Ngày thứ sáu (29-10-2021) – Trang suy niệm

28/10/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Rm 9, 1-5

“Tôi đã ước ao được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Đức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần, là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luầt, việc phượng tự và lời hứa; các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Đức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

A+B=Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a).

A= Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi; Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội.

B= Người giữ cho mọi bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo.

A= Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người.

A+B=Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a).

ALLELUIA: Tv 118, 36a và 29b

-Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 14, 1-6

“Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Đoạn Người bảo các ông rằng: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

29/10/2021 – THỨ SÁU TUẦN 30 TN

Lc 14,1.7-11

HÃY NGỒI VÀO CHỖ CUỐI

“Khi anh được mời thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho.” (Lc 14,10)

Suy niệm: Không gì minh họa cho thái độ “ngồi vào chỗ cuối” bằng chính cuộc đời Chúa Giê-su. Khi sinh ra, Người chọn sinh ra trong hang đá, làm một Hài Nhi “bọc trong tã, nằm trong máng cỏ.” Ngài là con “bác thợ mộc Giu-se” nghèo hèn. Khởi đầu đời sống công khai, Ngài đến sông Gio-đan ở đó “toàn dân chịu phép rửa, Ngài cũng chịu như họ.” Ngài đồng bàn với bọn tội lỗi, phường thu thuế, tức là với hạng người bị loại trừ trong xã hội. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã làm việc của một đầy tớ khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã chọn chỗ ngồi rốt hết, còn tôi, phải chăng tôi đã theo thói thường, tranh giành chỗ nhất. “Khi chọn làm công việc rửa chân, một công việc thường được gán cho các tôi tớ thấp hèn nhất, Chúa Giê-su  muốn xác nhận rằng, hành động khiêm nhường này – vốn soi sáng toàn bộ cuộc sống và cái chết của Ngài – phải được coi là chuẩn mực cao nhất, đặc biệt đối với những ai được gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng của Ngài và sứ mạng hiệp nhất tất cả các môn đệ trong tình yêu của Ngài” (Bernard Haring).

Sống Lời Chúa: Sống tôn trọng người khác, chấp nhận chính mình với những khuyết điểm, bất toàn, không bất mãn khi không được biết đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã song giữa chúng con như một người đến để phục vụ, hạ mình đến nỗi bằng lòng chết và chết trên Thậûp Giá. Xin cho chúng con noi theo gương Chúa, sống hiền lành và khiêm nhường, bé nhỏ trước mặt Chúa và anh em. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Sau khi dự nghi thức ở hội đường vào ngày sabát,
người ta thường mời khách về nhà dùng bữa trưa.
Bữa ăn này đã được chuẩn bị từ ngày hôm trước.
Hôm nay Đức Giêsu lại được một người Pharisêu mời dùng bữa.
Đây là lần thứ ba Ngài được mời ăn như thế (x. Lc 7, 36; 11, 37).
Và đây cũng là lần thứ ba có sự căng thẳng
vì Ngài chữa bệnh trong ngày sabát (x. Lc 6, 6; 13, 10).
Những người Pharisêu trong bữa ăn hôm nay chăm chú nhìn Ngài (c. 1).

Chúng ta không rõ người mắc bệnh phù thũng có là khách không.
Hay phải chăng anh ấy là người không mời mà đến?
Nếu là khách thì tại sao Đức Giêsu lại cho anh về sau khi chữa khỏi?
Dù sao thì anh ấy cũng đang đứng trước mặt Đức Giêsu (c. 2).
Ngài thấy những dấu hiệu của bệnh phù thũng nơi thân xác anh.
Trên người anh có chỗ sưng lên vì nước bị ứ lại.
Chính Đức Giêsu là người chủ động đặt vấn đề với người Pharisêu.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày sabát không ?” (c. 3).
Hiển nhiên đối với họ, chỉ được phép chữa những bệnh nhân hấp hối.
Anh bị phù thũng không nằm trong diện này.
Vậy mà họ đã giữ thái độ thinh lặng trước câu hỏi đó (c. 4).

Đức Giêsu đã chữa bệnh cho anh chỉ bằng một cử chỉ đỡ lấy.
Không có lời nói nào kèm theo.
Có lẽ anh đã đi về nhà, lòng vui sướng vì được khỏi bệnh.
Đức Giêsu đã muốn biện minh cho hành vi chữa bệnh trong ngày sabát
bằng một câu hỏi về cách ứng xử trong một trường hợp cụ thể (c. 5).
“Giả như các ông có đứa con trai hoặc con bò sa xuống giếng,
các ông lại không kéo nó lên ngay lập tức, dù là ngày sabát sao?”
Họ đã không thể đưa ra câu trả lời,
vì dĩ nhiên là phải kéo nó lên ngay, trước khi nó chết dưới giếng.
Đối với Đức Giêsu, chữa bệnh đơn giản là kéo một người lên ngay.
Dù Ngài không phủ nhận tầm quan trọng của việc giữ ngày sabát,
nhưng ngày sabát lại không cấm làm điều phải làm, đó là chữa bệnh.

Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu của con người.
Nếu để đến hôm sau mới chữa cho anh phù thũng thì cũng được.
Nếu để bà còng lưng mười tám năm chịu thêm một ngày cũng không sao.
Nhưng Ngài muốn giải phóng con người ngay lập tức, khi có thể được.
Ngài muốn làm vơi nỗi đau kéo dài đã lâu của con người.
Chính vì bà còng lưng đã mười tám năm đau khổ
nên không cần kéo dài thêm, dù chỉ một ngày nữa.
Luật lệ đạo đời nhằm phục vụ cho hạnh phúc thực sự của con người.
Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều việc cần làm ngay.
Có bao mảnh đời sắp bị đổ vỡ, có những nguy cơ đe dọa nhân phẩm,
có những người trẻ đứng trên bờ vực, có những thai nhi bị chối từ.
Làm sao chúng ta không dửng dưng với những em nhỏ ở kề miệng giếng,
và không quay lưng với những người đã sa xuống vực sâu?

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG MƯỜI

Để Thế Gian Tin Rằng Cha Đã Sai Con …

Sự hiệp nhất giữa các môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa, nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những người sẽ tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con, và để họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).

Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua chứng tá hiệp nhất.

Vì thế trước hết chúng ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách nhiệm đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách nhiệm thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn hồi sự hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.

Ngày nay thế giới đầy dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc gia, người ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái: Những giành giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những định chế cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số yếu tố khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.

Chính trong thế giới phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 29/10

Rm 9, 1-5; Lc 14, 1-6.

LỜI SUY NIỆM: Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: “Có được phép chữa bệnh ngày Sabát hay không?”

          Đây là một câu chất vấn của Chúa Giêsu đối với thái độ “rình xem” của những người Pharisêu và thông luật về việc làm của Người trong ngày Sabát. Điều này cũng đang nhắc nhở và đòi hỏi nơi mỗi người trong chúng ta cần phải có thái độ tôn trọng đối với những người thiện chí làm việc thiện và thực thi lòng bác ái đối với những người nghèo khó và bệnh tật.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con thực hiện mọi công việc với con tim chân thành và tinh thần trách nhiệm Kitô hữu của mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

29 Tháng Mười

Các Ông Là Quái Vật

Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ  triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người. Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô. 

– Ông Giêsu Kitô là ai? 

Một người Kitô sẽ trả lời: 

– Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế. 

– Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta? 

– Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự. 

Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm: 

– Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như  ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác. Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện. Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc. 

Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối: 

– Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi. 

Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu: 

– Vậy thì các ông là những quái vật. 

Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật. 

Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự  sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao? 

Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình. 

Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ. 

Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 30 – TN1 – Năm lẻ.

Bài đọc: Rom 9:1-5; Lk 14:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết dùng trí khôn để nhận ra ai là người yêu mình thật sự.

Không có nỗi đau khổ nào lớn hơn nỗi đau khổ bị từ chối tình yêu, và cũng không có sự dại dột nào lớn hơn sự dại dột của kẻ từ chối tình yêu thực sự để chạy theo tình yêu giả trá và lừa lọc. Cha mẹ sẽ đau khổ chừng nào khi họ sẵn lòng chấp nhận mọi gian khổ để lo cho con có tiền ăn học; nhưng phát giác con mình dùng tiền đó để tiêu xài phung phí với chúng bạn! Người vợ sẽ đau khổ chừng nào khi người chồng dùng tất cả những gì bà đã dành dụm cho gia đình để đốt hết vào những canh bạc đỏ đen!

Các Bài Đọc hôm nay muốn con người hãy biết dùng trí khôn sáng suốt để nhận ra ai là người yêu mình thật sự. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, ngay cả việc chấp nhận bị xa lìa Đức Kitô; để người Do-thái nhận ra tình yêu thực sự mà Đức Kitô dành cho họ. Phaolô không thể hiểu tại sao người Do-thái khước từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ qua việc Ngài ban cho họ Đức Kitô để cứu chuộc họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sẵn sàng hy sinh và chấp nhận chống đối để chữa lành một người bị bệnh phù thũng trong ngày Sabbath, và sửa sai quan niệm của họ về ngày Sabbath; nhưng họ không nhận ra ý hướng và tình yêu của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tâm tình của Phaolô dành cho dân tộc Do-thái

1.1/ Ước mong của Phaolô là cho toàn dân nhận ra và tin vào Đức Kitô: Trong ba chương kế tiếp, Phaolô phải vật lộn với chủ đề tại sao nhiều người Do-thái không tin vào Đức Kitô mặc dù họ có đủ mọi bằng chứng và đặc quyền để tin vào Ngài.

Ý hướng của Phaolô rất thành thật như ngài tâm sự: “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng.”

Yêu ai là mong muốn mọi điều tốt lành cho người ấy. Phaolô yêu dân tộc mình nên ông muốn cho mọi con cái Israel được nhận biết Đức Kitô để được cứu độ, cho dẫu ông phải trả giá là bị “nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô,” Đấng ông kính mến trên hết mọi sự. Phaolô, mặc dù được dành riêng để rao giảng cho Dân Ngoại; nhưng ông luôn tìm mọi dịp để tranh luận và rao giảng cho người Do-thái, Thư Rôma là một trường hợp điển hình. Lòng thành của Phaolô còn đáng khen ngợi hơn nữa vì nhiều người Do-thái luôn tìm dịp bắt bớ ông và tìm cách đạp đổ những gì ông đã xây dựng cho các cộng đoàn Dân Ngoại.

1.2/ Người Do-thái có đầy đủ những đặc quyền để tin vào Đức Kitô: Phaolô nhìn lại lịch sử và không khỏi ngạc nhiên về những đặc quyền Thiên Chúa ban cho dân tộc Do-thái:

– Họ là người Israel, dân tộc được Thiên Chúa chọn làm Dân Riêng của Ngài;

– Họ đã được Thiên Chúa nhận làm con;

– Họ đã được Người cho thấy vinh quang;

– Thiên Chúa đã ban tặng cho họ các giao ước: với Noah, với Abraham, với Moses… ;

– Họ đã được Thiên Chúa ban Lề Luật, phụng tự, và các lời hứa;

– Họ là con cháu các tổ phụ;

– Và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Phaolô rất ngạc nhiên, vì một dân tộc được Thiên Chúa ban mọi đặc quyền, nhất là đã được các ngôn sứ chuẩn bị một thời gian rất lâu để đón Đấng Thiên Sai ra đời; thế mà khi Đức Kitô xuất hiện, nhiều người Do-thái từ chối không tin vào Ngài. Ba chương kế tiếp Phaolô cố gắng tìm hiểu lý do của sự từ chối này.

2/ Phúc Âm: Có được phép chữa bệnh ngày Sabbath hay không?

2.1/ Xung đột giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu: Thánh Luca tường thuật 2 thái độ khác nhau:

(1) thái độ của ông Thủ Lãnh nhóm Pharisees: Ông mời Chúa Giêsu dùng bữa và xếp đặt sẵn một người bị bệnh phù thủng, để gài bẫy xem Ngài có chữa bệnh trong ngày Sabbath.

(2) thái độ của Chúa Giêsu: Mặc dù biết rõ ác ý của họ, nhưng Chúa Giêsu vẫn nhận lời mời dự tiệc, vì Chúa muốn cho họ có cơ hội nhìn thấy sự thật để thay đổi lối sống giả hình.

2.2/ Chúa Giêsu trình bày sự thật và chữa lành người bệnh: Không chút do dự, Chúa Giêsu chủ động tiến trình hòa giải bằng việc đặt câu hỏi với các Kinh-sư và những người Biệt-phái: “Có được phép chữa bệnh ngày Sabbath hay không?” Nhưng họ làm thinh không trả lời. Làm thinh có thể vì:

(1) không biết trả lời;

(2) giả vờ như chuyện ấy không liên quan gì tới mình. Các Kinh-sư và Biệt-phái có lẽ đang ở trong tình trạng này.

Không một chút sợ hãi, Chúa Giêsu đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi, và cho về. Rồi Người chất vấn họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabbath?” Giếng lộ thiên rất thường xuyên gặp trên đất Palestine và là nguyên nhân các tai nạn cho con người cũng như súc vật (x/c Exo 21:33). Khi tai nạn té xuống giếng xảy ra, không ai thắc mắc có được kéo người hay súc vật dưới đó nên không; vì đó là việc phải làm. Việc Chúa chữa bệnh trong ngày Sabbath cũng vậy, đó là việc cứu người cần làm. Tại sao họ lại đặt thành vấn đề?

2.3/ Lối sống hai mặt của các Kinh-sư và những người Biệt-phái: Chúa mời gọi họ đối thọai để tìm ra sự thật phải theo nhưng họ làm thinh. Chúa chất vấn họ về lối sống hai tiêu chuẩn: một tiêu chuẩn cho những người thân cận hay cho tài sản của họ, và một tiêu chuẩn cho những người dân vô tội; nhưng họ không thể đáp lại những lời chất vấn của Chúa. Thánh Luca không tường thuật phản ứng sau cùng của những người Pharisêu này; nhưng hầu hết sau những lần chất vấn của Chúa, họ trở nên tức giận hơn và tìm cách để bắt bớ Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải biết dùng trí khôn để suy xét, cân nhắc, và nhận ra ai là người yêu thương chúng ta thật sự và ai là người chỉ lợi dụng chúng ta. Một khi đã nhận ra tình yêu đích thật, chúng ta hãy có can đảm để đáp lại tình yêu bằng cách tuân theo sự thật và đáp trả tình yêu cách xứng đáng.

– Nếu cứ mù quáng chạy theo những tình yêu ảo ảnh và sai trái, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ phải trả giá đắt cho sự mù quáng này.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************