Ngày thứ tư (10-07-2024) – Trang suy niệm

09/07/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư tuần 14 Thường Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: Hs 10, 1-3. 7-8. 12

“Ðây là lúc phải tìm kiếm Chúa”.

Bài trích sách Tiên tri Hôsê.

Israel là cây nho xanh tốt, hoa trái xứng hợp với nó. Ðất càng màu mỡ, thì càng thêm các tượng thần. Lòng dạ chúng phân đôi, giờ đây chúng sẽ đền tội. Chúa sẽ đánh vỡ các tượng thần và phá tan các bàn thờ của chúng. Bấy giờ chúng sẽ nói: “Chúng ta không có vua, vì chúng ta không kính sợ Chúa: và nhà vua sẽ làm gì cho chúng ta?”. Samaria đã làm cho vua mình qua đi như bọt nước. Những nơi cao dựng tượng thần sẽ bị phá huỷ: Ðó là tội lỗi của Israel! Cây ké và gai góc sẽ mọc trên bàn thờ chúng. Chúng sẽ nói với núi non rằng: Hãy che lấp chúng ta đi. Chúng sẽ nói với đồi rằng: Hãy đổ xuống trên chúng ta cho rồi! Các ngươi hãy gieo rắc sự công chính và sẽ gặt mùa nhân từ. Các ngươi hãy khai khẩn những khu đất mới: Ðây là lúc phải tìm kiếm Chúa, khi Người đến, Người sẽ dạy dỗ sự công chính cho các ngươi.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn (c. 4b).

1) Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của Người; tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui.

2) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa; hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ, và những điều miệng Ngài phán quyết.

3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người; hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu.

ALLELUIA: Ga 14, 5

All. All. – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – All.

PHÚC ÂM: Mt 10, 1-7

“Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền. Ðây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người. Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: “Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã gần đến’”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

10/07/2024 – THỨ TƯ TUẦN 14 TN

Mt 10,1-7

CHỮA LÀNH BỆNH LINH HỒN

Chúa Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (Mt 10,1)

Suy niệm: Sự thường khi cơ thể có vấn đề, ai cũng lo lắng và mau mắn tìm đến thầy thuốc để chữa bệnh. Nếu hiểu bệnh tật là những gì làm ảnh hưởng đến sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần, thì tội lỗi cũng là thứ ‘vi-rút’ làm tác hại đến sức khoẻ linh hồn của con người. Nói cách khác tội lỗi cũng là bệnh, bệnh hiểm nghèo nữa là khác. Thế nhưng có nhiều người mang trong mình căn bệnh ‘tội lỗi’ mà lại ít khi lo lắng và mau mắn để chữa trị. Chúa Giê-su khi chữa lành bệnh tật thường nói thêm “Tội con đã được tha;” Ngài cho thấy bệnh tật phần xác như một dấu chỉ của tội lỗi là bệnh tật phần hồn. Khi giao cho các môn đệ quyền chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, –sau khi phục sinh, Chúa còn nói rõ Ngài trao cho các ông quyền tha tội,– Chúa Giê-su muốn giao cho các ông sứ mạng tiêu diệt tận căn của bệnh tật tâm hồn là thứ ‘vi-rút’ tội lỗi.

Mời Bạn: Bạn có nhận thức được tội lỗi len lỏi trong tâm hồn mình và mau mắn đến với Bí tích Giao Hoà như khi cơ thể bạn mang bệnh chưa, hay cũng chỉ đợi có dịp lễ trọng mới đến nhận lãnh? Hơn nữa bạn có nhận thức rằng sống và làm chứng cho những giá trị Tin Mừng là phương thuốc tăng lực ngăn ngừa nhiễm thứ ‘vi-rút’ tội lỗi không?

Sống Lời Chúa: Năng lãnh Bí tích Giao Hoà để linh hồn được lành mạnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho chúng con thấy những giá trị cao cả của Nước Trời. Xin đừng để chúng con xa lìa những giá trị ấy khi cứ sống trong tội lỗi, nhưng cho chúng con biết năng chạy đến với Bí tích Giao Hoà để tâm hồn được Chúa chữa lành. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Đức Giêsu đã cần mười hai bạn trẻ cộng tác với mình,
để làm mục tử cho đàn chiên, làm thợ gặt cho mùa lúa chín vàng,
làm tông đồ cho một nước Paléttin nhỏ bé.
Ngài chia sẻ cho họ uy quyền mình có và sứ vụ mình làm (c. 1).
Con số mười  hai gợi nhớ mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.
Giáo Hội Ngài thiết lập sẽ là Ítraen mới, đặt nền trên mười hai bạn trẻ.

Chúng ta khó hình dung khuôn mặt riêng của mỗi vị tông đồ,
nhưng ta biết tên của họ qua các sách Tin Mừng, dù có chút dị biệt.
Họ có cá tính và cuộc đời riêng, nhưng đều được gọi bởi Thầy Giêsu,
và được Thầy sai đến với dân tộc mình là Ítraen (c. 6).
Tin Mừng Mátthêu kể tên nhóm Mười Hai theo từng cặp.
Simôn Phêrô đứng đầu danh sách, còn Giuđa Ítcariốt thì đứng cuối.
Chỉ sau này ta mới biết Simôn sẽ chối Thầy và Giuđa sẽ phản bội.
Có những cặp anh em ruột : Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan.
Có người làm nghề thu thuế cho quân đô hộ : Mátthêu.
Có người lại muốn dùng vũ trang giải phóng đất nước: Simôn nhiệt thành.
Có ba người được coi là môn đệ thân tín : Phêrô, Gioan và Giacôbê.
Nói chung đa số là những người ít học thức, làm nghề đánh cá.
Được sai đi thật là một thách đố đối với họ. 
Họ có làm nổi những việc Thầy giao không?

Vào thời Đức Giêsu, rao giảng “Nước Trời đã đến gần” là điều không dễ.
Để người ta tin chuyện đó, cần phải minh chứng bằng hành động cụ thể,
như chữa lành bệnh hoạn và khử trừ thần ô uế.
Vào thời nay, rao giảng Tin Mừng Nước Trời lại càng không dễ.
Rao giảng vẫn phải đi kèm với các việc phục vụ con người.
Lập một bệnh xá, bắc một cây cầu, đào một giếng nước,
giúp trẻ em nghèo đến trường, đưa người cai nghiện về lại với cộng đoàn,
cho các cô gái lầm lỡ có chỗ sinh con và nuôi con…
Giáo Hội đã làm nhiều việc và vẫn còn bao nhu cầu mới mẻ.
Nhưng có một việc mà xã hội hôm nay không biết là mình đang cần,
đó là được giải phóng khỏi những thần ô uế mới đang ám ảnh con người.

Mười Hai tông đồ ngày xưa đã đi khắp mảnh đất Paléttin,
và đã đặt chân đến những vùng đất mới.
Thế giới hôm nay rộng hơn và phẳng hơn xưa.
Chúng ta được Đấng Phục sinh sai đến mọi dân tộc (Mt 28, 20).
Các phương tiện truyền thông ngày nay giúp ta dễ dàng làm chuyện đó.
Nhưng chúng ta vẫn không được quên, trên quê hương Việt Nam
gần 80 triệu đồng bào chưa đón nhận Tin Mừng.

Lời nguyện:

Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Ðức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Ðức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG BẢY

Hậu Quả Cay Đắng Của Sự Tự Do Sai Quấy

Trên hành trình đào sâu nhận thức về mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta thường phải đối diện với vấn nạn này: Nếu Thiên Chúa hiện diện và điều hành mọi sự, thì làm sao con người có thể tự do được? Và nhất là, đâu là ý nghĩa và vai trò của tự do trong đời sống chúng ta? Và đâu là hậu quả cay đắng của tội lỗi gây ra do sự tự do sai quấy? Làm sao có thể hiểu tất cả những điều này trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh?

Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Công Đồng Vatican I: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo thành thì Ngài giữ gìn và điều khiển với sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng mở rộng từ chân trời này đến chân trời kia và cai quản mọi sự một cách tốt đẹp (Kn 8,1). Mọi sự đều phơi bày rõ ràng trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì diễn ra trong sáng kiến tự do của tạo vật” (DS 3003).

Mầu nhiệm quan phòng thần linh tác động trên tất cả thế giới tạo vật một cách thâm sâu. Trong tư cách là một diễn tả của sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, kế hoạch quan phòng đến trước chính công cuộc sáng tạo. Trong tư cách là một diễn tả quyền lực của Thiên Chúa, nó hướng dẫn và triển khai công cuộc ấy. Một cách nào đó, chúng ta thậm chí có thể nói rằng sự quan phòng được thực hiện trong chính công việc của nó. Đó là một sự quan phòng siêu việt, nhưng đồng thời nó cũng hiện diện trong mọi sự. Điều này áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta vừa mới nhắc lại trên đây, nhất là khi vận dụng vào con người với lý trí và tự do của mình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 10/7

Hs 10, 1-3. 7-8. 12; Mt 10, 1-7.

Lời suy niệm: Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.” (Mt 10,5-6)

          Những lời chỉ thị của Chúa Giêsu trong việc sai các Tông Đồ của Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, cho chúng ta thấy được Chúa Giêsu biết rõ tình trạng hiểu biết và cách truyền đạt của các Tông Đồ chưa được vững mạnh, khó đem lại kết quả tốt đẹp nên Người đã khoanh vùng cho phù hợp với khả năng của các ông. Điều này cũng giúp cho mỗi người Kitô hữu cũng phải ý thức về khả năng của mình và ơn ban của Chúa đã ban cho mình trước khi dấn thân trong các hoạt động Tông Đồ Giáo dân nơi mình đang sống đang sinh hoạt, để những đóng góp của bản thân được phù hợp với môi trường, hầu đem lại hoa quả tốt đẹp cho cộng đoàn.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con luôn có lòng khiêm nhường, nhận biết chính mình khi loan báo Tin Mừng hay khi muốn nâng đỡ người anh em. Để tất cả cùng được hưởng niềm vui trong Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Bảy

Lời Lãi Cả Thế Gian Ðể Làm Gì? 

Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng đi cho cuộc đời: đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho con người.

Thông thường, những kẻ than thân trách phận, những con người bất mãn trong cuộc sống, những kẻ chán đời, không phải là những kẻ nghèo khổ, những người kiếm cơm kiếm gạo từng ngày, mà chính là những con người dư dả, giàu sang.

Thi sĩ Anh, Lord Byron, mặc dù sống trên nhung lụa, vẫn than thở: “Sâu bọ, ruồi nhằn, khổ đau là thức ăn hằng ngày của tôi”. Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là Voltaire, mặc dù có một đời sống phú túc và danh tiếng vẻ vang, vẫn phải thốt lên: “Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng giữa của cuộc sống là vô nghĩa và khởi đầu của cuộc sống ấy là thô bỉ… Phải chi tôi đừng sinh ra thì hơn”.

Talleyrand, một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 19, sau một quãng đời sống trong nhung lụa và vinh quang, đã ghi lại trong tập nhật ký của mình nhân ngày sinh 83 như sau: “83 năm của đời tôi đã đi qua, không để lại một kết quả nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn, một nỗi đắng cay khi nhìn về tương lai và chán chường khi nhìn lại quá khứ”.

Tại sao những con người trên đây đã tỏ ra đắng cay và thất vọng về cuộc sống? Thưa là bởi vì họ đã không tìm ra được mục đích của cuộc đời. Một cuộc đời không có mục đích thì chẳng khác nào một công trình xây dựng không đồ án. Với tất cả mọi vật liệu, nhưng nếu không có đồ án, người ta không thể kiến thiết được bất cứ công trình nào.

Một cuộc sống không có mục đích, một cuộc sống không có lý tưởng thường cũng chỉ kéo theo cay đắng, buồn sầu, bất mãn… Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta: “Lời lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn?”.Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai khóc lóc, phúc cho những ai đói khát công chính, phúc cho những ai có lòng thương xót, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, phúc cho những ai bị bách hại vì Nước Trời… Trước khi công bố Hiến Chương của Hạnh Phúc ấy, Chúa Giêsu hẳn phải là con người hạnh phúc. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là không có nước mắt và đau khổ. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là được mọi may mắn trên cõi đời này. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là thành công trong cuộc sống này.

Ngài đã sống như một con người đau khổ. Ngài đã không trốn chạy khỏi đau khổ. Ngài đã không cất lấy đau khổ khỏi cuộc đời này.

Hạnh phúc của Ngài chính là tiếp nhận đau khổ, là đi vào cõi chết, nhưng không tiếp nhận đau khổ và đi vào cõi chết như một ngõ cụt, trái lại khai thông con đường dẫn đến sự sống. Cuộc đời đã có một hướng đi. Cuộc đời đã có một ý nghĩa, và đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực của con người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 14 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Hos 10:1-3, 7-8, 12; Mt 10:1-7.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng ăn trộm công ơn của Thiên Chúa.

Trong cuộc đời, ai cũng ghét kẻ vô ơn; nhưng còn có tội nặng hơn tội vô ơn là lấy của người khác làm của mình hay gán ơn ấy cho người không làm. Ví dụ: một người Thiên Chúa ban cho làm ăn phát đạt lại nghĩ là do tài khéo của họ, hay gán cho ông “thần tài” mà họ đã dâng hương cúng bái. Ngôn sứ Hosea dùng chữ nặng hơn để diễn tả hạng người này: họ làm điếm đã không được tiền thì chớ, lại còn lấy tiền của chồng cho khách (Hos 2:7-10). Ngôn sứ có ý muốn nói: Thiên Chúa đã ban mọi thứ cho Israel, họ lại nghĩ thần Baal đã ban cho họ và họ dùng những của cải Thiên Chúa ban để xây dựng đền thờ và dâng hương cúng bái thần Baal.

Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhận ra tất cả những gì chúng ta có là do Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta cần biết nhận ra và đáp trả cho tương xứng. Trong bài đọc I, ngôn sứ Hosea phơi bày tội lỗi của con cái Israel. Họ là những người “một lòng hai dạ:” một tay nhận của Thiên Chúa ban tặng, một tay dâng kính cho thần Baal. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chọn lựa, huấn luyện và ban quyền cho các tông đồ trước khi sai các ông ra đi rao giảng để mang các linh hồn về cho Thiên Chúa. Nếu các ông mang được linh hồn nào trở về, đó là công ơn của Thiên Chúa chứ không phải của các ông. Các ông chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để giảng lời Thiên Chúa. Vì thế, các ông cần tránh hai thái độ: muốn người khác trả ơn mình hay cho mình là người đã cứu linh hồn người khác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương.

1.1/ Càng trở nên giàu có con người càng sống xa Thiên Chúa: Một điều quá hiển nhiên là con người sống rất gần gũi với Thiên Chúa khi họ nghèo đói, trong đau khổ hay tuyệt vọng. Nhiều người cầu xin và hứa hẹn nếu Thiên Chúa cứu họ thoát hiểm nguy, họ sẽ dành trọn cuộc đời để thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Nhưng khi đã vượt qua đau khổ và trở nên phú túc giàu sang, họ nghĩ họ chẳng cần tới Thiên Chúa nữa. Họ hãnh diện và tôn thờ những gì họ có và cho những gì họ gặt hái được là do công sức của họ. Tuy họ không dám nói công khai là họ từ bỏ Thiên Chúa; nhưng lòng trí họ xa rời Thiên Chúa để gắn bó vào với các thứ thần: uy quyền, danh vọng, tiền của, thỏa mãn xác thịt. Ngôn xứ Hosea gọi họ là thứ người “lòng một dạ hai.”

Điều này đã xảy ra cho con cái Israel. Ngôn sứ Hosea nhận xét: “Israel vốn là một cây nho sum sê, hoa trái thật dồi dào phong phú. Nhưng hoa trái càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng; đất nước càng giàu sang, chúng càng làm thêm những cột thần lộng lẫy.”

Tại sao những điều này xảy ra? Có nhiều lý do nhưng có lẽ lý do trên hết là tội kiêu ngạo và muốn hưởng thụ. Con người muốn chính họ là vua, là Chúa cho chính họ; chứ không muốn nghe lời bất cứ ai, và cũng không muốn người khác bắt họ phải làm điều họ không muốn. Ngôn sứ Hosea nhận định: Bây giờ chúng lại nói: “Chúng tôi không có vua.” Vì Đức Chúa, chúng còn không kính sợ, thì nếu có vua, liệu ông làm gì được cho chúng? Nhiều người chối bỏ Thiên Chúa không phải vì họ không biết có Thiên Chúa, nhưng để khỏi phải làm theo những điều Ngài truyền; vì những điều Thiên Chúa truyền ngăn cản việc hưởng thụ của họ.

1.2/ Thiên Chúa phải sửa phạt để đưa con người trở lại: Nếu con người biết ơn và trả nghĩa Thiên Chúa khi họ được giàu sang hạnh phúc, Thiên Chúa không cần phải sửa phạt; nhưng vì con người “lòng một dạ hai,” nên Thiên Chúa phải sửa phạt để họ nhận ra họ không thể sống thiếu Thiên Chúa và ăn năn quay về. Sửa phạt, như thế, là một điều cần thiết và biểu lộ tình thương; nếu không, Thiên Chúa sẽ mất những người con Ngài dựng nên.

Khi Thiên Chúa ra tay sửa phạt, con người sẽ nhận ra tội lỗi và lối sống hoang tưởng của họ. Họ sẽ xấu hổ, sợ hãi và không dám đối diện với tình thương cao cả của Ngài, Ngôn sứ Hosea diễn tả trạng thái này như sau: Bấy giờ chúng sẽ nói với núi đồi: “Phủ lấp chúng tôi đi!” và với gò nổng: “Hãy đổ xuống trên chúng tôi!”

Để tránh tình cảnh sẽ xảy ra, chúng ta hãy học bài học lịch sử như Hosea dạy: “Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương… Đây là thời kiếm tìm Đức Chúa.” Nếu đang sống trong đầy đủ hạnh phúc, chúng ta hãy biết cám ơn Thiên Chúa và xử dụng những gì Ngài ban cho nên. Nếu đang thiếu thốn đau khổ, chúng ta hãy cầu xin cho vượt qua nếu đẹp ý Ngài.

2/ Phúc Âm: Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.

2.1/ Chúa ban cho các Tông-đồ mọi quyền năng để phân phát cho dân chúng.

Trong sự quan phòng rất khôn ngoan, Chúa Giêsu không làm việc một mình; nhưng Ngài chọn các Tông-đồ để huấn luyện, ban quyền năng, và ủy thác cho sứ vụ tiếp tục loan truyền Tin Mừng đến mọi người. Noi gương Chúa Giêsu, Giáo Hội trải qua bao thế hệ vẫn tiếp tục sứ vụ này: một mặt không ngừng rao giảng Tin Mừng đến mọi dân tộc, một mặt lo đào tạo hàng giáo sĩ, ban quyền năng, và sai đi, để họ có thể tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho thế hệ tương lai. Nhìn lại lịch sử của Giáo Hội, chúng ta không còn gì nghi ngờ về sự hiện diện luôn của Đức Kitô trong Giáo Hội.

2.2/ Tập hợp của các môn đệ Chúa Giêsu: “Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Zebedee và ông Gioan, em của ông; ông Philíp và ông Bartholomeo; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Alphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Iscariot, là chính kẻ nộp Người.”

– Nhìn vào danh sách các Tông-đồ, điều đầu tiên chúng ta nhận ra là những con người tầm thường, chẳng có gì nổi bật so với tiêu chuẩn của thế gian, đấy là chưa kể đến yếu đuối, tội lỗi. Điều này chứng minh: sức mạnh và uy quyền hoàn toàn của Thiên Chúa. Ngài giúp con người tầm thường làm những việc phi thường.

– Con người thường hay chọn những người cùng một sở thích hay tính tình giống nhau. Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ có tính tình khác nhau, nhiều khi đến chỗ xung khắc: một Phêrô nhanh nhẩu nói năng phải ở với Gioan thâm trầm, ít nói; một Simon nhiệt thành chống lại uy quyền ngoại bang phải ở với Matthew, người thu thuế cho ngoại bang; một Thomas từ chối không tin tất cả lời chứng Chúa đã sống lại và hiện ra của tất cả Tông-đồ khác. Thế mà Thiên Chúa có thể làm cho các ông dẹp khác biệt cá nhân, để sống chung và cùng nhau thi hành sứ vụ Ngài trao.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta đừng bao giờ ăn trộm công ơn của Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong cuộc đời, và luôn biết đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng lối sống công chính và yêu thương tha nhân.

– Chúng ta hãy luôn thờ phượng và sống gần gũi với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh: khi nghèo khó cũng như lúc sang giầu, khi bình an cũng như lúc gian nan khốn khó. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************