Ngày thứ tư (08-03-2023) – Trang suy niệm

07/03/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần II Mùa Chay Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Gr 18, 18-20

“Hãy đến, và chúng ta hành hạ nó”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Thiên hạ nói rằng: “Các ngươi hãy đến và chúng ta tìm cách chống lại Giêrêmia: vì tư tế không thiếu lề luật, người khôn ngoan không thiếu lời chỉ bảo, tiên tri không thiếu lời giảng dạy! Hãy đến, chúng ta hãy dùng lời nói mà tố cáo nó và đừng để ý đến các lời nó dạy”.

Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con, và nghe tiếng quân thù của con! Làm lành mà phải gặp dữ sao, vì họ đào lỗ chôn con? Xin Chúa hãy nhớ lại con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ, Chúa đã nguôi giận họ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 30, 5-6. 14. 15-16

Đáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 17b).

Xướng:

1) Chúa dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. – Đáp.

 2) Con đã nghe thấy lũ đông bàn tán, nỗi sợ sệt gieo nặng khắp đôi nơi; cùng một lúc, chúng tụ họp phản đối con; chúng đã âm mưu sát hại mạng con. – Đáp.

 3) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ge 2, 12-13

Chúa phán: “Vậy từ đây các ngươi hãy thật lòng quay về với Ta, vì Ta nhân hậu và từ bi”.  

PHÚC ÂM: Mt 20, 17-28

“Họ đã lên án tử cho Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

08/03/2023 – THỨ TƯ TUẦN 2 MC

Thánh Gio-an Thiên Chúa, tu sĩ

Mt 20,17-28

QUYỀN BÍNH CỐT ĐỂ PHỤC VỤ

“Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 20,26)

Suy niệm: “Quyền lực dẫn đến tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Quyền lực được tạo ra với chủ đích mang lại thiện ích chung cho con người. Nhưng bản chất của quyền lực lại là thứ gây nghiện, khi dùng “quá liều” trở thành thuốc độc giết chết nhân cách con người với những hậu họa khôn lường: nhẹ thì áp đặt, thống trị, nặng đưa đến phá hủy, giết chết. Chúa Giê-su khuyên các môn đệ tránh chuyện tranh giành quyền lực, càng không nên theo kiểu thế gian là lấy quyền để “hành”, để “trị” người khác, nhưng để phục vụ, thậm chí đến mức hy sinh cả mạng sống mình (x. Mt 20,28). Lời khuyên ấy giúp ta hiểu rằng quyền bính trong lãnh đạo là lối hành xử, là năng lực để xây dựng, phát triển chứ không phải là để đè bẹp, hạ bệ kẻ khác.

Mời Bạn: “Bàn tay của quyền lực thường đi đôi với hủy diệt, bàn tay của tình yêu luôn đầy sáng tạo” (Sri Chinmoy). Hành xử kiểu chuyên chế, thống trị và đè bẹp là dạng thức quen thuộc của những nhà độc tài. Ở đó không có chỗ cho sự phát triển nhân cách nhưng trái lại, hủy diệt. ‘Dùng quyền để phục vụ’ vừa thỏa sức sáng tạo, vừa mang lại giá trị tích cực cho ta; đồng thời đó là cách Chúa Giê-su mời bạn sống trong hoàn cảnh hiện nay. Ngoài giá trị nhân văn, đời sống ấy còn mang lại cho bạn những giá trị thiêng liêng cao quí phù hợp với Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Bạn chu toàn phận sự của mình hằng ngày cách vui tươi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Amen.  (Kinh Hòa Bình)

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:  

Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị.
Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế.
Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời.
Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn,
đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả,
và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.

Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai.
Vẫn là chuyện những cái ghế.
Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy
khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi
Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình.
Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không.
Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ.
Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?

“Các người không biết các người xin gì!”
Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi.
Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ:
quyền lực, tiếng tăm, vinh dự…
“Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”
Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai
về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài,
khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống.
Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang.
Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không,
nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi.
Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ,
nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình,
đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.

Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra
cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội.
Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời,
khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25).
“Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời.
Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời:
kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27).
Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28).
Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy.
Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình,
cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).

Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không
nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?

Cầu nguyện:  

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG BA

Chúng Ta Được Năng Lực Biến Đổi Của Thiên Chúa Chạm Đến

Chúng ta đọc thấy trong Thông Điệp Dives in misericordia: “Dụ ngôn Người Con Đi Hoang diễn tả một cách đơn giản nhưng rất thâm sâu về thực tại hoán cải. Dụ ngôn này là mô tả cụ thể nhất của tình yêu và lòng thương xót.” Qua dụ ngôn, chúng ta thấy được cách mà tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa phục hồi và thăng tiến những gì tốt đẹp. Tình yêu và lòng thương xót này thậm chí có thể rút ra được điều tốt từ bất cứ hình thức sự dữ nào trong thế giới chúng ta.

Tình yêu và lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa chính là nền tảng sứ điệp cứu độ của Đức Kitô. Xuất phát từ tình yêu và lòng thương xót ấy, Thiên Chúa đã giao hòa thế gian với chính Ngài trong Đức Kitô. Chúng ta nhận ra rằng Đức Giêsu cũng dạy các môn đệ Người phải biết yêu thương và nhân hậu. Sứ điệp ấy không bao giờ ngừng thôi thúc con tim và hành động của các môn đệ Đức Kitô. Nơi họ, tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với nhau không bao giờ bị chao đảo bởi sự dữ ; trái lại, tình yêu ấy vượt thắng mọi sự dữ (Rm 12,21).

Như vậy, dụ ngôn Người Con Đi Hoang cho chúng ta thấy cách mà tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi đời sống của tội nhân, cách mà con người cũ bị đẩy lùi và vượt qua. Ngay cả những tội lỗi đã bén rễ và những thói xấu trầm kha cũng bị nhổ rễ bởi ơn hoán cải. Đức Kitô đã đem lại sự sống mới này cho con người “bằng Máu Người đổ ra trên Thập Giá” (Cl 1,20). Trong Đức Kitô, tội nhân trở thành “một tạo vật mới”. Trong Đức Kitô, tội nhân được hòa giải với Thiên Chúa là Cha.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 08/3

Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ

Gr 18, 18-20; Mt 20, 17-28.

LỜI SUY NIỆM: “Lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ xử tử kết án Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” (Mt 20, 17-19)

Đây là tiên báo lần thứ ba của Chúa Giêsu về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người. Chúa chỉ nói riêng với Nhóm Mười Hai, đây là Nhóm thân tín và được Chúa đào tạo một cách đặc biệt, đặc biệt trong đó có các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đã chứng kiến sự hiển dung của Người trên núi cao. Nhưng cả ba lần Người loan báo các ông chỉ nghe và không chú tâm vào: lần thứ nhất sau khi nghe; Phêrô đã ngăn cản Người (Mt16,21-23); Lần thứ hai các ông nghe các ông buồn phiền lắm (Mt 17,22-23) Và lần thứ ba; hai Tông Đồ Gioan và Giacôbê lại xin cho được ngồi bên tả bên hữu của Người.

          Lạy Chúa Giêsu. Mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa, chúng con chỉ biết chiêm ngắm từ bên ngoài. Xin cho chúng con siêng năng tham dự Thánh Lễ hằng ngày, và đặc biệt Thánh Lễ ngày Chúa nhật; với tinh thần thờ phượng và tế lễ. Để giúp chúng con nhận ơn tha thứ và sự cứu độ của Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 08-03: THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA

Tu sĩ (1495 – 1550)

Gioan sinh ngày 8 tháng 3 năm 1495 tại Bồ Đào nha. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng đạo đức và đầy lòng bác ái. Lúc 9 tuổi Ngài bỏ nhà trốn đi, theo một nhà mạo hiểm đã khéo kích thích trí tưởng tượng của tuổi thơ. Mẹ Ngài đã qua đời sau ba tuần đau khổ vì không biết số phận của con trẻ ra sao. Còn cậu bé bi bỏ rơi, thiếu thốn mọi sự nên đành ở đợ nuôi thân.

Ngài giúp việc cho một nhà tiểu nông, hàng ngày lo đi chăn chiên, cho đến khoảng 20 tuổi. Chán với cuộc sống đều đều, Ngài đăng lính đi chiến đấu ở Phontarabia. Thật bất hạnh khi kiếp sống suy đồi của các bạn đồng ngũ đã lôi kéo Ngài tới chỗ mất cả lòng kính sợ Chúa. Nhưng Chúa đã không bỏ rơi kẻ Ngài đã chọn. Ngày kia, khi đem thức ăn cho súc vật. Gioan bị té ngựa và bị trọng thương không còn cử động và nói năng gì được nữa. Nhận biết được mối nguy đang đe dọa thân xác tâm hồn, thánh nhân khấn cầu Đức Trinh Nữ và hứa sẽ sửa mình. Nhưng khi vừa hết bịnh, Ngài lại trở về đường cũ.

Chúa quan phòng vẫn tiếp tục thể hiện tình thương bằng một hình phạt khác. Vị chỉ huy trao cho Gioan canh giữ chiến lợi phẩm. Nhưng vì bất cẩn sao đó mà chiến lợi phẩm biến mất. Gioan bị án xử giảo, bất kể mọi phân bua kêu khóc. Đến giờ hành hình, may có một cấp chỉ hy cao hơn can thiệp Ngài mới được tha với điều kiện là bị giáng cấp. Bất mãn, Gioan trở về chủ cũ và được tiếp đón niềm nở. Gia chủ còn đề nghị gả con cho Ngài nữa, nhưng Ngài đã từ chối và chỉ sống như một kẻ chăn chiên vô tội.

Mười năm sau Gioan lại đăng lính làm pháo thủ trong cuộc viễn chinh đánh phá Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến tranh kết thúc, binh đội Tây Ban nha được giải ngũ. Gioan muốn trở về quê nhà. Nhưng người cậu cho biết mẹ Ngài đã qua đời ba tuần sau ngày Ngài bỏ nhà ra đi, cha Ngài cũng mới qua đời tại một tu viện thánh Phanxicô, những lời trách móc xâu xé tấm lòng của đứa còn hoang đàng… Gioan quyết sửa những ngông cuồng của tuổi trẻ và muốn hiến thân phục vụ người nghèo khổ yếu đau.

Gioan quyết định đi Phi Châu để giúp đỡ các Kitô hữu bị bắt làm nô lệ, với hy vọng được chết vì đạo. Tới Gibraltar, Ngài gặp một nhà quí tộc bị thất sủng và phải đi đày. Cùng ông đáp tàu tới Ceuta, Ngài đã phải làm việc để kiếm tiền nuôi ông chủ chẳng may ngã bệnh và lâm cảnh cùng quẫn. Đồng thời Ngài đã vào các nhà tù, an ủi các tù nhân và săn sóc họ. Vị lãnh Chúa qua đời. Gioan nhận lệnh của một tu sĩ Phanxicô truyền phải trở lại Tây Ban Nha là nơi Thiên Chúa đã cho Ngài biết các ý định của Ngài.

Gioan trở lại Gibraltar. Ngài xin trời cao soi sáng và để nuôi thân Ngài đi bán rong giày dép và tranh ảnh, nhưng vẫn luôn lo cải hóa các tâm hồn.

Một ngày kia Ngài gặp trên đường một đứa trẻ cùng khổ đáng thương với cặp giò trần trụi bị nứt nẻ vì sỏi đá. Ngài vác nó trên vai, dừng lại nghỉ, đám trẻ chỉ cho vị ân nhân một trái lựu (Grenade) có mọc cây thánh giá và nói: – Hỡi Gioan Thiên Chúa, trái lựu (Grenade) sẽ là thánh giá của ông.

Rồi đứa trẻ biến mất. Gioan hiểu chính Chúa Giêsu là đứa trẻ Ngài đã giúp đỡ. Bây giờ Gioan đi Grenada để sống đời bác ái và thống hối. Thánh giá đầu tiên của Ngài là đã bị coi như một kẻ điên, phải chịu mọi thứ sỉ nhục và bị đối xử tàn tệ, Ngài hành hương viếng Đức Bà Guadalupê, vừa bán củi khô để sinh sống. Cuối cuộc hành hương Ngài thấy Đức Trinh Nữ cúi xuống và đặt hài nhi vào tay Ngài với y phục để bao bọc cho Ngài.

Như vậy ơn gọi của Ngài là giúp đỡ những người nghèo khổ của Chúa Giêsu Kitô. Khi qua Oropezo, Gioan đã chữa lành một phụ nữ nghèo. Trở lại Grenada với số tiền kiếm được và với những của trợ cấp, Ngài thuê một căn nhà để thu họp những người khốn khổ, cho các người yếu đau bệnh tật trú ngụ. Ban chiều, Ngài vác giỏ đi ăn xin. Với hai cái xoong trên vai Ngài la lớn :- Ai muốn hành thiện, xin tiếp tay với tôi đây ?

Ngài trở về nhà mang đầy những thực phẩm. Niềm vui cũng thật lớn lao khi Ngài dẫn về nhà vài trú nhân mới, một đứa trẻ bi bỏ rơi. Ưu tư của Ngài không ngừng lại nơi các thân thể bệnh tật. Ở đâu nghĩ là có linh hồn hư mất, Ngài liền đến cải hóa. Ngài chỉ nghĩ tới việc cứu vớt họ.

Lần nọ Ngài mang về một người hấp hối mình đầy thương tích. Khi lau rửa và cúi xuống hôn chân bệnh nhân, Ngài thấy những lỗ đinh chói sáng. Và Chúa, vì chính Ngài, nói: – Gioan đầy tớ trung tín của cha, mọi việc thiện con làm cho những người nghèo khổ, là con làm cho chính Cha. Cha đếm từng bước chân con đi và cha sẽ ân thưởng cho con.

Bệnh viện tràn ngập ánh sáng khiến cho người ta ngỡ là một đám cháy.

Ngày kia có một đám cháy thật, ở bệnh viện Hoàng gia tại Grenada, Gioan lao vào ngọn lửa mang các bệnh nhân ra ngoài, rồi trở lại kéo các bệnh nhân khác. Thật là một phép lạ, khi ra khỏi lò lửa một Ngài vẫn sống.

Trong một trận lụt, Ngài cũng thực hiện những chuyện lạ lùng như vậy.

Giám mục truyền gọi Gioan Thiên Chúa đến, mặc cho Ngài y phục và từ đó Ngài và các môn sinh vẫn mặc. Khi đó Gioan Thiên Chúa đã thiết lập một hội dòng để giúp đỡ những người yếu đau bệnh tật. Dòng sẽ lan rộng trên khắp thế giới, Ngài xây thêm một nhà thương mới. Để trả nợ, Ngài phải đi quyên tiền ở Valladelid. Nhưng có quá nhiều người nghèo vây quanh đến nỗi không đã phân phát hết số tiền quyên được. Người bạn chỉ trích, Ngài đáp lại: – Này anh, người ta tặng ban cho ở đây hay ở Grenada, cũng luôn là vì Chúa, bởi vì Thiên Chúa ở khắp nơi và trong mọi người nghèo.

Gioan tận tụy với mọi người đau khổ không phân biệt. Ngài ngã bệnh khi tổng giám mục Grenada kêu tới. Ngài đi ngay và là để nghe trách cứ vì đã nhận cả những người cứng lòng. Thánh nhân trả lời: – “Nếu con chỉ nhận những người công chính, bệnh xá của chúng con sẽ trống vắng ngay, và làm sao có thể lo lắng cho các tội nhân. Hơn nữa con nhận biết mình chưa làm tròn hết bổn phận, cũng như con hổ thẹn mà thú thực rằng trong nhà thương, Gioan Thiên Chúa là tội nhân duy nhất đã ăn của bố thí một cách vô ích”.

Nghe những lời này, vị giám mục cảm động đến rơi lệ và ca tụng Gioan. Ít lâu sau, Ngài ban các bí tích cuối cùng cho thánh nhân. Sắp chết Gioan còn thực hiện một điều lạ lùng, Ngài được biết một người thợ dệt sắp thắt cổ vì quá cực khổ, Ngài liền vội vã ra đi, tới thẳng người xấu số sắp kết liễu cuộc đời và cứu ông ra khỏi cơn tuyệt vọng .

Vào giờ phút cuối cùng, thánh nhân thú nhận ba thứ lo lắng làm se thắt lòng Ngài, là bất xứng với ơn phúc đã lãnh nhận, ưu tư cho những người nghèo mắc cỡ mà Ngài đã bỏ qua không trợ giúp được và những món nợ Ngài đã mắc phải vì các người xấu số.

Các y tá đã nhận Gioan Thiên Chúa làm thánh bảo trợ.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

08 Tháng Ba

Phục Sinh

Một linh mục Brazil thuật lại một kinh nghiệm Phục Sinh của mình như sau: “Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro, tôi đều thấy một người đàn ông còn trẻ ngồi dựa lưng vào tường, chìa tay xin ăn. Ông ta không đi được vì đôi chân bị tật. Vì qua lại khá thường, nên sự hiện diện và số phận của người ăn xin què quặt không làm tôi bận tâm suy nghĩ: thế nào là không đi được”.

Nhưng một ngày kia, số phận của ông ta bỗng đánh động tâm hồn tôi mãnh liệt. Nhất là khi dừng lại đằng xa quan sát tôi thấy có bao nhiêu người đi ngang qua mà hình như không trông thấy ông. Tôi quyết định đến nói chuyện và hỏi ông: “Ông có thể đứng dậy được không? Ông có muốn đi không?”. Ông ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét và khi đọc được sự thành thật trên khuôn mặt của tôi, ông ta nói: “Tôi luôn luôn hy vọng là một ngày nào đó cuộc đời tôi sẽ đổi mới. Dĩ nhiên tôi sẽ đi được nhưng chi phí mua sắm những dụng cụ quá đắt làm sao tôi với tới. Vì thế không còn cách nào hơn là đành quên giấc mơ có thể đi được”.

Nghe xong tâm sự của ông, tôi xiết chặt tay ông giã từ và hứa: “Một ngày gần đây, giấc mơ của ông sẽ thành sự thật”.

Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật sau đó, tôi thuật về số phận của ông ăn mày và đề nghị công đoàn hãy làm một cái gì để giúp ông ta. Một cuộc lạc quyên được tổ chức và tôi vui mừng khi thấy số tiền quyên góp được vượt quá chi phí của cặp nạn và đôi chân nhân tạo. Người hành khất càng hân hoan hơn khi tôi báo tin mừng: ông được chuyên chở ngay đến một bệnh viện đặc biệt và trong những tuần lễ kế tiếp, ông cố gắng tập đi đứng một mình.

Lễ Phục Sinh đến. Tôi đi mời ông dự lễ và dành cho ông một chỗ đặc biệt gần bàn thờ. Trong bài giảng hôm ấy, tôi lại đề cập về ông đại ý như sau: “Chúa Giêsu đã Phục Sinh để sống một cuộc sống mới. Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta thông phần vào khả năng trao tặng nhau những cuộc sống mới. Nhờ lòng hảo tâm của anh chị em, ông bạn của chúng ta đã được ban cho một cuộc sống mới”. Nói đến đây, tôi mời ông đứng dậy để giới thiệu ông với cộng đoàn mà kể từ nay ông đã trở nên một phần tử. Ông đứng dậy và chống nạng đi trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy bầu khí nhà thờ lúc ấy tràn đầy sức sống”.

Tin mừng thuật lại như sau: sau mẻ lưới đầy cá, Chúa Giêsu mời các môn đệ cùng điểm tâm với Ngài và Ngài đã cầm lấy bánh và cá trao cho các ông ăn. Phần các môn đệ, tuy không giám hỏi, nhưng họ biết rõ đó là Ngài. Ðây là phương thế Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa những kẻ tin vào Ngài trải qua mọi thời đại: tự nhiên như trong một bữa ăn thân mật, nhưng muốn cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài chia sẻ cho nhau tất cả những gì mình có.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần II – MC

Bài đọc: Jer 18:18-20; Mt 20:17-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lãnh đạo bằng phục vụ và chịu đau khổ.

Con người ham quyền hành, chức tước, và địa vị quan trọng trong xã hội; vì khi họ nắm quyền hành, họ sẽ được ra lệnh; khi có chức tước, họ sẽ được mọi người biết tới; và khi làm lớn, họ sẽ được dân chúng hầu hạ. Để đạt được những điều này, nhiều người đã dùng mọi cách để có ưu thế trước, ngay cả việc dùng những thủ đọan để hạ bệ người khác. Điều này được coi là thông thường với các nhà lãnh đạo thế gian, nhưng bị Thiên Chúa ngăn cấm với các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Các Bải đọc hôm nay xoay quanh hai cách lãnh đạo khác nhau này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah khó chịu khi làm việc lành cho dân, đã không được họ biết ơn thì chớ, lại còn bị các nhà lãnh đạo trong dân hội họp nhau, để lập mưu hãm hại ngài. Trong những trường hợp như thế, nhà lãnh đạo tôn giáo dễ nản chí, bỏ cuộc, và ngay cả xin Thiên Chúa báo thù. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu loan báo Cuộc Khổ Nạn sắp tới của Ngài lần thứ ba, người mẹ của hai môn đệ Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho hai con được “một đứa ngồi bên tả và một đứa ngồi bên hữu trong Nước Chúa.” Điều này gây chia rẽ giữa các môn đệ. Chúa Giêsu phải dạy dỗ để các ông hiểu cách lãnh đạo của người môn đệ Chúa: phải phục vụ mọi người và hy sinh chịu gian khổ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lấy óan đền ơn.

1.1/ Người ngôn sứ phải chịu bắt bớ đau khổ: Điều này hiển nhiên, vì họ phải nói những gì Thiên Chúa nói; và những điều Thiên Chúa nói, nhiều khi là những điều con người không thích nghe. Các ngôn sứ giả nói những điều thiên hạ muốn nghe, nên được mọi người yêu thích. Còn Jeremiah, ông phải nói những gì thiên hạ không muốn nghe như loan báo: chiến tranh, phá hủy và lưu đày. Vì thế, không lạ gì mà ông phải chịu đau khổ. Họ nói với nhau: “Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Jeremiah. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết; thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến; thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói.” Họ quên rằng Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự xảy ra trong trời đất: họ có thể làm cho Jeremiah chịu đựng đau khổ, nhưng không ngăn cản được những gì Thiên Chúa sắp đổ xuống trên họ.

1.2/ Người ngôn sứ dễ mất kiên nhẫn khi phải đương đầu với bạc bẽo, vong ân: Qua đời sống của các tiên tri, chúng ta học được bài học đau khổ của các ngài: một đàng vì thương dân, không muốn dân phải chịu đau khổ, nên cầu nguyện để xin Thiên Chúa thương xót, và đừng đổ đại họa xuống trên dân; một đàng tức giận vì sự ngoan cố của họ, đã không chịu ăn năn trở lại, mà còn tính kế lập mưu để làm hại những người thương yêu lo lắng cho họ. Tiên tri Jeremiah bày tỏ sự bất mãn của ông với dân lên Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con nói đó. Nào có ai lấy oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng.
Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng, để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.”

2/ Phúc Âm: Tham quyền và củng cố địa vị.

2.1/ Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ: Người Do-Thái, trong đó có các Tông-đồ, và ngay cả chúng ta, không thể nào hiểu nổi thánh ý của Thiên Chúa. Họ và chúng ta không thể nào hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa quyền uy không dùng sức mạnh để cứu độ, mà lại chọn con đường gian khổ để cứu độ con người! Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ ý định của Thiên Chúa, các môn đệ không hiểu và cũng không muốn chấp nhận con đường này. Tại sao Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ?

(1) Ngài muốn gánh hình phạt của cả nhân lọai trên vai: Tiên tri Isaiah đã loan báo trước: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta … Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Isa 53:4-5).

(2) Con người dễ bị cảm hóa bởi tình yêu hơn lệnh truyền: Trong Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa truyền qua Lề Luật; nhưng con người vẫn vi phạm. Trong Tân Ước, Thiên Chúa muốn con người nhìn thấy Chúa Giêsu chịu gian khổ, để con người hiểu tình yêu của Ngài dành cho họ; để họ yêu mến Ngài. Khi con người cảm nghiệm được tình yêu, họ sẽ biết sống tốt đẹp.

2.2/ Người mẹ của môn đệ muốn quyền hành cho hai con mình: Điều bà mẹ của Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cũng dễ hiểu, nếu xét theo tiêu chuẩn con người; vì có bà mẹ nào không muốn con cái mình có một tương lai yên ấm! Hơn nữa, nếu con được yên ấm, mẹ cũng được hưởng nhờ. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn cắt nghĩa cho Bà: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Vì ham muốn chức quyền, nên họ trả lời “Có!” Nhưng nếu hiểu rõ “chén đắng” mà Chúa Giêsu sắp uống là Con Đường Khổ Nạn của Ngài, chưa chắc họ dám trả lời với Ngài như vậy. Các nhà lãnh đạo tinh thần cũng phải noi gương Chúa Giêsu, phải kiên nhẫn cắt nghĩa và làm cho dân chúng hiểu những gì quá sức họ.

2.3/ Mười môn đệ khác tức tối với hai anh em đó: Khó chịu khi thấy người khác hơn mình là điều thường xảy ra cho tất cả mọi người, vì ai cũng muốn làm lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nhiều thiệt hại và đổ vỡ trong cộng đòan. Nếu không biết cách sửa chữa kịp thời, cộng đòan sẽ có nguy cơ tan rã. Nhận ra sự nguy hại của điều này, Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.”

Chúa Giêsu muốn các môn đệ sự khác biệt giữa hai lý tưởng và hai cách lãnh đạo. Lý tưởng khác thì các lãnh đạo cũng phải khác. Lý tưởng của các môn đệ Chúa là đưa mọi người về cho Thiên Chúa, chứ không phải để đạt được uy quyền danh vọng ở đời này; nên cách lãnh đạo của họ cũng phải khác, họ phải phục vụ và hy sinh chịu gian khổ để người khác được cứu độ. Chúa Giêsu dùng chính gương của Ngài để làm ví dụ cho các ông: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lòng ham muốn quyền hành, chức tước, và địa vị, xâm nhập khác nơi; ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo và trong gia đình. Người môn đệ Chúa phải đề phòng những ham muốn này; nếu không, họ sẽ cảm thấy bực tức, khó chịu, và ngay cả bỏ lý tưởng đang theo đuổi.

– Chúa Giêsu truyền: Nhà lãnh đạo tôn giáo phải khác với những nhà lãnh đạo khác, vì mục đích của hai bên khác nhau. Họ phải hy sinh phục vụ và chịu đựng gian khổ để đưa con người về với Chúa, chứ không phải để đạt những lợi lộc vật chất ở đời này.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************