướng tới đời sống thánh thiện và họp lại thành một nhóm huynh đệ đặc biệt tôn sùng Đức Trinh Nữ. Các Ngài được cảm hứng bởi một thi kiến để giã từ thế gian và hiến thân phụng sự một lý tửơng cao cả hơn. Truớc hết Ngài cư ngụ trên triền núi Seraniô và xây một nhà thờ tại đó.

Sau khi viếng thăm Đức Giám mục, các Ngài được khuyên nhủ nên nhận một luật sống. Các Ngài lại được một thị kiến khác của Đức Mẹ, nhưng đó Đức Mẹ khuyên nên nhận luật dòng của thánh Augustinô. Mẹ cầm nơi tay một y phục đen và thiên thần bên cạnh mẹ cầm một cuộn giấy với danh hiệu “tôi tớ Đức Mẹ”. Điều này xảy ra ngày 13 tháng 4 năm1240 và từ nhóm tu sĩ này được biết đến dưới danh hiệu “Tôi tớ Đức Mẹ”. Hội dòng lo rao giảng Phúc âm và phổ biến bảy sự thương khó Đức Mẹ khằp vùng Toscanne.

Ơ đây cũng nên ghi nhớ giai thoại thi vị kể lại một phép lạ đánh dấu sự chúc lành của trời cao dành cho hội dòng. Các tôi tớ Đức Mẹ hiến cuộc đời cho cả đất đai lẫn cho các linh hồn. Các Ngài canh tác một miếng đất khô chồi quanh nhà, nhưng các Ngài đã thành công để làm cho mọc lên những thân nho tươi tốt. Một đêm mùa đông vườn nho bỗng chĩu nặng những chùm trái mọng mướt.

Đức giám mục thấy đây là dấu chứng tỏ những phục vụ của các Ngài được Thiên Chúa chúc lành. Thực vậy, các tập sinh tuốn đến đông đảo và nhà dòng được thiết lập trên khắp Au Châu.

Năm 1304 nhà dòng được tòa thánh phê chuẩn. Đến thế kỷ XIV đã đảm nhận việc truyền giáo tại An Độ. Nhiều cơ sở khác cũng được thành lập tại Anh quốc và Mỹ Châu.

Lễ kính nhớ bảy anh em lập dòng được định vào ngày hôm nay. Ngày mà thánh Alexia Falconieri, một trong bảy anh em qua đời vào năm 1310. Bảy Đấng sáng lập sao một cuộc sống hiệp nhất trong nỗ lực nên thánh, đã được an táng chung trong cùng một ngôi mộ và Giáo hội đã trình bày cho các tín hữu kính nhớ.

Tên các Ngài là:

– Bonfilius Menaldi

– Benedictô Antella.

– Giêradô Sestegui.

– Barthôlômêô Amidei.

– Gioan Manetti

– Ricôver Lippi

– Alexis Falconieri.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

17 Tháng Hai

Người Buồn Cảnh Có Vui Ðâu Bao Giờ 

Bỏ xứ mình để đến phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca ngợi. Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang các nước thuộc thế giới thứ ba để phục vụ.

Một thanh niên nọ đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bấy nhiêu, giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại là một điều không đáng bận tâm mấy…

Người ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện nghi lắm. Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của một chú thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích: đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với nó.

Dần dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài săn muỗi của nó.

Sự hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống: những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân anh.

Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng ta. Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh chúng ta cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám. Lắm khi những vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta như cảm thấy mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.

Câu chúc đầu tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài là: :bình an cho các con”. Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới thắng được sợ hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận chính bản thân để rồi từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi nghịch cảnh. Mang lấy màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời, nhìn người một cách lạc quan. Trái lại, mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 6 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Gen 11:1-9; Mk 8:34-9:1.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải lãnh nhận hậu quả cho lối sống của mình.

Trong cuộc đời có 2 lối sống chính: lối sống theo ý định của Thiên Chúa và lối sống theo sở thích của con người. Con người có tự do để lựa chọn sống theo lối nào, nhưng chọn lối sống là chọn hậu quả của lối sống đó mang lại.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh 2 lối sống này và hậu quả của nó. Trong Bài Đọc I, dân chúng chọn theo lối sống của con người. Họ chọn việc xây tháp để nổi danh và để bảo vệ sự an tòan của họ. Hậu quả là họ bị Thiên Chúa làm cho lẫn lộn trong ngôn ngữ và bị phân tán khắp mặt đất. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trình bày lối sống của những người muốn theo Chúa: họ phải từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày. Tuy là lối sống hy sinh gian khổ, nhưng nó mang lại hậu quả tốt lành cho con người cả đời này và đời sau.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tiếng nói là nguyên nhân phân biệt các quốc gia.

Tác-giả bắt đầu bằng tường thuật: “Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau.” Điều này nói lên sự hòa hợp, thông cảm, và đòan kết. Nhưng vì việc xây tháp, Thiên Chúa làm họ nói các thứ tiếng khác nhau. Hậu quả là điều họ lo sợ trở thành sự thật: họ phải tự phân tán đi các nơi. Tác-giả muốn trình bày cho con người thấy khi họ chọn sống ngược lại với lối sống theo Thiên Chúa, họ phải lãnh nhận hậu quả của lối sống này.

1.1/ Mục đích của việc xây tháp: Họ nói: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.”

(1) Để cho danh ta lẫy lừng: là mục đích thứ nhất của việc xây tháp. Ham muốn danh vọng, cá nhân hay tập thể, là lý do chia rẽ con người. Khi một người hay một nhóm muốn nổi danh, họ làm mọi cách để đạt được điều họ ao ước, ngay cả việc tìm những cách hèn hạ để hạ bệ người khác. Trong khi theo đuổi việc háo danh, họ chỉ nghĩ đến mục đích của họ và quên đi bổn phận phải tôn trọng công bằng và nâng đỡ người yếu kém; và chính những người bị đối xử bất công và những người yếu kém này phải tự cách biệt để bảo vệ quyền lợi của họ. Chúng ta thấy lối sống háo danh, ích kỷ này, đang gây thiệt hại trầm trọng cho gia đình, xã hội, và đe dọa nền hòa bình giữa các quốc gia. Thế chiến I và II là hậu quả của những quốc gia muốn cho “danh họ được lẫy lừng.”

(2) Để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất: là lý do thứ hai của việc xây tháp. Con người có khuynh hướng chọn lối sống an tòan. Theo nhiều người, để có cuộc sống an tòan, họ phải làm bất cứ cách nào, ngay cả việc lấy của người khác, để có nhiều của cải vật chất dự trữ: nhà cửa, xe cộ, chứng khóan, chương mục nhà băng, các lọai bảo hiểm; rồi còn phải giao thiệp rộng rãi để có thể vượt qua mọi cửa quan để muốn gì được nấy. Trên bình diện quốc gia, phải thi nhau trang bị vũ khí để có một lực lượng quân sự không ai địch nổi. Chúng ta cũng thấy lối sống an tòan này đang làm sự cách biệt giữa người giầu và người nghèo ngày càng xa hơn, và sự cách biệt này sẽ là mầm mống của chiến tranh giai cấp và thế chiến.

1.2/ Hậu quả của việc xây tháp: Chứng kiến cảnh tượng “xây tháp,” Đức Chúa phán: “Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa.” Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa.

Ngôn ngữ là khí cụ để con người có thể hiểu biết và thông cảm; một khi ngôn ngữ bất đồng, làm sao con người có thể truyền thông cho nhau được? Trên bình diện luân lý cũng thế, một khi đã không cùng chung một quan niệm sống, làm sao con người có thể sống chung với nhau được? Hơn nữa, ngay cả những người tự chọn lối sống ích kỷ và tham lam cũng không thể ở với nhau được; vì ai cũng muốn hơn người khác và giành giật để chiếm phần hơn cho mình.

Tên của Thành, Babel, có nghĩa là “làm cho lẫn lộn” theo tiếng Do-Thái, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất. Điều họ lo sợ trong câu 4 giờ thành sự thật. Trong Tân Ước, Biến cố Ngũ Tuần (Acts 2:5-12) hòan tòan ngược lại với câu truyện của Tháp Babel: Chúa Thánh Thần làm cho mọi người nói các tiếng khác nhau đều hiểu lời các tông-đồ giảng dạy.

2/ Phúc Âm: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.

2.1/ Lối sống theo Thiên Chúa: Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”

(1) Từ bỏ chính mình: là từ bỏ ý muốn, sở thích, và lối sống cá nhân để chấp nhận thánh ý và lối sống theo Thiên Chúa. Đây là điều khó khăn nhất để từ bỏ, vì nó đòi con người hầu như phải từ bỏ tất cả những gì con người ưa thích.

(2) Vác thập giá mình mà theo: Theo Chúa là chọn sống theo lối sống của Thiên Chúa, mà lối sống của Chúa Giêsu là theo con đường đau khổ. Ngài đòi con người phải từ bỏ lối sống ích kỷ và an tòan, để chấp nhận lối sống hy sinh cho tha nhân và tin tưởng hòan tòan nơi Thiên Chúa.

2.2/ Hậu quả của lối sống theo Thiên Chúa: Có một mâu thuẫn trong cuộc sống mà Chúa Giêsu muốn nêu bật trong câu này: Người càng lo lắng đến bảo vệ cuộc sống theo cách thức con người, họ sẽ mất nó; người sẵn sàng từ bỏ chính mình, và hy sinh sống cho người khác và Thiên Chúa, họ sẽ cứu được mạng sống. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này xảy ra ngay tự đời này trong gia đình hay cộng đòan: khi cha mẹ chấp nhận gian khổ để hy sinh cho con cái, gia đình sẽ an vui hạnh phúc; ngược lại, khi cha mẹ chỉ ích kỷ lo cho mình, gia đình sẽ tan vỡ và mọi phần tử của gia đình sẽ chịu thiệt hại.

Người từ chối không chịu sống theo cách thức của Thiên Chúa, không những phải lãnh nhận hậu quả ở đời này, mà còn phải chịu những hình phạt đời sau nữa, như lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để mang lại hậu quả tốt đẹp cho cá nhân và cộng đòan, chúng ta phải từ bỏ lối sống theo sở thích con người để chấp nhận lối sống hy sinh và từ bỏ của Thiên Chúa.

– Con đường Thập Giá là con đường cứu sống: Chúa Giêsu đã đi con đường đó để nhân lọai được sống; chúng ta cũng phải đi con đường đó để cứu sống chúng ta và sinh lợi ích cho nhiều người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************