Ngày thứ sáu (30-04-2021) – Trang suy niệm

29/04/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Phục Sinh Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Cv 13, 26-33

“Thiên Chúa đã làm trọn lời hứa khi cho Đức Giêsu sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ. 

Trong những ngày ấy, khi Phaolô đến Antiôkia thuộc xứ Pisiđia, ông lên tiếng trong hội đường rằng: “Thưa chư huynh, con cháu Abraham, và những người kính sợ Thiên Chúa ở giữa chư huynh, lời cứu độ đó đã được rao giảng cho chư huynh. Những người cư ngụ ở Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhìn nhận Đức Giêsu và các lời tiên tri mà họ đọc mỗi ngày Sabbat; thế mà họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khi lên án Người. Và dầu không thấy nơi Người lý do nào đáng phải chết, họ cũng xin Philatô cho giết Người. Và khi đã hoàn tất mọi điều đã chép về Người, họ đã tháo Người xuống khỏi cây thập giá và mai táng Người trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba. Và trong nhiều ngày, Người đã hiện ra với những kẻ đã cùng với Người từ Galilêa lên Giêrusalem. Bây giờ những kẻ đó là những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.

“Phần chúng tôi, chúng tôi loan báo cho chư huynh hay rằng: lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, Thiên Chúa đã làm hoàn tất cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, như đã chép trong thánh vịnh thứ hai rằng: ‘Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con’ “. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 2, 6-7. 8-9. 10-11

Đáp: Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con (c. 7).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chính Ta đã đặt vương nhi Ta trên Sion, núi thánh của Ta. Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con”. – Đáp.

2) Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài. Con sẽ cai trị chúng bằng cây gậy sắt, như bình thợ gốm, Con đem nghiền nát chúng ra. – Đáp.  

3) Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết, quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Người, hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa. – Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Chúa Kitô đã sống lại ra khỏi mồ, Người đã chịu treo trên thập giá vì chúng ta. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 14, 1-6

“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

30/04/2021 – THỨ SÁU TUẦN 4 PS

Th. Pi-ô V, giáo hoàng

Ga 14,1-6

LÀ CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6)

Suy niệm: “Con đường có thể đẹp hay xấu, dễ hay khó đi, bằng phẳng hay gồ ghề, điều đó không quan trọng; điều quan trọng nhất là con đường ấy đưa bạn đi đến đâu” (M. Idan). Đức Giê-su là con đường đưa ta đến đích điểm là Chúa Cha, đi vào thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi; cả con đường lẫn đích đến đều hội tụ nơi con người Giê-su. Ngài là con đường đưa ta đến Nước Trời hạnh phúc, nhưng cũng chính là Nước Trời hạnh phúc ấy. Ngài đến trần gian mặc khải cho ta biết sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa và con người. Đi theo, đồng hành với Ngài trên con đường Giê-su, ta có được sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa, vui hưởng sự sống dồi dào của Thiên Chúa ngay trong cuộc đời này. Thế nhưng, đừng quên rằng con đường mang tên Giê-su là con đường thập giá, hy sinh quên mình. Chỉ có con đường thập giá ấy mới dẫn đưa ta đến sự sống viên mãn của Thiên Chúa.

Mời Bạn: “Tại sao mọi con đường rốt cuộc thu hẹp vào một điểm ở chân trời? Vì đó là nơi có điểm đến” (Nhà văn Mỹ V. Nazarian). Điểm đến của đời bạn là hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, hiệp thông phần nào khi tại thế, và trọn vẹn trong thế giới mai sau. Bạn đã xác định rõ ràng điểm đến cuộc đời mình chưa? Bạn làm gì để hiệp thông với Ngài trong đời sống mỗi ngày?

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc mỗi ngày chiêm ngắm Chúa Giê-su trong sách Tin Mừng, Bí tích Thánh Thể, và nơi các sự kiện mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là con đường đưa con đến hạnh phúc vĩnh cửu; nơi Chúa, con được cảm nếm sự sống viên mãn, sự thật toàn vẹn.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Sách Công vụ Tông đồ có một lối nói đặc biệt để chỉ kitô giáo.
Tôn giáo mới này được gọi Đường của Chúa (Cv 18, 25-26),
hay thường xuyên hơn, được gọi là Đường (Cv 19, 9. 23; 22, 4; 24, 14. 22).
Sách Công vụ cũng có lối nói đặc biệt để chỉ các kitô hữu.
Họ được gọi là những người thuộc về Đường (Cv 9, 2),
và họ đã chịu bách hại vì theo con đường này, theo Đạo này.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,
chúng ta nghe Đức Giêsu nói : “Chính Tôi là Đường” (c. 6).
Phải chăng vì thế kitô giáo được sách Công vụ gọi là Đường của Chúa,
và các kitô hữu đầu tiên được gọi là những người thuộc về Đường ?
Đối với kitô hữu, theo đạo chính là theo một Con Đường.
Con Đường ấy không phải chỉ là một số lễ nghi hay giáo lý phải giữ,
cũng không phải là những minh triết khôn ngoan phải theo.
Con Đường ấy hiện thân nơi một con người.
Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu,
là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu,
Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt.

Đức Giêsu không chỉ là người dẫn đường.
Chính Ngài là Đường, là Đạo.
Hơn thế nữa, Ngài là Con Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha.
“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (c. 6).
Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa,
bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời.
Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ.
Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu.
Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa.
Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.

Khi các môn đệ xao xuyến vì đến giờ chia tay,
Thầy Giêsu cho biết Ngài đi về với Cha để dọn chỗ cho họ (c. 2).
Chỗ ở vĩnh viễn của họ là nơi Thầy trò được ở với nhau mãi mãi.
“Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy,
để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3; x. 12, 26; 17, 24).
Thiên đàng là nơi Thầy trò được ở bên nhau, không gì ngăn cách nổi.
Tình Thầy trò đã bắt đầu ở đời này và sẽ kéo dài đến vĩnh cửu.

Là người theo Đạo Giêsu, chúng ta biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu.
Chúng ta không đi loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Chúng ta biết hạnh phúc đang chờ mình ở cuối đường.
Nhưng nếu chúng ta không có tình bạn thiết thân với Giêsu ở đời này
thì vào thiên đàng để làm gì ?

Cầu Nguyện

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.

Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sang
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng long
chạy đi tìm anh bình nơi Chúa.

Thánh Âu Tinh

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

30 THÁNG TƯ

Nghe Theo Tiếng Người Mục Tử

Sứ mạng của Đức Kitô bao gồm một sự hiểu biết cụ thể về những ai thuộc về Người. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng” (Ga 10,27). Đây là một sự hiểu biết đến từ đức tin và sự tín nhiệm. Thực vậy, người mục tử là người duy nhất mà đàn chiên tín nhiệm. Đó là lý do tại sao chiên đi theo người ấy. Người ấy biết chính xác từng con chiên. Mỗi con chiên đều ở trong tâm tư của người ấy. Và chỉ người ấy mới có thể trả giá cho mỗi con chiên.

Giá ở đây, với Đức Kitô, là Thập Giá: “Người mục tử thí mạng mình vì chiên”. Đức Kitô biết rằng chiên của Người được định liệu để chia sẻ sự sống vĩnh cửu trong Người: “Chúng theo tôi. Và tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” (Ga 10,27-28).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 30/4

Thánh Piô V , giáo hoàng

Cv 13, 26-33; Ga 14, 1-6.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

          Lời của Chúa Giêsu an ủi các môn đệ của Chúa xưa kia; cũng là chính lời Người đang mời gọi tất cả tín hữu của chúng ta đang phải chứng kiến những nghich cảnh đang xãy ra cho những con người lương thiện và nghèo đói hôm nay. Mọi sự phải đặt niềm tin vào Thiên Chúa và vào Người vì Người đã thắng thế gian và đang cứu chuộc tất cả mọi người như Thánh Ý của Chúa Cha.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa mà sống ngay thẳng và kết hiệp trong cầu nguyện với sự phó thác vào quyền năng của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 30-04: Thánh PIÔ V
Giáo Hoàng (1504 – 1572)

Thánh Piô V chào đời vào ngày lễ thánh Antôn năm 1504 tại Boscô, là con của ông Paolô và bà Đômen icaghisieri. Gia đình nghèo túng, Ngài phải đi chăn chiên. Khi một người láng giềng giàu có muốn trả giúp lệ phí học hành thì Ngài được gởi tới trường Đaminh ở Bôscô. Mười bốn tuổi Ngài nhập dòng và được mang tên là Micae. Năm 1528, thụ phong linh mục ở Ghenoa. Ngài đã dạy triết học và thần học một ít năm trong nhà dòng ở Pavia.

Năm 1543, khi ở nhà mẹ dòng Đaminh Ngài đã nỗ lực trong việc bảo vệ uy quyền của tòa thánh. Ngài được đặt làm ủy viên tòa án tôn giáo ở địa phận Pavia, rồi ở Bergamô và Cômô. Các hoạt động của Ngài ít được biết đến và bị chỉ trích nhiều. Một số lớn sách ủng hộ lạc giáo bị tịch thu để ở tại Milan và đưa về Rôma là nơi thánh nhân đã thắng cuộc và được Đức Hồng y Caraffa quí mến. Năm 1551, theo sự yêu cầu của Đức Hồng y, Ngài được Đức Giáo hoàng Giuliô III triệu về Rôma để làm Tổng Uy viên tòa án tôn giáo. Cùng năm này, Đức Hồng y Caraffa được bầu làm giáo hoàng.

Năm sau Đức tân giáo hoàng Phaolô IV đặt cha Micae Ghisleri làm giám mục Sutri và Nêpi. Ngài miễn cưỡng lãnh nhận trách nhiệm giám mục, chức vụ mà Đức Giáo hoàng nói là để “cột chân Ngài lại để Ngài khỏi trở lại tu viện”. Năm sau Ngài lại được cất nhắc lên làm Hồng y rồi làm đại Phán Quán. Bấy giờ Đức Giáo Hoàng trở nên gắt gỏng và vì Đai Phán Quan đôi khi bắt buộc phải chước giảm những chỉ thị quá khích của Ngài. Trái lại Đức Giáo Hoàng kế tiếp là Piô IV lại thiên về thế tục đến nỗi thánh nhân phải lui về địa phận thứ hai của Ngài là Mondovi ở Lombardi. Nhưng năm 1565 Đức Giáo Hoàng qua đời dưới ảnh hưởng của thánh Carôlô Bôrrômeô, Đức Hồng y Ghisleri được chọn làm Đức Giáo Hoàng trong một cuộc họp không bị những can thiệp từ bên ngoài, Ngài chọn danh hiệu là Piô V.

Việc tuyển chọn Đức Piô V ít được mong đọi và không được vua chúa Tây Ban Nha đồng ý và đã là một thắng lợi quyết liệt cho nhóm canh tân. Dầu mang tước vị nào đi nữa, Đức Piô V luôn sống như một người ăn xin trong mức độ có thể được. Chẳng hạn, Ngài chỉ giữ một số nhỏ người giúp việc, thích đi bộ hơn là đi ngựa, luôn nhận biết nguồn gốc khiêm tốn của mình.

Lúc đầu, Ngài ít được dân Rôma biết đến nhưng rồi sự chuyên chăm tham dự phụng vụ, sự thánh thiện cá nhân, thói quen đi bộ để viếng 7 thánh đường ở Rôma, nhóm người tùy tùng ít ỏi, sự từ chối không đề bạt những người trong gia đình, giải pháp phần lớn đoàn quân của giáo hoàng, việc bố thí rộng rãi. Tất cả đã góp phần tô điểm cho Ngài một khuôn mặt Đức Giáo Hoàng vừa bình dân vừa thân thịên.

Nhưng cuộc canh tân công đồng Tridentinô đòi hỏi đã được Đức Giáo Hoàng Piô V thực hiện ngay sau khi được tuyển chọn. Sách nguyện và sách lễ được duyệt xét lại đồng thời bản kinh thánh Phổ Thông và Tân ước tiếng Hy Lạp cũng đã được sửa lại, một ấn bản mới về các tác phẩm của thánh Tôma đã được chuẩn bị và cuốn giáo lý công đồng Tridentinô được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng. Thánh nhân đã quan tâm nhiều đến việc thánh hóa hàng Giáo sĩ, khích lệ họ. Ngài diệt trừ thói buôn thần bán thánh và nghiêm khắc với những lạm dụng về luân lý. Ngoài ra Ngài cũng nhạy cảm với nghệ thuật. Chính Ngài bảo trợ việc soát lại Thánh nhạc.

Dầu không thông thạo việc trần thế, thánh nhân cũng đã gặt hái được nhiều thành quả trong lãnh vực chính trị. Trước sức tấn công ngày càng lớn mạnh của quân Thổ, Ngài được thành lập một liên minh với vua Tây Ban Nha, cộng hòa Vênêtia. Các Kitô hữu xuất trận dưới quyền chỉ huy của Don Giuan d’Autriche. Cuộc chiến diễn ra ở vịnh Lêpantê. Chính Đức Giáo Hoàng chạy đến phương thế thiêng liêng. Ngài kêu gọi các tín hữu gia tăng cầu nguyện.

Quận công Soliman nói: – Tôi sợ những lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng hơn là những đoàn quân hùng hậu của các hoàng đế.

Cuộc chiến đã đưa tới thành công như một phép lạ. Quân Hồi đã bị đánh bại và không còn ngóc lên nổi nữa. Hôm ấy là ngày 07 tháng 10 năm 1571.

Đang hội họp với các hồng y Đức Giáo Hoàng đã ra cửa sổ nhìn về phía Lêpantê rồi quay lại loan báo tin vui chiến thắng, cùng với lời kêu gọi tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.

Để kỷ niệm biến cố này, Ngài đã thêm lời cầu: “Đức Bà Phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con” vào Kinh Cầu Đức Mẹ. Ngài cũng lập một lễ kính mẹ vào ngày 07 tháng 10, sau đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Cuộc chiến tại Lêpantê chấm dứt, Đức Giáo Hoàng Piô V cũng linh cảm thấy đời mình sắp chấm dứt. Thật vậy, Ngài đã ngã bệnh nặng, trong cơn đau đớn, Ngài đã cầu nguyện: – Lạy Chúa, xin cho con được chịu đau khổ nhiều hơn nhưng xin cũng thêm sức chịu đựng cho con.

Ngày 01 tháng 5 năm 1572, Đức Giáo Hoàng Piô V từ trần.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

30 Tháng Tư

Tôi Xin Chấp Nhận 

Tại một bệnh viện trong thành phố Hiroshima bên Nhật Bản, một người đàn bà bị phóng xạ nguyên tử từ 30 năm qua đang lên cơn hấp hối.
Bác sĩ chữa trị cho biết bà chỉ còn nhiều lắm là một hay vài giờ nữa là cùng. Theo thói quen tại Nhật Bản, người ta thông báo để người sắp chết cho biết ý muốn trong những giây phút cuối cùng.

Bác sĩ vào phòng bệnh nhân và nói nhỏ với bà: “Akiramé”.

Người đàn bà ngước nhìn vị bác sĩ và dùng ngón tay trỏ viết vào trong lòng bàn trái của bà câu: “Akiramé”, nghĩa là “Tôi xin chấp nhận”.

Với tất cả bình thản, người đàn bà đã biến những giờ phút hãi hùng nhất trong cuộc sống thành một biến cố tự nhiên và thanh thản.

Cuộc sống của chúng ta dường như được cấu tạo bằng nhiều vị khác nhau: đắng cay, chua xót, ngọt bùi… Gia vị là một điều cần thiết cho thức ăn. Người không thích cay đắng thì sẽ xem trái ớt, hạt tiêu là kẻ thù của khẩu vị. Người thích cay đắng thì lại tìm ra mùi vị thơm ngon của nó.

Hoa nào cũng có mật đắng. Nhưng loài ong khéo léo để chỉ hút mật ngọt.

Thiên Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống với muôn màu sắc và hương vị khác nhau. Chúng ta phải là loài ong đi tìm mật ngọt trong vườn hoa cuộc sống ấy. Nếu chỉ nhìn thấy mật đắng, chúng ta sẽ bỏ cuộc đầu hàng trong chán nản. Nếu biết biến báo, chúng ta có thể tìm được mật ngọt và biến những đắng cay chua xót thành mật ngọt và hương thơm.

Sau khi đã đánh bại Ðức Quốc Xã và giải phóng Âu Châu, Churchill thủ tướng nước Anh đãtuyên bố: “Không gì buồn thảm cho bằng một chiến thắng”. Cảnh thu dọn chiến trường, cảnh kẻ khóc người cười, cảnh vợ mất chồng, cảnh cha mẹ mất con cái… Chiến thắng ngự trị trên tro tàn, đổ nát.
Dù vui với chiến thắng đến đâu, có ai mà không ngậm ngùi xót xa.

Hôm nay 30 tháng tư, đánh dấu một trong những biến cố đau thương nhất của lịch sử dân tộc. Mỗi năm chúng ta có dịp ôn lại ngày lịch sử ấy. Mỗi người một tâm tình. Nhưng dưới cái nhìn Ðức tin, người Kitô luôn được mời gọi để nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa. Với tất cả bình thản và lạc quan, chúng ta hãy thốt lên như thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng giữa cơn đau quằn quại trong thân xác và tâm hồn: “Tất cả đều là ơn Chúa”.

Tuyên xưng niềm tin vào Chúa Quan Phòng có nghĩa là chấp nhận mọi biến cố trong cuộc sống như một khởi đầu mới, một khởi đầu với những ơn sủng dồi dào hơn. Với những kẻ Thiên Chúa yêu thương, thì mọi sự đều quy về điều tốt…

Còn tâm tình nào đúng đắn hơn trong ngày lịch sử này là cảm tạ và phó thác. Cảm tạ Chúa vì qua mọi biến cố, Chúa Quan Phòng luôn gìn giữ chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên đường ân phúc của Ngài. Phó thác cho Ngài bởi vì Ngài luôn có mặt trong cuộc sống để biến tất cả những thất bại, đau khổ, cay đắng trong cuộc sống thành khởi đầu của một cuộc sống tốt đẹp hơn.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần IV – PS

Bài đọc: Acts 13:26-33; Jn 14:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi điều Thiên Chúa hứa được hoàn thành bởi Đức Kitô.

Con người ham sống và sợ chết. Nếu phải đổi tất cả những gì con người có để khỏi phải chết và được sống muôn đời, họ sẽ sẵn sàng đổi; nhưng cái chết là một thực tại mà mọi người phải đương đầu với. Con người tự hỏi: Tại sao khát vọng sống ở trong con người mà cái chết luôn đeo đuổi họ? May mắn cho con người, Chúa Giêsu đến để cung cấp câu trả lời cho con người bằng cách cho mặc khải cho con người ý định của Thiên Chúa: Ngài dựng nên con người cho cuộc sống bất tử và có sẵn Kế Hoạch Cứu Độ để thực hiện điều này.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong Chúa Giêsu; Ngài đến để hoàn thành Kế Hoạch của Thiên Chúa, và mang lại cuộc sống trường sinh cho con người. Trong Sách CVTĐ, Phaolô đưa khán giả ngược giòng lịch sử để nhìn thấy những gì Thiên Chúa hứa với dân Do-thái được hoàn thành nơi Đức Kitô, qua Cuộc Thương Khó – cái chết – và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ biết về những gì sắp xảy ra cho các ông: Ngài về trời để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các ông về ở với Ngài. Toàn bộ Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa có thể được tóm gọn trong câu tuyên bố của Chúa Giêsu: “Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Điều Thiên Chúa đã hứa với cha ông chúng ta được thực hiện nơi Đức Kitô.

1.1/ Mọi chuyện xảy ra trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô đã được loan báo trong Kinh Thánh.

Phaolô tiếp tục nói với khán giả trong hội đường tại Antioch, Pisidia: “Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Abraham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta.” Rồi ông nói về sự luận tội, cái chết, và sự mai táng của Đức Kitô:

(1) Sự luận tội: “Dân cư thành Jerusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giêsu; khi kết án Người, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày Sabbath.”

Bốn Bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa phải chịu đau khổ để hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa trao trong Sách Ngôn Sứ Isaiah, và nhiều Sách ngôn sứ khác dẫn chứng điều này.

(2) Cái chết của Ngài: “Tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi Philatô xử tử.” Chính Philatô đã mang Chúa Giêsu ra cho dân thấy và nói: “Ta không tìm thấy nơi người này có tội gì để kết án;” nhưng họ càng la to hơn: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào Thập Giá!”

(3) Sự mai táng: “Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ.”

1.2/ Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: Mặc dù con người đã từ chối và đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá, họ không vô hiệu hóa Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, vì Ngài đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Vì thế, Kế Hoạch Cứu Độ được hoàn thành, và từ nay, không những Israel và mọi người đều có thể nhận được ơn cứu độ. Phaolô trưng dẫn những chứng nhân của Tin Mừng Phục Sinh:

(1) Đức Kitô đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ: “Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilee lên Jerusalem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân.”

(2) Phaolô và Barnabas làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh: “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: Điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.”

2/ Phúc Âm: Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Giêsu.

2.1/ Tình yêu Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: Đây là những lời tâm huyết của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước Cuộc Thương Khó, như những lời trối trăn của người chết trên giường bệnh trước lúc hấp hối: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

2.2/ Đường dẫn đến Chúa Cha:

(1) Câu hỏi của ông Thomas: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Câu hỏi của Thomas hợp lý, một người phải biết đích mình muốn đi, trước khi tìm ra đường để đi tới. Khi hỏi những lời này, Thomas vẫn chưa tin Chúa Giêsu đến từ trời, nên khi Chúa Giêsu nói Ngài sẽ trở về cùng Cha, ông không nghĩ là Chúa Giêsu sẽ lên trời. Cho đến khi chính mắt ông nhìn thấy Chúa khi Ngài hiện ra (Jn 20:26-28), lúc đó ông mới xác tín niềm tin của ông vào Chúa Giêsu, khi kêu lên: “Lạy Thầy của con! Lạy Thiên Chúa của con” (Jn 20:28).

(2) Câu trả lời của Chúa Giêsu: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Làm sao một con người có thể tuyên bố những lời này? Các Tông-đồ có lẽ không hiểu ý nghĩa của câu tuyên bố này khi Chúa Giêsu nói; nhưng chỉ dưới ánh sáng Phục-sinh, các ông mới có thể nhận ra ý nghĩa của nó.

Trước tiên, Chúa Giêsu mặc khải cho con người một “Sự Thật” quan trọng. Ngài cho con người biết ý định của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn cho con người không phải chết, nhưng được “Sống” muôn đời. Đây là đích điểm của đời người, và cũng là đích điểm của Kế Hoạch Cứu Độ. Điều này không lạ, vì Thiên Chúa dựng nên con người, và Ngài phú bẩm trong linh hồn con người khát vọng được sống đời đời. Làm sao con người đạt được đích điểm này? Con người không thể tự mình đạt tới vì con người tội lỗi và không có sức mạnh; nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị một Kế Hoạch Cứu Độ.

Đây là “Đường” hay “Cách” mà Thiên Chúa cứu độ con người: Ngài cho Người Con Một xuống thế gian để gánh tội cho con người. Người Con này hoàn thành Kế Hoạch bằng cách chịu đau khổ, chịu chết, và sống lại để mang lại sự sống đời đời cho con người.

Để con người có thể đạt đích của cuộc đời, họ phải tin vào Đức Kitô và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa; đồng thời, họ cũng phải ngang qua con đường mà Chúa Giêsu đã đi để chuộc tội cho con người, như thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại như Người.” Quả thực, chỉ một mình Đức Kitô có đầy đủ thẩm quyền để nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Cuộc đời chúng ta chỉ có ý nghĩa qua niềm tin vào Đức Kitô. Ngài đến để mặc khải cho chúng ta ý định của Thiên Chúa, và Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết để chúng ta được sống muôn đời. Tất cả mọi biến cố trong Kinh Thánh và trong cuộc đời chúng ta chỉ tìm thấy ý nghĩa đích thực qua ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************