Ngày thứ sáu (22-01-2021) – Trang suy niệm

21/01/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần II Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 8, 6-13

“Người là trung gian của một giao ước tốt hơn”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Đấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành. Vì nếu giao ước thứ nhất không khuyết điểm, thì thật sự không cần phải có giao ước thứ hai nữa. Vì Chúa khiển trách họ rằng: “Này đến ngày Ta thực hiện một giao ước mới cho nhà Israel và cho nhà Giuđa. Không phải như giao ước Ta ký kết với cha ông chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dẫn ra khỏi đất Ai-cập. Bởi chúng không trung thành với giao ước Ta, nên Ta đã bỏ chúng. Vì chưng, giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày ấy, Ta sẽ đặt các lề luật của Ta trong trí chúng, và khắc nó vào lòng chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta. Không còn ai phải dạy bạn hữu mình, hay mỗi người không còn phải bảo anh em mình rằng: “Hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta; bởi Ta dung thứ các điều gian ác của chúng, và không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa”. Người tuyên bố giao ước mới, thì Người làm cho giao ước thứ nhất ra cũ đi. Nhưng điều gì đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 84, 8 và 10. 11-12. 13-14.

Đáp: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau (c. 11a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng con. – Đáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. – Đáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 10, 27 -Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 3, 13-19

“Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.  

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

22/01/2021 – THỨ SÁU TUẦN 2 TN

Th. Vinh-sơn, phó tế, tử đạo

Mc 3,13-19

CHÚA “MUỐN”

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. (Mc 3,13)

Suy niệm: Khi suy niệm Lời Chúa hôm nay, thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su được đánh động bởi câu “Chúa chọn những kẻ Người muốn,” và thánh nữ rất thích lặp lại câu này. Quả thật, Thiên Chúa hoàn toàn tự do, không có ai làm cố vấn cho Ngài. Tình thương Chúa tuôn đổ trên ai là tùy ý Ngài. Chúa chọn những kẻ Người muốn. Chúa muốn, nhưng cũng rất tôn trọng sự tự do đáp lại của con người. Trước tiếng Chúa mời gọi, các tông đồ Phê-rô, An-rê, Gio-an, Gia-cô-bê hay Mát-thêu đã đáp lại, bỏ mọi sự theo Chúa ngay lập tức. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Chúa Giê-su hỏi anh mù: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51). Và “phép lạ” đã xảy ra, ơn cứu độ tuôn trào khi “ý muốn” của anh mù trùng khớp với “ý muốn” của Chúa. Các môn đệ cũng thế, các ông đến với Chúa như “ý muốn” của Ngài.

Mời Bạn: Bí tích Thánh tẩy cho thấy đức tin là ơn Chúa ban cho không,  Chúa muốn và chọn chúng ta. Phần mình, chúng ta có cảm nhận niềm vui vì được nhận biết Thiên Chúa, rồi đáp lại như các môn đệ ngày xưa không?

Chia sẻ: Bạn hãy nói kinh nghiệm về sự giới hạn của bản thân, nhưng rồi Chúa muốn, và điều xảy ra ngoài sức mong đợi, hy vọng của bạn.

Sống Lời Chúa: Giáo Hội đã chọn Chúa Nhật III thường niên là Chúa Nhật suy tôn LỜI CHÚA. Bạn hãy chọn một câu Lời Chúa để làm ý lực sống cho đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhận ra ý Chúa muốn mỗi ngày qua lời ánh sáng của Chúa. Và xin giúp con đáp lại “con muốn” với thánh ý của Ngài. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Thông thường ở xã hội Do Thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo.
Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi” học trò.
Thầy muốn lập một nhóm học trò ruột, hết sức gần gũi với mình.
Những người Thầy muốn, Thầy đã gọi họ lại.
Và họ đã đáp lời mà đến với vị Thầy đang ở trên núi.
Như thế sáng kiến thì bắt nguồn từ Thầy,
còn đáp lại là điều con người cần thực hiện.

Thầy Giêsu muốn lập một nhóm mười hai môn đệ.
Có thể vì Thầy nhớ đến mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.
Mục đích của nhóm Mười Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi.
Ở với là chuyện ưu tiên, và cũng là chuyện dễ bị xao lãng.
Ở với là có tương quan thân thiết và thường xuyên với Thầy.
Ở với là chia sẻ cuộc sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại.
Khi ở với Thầy Giêsu, người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với  Thầy.
Khi các môn đệ đến với và ở với Thầy Giêsu,
họ như được tách ra khỏi đám đông.
Sau này, khi tìm người thay thế Giuđa phản bội,
Phêrô đòi đó phải là người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22).

Ở với nằm trong định nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu.
Nhưng đó không phải là điểm dừng.
Ở lại với Chúa là để được sai đến với con người.
Được tách ra khỏi đám đông chính là để được sai đến với đám đông,
trong tư cách của người đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu.
Người môn đệ được sai sẽ được phép làm những việc y hệt như Thầy :
rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ nhằm phục vụ cho con người.
Chẳng những họ làm việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy.
Không ở với thì cũng chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai.
Nhưng ở với là để có ngày được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.

Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi.
Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa
và rơi vào tình trạng nghiện việc.
Chính vì thế công việc ta làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền.
Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

22 THÁNG GIÊNG

Tin Mừng Lao Động

Lao động, đó trước hết là một ơn gọi của con người. Lao động là dấu hiệu cho thấy bản tính của con người: những hữu thể có lý trí! Mỗi người đều được ban cho trí tuệ và ý chí. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa – và được mời gọi làm chủ mọi tạo vật.

Để đáp trả tiếng gọi này, chúng ta có mẫu gương tuyệt hảo là Đức Giêsu. Người đã lao động suốt ba mươi năm hàn vi ở thị trấn nghèo Na-da-rét, với Thánh Giu-se, trong nghề thợ mộc.

Ba mươi năm âm thầm này – và cái nghề rất đỗi khiêm hạ này trong cuộc đời của Đức Giêsu – có chất chứa một sứ điệp nào đó gọi mời chúng ta học hỏi. Ba mươi năm ấy, có thể nói, là trường đào tạo chàng trai Giê-su: càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, và càng dồi dào ân sủng. Con Thiên Chúa – là Con Người – đã đảm nhận lấy lao động, một loại lao động cơ bản, là chính tiếng gọi mà Thiên Chúa đã ủy trao cho con người ngay từ thuở ban sơ.

Ngôi nhà Na-da-rét ấy và xưởng mộc đơn sơ ấy của Thánh Giu-se và chàng trai Giêsu là trọng tâm và là tiêu điểm của Tin Mừng Lao Động. Mẫu gương lao động này muốn nhắc nhở chúng ta rằng điều thật sự đáng cho ta chú ý không phải là loại công việc được làm nhưng là chính những con người làm việc. Tiêu điểm ấy sẽ cho phép chúng ta nhận thức rõ hơn về giá trị nhân bản và siêu nhiên của lao động.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 22/1

Thánh Vinh Sơn, phó tế, tử đạo

Dt 8, 6-13; Mc 3, 13-19.

LỜI SUY NIỆM: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.”

          Sứ điệp của Chúa Giêsu, cần phải được tiếp nối và lan rộng khắp nơi. Người đã chọn Nhóm Mười Hai giữa đám đông môn đệ của Người, Người để họ sống gần bên Người để được Người dạy dỗ một cách riêng; Người giải thích những gì cho các ông khi các ông chưa hiểu; Người sai các ông đi loan báo Tin Mừng với quyền trừ quỷ và chữa lành. Nên người môn dệ của Chúa, phải là do Chúa tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện, nhất là sống với Người, thuộc về Người và được chính Người sai đi với sự hiện diện và đồng hành của Người.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúng con xin dâng gia đình chúng con cho Chúa. Xin Chúa chọn gọi mọi thành viên trong gia đinh chúng con trở thành những công cụ trong tay Chúa. Và được Chúa sử dụng theo ý của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 22-01: Thánh VINHSƠN

Phó Tế Tử Đạo (… 304)

Thánh Vinhsơn sinh tại Huesca nước Tây Ban Nha. Từ nhỏ, thánh nhân đã theo giúp Thánh giám mục Valêriô và được Ngài dạy dỗ cho cả về giáo lý lẫn văn hóa. Lớn lên, Ngài còn được đức giám mục phong chức phó tế để có thể làm việc đắc lực hơn.

Trong cuộc bách hại của Dacianô, đức giám mục giáo phận Saragossa và vị phó tế của Ngài bị bắt trước hết. Xiềng các Ngài lại, Dacianô tống các Ngài vào ngục. Nhưng khi mở ngục ra, ông đã ngạc nhiên khi thấy các Ngài vẫn tươi tỉnh mạnh khỏe. Sau khi dụ dỗ lẫn đe dọa đủ cách mà không lay chuyển nổi đức tin của vị giám mục già nua với vị phó tế của Ngài. Daciano liền phân cách hai người ra. Cuộc tra tấn dã man phó tế Vinhsơn bắt đầu. Người ta căng Ngài ra trên giường rồi thi nhau đánh đòn cho tới khi da thịt rách nát và máu phun ra lai láng. Dầu vậy thánh nhân vẫn tươi tỉnh, thỉnh thoảng còn khích lệ lý hình nữa. Tức giận, Dacianô truyền lấy móc sắt nung đỏ để xé thịt Ngài. Chính bọn lý hình cũng phải rùng mình đối với hình phạt.

Cuối cùng, để cho tội nhân chết dần, ông truyền ném thánh nhân vào ngục tối đầy miểng chai bể. Dầu vậy thánh nhân vẫn sống. Tương truyền rằng: khi Ngài bị sa thải vào ngục thì ngục thất bỗng sáng trưng. Quân canh hoảng sợ chạy trốn, chỉ có viên cai ngục tò mò ở lại coi và được ơn đức tin. Thân xác đau đớn rã rời, nhưng từ trong ngục thất, Ngài vẫn không ngớt hát ca vịnh chúc tụng Chúa.

Cuối cùng, bạn bè thánh nhân được phép tới thăm. Họ dọn cho Ngài một cái giường nệm. Nhưng khi vừa dặt thánh nhân lên giường thì Ngài tắt thở.

Người ta kể rằng, cho tới nỗi đó mà Dacianô vẫn còn giận dữ. Ong hành hạ xác chết cho hả giận. Trước hết, ông truyền vứt xác thánh nhân vào hoang địa cho chim trời xâu xé. Nhưng một con quạ khổng lồ đã đến canh xác không cho con vật nào tới gần. Dacianô cố gắng lần chót bằng cách cột đá để dìm xác thánh nhân xuống biển cho cá rỉa. Nhưng sóng biển lại đánh dạt túi dựng xác Ngài vào bờ và tại nơi này người ta đã xây cất một thánh đường dâng kính thánh nhân.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

22 Tháng Giêng

  Người Hành Khất Quảng Ðại  

Bangladesh là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Dĩ nhiên, trong một nước nghèo, thì hành khất vẫn là nghề thịnh hành nhât. Một nhà truyền giáo đã thuật lại một trường hợp hành khất lạ lùng như sau:  

Sau một ngày làm việc nặng nhọc, một người đàn ông nọ đi về nhà mình không ngoài một phương tiện nào khác hơn là đôi chân. Người đàn ông dừng lại dưới một bóng cây và thiếp ngủ. Dáng vẻ của ông tiều tụy đến độ người qua lại lầm ông với một người hành khất. Không ai bảo ai, kẻ qua người lại đều dừng lại và bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu nhỏ. Không mấy chốc, chiếc mũ cũ kỹ đầy tiền.

  Vừa thức giấc, người đàn ông ngạc nhiên trước sự quảng đại của khách qua đường. Oâng đếm từng đồng xu nhỏ: số tiền còn lớn hơn cả một ngày công của ông. Người đàn ông mỉm cười về nghề hành khất bất đắc dĩ của mình. Chợt nhìn thấy xung quanh mình có nhiều người hành khất đui mù tàn tật, người đàn ông lặng lẽ đi đến từng người và chia đều cho họ số tiền ông đã thu được và tiếp tục đoạn đường còn lại.

  Adam Smith, kinh tế gia nổi tiếng của Tô Cách Lan vào thế kỷ thứ 18 đã nói một câu mà K.Marx đã lập lại trong một tác phẩm của ông. Câu nói đó là: “Một nước giàu có là một nước trong đó có nhiều người nghèo”. Câu định nghĩa về sự phồn thịnh ấy vừa nói lên sự nghèo đói về mặt tinh thần mà những người sống trong một nước giàu có thể cảm nghiệm được, nó cũng nói lên những bất công xã hội mà những người nghèo trong một nước giàu phải gánh chịu.

  Bần cùng thường sinh ra đạo tặc. Những nước nghèo là những nước có nhiều tệ đoan xã hội. Tuy nhiên, cũng chính trong cảnh nghèo ấy, người ta thường gặp được nhiều tấm lòng vàng. Cảnh nghèo có thể đưa con người đến chỗ giành giật xâu xé, nhưng cũng có thể khiến cho con người dễ cảm thông với người khác và san sẻ quảng đại hơn. Nhưng dĩ nhiên, chỉ có ai có tinh thần khó nghèo đích thực mới hiểu được giá trị của cảnh nghèo và sự thôi thúc của lòng quảng đại. “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Chúa Giêsu để lại cho chúng ta điều khoản cơ bản ấy của Hiến Chương Nước Trời. Có khó nghèo thực sự, con người mới cân lường được sự chóng qua của tiền của vật chất. Có khó nghèo thực sự, con người mới có thể mở mắt để nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh. Có khó nghèo thực sự, con người mới dễ cảm thông và mở rộng quả tim và lòng bàn tay để trao ban.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu, Tuần II TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 8:6-13; Mk 3:13-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là trung gian của giao ước mới hòan hảo hơn.             

            Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự quan trọng của những gì Chúa Giêsu làm. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái so sánh hai giao ước cũ và mới mà Thiên Chúa thiết lập với dân. Vì giao ước cũ bất tòan nên mới có giao ước mới. Giao ước mới hòan hảo hơn giao ước cũ vì đặt căn bản trên những lời hứa tốt đẹp hơn của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được huấn luyện, trước khi Ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng và tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn.

            1.1/ Quan niệm về giao ước: Thông thường, giao ước là một hợp đồng giữa hai bên, đồng ý thỏa thuận về một số những điều mà hai bên đồng ý giữ. Nếu một bên không chịu giữ hợp đồng, giao ước ấy sẽ trở nên vô hiệu. Từ ngữ Hy-Lạp thường dùng để chỉ giao ước là suntheke. Điều đáng chú ý trong đọan văn này, tác giả không dùng suntheke, mà dùng diatheke; từ ngữ này được dùng để chỉ một lời hứa mà một người ở cấp bậc cao hơn hứa với một người dưới mình. Trong giao ước của Thiên Chúa với con người, Thiên Chúa là nguồn gốc và là nguyên nhân của những lời hứa.

            1.2/ Giao ước cũ và mới:

            (1) Giao ước cũ: là giao ước Thiên Chúa thiết lập với Israel qua trung gian của Moses trên Núi Sinai. Theo giao ước này, Thiên Chúa hứa sẽ thương yêu và săn sóc Israel nếu họ tuân giữ cẩn thận các giới răn của Ngài (Deut 4:23).

            (2) Giao ước mới:

            – Đặc điểm: hòan hảo hơn giao ước cũ. Tác giả dẫn chứng lời đã được tiên báo bởi Tiên-tri Jeremiah 31:31-34: “Quả thật, Thiên Chúa khiển trách Dân rằng: Đức Chúa phán: Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Judah. Giao ước đó sẽ không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn chúng ra khỏi Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của Ta, nên Ta cũng đã bỏ mặc chúng, Đức Chúa phán.” Tác giả dùng tĩnh từ kainos để chỉ mới cả về thời gian lẫn phẩm giá: “Nhưng hiện nay, Đức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”

            – Lý do hiện hữu: là vì sự bất tòan của giao ước cũ. “Thật vậy, giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế.” Tác giả lý luận: “Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi.”

            – Sự khác biệt nền tảng giữa 2 giao ước: Thập Giới của giao ước cũ được khắc ghi trong 2 bia đá; trong khi Lề Luật của giao ước mới sẽ được Thiên Chúa: “ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta.”

Con người giữ Lề Luật không chỉ vì bắt buộc, nhưng vì yêu thương Đấng dạy dỗ mình.

            – Mọi người đều biết Thiên Chúa: không còn chỉ giới hạn trong vòng dân Do Thái mà thôi. “Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.”

            – Hòan tòan tha thứ mọi tội lỗi cho dân: “Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.” 

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu thành lập Nhóm Mười Hai.

            1.1/ Sứ vụ của Nhóm Mười Hai: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” Tại sao phải lập Nhóm Mười Hai?

            (1) Để tiếp tục thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Ngài trong tương lai, vì thế Ngài cần những người tiếp tục công việc của Ngài. Người lãnh đạo giỏi là người biết nhìn đến tương lai, và biết huấn luyện những người có khả năng để thay thế mình sau này; vì nếu không huấn luyện người để thay thế, tất cả những cố gắng của mình, cho dù hay đến đâu chăng nữa, cũng sẽ rơi vào quên lãng.

            (2) Để Tin Mừng đựơc loan báo sâu rộng và nhiều người được chữa lành hơn: Phương tiện truyền thông duy nhất thời đó là loan báo bằng miệng, và phương tiện di chuyển thịnh hành nhất là đi bộ. Chúa Giêsu băn khoăn làm sao để Tin Mừng có thể đạt tới mọi người, và không còn cách nào hiệu quả hơn là mời gọi nhiều người cộng tác để huấn luyện, và rồi sai họ đi thi hành sứ vụ. Đó là lý do tại sao Ngài không chỉ huấn luyện một, mà 12 Tông-đồ; bên cạnh đó, Ngài còn huấn luyện rất nhiều các môn đệ đi theo Ngài. Điều này dạy chúng ta, để Tin Mừng có thể lan tràn đến mọi người, chúng ta cần sự cố gắng và cộng tác của rất nhiều người, chứ không giới hạn trong một thiểu số có tài năng hay kiến thức mà thôi.

            (3) Chúa Giêsu gọi các ông để ở với Ngài: Cách huấn luyện hiệu quả nhất của người thời xưa là cho ở với Thầy; mục đích không những là để cho các trò học tất cả những gì nơi Thầy: sự khôn ngoan cũng như cách cư xử, nhưng còn là cơ hội cho Thầy quan sát các trò của mình và sửa sai những tính xấu cho họ.

            1.2/ Thành phần của Nhóm Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Zebedee, và ông Gioan em ông Giacôbê – Người đặt tên cho hai ông là Boarneghese, nghĩa là con của thiên lôi – rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Barthôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Iscariot là chính kẻ nộp Người.” Nhìn qua danh sách của 12 Tông-đồ, một người có những nhận xét như sau:

            (1) Không có ai nổi bật: về danh giá, quyền thế, cũng như về kiến thức. Ngược lại, đa số là những ngư phủ thất học tầm thường. Các ông có thành công và trung thành với sứ vụ hay không là do cách Chúa Giêsu huấn luyện.

            (2) Là những con người yếu đuối, tội lỗi: Matthew là người thu thuế, và được xem là tội lỗi thường xuyên và công khai. Judah Iscarioth là người sẽ nộp Chúa. Hai con ông Zebedee, Gioan và Giacôbê, là người nhắm địa vị “ngồi bên tả và bên hữu” Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Phêrô chối Chúa 3 lần, và hầu hết các Tông-đồ đều bỏ Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài. Điều này cho chúng ta thấy việc huấn luyện con người không dễ.

            (3) Tính khí rất khác nhau: Simon, người thuộc Nhóm Quá Khích, có khuynh hướng bảo vệ quốc gia Do-Thái, rất ghét những người cấu kết với ngọai bang để bóc lột dân như Matthew, người thu thuế. Thế mà Chúa Giêsu chọn hai ông để sống chung với nhau, dẹp bỏ sự khác biệt, và cùng chung lo một sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phêrô rất nhanh nhẩu đến nỗi làm mà không chịu suy nghĩ, để ở với Gioan, người luôn thâm trầm và cẩn thận suy nghĩ trước khi làm. Nói tóm, sự huấn luyện của Chúa Giêsu và cuộc sống chung đã làm các ông phải dẹp bỏ những khác biệt cá nhân để cùng hy sinh cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            Chúng ta hãy tin tưởng hòan tòan nơi Chúa Giêsu, vì Ngài là trung gian của một giao ước hòan hảo.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************