Ngày thứ sáu (31-03-2023) – Trang suy niệm

30/03/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay – Năm A

BÀI ĐỌC I: Gr 20, 10-13

“Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”.

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Tôi đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố khắp nơi. Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức. Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù chúng cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 7

Ðáp: Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi (x.c. 7).

1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Tảng Ðá, chiến luỹ, cứu tinh.

2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

3) Sóng tử thần đã bao bọc thân con, và thác nước ôn dịch làm con kinh hãi. Thừng chão địa ngục đã quấn lấy con, lưới tử thần đã chụp bắt con rồi.

4) Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi; từ nơi thánh đài, Ngài nghe rõ tiếng, và tiếng tôi kêu thấu đến tai Ngài.

Câu Xướng trước Phúc Âm: Ed 33, 11

Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.

PHÚC ÂM: Ga 10, 31-42

“Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?” Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

31/03/2023 – THỨ SÁU TUẦN 5 MC

Ga 10,31-42

CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm…” (Ga 10,32)

Suy niệm: “Một vị chúa cho phép ta chứng minh sự hiện hữu của ngài thì chỉ là một ngẫu tượng” (Mục sư D. Bonhoeffer). Ta không thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, chỉ có Con Thiên Chúa làm người mới có đủ tư cách để mặc khải cho ta biết về dung mạo của Thiên Chúa. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người ấy, đã làm rất nhiều dấu lạ, các việc tốt đẹp Chúa Cha giao phó cho Ngài như chữa lành bệnh nhân, trừ quỷ, cho người chết trỗi dậy… Thế nhưng, người Do Thái chưa chịu tin, vì với họ, chừng ấy vẫn chưa đủ. Họ đòi Ngài chứng minh cho họ thấy Ngài từ trời xuống thế, một điều không thể thực hiện. Ta chỉ có thể tin dựa trên thế giá của Ngài mà thôi.

Mời Bạn: “Chỉ tin nơi sự hiện hữu của Chúa thì chưa đúng với điều tôi gọi là sự dấn thân. Xét cho cùng, ngay cả ma quỷ cũng tin rằng Chúa hiện hữu. Niềm tin phải thay đổi cung cách ta sống” (Mẹ Angelica). Bạn đã tin Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống trần để chia sẻ kiếp người, đã phục sinh để đem sự sống muôn đời cho nhân loại. Niềm tin ấy cũng phải đem lại sự hoán cải, nghĩa là bạn bỏ đi những giá trị quen thuộc của trần thế, để đón nhận các giá trị mới của Nước Trời, được tóm tắt qua Tám Mối Phúc Thật.

Sống Lời Chúa: Tôi chú tâm xem mình thích hợp với mối phúc nào trong Tám Mối Phúc Thật hơn cả, và nỗ lực thực hiện mỗi ngày, như một cách sống đức tin của mình vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Thiên Chúa làm người, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Xin cho con tận lực sống niềm tin vào Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,
Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.
Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa
chỉ vì đã nói : “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).
Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).
Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,
vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).
Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.

Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.
Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),
đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).
Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),
trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói :
“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn nữa, Ngài còn dám nói : “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).
Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau,
Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.
Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,
Con luôn sống như người được Cha sai.
Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,
mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.

Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).
Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).
Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.
Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói : “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.
Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài :
“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi,
ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).
Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.

“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).
Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.
Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,
được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.
Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này
trước khi có thể nói như Chúa : “Thế là đã hoàn tất”.

Lời nguyện:

 Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

31 THÁNG BA

“Thầy Mà Lại Rửa Chân Cho Con Ư?”

Việc cử hành bí tích của Bữa Tiệc Ly gắn liền với việc rửa chân cho các tông đồ. “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khă mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lây khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,3-5).

Chính lúc ấy, Người gặp phải sự phản kháng của Phê-rô. Phê-rô cương quyết từ chối, ông nói: “Ai đời Thầy mà lại rửa chân cho con, không thể như vậy được !”

Trước đó, trình thuật Tin Mừng cho thấy Phê-rô cũng đã nhiều lần phản kháng Đức Kitô tương tự như vậy. Sau khi môn đệ này tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã tiên báo về cuộc khổ nạn của Người. Thế là, Phê-rô lên tiếng phản đối, ông nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22).

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống – thế sao Người có thể nói về cuộc khổ nạn và cái chết thập giá? Thiên Chúa là Chủ Tể tối cao của mọi loài. Ngài là Chúa trời đất. Vậy, làm sao Ngài lại có thể chịu thua con người? Làm sao con người có thể bắt Ngài phảûi chết?

Lần ấy, Đức Giêsu đã nghiêm khắc quở mắng Phê-rô. Có lẽ Người đã không hề quở mắng ai khác một cách nặng nề đến như thế.

Nhưng tại Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã không quở mắng Phê-rô. Người chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở ông rằng “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,8). Và Phê-rô đồng ý để Thầy rửa chân cho mình.

Tại sao Phê-rô phản đối Đức Giêsu khi Người báo trước cuộc khổ nạn và cái chết thập giá? Có lẽ bởi vì ông đã nhận biết thần tính của Đức Kitô: “Thầy là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Tuy nhiên, “không ai biết Con ngoại trừ Cha” (Mt 11,27). Chính Chúa Cha mạc khải thần tính của Chúa Con cho Phê-rô. Song đó cũng chính là lý do tại sao Phê-rô lập luận: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, vậy cớ sao Thầy nói rằng Thầy sẽ bị xét xử và bị giết chết bởi con người? Há Thiên Chúa không phải là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự sao? Há Thiên Chúa không phải là Chủ Tể tuyệt đối của sự sống sao?

Và làm sao Con Thiên Chúa hằng sống và là Chủ Tể mọi sự lại cư xử như một tôi tớ? Làm sao Người lại có thể quì xuống trước mặt các tông đồ và rửa chân cho họ được? Làm sao Người lại có thể quì xuống dưới chân Phê-rô được nhỉ?

Phê-rô đang cố bảo vệ hình ảnh Thiên Chúa do … chính ông nghĩ ra!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 31/3

Gr 20-10-13; Ga 10, 31-42.

LỜI SUY NIỆM: Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng. “ Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.

          Càng gần đến Tam Nhật Thánh, Giáo Hội lại muốn con cái của mình có được lòng tin vào Chúa Giêsu như những người Do-thái xưa kia khi nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu và tiên báo về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu thật vĩ đại, vì cuộc đời Người còn vĩ đại hơn cả những gì mà Gioan Tẩy Giả đã nói về Người. Người là người duy nhất không làm thất vọng những người kỳ vọng nơi Người. Trong Người, những ước mơ luôn luôn biến thành sự thật.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn cảm nhận có Chúa trong cuộc sống của chúng con, qua những ân ban mà Chúa đã gìn giữ và nuôi sống thể xác và đức tin cho chúng con; giúp chúng con sống xứng đáng trong thờ phượng và tạ ơn Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

31 Tháng Ba

Chọn Lựa 

Ðời người là một chuỗi những chọn lựa và quyết định. Có những quyết định liên quan đến người khác. Có những chọn lựa thay đổi cả một đời người. Có lẽ quyết định nào cũng làm cho chúng ta ray rứt, dằn vặt.

Một chủ nông trại nọ thuê một người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại: Công việc xem ra thật đơn giản: chỉ cần phân loại các loại củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn, trung bình theo trung bình và nhỏ theo nhỏ… Sau một ngày làm việc, người thanh niên đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc: gương mặt của anh trông hốc hác và thất sắc hẳn. Ðược hỏi lý do, anh giải thích như sau:: “Công việc của ông giao phó không phải là một công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc đó là phải chọn lựa”.

Chọn lựa và quyết định là cả một gánh nặng đối với con người, bởi vì không ai có thể làm điều đó thay thế cho chúng ta cả. Chúng ta cần người khác chỉ bảo, chúng ta cần người khác góp ý, nhưng quyết định vẫn là phần của chúng ta.

Thú vật dường như không có chọn lựa vàquyết định. Tất cả đều được điều khiển bởi cái mà chúng ta gọi là bản năng. Con chim có trhể làm được một cái tổ vô cùng tinh vi mà không cần phải học hỏi, cũng như không sợ phải sai lầm. Trong khi đó thì khả năng tưởng chừng như vô song, con người vẫn cứ phải rơi vào lầm lẫn này đến lầm lẫn nọ.

Lầm lẫn, nghi ngờ, bất an, vô định là số phận của con người. Ðiều đó làm cho con người day dứt, khổ đau, nhưng đồng thời cũng nói lên giá trị cao cả của con người. Chính vì những giới hạn bất toàn của con người, mà con người càng cảm nhận được sự trợ giúp của Thiên Chúa… Khi nhìn ngắm vũ trụ bao la, khi nhìn lại thân phận bé nhỏ yếu hèn của mình, tác giả Thánh Vịnh thứ 8 đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, con người là chi màChúa phải bận tâm?”.

Bé nhỏ trong vũ trụ, bất toàn và giới hạn giữa muôn tạo vật, nhưng con người không phải là một con số vô danh. Dưới ánh mắt yêu thương và hằng quan tâm của Thiên Chúa, mỗi một con người là một giá trị độc nhất vô nhị, là đối tượng của một tình yêu độc nhất.

Chúa Giêsu đã đến trong trần gian để nói với chúng ta điều đó: Hai con chim sẻ không đáng giá một hào, vậy mà không một con nào rơi xuống đất theo ý Cha cả, huống chi là con người.

Thiên Chúa đã yêu thương con người: đó là lý do khiến chúng ta phải luôn đặt tất cả tin tưởng vào Ngài… Nhưng mò mẫm và lầm lỗi trong cuộc sống chỉ là những nẻo quanh co, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ đưa chúng ta đến thành công, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và không ngừng dẫn dắt chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++