Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu tuần 12 Thường Niên. Thánh Irênê
BÀI ÐỌC I: 2V 25, 1-12
“Cả dân Giuđa bị di chuyển khỏi lãnh thổ mình”.
Bài trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Ngày mồng mười tháng mười năm thứ chín triều đại Sêđêcia đã xảy ra như thế này: Nabucôđônôsor vua Babylon kéo cả đạo quân tấn công Giêrusalem, dựng trại quanh thành và đào hầm quanh tường thành. Thành bị bao vây cho tới năm thứ mười một đời vua Sêđêcia. Ngày mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, dân chúng không còn bánh ăn. Tường thành bị chọc thủng một khoảng, thừa đêm tối tất cả các chiến sĩ chạy trốn qua lối cửa giữa hai tường, gần vườn vua. Khi ấy, quân Calđê vẫn bao vây thành. Vậy vua Sêđêcia chạy trốn qua con đường đi Araba. Nhưng quân Calđê đuổi theo kịp vua tại cánh đồng Giêricô: tất cả các chiến sĩ hộ tống vua đều bỏ vua mà chạy tứ tán. Sêđêcia bị bắt và điệu về cho vua Babylon đang ngự tại Rebla: vua này tuyên án xử ngài; rồi truyền giết các con của Sêđêcia ngay trước mặt ngài, truyền khoét mắt vua và xiềng vua dẫn về Babylon. Ngày mồng bảy tháng năm, chính là năm thứ mười chín triều đại vua Babylon, Nabuzarđan tướng quân, cận thần vua Baby-lon, đến Giêrusalem: đốt đền thờ Chúa, đền vua, và tất cả các nhà ở Giêrusalem. Tất cả các nhà đồ sộ, ông nổi lửa đốt hết. Quân binh Calđê đang ở với tướng quân, triệt hạ tường thành bao quanh Giêrusalem. Nabuzarđan tướng quân bắt đi phần dân còn sót trong thành, cả những kẻ trốn theo vua Babylon và tất cả những người khác. Còn hạng cùng đinh chỉ để lại (làm) những kẻ trồng nho và những người làm ruộng.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).
1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.
2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion”.
3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.
4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi, nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.
ALLELUIA: Ga 8, 12
All. All. – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – All.
PHÚC ÂM: Mt 8, 1-4
“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”. Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: “Ta muốn. Anh hãy lành bệnh”. Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: “Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết”.
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
28/06/2024 – THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Th. I-rê-nê, giám mục, tử đạo
Mt 8,1-4
NẾU NGÀI MUỐN…
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,2)
Suy niệm: Luật Do Thái quy định 61 khoản người phong và ai tiếp xúc với họ phải tuân giữ. Đụng đến người phong thì bị ô uế, chỉ sau việc đụng đến xác chết! Nơi lộ thiên, phải đứng cách xa họ hai mét. Họ bị xã hội loại trừ, sống nhưng tựa như đã chết với cộng đồng. Thế mà người phong này, với cử chỉ quỳ bái lạy khiêm tốn, cùng với lời thỉnh cầu đầy tính khiêm nhu “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn…” Nghĩa là tôi thì tôi muốn lắm, muốn đến chết đi được, ai lại không muốn được Ngài chữa lành trong trường hợp bệnh nan y như tôi, nhưng tùy Ngài, tùy ý muốn của Ngài. Anh thả mình, phó thác cuộc đời tăm tối cùng với hy vọng cuộc sống mới trong tình yêu thương của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su. Hãy chiêm ngắm xem Ngài đã làm gì. Trái tim, bụng dạ Ngài chạnh lòng thương xót, Ngài giơ tay đụng vào anh dù luật cấm, nói lời quyền năng để chữa anh sạch bệnh, hòa nhập với cộng đồng.
Mời Bạn: Mẹ Tê-rê-xa nói với ta rằng căn bệnh trầm trọng của thời đại không phải là bệnh phong, ung thư hay lao phổi, mà là bệnh cảm thấy không ai cần đến, chẳng ai quan tâm, bị ruồng bỏ. Có lẽ bên cạnh bạn cũng đang có những con người như vậy, bạn hãy bày tỏ lòng thương xót, sự quan tâm, nâng đỡ, ủi an, giúp họ ra khỏi tình cảnh ấy, để chữa lành, với tình thương như Chúa Giê-su.
Sống Lời Chúa: Tôi nhìn ngắm những gì Chúa Giê-su làm cho người phong, để rồi chia sẻ tình yêu thương với những anh chị em lân cận, đang gặp đau khổ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa chạnh lòng thương, và làm mọi cách để bày tỏ lòng thương xót với người phong. Xin cho con cũng có trái tim biết chạnh lòng thương như Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu
trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,
dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).
Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin?
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).
Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.
“Nếu Ngài muốn”: anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.
Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.
Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh
cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.
Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.
Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.
Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”
khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.
“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.
“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,
quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,
và da thịt anh phút chốc được lành sạch.
Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,
Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.
Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,
nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).
Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.
Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,
Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),
đó là đưa tay đụng đến người phong.
Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.
Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.
Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.
Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.
Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,
hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.
Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).
Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?
Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?
Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.
Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách :
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa ;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương ;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương ;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này :
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG SÁU
Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa: Một Xác Nhận Nền Tảng
Việc tách biệt công cuộc sáng tạo khỏi sự quan phòng thần linh (thuyết tự nhiên thần giáo) và việc phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của Thiên Chúa (thuyết duy vật) mở ngõ cho sự sai lầm của thuyết tất định duy vật (materialistic determinism). Ở đây con người và đời sống của con người trở thành hoàn toàn phụ thuộc vào một tiến trình phi ngã. Đối đầu với những tấn công này, chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về sự quan phòng thần linh của Ngài giúp bảo đảm cho con người sự tự do và chỗ đứng của mình trong vũ trụ.
Chúng ta nhận thấy sự thật này được khẳng định trong Cựu Ước. Chẳng hạn, Thiên Chúa được xem như một sự đỡ nâng mạnh mẽ và không gì có thể tiêu diệt được: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ!” (Tv 18, 2-3). Thiên Chúa là nền tảng vững chắc để con người có thể tựa vào, như lời tác giả thánh vịnh thốt lên đầy xác tín: “Lạy Chúa, số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16, 5).
Sự quan phòng của Thiên Chúa là lời xác nhận hùng hồn của Ngài đối với tạo vật, nhất là đối với con người – triều thiên của mọi tạo vật. Sự quan phòng ấy đảm bảo quyền cai quản tối cao của con người trong thế giới này. Điều này không có nghĩa rằng các qui luật tự nhiên bị quyền cai quản tối cao của con người xóa bỏ. Trái lại, nó có nghĩa rằng chúng ta phải loại trừ thuyết tất định duy vật kia – một chủ thuyết giảm trừ toàn bộ sự hiện hữu của con người đến chỉ còn như một cái gì hoàn toàn tất định. Trong thực tế, một cái nhìn như vậy sẽ hủy diệt sự tự do chọn lựa của con người.
Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – chính là sự đỡ nâng tối thượng cho sự tự do của chúng ta. Đó là điều tốt lành và quí hóa biết bao!
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 28/6
Thánh Irênê, Giám mục. tử đạo
2V 25, 1-12; Mt 8, 1-4.
Lời suy niệm: Khi Đức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Bổng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,1-2).
Lời Chúa hôm nay tường thuật về câu chuyện một người đang mắc bệnh phong khi thấy Chúa Giêsu từ trên núi đi xuống có đám đông di theo Người, anh ta đã mạnh dạng tiến lại gần Chúa Giêsu, anh ta quỳ gói bái lạy trước mặt Người và thỉnh cầu ý muốn của Người trước căn bệnh quái ác mà anh ta đang mắc phải. Và Chúa Giêsu đã thấu hiểu lòng tin và sự cung kính của anh, đặc biệt là biết tôn trọng ý muốn của Người nên Người đã chữa lành cho anh ta. Đây là một giáo huấn mà Giáo Hội muốn bày cho người tín hữu biết cách cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Thánh Augustinô cho chúng con biết mỗi khi chúng con cầu nguyện cùng Chúa, chúng con cần phải nhận biết tiêng nói của chúng con trong Chúa lẫn tiếng nói của Chúa trong chúng con. Để giúp chúng con có lời cầu nguyện sốt sắng và chân thật hơn. Amen.
************
Thánh lễ Chiều:
LỄ VỌNG
THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Cv 3, 1-10; Gl 1, 11-20; Ga 21, 15-19.
Lời suy niệm: Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gio-an anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” (Ga 21,15)
Trong Tin Mừng ngày hôm nay, Giáo Hội muốn mỗi người trong chúng ta lưu ý đến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô về một câu hỏi và trả lời được lập đi lập lại ba lần. Thật là hạnh phúc cho Chúa Giêsu và cho cả Phêrô: Chúa Giêsu muốn được nghe lời yêu thương từ tâm trí của Phêrô: “Con yêu mến Chúa, Chúa biết rõ con yêu mến Chúa.” Với niềm hạnh phúc này, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ cho Phêrô: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con, biết lắng nghe lời mời gọi của Chúa trong từng giai đoạn của cuộc sống, và sẵn sàng đáp lại với lời mời gọi của Chúa, để được trở nên công cụ trong tay của Chúa. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 28-06: Thánh IRENÊ
Giám mục, Tử Đạo (Thế kỷ II)
Thánh Irenê sinh tại Tiểu Á và giữa thế kỷ II. Chúng ta biết được phần nào ngày sinh của Ngài, dựa vào bản tường thuật Ngài viết về thánh Policarpô. Ngài viết cho Flôrinô:
– “Tôi có thể nói với ông nơi thánh Pôlicarpô ngồi khi Ngài rao giảng lời Chúa, tôi được thấy Người ra vào. Bước chân, phong thái, cách sống và lời Ngài nói in sâu vào lòng tôi. Tôi như còn nghe thấy Người kể lại cách người đàm luận với thánh Gioan và các tông đồ khác đã thấy mặt Chúa. Người nói lại cho chúng tôi những lời nói và những điều các Ngài đã học được liên quan đến Chúa Giêsu. Các phép lạ và giáo thuyết của Chúa.
Thánh Irenê còn phấn khởi ghi thêm: – “Tôi ghi nhận các hành vi và lời nói ấy không phải trên bảng viết mà là trong sâu thẳm tâm hồn. Thiên Chúa cho tôi được ơn không ngừng nhớ lại những kỷ niệm ấy trong lòng”.
Như vậy, thánh Irenê luôn nhớ mãi hình ảnh sống động của thánh Policarpô qua đời năm 155. Vậy có thể là thánh Irenê ra đời khoảng từ năm 130 đến 135, và Ngài được giáo dục tại Smyrna, làm môn đồ của thánh Pôlicarpô. Hấp thụ nền giáo dục gần với các tông đồ. Nhất là với thánh Gioan, thánh Irenê còn ở trong vòng ánh sáng mà tâm điểm là tình yêu đằm thắm giữa thánh Gioan với Chúa Kitô. Trong tác phẩm dài “Adversus Haereses” của Ngài. Chúng ta cảm thấy Ngài là người được thấm nhiễm một trực giác hiếm có.
Thánh Pôlicarpô gọi Irênê sang Gaule. Tại đây thánh Pôthinô, giám mục Lyon phong chức linh mục cho Ngài. Phần đóng góp của thánh Irenê cho Giáo hội thật lớn. Ngài chú tâm tới mọi khoa học, chuyên cần suy gẫm thánh kinh. Khi nghiên cứu huyền thoại và các hệ thống triết học ngại giáo, Ngài biết tìm ra nguồn gốc các sai lầm và bác bỏ các lạc thuyết pha trộn huyền thoại vào Kitô giáo. Tertulianô đã tuyên nhận rằng không có ai nỗ lực tìm tòi hơn là thánh Irênê. Thánh Hiêrônimô, nại đến thánh nhân để củng xố uy tín của mình. Ngài được coi như là ánh sáng các vùng Gaules ở Phương Tây.
Năm 177, thánh Irenê được cử làm đại diện về Rôma, bên cạnh Đức giáo hoàng để thực hiện một sứ mệnh tế nhị là dàn xếp ngày mừng lễ phục sinh
Trở lại Lyon, thánh Irênê gặp lại một giáo đoàn côi cút. Marcô Aureliô vừa mới giết hại các Kitô hữu. Đức cha Pothinô đã bị sát hại. Thánh Irenê được bầu lên kế vị. Ngài trở thành thủ lãnh Giáo hội tại xứ Gaule, bận rộn với công việc rao giảng, thánh nhân vẫn viết sách để chống đỡ chân lý. Ngài phải chiến đấu không ngừng, bởi vì cuộc bách hại tưởng chấm dứt khi Marcô Aureliô qua đời, nhưng các lạc giáo lại nổi lên chống phá Giáo hội.
Thánh Irenê dùng hết tâm trí và đức tin chống lại các lạc thuyết nhưng vẫn yêu thương những lẻ lầm lạc, Ngài cầu nguyện cho họ van nài họ trở về với Giáo hội thật:
– “Hợp nhất với Chúa là sự sống và là Sự sống …. Khốn khổ cho ai lìa xa sự hợp nhất ấy. Hình phạt đổ xuống họ không phải do Thiên Chúa mà do chính họ, vì khi chọn quay mặt khỏi Thiên Chúa, họ đánh mất mọi tài sản”.
Các tác phẩm lừng danh Ngài đã soạn khiến cho Ngài đang được gọi là “Anh sáng bên trời Tây”.
Dưới sự dẫn dắt của thánh Irênê, Lyon đã trở thành một trường dạy phụng sự Chúa đào tạo nhà tri thức và có khả năng truyền giáo. Thế hệ đầu tiên của trường đã bảo vệ đức tin tinh tuyền bằng những nghiên cứu và sách vở của họ. Thế hệ thứ hai phổ biến Tin Mừng đến những miền khác.
Hoàng đế Seltinô – Severô tái diễn cuộc bách hại. Ông gia hình cho đến chết những ai kiên trì với đức tin. Lyon là thành phố diễn ra cuộc hãm xác tập thể các Kitô hữu thật khủng khiếp. Máu chảy thành suối trên đường phố tiếp nối dòng máu các giám mục tử đạo, thánh Irênê, cũng bị hạ sát với đàn chiên mình. Một tài liệu cố tìm được cho thấy có đến 19 ngàn Kitô hữu cùng chịu khổ chịu chết vì đạo với Ngài.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
28 Tháng Sáu
Ngợi Khen Con Người
Trong tập thơ có tựa đề “Nhật ký”, nữ thi sĩ công giáo Pháp là Marie Noel đã tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Hôm đó là ngày cuối năm. Từ trên Thiên Quốc nhìn xuống dương trần, Chúa thấy dân chúng đổ xô về một ngôi nhà thờ đổ nát, không có chuông, cũng chẳng có tháp chuông. Vị linh mục già đành phải khua mõ vào bất cứ đồ vật nào có thể gây ra tiếng vang để giục giã dân chúng đến giáo đường đọc Kinh “Te Deum” ngợi khen Cúa nhân ngày cuối năm.
Trời mưa lạnh như cắt. Vậy mà, từ khắp nơi trong xóm giáo, người ta vẫn đổ xô về ngôi giáo đường. Chúa theo dõi từng cử động một của một người đàn bà đơn độc mà ngôi nhà vừa bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chúa lại nhìn thấy một thiếu phụ mà cách đó không lâu bọn Ðức Quốc Xã đã tước đoạt mọi tài sản. Một người đàn bà khác, mà chồng đã bị giết trước mắt, cũng lặng lẽ tiến đến nhà thờ. Có cả thiếu phụ mất con mà người ta không tìm ra tung tích. Có cả người đàn ông mà vợ và con bị chôn vùi dưới đống gạch vụn… Còn bao nhiêu người khốn khổ khác nữa. Họ không biết đi đâu, họ không có gì để ăn bởi vì quân thù đã đốt phá và cướp đi tất cả những lương thực dự trữ.
Vậy mà những người khốn khổ ấy có mặt đày đủ trong ngôi giáo đường. Có một vài tiếng khóc. Nhưng tất cả đều cất tiếng hát bài “Te Deum” ngợi khen Chúa trong ngày cuối năm vì những ơn huệ Ngài ban trong năm qua.
Nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng như lắng nghe lời ca ngợi của những con người khốn khổ, Thiên Chúa vô cùng cảm động. Ngài nói với các Thiên Thần như sau: “Quả thực, quả thực, Ta bảo các ngươi: con người là loài thụ tạo thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám người đáng thương kia. Cách đây 12 tháng, họ đã phó dâng cho Ta cả năm để được hạnh phúc, an khang. Vậy mà tai ương và thảm sầu đã xảy đến với họ… Họ đã kêu cầu bình an, nhưng chiến tranh đã đè bẹp họ. Họ đã xin lương thực hằng ngày, nhưng họ chỉ toàn gặp là đói khát. Họ đã phó dâng cho ta gia đình, người thân và tổ quốc của họ, nhưng tổ quốc, gia đình và người thân của họ lại bị xâu xé trăm bề. Dĩ nhiên, Ta có những lý do riêng của Ta… Ta không thể thanh tẩy thế giới mà không thể thử thách nó như thời Noe. Nhưng đây là công việc của một Thiên Chúa, không ai có thể hiểu được việc Thiên Chúa làm. Nhưng con người lại phải gánh chịu mọi sự. Vậy mà họ vẫn tiếp tục ngợi khen và cảm tạ Ta cứ như Ta đã bảo vệ họ trong từng phút giây của cuộc sống họ… Quả thực, lòng tin của họ lớn lao… Các ngươi có nghe họ hát “Thánh, thánh” với tất cả trang trọng không? Hỡi các Thiên Thần và các Thánh, nào các ngươi hãy hát lên một bài ca để tôn vinh những ai, mặc dù gặp gian lao khốn khó, vẫn lên tiếng tôn vinh Ta”.
Nói xong, Thiên Chúa cùng với các thần thánh trên trời cất lên bài ca “Ngợi khen con người”.
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không thể không say mê con người, Ngài không thể không chung thủy với con người. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống hiện tại và những khắc khoải lo âu cho tương lai, chúng ta hãy tiếp tục dâng trọn niềm tín thác cho Thiên Chúa.
Tin tưởng ở tình yêu Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng ở tình người. Tình người dù có bội bạc, mỗi một con người, dù có đốn mạt, xấu xa đến đâu, cũng vẫn còn chất chứa trong đáy thẳm tâm hồn mình vẻ đẹp cao vời phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa. Ðáp lại với những phản trắc lừa đảo, đáp lại với những thấp hèn đê tiện, người có niềm tin nơi Thiên Chúa và tin ở tình người hãy giữ mã.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu – Tuần 12 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Kgs 25:1-12; Mt 8:1-4.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa luôn thi hành những gì Ngài đã nói.
Lịch sử Cựu Ước là một chứng minh uy quyền của Thiên Chúa và sự bất trung của con người. Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân bao lâu họ chịu lắng nghe và tuân giữ những gì Ngài dạy; nhưng nếu họ không vâng lời, Thiên Chúa chẳng cần phải ra tay sửa phạt, Ngài chỉ không bảo vệ họ nữa, là bàn tay quân thù chung quanh sẽ đè nặng và tiêu diệt dân tộc Israel. Trước khi để quân thù sửa phạt, Thiên Chúa luôn gởi các ngôn sứ đến để cảnh cáo và kêu gọi trở lại với tình yêu đích thật.
Các bài đọc hôm nay đưa ra cho chúng ta hai tấm gương của những người bất trung và trung thành với Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Đức Chúa để cho vua Babylon san phẳng thành Jerusalem với các dinh thự và Đền Thờ, đúng như lời Ngài đã cảnh cáo qua miệng các ngôn sứ. Vua quan, các nhà quí tộc, và hầu hết dân thành bị đem đi lưu đày tại Babylon. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tỏ tình yêu thương và chữa lành cho một người cùi bằng cách động đến anh. Chúa truyền cho anh đi trình diện các tư tế và dâng lễ vật như Luật truyền.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Jerusalem bị hoàn toàn phá hủy.
1.1/ Vua Zedekiah chống cự lại đế quốc Babylon.
Tuy đã chứng kiến lần thất bại thứ nhất và cảnh vua Jehoiachin cùng cả hoàng tộc cũng như quân quốc bị đày sang Babylon lần thứ nhất, vua Zedekiah vẫn không chịu ăn năn sám hối và tin tưởng nơi Đức Chúa. Nhà vua gởi sứ giả sang Ai-cập cầu viện để có sức mạnh quân sự chống lại đế quốc Babylon (Eze 17:11-21). Chuyện này đến tai vua Babylon.
“Ngày mồng mười tháng mười, năm thứ chín triều Zedekiah (588 BC), Nebuchadnezzar, vua Babylon, cùng toàn thể đạo quân tiến đánh Jerusalem. Vua đóng trại và đắp chiến luỹ chung quanh để đánh thành. Thành bị vây hãm cho đến năm thứ mười một triều vua Zedekiah. Vào mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, và không có bánh cho dân trong xứ.”
Tuy Jerusalem là một thành trì rất kiên cố; nhưng nếu bị bao vây trong hai năm trời, toàn thể nguồn lương thực sẽ bị tiêu tan. Để thoát thân, vua Zedekiah chọc thủng một lỗ. Đây có lẽ tác giả muốn nói tới kênh đào Siloam, chỗ cung cấp nước cho cả thành Jerusalem, nằm gần thành David (Neh 3:15). Từ đó, người ta có thể đi xuống thung lũng Kidron và đi về Jericho trước khi xuôi Nam xuống vùng Arab.
“Đang đêm, tất cả các binh lính đi ra theo con đường cửa giữa hai bức tường, gần vườn của vua, rồi họ đi theo con đường hướng tới Arabah… Đạo quân Chaldeans rượt theo và đuổi kịp vua trong vùng thảo nguyên Jericho; toàn thể đạo quân của vua bỏ vua chạy tán loạn. Chúng bắt vua và đem lên Riplah gặp vua Babylon, chúng tuyên án kết tội vua. Chúng cắt cổ những người con của vua Zedekiah trước mắt vua cha. Rồi vua Babylon đâm mù mắt vua Zedekiah, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Babylon.”
1.2/ Jerusalem bị phá hủy bình địa.
“Ngày mồng bảy tháng năm, đó là năm thứ mười chín triều Nebuchadnezzar, vua Babylon, quan chỉ huy thị vệ Nebuzaradan, thuộc hạ của vua Babylon, vào Jerusalem. Ông đốt Nhà Đức Chúa, đền vua và mọi nhà cửa ở Jerusalem; ông còn phóng hoả đốt mọi dinh thự các nhà quyền quý. Toàn thể đạo quân Chaldeans, dưới quyền quan chỉ huy thị vệ, phá huỷ các tường thành chung quanh Jerusalem. Quan chỉ huy thị vệ Nebuzaradan bắt những người dân còn sót lại trong thành, những người đã đào ngũ theo vua Babylon, và những người thợ thủ công còn sót lại phải đi đày. Nhưng quan chỉ huy thị vệ chừa lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác.”
2/ Phúc Âm: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
2.1/ Phép lạ Chúa chữa người phong hủi:
(1) Người phong hủi biết cách xin: Ông tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chỉ với câu một ngắn ngủi, ông đã lột tả được hai điều quan trọng:
+ Ông luôn sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa: Khi nói “nếu Ngài muốn,” ông cũng biết điều đối ngược có thể xảy ra là Thiên Chúa có thể không muốn, và ông sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa để chịu bệnh. Con người không biết chuyện tương lai nên không biết cách xin làm sao cho đúng; vì thế, điều khôn ngoan là cứ việc xin, nhưng phải khôn ngoan cho thêm câu như người phong hủi hôm nay “nếu Ngài muốn.” Lý do: có thể những điều con người muốn sẽ đưa họ đến chỗ thiệt hại hơn; chẳng hạn, nguy hiểm cho phần linh hồn. Thiên Chúa biết những gì ích lợi cho con cái, Ngài sẽ ban điều tốt nhất cho những ai tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.
+ Ông tin Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự: Khi nói “Ngài có thể làm cho tôi được sạch,” người phong hủi không một chút nghi ngờ quyền năng của Chúa Giêsu. Đây là điều kiện tiên quyết để được lành bệnh, như Chúa Giêsu vẫn thường đòi hỏi nơi bệnh nhân.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Thấy cách biểu lộ niềm tin và lối sống của người phong hủi, Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.
Đây là hành động rất can đảm và biểu lộ lòng thương xót của Chúa Giêsu, vì Lề Luật ngăn cấm không cho sự tiếp xúc giữa người lành mạnh và người bị phong hủi. Khi Chúa Giêsu giơ tay đụng anh, Ngài đã làm cho mình trở nên không thanh sạch. Người không thanh sạch bị ngăn cấm không được vào Đền Thờ; nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho anh đã thắng vượt tất cả những ràng buộc của Lề Luật. Tiên tri Isaiah diễn tả rất hay về lòng thương xót như sau: ”Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Isa 53:4a).
2.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu:
(1) “Coi chừng, đừng nói với ai cả:” Thông thường, nhiều người sẽ không hiểu tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm anh không được tiết lộ; lẽ ra phải để anh rao truyền quyền năng của Chúa Giêsu để giúp nhiều người tin vào Ngài. Lý do Chúa Giêsu ngăn cấm anh vì Chúa không muốn dân chúng tin Ngài như một Đấng Thiên Sai uy quyền như truyền thống vẫn tin; nhưng là một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu độ con người.
(2) ”Hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Ngày xưa, xã hội không có bác sĩ như bây giờ; các tư tế có bổn phận khám xét những người bị bệnh phong, để tuyên bố một người có bệnh hay được lành bệnh. Bệnh phong không những nghiêm trọng về thể lý vì tính hay lây; nhưng còn nghiêm trọng hơn trong việc tế lễ. Lề Luật không cho phép người bị bệnh phong vào Đền Thờ dâng của lễ, vì họ được xếp vào hạng người không sạch. Khi tư tế tuyên bố người mắc bệnh đã lành, anh phải dâng của lễ tạ ơn như Lề Luật truyền (Lev 14:4-5).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời, vì mọi sự đều có thể xảy ra dưới bàn tay uy quyền của Ngài.
– Không phải những điều chúng ta xin đều đẹp ý Ngài; vì thế, hãy mở lòng để đón nhận lời từ chối của Thiên Chúa, và can đảm vâng theo thánh ý Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************