Ngày thứ tư (11-09-2019) – Trang suy niệm

10/09/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Cl 3, 1-11

“Anh em đã chết với Đức Kitô. Vậy anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Vậy anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, tức là những điều trần tục: là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng. Vì những tội ấy mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những người con phản nghịch. Xưa kia anh em cũng đã sống trong những tội ấy, khi anh em sống trong những thói hư nết xấu đó. Nhưng bây giờ, anh em hãy loại bỏ tất cả những điều đó, là sự giận dữ, phẫn nộ, độc ác, phạm thượng, và lời tục tĩu bởi miệng anh em. Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa; nhưng Đức Kitô là mọi sự và ở trong mọi sự. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 2-3. 10-11. 12-13ab

Đáp: Chúa hảo tâm với hết mọi loài (c. 9).

Xướng:

1) Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. – Đáp.

2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Đáp.

3) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. – Đáp.

ALLELUIA: Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 6, 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”. Đó là lời Chúa

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

11/09/2019 – THỨ TƯ TUẦN 23 TN

Lc 6,20-26

SỐNG NGHÈO NHƯ ĐỨC KI-TÔ

“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)

Suy niệm: Theo lẽ thường, ai chẳng mong muốn một cuộc sống sung túc. Và những người nghèo, rất đông, đang cố vùng vẫy để thoát khỏi cảnh cùng khổ. Phải chăng đó là một lời chế giễu tàn nhẫn đối với người nghèo khi nói rằng cảnh nghèo họ đang gánh chịu là một hồng phúc?! Phải chăng câu nói “Phúc cho người nghèo” chẳng qua chỉ là một lời nói xoa dịu người nghèo để họ cam chịu số phận chờ đợi hạnh phúc Nước Trời mai sau?! Câu trả lời của Chúa là: “Không phải thế!” Họ có phúc vì, trong cả lịch sử cứu độ, Ngài luôn đứng về phía người nghèo, và đã thực hiện công trình cứu độ để giải thoát họ khỏi cảnh bị nô lệ, bất công. Và hơn nữa, không như những chính trị gia mị dân nhằm hốt phiếu từ đám dân nghèo, Con Thiên Chúa là Đức Giê-su đến sống kiếp nghèo với nhân loại để chia sẻ, và chịu chết như một tử tội để giải cứu nhân loại khỏi cảnh nô lệ tồi tệ nhất: nô lệ tội lỗi. Người nghèo có phúc vì Chúa yêu thương họ và đến giải cứu họ khỏi cảnh nghèo đó.

Mời Bạn: Để cảm nghiệm được cái phúc là “người nghèo của Thiên Chúa,” mời bạn đọc 2 Cr 8,9: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” Bạn thấy đó, dù bạn giàu hay nghèo, bạn vẫn có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô nghèo khó bằng cách sống chia sẻ với anh em mình.

Sống Lời Chúa: Cắt giảm một khoản chi tiêu thường xuyên của mình để dành vào việc giúp người nghèo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu sống nghèo để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô nghèo khó.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG CHÍN

Chúng Ta Khắc Khoải Mong Được Chiêm Ngắm Nhan Thánh Chúa

Trong cả Cựu và Tân Ước, con người sống trong thế giới hữu hình giữa những thực tại thế tục. Tuy nhiên con người ý thức sâu xa về sự hiện hữu của Thiên Chúa – một sự hiện diện định hình toàn bộ cuộc sống của họ.

Vị Thiên Chúa hằng sống ấy quả thực là bức tường thành bảo vệ con người giữa mọi thử thách và đau khổ của cuộc hiện sinh dương thế này. Khi cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, con người khao khát chiếm hữu Ngài cách hoàn toàn. Con người cố tìm cách để nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh viết:

“Như nai rừng mong mỏi

tìm về suối nước trong,

hồn con cũng trông mong

được gần Ngài, lạy Chúa.

Linh hồn con khao khát Chúa Trời,

là Chúa Trời hằng sống.

Bao giờ con được đến,

vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42, 2-3).

Trong khi con người cố gắng để biết Thiên Chúa – để chiêm ngắm dung nhan Ngài và để cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài – thì Thiên Chúa hướng về phía con người để mạc khải chính sự sống của Ngài cho con người. Công đồng Vatican II nói nhiều về tầm quan trọng của việc Thiên Chúa can thiệp vào thế giới này. Công đồng giải thích rằng: “qua sự mạc khải của Ngài, Thiên Chúa muốn tự tỏ hiện và thông đạt chính Ngài cũng như ý muốn từ đời đời của Ngài về ơn cứu độ cho con người.” (MK 6).

Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân ái và là Đấng tự mạc khải chính Ngài, vẫn tiếp tục là một mầu nhiệm khôn dò đối với con người. Và con người – người lữ khách kiếm tìm tuyệt đối – vẫn mãi mãi suốt đời kiếm tìm dung mạo của Thiên Chúa. Nhưng ở cuối hành trình đức tin, con người sẽ về đến “nhà Cha”. Và trong ngôi nhà thiên quốc này, con người hy vọng chiêm ngắm Thiên Chúa “diện đối diện” (1Cr 13,12).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 11/ 9

Cl 3, 1-11; Lc 6, 20-26.

LỜI SUY NIỆM:  “Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.”

          Lời Chúa Giêsu hôm nay đưa ra cho chúng ta bốn mối phúc và bốn mối họa, mà mỗi người phải ý thức và chọn lấy làm gia nghiệp cho mình hôm nay và cả mai sau. “Với bốn mối phúc cho chúng ta thấy trật tự của hạnh phúc và ân sủng của vẻ đẹp và sự bình an. Chúa Giêsu tán dương niềm vui của những người nghèo. Nước Trời đã là của họ:” (GL số 2546).

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa nhận biết những kẻ được tuyển chọn của Chúa căn cứ vào những gì họ đã làm cho những người nghèo. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết hy sinh để cọng tác với Hội Thánh trong các công việc đối với người nghèo.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

11 Tháng Chín

Thuốc Dã Rượu 

Cách đây vài năm, công ty dược phẩm Hoffman La Roche ở Thụy Sĩ đã tình cờ khám phá ra một loại thuốc có tính chất làm dã rượu. Các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm của công ty đã đem loại thuốc mới này thí nghiệm trên các chú chuột đang say túy lúy. Như thuốc tiên, mấy cú chuột đang say bỗng trở nên tỉnh táo hẳn lại.

Nhiều người nghiện rượu có lẽ đã mừng thầm với phát minh mới này. Nhưng mọi người đều sửng sốt khi một nhà nghiên cứu của công ty nói trên đã đề nghị hủy bỏ loại thuốc mới này. Ông giải thích như sau: “Xã hội sẽ tốt hơn nếu không có loại thuốc này, Bởi vì loại thuốc này sẽ khuyến khích người say uống nhiều hơn. Những người uống thuốc này sẽ có cảm giác là không bao giờ họ bị đốn ngã vì chất men… Thật ra, loại thuốc này có đặc tính làm cho dã rượu, chứ không làm bớt lượng rượu trong máu cũng như các tác hại khác trong hệ thống thần kinh và trong các bộ phận khác”.

Loại thuốc dã rượu trên đây có thể làm cho chúng ta nghĩ đến thứ bình an giả tạo mà nhiều người đang đi tìm.

Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống trong bình an với Ngài. Những buổi chiều tà khi Thiên Chúa đến trong Vườn Ðịa Ðàng để chuyện vãn với Ađam và Evà: đó là hình ảnh của một sự kết hiệp thâm sâu giữa con người và Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đãchối bỏ Thiên Chúa và đã cắt đứt mối dây thân tình ấy… Từ đó, bất an đã trở thành số phận thường tình của con người.

Nhưng bất an không những chỉ là một trừng phạt, bất an là nỗi khao khát mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng người để giúp con người tìm đường quay lại với Ngài…

Dù sống trong hoàn cảnh nào, dù sống trong xã hội nào, dường như không ai thoát khỏi cái lo, cái sợ… Nếu những người Việt Nam đói khổ lo sợ cho ngày mai không cơm, không áo, thì những người Âu, Mỹ dư dật lại lo sợ trước trăm nghìn cái đe dọa khác của cuộc sống… Dĩ nhiên, không ai có thể so sánh được đau khổ của một người nghèo đói, mất tự do với sự bất an của những người giàu có. Nhưng trong cơ bản, nỗi khổ tâm và bất an nào cũng có một sức nặng riêng của nó. Dường như mỗi người đều có một thập giá, một nỗi khổ và một ưu tư tỷ lệ với sức lực của mình…

Chúa Giêsu kêu mời mọi người chúng ta hãy đặt tất cả tin tưởng vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa. Dù có lo lắng đến đâu, chúng ta cũng không thể làm cho mình cao hơn một chút. Mỗi người có nỗi khổ riêng của mình và mỗi ngày có nỗi khổ của ngày đó…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 23 TN1  

Bài đọc: Col 3:1-11; Lk 6:20-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống như Đức Kitô đã dạy.

Có nhiều tín hữu chỉ có đạo trên danh nghĩa, vì đã lãnh nhận Phép Rửa Tội; nhưng không chịu thi hành những gì Đức Kitô giảng dạy. Một cuộc sống như thế có giúp cho phần rỗi linh hồn họ không? Chúa Giêsu trả lời rất rõ ràng: “không phải tất cả những ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước Trời; nhưng chỉ có những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa.”

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc giải thích tại sao con người cần sống đạo bằng cách thực hành Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Colossê: tuy họ đang sống nơi hạ giới, nhưng họ không được sống theo tiêu chuẩn và giá trị của hạ giới; mà phải luôn hướng lòng lên và sống theo tiêu chuẩn và giá trị của thượng giới. Lý do vì họ đã được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, thánh Luca mô tả thế nào là đời sống mới trong Đức Kitô bằng 4 mối phúc thật và 4 mối khốn khổ. Đức Kitô đã đảo lộn hoàn toàn tiêu chuẩn đánh giá trị của thế gian: những gì thế gian cho là phúc, Ngài cho là khốn khổ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hai tác động của Bí Tích Rửa Tội

Để hiểu những gì thánh Phaolô muốn dạy các tín hữu Colossê, chúng ta cần hiểu thần học ngài dạy về Bí-tích Rửa Tội: Khi được dìm mình trong nước, chúng ta dìm mình trong cái chết của Đức Kitô; và khi chúng ta trồi lên, chúng ta được chung hưởng vinh quang phục sinh với Ngài. Vì thế, hai ứng dụng trong đời sống mà các tín hữu phải làm:

1.1/ Giết chết những gì thuộc hạ giới: Vì được dìm mình trong nước Rửa Tội, các tín hữu phải rửa sạch các tội của mình. Ngài liệt kê những tội người tín hữu phải khai trừ: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu, và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Phải từ bỏ những giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, và ăn nói thô tục. Người tín hữu không còn được sống theo ý mình, nhưng phải tìm ra và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Họ phải sống theo sự thật, không được sống theo sự giả trá. Họ phải sống hiệp nhất và bác ái với mọi người; không được phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di hay mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.

1.2/ Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi việc lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội là mặc lấy Đức Kitô. Khi mặc lấy Đức Kitô, các tín hữu phải sống cuộc sống mới như Đức Kitô sống: theo tiêu chuẩn của Nước Trời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định về lối sống của chính Ngài: Tôi sống, nhưng không còn là tôi; nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.

2/ Phúc Âm: Khốn khổ dưới mắt con người lại là phúc thật trước mặt Thiên Chúa.

Nếu Chúa Giêsu sống và rao giảng Tin Mừng này cho những con người hôm nay, không biết có mấy người dám theo Ngài; vì Ngài đảo lộn hoàn toàn nấc thang giá trị của thế gian. Những gì con người cho là phúc, Ngài cho là khốn; và những gì con người cho là khốn, Ngài lại cho là phúc.

2.1/ Nghèo khó: Người thế gian thích được giầu có, vì “có tiền mua tiên cũng được.” Họ tìm mọi cách thức và dùng mọi thời gian để tích trữ của cải, sao cho không phải làm ăn hay lo lắng gì cả trong suốt cuộc đời còn lại của họ; trong khi đó, Đức Giêsu lại dạy các môn đệ: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.”

Chúa Giêsu biết rõ bản chất con người: của cải anh em ở đâu, lòng trí anh em ở đó. Nếu của cải của con người đặt trên những giá trị vật chất, lòng trí của họ đâu còn mơ tưởng những giá trị tinh thần. Khi con người không chú trọng đến của cải vật chất, họ sẽ có nhiều thời gian để đi tìm những giá trị tinh thần.

2.2/ Đói khát: Người thế gian không những thích ăn no, mà còn thích ăn ngon; trong khi Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.”

Chúa Giêsu chắc chắn không cổ động sự nghèo đói, vì Ngài đã hai lần làm phép lạ để nuôi dân chúng khi họ không có bánh ăn. Mối phúc này có liên hệ với mối phúc thứ nhất, và điều Chúa Giêsu muốn nói tới không phải là sự đói khát vật chất mà là sự đói khát về tinh thần. Khi con người đã có đầy đủ mọi sự, họ không cảm thấy nhu cầu cần đi tìm Thiên Chúa; nhưng khi con người đói khổ, họ sẽ biết chạy đến với Chúa để xin Ngài lấp đầy những thiếu thốn. Thực tế nhiều lần chứng minh: khi con người đói khổ, họ biết chạy đến với Chúa; khi con người no lòng thỏa dạ, họ bỏ Chúa để chạy theo những thú vui bất chính, và thờ lạy đủ mọi tà thần.

2.3/ Than khóc: Người thế gian rất sợ bệnh tật, đau khổ, và chết chóc; trong khi Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.”

Một câu hỏi mà con người luôn thắc mắc: “Tại sao Thiên Chúa uy quyền và nhân lành lại để đau khổ, bệnh tật, chết chóc xảy ra cho con người; nhất là xảy ra cho người ”vô tội”?” Khi cuộc đời toàn mầu hồng, rất ít người nghĩ tới việc cám ơn những hồng ân Thiên Chúa đổ xuống trên cuộc đời mình. Họ coi đó là bổn phận Thiên Chúa phải làm. Nhưng khi phải đương đầu với đau khổ, họ trách cứ Thiên Chúa không thương và không chu toàn bổn phận. Lẽ ra, thay vì trách Thiên Chúa, họ phải đấm ngực trách mình; vì đã không sống đúng như những người thụ ơn. Khi để đau khổ xảy ra, Thiên Chúa cho con người nhận ra chân lý: con người không thể sống thiếu Thiên Chúa.

2.4/ Bị truy tố: Con người thích được người khác nghe lời và mến chuộng; trong khi Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.”

Khi chọn lối sống của người môn đệ Đức Kitô, chúng ta đã chọn con đường tử đạo; vì nó khác xa lối sống của người thế gian. Người thế gian chú trọng đến sự giả hình, trong khi Đức Kitô dạy phải chú trọng đến sự thành thật. Họ thích được khen ngợi cho dù chẳng có điều gì đáng khen và cần được thanh tẩy bao tội lỗi trong tâm hồn. Ngôn sứ của Thiên Chúa phải nói những sự thật, nhưng họ không sẵn sàng chấp nhận sự thật; vì thế, việc họ truy tố ngôn sứ là chuyện đương nhiên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không được sống theo tiêu chuẩn và giá trị của hạ giới; nhưng phải hướng lòng trí lên trời để tìm và sống theo những tiêu chuẩn và giá trị của thượng giới.

– Chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho lối sống này, nhưng sẽ tìm được niềm vui trong tâm hồn, vì đã sống theo những gì Đức Kitô răn dạy, và được bảo đảm cho phần rỗi linh hồn mai sau. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************