Ngày thứ tư (14-08-2024) – Trang suy niệm

13/08/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư. Thánh Mácximilianô Maria Kônbê

BÀI ÐỌC I: Ed 9, 1-7; 10, 18-22

“Hãy ghi chữ Thập trên trán những người rên rỉ khóc than các việc ghê tởm của thành Giêrusalem”.

Bài trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Chúa kêu lớn tiếng vào tai tôi rằng: “Những kẻ trừng phạt thành đã đến gần, mỗi người cầm trong tay khí cụ của mình để tàn sát”. Và kìa có sáu người tiến lại, từ cửa trên phía bắc mà đến, mỗi người cầm trong tay khí cụ của mình để tàn sát. Giữa họ có một người mặc áo trắng, ngang lưng mang bút của ký lục. Họ tiến vào và dừng lại trước bàn thờ bằng đồng.

Vinh quang của Chúa Israel ngự trên các vệ binh thần liền từ đó mà cất lên, đi về phía ngưỡng cửa Ðền Thờ. Người gọi kẻ mặc áo trắng, ngang lưng có mang bút của ký lục mà nói: “Hãy đi khắp thành, khắp Giêrusalem và ghi chữ Thập trên trán những người rên rỉ khóc than tất cả những việc ghê tởm người ta phạm giữa thành”. Tôi còn nghe Người bảo những người kia rằng: “Hãy theo người này đi khắp thành và đánh phạt. Ðừng đưa mắt xót thương, đừng tha thứ: già lão, trai tráng, gái trinh, trẻ con, phụ nữ, hãy giết cho hết. Nhưng ai có chữ Thập trên trán thì đừng giết. Hãy bắt đầu từ nơi thánh của Ta”. Thế là họ bắt đầu giết những kỳ lão đang đứng trước Ðền Thờ. Người lại bảo rằng: “Hãy làm ô uế Ðền Thờ, hãy làm cho các hành lang đầy tử thi rồi hãy ra đi”. Họ bỏ ra đi đánh phạt những kẻ ở trong thành. Vinh quang của Chúa từ trên ngưỡng cửa Ðền Thờ mà đi ra và dừng lại trên các vệ binh thần. Các vệ binh thần cất cánh và từ đất bay lên, ngay trước mặt tôi; các bánh xe cũng đi theo chúng. Chúng dừng lại nơi cửa Ðông Ðền thờ Chúa, và vinh quang của Thiên Chúa Israel ở phía trên chúng. Ðó là sinh vật tôi đã thấy ở dưới Thiên Chúa Israel gần sông Côbar, (bây giờ) tôi mới hiểu biết đó là các vệ binh thần. Mỗi sinh vật có bốn mặt, bốn cánh và dưới cánh, có những hình bàn tay như tay người. Mặt chúng giống những mặt tôi đã thấy gần sông Côbar. Mỗi sinh vật cứ đi thẳng tới đàng trước.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa (c. 4b).

1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời.

2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa.

3) Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất?

ALLELUIA: Gc 1, 21

All. All. – Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. – All.

PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

14/08/2024 – THỨ TƯ TUẦN 19 TN

Th. Mắc-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo

Mt 18,15-20

GẶP CHÚA TRONG CỘNG ĐOÀN

“Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ.” (Mt 18,20)

Suy niệm: Ngay từ thời các tông đồ, nếp sống của các tín hữu đã hiện thực hoá Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ.” Quả thật, các Ki-tô đầu tiên đã sớm quy tụ thành cộng đoàn: họ đồng tâm nhất trí, để mọi sự làm của chung, chăm chỉ nghe giáo huấn các Tông đồ, dự tiệc Bẻ Bánh, chuyên cần cầu nguyện. Họ sống đơn sơ vui vẻ và được toàn dân thương mến. Qua chứng tá đời sống của họ, người ta thấy Chúa Giê-su đang hiện diện trong cộng đoàn, biến đổi và làm cho cộng đoàn mỗi ngày một tăng trưởng.

Mời Bạn: Hội Thánh là dân thánh của Thiên Chúa, nhờ Thánh Thần là hồn sống của Hội Thánh nối kết họ lại trong Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô. Vì thế các sinh hoạt trong Hội Thánh phải giúp tín hữu quy hướng về Chúa và dưới ánh sáng Lời Chúa; bằng không đó chỉ là ‘sự kiện’ hay lễ hội văn hóa đời thường.

Sống Lời Chúa: Xứ đạo là cộng đoàn Hội Thánh. Vì thế, khi hội họp nhau bàn bạc công việc chung, chúng ta không theo ý muốn riêng tư hay tinh thần thế tục, nhưng để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn ngõ hầu chúng ta có thể nhận ra và làm theo ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Chúa luôn hiện diện trong Lời Chúa và trong các Bí tích của Hội Thánh. Xin cho chúng con sốt sắng đến gặp Chúa để tiếp nhận ánh sáng và sức sống Chúa trong các cử hành phụng vụ của Hội Thánh. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.

Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).

Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng

Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Cuộc đời chúng con
Diễn ra quanh những chiếc bàn,
Làm bằng những chất liệu khác nhau,
Kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.

Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
Trước những chân trời mới,
Và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
Để chúng con có sức phục vụ tha nhân
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
Trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
Và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.

 Lạy Chúa
Giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
Để gặp gỡ, chia sẽ, để bàn bạc, thảo luận,
Để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
Để tất cả trở nên con đường
Đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG TÁM

Mục Đích Phổ Quát Của Con Người Trong Kế Hoạch Của Thiên Chúa

Tuy nhiên, Công Đồng không nhắm mắt trước những vấn đề ngổn ngang mà con người đối mặt khi phát triển trái đất, cả những vấn đề trong chính mình lẫn những vấn đề trong cuộc sống với người khác. Sẽ là thiếu thành thật nếu phớt lờ những vấn đề ấy; cũng vậy, sẽ là một sai lầm nếu trình bày các vấn đề ấy một cách không đúng đắn và không phù hợp qua việc không qui chiếu đến sự quan phòng và ý định của Thiên Chúa.

Công Đồng nói: “Ngày nay, tuy đã tự hào trước những khám phá và quyền lực mình, nhân loại vẫn thấy lo lắng thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và phận vụ của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài” (MV 3).

Rồi Công Đồng tiếp tục giải thích: “Cũng như trong bất cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự biến đổi này kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như đang khi bành trướng quá rộng quyền lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể bắt nó phục vụ mình. Cố gắng đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại tỏ ra hoang mang hơn về chính mình. Dò dẫm tìm hiểu rõ hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình” (MV 4).

Một cách rất ấn tượng, Công Đồng nói về “những mâu thuẫn và chênh lệch” là hệ lụy của sự thay đổi “nhanh chóng và lộn xộn” trong các điều kiện kinh tế xã hội, trong tập quán, trong văn hóa, trong suy nghĩ và trong lương tâm con người, trong gia đình, trong các mối quan hệ xã hội, trong quan hệ giữa các nhóm, các cộng đồng và các quốc gia. Điều này gây ra “những ngờ vực và thù nghịch nhau, những xung đột và thống khổ mà chính con người là nguyên nhân và nạn nhân.” (MV 8-10).

Cuối cùng, Công Đồng vạch ra gốc rễ của vấn đề nói trên khi tuyên bố: “Những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay gắn kết với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người” (MV 10).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 14/8

Thánh Maximilianô Maria Kolbê, linh mục tử đạo

Ed 9, 1-7; 10,18-22; Mt 18, 15-20.

Lời Suy Niệm: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,19-20)

          Đây là một trong những lời hứa của Chúa Giêsu, đồng thời cũng là lời mời gọi của Người đối với tất cả chúng ta. Đặc biệt trong lời hứa và mời gọi này Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta thấy được hai đặc ân quan trọng và cần thiết, đó là: khi chúng ta thật tình họp lại với nhau cầu xin nhân danh Người thì được chính Chúa Cha ban cho điều chúng ta cầu xin, đồng thời được diễm phúc là có sự hiện diện của Người trong lời cầu xin của chúng ta.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn tất cả chúng con, luôn biết kết hợp với nhau trong đời sống và cầu nguyện, để tất cả được gần gũi trong một tình yêu thương, xóa bỏ được mọi sự chia rẽ, ngăn cách, loại bỏ nhau. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết tận dụng mọi cơ hội để sum họp chia sẻ và cầu nguyện cho nhau, cho Giáo Hội cũng như cho toàn xã hội chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 14 tháng 8
THÁNH MAXIMILIANÔ MARIA KOLBE
(1894-1941)

1. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Cha Maximilianô Kolbe sinh tại Zdusnka Wola, nước Balan, ngày 8-1-1894. Năm 1907, nhập học tại chủng viện dòng Phanxicô, được gởi qua học ở Roma. Ngày 28-04-1918, thụ phong linh mục. Là một tông đồ nhiệt thành về lòng sùng kính thánh mẫu Maria, Cha Kolbe đã tích cực cổ võ lòng tôn sùng ấy đặc biệt bằng báo chí (Nguyệt san “Người hiệp sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm”) phát hành một lần tới một triệu số năm 1938) và bằng một trung tâm thánh mẫu. Năm 1930, cha qua Nhật và thành lập một trung tâm tương tự. Năm 1936, cha trở về Balan.

Ngày 1-9-1939, quân đội Đức của Hitler tấn công Balan, mở đầu cho cuộc thế giới chiến tranh thứ II.

Mười ngày sau, mật vụ Đức bắt giam cha Maximilianô Kolbe gần ba tháng. Được trả tự do, cha trở lại đời sống hoạt động tông đồ cho đến ngày 17-2-1941, thì bị bắt lại. Và lần này cha bị giam ở trại tập trung Auschwitz, nơi đã từng tiêu diệt 6 triệu người Do Thái và vô số những người khác trong các phòng hơi ngạt. Cha Kolbe cũng chết tại đó.

30 năm sau, ngày 17-10-1971 tại thánh đường Phêrô, Đức Giáo Chủ Phaolo VI đã long trọng phong cha lên hàng chân phước. Tại buổi lễ này người ta thấy có sự hiện diện của cụ Giasowniczek, người mà trước kia cha Maximilianô Kolbe đã chết thay cho.

Rồi ngày 10-10-1982 Đức Gioan Phaolô II đã phong Ngài lên bậc hiển thánh.

2. CHỨNG NHÂN ANH DŨNG

“Hôm ấy là ngày 30/7/1941, trong nhà giam số 14 tại trại tập trung Auschwitz, nơi mấy tháng trước đó, một nhóm tù nhân vừa được dẫn tới, trong đó có cha Maximilianô Kolbe, tu sĩ dòng Phanxicô Balan. Hôm ấy thiếu mất một tù nhân. Các tử tù biết rằng cứ một tù nhân đào thoát là hai mươi tù cùng trại phải nhịn ăn cho đến chết. Đêm ấy không ai trong khu nhà giam chợp mắt được. Mọi người đều sợ hãi, mặc dù nhiều lúc họ vẫn mong chờ cái chết đến để giải thoát họ.

Chết dưới làn đạn, có lẽ còn chịu được, nhưng chết đói chết khát thật là một cái chết kinh sợ nhất. Từ căn nhà hành hình, phát ra những tiếng la rú rùng rợn. Đêm ấy, cha Kolbe lo an ủi đồng bạn và giải tội cho những ai cần.

Sáng hôm sau khi điểm danh, tên cai ngục đã báo tin người ta đã không tìm lại được kẻ đào thoát. Cả trại 14 đứng im như  trời trồng và hồi hộp chờ án lệnh. Viên cai ngục dừng lại trước hàng những tù nhân và tuyên bố: “Mười đứa trong tụi bay sẽ chết thay nó. Lần sau sẽ là 20 đứa”. Tuyên bố xong hắn ta chậm rãi đi ngang qua hàng đầu, có vẻ suy nghĩ, rồi nói : “Tên này… tên này… tên này. Tất cả 10 người. 10 người bị tử hình”. Lúc đó một trong số những người ấy kêu lên: “Ôi vợ tôi, các con tôi!”. Những người còn đứng trong hàng ngũ thở ra nhẹ nhõm.

Nhưng rồi một chuyện bất ngờ xảy ra: Có một người tù không thuộc nhóm những người bị chỉ định, mạnh dạn bước ra khỏi đám người đang xếp hàng im lặng trong sợ hãi, nhìn thẳng vào người cai ngục. Tên này kinh ngạc lùi lại một chút rồi hô to: “Đứng lại!”

Cha Maximilianô Kolbe dừng lại trước mặt y. Thế rồi một cuộc đối thoại chưa từng nghe đã diễn ra. Một cuộc đối thoại điên khùng mà những người sống sót đã kể lại thật chính xác:

– Xin ông cho phép tôi được chết thay cho một trong những người bị lên án này!

Viên cai tù kinh ngạc nhìn cha.

– Anh là ai ?

– Là một linh mục công giáo.

– Anh muốn chết thế cho ai?

– Người này. Cha Kolbe chỉ vào người vừa mới la khóc.

– Tại sao?

– Bởi vì đời tôi không còn giúp ích gì mấy. Trong khi ông này còn có gia đình.

Viên cai trại suy nghĩ, rồi đưa tay ra hiệu đồng ý. Cha Kolbe nhập bọn với đám tử tội.

Một phút im lặng. Không ai hiểu rõ sự việc vừa xảy ra.

Các tù nhân bị lột hết quần áo, nhốt vào một căn hầm. Kể từ giây phút đó, người tù không còn gì để ăn và điều kinh khủng là không có gì để uống gì nữa.

Trước kia căn nhà hầm này luôn vang lên những tiếng kêu la thảm thiết. Thật là một địa ngục nhỏ. Nhưng lần này có cái gì đã thay đổi. Mấy người lính Đức quốc xã rất đỗi ngạc nhiên. Đám tử tù cầu nguyện và ca hát. Vẫn có tiếng rên rỉ, nhưng không còn là những tiếng kêu tuyệt vọng nữa.

Ngày thứ 12, tức ngày 14-08-1941 cửa phòng giam đói được mở ra. Mọi người  đều đã chết, trừ một mình cha Kolbe, với đôi mắt vẫn sáng dù thân mình tàn rũ. Cha ngồi giữa đất, đầu tựa vào tường, thân mình ngay thẳng và khuôn mặt rạng rỡ.  Viên cai ngục bắt ngài đưa tay ra và  chích cho một mũi thuốc độc ân huệ. Vị linh mục chết ngay. Họ đưa xe  đến  xúc xác ngài và các bạn tù  đem đi. Như bao nhiêu người khác, xác cha bị hoả thiêu trong lò và nắm tro tàn bị ném tung trong gió bốn phương.

3. THAY CHO LỜI KẾT

Đây là lời của Đức thánh Cha Phaolô VI

“Lịch sử sẽ không thể quên được trang sử ghê tởm này (của thời Đức quốc xã) nhưng giữa sự kinh hãi, người ta vẫn không thể không nhận ra những tia sáng tố giác bóng tối và đồng thời lướt thắng bóng tối. Một trong những tia sáng ấy, và có lẽ là tia sáng rực rỡ hơn hết, được ban cho chúng ta trong khuôn mặt tiều tụy và bình thản của cha M. Kolbe, vị anh hùng luôn bám chắc vào một niềm hy vọng nghịch lý nhưng có suy nghĩ. Tên tuổi Ngài mãi mãi lớn lao và sẽ nhắc nhở cho ta thấy rằng giữa những con người khốn khổ, vẫn có thể tồn tại những năng lực và giá trị luân lý phong phú biết bao !” (Bài giảng của Đức Phaolô VI…)

Và đây là những lời của Đức Hồng Y Wojtyla sau này là Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tại phòng họp báo toà thánh Vatican ngày 14-10-1971

“Chân phước Maximilianô Kolbe không biết đến hận thù là gì. Trong nhà tù Pawiak, ở Vacsava, trong trại tập trung Auschwitz Ngài nhìn những người hành hình cũng như những kẻ bị hành hình với cùng một cái nhìn trong sáng đến nỗi những kẻ tàn bạo nhất cũng phải quay mặt đi : “Đừng nhìn bọn tao như thế”. Con người mang bản số 16670 ấy đã dành được một cuộc chiến thắng khó khăn nhất: ấy là cuộc chiến của tình yêu biết xá tội, biết thứ tha. Ngài đã đi vào trong cái vòng luẩn quẩn hiểm ác của hận thù với một cõi lòng nóng bỏng tình yêu và lập tức cái “ngón trù ếm” quỉ quái của nó bị giải độc. Tình yêu đã mạnh hơn sự chết.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

14 Tháng Tám

Còn Tình Nào Cao Quý Hơn 

Vào khoảng cuối tháng 7/1941, một tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung Auschwitz. Theo quy định của những người Ðức quốc xã đang điều khiển trại, cứ một tù nhân đào thoát, thì 10 người khác phải thế mạng.

Duyệt qua khu biệt giam, viên chỉ huy Fritsch trỏ tay vào hàng rào các tù nhân và ông đếm từ 1 đến 10. Mười người bị tử thần chiếu cố đã lần lượt tiến đến trước mặt người đồ tể. Người thứ mười đứng cạnh cha Maximiliano Kobel chợt la lên thảm thiết: “Vợ tôi, con tôi, trời ơi! Tôi sẽ không bao giờ gặp được vợ con tôi”. Cha Maximiliano Kobel đã kéo người tử tội thứ mười đó lại và ngài tiến ra đứng thế chỗ cho anh…

Sau này, Francis Gajownizcek, người đàn ông đã được cha Maximiliano Kobel chết thế đã kể lại: Tinh thần trong trại thay đổi hẳn. Sự kiện này đã tạo ra một ấn tượng cao đẹp vàsâu xa… Vị linh mục dòng Fanxico đó không những chỉ chia sẻ cho các bạn tù một mẩu bánh, vài muỗng xúp, nhưng là chính mạng sống của mình để chuộc mạng cho người khác…

Liên tiếp trong hai tuần, cha Maximiliano Kobel đã phải nhịn đói, nhịn khát để chờ chết. Cơn hấp hối kéo dài quá lâu khiến những người Ðức quốc xã không thể chờ đợi được. Sau cùng, viên lý hình đã kết thúc cuộc đời của cha bằng một mũi thuốc độc.

Thân xác của cha đã được hỏa táng và tro tàng đã được rắc trên đồng lúa như phân bón. Nguyện ước lúc thiếu thời của cha đã được thành tựu: “Tôi ước ao được hóa thành tro bụi vì Ðức Trinh Nữ Vô Nhiễm nguyên tội. Ước gì tro đó được reo rắc khắp nơi trên thế giới để không còn một mảnh thi hài nào còn sót lại…”.

Nhà tù nào cũng có thể là một hỏa ngục: hỏa ngục của hận thù, của ích kỷ, của phản bội. Có lẽ nhiều người Việt Nam đã và đang trải qua những hành hạ dã man gấp bội phần những gì đã diễn ra trong các trại tập trung thời Ðức quốc xã…

Nhà tù có thể là hỏa ngục, nhưng cũng có thể là Thiên Ðàng: Thiên Ðàng của hy sinh, nhẫn nhục, yêu thương, tha thứ, quảng đại… Biết bao nhiêu hoa thơm đã chớm nở trong cảnh khốn cùng ấy. Khốn khổ càng nhiều, hy sinh càng cao.

“Không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu”. Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã đi đến cùng cam kết của Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không những là sự thể hiện của sự độc ác dã man của con người, nó còn là dấu chỉ của mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng…

Cái chết hy sinh vì người khác, Chúa Giêsu muốn luôn được tiếp tục qua cuộc sống của người Kitô. Ðã có rất nhiều người đã lập lại cái chết đó qua suốt lịch sử của Giáo Hội và hiện nay, còn biết bao nhiêu người vẫn còn tái diễn cái chết đó qua những hy sinh hằng ngày của mình…

Hôm nay, chúng ta kính nhớ thánh Maximiliano Kobel, ngươòi đã chết thay cho một người bạn tù. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 10/10/1982 và đặt ngài làm quan thầy của thời đại khó khăn. Kinh nghiệm của ngài chắc chắn đang tái diễn hằng ngày trong xã hội chúng ta, trong đó người Kitô không ngừng được mời gọi để quên mình và sống cho người khác.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 19 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Eze 9:1-7, 10:18-22; Mt 18:15-20

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giáo dục và hình phạt.

            Tiêu diệt một phạm nhân là điều công bằng và dễ làm; nhưng giáo dục phạm nhân đó để họ trở thành con người lành thánh là điều khó làm, nhưng đó là điều Thiên Chúa đã làm, và Ngài muốn mọi người chúng ta thực hiện điều đó. Trong tiến trình giáo dục, chúng ta phải giúp cho tội nhân nhận ra tội của mình bằng những nhân chứng khác nhau. Nếu tội nhân vẫn cố tình vi phạm, phải bị cảnh cáo và chịu những hình phạt nhẹ. Sau cùng, nếu tội nhân vẫn ngoan cố không chịu lìa bỏ tội lỗi của mình, họ mới bị tiêu diệt.

            Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hai cách giáo dục của Thiên Chúa và của Đức Kitô. Trong bài đọc I, Đức Chúa cho ngôn sứ Ezekiel thấy những thị kiến khác nhau để ông nhận ra sự giáo dục của Ngài dành cho con cái Israel. Tiêu diệt họ và phá hủy Đền Thờ chỉ là biện pháp sau cùng, sau khi Ngài đã dùng tất cả các biện pháp. Tuy nhiên, nếu bất cứ người Do-thái nào nhận ra và khóc than tội lỗi mình, Ngài sẽ không tiêu diệt họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ về cách sửa lỗi anh/chị/em của mình: bắt đầu giữa hai người, sau đó mời thêm các nhân chứng, sau cùng mới đem ra cộng đoàn; khai trừ khỏi cộng đoàn chỉ xảy ra khi tội nhân vẫn ngoan cố không nhận tội.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hình phạt của Thiên Chúa dành cho con cái Israel.

1.1/ Thiên Chúa tiêu diệt Jerusalem: Ezekiel là ngôn sứ của thời lưu đày. Sứ vụ của ông là làm cho con cái Israel nhận ra tội lỗi của họ và khuyến khích họ quay trở về với Đức Chúa. Phương cách của ông là trình bày một Thiên Chúa công bằng và nhân từ trong việc sửa phạt: ông liệt kê các tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Đức Chúa, Ngài đã cảnh cáo họ nhiều lần qua các ngôn sứ (Isaiah, Jeremiah, Micah) và nói trước về các hình phạt sẽ xảy ra, sau cùng Ngài mới ra tay phạt. Khi phải phạt, Ngài cũng rất công bằng, chỉ những người tội lỗi mới bị phạt; ai nhận ra tội lỗi và ăn năn trở lại, Đức Chúa sẽ cho hồi hương và phục hồi xứ sở.

            Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa có giới hạn vì họ đã quá khinh thường các lời giáo huấn của Ngài. Thị kiến mà Ezekiel mô tả hôm nay báo trước những gì sẽ xảy ra cho Đền Thờ và dân thành Jerusalem. Thiên Chúa không trừng phạt tất cả mọi người trong thành vì vẫn có những người biết thờ phượng Ngài và gớm ghét tất cả mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong thành, nhưng chỉ các tội nhân mà thôi. Để phân biệt người công chính ra khỏi các tội nhân, thiên thần của Chúa sẽ đi khắp thành và đánh dấu chữ thập trên trán những người công chính trước khi các thiên thần có bổn phận phải trừng phạt sẽ theo sau tàn sát.

1.2/ Thiên Chúa rời bỏ Đền Thờ Jerusalem: Từ thời vua Solomon, người Do-thái tin tưởng Đền Thờ Jerusalem là nơi Thiên Chúa hiện diện với con cái Israel, là Nhà của Ngài. Nhiều người vẫn nghĩ Đức Chúa sẽ không bao giờ phá hủy hay để cho quân thù phá hủy Nhà của Ngài, mặc dù Đức Chúa đã phán qua các ngôn sứ: Đền Thờ không đủ bảo đảm sự an toàn của họ.

            Thị kiến Ezekiel nhìn thấy hôm nay muốn làm sáng tỏ một điều: Đức Chúa không còn hiện diện trong Đền Thờ nữa. Trước khi phá hủy Đền Thờ, Thiên Chúa được di chuyển khỏi đó.

Các cherubim (thần sốt mến) là những người di chuyển. Hình phạt đau đớn nhất cho con cái Isael là Đức Chúa không còn ở với họ nữa.

2/ Phúc Âm: Cách sửa lỗi cho nhau

            Như chúng ta đã nhấn mạnh: mục đích của việc sửa lỗi là để đưa người anh em phạm lỗi trở về, chứ không phải vì tự ái, vì tức giận, hay bất kỳ lý do nào khác. Vì thế, việc sửa lỗi cần được làm hết sức khôn ngoan và tế nhị mới mong đạt được kết quả tốt đẹp. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra phương pháp sửa lỗi rất khôn ngoan với ba tiến trình tuần tự phải làm:

            (1) Bước đầu tiên: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” Điều Chúa muốn mạnh trong bước đầu tiên này là giữa hai người mà thôi. Tại sao? Vì tâm lý con người rất phức tạp, họ không muốn tội của họ bị phơi bày trước đám đông, nhất là trước mặt những người có liên hệ mật thiết với họ. Vả lại bước này cũng cần cho việc bảo đảm sự công bằng, vì người vi phạm có cơ hội trình bày lý do và hoàn cảnh tại sao họ làm như thế.

            (2) Bước thứ hai: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Nếu chuyện giữa hai người không thể giải quyết được thì cần thêm nhân chứng. Theo phong tục của Do Thái, lời chứng của 3 người trở lên là chứng thật. Để có thể chinh phục được người anh em, chúng ta cần khôn ngoan trong việc chọn các nhân chứng: cần chọn những người có thế giá và được sự kính trọng của người anh em phạm lỗi. Nếu không, kết quả sẽ không được như chúng ta mong muốn vì người anh em đó có thể cho chúng ta “bè cánh” để ức hiếp họ.

            (3) Bước sau cùng: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh (ekklesía)[1]. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” Nếu người anh em đó vẫn không chịu nghe lời các nhân chứng thì mang nó ra trước cộng đoàn. Mỗi cộng đoàn đều có hiến pháp, luật lệ và hình phạt cho những thành viên vi phạm. Hình phạt sau cùng là khai trừ họ ra khỏi cộng đoàn. Phúc Âm nói hãy coi họ như người Dân Ngoại (ngoài Do Thái) hay một người thu thuế (tội lỗi). Dĩ nhiên Phúc Âm ở đây không có ý so sánh với những người Dân Ngoại chưa có cơ hội biết Chúa và những người thu thuế chưa có cơ hội ăn năn trở lại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Sửa lỗi là việc làm hết sức tế nhị, nhất là sửa lỗi cho những người bằng vai hoặc vai trên chúng ta. Vì thế, có nhiều người chủ trương xin hai chữ bình an vì không muốn mất thời gian, gánh chịu ghen ghét, và hậu quả không hay có thể sẽ đến. Nhưng như Lời Chúa hôm nay, sửa lỗi là một bổn phận để đưa người anh em tội lỗi trở về, chứ không phải là việc có thể không làm.

            – Biết bao lần chúng ta đã sửa lỗi không vì mục đích “đưa họ trở về,” nhưng vì không kềm được tính nóng giận, để vạch lá tìm sâu… Hình phạt chỉ là bước sau cùng phải áp dụng trên người lầm lỗi sau khi đã áp dụng cả 3 bước này, và mục đích của hình phạt là để thanh tẩy chứ không để hủy hoại con người.

            – Ba bước phải làm mà Chúa dạy hôm nay sẽ bảo đảm sự công bằng và tránh được các nỗi sợ về phương diện tâm lý.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] Danh từ ekklesía gây nhiều tranh cãi, vì làm gì đã có Hội Thánh hay Giáo Hội khi Chúa Giêsu nói những lời này? Theo tự điển, danh từ này có nhiều nghĩa: nhà thờ, giáo đoàn, buổi hội họp cho cả tôn giáo, chính trị, chính thức hay không chính thức. Điều muốn được hiểu ở đây là mang đương sự ra một tổ chức mà đương sự thuộc về, để tổ chức này xử lý và cho hình phạt.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************