Ngày thứ tư (20-02-2019) – Trang suy niệm

19/02/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần VI Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: St 8, 6-13. 20-22

“Ông nhìn thấy mặt đất đã khô ráo”.

Trích sách Sáng Thế.

Sau bốn mươi ngày, Noe mở cửa sổ tàu mà thả một con quạ. Nó bay đi bay về cho đến khi nước trên mặt đất khô cạn thì mới không bay về nữa. Sau con quạ, ông cũng thả một con chim bồ câu, để thử coi nước trên mặt đất đã cạn chưa. Nhưng nó không tìm được chỗ đậu, nên trở về với ông trong tàu, vì nước còn đầy khắp mặt đất. Ông giơ tay bắt nó đem vào tàu. Chờ bảy ngày nữa, ông lại thả chim bồ câu ra khỏi tàu. Đến chiều, nó bay trở về, mỏ ngậm một cành ô liu xanh tươi. Vậy ông Noe hiểu rằng nước trên mặt đất đã khô cạn. Nhưng ông còn đợi thêm bảy ngày nữa, ông thả chim bồ câu ra, và nó không trở về.

Ngày thứ nhất tháng thứ nhất, năm ông Noe được sáu trăm lẻ một tuổi, thì nước trên mặt đất đã rút đi. Noe dỡ mui tàu và nhìn thấy mặt đất đã khô ráo. Noe dựng một bàn thờ tế lễ Chúa; ông bắt các gia súc và chim chóc thanh sạch mà dâng làm của lễ toàn thiêu trên bàn thờ. Thiên Chúa hưởng mùi thơm tho và nói: “Từ nay trở đi, chẳng bao giờ vì cớ nhân loại mà Ta chúc dữ trái đất nữa, vì tâm tình và tư tưởng lòng con người đã nghiêng chiều về đàng trái từ niên thiếu. Vậy Ta sẽ không còn tiêu diệt mọi sinh vật như Ta đã làm. Từ đây, bao lâu còn vũ trụ, thì mùa gieo mùa gặt, giá rét nắng nôi, mùa hạ mùa đông, đêm và ngày vẫn còn tiếp diễn”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 14-15. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Con lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

2) Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. – Đáp.

3) Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem hỡi. – Đáp.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 8, 22-26

“Người mù khỏi hẳn và thấy được mọi vật rõ ràng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: “Ngươi có thấy gì không?” Anh nhìn lên và trả lời: “Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi”. Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: “Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

20/02/2019 – THỨ TƯ TUẦN 6 TN

Th. Phan-xi-cô Mác-tô và Gia-xin-ta Mác-tô

Mc 8,22-26

HÀNH TRÌNH MỞ MẮT ĐỨC TIN

Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” (Mc 8,23)

Suy niệm: Để chữa lành anh mù hôm nay, Chúa Giê-su đã làm một loạt các hành động: “cầm tay”, “đưa đi”, “nhổ nước miếng”, “đặt tay” và “hỏi”, thế mà hiệu quả là anh ta chỉ thấy lờ mờ. Tại sao Chúa Giê-su phải vất vả như vậy? Ở các lần chữa bệnh khác, Chúa chỉ cần nói một lời là đem lại hiệu quả tức thì: kẻ què đi được, kẻ chết sống lại (x. Mc 1,11; Lc 7,14; Ga 11,43…). Phải chăng vì ca bệnh hôm nay quá khó khiến Ngài phải đặt tay trên mắt anh một lần nữa? Hẳn là không. Nhưng hành động như thế, Chúa muốn cho các môn đệ thấy hành trình mở mắt đức tin của họ cũng diễn ra như vậy. Họ đã theo Chúa bao năm nhưng con mắt đức tin của họ vẫn mù tối. Trước khi chữa lành cho anh mù, Chúa đã nặng lời trách các ông: “Lòng anh em ngu muội thế sao? Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (Mc 8,17-18). Quả thế, các ông chỉ thực sự thấy và biết Chúa cách tỏ tường khi Ngài từ cõi chết sống lại.

Mời Bạn: “Con có thấy gì không?” Ngày hôm nay Chúa vẫn hỏi mỗi người chúng ta như thế. Có thể con mắt thể lý của chúng ta thấy rõ ràng nhưng chưa chắc con mắt đức tin đang thật sự sáng tỏ. Vậy, muốn được Chúa mở con mắt đức tin, bạn hãy để Ngài chạm đến, cầm lấy và dẫn bạn đi trên con đường của Ngài.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy đi thăm hỏi những người già yếu, bệnh tật trong khu xóm của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin mở mắt đức tin cho con, để con nhìn thấy Chúa hiện diện trong mỗi người anh em, trong mỗi biến cố và trong mỗi giây phút của đời con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

20 THÁNG HAI

Những Bã Phù Vân

Sứ điệp đầu tiên của mùa Chay – trong ngày Thứ Tư Lễ Tro – là một sứ điệp rất sâu sắc và quyết liệt: “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro!”

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể thực sự tìm thấy sự viên mãn? Làm thế nào người ta có thể hoàn thành chính mình trong cõi đời này khi mà mầm hủy diệt con người đã có sẵn đấy và thế giới được đặt dưới qui luật của sự chết? Con người kiếm tìm sự sống trong thế giới xung quanh mình, nhưng điểm đến của con người lại là thực tại sự chết!

Vâng, trong cuộc đời tạm bợ này, chúng ta có thể có một số niềm thỏa mãn ‘phù du’ nào đó. Những niềm thỏa mãn ấy không thể kéo dài. “Nguơi sẽ trở về tro bụi” – Thiên Chúa nói với con người như thế.

Chúng ta phải biết lắng đọng tâm hồn và nhìn vào trong thâm sâu hữu thể của mình. Và chúng ta sẽ nhận ra những mầm mống bất tử của chính mình. Chúng ta cũng sẽ nhận ra tính bèo bọt vô ích của những nỗ lực nơi mình nhằm tìm kiếm các thỏa mãn phù vân.

Và chính khi nhận thức được như vậy, chúng ta có thể bắt đầu hiểu ra tại sao Thiên Chúa mời gọi mình: “Hãy trở về với Ta!” Vâng, Ngài mời gọi chúng ta trở về với Ngài bằng cả tấm lòng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 20/2

St 8, 6-13. 20-22; Mc 8, 22-26.

LỜI SUY NIÊM: “Đức Giêsu và các môn đệ đến Bếtsađa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giêsu sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?”

          Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được sự quan tâm của những con người đang sống chung quanh người mù, họ đã đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu, họ dẫn người mù đến với Người, và nài xin Người chữa cho anh ta được thấy; đồng thời cũng giúp cho mỗi người nhận thấy tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với người mù và sự đáp lại lời nài xin của những người đã trông cậy ở nơi Người. Người đã chữa lành.cho người mù được thấy một cách thật rõ ràng.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con đôi khi cũng vấp phải những chứng mù, khi những anh chi em chung quanh chúng con đang gặp khó khăn, chúng con đã làm ngơ. Nguyện xin Chúa ban cho chúng con ân huệ được chữa lành, và ban cho chúng con quả tim đầy yêu thương, để biến những trắc ẩn trở thành những công việc phục vụ thiết thực với người anh em.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

20 Tháng Hai

Giáo Ðường 

Văn hào Aleksandr Solzenicyn đã ca tụng những ngôi giáo đường bằng những vần thơ như sau: 

“Thư thái trên sườn đồi, ngạo nghễ trên những ngọn núi cao, hãy ẩn mình trong những dòng sông sâu, những ngôi giáo đường đẹp như những công chúa vận xiêm y rực rỡ.

Nhìn xuống những mái nhà gỗ tranh là những ngọn tháp chuông hùng dũng. Từ phố chợ đến thôn quê, từ đỉnh tháp hướng về trời cao, những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi nhau.

Từ thuở nào con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm, trên đồng ruộng, trên núi rừng, người người dừng lại, ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của họ.

Cha ông của chúng tôi đã để lại phần cao quý nhất cảu các ngài. Mãi mãi, tâm tình của các ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đá này, trong những tháp chuông này”.

Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, giáo đường vẫn luôn là biểu trưng của sự sống. Còn gì buồn thảm cho bằng một ngôi giáo đường biến thành bảo tàng viện hoặc không còn người lui tới.

Giáo đường là nhà của con người: gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp, gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, giáo đường chính là nơi gặp gỡ giữa người với người: gặp gỡ ở trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải, gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để trở lại cuộc sống với hăng say và nhiệt thành hơn.

Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà vẫn khước từ gặp gỡ với tha nhân. Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà lại không muốn gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta không thể tách biệt nhà thờ ra khỏi cuộc sống. Bao lâu ngôi giáo đường còn đó, bấy lâu người Kitô vẫn được mời gọi để nối kết đức tin với cuộc sống hằng ngày.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 6 TN1, Năm lẻ

Bài đọc: Gen 8:6-13, 20-22; Mk 8:22-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần kiên nhẫn trong mọi việc.

Con người thường có khuynh hướng làm việc gì là muốn phải nhìn thấy kết quả ngay; nếu không sẽ dễ dàng chán nản và bỏ cuộc. Nhưng “dục tốc bất đạt,” làm việc gì cũng cần có thời gian, vội vã quá sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Hơn nữa, việc càng khó, thời gian chờ đợi càng lâu. Ví dụ, để có thể tốt nghiệp đại học, con người cần ít nhất 16 năm, qua những giai đọan: tiểu học, trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp, và đại học. Mỗi giai đọan đều phải qua một kỳ thi để chứng tỏ khả năng để tiến tới giai đọan mới. Trong việc luyện tập các nhân đức cũng thế, con người phải kiên nhẫn với mình và với người khác; bắt đầu luyện tập bằng các việc nhỏ dễ làm, rồi tiến dần đến những nhân đức khó khăn hơn, trước khi có thể sống các nhân đức cách dễ dàng.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong đề tài phải kiên nhẫn chờ đợi trong mọi sự. Trong Bài Đọc I, sau 40 ngày đêm Đức Chúa cho mưa liên tục trên mặt đất, ông Noah phải đợi cho nước rút xuống. Để thử xem nước đã rút hết chưa, ông Noah dùng chim quạ và chim bồ câu nhiều lần để thử. Khi thấy chim bồ câu bay đi không về nữa, ông mới dám mở cửa tàu, vì biết nước đã cạn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa người mù qua hai giai đọan. Lần đầu, anh mù chỉ thấy người ta đi đi lại lại như những cây cối. Lần thứ hai anh mới nhìn thấy tất cả rõ ràng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ông Noah kiên nhẫn chờ nước rút.

1.1/ Giai đọan nước rút của Lụt Hồng Thủy: Trình thuật không nói ông Noah chờ bao nhiêu ngày trước khi mở cửa sổ: có thể ông cho mở ngay, có thể chờ vài ngày. Nhưng ít nhất, ông phải chờ 14 ngày giữa 3 lần thả chim bồ câu. Dùng chim để liên lạc là khí cụ thông tin của người xưa. Trình thuật không cho lý do tại sao ông Noah dùng con quạ, có lẽ con quạ không đáng tin, nên Noah phải dùng chim bồ câu. Chim bồ câu được dùng nhiều trong việc mang thư của người xưa, vì nó rất rành đường đi lối về; một khi đã biết đường về nhà là không bao giờ lạc nữa, cho dù có thả đi bất cứ nơi nào trên mặt đất. Ông Noah dùng chim bồ câu để thử nước rút 3 lần:

(1) Lần thứ nhất: Sau khi thả con quạ, ông lại thả con bồ câu, để xem nước đã giảm trên mặt đất chưa. Nhưng con bồ câu không tìm được chỗ đậu, nên trở về tàu với ông, vì còn nước trên khắp mặt đất. Ông bèn giơ tay bắt lấy nó mà đưa vào trong tàu với ông.

(2) Lần thứ hai: Ông đợi thêm bảy ngày, rồi thả con bồ câu ra khỏi tàu một lần nữa. Vào buổi chiều, con bồ câu trở về với ông, và ông trong mỏ nó có một nhành lá ôliu tươi! Ông Noah biết là nước đã giảm trên mặt đất.

(3) Lần thứ ba: Ông lại đợi thêm bảy ngày, rồi thả con bồ câu ra, nhưng nó không trở về với ông nữa. Ông biết là nước đã cạn hẳn.

Ngày mồng một, tháng một, năm sáu trăm lẻ một đời ông Noah, là ngày nước đã khô ráo trên mặt đất. Ngày đầu năm này báo trước Biến Cố Xuất Hành, biến cố này cũng xảy ra vào ngày đầu năm (x/c Exo 12:40-42). Điều này nhấn mạnh cho con người biết sự tái tạo bắt nguồn từ Thiên Chúa, chính Ngài đã bắt đầu một kỷ nguyên mới cho con người.

1.2/ Giao ước mới giữa Thiên Chúa và Ông Noah: Theo trình thuật của J, Lụt Hồng Thủy kết thúc với biến cố con người được nối lại tình nghĩa với Thiên Chúa qua việc dâng lễ vật tòan thiêu.

(1) Phía con người: Ông Noah đại diện cho đám người còn sót lại sau Lụt Hồng Thủy. Ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ. Đây là lần đầu tiên nói tới việc dâng thú vật thanh sạch và lễ vật tòan thiêu cho Thiên Chúa.

(2) Phía Thiên Chúa: Đức Chúa ngửi mùi thơm ngon, và Đức Chúa tự nhủ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm!” Sau Lụt Hồng Thủy, Thiên Chúa biết con người vẫn phạm tội, nhưng lòng nhân từ của Ngài sẽ tha thứ. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng được biểu lộ trong thiên nhiên, qua việc Ngài sẽ không đảo lộn các trật tự của thời gian và thời tiết nữa.

2/ Phúc Âm: Chúa chữa người mù qua hai giai đọan.

2.1/ Điểm đặc biệt của phép lạ: Phép lạ này chỉ được tường thuật bởi Marcô mà thôi. Trong các phép lạ Chúa Giêsu làm, rất ít khi Ngài dẫn bệnh nhân ra nơi khác như trình thuật hôm nay và trình thuật khi Chúa Chúa Giêsu chữa người điếc và ngọng. Tác-giả không cho biết lý do, nhưng có lẽ cho lợi ích của bệnh nhân. Người mù ở trong bóng tối lâu năm, nên rất nhạy cảm với ánh sáng. Đức Giêsu chữa anh qua hai giai đọan:

(1) Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.”

(2) Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự.

Giống như những trình thuật khác trong Marcô, để bảo đảm “bí mật Đấng Thiên Sai,” Chúa Giêsu cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”

2.2/ Hành trình đức tin trong việc nhận ra Thiên Chúa: Nếu so sánh phép lạ này với phép lạ Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thấy có những điểm tương đồng và khác biệt: Điểm giống nhau là Chúa Giêsu lấy nước miếng trộn với đất và đem xức vào mắt người mù; điểm khác biệt là Chúa Giêsu lại đặt tay trên mắt anh trong Marcô và anh thấy rõ ràng; trong khi Chúa Giêsu sai anh mù đi rửa mắt ở Hồ Siloam trong Gioan, và sau khi rửa, anh được sáng.

Trình thuật Gioan nhấn mạnh đến sự khai mở niềm tin của người mù qua những giai đọan khác nhau. Trong mỗi giai đọan, anh tuyên xưng Chúa Giêsu bằng những tên khác nhau theo sự thật đầy đủ hơn: Lần thứ nhất khi được hỏi bởi hàng xóm ai đã chữa anh, anh tuyên xưng “Người tên là Giêsu.” Lần thứ hai, khi bị tra vấn bởi nhà cầm quyền, anh tuyên xưng: “Người là một tiên-tri.” Lần thứ ba, khi bị tra vấn bởi các kinh-sư, anh nói: “Người phải đến từ Thiên Chúa.” Lần cuối cùng, khi được hỏi bởi chính Chúa Giêsu, anh nhìn nhận: “Người là Đấng Thiên Sai.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thời gian chờ đợi là kẻ thù của con người. Rất nhiều người đã chán nản bỏ cuộc vì phải chờ đợi quá lâu, nhưng như lời Chúa phán: “Ai bền vững đến cùng, kẻ ấy mới được cứu thóat.”

– Để có thể thành công, chúng ta đừng vội phải nhắm ngay đích điểm, nhưng biết chia thành những giai đọan với những đích nhỏ hơn. Người kiên nhẫn, tuy chậm, nhưng bò lâu ngày rồi cũng tới đích.

– Trong mối tương quan với Thiên Chúa, chúng ta cần phát triển mối liên hệ với Thiên Chúa mỗi ngày qua việc trung thành cầu nguyện và sống những gì Ngài dạy. Trong mối tương quan với tha nhân, chúng ta cũng cần thời gian để hiểu biết, chia sẻ, chấp nhận, và giúp cho nhau mỗi ngày một thăng tiến hơn.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************