Ngày thứ sáu (28-05-2021) – Trang suy niệm

27/05/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần VIII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Hc 44, 1. 9-13

“Cha ông chúng ta là những người biết xót thương người, danh tiếng tồn tại từ đời nọ sang đời kia”.

Trích sách Huấn Ca.

Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người không ai nhớ đến nữa: Họ qua đi như không bao giờ có họ, họ sinh ra như thể không có họ sinh ra, và con cháu của họ cũng thế. Nhưng có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Đáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Xướng:

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp. 

ALLELUIA: Dt 4, 12

Alleluia, alleluia! – Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phơi bày tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 11, 11-26

“Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Khi nghe dân chúng hoan hô), Chúa Giêsu vào thành Giê-rusalem, lên đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát mọi sự, và lúc trời đã xế chiều, Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười hai. Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói. Và khi thấy ở đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải là mùa có trái. Người phán bảo cây vả rằng: “Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn trái của mi nữa”. Và các môn đệ đã nghe Người nói.

Các ngài đến Giêrusalem. Và khi vào đền thờ, Chúa liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn của những người đổi tiền và ghế của những người bán chim câu. Người không để cho ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: “Nào chẳng có lời chép rằng: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dận tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”. Điều đó đến tai các trưởng tế và luật sĩ, họ liền tìm cách giết Người, vì họ sợ Người, bởi tất cả dân chúng say mê giáo lý của Người. Chiều đến, Người ra khỏi thành.

Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận rễ. Phêrô nhớ lại và thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi”. Chúa Giêsu đáp: “Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai bảo núi kia: ‘Hãy dời đi và gieo mình xuống biển’, mà trong lòng không hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được như ý. Vì vậy Thầy bảo các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó. Và khi các con đang đứng cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ để Cha các con trên trời cũng tha cho các con. Nếu các con không tha thứ, thì Cha các con trên trời cũng không tha tội cho các con”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

28/05/2021 – THỨ SÁU TUẦN 8 TN

Mc 11,11-26

TRỔ SINH HOA TRÁI

Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. (Mc 11,13b)

Suy niệm: Có hai điều kỳ lạ trong bản văn Tin Mừng này: Đức Giê-su tìm trái vả trên cây dù không phải là mùa vả; Ngài đánh đuổi những người buôn bán trong hành lang Đền thờ, dù họ ‘được phép.’ Cả hai đều là cử chỉ ngôn sứ, mang tính biểu tượng. Cây vả là hình ảnh quen thuộc được ví với dân Ít-ra-en; mặc cho Thiên Chúa chờ đợi, họ vẫn không sinh hoa trái. Với Đền thờ, Đức Giê-su kết án nền phụng tự trống rỗng, qua việc chống lại những lạm dụng, thiếu trách nhiệm của giới tư tế trong sự tôn trọng nơi thánh. Do đó, Thiên Chúa thiết lập một đền thờ mới với nền phượng tự mới qui tụ mọi dân tộc trên trần gian. Từ đền thờ ấy chảy ra một dòng sông mà hai bên bờ, cỏ cây quanh năm sinh hoa kết trái (x. Ed 47,1-12).

Mời bạn: Bạn luôn được mời gọi dành cho Thiên Chúa một vị trí ưu tiên trong tâm hồn và đời sống mình. Đức tin là một hồng ân vô điều kiện Thiên Chúa ban cho con người. Nhờ đức tin, bạn có thể “chuyển núi dời non” qua việc thực hành đức tin ấy trong đời sống hằng ngày, để trổ sinh hoa trái. Hoa trái là việc phục vụ những người nghèo khổ, người đói khát cơm bánh cũng như đói niềm tin, niềm hy vọng, niềm vui sống.

Sống Lời Chúa: Gia tăng những giây phút tĩnh nguyện với Chúa, đồng thời quan tâm giúp đỡ người bên cạnh bạn, để cây đức tin đời bạn sinh thêm hoa trái là các việc lành phúc đức.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì hồng ân đức tin Chúa ban. Xin cho con mỗi ngày ý thức hơn về hồng ân vô cầu này trong ơn gọi và sứ mạng của mình. Nhờ đó, sẽ có thêm nhiều tâm hồn nhận biết và yêu mến Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Khi thánh sử Máccô viết đoạn Tin Mừng này,
thì có thể Đền thờ ở Giêrusalem đã bị phá hủy bởi quân Rôma.
Ngôi đền thờ nguy nga này được vua Hêrôđê Cả trùng tu và nới rộng,
mất 84 năm mới hoàn thành, để rồi chỉ tồn tại được vỏn vẹn 6 năm.
Đức Giêsu đã lên Đền thờ này nhiều lần, vào các dịp lễ lớn.
Đây là lần cuối Ngài lên đây giữa tiếng tung hô của đám đông.
Khi chiều tà, Ngài và các môn đệ qua đêm ở làng Bêtania gần đó.

Hôm sau, trên đường từ Bêtania trở lại Đền thờ, Ngài thấy đói.
Trông thấy từ xa một cây vả xanh tốt, Ngài lại gần để tìm trái ăn.
Nhưng tiếc thay cây này chỉ có lá thôi, vì chưa đến mùa vả.
Vậy mà Đức Giêsu lại có vẻ nổi giận,
và nói: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!”
Buổi sáng hôm sau, Thầy trò lại lên Đền thờ, đi ngang qua cây vả.
Mọi người thấy nó chết rồi, “chết khô tận rễ” (c. 20).
Phêrô cho rằng cây vả chết vì bị Thầy rủa (c. 21).
Chúng ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại rủa cây vả cho nó chết.
Nó có tội tình gì đâu, chỉ tại chưa đến mùa đó thôi!

Thánh sử Máccô đã đặt chuyện Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ
vào ngay giữa câu chuyện đầy kịch tính về cây vả.
Điều đó khiến chúng ta không hiểu chuyện cây vả theo nghĩa đen.
Đúng là cây vả chẳng mắc tội gì khi chưa đến mùa có trái.
Nhưng khi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo cố ý từ khước Đức Giêsu,
thì họ mắc tội, như cây vả không trái.
Rốt cuộc cả họ và Đền thờ phải chịu số phận như cây vả héo khô.

Khi vào khu vực Đền thờ, Đức Giêsu giận dữ với chuyện buôn bán,
dù đây là chuyện buôn bán được phép,
ở một khu vực được phép, để phục vụ cho việc thờ tự.
Đức Giêsu đã làm một hành động rất khác thường,
đó là đuổi người buôn bán, lật bàn, xô ghế của họ (c. 15).
Thậm chí Ngài còn cấm người ta mang đồ đi qua Đền thờ (c. 16).
Chắc đã xảy ra một cuộc xô xát nhỏ, trong một thời gian ngắn.
Ngài hành động như người có quyền ở nơi thờ tự này.
Điều đó khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo tìm cách giết Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, ngôi Đền thờ tráng lệ ở Giêrusalem
không còn là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc nữa (Is 56,7).
Vì giới lãnh đạo, nó đã không đạt mục tiêu Thiên Chúa muốn.
Như cây vả xanh lá, nhưng không trái, nó sẽ bị héo khô.

Ngày nay, dấu tích còn lại của ngôi Đền thờ xưa chỉ là một bức tường,
nơi người Do Thái đến than khóc.
Bài Tin Mừng hôm nay không gây sự thù ghét đối với người Do Thái.
Đúng hơn đây là một nhắc nhở nghiêm chỉnh của Đức Giêsu
đối với mọi đền thờ, nhà thờ của các Kitô hữu.
Phải làm sao để nơi thờ tự không trở thành nơi buôn bán kinh doanh.
Phải làm sao để nhà thờ thực sự là nơi cầu nguyện cho mọi người,
không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quê mùa hay trí thức.
Phải làm sao để các ngôi thánh đường ngày nay của chúng ta
khỏi rơi vào số phận của Đền thờ Giêrusalem ngày xưa,
xanh lá nhưng không trái, nên bị chết khô.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

28 THÁNG NĂM

Nỗi Xao Xuyến Không Ngừng Gặm Nhấm Tạo Vật

Con người có khả năng cầu nguyện. Vì thế, con người trở thành tiếng nói của mọi loài thụ tạo. Các Tông Đồ cầu nguyện với nhau và với Đức Maria trong căn gác thượng ở Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội cầu nguyện nhân danh toàn thể mọi tạo vật.

Thật vậy, muôn loài đã bị lâm vào cảnh hư ảo (Rm 8, 20) do tội lỗi là cái chống lại Thần Khí trao ban sự sống. Và kìa, trước mắt chúng ta , con người đang đạt được những bước tiến bộ kỳ diệu trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Những thành tựu ấy đặc biệt mở ra cho thấy sự phong phú ẩn giấu trong tạo vật. Song nó cũng mở ra cho thấy sự tội đồn trú trong lòng con người và lan tràn ra các xã hội xét như một phần của lịch sử chúng ta.

Đó là lý do tại sao một nỗi xao xuyến đang dậy lên trong thế giới. Nhiều người sợ rằng thế giới tạo vật và mọi công cuộc của con người có thể còn lâm vào bế tắc hơn nữa – khi chúng ta kinh nghiệm những mối khủng hoảng và những đe dọa đang ngày càng gia tăng. Vì thế mọi tạo vật – xuyên qua lời cầu nguyện của mọi con người (hơn là xuyên qua các công trình của con người) – lên lời rên siết kêu nài. Thánh Phao-lô nói: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Ngài” (Rm 8, 19).

Chúng ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nói lên bằng mọi thứ ngôn ngữ của thế giới hiện đại – ngôn ngữ của văn hóa và văn minh; ngôn ngữ của sự đổi mới xã hội, kinh tế và chính trị; ngôn ngữ của công lý và giải phóng; ngôn ngữ của các hệ thống thông tin và của các phương tiện truyền thông đại chúng. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết công bố khắp mọi nơi về bao công trình kỳ diệu của Chúa. Xin Thánh Thần Chúa tràn ngập trên chúng con! Xin hãy đổi mới bộ mặt địa cầu xuyên qua sự mặc khải vinh quang của con cái Ngài”.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 28/5

Hc 44, 1. 9-13; Mc 11, 11-26.

LỜI SUY NIỆM: Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.”

          Trong lần này Chúa Giêsu đến trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem với tư cách là một ngôn sứ. Nên khi Người thấy nơi này biến thành nơi mua bán như là hang trộm cướp; Người đã có hành động dứt khoát, đánh đuổi tất cả ra khỏi Đền Thờ. Đồng thời Người lên tiếng để đánh thức hết những ai đang toan tính, đang suy nghĩ, đang làm công việc sai trái đối với Đền Thờ thì phải biết chỉnh sửa lại.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã xem tâm hồn và thân xác của chúng con là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, nhờ phép Rửa Tội và ơn Cứu Độ của Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết giữ gìn mình bằng những Bí tích mà Chúa đã ban cho, để chúng con khỏi phải bị Chúa quở trách.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

28 Tháng Năm

Người Tín Hữu Cuối Cùng 

Tiểu thuyết gia Graham Greene thuật câu chuyện ông dự định viết như sau:

Ðây là một chuyện giả tưởng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, khi toàn thế giới chỉ còn được thống trị do một đảng duy nhất. Cảnh đầu tiên ở trong câu chuyện diễn ra trong một khách sạn nhỏ vào lúc màn đêm đã bao trùm vạn vật. Một người khách già nua, mệt nhọc, xốc xếch trong chiếc áo đi mưa đã phai màu, mang một chiếc xách tay tiến vào khách sạn, xin thuê một phòng. Ông ta viết tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ vào bản lý lịch và chệnh choạng đi lên phòng. Người quản gia nhìn vào bản lý lịch và buộc miệng hỏi anh thư ký:

– Anh có biết ai đấy không?

– Làm sao tôi biết được. Anh thư ký trả lời.

– Ðức Giáo Hoàng đấy! Người quản gia quả quyết để anh thư ký tròn xoe đôi mắt hỏi vặn lại: Ðức Giáo Hoàng? Ðức Giáo Hoàng là gì?

Ðạo công giáo lúc ấy đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn Ðức Giáo Hoàng là người duy nhất được sống sót. Mạng Ngài còn được dung tha vì hai lý do: thứ nhất, đẻ chứng minh cho chính Ngài và cho mọi người là Giáo Hội đã chết và thứ hai, để theo dõi xem có tín hữu nào còn lần mò đến để tiếp xúc với Ngài không.

Khi đã biết chắc chắn 100% là duy có Ngài là độc nhất còn mang đức tin công giáo, nhà độc tài cho độ Ngài đến và tự tay lảy có súng, kết liễu cuộc đời người tín hữu cuối cùng. Nhưng trong giây phút, giữa lúc bóp cò và Ðức Thánh Cha chết, một ý tưởng lóe ra trong đầu óc nhà độc tài: Có thể điều này ông tin lại có thật, thì sao?

Xuyên qua đời sống tính nhân của các tín hữu, có thể những người xem thấy đời sống chứng tá của họ tự hỏi: Tại sao họ lại sống như thế? Tại sao họ không chạy theo trào lưu, sống như nhưng kẻ khác, thời bây giờ ai lại không mánh mum lừa đảo, chợ đen chợ đỏ, v.v…? Lý tưởng nào hay ai đã ghi hình ảnh trên họ? Tại sao họ lại sống ở giữa chúng ta? Như thế đời sống chứng nhân đã là một sự tuyên xưng thầm lặng của tín hữu, nhưng nó rất mãnh liệt và hữu hiệu. Ðó là những lời phát biểu của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong lời giáo huấn của Ngài mang tựa đề “Truyền giáo trong xã hội tân tiến”, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Các con là muối đất”, “Các con là ánh sáng thế gian”. Ngài gọi những tín hữu như thế với lòng xác tín là họ xứng đáng để phơi bày và chia sẻ cho anh chị em đang sống bên cạnh.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 8 – TN1 – Năm Lẻ

Bài đọc: Sir 44:1, 9-13; Mk 11:11-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết sống làm sao để sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự trong vũ trụ là cho một mục đích, chẳng có gì gọi là ngẫu nhiên mà có hay không mang một mục đích nào cả. Ví dụ, tạo dựng cây cỏ cho bò ăn; khi bò lớn, bò trở thành thịt cho con người ăn hay để cày bừa; khi con người tăng trưởng, con người trở thành hữu ích cho tha nhân phần xác, hay rao giảng Tin Mừng để đưa con người về cho Thiên Chúa. Vật nào hay người nào không sinh hoa kết quả hay không đạt được mục đích sẽ bị Thiên Chúa loại ra ngoài để lấy chỗ cho vật khác hay người khác biết sinh lợi cho Ngài.

Các bài đọc hôm nay nhằm giúp con người hiểu thấu ơn gọi và mục đích của họ trong cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca so sánh giữa hai dòng dõi: Một bên là dòng dõi vô danh, chẳng để lại gì cho hậu thế, họ qua đi như chẳng bao giờ có mặt trong cuộc đời, và con cháu họ cũng sống cuộc đời vô nghĩa như họ vậy. Một bên là dòng dõi của những người công chính, họ biết sống theo mục đích mà Thiên Chúa đã tiền định cho họ, con cháu họ cũng biết noi gương sống cuộc đời công chính và ngay lành như họ; và cứ thế dòng dõi họ sẽ tồn tại đến muôn đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.

1.1/ Dòng tộc của những người vô danh: Mỗi người chúng ta đều được hưởng rất nhiều công ơn từ Thiên Chúa, quê hương, tổ tiên, cha mẹ, và những người đi trước. Bổn phận của chúng ta, sau khi đã được hưởng thụ công ơn, là phải tiếp tục cố gắng làm sao để trả những công ơn này. Vì chúng ta không có cơ hội để trả ơn trực tiếp cho Thiên Chúa, chúng ta phải trả cách gián tiếp bằng cách làm ơn cho những người đi sau, trong đó có anh em, con cái, và cháu chắt của chúng ta.

Nếu chúng ta sống vô trách nhiệm, chỉ biết nhận lãnh mà không biết trả ơn, Thiên Chúa, những người đi trước, và những người theo sau sẽ kết tội chúng ta. Con cái, cháu chắt chúng ta cũng sẽ chẳng ra gì, vì họ không được lãnh nhận điều gì tốt từ chúng ta. Tác giả Sách Huấn Ca mô tả người sống vô trách nhiệm và dòng dõi họ như sau: “Có những người không còn ai nhớ nữa, họ qua đi như chẳng bao giờ có, họ sinh ra mà như chẳng chào đời con cháu của họ cũng thế thôi!”

1.2/ Dòng tộc của các danh nhân: Nhưng nếu chúng ta biết sống đạo hạnh và trách nhiệm, công đức của các chúng ta sẽ không chìm vào quên lãng. Những gì chúng ta làm không những sinh ích lợi cho chúng ta, mà còn để lại một gia sản quí báu cho lũ cháu đàn con. Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó. Nếu chúng ta biết giữ vững các điều giao ước và Lề Luật của Thiên Chúa và dạy dỗ con cháu biết làm như thế, dòng dõi của chúng ta sẽ giữ vững các điều giao ước và sống trung thành với Thiên Chúa. Vì thế, dòng dõi của chúng ta sẽ muôn đời tồn tại, và vinh quang của chúng ta sẽ chẳng phai mờ.

2/ Phúc Âm: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!”

2.1/ Ý nghĩa của hai trình thuật: Trình thuật “Cây vả bị chúc dữ” chỉ được tường thuật trong Marcô và Matthew, và là một trong những trình thuật khó cắt nghĩa nhất. Lý do vì hầu hết học giả đều chú trọng đến chi tiết mà Marcô tường thuật: “vì không phải là mùa vả.” Họ đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại tìm quả và chúc dữ cho cây vả khi chưa tới mùa?

Trong Tin Mừng, Marcô thỉnh thoảng dùng nghệ thuật viết văn được gọi là “đặt giữa hai” (Intercalation hay sandwiching): Mục đích của tác giả khi dùng nghệ thuật này là để làm nổi bật một ý nghĩa mà cả hai trình thuật đều nhắm tới. Ví dụ: trình thuật Chúa rao giảng với uy quyền chứ không giống như các kinh sư được tiếp nối bằng phép lạ Chúa chữa người bị quỉ ám (1:21-28), để nói lên Chúa Giêsu uy quyền trong lời nói cũng như trong hành động. Trình thuật Chúa chữa con gái người trưởng hội đường được đặt trước và sau phép lạ Chúa chữa người đàn bà bị loạn huyết lâu năm (5:21-43), để nêu bật niềm tin của ông trưởng hội đường và người đàn bà bị loạn huyết. Và trình thuật sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng được đặt trước và sau cái chết của Gioan Tẩy Giả (6:7-30) để nói lên việc các ông sẽ bị truy tố khi thi hành sứ vụ của mình.

Và hôm nay, trình thuật “Chúa thanh tẩy Đền Thờ” được đặt giữa trình thuật “Cây vả bị chúc dữ.” Điều quan trọng là phải tìm ra đâu là chủ đề chung của cả hai trình thuật. Trong trình thuật “Cây vả bị chúc dữ,” điều Chúa nói với cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” được thực hiện ngay hôm sau khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua cây vả. Điều gì Chúa nói sẽ thành sự, Chúa không quan tâm đến việc có đúng mùa hay không. Trong trình thuật “thanh tẩy Đền Thờ,” điều Chúa muốn nhấn mạnh: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

Cây vả hay Đền Thờ có lẽ được Chúa Giêsu ví với dân thành Jerusalem. Thiên Chúa chờ đợi họ thay đổi đã biết bao năm rồi, nhưng họ đã không sinh hoa kết quả gì cả. Một sự kiện lịch sử đáng chú ý là Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy bình địa xảy ra chỉ ít lâu sau đó (vào năm 70 AC); và từ đó đến nay mọi dân tộc trên khắp địa cầu thờ phượng Chúa, không phải ở Jerusalem; nhưng trong thần khí và sự thật.

2.2/ Đạo không phải chỉ là những lễ nghi trong Đền Thờ. Điều quan trọng nhất của đạo là niềm tin vững mạnh của người tín hữu vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhấn mạnh điều này với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!” mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.”

Ngoài ra, tình yêu đối với Thiên Chúa được biểu lộ qua tình yêu dành cho tha nhân. Người dạy họ: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa đã tiền định cho mỗi người một mục đích và trao cho mỗi người một sứ vụ. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để chu toàn sứ vụ Chúa trao phó và đạt được đích điểm Ngài đã tiền định.

– Nếu chúng ta không sinh lợi ích cho Thiên Chúa và cho tha nhân, Ngài sẽ chặt bỏ chúng ta mà vứt ra ngoài để lấy chỗ cho những người biết sinh lợi ích cho Ngài.

– Mỗi người chúng ta sống trong bậc gia đình đều được Thiên Chúa trao ban cho một số người con hay tín hữu để được huấn luyện. Chúng ta hãy chu toàn nhiệm vụ bằng cách giáo dục họ theo đường lối Thiên Chúa và chỉ đường cho họ tới với Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************