Ngày thứ tư (20-03-2024) – Trang suy niệm

19/03/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần V Mùa Chay – Năm B

BÀI ĐỌC I: Đn 3, 14-20. 91-92. 95

“Người đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ Người”.

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Trong những ngày ấy, vua Nabucôđônôsor nói rằng: “Hỡi Sidrach, Misach và Abđênagô, có phải các ngươi không chịu thờ các thần của ta và lạy tượng vàng ta đã dựng không? Vậy nếu các ngươi đã sẵn sàng, thì lúc nghe tiếng kèn, tiếng huyền cầm, tiếng còi, quyển sáo và các thứ nhạc khí, các ngươi phải sấp mình thờ lạy tượng ta đúc. Nhưng nếu các ngươi không chịu sấp mình thờ lạy, lập tức các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa cháy bừng. Và coi Chúa nào sẽ cứu thoát các ngươi khỏi tay ta”. Sidrach, Misach và Abđênagô trả lời với vua Nabucôđônôsor rằng: “Tâu lạy vua, chúng tôi không cần trả lời cùng vua về việc này, vì đây Thiên Chúa chúng tôi thờ có thể cứu thoát chúng tôi khỏi lò lửa cháy bừng, và khỏi tay đức vua; nhược bằng Thiên Chúa chúng tôi không muốn thì, tâu lạy vua, vua nên biết rằng chúng tôi không thờ các thần của vua và không lạy tượng vàng của vua dựng lên”.

Bấy giờ vua Nabucôđônôsor thịnh nộ, mặt biến sắc, nhìn thẳng vào Sidrach, Misach và Abđênagô, ông ra lệnh đốt lò nóng hơn thường gấp bảy lần, và truyền lệnh các tráng sĩ trong cơ binh trói chân Sidrach, Misach và Abđênagô, và ném vào lò lửa cháy bừng.

Bấy giờ vua Nabucôđônôsor bỡ ngỡ, vội vã đứng lên và nói với các triều thần rằng: “Chớ thì ta không ném ba người bị trói vào lò lửa sao?” Các ông trả lời với vua rằng: “Tâu lạy vua, thật có”. Vua nói: “Đây ta thấy có bốn người không bị trói đi lại giữa lò lửa mà không hề hấn gì; dáng điệu người thứ tư giống như Con Thiên Chúa”. Vua Nabucôđônôsor nói tiếp: “Chúc tụng Chúa của Sidrach, Misach và Abđênagô, Đấng đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ tin cậy Người, không chịu vâng phục mệnh lệnh của nhà vua và thà hy sinh thân xác, chớ không phục luỵ thờ lạy Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa của họ”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Đn 3, 52. 53. 54. 55. 56

Đáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).

 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời.  

2)Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.  

3)Chúc tụng Chúa ngự lên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.  

4)Chúc tụng Chúa, Đấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.  

5)Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.  

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 11, 25a và 26

Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.

PHÚC ÂM: Ga 8, 31-42

“Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói ‘Các ngươi sẽ được tự do’?”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Điều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

20/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN 5 MC

Ga 8,31-42

GIẢI THOÁT KHỎI NÔ LỆ TỘI LỖI

“Thật, tôi bảo thật cho các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.” (Ga 8,34)

Suy niệm: Người Do Thái đang sống dưới ách thống trị của đế quốc Rô-ma thế mà lòng kiêu hãnh dân tộc vẫn không chấp nhận bị nô lệ: “Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ” (Ga 8,33). Chúa Giê-su nhắc họ về một tình trạng nô lệ nguy hiểm hơn nhiều: nô lệ cho nết xấu, cho tội lỗi; nguy hiểm hơn vì: – nó khó nhận biết: đang bị nó trói buộc mà vẫn tưởng mình tự do; – nó là viên thuốc độc bọc đường: người ta phạm tội mà vẫn cảm thấy vui khoái, an nhiên tự tại. Lời Chúa cảnh báo người Do Thái cũng là cảnh báo chúng ta phải gọi đích danh, nhìn đúng chân tướng của thứ nô lệ nguy hiểm này.

Mời Bạn: Chế độ nô lệ ngày nay đã bị xoá bỏ, nhưng vẫn còn đó biết bao nhiêu kiểu nô lệ mới: tình trạng bóc lột sức lao động, cách riêng lao động trẻ em, những hình thức mại dâm công khai hoặc trá hình, v.v… Bi đát hơn nữa có những thứ nô lệ trói buộc cả tinh thần: Cứ nhìn những người nghiện ma túy trong cơn vật vã khi thiếu thuốc mới thấy hết nỗi khổ của những ai phải chịu cảnh nô lệ do đam mê tự họ gây nên. Rồi còn những thứ nghiện mới, nghiện mua sắm, nghiện trò chơi trên mạng… Những thứ đó làm người ta mất tự do nhưng vẫn cứ tưởng rằng: “Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ.” Mời bạn xét mình xem còn đam mê nào bạn đang vướng mắc mà không thể dứt bỏ.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một thói quen xấu trong Mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối trước những cảm dỗ của thế gian. Xin thêm sức cho con, để con có thể vác thập giá theo Chúa bằng cách từ bỏ lối sống theo trào lưu tục hóa của thế giới hôm nay. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Những dân tộc bị đô hộ nhiều năm mới hiểu được giá trị của giải phóng.
Những ai bị cầm tù, bị áp bức mới hiểu được giá trị của tự do.
Những ai đã từng bị vướng vào ma túy, cờ bạc, rượu chè,
mới hiểu nỗi sướng vui của người thoát khỏi vòng nô lệ của chúng.
Chế độ nô lệ đã cáo chung, nhưng lại thấy xuất hiện nhiều dạng nô lệ mới.
Con người trở nên nô lệ cho chính những sản phẩm tinh tế của mình,
và nhất là không thể giải phóng mình khỏi cái tôi ích kỷ.
Tự do mãi mãi là khát vọng của con người.
Con người vẫn chờ một Đấng Giải Phóng để mình được thật sự tự do.

Những người Do-thái đang tranh luận gay gắt với Đức Giêsu.
Họ hãnh diện vì mình thuộc dòng dõi ông Abraham,
nên cho mình là người tự do, chưa hề làm nô lệ cho ai bao giờ (c. 33).
Đức Giêsu lại nhìn tự do theo một chiều hướng khác.
Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, người ấy không có tự do (c. 34).
Tự do không bắt nguồn từ việc mình thuộc dòng dõi ông Abraham.
Tự do đến từ việc tin vào lời sự thật của Đức Giêsu.
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi…các ông sẽ biết sự thật
và sự thật sẽ cho các ông được tự do” (c. 32).
Tự do đến từ chính con người của Ngài :
“Nếu Người Con có cho các ông tự do, các ông mới thực sự tự do” (c.36).

Những người Do-thái cố chấp, chỉ tìm cách giết Đức Giêsu (cc. 37, 40).
Họ không muốn nhận lời sự thật mà Ngài nghe được từ Thiên Chúa (c. 40).
Khi từ chối sự thật, họ đã trở nên nô lệ cho sự dối trá và sát nhân.
Đức Giêsu là Đấng Giải Phóng, Đấng cho người ta được tự do thực sự.
Con người bị trói buộc bởi nhiều mối dây, bởi những tính toán ích kỷ hẹp hòi
mà tự sức mình không sao thoát ra được.
Hãy đến với Giêsu, mở ra với Giêsu, ta sẽ thấy mình được thanh thoát như Ngài.

“Giả như các ông là con cái ông Abraham,
hẳn các ông phải làm điều ông Abraham đã làm” (c. 39).
Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi,
vì tôi đã phát xuất từ Thiên Chúa…” (c. 42).
Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu
thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham hay con cái Thiên Chúa.
Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại trừ Đức Giêsu.

Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng đã tuyên xưng
từ bỏ tội lỗi, để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa,
từ bỏ những quyến rũ bất chính, để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi.
Mùa Chay là thời gian để chúng ta trở lại điều mình đã tuyên xưng,
để được sống đúng với ơn gọi Kitô hữu mình đã lãnh nhận.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
Giàu sang, danh vọng, khoái lạc.
Là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
Và không cho chúng con tự do ngước lên cao
Để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
Khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
Nhờ cảm nghiệm được phần nào
Sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
Bán tất cả những gì chúng con có,
Để mua được viên ngọc quí là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
Trước những lời mời gọi của Chúa,
Không bao giờ ngoảnh mặt
Để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

20 THÁNG BA

Phải Chăng Chúng Ta Đã Từ Khước Tình Cha?

Chỗi dậy và trở về với Cha (Lc 15,18), chúng ta sẽ lấy lại được những gì mình đã đánh mất do tội lỗi. Giống như Người Con Đi Hoang, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng khi mình sống trong tội lỗi, mình đã phong tỏa chính mình khỏi sự bảo vệ và tình yêu của Cha. Chúng ta sẽ nhận hiểu tấm lòng Cha yêu thương ta biết mấy – thế mà ta đã quay lưng lại với Ngài!

Sa vào tội lỗi và hoang phí sản nghiệp của Cha, chúng ta đã bứt đứt mọi mối gắn kết giữa Cha với mình. Chúng ta không đáng được Cha tiếp nhận vào nhà. Sự hòa giải chỉ có thể bắt đầu khi Người Con Đi Hoang thực sự muốn quay về. Rồi, tình yêu và lòng nhân hậu của Cha có thể giúp người con ương ngạnh ấy thắng vượt mặc cảm tội lỗi và bất xứng của mình. Chính khi nhìn vào đáy mắt Cha mình là lúc anh ta nghe được lời tha thứ.

Về gần đến nhà Cha mình, người con trai tự nghĩ : “Con không đáng được gọi là con của Cha nữa”. Nhưng Cha anh đang quay quắt đợi chờ, bền bỉ đợi chờ; và thoạt trông thấy bóng anh, ông tràn ngập vui mừng. Người Cha quên hết những điều sai trái mà con mình đã phạm. Người Cha vồn vã ôm chầm lấy đứa con đang hối hận tận đáy lòng. “Lạy Cha, con đã lỗi phạm …, con không đáng được gọi là con của Cha nữa” (Lc 15,21).

Trong Mùa Chay này, mỗi người chúng ta – dù tội lỗi có tày đình đến mấy đi nữa – cũng có thể quay về và thú nhận tội lỗi của mình. Chúng ta cần phải vạch mặt chỉ tên rõ ràng những tội lỗi của mình – và tiến về phía vòng tay đang đón đợi của Cha.

Chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình trở về nhà Cha. Hãy khảo sát lương tâm mình, xưng thú tội lỗi mình, thống hối và quyết tâm sống một đời sống mới. Đó là những bước của một lộ trình hoán cải.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 20/3

Đn 3, 14-20. 24-25. 28; Ga 8, 31-42.

Lời Suy Niệm: Đức Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẻ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.”

          Điều Chúa Giêsu đã nói với những người Do Thái đã tin vào Người,  cũng như với mỗi người trong chúng ta hôm nay. Trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 2466: giúp chúng ta hiểu thêm: “Chân lý của Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô. Chính Người, Đấng tràn đầy ân sủng và chân lý, là “Ánh Sáng thế gian” (Ga 8,12). Chính Người là chân lý. Mọi kẻ tin vào Người, thì không còn ở trong bóng tối. Môn đệ của Chúa Giêsu ở trong Lời Người, để nhận biết chân lý có sức giải thoát và thánh hoá. Bước theo Chúa Giêsu là sống bởi Thánh Thần chân lý, Đấng Chúa Cha đã sai đến nhân danh Người, và là Đấng sẽ dẫn đưa đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tuyệt đối yêu mến chân lý: “Trong lời nói của anh em, hể “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không” (Mt 5,37).

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng soi bước đường chúng con đi, Lời Chúa là chân lý và là sự thật, giải thoát chúng con khỏi bóng tối tội lỗi, dẫn dắt đức tin của  chúng con vững tin vào Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa đến muôn đời. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

20 Tháng Ba

Ánh Sáng Ðô Thị

Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và cũng có lẽ là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: “Ánh sáng đô thị”. Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái bán hoa.

Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng. Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa của nàng.
Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát giam giữ. Sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: “Cô đã thấy được rồi sao?”. Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: “Anh đấy sao?”. Thế là cả hai đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.

Cuộc gặp gỡ trong bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng của cuộc gặp gỡ trong đức tin giữa chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những con người có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ nào khác hơn là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một mời gọi tự do.

Những người Do Thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên về sứ mệnh của Ngài. “Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ”.

Ngày nay thì trái lại, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường như không còn tin ở phép lạ nữa. Tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ, con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Chúng ta có thể ngạc nhiên tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những người biệt phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay. Tại sao Ngài không viết tên Ngài trên trời để xóa tan mọi nghi ngờ trong lòng người? Thiên Chúa có lối sư phạm của Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một Thiên Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của con người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên con người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Và, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ cả thể nhất, bởi vì đó là dấu chứng của tình yêu. Chúa Giêsu đã nói đến dấu chứng đó khi dùng hình ảnh của tiên tri Giona. Giona được Thiên Chúa sai đến cho dân thành Ninivê. Ông tưởng Chúa sẽ dùng ông để làm một dấu lạ cả thể khiến dân thành sẽ tin vào sứ mệnh của ông. Nhưng cuối cùng, qua con người của ông, Thiên Chúa chỉ kêu mời sự hoán cải và tình yêu.

Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta qua những sinh hoạt và những biến cố tầm thường nhất trong cuộc sống. Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài trong cái ăn, cái uống, cái mặc, trong tiếng cười, tiếng khóc, trong tất cả mọi gặp gỡ của chúng ta với tha nhân. Và ngay cả trong cái chết mà con người cho là điểm cuối cùng của cuộc sống, Thiên Chúa cũng có mặt.

Nhận ra Ngài như cô gái bán hoa đã nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Một đức tin trưởng thành không đòi hỏi và thử thách Thiên Chúa, nhưng tín thác và nhận ra dấu chỉ của Ngài qua những cái tầm thường nhất của cuộc sống.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần V – MC

Bài đọc: Dan 3:14-20, 91-92, 95; Jn 8:31-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự thật giải phóng con người.

Con người thường không muốn người khác vạch ra những điều sai trái của mình, nhất là đối với những người có quyền thế. Nhưng dù sự thật mất lòng nhưng có sức mạnh giải phóng con người. Nhiều người tưởng mình đang sở hữu sự thật, nhưng thực ra họ đang làm nô lệ cho sự giả trá. Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm vào việc con người phải tìm ra sự thật, vì sự thật sẽ giải phóng con người.

Trong Bài Đọc I, Vua Nebuchadnezzar nghĩ các thần do tay mình dựng nên là thần thật nên bắt ba trẻ Do-thái phải sụp lạy chúng khi nhạc khí xướng lên; nếu không sẽ quăng chúng vào lò lửa đang cháy. Ba trẻ Do-thái từ chối vì họ nhất quyết chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi. Khi chính mắt nhìn thấy uy quyền của Thiên Chúa từ lò lửa, chính vua Nebuchadnezzar đã khiêm nhường thú nhận: chỉ có Thiên Chúa của ba trẻ Do-thái thờ là Thiên Chúa thật. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn chỉ cho người Do-thái thấy họ thực sự không phải là con cái của Abraham, vì họ không làm những gì tổ-phụ Abraham đã làm: tin Thiên Chúa và đón tiếp các ngôn sứ Ngài gởi tới. Họ không tin những gì Ngài nói và đang tìm cách giết Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ba trẻ Do-thái làm chứng cho sự thật.

1.1/ Ba trẻ Do-thái từ chối không thờ thần nào khác ngòai Thiên Chúa: Vua Nebuchadnezzar đe dọa ba trẻ: Này Shadrach, Meshach, và Abednego, nếu các ngươi không phụng sự các thần của ta và không chịu thờ lạy pho tượng vàng ta đã dựng nên, tức khắc các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa đang cháy phừng phực, để xem có Thiên Chúa nào cứu được các ngươi khỏi tay ta chăng?”

Ba trẻ Do-thái can đảm nói với Vua: “Chúng tôi không cần trả lời ngài về chuyện này. Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!” Vua tức giận, lên tiếng truyền đốt lò lửa mạnh hơn mọi khi gấp bảy lần. Rồi vua ra lệnh cho những người lực lưỡng nhất trong quân đội của vua trói ba trẻ và quăng họ vào lò lửa đang cháy phừng phực.

1.2/ Vua Nebuchadnezzar nhận ra Thiên Chúa của Shadrach, Meshach, và Abednego.

(1) Vua nhận thấy sự khác lạ xảy ra trong lò lửa: Vua Nebuchadnezzar ngạc nhiên đứng bật dậy và cất tiếng nói với các quan cố vấn: “Chẳng phải chúng ta đã quăng ba người bị trói vào lửa sao?” Họ đáp rằng: “Tâu đức vua, đúng thế!” Vua nói: “Nhưng ta thấy có bốn người đang tự do đi lại trong lò lửa mà không hề hấn gì, và dáng vẻ người thứ tư giống như con của thần minh.”

(2) Vua tin vào Thiên Chúa của ba trẻ: Khi nhận ra Thiên Chúa đã gởi thiên thần đến cởi trói cho ba trẻ để họ đi lại trong lò lửa mà không hề hấn gì, Vua Nebuchadnezzar cất tiếng nói: “Chúc tụng Thiên Chúa của Shadrach, Meshach, và Abednego, Người đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Người là những kẻ đã tin tưởng vào Người. Họ đã cưỡng lại lời vua, hy sinh tính mạng để khỏi phụng sự và thờ lạy một thần nào khác ngoài Thiên Chúa của họ.”

2/ Phúc Âm: Sự thật sẽ giải phóng các ông.

2.1/ Chúa Giêsu là sự thật của Thiên Chúa.

(1) Sự thật giải phóng: Đức Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, họ phải tin những lời Ngài nói là sự thật; và những lời này sẽ giải phóng họ khỏi những gì sai trái. Lúc đó họ sẽ có tự do đích thực, vì họ đã biết sự thật. Vì thế, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa: ở lại trong lời Chúa Giêsu, trở thành môn đệ, sự thật, và tự do đích thực.

Những người Do-thái không hiểu lời Chúa Giêsu nói, nhưng tự ái vì Ngài ám chỉ họ làm nô lệ. Họ đáp: “Chúng tôi là giòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Thực sự, người Do-thái đã từng làm nô lệ cho Ai-cập, Assyria, Babylon, và Rome; nhưng ý họ muốn nói: họ thuộc giòng dõi Abraham, dân của Thiên Chúa.

(2) Chúa Giêsu giải phóng con người khỏi tội: Điều Chúa Giêsu muốn nói là họ đang làm nô lệ cho tội: hễ ai phạm tội là làm nô lệ cho tội. Có một sự khác biệt giữa con cái và nô lệ: con cái được ở trong nhà luôn mãi, nô lệ không được như vậy vì có thể bị bán và tống cổ bất cứ lúc nào. Chúa Giêsu muốn cảnh cáo người Do-thái: các ông phải coi chừng, các ông hãnh diện mình là con cái của Abraham; nhưng nếu các ông phạm tội, các ông trở thành nô lệ, và có thể bị tống cổ ra ngòai.

Nếu họ tin vào Chúa Giêsu, họ sẽ được giải phóng khỏi tội, và họ mới thực sự được tự do; nhưng người Do-thái chẳng những không tin vào lời Chúa Giêsu, lại còn tìm cách giết Ngài. Chúa Giêsu phân biệt Cha của Ngài và cha của người Do-thái. Họ hãnh diện tuyên xưng: Cha chúng tôi là Abraham.

2.2/ Tổ-phụ Abraham tin vào Thiên Chúa: Chúa Giêsu không tin lời họ nói; vì nếu họ là con cháu Abraham, họ có cùng Cha với Ngài vì Abraham tin vào Thiên Chúa. Ngài muốn nói với họ, đức tin không phải chỉ tuyên xưng ngòai miệng, nhưng phải chứng tỏ bằng việc làm: “Giả như các ông là con cái ông Abraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Abraham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Abraham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”

Abraham đón tiếp các sứ giả của Thiên Chúa (Gen 18:1-8), chứ không tìm cách giết họ như người Do-thái đang tìm cách giết Chúa Giêsu. Nếu các ông tìm cách giết người được Thiên Chúa sai đến, các ông không phải là con cái Thiên Chúa, cũng chẳng phải là con cái của tổ-phụ Abraham.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải học cho biết sự thật bằng bất cứ cách nào, vì chỉ có sự thật mới giải phóng và cho chúng ta sự tự do đích thực.

– Bao lâu chúng ta còn phạm tội là làm nô lệ cho tội. Chỉ có Đức Kitô mới có thể giải phóng chúng ta khỏi làm nô lệ cho tội. Chúng ta phải tin và làm những gì Ngài dạy.

– Đức tin không chỉ là những gì chúng ta hãnh diện tuyên xưng ngòai miệng, nhưng phải biểu tỏ bằng việc làm. Chúng ta không được cứu bằng chỉ tuyên xưng ngòai miệng, nhưng phải thực hành những gì Chúa dạy và phải can đảm làm chứng cho Ngài bằng hành động.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************